khktmd 2015
Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015
Hiệp Thông - Lm Phạm Trung Thành
Trong những ngày gần đây, tin tức của Giáo Hội Việt Nam lại nổi cộm lên các vụ tranh chấp về nhà cửa đất đai giữa các cơ quan nhà nước và các dòng tu hoặc Giáo Phận. Có thể kể như vụ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, gần đây nhất là vụ Tòa Khâm Sứ và Tu Viện Cát Minh Hà Nội, hai hôm nay lại là vụ Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang. Đây là những vụ nổi cộm mà thông tin cách này cách khác loan đi ở mức độ rộng rãi, có nhiều vụ việc khác vì nhiều lý do nên thông tin chưa hoặc không thể phổ biến.
Có thể nói kể từ khi chế độ cộng sản cầm quyền, các cơ sở tôn giáo bị trưng dụng mạnh mẽ. Năm 75 chính sách ấy được áp dụng tại miền Nam, bao nhiêu linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bị tù đày do phản ứng lại chính sách này, những cuộc tranh chấp liên tục và không ngừng xảy ra khắp nơi, tùy tình hình chính trị xã hội mà nặng nhẹ khác nhau. Năm 2008 cuộc tranh chấp bước sang một khúc quanh mới với sự kiện Tòa Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà, từ đó kéo theo một loạt các vụ khác mà hậu quả của nó khốc liệt không kém.
Tình hình tôn giáo nói chung rất bi quan, mặc dù các cơ quan truyền thông nhà nước, đặc biệt là các cơ quan truyền thông mang danh tôn giáo ra sức ca ngợi và tung hô, xác nhận có tự do tôn giáo, nhưng các trang mạng xã hội ngày càng chiếm uy thế về khối lượng thông tin, và làm phơi bày mặt trái của thông tin nhà nước.
Lâu ngày, một số lớn các cơ sở không còn dùng cho mục đích công cộng nữa, qua tay một vài đơn vị sử dụng, rồi bỗng một ngày rơi vào tay một tổ chức tư nhân, họ sử dụng cơ sở hoặc đập bỏ để xây dựng cơ sở kinh doanh mới. Tình trạng được đẩy tới chỗ bất công hơn khi chính các cơ quan nhà nước dứng ra thưc hiện và công an bảo vệ cho việc làm này.
Chúng ta có thể lấy ngay sự kiện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vừa qua làm bằng chứng sống động, từ trường học rồi cơ quan hành chánh phường và bây giờ đập bỏ để làm cái gì??? Hoặc Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang, năm 1976 trưng dụng với lý do đất bờ biển, phục vụ quốc phòng, tuy nhiên kinh doanh làm khách sạn Hải Yến suốt gần 40 năm nay, bây giờ sang cho một công ty tư nhân đang đập bỏ để xây khu thương mại phức hợp mới. Mảnh đất hơn 7.000 mét vuông ở giữa quận 3 của Dòng Chúa Cứu Thế, năm 1978 sang đoạt khu đất này với lý do lấy đất xây chung cư cho người khu ổ chuột kênh rạch, nhưng ngay khi tước đoạt, lập tức xây dựng hồ bơi để kinh doanh cho đến hôm nay…. Và ta có thể kể ra hàng trăm trường hợp khác như thế.
Về phía Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, gần đây một số văn bản đã minh định rõ quan điểm và lập trường của Giáo Hội, có thể liệt kê:
Thư của Hội đồng Giám Mục Việt Nam gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp, do Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ký ngày 01 tháng 3 năm 2013
Số II: Quyền làm chủ của nhân dân,
Số 3, phần: Chúng tôi đề nghị:
Chính sách đất đai: “Hiến pháp hiện hành chỉ công nhận quyền sử dụng đất chứ không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Điều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng. Vì thế, hiến pháp mới cần phải công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới”
Và văn bản: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Nhận định và góp ý Dự thảo 4, luật tín ngưỡng tôn giáo.
Phần I: Nhận định chung: Nhìn chung, bản Dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.
Phần II: Một số chi tiết:
Số 3: Điều 15 của Dự thảo 4 liệt kê các hoạt động của tổ chức tôn giáo sau khi được cấp đăng ký hợp pháp. Trong các hoạt động này, thiếu hẳn những quyền để duy trì sự “tồn tại” của tổ chức tôn giáo. Trong khoản 1 chỉ công nhận việc “sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình thuộc cơ sở tôn giáo”, nhưng lại không nói đến quyền sở hữu và sử dụng cơ sở.
Số 13: Điều 66: Quy định về việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, nhưng chỉ nói đến việc khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo luật tố tụng hành chính. Việc tổ chức tôn giáo có quyền khiếu kiện tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình không được đề cập: chẳng hạn khi bị lấn chiếm đất đai, cơ sở tôn giáo.
Phần III: Kiến nghị:
Vì vậy, chúng tôi đề nghị:
– Không đồng ý Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
– Soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.
– Bản Dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.
Bản nhận định và góp ý này của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đươc Đức Cha Cosma Hoàng văn Đạt, Tổng Thư ký HĐGMVN ký ngày 04 tháng 05 năm 2015.
Thiết nghĩ với tư cách Hội Đồng Giám Mục, các văn bản minh định như thế là đủ, các Giáo Phận, Dòng tu hoặc Giáo xứ cứ quy chiếu vào quan điểm đó mà lên tiếng và thực hiện quyền của mình. Có lẽ cái thiếu là chúng ta không bám chặt vào quan điểm của Hội Đồng Giám Mục nên không kiên vững lập trường, một số nơi có những cá nhân nhát đảm không kiên vững lập trường.
Điều quan trọng nhất là chúng ta thiếu hiệp thông để nâng đỡ và chia sẻ thật sự với những nơi có vấn đề. Không phủ nhận nhiều nơi, nhiều tổ chức trong Giáo Hội hiệp thông cầu nguyện, nhưng thiết tưởng chỉ cầu nguyện không chưa đủ, sự hiệp thông cần phải thể hiện cụ thể hơn nơi sự chia sẻ và đảm nhận đồng thân đồng phận với nhau như chính Thiên Chúa đã chia sẻ và đồng thân đồng phận với con người để cứu con người, Chúa Giêsu đã dâng lời cầu nguyện trong mầu nhiệm đồng thân đồng phận với con người.
Thứ sáu tuần thứ 32 thường niên, trong bài đọc hai Kinh Sách thuộc thần vụ có lời thế này: “Ăn chay tốt hơn cầu nguyện, nhưng bố thí thì lại tốt hơn cả hai”, (Trích trong bài giảng của một tác giả vào thế kỷ thứ hai), tưởng phải hiểu hai chữ bố thí ở đây là sự chia sẻ, và đồng thân đồng phận với người khác, hai chữ bố thí cho thấy đối tượng chia sẻ là những người bất hạnh, đau khổ và cần đến sự cứu giúp của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta chữa trị căn bệnh vô cảm của nhân loại hôm nay, phải chữa trị ngay cho mình trước khi nghĩ đến việc chữa trị cho người khác. Nếu con bò nhà mình bị rơi xuống hố mình có tìm mọi cách kéo nó lên hay ngồi đó so đo tính toán? So đo tính toán việc cứu giúp anh em là vô cảm đấy, coi chừng ngày mai sẽ đến lượt mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét