khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Mùa Giáng Sinh đầu tiên trong tù, 1975 - Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến



Từ cuối năm 1974, chiến cuộc VN thay đổi hẳn vì sự chênh lệch giữa hai bên về tiếp tế và hỏa lực ngày càng rõ nét. Phía QLVNCH thì quân viện đã bị Quốc Hội Mỹ cắt giảm trầm trọng nên hỏa lực sút giảm thấy rõ. Phe Cộng sản thì được Nga và Trung Cộng tăng cường việc trợ ồ ạt, tải vào Nam một số lượng khổng lồ vũ khí gồm cả xe tăng hạng nặng và trọng pháo tối tân nhất. Tháng Ba năm 1975, tỉnh Phước Long bị CS đánh chiếm, không lâu sau đó đến lượt Ban-Mê-Thuột thất thủ, mở đầu cho những tổn thất và di tản liên tục của phía VNCH, đưa đến ngày Quốc Hận 30/4 khi miền Nam VN hoàn toàn bị CS chiếm.

Vào những ngày cuối của cuộc chiến, đơn vị tôi đóng tại Gò Dầu Hạ, cùng với Sư Đoàn 25 BB phụ trách mặt trận Tây Ninh, lúc bấy giờ đang bị áp lực nặng nề từ một lực lượng địch quân đông đảo gấp nhiều lần, với vô số xe tăng và trọng pháo, liên tục tấn công và pháo kích vào các vị trí đóng quân của ta. Chiều ngày 28/4, sau khi bị mất liên lạc với Quân Đoàn và Bộ Tổng Tham Mưu, trước tình hình vũ khí ngày càng hao hụt mà không có tiếp tế, cũng chẳng còn yểm trợ pháo binh hay phi cơ, lại phải chịu hỏa lực pháo khủng khiếp của địch, đơn vị quyết định di tản, mở đường máu băng đồng chạy về hướng Hậu Nghĩa. Chạy suốt đêm, bị địch truy kích liên tục, đơn vị rã thành những nhóm nhỏ. Đến sáng 29/4 thì nhóm của tôi gồm chừng hơn trăm người bị bộ đội CS vây kín. Kiểm lại thì chẳng còn bao nhiêu súng đạn, chúng tôi đành chịu bị địch bắt và giải vào nhốt trong một khu rừng thuộc mật khu Chà Rầy.

Ngày hôm sau thì nghe tin sét đánh: Dương Văn Minh đã đầu hàng, Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức bị khai tử! Nhiều anh em trong chúng tôi đã bật khóc, lòng vô cùng đau đớn trước cái chết nhanh chóng không ngờ của miền Nam thân yêu.

Sau 1 tuần lễ bị giam, đến sáng sớm ngày 6/5, bộ đội và du kích CS tập họp hết mấy trăm tù binh VNCH bị giam tại khu rừng đó lại, đọc “Lệnh Tha” của “Cách Mạng”, thả tất cả mọi người vô điều kiện không phân biệt cấp bậc, cho về “trình diện tại địa phương”, chỉ cần “chấp hành tốt các qui định của chính quyền mới”. Không những thế, “Cách Mạng” còn phát cho mỗi tù binh mấy chục bạc để mua vé xe đò về nguyên quán!

Chúng tôi ngẩn ngơ, vì không ngờ họ lại thả mình dễ dàng như vậy, trong lòng không khỏi lấy làm lạ, có phần thầm phục cái “mã thượng” của “Cách Mạng”! Đi bộ mấy tiếng đồng hồ ra đến bến xe Trảng Bàng, chúng tôi gặp lại rất nhiều đồng đội bị bắt và giam ở chỗ khác, cũng được thả về, trong đó có cả ông Trung Tá Liên Đoàn Trưởng, mấy ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng. Lại càng ngẩn ngơ, càng thấy “Cách Mạng” sao mà “khoan hồng nhân đạo” quá sức tưởng tượng!

Về nhà, tôi bước vào trước sự ngạc nhiên sung sướng của gia đình, vì thằng con bấy lâu mất tích ngoài mặt trận tưởng đã chết, nay bỗng trở về như một bóng ma! Trong những ngày sau đó, rất nhiều bạn bè của tôi, phần đông cũng là sĩ quan rã ngũ, nghe tin tôi về thì ghé thăm. Nghe chuyện phóng thích vô điều kiện mà tôi là chứng nhân trực tiếp, ai cũng lắc đầu le lưỡi, phục “Cách Mạng” sát đất!
Vài tuần sau đó, có lệnh tập trung các anh em binh sĩ, hạ sĩ quan “học tập tại chỗ” 3 ngày. Rồi sĩ quan cấp tá trở lên “trình diện học tập, đem theo 1 tháng tiền ăn”. Cấp tá vừa đi xong là đến bọn sĩ quan cấp úy chúng tôi bị kêu trình diện, “đem theo 10 ngày tiền ăn”. Tôi đến trình diện tại trường nữ trung học Gia Long vào chiều ngày 23/6/1975, gặp rất nhiều bạn bè cũng trình diện tại đó. Bữa ăn chiều hôm ấy, “Cách Mạng” đặt nhà hàng Soái Kinh Lâm ở Chợ Lớn nấu đồ ăn tầu mang vào phát cho anh em ăn. Ai nấy đều phởn phơ vui vẻ, cứ ngỡ rằng chỉ có 10 ngày mà ăn uống ngon lành thoải mái như thế thì có nhằm nhò gì! Ở trường Gia Long mấy hôm, đến chiều 27/6 một đoàn xe Molotova đến chở chúng tôi đi suốt đêm, đổ vào Trảng Lớn. Ở đó, cán bộ CS mà chúng tôi phải gọi là “Quản Giáo”, chia chúng tôi ra thành đội, thành tổ, vào ở trong những căn nhà bỏ hoang của một trại lính cũ. Họ kêu các đội lên lãnh thực phẩm mang về tự nấu, gồm gạo mốc, rau muống đã gần hư thúi và muối hột. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy hơi kỳ kỳ, ngờ ngợ, nhưng vẫn còn bám vào cái tin tưởng “10 ngày”. Rồi màn tự khai đầu tiên xẩy ra, rồi tập họp học tập “Nội qui, Qui định”, “8 câu hỏi nhận thức”… 10 ngày qua đã lâu mà chẳng thấy động tĩnh gì, trong khi mọi chỉ thị, sinh hoạt đều mang dấu chỉ của một sự ở lại lâu dài.

Sự tương phản rõ rệt giữa thái độ “mã thượng” của “Cách mạng” lúc đầu và thực tế phũ phàng bấy giờ khiến chúng tôi mau chóng nhận ra là mình đã bị Cộng sản lừa ! Khi mới chiếm xong miền Nam vào 30/4/1975, họ chỉ nắm được trong tay, có nghĩa là đang bắt giữ được, giỏi lắm là 10% tổng số sĩ quan QLVNCH - trong đó có tôi và các sĩ quan trong đơn vị tôi. Đại đa số đã rã ngũ, lột bỏ quân phục, sống lẫn lộn rải rác trong dân chúng, muốn tìm bắt không phải là chuyện dễ. Mà đây lại chính là thành phần được CS đánh giá là nguy hiểm nhất cho chế độ mới, cần phải tập trung giam giữ bằng mọi giá. Những bộ óc lợi hại, xỏ lá nhất của “Cách Mạng” đã bày ra một mưu kế khá cao cường: thả con tép bắt con tôm! Khi họ phóng thích vô điều kiện những sĩ quan bắt được trong những ngày cuối của cuộc chiến như nhóm sĩ quan trong đơn vị tôi, thì chính chúng tôi là những nhân chứng sống cho cái gọi là “khoan hồng nhân đạo” của “Cách Mạng”, khiến các anh em còn tại đào tin tưởng. Vì thế mà khi có lệnh gọi trình diện thì đại đa số sĩ quan còn ở ngoài đều chui đầu vào rọ, CS tóm gọn một mẻ lớn ngon ơ!!! Họ đã tính toán rất kỹ và ấn định trình tự gọi “trình diện học tập” rất bài bản để không ai có thể nghi ngờ gì. Qua sự việc này, CSVN đã chứng tỏ rõ ràng khả năng điếm đàng lưu manh đệ nhất, xứng đáng là bậc thầy của mọi tập đoàn độc tài gian ác trên thế giới! “Thấp cơ thua trí”, chúng tôi bị lừa một quả lớn, lớn quá! Khi tỉnh ra thì cá đã nằm trong rọ!!!

Trong thời gian 8 tuần lễ ở Trảng Lớn, tôi biết ở trại bên có một anh Dược sĩ cùng khóa 20 Quân Y Hiện Dịch với tôi, Trung úy Mai Gia Thược, trong cơn tuyệt vọng đã tự tử bằng một quả lựu đạn lượm được khi đi lao động. Tinh thần của tất cả các trại viên đều sa sút, ai cũng buồn bã, bi quan vì không biết tương lai sẽ đi về đâu, tựa như ở tù mà không hề có bản án, không biết ngày nào ra.

Ngày 17/8/1975, cán bộ CS tập họp toàn bộ trại viên, chia thành từng nhóm. Họ dùng một danh từ mới lạ tai là “biên chế” để chỉ việc làm này. Rồi từng nhóm được lệnh lên Molotova, di chuyển về những trại khác nhau. Nhóm tôi được đưa vào doanh trại cũ của Tiểu đoàn Pháo binh Sư đoàn 18 nằm gần thị xã Long Khánh. Lại có màn chia đội, tổ, v.v... Rồi bắt đầu các công tác gọi là “ổn định chỗ ăn chỗ ở”, tức là sửa lán trại, đào giếng lấy nước xài, khai quang khu vực chung quanh…v.v... Rồi đắp nền, xây “Hội trường” để “sửa soạn bước vào học tập”.

Trong các trại viên, các anh lớn tuổi, có gia đình con cái rồi thì hẳn là lo buồn, rầu rĩ hơn bọn trẻ chưa vợ chưa con như lũ chúng tôi. Mà còn buồn hơn khi những dịp lễ, dịp nghỉ lớn trước kia của mình, như Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, vì càng thêm nhớ gia đình và không khí xum họp vui vẻ những ngày xưa… Tay Chính Trị Viên của Tiểu đoàn Bộ đội CS quản lý trại tôi là một anh già người miền Trung, tên là Năm Sinh. Tay này hay tập họp cả trại lại để “lên lớp” - chữ của “Cách mạng”, thí dụ như “Quán triệt chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước”, “Giải thích thêm về Nội qui, Qui định”. Y nói lè nhè, vừa nói vừa đi tới đi lui, tay chắp sau đít, mặt luôn luôn ngước lên trần nhà. Bọn trẻ chúng tôi ngồi tít phía sau, thường lén chơi cờ croix-zero với nhau hoặc lơ mơ suy nghĩ chuyện riêng, dư biết những gì hắn nói chỉ như là một đoạn băng rè phát ra từ một cái máy thu âm cũ, có nghĩa là học thuộc lòng bài bản do Đảng giao cho rồi cứ thế mà “bài tiết” lại! Đôi khi, sự dốt nát của những tay cán bộ CS này cũng mua vui cho chúng tôi được đôi chút. Tôi nhớ lần “lên lớp” trước mùa Giáng Sinh đầu tiên trong tù năm 1975, sau khi đọc lệnh cấm trại viên tụ tập cầu nguyện trong dịp lễ này, Năm Sinh gật gù nói với vẻ đắc ý : “Các anh nên nhớ là Kinh Thánh đã dạy rằng “Phật tức tâm, tâm tức Phật”, nên đâu cần gì phải tụ họp cầu nguyện?”. Cả lũ tù cười ồ, trong khi mặt y ngớ ra, ngạc nhiên không hiểu tại sao!

Mùa Giáng Sinh đầu tiên trong trại trôi qua trong tẻ nhạt. Mọi trại viên đều thấm thía về thân phận cá chậu chim lồng, không ai còn mơ hồ gì nữa. Rồi Tết đến, cũng một bầu không khí ảm đạm, thê lương y hệt như thế. Cũng may là Ban Quản Giáo cho gia đình gửi quà Tết lên cho bọn tù từ tuần trước, nên anh em cũng có tí đồ ăn “cải thiện”, vui vẻ với nhau một chút trong mấy ngày Tết.

Thời gian trong tù chẳng bao lâu sau đã chứng tỏ rõ ràng khả năng dồi dào và đa dạng của các cựu sĩ quan quân đội miền Nam, khác hẳn bọn sĩ quan quản giáo, rặt là một lũ vô học, không có trình độ, dốt nát ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Chỉ với tay không và óc sáng tạo, anh em chế ra đủ thứ. Trước tiên là các dụng cụ để làm việc, họ dùng các tấm sắt đường rầy xe lửa cũ, các thứ vật liệu phế thải thu nhặt được mà làm ra mọi thứ: từ cuốc, xẻng, xà beng…v.v... cho đến “xe cải tiến”, ròng rọc gỗ, lò rèn và ống bễ... Nhiều anh em có những khả năng đặc biệt, thí dụ như anh Nguyễn Thanh Thu, họa sĩ kiêm điêu khắc gia, người tạc bức tượng Thương Tiếc nổi tiếng đặt trước Nghĩa Trang Quân Đội bên lề Xa lộ Biên Hòa, được các quản giáo chiếu cố tận tình, nhờ vẽ hết cái này đến cái khác.
Còn nhớ có một anh quản giáo tên là Tý, mà chúng tôi gọi là anh Quản Bia, vì anh có bộ mặt đần độn và hàm răng vẩu, trông giống y hệt như hình tên VC trên tấm bia tập bắn ở các quân truờng. Anh này đem xuống cho anh Thu tấm hình bà vợ, một chị nhà quê miền Bắc tiêu biểu, đầu quấn khăn vành dây có đuôi gà, răng đen mã tấu, mặt rỗ hoa, mắt lác xệch. Anh Quản Bia cung cấp giấy croquis vẽ, màu nước…v.v... không biết kiếm ở đâu ra, bắt anh Thu vẽ cho bà vợ một bức họa chân dung, với yêu cầu là phải “hiện đại hóa” cho thành phụ nữ tân thời, nguyên văn lời anh là “giống như phụ nữ miền Nam”! Vài ngày sau, anh Thu trình tác phẩm nghệ thuật đã hoàn tất: chị vợ nhà quê nay môi son má phấn, mặt hết rỗ, mắt không còn lác, tóc phi-dê ngon lành, đeo bông tai, vòng vàng đàng hoàng, trông rất chi là hiện đại và sang trọng. Anh Bia hài lòng lắm, bèn thưởng cho anh Thu mấy tán đường thẻ, hí hửng đem tranh về cất kỹ, đợi dịp đi phép sẽ mang về Bắc làm quà cho vợ!

Sau này anh em tù “ngụy” có phong trào đi lượm những mảnh bom, mảnh nhôm vụn. Những khi rảnh rỗi ngoài giờ lao động, cả trại thi nhau hì hục cưa, mài, dũa… làm lược, làm trâm cài tóc… để mai này tặng vợ con khi có dịp. Những tấm tôn phế thải được đem về đập cho thẳng, cưa ra, gò thành gầu múc nước, nồi, chảo, thùng… để dùng hàng ngày. Anh em còn làm cả những chiếc va-ly đựng đồ, có khóa đàng hoàng, trông rất “chiến”, chỉ thua va-ly samsonite chút đỉnh. Các anh quản giáo trông thấy, suýt soa khen đẹp, và đều xuống đặt làm cho mỗi anh một hai cái, chờ đi phép sẽ xài. Tuyệt vời hơn, anh em bắt đầu “chế” đàn guitare, thùng đàn gò bằng tôn, cần đàn thì đẽo bằng gỗ củi, dùng dây điện và dây điện thoại xe lại làm đủ bộ 6 dây đàn, từ dây “mì” thấp nhất đế dây “mí” cao nhất. Từ những cây đàn đầu tiên còn thô sơ chưa được chính xác và nghe chưa hay, qua kinh nghiệm dần dần kỹ thuật được cải tiến nên những cây đàn làm về sau trông đẹp hơn và nghe rất được. Nghe nói ở trại khác, anh em còn làm cả vĩ cầm, có archet kéo đàng hoàng! Rồi trong trại nổi lên phong trào học nhạc, anh này dạy anh kia, cho qua thời giờ rảnh sau khi lao động mệt nhọc.

Tôi được một anh bạn gò tặng cho cây đàn, sướng quá vì vốn mê nhạc mà đã lâu không được chơi. Cùng tổ với tôi, người tôi thân nhất là NNN, giáo chức, Trung úy biệt phái, mà chúng tôi gọi là Giáo Ngạn. Thân với hắn vì cả hai thằng đều khoái văn nghệ, đều có máu tếu và đều “phản động ngầm”. Thí dụ như bài hát ca tụng già Hồ: “Bác đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con, bác bắt nhịp bài ca Kết Đoàn”, được chúng tôi sửa lời thành: “Bác đến từng nhà hăm các cụ già, còng tay chúng con, bác bắt buộc người ta kết đoàn…”, hát nho nhỏ với nhau rồi khoái chí cười hinh hích! Người ta đâu có muốn “kết đoàn” theo kiểu của “Bác” đâu, nhưng bị “Bác” bóp cổ bắt buộc nên rất chán!

Có được cây đàn, tôi và Giáo Ngạn tối tối nghêu ngao ca hát các loại “nhạc vàng”, vì thời còn trẻ tôi thuộc lòng rất nhiều nhạc cả VN lẫn ngoại quốc. Tiếng đồn bay xa, dần dần anh em các đội tổ khác muốn nhớ lại “hương xưa”, mời chúng tôi đi “du ca”, hát “nhạc yêu cầu”, đổi lại anh em đãi chúng tôi thuốc lào, chè cháo! Được mấy tháng thì chuyện “du ca” bị chấm dứt sau khi chúng tôi bị quản giáo và vệ binh rình bắt quả tang, may chỉ bị làm kiểm điểm. Báo hại các anh em trong đội tôi cả mấy buổi tối phải “ngồi đồng” sau giờ lao động, kiểm thảo phê bình chúng tôi thay vì có thời giờ làm việc riêng, nên phàn nàn quá xá!

Cuối tháng 8 năm 1976, chúng tôi bị lùa lên hội trường, bắt đầu “học” bài đầu tiên của loạt “10 bài học cải tạo dành cho sĩ quan chế độ cũ”, do cán bộ chính trị từ Trung đoàn xuống “lên lớp”, to chuyện lắm. Nói chung thì các bài bản của CS đều là thứ tuyên truyền rẻ tiền, với những tiêu đề đại loại như “Đế quốc Mỹ to nhưng không mạnh”, “Đế quốc Mỹ: con đỉa hai vòi”, “Ba giòng thác Cách mạng”, “Nhiệm vụ xây dựng tổ quốc trong thời đại mới”… Bọn tôi xách cái ghế con lên ngồi giả vờ nghe, nhưng kỳ thực hoặc đánh cờ, hoặc “bút đàm” với nhau, hoặc ngủ gật. Lên lớp xong rồi, cán bộ còn ra lệnh phải về họp tổ thảo luận, đào sâu thêm để sau đó làm “thu hoạch” cho tốt! Tổ tôi cũng phải họp lại vào buổi tối cho có lệ, nhưng bàn với nhau cử hai “lính gác giặc”, một anh thủ cửa trước, một anh cửa sau, còn mọi người ai nấy cứ làm việc riêng - anh thì vá quần áo, anh thì dũa lược nhôm, anh thì đánh cờ tướng…v.v... Khi thấy có quản giáo hay vệ binh xuất hiện từ xa là “lính gác giặc” báo động, tất cả các đồ linh tinh biến mất trong chớp mắt, nhìn vào người ta chỉ thấy cả tổ đang ngồi nghiêm chỉnh, nghe một tổ viên (dĩ nhiên là đã có cắt cử từ trước) đang thao thao phát biểu, đúng y chang yêu cầu học tập! Theo nhận xét và kinh nghiệm của cá nhân tôi, đại đa số anh em tù chỉ vờ vịt, vì trót lâm vào cảnh “cá nằm trên thớt” nên đành cắn răng “nín thở qua sông” cho qua chuyện, chứ học tập học tiếc cái gì! Chẳng đời nào CS “cải tạo” được các cựu sĩ quan QLVNCH!

Thấm thoắt đã lại gần Tết, cái Tết thứ nhì trong tù cải tạo. Các trại viên sau hơn một năm bị tù, dường như đã cam phận hơn và chấp nhận thân phận tù đày không biết ngày ra. Trong hoàn cảnh ấy, làm gì cho vui một chút thì vẫn hơn là rầu rĩ, suốt ngày nhìn trời hiu quạnh! Cán bộ trại cũng ra lệnh cho trại viên sửa soạn văn nghệ đón Xuân để ra điều là “an tâm cải tạo”.

Các đội, tổ được phân công dựng sân khấu ngay tại hội trường chính. Anh Nguyễn Thanh Thu xin cán bộ cung cấp vải và sơn để trang trí sân khấu. Anh thực hiện hai tấm vải treo dọc hai bên cánh gà, vẽ hai con hạc rất đẹp, đối xứng với nhau, ngóc mỏ nhìn lên mặt trăng màu vàng trên nền trời đêm đen bạc. Cán bộ xuống xem, tấm tắc khen. Anh Thu nói nhỏ với tôi :”Mấy thằng cán bộ này ngu thiệt! Tôi vẽ hai con hạc đứng một mình này có ý nghĩa là bọn mình cô đơn trong tù, nhìn trăng nhớ nhà, rầu thúi ruột, mà tụi nó không hiểu, cứ khen tới…”

Ngày mồng một Tết năm ấy, trại viên cũng làm đầu lân bằng tre và giấy bồi, đi múa khắp trại, có cả ông Địa phe phẩy quạt. Giáo Ngạn mặc quần tây, áo sơ mi trắng đem theo từ lúc đi trình diện cải tạo, chơi thêm cái cà-vạt làm bằng bao cát, đi vòng vòng chúc Tết anh em “mau chóng cải tạo tốt để được về sớm”. Tôi phụ trách ban nhạc gồm hơn chục anh em, mỗi người một cây đàn tôn, cũng ráo riết tập dợt. Trong buổi trình diễn đón Xuân, Giáo Ngạn vẫn trong bộ đồ kẻng, đeo cà-vạt, làm MC. Có lẽ đó là lần làm MC đầu tiên trong đời của hắn, có thể cũng là điềm báo hiệu sự nghiệp MC sau này chăng?
Ban nhạc chúng tôi thì ngoài mấy cây đàn guitare tôn, còn có một bộ trống cũng gò bằng tôn, phất giấy có thoa nước cơm đặc nhiều lần cho cứng, và một cây contre-basse làm bằng một cái thùng phuy cưa đôi, dây bật phình phình, cũng xôm tụ ra phết. Chúng tôi hòa tấu bài “Those were the days” (khi nộp chương trình văn nghệ cho “khung”, tôi khai là nhạc Liên xô). Bài hát này thời trước 75 khá phổ thông, và lời ca tiếng Anh, nếu ai biết, cũng rất thấm thía đối với hoàn cảnh chúng tôi bấy giờ, ngụ ý nhớ tiếc những ngày vui cũ: “Those were the days, my friend - We thought they'd never end - We'd sing and dance forever and a day - We'd live the life we choose - We'd fight and never lose - 'Cause we were young and sure to have our way…” Dĩ nhiên anh em tù cải tạo rất khoái, vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Cũng may là không có tay ăng-ten nào đâm thọc, nên chúng tôi không bị rắc rối. Tối về thì tổ anh nuôi phát cho anh em mỗi người một mẩu thịt heo bé tí, đặc ân của “Cánh mạng” đãi ngộ bọn tù nhân dịp Xuân về… Từng nhóm nhỏ, chúng tôi gom chung đồ tiếp tế, pha cà phê hoặc trà, nấu nồi chè đậu xanh, ngồi quây quần trò chuyện tới khuya, ngậm ngùi nhắc những kỷ niệm Tết vui những ngày xưa cũ…

Không lâu sau cái Tết năm ấy, trại viên lại được lệnh “biên chế”, từng đội từng tổ lại bị xé ra, ráp trở lại thành những nhóm mới, đi đến những địa điểm tù khác nhau. Thì ra đây cũng nằm trong kỹ thuật “giam tù phản động” của Cộng sản: họ sợ rằng để bọn tù ở chung với nhau lâu ngày thì sẽ kết bè kết nhóm, thân nhau tin nhau đủ để có thể âm mưu tổ chức trốn trại hoặc nổi loạn. Vì thế cứ độ hơn một năm là họ “biên chế”, chẻ nát các đội, tổ, xào xáo lung tung và chia thành nhiều nhóm mới, chuyển đến nhiều trại mới khác nhau để tránh hậu họa. Kỹ thuật này do quan thầy Liên Xô và Trung Cộng nghiên cứu và áp dụng thành công từ bao nhiêu năm, nay đệ tử Việt Cộng dùng để khống chế bọn tù “ngụy”.

Mới đó mà đã ba mươi mấy năm. Những bạn tù hồi đó, người may mắn vượt thoát ra ngoại quốc, kẻ còn ở lại sống chật vật dưới chế độ CS. Điều lạ lùng là có những người trước đây ở trong tù khốn khổ thì giữ được tư cách, lập trường, đáng mặt trượng phu, mà khi vượt biên thành công, ra ngoài sống thoải mái ở nước tự do thì lại dần dà biến chất, lập trường chao đảo một cách quái đản khó hiểu, thậm chí còn ra mặt ca tụng cảnh “phồn vinh” bây giờ của Saigon, thán phục trình độ ăn chơi sang trọng của tầng lớp cán bộ CS ăn trên ngồi trước mà nay họ được “hân hạnh” quen biết! Nói chuyện với những người ấy, có khi mình có cảm tưởng là thằng bạn tù ngày xưa đã chết, người mình đang gặp đây là một nguời khác, một người hoàn toàn xa lạ! Giáo Ngạn thì từ mười mấy năm nay, kể từ sau vụ Paris By Night “B40”, chắc là ngượng ngùng nên dù qua Úc nhiều lần nhưng chẳng liên lạc với ai nữa. Thì thôi! Điểm chung đã không còn, có gặp nhau cũng chỉ là gượng gạo, thà là nghỉ cho rồi!
Trại tù L9T5 Long Khánh của chúng tôi có được hơn chục anh em cựu tù cùng sống tại Sydney, từ 1994 đến nay năm nào cũng họp mặt mỗi cuối năm, hàn huyên chuyện cũ chuyện mới. Những mái đầu xanh ngày xưa giờ đã lốm đốm bạc. Trong nhóm cũng đã có người ra đi vĩnh viễn. Vài anh em ở đây hàng năm vẫn chung góp để tiếp tế cho một vài bạn tù hồi đó nay còn ở VN, giúp họ có được một cái Tết tương đối tươm tất cho gia đình.


Nhớ lại những kỷ niệm xưa mà lòng không khỏi bồi hồi. Và buồn vì không biết bao giờ mới được về thăm một quê hương Việt Nam, khi thực sự có tự do dân chủ...

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét