khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Thỏa Ước Iran: Một "Quái Ước" ! - Tác giả Vũ Linh



Truyền thông phe ta đang tung hô việc thoả ước Iran bắt đầu có hiệu lực, là thành tích ngoại giao vĩ đại nhất của TT Obama, ngang hàng với thành tích đối nội vĩ đại nhất là Obamacare. Đây là thỏa ước được đúc kết giữa 5 cường quốc có quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng, thêm Đức (gọi là 5+1), với Iran. Có mục đích tháo bỏ cấm vận Iran đổi lấy việc Iran sẽ ngưng mọi công tác khai triển vũ khí nguyên tử, không phải là vĩnh viễn, mà trì hoãn lại trong vòng 10-15 năm.

Vĩ đại hay không tùy cách nhìn. Đối với kẻ viết này thì cái thoả ước này có rất nhiều điều “quái lạ”, mà hầu hết những người tung hô thoả ước không nhìn thấy, hay không muốn nhìn thấy, hay không hiểu, khiến ta chỉ có thể gọi nó là “quái ước”!

QUÁI LẠ THỨ NHẤT: HIỆP ƯỚC NHƯNG KHÔNG PHẢI HIỆP ƯỚC

Tháng Sáu vừa qua, các cường quốc và Iran đạt được thoả thuận về kiểm tra việc chế tạo bom nguyên tử của Iran và tháo bỏ cấm vận. Nhà Nước Obama chính thức gọi đây là một “framework agreement”, tức là thoả thuận khung, không phải là một hiệp ước hay hiệp định (treaty), mà chỉ là một “thoả thuận của Hành Pháp không có hiệu lực áp chế” (non-binding executive agreement), do đó không cần phê duyệt của Thượng Viện (viết tắt là TV).

Tại sao Nhà Nước Obama không gọi là hiệp ước? Vì đây chỉ là trò chơi chữ, ma nớp lách luật để thoả ước có thể được thi hành mà không cần TV phê chuẩn vì Nhà Nước Obama biết trước sẽ không thể nào có đủ phiếu để được TV phê chuẩn. Đưa đến việc TV –cả Cộng Hoà lẫn Dân Chủ- phản đối, cho rằng tổng thống không có quyền lách Hiến Pháp, qua mặt TV như vậy.

Theo Hiến Pháp, nếu là một hiệp ước quốc tế (international treaty) thì phải có hai phần ba TV phê duyệt, tức là cần phải có 67 nghị sĩ đồng ý, vì TV có 100 nghị sĩ. Thoả ước này chẳng những bị toàn thể khối Cộng Hòa chống, mà một số nghị sĩ phe ta thuộc đảng Dân Chủ cũng gia nhập “the party of NO” luôn, không thể thông qua được. Do đó, nhà ảo thuật Obama xếp loại đây là một “thoả thuận của Hành Pháp”, nằm trong quyền hạn của Hành Pháp, có thể thi hành mà không cần TV phê chuẩn. Hiển nhiên đây là ông phụ giảng Hiến Pháp ra tay.

Theo luật định, một “thoả thuận của Hành Pháp” chỉ cần được Thượng Viện xét lại –review- thôi. Và Thượng Viện có quyền bác bỏ hay chấp nhận với 51 phiếu thôi.

TT Obama đếm qua đếm lại, khám phá ra ông cũng không thể có tới 51 phiếu ủng hộ luôn. Bèn ra chiêu võ... phủ quyết. Nếu TV không cho TT Obama lách luật, thì ông sẽ phủ quyết TV. Một khi tổng thống phủ quyết thì TV phải cần hai phần ba, hay 67 phiếu để vượt qua phủ quyết, để không cho TT Obama lách luật. Có nghiã là TT Obama chỉ cần kéo được 34 nghị sĩ về phe ta thì phe chống đối chỉ còn 66 phiếu, thiếu một phiếu, không qua được phủ quyết. Kết quả, TT Obama đã kiếm được đúng 34 nghị sĩ đồng ý với ông ngày 2 tháng 9, sau ba tháng trả giá, đổi chác, kỳ kèo, năn nỉ,... với các nghị sĩ phe ta trong hậu trường. Thế là TT Obama “thắng”, có quyền thi hành thoả ước với Iran mà không cần phê chuẩn của TV.

TT Obama có thể không xuất chúng về tài trị quốc, nhưng quả là đại cao thủ về mánh mung lách luật. Còn cao tay hơn đại cao thủ Hillary Clinton đang múa chiêu lách luật qua hai vụ email và quỹ Clinton Foundation.

Truyền thông phe ta cũng như nhiều đệ tử của Đấng Tiên Tri nhẩy tưng tưng mừng rỡ vì thoả ước Iran thoát chết, đủ phiếu vượt qua được phủ quyết. Kiểu như học trò đứng chót lớp nhẩy tưng tưng mừng rỡ về khoe với bố mẹ là … chưa bị đuổi khỏi trường.

Tranh cãi ba tháng trời, cuối cùng TT Obama “thắng”. Đẻ ra được cái gọi là Joint Comprehensive Plan of Action (JCPA), mà tác giả dịch đại khái là Chương Trình Hành Động Chung.

QUÁI LẠ THỨ HAI: TẠI SAO LẠI BỊ CHỐNG ĐỐI?

Trên căn bản, đúng như Nhà Nước Obama quảng bá, thoả ước này sẽ ngăn cản không cho Iran xúc tiến việc chế tạo bom nguyên tử, mà chỉ cho Iran phát triển năng lượng nguyên tử trong mục tiêu hoà bình, chẳng hạn như xây nhà máy phát điện nguyên tử, cung cấp điện sạch và rẻ cho cả nước.

Trên nguyên tắc, một thoả ước hợp lý và tốt như vậy, sao lại chống đối?

Chống đối vì hiển nhiên, bỏ cấm vận có nghiã là bỏ cái kiếm treo lủng lẳng trên đầu các giáo chủ Iran, và không còn gì có thể dùng để kềm chế mấy ông đó làm bom nguyên tử nữa.

Thực tế trong quan hệ quốc tế, tất cả tùy thuộc vào thiện chí tôn trọng hiệp ước của các phe ký kết. Và cũng rất thực tế, thiện chí đó hoàn toàn tùy thuộc khả năng kềm hãm lẫn nhau của các phe. Kềm hãm nhau được thì hiệp ước sẽ được tôn trọng, không kềm hãm nhau được thì một bên sẽ dở trò kiếm chuyện xé bỏ hiệp ước rất nhanh.

Một khi cấm vận bị thu hồi, Mỹ sẽ chẳng còn gì để kềm hãm Iran nữa. Nói nếu Iran vi phạm thoả ước thì Mỹ và đồng minh sẽ áp đặt cấm vấn lại là nói chuyện vớ vẩn. Cấm vận không phải là chuyện muốn tái lập lúc nào thì tái lập, dễ như trở bàn tay. Trong tình trạng quan hệ Mỹ-Nga-Trung Cộng hiện nay, đố TT Obama hay bất cứ vị nào kế nhiệm ông có thể tái lập cấm vận được.

Cấm vận thật ra chỉ có hiệu quả trong những nước mà lãnh đạo biết lo cho dân, thấy dân khổ thì phải làm sao để cấm vận bị giải tỏa. Thực tế cho thấy qua tất cả những cấm vận, chỉ có người dân khố rách là thấy rách khố thêm, còn các lãnh tụ độc tài, vốn đã coi dân như ruồi, chẳng bao giờ bận tâm. Cấm vận, dân không có ăn, người bệnh không có thuốc, trẻ con không có sữa, thì đã sao? Các lãnh tụ vẫn no nê phè phỡn chẳng bao giờ thiếu bất cứ cái gì. Kim Chính Nhật và cả cậu ấm Ủn, tiệc tùng không bao giờ thiếu cognac hay xâm banh hảo hạng, bất kể cấm vận từ cả mấy chục năm nay. Do đó, bỏ cấm vận cũng tốt thôi.

Nhưng trong tình trạng Iran, cấm vận đã được áp dụng từ lâu nay và các giáo chủ muốn tìm cách tháo gỡ, vì dù sao thì cấm vận cũng gây trở ngại trong việc mua nguyên liệu chế tạo bom cũng như giới hạn thu nhập dollar bán dầu hỏa. Bỏ cấm vận chẳng những Iran có thể mua nguyên liệu, máy móc chế tạo bom, mà còn được lãnh khoảng 100 tỷ đô tiền bán dầu và thu hồi tài sản bị Mỹ phong toả. Vậy thì khi bỏ cũng cần phải điều đình, cò cưa giá cả. Coi cấm vận như là lá bài để trả giá, để đòi hỏi điều kiện bù đắp xứng đáng. Đằng này TT Obama giải tỏa cấm vận dựa trên... lòng nhân đạo và lời hứa suông. Cảnh sát đang bắt giữ một kẻ cướp, còng tay và chiả súng vào hắn. Bất thình lình đổi ý, cất súng, tháo còng và “hy vọng” tên cướp vẫn sẽ ngoan ngoãn ngồi yên chờ bị nhốt. Không quái lạ thì khi nào mới là quái lạ?
.
QUÁI LẠ THỨ BA: VẤN ĐỀ KIỂM TRA

TT Obama khẳng định sẽ có những biện pháp kiểm tra quốc tế. Nếu nói về kiểm tra quốc tế, thì không ai có kinh nghiệm bằng... dân tỵ nạn ta. Qua hai hiệp định, Geneva năm 1954 và Paris năm 1973, đình chiến tại VN đều được Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến Quốc Tế (ICCS) kiểm tra và bảo đảm. CSVN chưa bao giờ coi mấy cái Ủy Hội đó ra cái thớ gì. Người dân miền Nam ta cũng chẳng ai biết Ủy Hội làm cái trò trống gì, chỉ thấy mấy chữ ICCS thì kháo nhau nghiã là... “Ị Chùi Chưa Sạch”. Kết quả là hơn hai triệu dân ta đã thành dân tỵ nạn.

Có người bào chữa đây là thoả ước với sự thoả thuận của 6 cường quốc, đâu phải chuyện vớ vẩn, muốn xé bỏ lúc nào cũng được. Đó là quên mất hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh VN là một hiệp ướp chính thức, có đầy đủ chữ ký của mọi bên, có hiệu lực áp chế đàng hoàng chứ không có “non-binding” như thoả ước với Iran. Sau khi ký kết, lại còn được thêm một hội nghị quốc tế với đâu 14 cường quốc, có cả Liên Hiệp Quốc, họp lại tại Paris để ký một tuyên cáo xác nhận tất cả sẽ đứng ra bảo đảm hiệp định phải được tất cả mọi phe tôn trọng. Tất cả chỉ khiến cho Lê Duẩn cười khẩy.

Trên nguyên tắc, việc kiểm tra sẽ do cơ quan quốc tế International Atomic Energy Agency (IAEA) đảm trách, được ghi trong một bản thoả ước phụ (bí mật, không công bố!). Bất ngờ thiên hạ khám phá ra IAEA đã đồng ý để Iran... tự kiểm tra!!! Hay nói cho đúng hơn, Iran sẽ cung cấp dữ liệu, hình ảnh, phim video và mẫu hoá chất, bom, đạn, … để IAEA xem xét, chứ IAEA không được vào các nhà máy nguyên tử để thanh tra. Iran đưa cái gì thì IAEA kiểm tra cái đó. Kiểm tra kiểu này thì đứa con nít tiểu học cũng biết là vô nghiã lý, kiểm tra làm gì cho nhức đầu và tốn tiền.

Mà điều lạ hơn nữa là chính ngoại trưởng John Kerry, trong cuộc điều trần trước quốc hội đã nhìn nhận ông không biết IAEA thỏa thuận những gì với Iran vì chưa đọc bản thoả ước phụ đó. Quả là chuyện không tiền khoáng hậu. Ông chủ chốt trong một cuộc điều đình mà chưa đọc bản thoả ước, cho dù là bản phụ đính? Chắc tại khi bản thoả ước phụ được thảo thì cũng là lúc ông Kerry bị té xe đạp gẫy chân, mắc đi về Mỹ băng bột nên không có dịp đọc.

Một chuyện bí hiểm nữa. Thoả ước giới hạn tối đa việc Iran nhập cảng uranium để không cho Iran dùng nguyên liệu này chế bom. Bất ngờ sau khi thoả ước vượt qua được rào cản quốc hội Mỹ, Iran thông báo mới “khám phá” ra một mỏ uranium rất lớn trong nước. Làm như thể chuyện khám phá ra “mỏ uranium rất lớn” là chuyện có thể xẩy ra qua đêm. Buổi tối đi ngủ không có gì, sáng hôm sau mở mắt dậy thấy một mỏ uranium mênh mông? Mà lại đúng lúc sau khi TT Obama đã “thắng” được quốc hội, không sớm hơn một ngày. Đấng Tiên Tri có phù phép thì các giáo chủ cũng biết … phép phù.

Không ai rõ Iran đang mưu đồ gì. Có thể là đã tích trữ uranium từ trước, mai mốt mang ra xài mà không bị tố là đã không khai báo khi điều đình thoả ước. Cũng có thể chuẩn bị cớ để sau này có thể nhập cảng lậu từ Kazakhstan hay Zimbabwe, là những nước độc tài chuyên bán lậu uranium cho thế giới?

Không hiểu IAEA kiểm tra vụ này như thế nào? Bí mật!
.
QUÁI LẠ THỨ TƯ: MỘT HIỆP ƯỚC KHUYẾN KHÍCH CHIẾN TRANH?

Trong tình trạng hiện tại, Iran bị cái kiếm cấm vận lủng lẳng trên đầu, Do Thái đỡ lo nên sẽ không có lý do đánh Iran. Nếu bỏ cấm vận, kiểm tra không kỹ, Iran tiến hành việc chế tạo bom, Do Thái sẽ cảm thấy trực tiếp bị đe dọa, rất có thể sẽ ra tay trước, dội bom các nhà máy nguyên tử Iran. Có thể sẽ đưa đến đại chiến tại Trung Đông. Cái nguy này, TT Obama có nghĩ là có thể xẩy ra không?

Do Thái là xứ nhỏ xíu, chỉ cần hai trái bom nguyên tử là cả nước bị xóa khỏi bản đồ. Do Thái chống đỡ cách nào? Ngồi chờ hỏa tiễn nguyên tử bay trên nền trời Tel Aviv rồi bắn để bom nguyên tử nổ tung trên trời, giết nhiều người hơn nữa? Hay đánh bom nhà máy nguyên tử tại Iran trước?

Nếu chuyện này xẩy ra thì cũng... huề tiền. TT Obama khi đó đang bận đi đánh gôn và lãnh tiền viết hồi ký, để phân bua và đổ thừa. Các đệ tử của ông sẽ ghi chép lại cho kỹ diễn giải của ông ta để lập lại cho đúng bài bản. Rằng thì là mà...

Nếu có ngày đó, chỉ mong mấy người bây giờ đang vỗ tay hoan hô thoả ước đừng nói câu “ai mà ngờ được...”
.
QUÁI LẠ THỨ NĂM: ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT

Bình thường, trong việc điều đình với nhau, hai bên đều lớn tiếng chửi bới, tố giác qua lại, để tìm thế thượng phong trong việc cò cưa trả giá. Rồi sau khi đạt được thoả thuận thì cả hai bên vui vẻ ôm nhau cười nói, cụng ly ăn mừng. Chuyện bình thường.

Nhưng trong cái thoả ước Iran này, có cái điều bất bình thường là sau khi hai bên đã thoả thuận, thì một bên nỗ lực trấn an thiên hạ, khen đối phương có thiện chí, lớn tiếng hy vọng vào tương lai sáng lạn, v.v... trong khi bên kia thì trái lại, tiếp tục sỉ vả như chẳng có gì thay đổi. Đã vậy, giáo chủ Ali Khamenei là người nắm thực quyền sinh sát (không phải tổng thống Rouhani), lại công khai xác nhận ngày 23/9 thoả ước chỉ có giá trị nếu tất cả mọi biện pháp cấm vận được gỡ bỏ ngay lập tức, kể cả những biện pháp cấm vận không liên quan gì đến việc triển khai khả năng nguyên tử. Hoàn toàn khác với thoả ước được công bố, có ghi rõ chỉ có những biện pháp cấm vận liên quan đến vũ khí nguyên tử mới được tháo gỡ tùy tiến trình của cuộc kiểm tra các nhà máy nguyên tử.

Thế nghiã là gì? Hai bên đồng ý cái gì? Và đây mới là mấu chốt của vấn đề. Ngoài cái bản được chính thức công bố, còn một bản thoả ước phụ -side agreement- bí mật không được công bố nữa. Không ai biết rõ trong đó hai bên đã đồng ý những gì. Kể cả tác giả cuộc thương thảo, ngoại trưởng John Kerry!
.
KẾT

Ở đây ta phải ôn lại câu chuyện Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Hiệp định được ký, TT Nixon mau mắn khoe thành quả và ăn mừng chấm dứt cuộc chiến dai dẳng. Lính Mỹ hết chết, dân Mỹ hết phải đóng thuế nuôi chiến tranh. CSVN cũng liên hoan mừng chiến thắng, “Mỹ đã cút, Ngụy sắp nhào”, miền Bắc không còn lãnh bom nữa. Cả thế giới mừng rỡ. Chỉ có miền Nam là không mừng, trái lại, lo sót vó.

Kết quả, hiệp định Paris đưa đến gì? Mỹ thoát nợ, CSBV chiến thắng, VNCH đúng như lo ngại, bị xoá sổ.

Ngày nay, Mỹ mừng rỡ, Iran liên hoan, Do Thái lo sót vó. Chỉ hy vọng kết quả cuối cùng sẽ không tương tự

Đối với một thoả ước có quá nhiều “quái lạ” như vậy, câu hỏi là tại sao TT Obama vẫn khư khư ôm chặt như vậy? Bất chấp chống đối của hai phần ba TV, và bất chấp 60% dân Mỹ chống luôn. Kẻ viết này chỉ có thể đoán mò đây có lẽ là cái giá mà TT Obama chấp nhận trả để nhận được sự giúp đỡ ngầm của Iran, đánh ISIS dùm. Đại khái Iran kêu TT Obama bỏ cấm vận thì chúng tôi mới có tiền và có thể mua vũ khi đánh ISIS chứ! Khó có thể có được một giải thích nào khác.

Như vậy, ta thấy TT Obama đã đánh đổi mối nguy cơ nguyên tử về lâu về dài lấy việc diệt trừ được mối họa ISIS hiện hữu trước mắt. Bài toán không khó lắm. ISIS là mối nguy khi ông còn làm tổng thống, bom nguyên tử Iran là mối nguy khi ông đã về Hawaii tắm biển từ lâu rồi.

TT Obama và các đồng minh của ông sẽ phải nhận trách nhiệm trước lịch sử về lá bài liều mạng này. Điều này không ai chối cãi được. Lịch sử sẽ trả lời TT Obama tính toán có đúng hay không. Vì hoà bình của nhân loại, kẻ viết này thật tình mong đây là một tuyệt chiêu của TT Obama và ông đã tính toán rất chính xác. Hy vọng như vậy! TT Obama đã đắc cử nhờ bán “hy vọng” mà!

Dù sao thì ai cũng thấy cả hai thành tích để đời của TT Obama, đối nội Obamacare và đối ngoại thoả ước Iran, đều là hai thành tích... chui qua cửa hậu, cả hai thành quả để đời đều bị trên dưới 60% dân Mỹ chống. Obamacare cũng chui qua cửa hậu, nhưng ít ra cũng được 59 phiếu tại Thượng Viện, trong khi hiệp ước Iran chỉ được có 34 phiếu, mà lại còn chẳng ai ký, cũng chẳng có hiệu lực áp chế gì hết.

Đấm ngực khoe công có phần hơi lố lăng. Nhưng trong thời buổi hạn hán thành tích ngày nay của Nhà Nước Obama, bất cứ thành quả nào dù nhỏ đến đâu hay dù dựa trên “hy vọng” tới đâu cũng cần phải khua chiêng trống cho to. Một vài giọt nước trong khi khát cũng cũng hết sức quan trọng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét