Không ai có thể lớn lên mà không trải qua điều mà các nhà khoa học xã hội và nhà tâm lý học gọi là ngày “định mệnh.” Đó là một ngày, có thể do lịch sử hoặc cá nhân tạo ra, mà nó có ảnh hưởng rất sâu đậm đối với số phận, cá tính, và tương lai, của một con người. Đối với hầu hết người Việt Nam ở hải ngoại, nhất là những người còn nhớ những định mệnh trong cuộc đời, chắc chắn họ không bao giờ quên ngày 30 Tháng Tư, 1975, ngày mà Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Đây cũng là ngày chúng ta rời bỏ quê hương đi tìm tự do.
Ngày 25 Tháng Tư, 1975 là một ngày định mệnh đối với tôi, khi gia đình tôi vội vã rời Sài Gòn, trên chiếc phi cơ vận tải C-130 của Không Quân Mỹ, vào lúc sáng sớm, bay ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất. Lúc đó, tôi chỉ mới 10 tuổi, và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy quê hương.
Tháng Tư tới đây sẽ là ngày tôi xa quê hương 40 năm. Tuy vậy, trong ký ức của mình, ngày định mệnh đó vẫn còn khắc sâu trong tiềm thức của tôi, như thể là nó mới xảy ra hồi tuần trước.
Thời gian trôi nhanh, vào Tháng Tư, 1988, đúng 13 năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, tôi lại có một cơ hội chứng kiến sự vui mừng và hiểu ý nghĩa thật sự một nền độc lập quốc gia, của một dân tộc từng bị khuất phục và bị trục xuất ra khỏi quê hương của họ trong hơn 2,000 năm. Dân tộc này, được gọi một cách mỉa mai là “dân tộc được Chúa chọn,” ý nói đến người Do Thái, giống như cuộc di tản của người Việt Nam hải ngoại, có mặt hầu như ở khắp nơi trên thế giới trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, có cả người Hoa gốc Do Thái, hoặc có người gốc Do Thái sinh trưởng tại Ethiopia.
Chính lúc gặp người Do Thái ở Israel mà tôi nghiệm ra được niềm tự hào của một dân tộc từng bị đàn áp, nhưng vẫn tranh đấu và có được độc lập, trong khi số phận lại không mỉm cười với dân tộc Việt Nam, vẫn còn sống trong chế độ độc tài và tham nhũng, và chế độ này vẫn tiếp tục đàn áp chính người dân của mình. Cả hai sự kiện lịch sử trái ngược này lại tái hiện trong cùng một tuần lễ tôi có mặt tại Israel.
Tháng Tư, 1988, tôi và tám nhà lãnh đạo cộng đồng gốc Châu Á khắp Hoa Kỳ được tổ chức World Zionist Organization (WZO) mời sang thăm Israel trong 10 ngày. Đây là một tổ chức quốc tế góp phần vào việc thành lập quốc gia Israel ngày nay. WZO gọi đây là một “chuyến đi nghiên cứu” (study tour). Phái đoàn chúng tôi có một cố vấn cao cấp của Thống Đốc California George Deukmejian, một chỉ huy cảnh sát ở Philadelphia, và một giám sát viên ở San Francisco County.
Trên thực tế, chính phủ Israel, qua các tổ chức bán chính phủ như WZO, thường mời nhiều phái đoàn chính trị đến Israel như là một cách hiệu quả vận động ý kiến của người dân Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng các chính sách với các quốc gia Ả Rập, trong khi tạo nên mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ qua các chuyến đi như vậy.
Tôi không biết tại sao mình được WZO mời đi trong chuyến này. Lúc đó, tôi mới 23 tuổi, là một phụ tá đặc biệt cho Thượng Nghị Sĩ California Ed Royce, và cũng là thành viên trẻ nhất trong phái đoàn. Tuy nhiên, tôi chấp nhận lời mời. Trong phái đoàn còn có một người Việt Nam khác nữa mà trước đó tôi chưa bao giờ gặp, nhưng sau này nhanh chóng trở thành người bạn thân. Đó là nhạc sĩ và MC nổi tiếng Nam Lộc, lúc đó là giám đốc chương trình phục vụ người tị nạn của tổ chức thiện nguyện Catholic Charities, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles. Chúng tôi là hai người Việt Nam duy nhất trong phái đoàn thăm viếng một quốc gia có một lịch sử đầy biến động, người dân trải qua nhiều hy sinh, nhưng hồi sinh nhanh chóng và tạo được cho đất nước một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng thế giới. Đối với tôi, chuyến thăm Israel giúp tôi khám phá nhiều sự ngạc nhiên vô cùng ý nghĩa, cùng với nhiều phát hiện rất sâu sắc.
Luật Sư Trần Thái Văn (thứ ba từ phải) ngồi trong nhà hàng
Đại La Thiên ở Jerusalem, Israel. (Hình: Trần Thái Văn cung cấp)
Chúng tôi bay máy bay của hãng El Al, một hàng không quốc gia Israel, và nhóm chúng tôi đáp xuống phi trường Ben Gurion nằm ở ngoại ô Tel Aviv vào ngày 26 Tháng Tư. Lúc đó, người Do Thái đang chuẩn bị kỷ niệm quốc khánh lần thứ 40, từ năm 1948 đến năm 1988. Đó là một chuỗi sinh hoạt kỷ niệm kéo dài cả năm trời, không chỉ cho sự tồn vong trong 40 năm, mà còn là một sự thừa nhận những thành tựu của người Do Thái khắp thế giới.
Điều gây chú ý nhất và đầu tiên của tôi đối với đất nước này, một nơi có thời tiết nóng và khô giống như San Bernardino County, là những quốc kỳ có ngôi sao của David - biểu tượng của quốc gia - bay phất phới dọc đường từ phi trường về đến trung tâm Jerusalem, dài khoảng 35 dặm. Ngôi sao của David, màu xanh dương, là điều gây ấn tượng sâu đậm của Israel đối với tôi. Tôi có cảm tưởng rằng, người Do Thái cũng vô cùng tự hào với lá cờ của họ. Và họ có quyền treo, bất cứ ở đâu.
Trong thời gian ở Jerusalem, thủ đô của Israel, chúng tôi được đi thăm nhiều tòa nhà chính phủ, với các viên chức chính quyền và quốc hội, gọi là “Knesset.” Chúng tôi cũng thăm một số bệnh viện, viện bảo tàng, và trường học. Qua tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội Do Thái, từ chính trị gia cho tới giới giáo dục, phái đoàn biết được thêm nhiều về lịch sử của Israel, cuộc đấu tranh của họ, và cuộc xung đột đang xảy ra với các quốc gia láng giềng Ả Rập, đe dọa xóa sổ quốc gia nhỏ bé này.
Có một điều lý thú là anh Nam Lộc và tôi khám phá có hàng trăm người tị nạn Việt Nam đang sinh sống ở Israel. Chúng tôi được biết, sau năm 1975, trong số người Việt Nam ra đi tìm tự do khắp thế giới, có một số đến định cư tại Israel. Lúc đó, Thủ Tướng Menachem Begin đồng ý nhận gần 300 người Việt từ các trại tị nạn ở Đông Nam Á. Dù bị nhiều người Do Thái phản đối, Thủ Tướng Begin nhắc nhở họ rằng Israel có bổn phận đạo đức giúp những người tị nạn Việt Nam này. Ông nói rằng, trước đó không lâu, chính người Do Thái sống không tổ quốc ở Châu Âu và Bắc Phi vì họ cần lánh nạn, để không bị Đức Quốc Xã giết hại. Quyết định của Israel nhận người Việt Nam là một hành động nhân đạo cao đẹp mà chỉ có dân tộc từng bị đàn áp mới thấu hiểu nổi số phận của một dân tộc khác đang bị đàn áp.
Trong một buổi ăn tối ở Jerusalem, chúng tôi được mời ăn tại một nhà hàng Trung Hoa địa phương, nhưng người chủ và điều hành nhà hàng lại là một người Việt tị nạn, tên Lê Quang Phong, cựu phi công QLVNCH, từng lái trực thăng trong cuộc chiến Việt Nam. Không ai trong chúng tôi biết nhà hàng này, hoặc chủ nhân của nó, trước khi đến ăn. Quả là một sự tình cờ là nhà hàng này do một người Việt điều hành. Anh Phong rất vui mừng khi gặp anh Nam Lộc và tôi, những đồng hương từ Hoa Kỳ xa xôi đến thăm Jerusalem và ăn tối ở nhà hàng của anh, tên là Đại La Thiên. Ngay lập tức, cả ba chúng tôi chia sẻ sự gắn bó đặc biệt biệt này, từ một nơi rất xa quê hương Việt Nam. Tuy nhiên, vì là đồng hương với nhau, chúng tôi có những điểm giống nhau về chính trị, văn hóa, di sản, và ngôn ngữ.
Vào lúc đó, tự nhiên tôi cảm thấy buồn kỳ lạ, ba chúng tôi, cũng như hàng triệu người Việt Nam khác, sống rải rác tại khắp các quốc gia, cách Việt Nam cả ngàn dặm, và lúc đó, chúng tôi đang ở Israel, sắp sửa chứng kiến hai sự kiện quan trọng - quốc khánh lần thứ 40 của Israel và ngày miền Nam Việt Nam thất thủ - trong cùng một tuần lễ. Tôi thắc mắc, tại sao lịch sử lại tàn nhẫn đến thế. Niềm vui của một quốc gia này lại xảy ra cùng lúc với nỗi đau của một quốc dân khác.
Tôi còn nhớ rất rõ một chuyện xảy ra trong lúc ăn tối ở Đại La Thiên, làm nhiều người trong phái đoàn rơi lệ, nhất là ba người Việt Nam chúng tôi - anh Phong, anh Nam Lộc, và tôi. Đó là lúc anh Phong bước ra khỏi nhà bếp để gặp một thực khách. Thế là anh Nam Lộc và tôi đề nghị chúng tôi cùng hát một bài hát bằng tiếng Việt tặng cho các bạn gốc Châu Á trong phái đoàn và các bạn người Do Thái. Tôi báo cho mọi người biết chúng tôi sẽ hát một bài hát để tưởng niệm ngày miền Nam Việt Nam thất thủ, đúng vào ngày hôm sau. Cả ba chúng tôi bước đến giữa bàn và bắt đầu hát, kiểu “A cappella,” bài hát duy nhất mà tôi còn nhớ lời. Đó là bài
“Việt Nam, Việt Nam.”
Việt Nam, Việt Nam, nghe từ vào đời,
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi,
Việt Nam nước tôi...”
Chắc chắn đây không phải là chỗ hát bài này, nhưng đối với tôi, sự kiện này vô cùng ý nghĩa. Sau khi chấm dứt, tôi ngồi xuống, cảm thấy nghịch lý và vô cùng xúc động. Tôi đang ngồi trong một nhà hàng Trung Hoa ở Jerusalem, do một người Việt Nam tị nạn làm chủ, mừng ngày độc lập lần thứ 40 của Israel, trong lúc nhớ lại ngày kỷ niệm số phận của quê hương tôi, qua cái ngày số phận nghiệt ngã đã đến với hàng triệu đồng bào của tôi. Tôi nhận ra rằng, cho dù tôi ở đâu, hoặc đang làm gì, trong thâm tâm, tôi vẫn là người Việt Nam.
Tất cả những cảm nhận trái ngược của tôi khi ở Irael cũng cho tôi một hy vọng cho đồng bào tôi. Tôi suy luận, nếu người Do Thái phải mất đến 2,000 năm lưu vong trước khi trở về cố quốc, vậy thì, cộng đồng người Việt hải ngoại có thể đạt được điều này, hy vọng với thời gian ngắn hơn, để giúp Việt Nam thật sự có tự do, độc lập, và dân chủ. Tôi rất ngưỡng mộ người Do Thái, nhưng tôi cũng rất tin tưởng vào những người Việt Nam rất kiên nhẫn và tháo vát.
Đêm không ngủ tại bờ biển Tel Aviv, Israel. Người ôm đàn là nhạc sĩ Nam Lộc. (Hình: Trần Thái Văn cung cấp)
Anh Phong rất vui khi gặp anh Nam Lộc và tôi, và anh muốn dành thời gian nhiều hơn cho chúng tôi. Anh đề nghị mời những người Việt Nam sống ở vùng Jerusalem-Tel Aviv, rồi tổ chức một “đêm không ngủ” vào đêm tối 29 Tháng Tư. Anh Nam Lộc và tôi đồng ý ngay vì chúng tôi cũng muốn biết về đời sống của người Do Thái gốc Việt.
Khoảng 20 người Việt địa phương vui vẻ gặp chúng tôi tại một điểm hẹn trên bờ biển Tel Aviv, có đàn guitar, lửa trại, dầu, và nhiều thức ăn như thịt bò, cá, cua, và bánh mì, để nướng dã chiến. Thực ra, dù chúng tôi tưởng niệm ngày mất nước, nhưng ai cũng được no bụng!
Đối với tôi, một thanh niên Việt Nam mới 23 tuổi, ngồi trên bãi cát trắng ở bãi biển Tel Aviv, nhìn ra biển Địa Trung Hải, cùng đồng hương nói lên lòng khao khát cho quê hương, một quốc gia bị mất và bị lỡ cơ hội, qua những âm thanh buồn của đàn guitar, là một kỷ niệm không bao giờ quên được. Chúng tôi ngồi ở bãi biển suốt đêm, cho tới trước khi bình minh, chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm cá nhân, tái xác quyết nguồn gốc Việt Nam của chúng tôi. Chúng tôi tâm sự. Chúng tôi hát. Chúng tôi cười. Chúng tôi khóc. Anh Nam Lộc hát một trong những bài hát nổi tiếng nhất do anh sáng tác, bài “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt,” với lời hát vô cùng thấm thía về người Việt lưu vong sau khi cuộc chiến kết thúc. Giống như người Do Thái ở Israel, chúng tôi muốn nghiêm túc chia sẻ những ước vọng này, cho một đất nước và thế hệ mai sau tươi sáng hơn.
Trong suốt thời gian ở Israel, tôi kết bạn với một hướng dẫn viên người Do Thái trong đoàn, tên là Ben Edelstein, sinh ra và học ở bên Anh. Tôi không thể bao giờ quên được người đàn ông này, một người Anh lịch thiệp, có kiến thức rộng về Israel, cả về lịch sử và chính trị từ cổ xưa cho đến hiện đại của Israel. Ông nói tiếng Anh với một giọng Anh phong nhã và độ chừng hơn 60 tuổi. Ông nói với tôi rằng ông từng chiến đấu chống lại Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ông cũng tình nguyện và được huấn luyện trở thành phi công Hoàng Gia Anh, lúc ở khoảng tuổi tôi. Chuyến bay đầu tiên của ông là đối đầu với không quân Đức Quốc Xã.
Thời gian phục vụ trong quân đội của ông Ben Edelstein trong Đệ Nhị Thế Chiến rất đáng chú ý, nhưng lại không lý thú và vô cùng ý nghĩa bằng việc ông định cư tại Israel khi tôi khai thác ông qua đề tài này. Ông nói với tôi rằng, là một công dân Anh, ông và gia đình thực ra không liên quan gì, thậm chí không cần phải đến sống ở Israel, từng thuộc về Palestine trước năm 1948. Tuy nhiên, vì là người gốc Do Thái, ông cảm thấy có trách nhiệm phải tham gia bảo vệ độc lập quốc gia, giúp thành lập một nhà nước Israel cho những người cùng dòng máu Do Thái khắp thế giới.
Trong cuộc chiến giành độc lập từ năm 1946 đến năm 1948, ông tình nguyện gia nhập tổ chức Haganah, tiền thân của Lực Lượng Phòng Vệ Israel (IDF), chiến đấu trong việc thiết lập quốc gia Israel ngày nay. Với kinh nghiệm thời Đệ Nhị Thế Chiến, ông đã đáp lời kêu gọi của chính phủ Israel để huấn luyện các phi công mới ra trường, vì đây là một lực lượng rất quan trọng trong việc bảo vệ Israel.
Điều làm tôi đáng nhớ nhất về ông Ben Edelstein không chỉ là tài năng và kinh nghiệm quân sự của ông, mà ông có một bề dày đáng kể. Chắc chắn, chính ông là người giúp xây dựng lực lượng IDF hiện đại. Bài học đáng nhớ nhất mà tôi học được từ người đàn ông người Anh này là ông rất tự hào và cảm thấy vinh dự về nguồn gốc Do Thái của mình. Ông không ngại hy sinh cho chính nghĩa của người dân, cho ngay cả một quốc dân trước đây không có gì cả. Ông chiến đấu cho những gì ông tin là dân tộc của ông muốn và xứng đáng được hưởng. Ông nói với tôi rằng, trong thời gian chiến đấu cho độc lập của Israel, có nhiều thanh niên và thiếu nữ trẻ gốc Do Thái, những người giống như ông, từ khắp nơi ở Châu Âu và Châu Mỹ trở về Palestine, để cống hiến cho công cuộc hồi phục quê hương Do Thái, ngay cả họ chưa bao giờ đặt chân lên mảnh đất được biết tới là Israel.
Câu chuyện cá nhân của ông Ben Edelstein giúp tôi ghi nhận được những gì đang xảy ra cho công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ của người Việt, đang được tiếp diễn tại hải ngoại và quốc nội. Xét về một mặt nào đó, người Việt may mắn hơn người Do Thái vì đã có một quốc gia rồi. Chúng ta không cần tạo ra một quốc gia khác. Chúng ta chỉ không có một chính quyền hợp pháp đại diện cho các khát vọng của dân tộc Việt Nam. Trước năm 1948, người Do Thái không có gì cả. Thế nhưng, bây giờ họ có cả hai, dù trải qua các cuộc tàn sát và diệt chủng của Đức Quốc Xã và tại các quốc gia họ sinh sống trong 2,000 năm lưu đày.
Israel là miền đất hứa của người Do Thái, và người Do Thái khắp thế giới, cho dù đang sống cách xa Jerusalem bao nhiêu, họ luôn có ý định giữ lời nguyền xây dựng một quốc gia cho chính họ. Ông Ben Edelstein có chia sẻ truyền thống Do Thái này với tôi, đặc biệt là thời kỳ trước khi nhà nước Israel ngày nay được thành lập, bằng một điệp khúc có hàng thế kỷ, mà người Do Thái mỗi khi gặp nhau thường trao đổi, đó là, “Hẹn gặp ở Jerusalem năm tới!” Đây là một lời cam quyết rất quen thuộc, nó có ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là chuyện có mặt ở Jerusalem, một miền đất mà người Do Thái coi rất linh thiêng, giống như một lời cầu khẩn mong tất cả người Do Thái sống trong hòa bình, công bằng, và công lý. Đây là một cam quyết về danh tánh của người Do Thái và những gì họ mong muốn. Đó là lý do tại sao họ nói với nhau một cách hùng hồn: “Hẹn gặp ở Jerusalem năm tới!”
Để tưởng niệm 40 năm ngày miền Nam Việt Nam thất thủ, chúng ta nên tận dụng cơ hội này, như là một thời điểm để tái xác quyết sự đòi hòi cho tự do và dân chủ tại Việt Nam. Đối với người Việt Nam, 40 năm có thể là một thời gian chờ đợi quá lâu, nhưng lại không thấm vào đâu so với 2,000 năm chờ đợi của người Do Thái trước khi họ đến được miền đất hứa. Bổn phận và trách nhiệm tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ tại Việt Nam phải được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong lúc thế hệ cha anh chúng ta đang từ từ qua đi.
Thực ra, chúng ta cần có hàng ngàn người Việt Nam có tinh thần vững chắc như ông Ben Edelstein. Chúng ta đang có nhiều người Việt như ông Ben Edelstein, cả ở trong lẫn ngoài nước, và họ cần sự giúp đỡ của chúng ta. Mỗi người chúng ta, những người Việt hải ngoại, có trách nhiệm không được quên tại sao chúng ta có mặt ở đây, và cần làm gì cho những đồng bào còn đang sống mỏi mòn dưới ách Cộng Sản. Trách nhiệm này còn bao gồm dạy dỗ con cháu chúng ta không bao giờ được quên mình là ai, bài học lịch sử đau khổ của các bậc cha anh, và trách nhiệm của mình trong việc tạo ra một sự an bình, công bằng, và công lý, trên quê cha đất tổ.
Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải thay đổi để tốt hơn. Bánh xe lịch sử và sự phát triển của văn minh sẽ nghiền nát bất cứ ai cản trở con đường này. Vấn đề chỉ là thời gian, và phần lớn, nó tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở Việt Nam có đủ sự can đảm và thực sự muốn hủy bỏ cái lý thuyết dựa trên sự chuyên chế, dối trá, và tàn bạo. Thời gian không đứng về phía họ. Là những người yêu chuộng tự do, chúng ta hãy chia sẻ với tất cả người Việt Nam sự khao khát này, bằng câu nói, “Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn năm tới!” Tôi chắc chắn ông bạn Ben Edelstein của tôi sẽ hoàn toàn đồng ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét