khktmd 2015
Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015
GIẤC NAM KHA KHÉO BẤT BÌNH - Hoàng Ngọc Nguyên
"Với ngày 30-4 trở lại bình thường như mọi năm, và đặc biệt khi ngưòi ta giật mình nhớ lại ba giáp tức 36 năm đã trôi qua từ ngày ấy, nhiều người đang trầm tư nhớ lại chuyện ngày xưa. Nguyễn Ngọc Linh chỉ có một tâm sự, nhưng tâm sự của ông mang tính tổng hợp kinh nghiệm của một nhà báo, một doanh nhân, một nhà giáo dục, một nhà ngoại giao, một nhân vật cao cấp trong chính quyền. Hỏi chuyện ông, những câu trả lời của ông thường ngắn, gọn, dứt khoát, không có gì mơ hồ."
Hoàng Ngọc Nguyên
Sau ngày 30-4-1975, những người Cộng Sản mới về thường hay phủ dụ những người dân Saigon, trước khi đưa người ta đi “học tập cải tạo”: “Chỉ có đế quốc Mỹ là thua! Tất cả chúng ta đều là những người chiến thắng”. Nghe nói thế, ai cũng gượng một nụ cười, vì một lời không nói ra được: “Không, tất cả chúng tôi đều là những kẻ chiến bại. Nay chúng tôi đang mất hết!”
Đúng là chúng ta đã mất tất cả, không chỉ riêng ai, cho dù cũng có nhiều người cho đến nay vẫn chưa thấm hết, hoặc đã nguôi ngoai, hoặc đã xem thời gian như liều thuốc lú để quên đi tất cả. Cái tất cả nơi sự mất mát của mỗi người cũng khác nhau, chẳng những là vì nhiều người đã xem cuộc sống của mình chấm dứt từ đó, có nghĩa là 36 năm qua, cho những người còn sống đủ 36 năm qua, chỉ là một sự hiện diện oan hồn vất vưởng, mà còn vì những gì để lại. Đương nhiên, người ta để lại càng nhiều, cái cảm nhận mất mát càng lớn. Và có nhiều sự mất mát lớn đến mức chỉ riêng chuyện người ta có thể sống được với nỗi đau mất mát cũng là chuyện phi thường.
Đó chính là tâm sự của Nguyễn Ngọc Linh mà ông đã tự lắng nghe trong dịp sinh nhật bát tuần của mình năm ngoái. Ông ra đi bươn bả năm 1975 đến độ không đem theo được cả một cuốn album gia đình và nay chỉ có thể nhờ ký ức để tìm lại những hình ảnh xưa. Hình ảnh ngôi trường Đại học Cửu Long của ông. Hình ảnh MekongGroup có cả chục công ty trực thuộc – là một tập đoàn “tư sản mại bản” dân tộc không có ngưòi Hoa nhúng tay vào. Hiệp hội Việt Nam Bang giao Quốc tế nằm trong khách sạn Majestic và tờ Vietnam Report. Và hình ảnh của một thời thách đố của những năm còn ở trong chính quyền, khi còn là phát ngôn nhân cho chính phủ, là tổng giám đốc Việt Tấn Xã, là tồng giám đốc đài phát thanh, là thành viên trong phái đoàn Việt Nam tham dự “hòa đàm” Paris.. Và những ký ức rộn ràng của một thời trai trẻ cách đây hơn cả nửa thế kỷ, làm báo, mở trường Anh văn, và cả những năm trong quân ngũ khi bị trưng tâp theo khóa 12 của trường Bộ binh Thủ Đức…
Sinh quán ở Bắc Ninh, nơi cha ông làm tồng đốc, Nguyễn Ngọc Linh không thuộc thành phần”Bắc Kỷ di cư” vì ông đi Mỹ du học từ năm 1949 vào cái thời mà trên máy bay đi Mỹ tìm ra được một ngưòi Việt Nam nào ngoài mình ra cũng là chuyện lạ. Đến năm 1955, đang làm việc ở Mỹ ông nghe lời ông Diệm, người ông Linh đã từng lui tới thăm viếng khi ông Diệm còn ở Mỹ, trở về nước phục vụ tổ quốc, “rốt cuộc chỉ đi làm tờ Điện Ảnh phục vụ nhu cầu giải trí”. Và đi lính, chịu sự bầm dập “trên bốn vùng chiến thuật” chỉ vì một vài ngưòi quanh ông Diệm vửa không ưa người bắc vừa nghi kỵ ngưòi ở Mỹ về. Thế nhưng một phần nào đó, ông cũng được các ông tướng hộ mạng, không chỉ trong những năm đó, mà cả thời gian sau cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963.
Nguyễn Ngọc Linh là ngưòi thành công trên nhiều mặt trong xã hội Miền Nam thời đó. Và ông cũng ấp ủ những hoài bão to lớn, theo đuổi những mục tiêu to lớn trong thời đó. Trên đất nước của mình, chỉ sợ con người không có chí, không có năng lực, không có sức chiêu hiền đãi sĩ. Tại công ty Cửu Long cũng như Đại học Mekong, ông Linh chẳng thiếu gì người hiền, người tài đến với ông và ông đến với họ. Thế nhưng ngay cả ông Linh với những hiểu biết về nước Mỹ như thế, với những quan hệ như thế, vẫn khó thể làm một “success story” vang dội ở nước Mỹ - dù khi qua đây, ông “mới”, hay “đã” 45 tuổi. Có thể đây là câu chuyện cây quit trồng nơi này thì có trái nơi khác thì không. Nhưng như ông nói: “When you are not very sure to have a country, a community of your own to serve, there is always a half-heartedness reducing your achievement”. Theo lời ông kể: “Sang Mỹ làm lại cuộc đời, bắt đầu bằng một tiệm ăn Việt Nam ở khu Georgetown trong D.C., không thành công (mở quá sớm) vì Mỹ mới đánh mất miền Nam không muốn nói đến nữa. Những người Mỹ mê Việt Nam có đến ăn thì cũng rất kín đáo.
Sau đó tôi dọn xuống Houston mở tiệm bánh Tiffany's Bakery trong mall, sau này gặp cơ hội mua một lúc đến năm tiệm fast food, làm 15 năm thì bán, mở một cơ quan bất vụ lợi giúp người Việt Nam mới đến Mỹ, hoạt động với các cơ sở giúp người tị nạn trên khắp nước Mỹ. (Tôi) là một trong những sáng lập viên của Tổng Hội Các Cơ quan Xã hội Việt Mỹ (National Association of Vietnamese American Social Agencies--NAVASA) và là chủ tịch đầu tiên của Tổng hội này. Đồng thời tôi lại đầu tư vào ngành địa ốc (chung cư), sau đó bán và trở lại D.C. để dưỡng già. Trong suốt thời gian 20 năm ở Texas, cùng với các hoạt động thương mại và xã hội, tôi cùng với một số anh em mở ra tờ Ngày Nay, vẫn trực tiếp lo và viết cho báo Ngày Nay không bỏ số nào”.
Với ngày 30-4 trở lại bình thường như mọi năm, và đặc biệt khi ngưòi ta giật mình nhớ lại ba giáp tức 36 năm đã trôi qua từ ngày ấy, nhiều người đang trầm tư nhớ lại chuyện ngày xưa. Nguyễn Ngọc Linh chỉ có một tâm sự, nhưng tâm sự của ông mang tính tổng hợp kinh nghiệm của một nhà báo, một doanh nhân, một nhà giáo dục, một nhà ngoại giao, một nhân vật cao cấp trong chính quyền. Hỏi chuyện ông, những câu trả lời của ông thường ngắn, gọn, dứt khoát, không có gì mơ hồ.
1. Miền Nam chúng ta bắt đầu "hỏng" từ đâu? Từ năm nào?
Miền Nam bắt đầu ló dạng "hỏng" từ ngày Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và nắm (take over) quyền đánh CS theo kiểu chiến tranh quy ước. Kể từ đó VNCH mất chính nghĩa.
2. Có thể xem giải pháp lật đổ ông Diệm là một sai lầm chăng?
Lật đổ ông Diệm là một sai lầm lớn của Mỹ và các tướng VN thiếu thông minh không hiểu gì cả.
3. Tình hình trở nên nghiêm trọng từ khi nào?
Tình hình nghiêm trọng từ ngày CS thành công trong nỗ lực xâm nhập hàng ngũ Phật giáo và một số sinh viên làm tay sai cho chúng nó, phá phách chính quyền mà chính quyền không dám thẳng tay trừng trị.
4. Và trở nên tuyệt vọng vào lúc nào?
Hopeless từ khi tên Kissinger đi đêm với Lê Đức Thọ dẫn tới Hiệp định Ba Lê không buộc quân CS rút về Bắc. Cũng từ khi Nixon từ chức, ông Ford không biết Nixon hứa với ông Thiệu những gì.
5. Sai lầm lớn nhất của Miền Nam là gi?
Sai lầm lớn nhất của miền Nam là không có lobby bên Mỹ, không nỗ lực vô hiệu hoá bọn sinh viên Mỹ sợ chết chống chiến tranh và những thứ dân biểu chết nhát chỉ lo chiều theo cử tri Mỹ tối nào cũng xem TV chiếu những cảnh chết chóc ngay trong phòng khách của họ. Đây là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử người phóng viên mang được chiến tranh vào tận phòng khách của các gia đình.
6. Sai lầm lớn nhất của ông Nguyễn Văn Thiệu là gì?
Ông Thiệu không tin ai, tỏ ra biết hết, chỉ lo bị đảo chính, lãnh đạo cuộc chiến từ trong dinh Độc lập, ra lệnh rút quân khỏi miền núi và miền Trung mà không có chuẩn bị, quên cái luật căn bản của chiến tranh là "rút lui khó hơn tấn công bội phần".
7. Ông đã thành công trong ngành giáo dục, truyền thông, kinh doanh, và cả ngoại giao. Ông là người có giấc mộng lớn, có tham vọng lớn để "phỉ chí bình sinh". Ông hình dung thế nào về sự nghiệp ông muốn mở mang vào những năm "cực thịnh đó" (1970-74).
Trong những năm đó tôi chỉ nghĩ đến mở mang mà không nghĩ đến vận nước. Cho rằng sau chiến tranh, cứ đà này thì Tổ hợp Các Công ty Mekong sẽ lớn mạnh nhất nước.
8. Ông là mẫu người self-made man hiếm có. Ông có bắt đấu sự nghiêp với "hai bàn tay trắng" - hay có thừa kế phần nào từ song thân?
Thật quả là hai bàn tay trắng. Các cụ tôi có ý cho mỗi người con một cái nhà ở Hà Nội nhưng rốt cuộc không được hưởng gì cả.
9. Ông mất mát quá nhiếu, và mất mát của ông cũng là mất mát không nhỏ cho xã hội, cho đất nước. Nỗi đau đó có bao giờ nguôi ngoai không.
Nỗi đau đó khó nguôi ngoai nhưng cũng phải cố quên để tiếp tục hoạt động. Cũng có cái hay là thỉnh thoảng cũng nghĩ nếu không mất miền Nam thì chắc chắn bây giờ VN phải vượt Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân rồi, nghĩ như vậy nhưng không buồn, tuy nhiên vẫn tiếc cho đất nước đã rơi vào tay những thằng ăn cướp cho nên xã hội ngày nay mới hủ hoá, xuống dốc thảm hại, nếu nay mai có đuổi được chúng nó đi thì rất có thể phải ba bốn thế hệ sau mới lấy lại được phong độ xưa.
10. Ông đã sống 36 năm mang thân phận vong quốc. Nhìn lui nhìn tới, ông nghĩ thế nào về cộng đồng người Việt tại Mỹ và người dân Việt ở trong nước: bi quan, hoài nghi, dè dặt , hy vọng, tin tưởng..
Tôi phục cái sức tranh đấu để sống và cái thành công của người Việt hải ngoại. Tôi rất thương và cảm thông nỗi khó khăn của người Việt trong nước. Được tin là dân trong nước kể cả nhiều người CS mất tin tưởng nơi những người lãnh đạo, biểu tình đòi quyền sống chống ăn cướp tham nhũng và cửa quyền thì cũng hy vọng "sẽ có ngày" nhưng cũng không tin tưởng lắm. Người Việt hải ngoại cũng chống CS nhưng cũng chẳng làm được gì cụ thể mà còn tức nhau tiếng gáy, kèn cựa, chỉ trích, đội nón cối cho nhau.
11. Hồi ở Saigon nói về ông Linh là phải nói về ông (Nguyễn Ngọc) Phách. Nay hai anh em ở xa nhau thế, khoảng trống đó có làm thêm nỗi đau nhức truớc thời cuộc chăng?
Hai anh em tôi và chú Phách rất hợp nhau. Tôi phục ông Phách giỏi hơn tôi, uyên thâm hơn tôi, chữ nho rất thông mặc dầu mới tiếp tục học từ hồi sang Úc. Chỉ tiếc một điều là anh em sống xa cách quá nên liên lạc khó khăn không thoả lòng mong muốn.
Và những câu hỏi thêm:
1. Ông có tham dự vào đảng phái chính trị nào ở miền Nam trong thời gian đó hay không, chẳng hạn như Đại Việt Quan lại?
Tôi chẳng gắn với đảng phái chính trị nào trong đời bởi vì trong suy nghĩ của tôi đảng của tôi chính là đất nước Việt Nam của tôi.
2. Nhìn lại những năm đó, vào thời điểm nào thì ông bắt đầu có cảm nhận tình thế đã tuyệt vọng. Thực sự tôi chẳng thể chỉ ra một thời điểm nhất định khi tôi nhận ra được chúng ta đang đứng trên bờ vực … Thời điềm rõ ràng nhất là khi Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu cắt tất cả quân viện cho miền Nam Việt Nam. Thời điểm khác là khi các ông tướng của chúng ta quá sợ Tổng thống Diệm đến mức họ quyết định hạ sát ông và bào đệ của ông (Ngô Đình Nhu). Và cũng có những thời điềm khác khi những tên hề này cứ dựng lên hết đảo chánh này đến đảo chánh nọ. Và giọt nước cuối cùng là khi Việt Cộng chiếm lấy Ban Mê Thuột và ông Thiệu đã ra lệnh “tái phối trí” quân đội từ phần lớn miền trung và vùng cao nguyên Trung phần cho nên tạo ra hoảng loạn và “con dường tử thần”. Sau đó, thế là xong.
3. Có điều gì ông tiếc cá nhân mình đã không làm trong thời đó khiến cho ông thấy mình cũng đã sai lầm hay không?
Sau Paris lẽ ra tôi phải dành nhiều thời gian hơn để vận động cho Miền Nam tại nước Mỹ, vận động trong giới chính quyền, trong Quốc Hôi và trong giới truyền thông. Tôi có thể làm việc này hiệu quả hơn so với những người chính phủ gởi đi nhưng chỉ làm phí thì giờ. Nếu tôi làm việc này thay vì thành lập Tổ hợp Mekong, biết đâu đấy.
Trong 35 năm sau ngày Saigon sụp đổ, ông rút ra nhiều bài học về sự sụp đổ của chế độ Saigon, mà ông tóm gọn ở chữ “cultural gap” - khoảng cách văn hóa là yếu tố quyết định. Vì khoảng cách này mà Mỹ cứ dành quyền điều khiến cuộc chiến, và phía Miến Nam nhận viện trợ thấy thế thì cứ “ngậm miệng ăn tiền”, để mặc cho Mỹ phạm nhiều sai lầm về chiến tranh, về chính trị. Đến khi thấm đòn, mệt mỏi quá, muốn buông tay, Mỹ chuyển qua chính sách Việt Nam hóa, một chương trình quá trễ (thay vì phải là từ đầu cuộc chiến tranh) và quá sớm (khi Miến Nam chưa đủ sẵn sàng) chính là dọn đường rút lui, nhưng cũng chẳng để cho miền Nam hiểu rằng chúng ta phải tự quyết. Nhưng trách nhiệm, hay bài học lớn nhất, chính là sự thất bại của chúng ta. Thất bại từ sự lệ thuộc vào Mỹ đến độ như mất chính nghĩa, từ sự tranh chấp giữa các tướng tá và sự phá hoại của những nguòi mang danh nghia tôn giáo khiến cho cả đất nước thành phần vô trách nhiệm, vô lương tâm lại lèo lái quốc gia theo một nghĩa nào đó, và từ sự buông lỏng măt trận vận động dư luận ở những nước như Mỹ, Pháp, Nhật… Năm ngoái, ông Linh đã viết “Từ 1965 đến 1972, trong cương vị người đúng đầu cơ quan Truyền Thanh Quốc Gia, Tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã, và là Phát Ngôn Viên của Thủ Tướng, sau đó là Tổng Giám Đốc Thông Tin và Tuyên Truyền đồng thời là Thành Viên Nội Các, và Ủy Viên Báo Chí trong Phái Đoàn VNCH tại Hòa Đàm Paris, cá nhân tôi phải nhận lãnh một phần trách nhiệm vì đã không làm hết sức mình để thuyết phục Tổng Thống Thiệu và chính phủ đề cử những nhân vật giầu khả năng nhất sang Hoa Kỳ để đương đầu với nhóm phản chiến và phổ biến những điều tốt về nỗ lực của miền Nam Việt Nam nhằm ngăn chặn bước tiến của cộng sản xuống các quốc gia Đông Nam Á”. Tuổi tuy đã lớn, nhưng khi nói đến chuyện quá khứ và cả chuyện hiện tại của đất nước, Nguyễn Ngọc Linh vẫn có thể căng thẳng, nổi giận – như thời còn trẻ!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét