Đại học Huế được thành lập và khai giảng vào tháng 9, 1957. Việc thành lập này thật sự cũng không đơn giản, vì có vô số trở ngại như sự chống đối của một số giáo sư Đại học Sài Gòn, sự thiếu cơ sở vật chất và nhất là thiếu một ban giảng huấn tạm thời lúc ban đầu.
Nói sao cho hết những khó khăn ấy. Nay nhắc lại thì chỉ những người ở trong cuộc mới hiểu rõ tất cả.
Nhưng sự thành lập đại học Huế là đáp ứng lại nguyện vọng của các nhân sĩ Huế muốn có một đại học riêng ở miền Trung. Nguyện vọng ấy cũng đáp ứng đúng tâm tư TT Ngô Đình Diệm và ông đã nhận lời và mau chóng đáp ứng nguyện vọng ấy vào năm 1957.
Dưới mắt ông Ngô Đình Diệm, việc thành lập Đại học Huế ngay sát nách vùng ranh giới phân chia Nam Bắc qua con sông Bến Hải còn có thể là một thách đố chính trị. Ông muốn chứng tỏ cho phía bên kia Bến Hải là: Chúng tôi đang có mặt ở đây.
Đại học Huế vì thế sẽ là biểu tượng của miền Nam như một thể chế chính trị-văn hóa độc lập và dân chủ.
Tổng thống Ngô Đình Diệm ngoài việc ổn định chính trị và thể chế, có thể còn có ba ước mơ riêng canh cánh bên lòng. Đó là biến trường Võ Bị Sĩ quan Đà Lạt thành trường đại học quân sự đào tạo những sĩ quan đa ngành, đa hiệu. Thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh đào tạo những cấp chỉ huy hành chánh cho nền Cộng Hòa miền Nam với sự hỗ trợ của trường Đại Học Michigan State University (MSU) và một trường Đại Học cho Huế.
Đó là những đứa con cưng của chế độ.
Tổng thống Ngô Đình Diệm nhìn tương lai chế độ qua ba cách đào tạo đó. Trường Võ bị huấn luyện những sĩ quan trẻ, có trình độ văn hóa đại học cho một quân đội hùng mạnh. Trường Hành Chánh đào tạo một lớp cán bộ quản lý, thay chế độ hành chánh phong kiến, quan liêu bằng một chế độ hành chánh hữu hiệu theo lối Mỹ. Và trường Đại Học Huế sẽ cung cấp những người trí thức về đủ các ngành như sư phạm, luật khoa, văn khoa và cả y khoa nữa.
Người ta thấy được rõ ràng cái niềm tự hào của TT Ngô Đình Diệm với niềm vui sướng rạng rỡ trên khuôn mặt tròn trĩnh của tổng thống trong mỗi dịp chủ tọa lễ tốt nghiệp sinh viên sĩ quan võ bị Đà Lạt. Vì thế, ra Huế là Tổng thống thường rẽ sang Đại học xem Lm Cao Văn Luận mần ăn thế nào.
Nhưng theo tôi, hơn hết tất cả, Đại học Huế đáp ứng khát vọng sâu xa và thầm kín của người dân miền Trung – một phần đất với những người con dân Huế cần cù hiếu học, và cũng đầy mặc cảm đủ loại với niềm tự hào của 85 năm triều Nguyễn trước khi bị Pháp thuộc.
Mặc cảm ấy đã bị dầy xéo bằng nhiều cách, nhưng nhục nhã nhất vẫn là việc bôi nhọ Nguyễn Ánh Gia Long. Trong tương lai, lich sữ sẽ trả lại công đạo cho triều đại nhà Nguyễn. Ít nhất là cái công thống nhất sơn hà sau mấy trăn năm chiến tranh giành ảnh hưởng.
Về Đại học Huế, có lẽ xin mời độc giả đọc bài viết cũ đã đăng nhiều nơi trên mạng của Gs Nguyễn Văn Trường: “Huế – viện đại học, cha Luận và chúng tôi…” cùng bài nói chuyện của ông tại hội cựu giáo chức Houston, ngày 28 tháng 2, 2010, “Cuộc tình lớn của tôi” hay “Một ông thầy giáo nghiêm túc nói chuyện tình”, cả hai là tâm tình của một người dân xứ Nam Kỳ, nhận làm con rể của xứ Huế, với những phân tích trung thực với đầy lòng tự hào và cảm mến Lm Luận, Đại học Huế, người dân xứ Huế… rồi cuối cùng cũng đành bỏ Huế mà đi… như chính người dân Huế.
Kể cũng lạ, người Huế thường viết và ca tụng đủ thứ về Huế, nhưng lại kỵ viết về Viện Đại Học Huế.
Viện trưởng lúc bấy giờ là một ông Lm – một sự chọn lựa éo le, khó xử cho dân Huế vốn đa phần theo Phật giáo.
Tuy nhiên, vị viện trưởng này đã làm chuyện mà giả sử vào tay người khác- một viện trưởng công chức – thì vị tất đã được như vậy.
Khả năng chính của Lm Luận là thu hút được nhân tài từ nhiều nguồn, nhiều phía, từ trong nước đến ngoại quốc về giúp giảng dạy ở đại học Huế. Một trong số những người ấy là Gs Lê Văn – một trong những người được Lm Luận đưa đi du học sau về làm việc cho Viện Đại Học Huế trong vai trò Khoa Trưởng Đại học Sư Phạm. Viện Đại Học Huế cụ thể là Đại Học Sư Phạm Huế, đã được vinh danh trong hai số 8 (2000) và 10 (2001) của tạp chí Dòng Việt, Nam Californuia, do Liên Chi và Lê Văn chủ trương biên tập. Là tạp chí đầu tiên xuất bản ở Bắc California, Dòng Việt do Gs. Hà Mai Phương làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.
Lm Cao Văn Luận đã trải qua những thời vinh quang và thử thách và cuối cùng cũng đành bỏ ra đi.
Trách ai bây giờ? Và trách để làm gì?
Ông là người ngay từ trước khi đại học Huế được thành lập đã có kế hoạch trồng người bằng cách gửi các sinh viên Huế ưu tú đi du học để kéo về đoàn tụ dưới mái trường đại học Huế.
Việc thiết lập Đại học Huế, tuy vậy, đã bị các thành phần trí thức giảng dậy ở Sài Gòn phản đối dữ dội, chê bai đủ thứ. Đặc biệt là trường Y Khoa Saigon vì họ cho rằng Huế không có đủ khả năng chuyên môn, Gs không đủ học vị và nhất là giảng dạy bằng tiếng Việt.
Trong tất cả sự phản đối ấy có thể đều đúng hết chứ không phải sai, nhưng người ta vẫn còn có thể cho thấy lẻ loi đằng sau các phản đối ấy sự hẹp hòi, sự đố kỵ và sự khinh miệt.
Nhưng giáo dục là đường dài, liệu cơm gắm mắm, có ai hoàn hảo từ lúc khởi đầu. Tự nó, Đại học Huế đã chứng minh sau này nó phát triển và trưởng thành về mọi mặt.
Trong số những người từ Sài Gòn ra giảng dậy lúc bấy giờ chính thức tại Huế chỉ có hai người. Nguyễn Văn Trung phụ trách môn Triết và Nguyễn Văn Trường, dạy toán. Họ đều là những người trẻ chân ướt chân ráo từ ngoại quốc vể thiếu đủ mọi thứ kinh nghiệm.
Và cứ như thế mà họ lớn lên cùng với Đại học Huế.
Sau đó, theo lời Gs Trung cho biết, ông đã đề nghị với Lm Luận cho xuất bản tờ Đại Học – một tập san đại học mà ngay ở Sài Gòn cũng chưa có được.
Linh mục Luận đồng ý ngay. Khoán trắng theo nghĩa muốn làm gì thì làm – mời người viết bài, chọn lọc bài vở từ nhiều khuynh hướng- miễn là đem lại lợi ích và danh thơm cho đại học Huế. Và thế là tờ Đại Học ra đời, xuất bản hàng tháng. Tờ Đại Học có thể nói đã mang tầm vóc Đại học Huế trang trải ra khắp nơi.
Chữ Đại Học ở đây không mang ý nghĩa một tập san chuyên môn của một chuyên khoa đại học. Nó chỉ có ý nghĩa là một tập chí do một viện đại học xuất bản và trong đó có đủ mọi lãnh vực. Nó đã gây được sự chú ý và tiếng vang và chỉ vài tháng sau thì đã có đủ số độc giả để tự túc về tái chánh. Sau này, ông đại sứ Ngô Đình Luyện đã tặng Đại học Huế một máy in và từ đó không còn phải in ở nhà in Nam Sơn Sài gòn nữa.
Mục đích của tờ Đại Học là một sứ mệnh văn hóa
Sứ mệnh một bên là khai phá mở cửa và đón nhận các trào lưu tư tưởng hiện đại và mặt kia là bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền. Vì thế, tập san đã in lại được nhiều bộ sách cổ thời nhà Nguyễn.
Tờ Đại Học muốn chứng tỏ cho mọi người thấy đại học không phải là một môi trường khép kín. Tự trị đại học không có nghĩa đóng cửa. Nhưng tự trị về mặt quản lý còn những mặt khác mở tung cửa ra cho mọi thành phần. Đại học là môi trường thuận tiện cho mọi khuynh hướng, mọi ý kiến, mọi quan điểm có quyền phát biểu trình bầy và bảo vệ quan điểm của mình.
Đó là một nền văn hóa mang tính đại chúng!
Và để thực hiện được điều ấy tờ Đại học cổ súy việc dùng tiếng Việt trong việc giảng dạy bất kể những khó khăn ban đầu về danh từ.
Tờ Đại học ra đời là nhằm đạt các mục tiêu vừa nêu trên.. Trong suốt 6 năm trời, tờ Đại học đã đồng hành và phát triển cùng với sự phát triển của đại học. Tờ báo với số báo đầu tiên, tháng 2-1958 và chấm dứt, tháng 8, 1964, vài sau tháng khi chế độ Đệ nhất Cộng hòa miền Nam sụp đổ.
Sự chấm dứt tờ Đại học sau khi sụp đổ nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam cho thấy những người mới có một tầm nhìn hạn hẹp và ngắn hạn.
Có tất cả hơn 300 bài viết nghiên cứu về triết học, sử học, địa lý, luật học, ngôn ngữ học, ngữ pháp học, văn học và cả ngành y khoa.. trong khoảng 4000 trang tài liệu.
Số phận tờ Đại Học chết không phải vì không có độc giả. Số phận của tờ báo liên quan đến số phận chính trị miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa. Đáng lẽ, dù thay đổi thể chế chính trị thì cũng không có lý do gì để đóng cửa tờ Đại Học.
Rất tiếc sứ mệnh văn hóa đã bị đánh đồng với số phận chính trị
Trong suốt những năm tháng ấy, có hai đời chủ bút, “Chủ-trương biên-tập”. Từ 1958 đến 1962 do Gs Nguyễn Văn Trung chủ trương. Vì những lý do chính trị, Gs Nguyễn Văn Trung bắt buộc phải rời bỏ Huế về dạy Văn Khoa Sài Gòn theo lệnh của Bộ trưởng Giáo dục. Tập chí Đại Học sau đó được Gs Trần Văn Toàn tiếp tục làm công việc “Chủ-trương biên-tập” cho đến lúc tình hình chính trị miền Trung sôi động, bất ổn vào tháng sáu, năm 1964.
Tờ báo tự đóng cửa một cách thầm lặng, không một lời chia tay độc giả. Như một sản phẩm dư thừa của nền Đệ nhất Cộng hòa.
Thôi thì nó cũng đã làm tròn nhiệm vụ, là tiếng nói của một thời kỳ của một miền Nam thân yêu.
Ngày hôm nay, với tiến bộ của ngành công nghệ thông tin, tôi mong muốn thấy các số báo Đại Học cũ, đang rơi vào tình trạng có nguy cơ mục nát, mối mọt sau hơn nửa thế kỷ, đúng ra là đã hơn 57 năm kể từ số đầu tiên, đến tay bạn đọc toàn cầu.
Nghĩ tới những trang báo Nam Phong, Tập san sử địa, Tri Tân, BAVH và Phong Hóa đã được số hoá mà tôi mong muốn sớm thực hiện công việc này.
Tôi cũng nghĩ tới số phận những đứa con rơi như Đông Dương Tạp Chí không người trách nhiệm, không có con cháu, không hậu duệ, không cơ quan tài trợ mà ngày nay chúng ta không được cái may mắn tìm đọc học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Đọc Phạm Quỳnh mà không đọc Nguyễn Văn Vĩnh là thiếu một nửa.
Tôi nghĩ đây chẳng những là một gia tài của viện Đại hoc Huế, của người dân xứ Huế mà còn là một di sản tinh thần, vốn văn hóa của cả miền Nam thần yêu của chúng ta. Tôi cũng nghĩ đây là dịp để các cựu sinh viên đại học Huế đủ các phân khoa tìm về kỷ niệm thời đi học của mình qua tờ Đại Học và để tạo dịp ngồi lại với nhau
Tờ Đại Học nó không là của ai cả. Nó là của cả miền Nam!
Tôi sẽ tiến hành thực hiện việc đưa “Đại học” đến với người đọc toàn cầu thay cho tất cả những tác giả đã cộng tác với tờ tạp chí cùng hai vị “Chủ-trương biên-tập”. Và trong chừng mực nào đó, nó là một cách tưởng niệm và tri ân Lm Viện trưởng Cao Văn Luận.
Tôi vẫn tự hỏi, nếu không có Lm Luận thì Viện Đại học Huế sẽ như thế nào. Lớp bụi thời gian, lịch sử Huế với nhiều biến động nay đã phải là lúc người ta cần ngồi lại với nhau để nhìn nhận ra chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét