khktmd 2015
Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015
Tính độc ác của...tôi - Tác giả Bùi Bảo Trúc
Nếu có ai nói tôi là người không độ lượng, không khoan dung, nhỏ nhen, thích trả thù, hay nghĩ ác, chúc ác cho (một số) người (khác)... thì tôi cũng nhận hết. Tôi nhận tôi là người có đầy đủ những cái tính không tốt như vừa kể ở trên, nhất là sau những chuyện tôi xin kể ra sau đây.
Một đoạn video mà tôi nghĩ là thu được ở Hà Nội xem được cách đây hai hôm, trong đó có cảnh mà nếu có là Đức Đạt Lai Lạt Ma thì cũng không có thể dằn cơn tức giận được. Ở một con đường đông đúc người qua lại, một phụ nữ quần áo lôi thôi, nhếch nhác đẩy một chiếc xe đạp phía trước có một cái giỏ đựng vài ba thứ không biết là gì, có thể vài ba cái bánh, kẹo. Phía sau là hai cái giỏ khác đựng khoảng hơn chục quả xoài. Người phụ nữ mặt mũi méo xệch đang hết lời năn nỉ van xin năm công an vây quanh xin được tha cho về nhà. Người phụ nữ xưng là “cháu” và gọi nhóm công an là “chú.” Người phụ nữ vừa van xin, vừa giữ chặt lấy ghi đông chiếc xe đạp, bất chấp lệnh của công an. Người ta nghe thấy rõ lệnh được nhắc đi nhắc lại mấy lần “Có chấp hành không? Có chấp hành không?” Chấp hành thế nào được! Gia tài có cái xe, mấy giỏ xoài, chấp hành thì xe bị cảnh sát đem đi, mấy giỏ xoài sẽ mất toi. Lời hứa chờ mẹ về mẹ mua gạo thổi cơm sẽ trôi xuống lỗ chuột, mấy đứa con sẽ mất bữa ăn chiều, ngày mai lấy tiền đâu nộp phạt lấy lại cái xe đạp thổ tả nhưng vẫn nuôi được mấy đứa con. Mặc cho những lời van xin thảm thiết, hứa sẽ về nhà, không bán buôn gì nữa trong khi con ốm đau đang nằm ở nhà, một công an viên giật tay người phụ nữ này ra khỏi chiếc ghi đông xe mà bà vẫn cố ghì lấy không chịu buông ra để đưa cả người lẫn xe đi.
Thế thì tôi phải là người độ lượng, khoan dung với các anh công an nhé?
Tôi xin phép để nghĩ ác về các anh một chút. Tôi thành thực cầu mong sao cho vợ con của anh ra đường cũng gặp toàn những người tử tế như các anh, hay cầu xin làm sao con gái của ông Ba X lọt vào cái ổ mãi dâm kinh hoàng nhất ở bên Tàu, cháu ngoại bị bán sang Cambodia, vợ phải hút cầu tiêu cho Ba Tàu mãn đời nhé...
Chuyện thứ hai là vụ cái tàu đắm trên sông Dương Tử chết gần hết số người trên tàu. Kỳ lạ là tôi chẳng thấy xúc động gì về vụ tai nạn chìm tàu này cả. Có thể khi nghe cái tên ấy, tôi nghĩ biết đâu trong số người chết ấy lại chẳng có vài ba người đi chơi lần cuối trước khi lên đường ra Trường Sa, Hoàng Sa, lên tàu hải giám để xịt nước, húc vào những cái tàu đánh cá của các ngư dân Việt Nam từ Quảng Nam ra bắt cá. Cũng có thể trong những hành khách ấy lại có cả những người từng đánh sang Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn… hồi năm 1979, thẳng tay bắn giết, cướp phá, hãm hiếp... và nay lên tàu đi du lịch trên sông Dương Tử.
Vậy thì cứ việc du lịch trên sông rồi đắm tàu cho mát nhé. Và tôi thì có ai nói rằng tôi độc ác vì có trong đầu những ý tưởng, ước muốn dã man, vô nhân đạo đó, thì tôi vui vẻ nhận ngay.
Tôi chợt nhớ Kim Thánh Thán, một nhà phê bình văn học Trung Hoa sống hồi thế kỷ XVII, trong một chiều mưa buồn ngồi một mình trong ngôi miếu cổ, có ghi lại những phút mà ông cho là lạc thú của đời ông. Ông nhớ lại được gần 40 lúc vui như thế, trong đó có một chuyện làm ông vui sướng mà tôi thấy cũng lạc thú như ông vậy. Ông kể là buổi sáng thức dậy thấy trong nhà gia nhân xôn xao không biết vì lý do gì, ông xuống nhà hỏi thì được cho biết đêm qua, có một kẻ quỉ quyệt, độc ác nhất, bị nhiều người ghét nhất trong thành vừa lăn cổ ra chết. À ra là thế. Mọi người vui là vì thế. Nghe xong, họ Kim cũng thốt lên rằng, “Chẳng cũng khoái ư?”
Không biết Lâm Ngữ Đường diễn câu nói đó của Kim Thánh Thán bằng tiếng Anh trong cuốn “The Importance of Living” như thế nào, nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt thì không ai có thể dịch hay hơn được. Kim Thánh Thán nói câu, “Chẳng cũng khoái ư?” lập tức xóa bỏ đi bao nhiêu điều lấn cấn trong đầu óc của tôi trong suốt bao nhiêu năm nay. Đó là nghĩ xấu, chúc ác cho người khác có... xấu không? Mong những chuyện không ra gì đến với người khác có nên làm không? Nghe tin một người chết, gặp phải những điều bất hạnh có nên vui không?
Đọc câu “Chẳng cũng khoái ư?” của Kim Thánh Thán xong tôi thấy là được. Nên lắm. Tại sao cứ “nghĩa tử là nghĩa tận,” người ta chết rồi, thôi tha cho người ta, không nên nhắc lại những chuyện cũ không có gì hay ho cả...lôi những chuyện ấy ra làm chi... hãy tha cho họ, hãy xả hết đi... tội nghiệp người ta mà...sao lại vui trên bất hạnh của người khác vân vân. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống bề gì cũng không còn trên cõi đời này nữa.
Nhưng những người đó bộ ra đi rồi là thành thánh cả hay sao? Không. Không bao giờ. Nên nếu có chết đi thì những chuyện khốn nạn mà họ làm thì vẫn còn nguyên. Ghét họ, thù họ, mong chuyện không hay xẩy ra cho họ, cho gia đình họ, cầu mong họ chết không yên là “okay” đừng có “dư nước mắt khóc người đời xưa” huống chi là đời nay.
“It is okay” để nghĩ ác về họ, cầu mong toàn những chuyện khốn nạn xảy ra cho họ, cho con cháu nhà họ.
Do đó, ai bảo tôi ác thì tôi... nhận luôn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét