khktmd 2015
Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014
Alan Phan và “những đêm chờ sáng”
“Có tự do là có tất cả…
“Tôi sống ở Mỹ từ năm 1963 đến giờ, đời sống rất ít bất ngờ, con người giống như một cái máy, có thể tính toán đến từng phút, từng giây. Nhưng ở Việt Nam, dường như không thể tính toán được”.
Do Kim Yến – Biz Live thực hiện – 18/8/2014
Alan Phan vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 69 của mình trong không khí bạn bè ấm cúng, bên cạnh người bạn đời và con cái. Cũng trong dịp vui này, hai cuốn sách của ông vừa xuất bản Quê hương những đêm chờ sáng và Ngoài vùng phủ sóng đã được bán trên mạng Amazon.
Du học Mỹ từ năm 1963, từng làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars, TS Alan Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ) và DBA tại Southern Cross (Úc) (*). Là tác giả của 11 cuốn sách Anh và Việt ngữ về thị trường mới nổi – Bình luận gia chính cho các tạp chí Vietnam Review, Robb Report, Saigon Times, Vietnamnet, Saigon Tiếp Thị, Doanh Nhân … những bài viết sâu sắc, chân thực, hóm hỉnh của ông luôn gây sự chú ý và thích thú với dư luận. Ông đã giành cho Bizlive cuộc trò chuyện cởi mở về những điều ông suy nghĩ…
“Tất cả đều vô vi”
- Với Quê hương những đêm chờ sáng, ông muốn mang lại điều gì cho người đọc, nhất là giới trẻ hôm nay?
- Tất cả những gì viết ra trong tác phẩm là suy nghĩ của tôi về quê hương. Tôi viết bằng tiếng Việt, cho những người bạn trẻ đi sau có thể rút ra điều gì đó từ những kinh nghiệm, những thành tựu và thất bại của người đi trước… để có cái nhìn tổng quan về con đường sắp tới của chính mình.
Tôi không có một triết thuyết hay mục tiêu gì quan trọng, thực tình, giống như một người viết truyện, chia sẻ những kinh nghiệm thực của đời sống, ai thích mang về phát huy thêm, ai không thích cũng chẳng sao, tôi không coi đó làm trọng. Quan trọng là qua những bài viết, người đọc tìm thấy điều gì. Mỗi cuốn sách cũng giống như một người bạn không quen biết ngồi với mình để tâm sự, tìm vui được hay không thì tùy, cũng có thể chỉ là im lặng.
Tôi chỉ là một người bình thường, sống một cuộc đời tương đối bình dị, cũng trải qua những gì tưởng chừng phức tạp nhưng không có gì rắc rối, thể hiện qua những kinh doanh của mình. Cái gì rắc rối quá là tôi rời xa ngay, vì không muốn mệt tâm, không muốn thay đổi cả một suy nghĩ, một cuộc đời chỉ để làm một phi vụ gì đó.
Nhìn những người khác, tôi thấy đôi khi người ta nghiêm túc quá trong tình yêu, công việc. Với tôi tất cả đều nhẹ nhàng, người mắng, người khen cũng OK. Tôi thích tư tưởng lão giáo, tất cả đều vô vi. Chưa bao giờ nghiêm túc về bất cứ điều gì, có lẽ vì vậy tôi không làm được chính trị, không trở thành đại gia, triết gia được. Đối với tha nhân cũng thế, tôi không phê phán, không chỉ trích, người nào nói không tin hay khôn thích thì im lặng. Đó là cách tôi thể hiện trong cuộc sống và trong viết lách, chia sẻ chuyện làm ăn…
- …13 ngàn đêm thiếu ngủ với cuộc bể dâu của quê hương, ông đã thấm thía điều gì?
- Làm ăn ở nhiều quốc gia, quen biết với nhiều người bạn, tôi thấy họ sống một cách bình thường trong những quốc gia bình thường, nên không mất ngủ, không lo lắng suy tư trầm mặc như người Việt mình. Mỗi người Việt Nam như tôi đều sống trong những hoàn cảnh khá đặc biệt, trải qua một tuổi thơ và tuổi trẻ dồn dập bởi chiến tranh, buộc phải bỏ đi lập nghiệp xa xôi xứ người, lang thang khắp thế giới…đó là trải nghiệm những đêm thiếu ngủ.
Tại sao định mệnh lại đưa mình tới những khung đời hơi khác so với những người bạn Mỹ, Tàu, A Rập…? Tại sao những khổ đau, hạnh phúc của mình cũng đầy bất trắc, thăng trầm, lên voi xuống chó? Có lẽ vì quê hương hơi khác thường?… Đó là những điều tôi suy nghĩ trong những đêm chờ sáng.
- Thực sự có bao giờ chúng ta tự hỏi chúng ta là ai trong thế giới này? Chúng ta còn gì, mất gì?
- Mình là ai, mình sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi từ ngàn đời mà bao triết gia, tôn giáo đã tìm kiếm. Với tôi, những câu hỏi đôi khi vụn vặt hơn. Cái gì đã bắt một dân tộc phải vùng lên với cuộc chiến dài đầy mất mát, trong khi những nước láng giềng khác như Malaysia, Indonesia…cũng bị bóc lột, đô hộ một thời gian dài, nhưng con đường đi tới độc lập, hòa bình, xây dựng đất nước không phải vất vả, cam go như nước Việt mình? Hoàn cảnh nào, suy nghĩ nào đã tạo nên một định mệnh dân tộc như vậy? Thực tình mà nói, người Việt rất thông minh, có sức sống, có trí tuệ… Phải chăng chính vì mình “quậy quá” nên ông trời bắt phải gian nan…
Tôi cũng tự hỏi tại sao một dân tộc thông minh lại hay bị lừa gạt bởi những ảo tưởng, những khẩu hiệu rỗng tuếch to lớn, vĩ đại, hoang đường, và đôi khi lừa gạt cả chính mình. Những lầm lỡ cốt lõi rất ngây ngô và không sửa chữa. Trong khi những bộ lạc châu Phi không có inrtenet, sách vở hiện đại, chỉ nói với nhau bằng ngôn ngữ từ cây này truyền sang cây khác…chỉ vài năm sau khi thấy rõ sai lầm đã sửa ngay. Đôi khi trí tuệ có phải là kẻ thù của mọi thứ không? Những suy nghĩ này rất thực vì mình nên nhìn vào kết quả cuối cùng mình thấy chứ không phải vấn đề trên trời.
Nhìn từ bên ngoài vào, thấy người Việt cũng ổn. Con người vẫn tiến bộ, vẫn hạnh phúc nếu họ muốn, vẫn bình an nếu họ cần, vẫn có sức khỏe nếu biết gìn giữ. Lỗi lầm là do sự chọn lựa của mỗi cá nhân thôi. Trí óc mình lười biếng, không đọc sách, không tìm hiểu kiến thức thì đầu óc cũng ngu si đi, chỉ “chém gió” qua các bữa nhậu, không hiểu biết về thế giới bên ngoài. Nếu mình không quan tâm đến người khác thì đừng hỏi tại sao người ta vô cảm với mình. Tất cả đều quay lại vấn đề nội tại của con người. Chẳng ai có thể lấy đi trí tuệ, tâm hồn mình. Có lẽ những thử thách xã hội đem đến cho mình là những bài “test” để mình vượt qua, trở thành con người thực sự?
“Bác sĩ tâm lý”
- Trong Ngoài vòng phủ sóng, ông đã nhận được nhiều sự chia xẻ, phải chăng ông rất thấu hiểu một tuổi trẻ “hoang mang”?
- Những hiện tượng xã hội gần đây của Việt Nam có thể nói khá đặc biệt, những nghịch lý không thể tìm ở đâu. Tôi sống ở Mỹ từ năm 1963 đến giờ, đời sống văn minh rất ít bất ngờ, con người giống như một cái máy, có thể tính toán đến từng phút, từng giây. Nhưng ở Việt Nam, hoàn toàn không thể tính toán được. Trên phương diện làm người quan sát và suy nghĩ, đó là mảnh đất màu mỡ để khai thác. Vì vậy trong những năm qua tôi rất hay về đây, nếu tính hiệu năng công việc, kiếm tiền thì ngày càng tụt hậu, nhưng bù lại có những hứng thú không thể tìm ở nơi khác.
Những điều tôi viết chia sẻ được với tuổi trẻ vì họ cũng thao thức như tôi. Còn thế hệ lớn tuổi có thể đã yên phận rồi, không có mong ước gì hơn là được sống qua ngày, lãnh lương hưu. Áp lực trong một xã hội kín mít đã khiến họ quen đi. Nhưng thực tình những người trẻ thao thức chỉ là thiểu số, còn phần lớn chẳng biết Alan là ai.
Đối với họ người mẫu lộ hàng hấp dẫn hơn nhiều. Giới trẻ Việt Nam già nua so với thế giới bởi sự an phận, không suy nghĩ gì nhiều, cũng hiếm ai đặt câu hỏi tại sao kiến thức mình thua người trẻ khác? Tại sao lười biếng, tại sao ỷ lại? Một cô gái trẻ vẫn thoải mái dùng tiền cha mẹ mua hàng hiệu khoe bạn bè, đối với họ chiếc Iphone quan trọng hơn bất cứ sự đổi đời nào.
Cũng không thể trách họ vì nhìn vào những bậc cha chú, 5 giờ chiều ở quán nhậu, 10 giờ đêm cố lết về nhà ngủ một giấc, đó là thói quen mà xã hội dạy cho họ.
Những gì tôi viết có thể chỉ là một sự giải tỏa áp lực những gì họ cảm thấy bên trong, vì họ cũng bất lực giống tôi. Đó là lý do họ thích đọc và nghe tôi nói. Một điều khá đau đớn cho những người có nhiều sức sống, nói một cách khôi hài, thì tôi là “bác sĩ tâm lý” chữa bệnh cho một số nhỏ những người đang bực tức.
- Câu chuyện về đời ông suy cho cùng lại là câu chuyện của một nhà văn, nhà kinh tế, xã hội học?
- Sáng tạo bắt đầu từ đam mê, và phải nuôi dưỡng sự sáng tạo bằng cách trau dồi kỹ năng thường xuyên để mình đừng tụt hậu. Không chỉ trau dồi kiến thức, mà phải trau dồi cả kỹ năng giao tiếp, “xuống đường” để kiếm thêm những người giỏi, học hỏi họ, đi tìm họ, thay vì ngồi chờ. Tôi không ngừng xin gặp những người giỏi, chính họ giúp cho ngọn lửa sáng tạo của tôi đều đặn cháy.
Điều kiện cần nhất cho sáng tạo là sự tự do. Tôi may mắn có tự do, đó là tài sản lớn nhất.
Trước hết, là công dân Mỹ, tôi thích nói gì thì nói, không ai bịt miệng được. Thứ hai, khi mình đã có tiền rồi và biết cất vào một nơi để có thể lo cho mình sống phần đời còn lại không phải suy nghĩ về cơm áo gạo tiền nữa. Dĩ nhiên phải biết sống bình dị, nếu vung tiền mua máy bay, du thuyền thì làm sao cho đủ. Trong cuộc đời 20 năm nữa, tôi không phải suy nghĩ về tiền, đó là tự do mà hiếm người có được, vì tôi thấy tiền có thể khiến nhiều người phải làm những việc mình không thích, khó trở thành một con người mà mình đã mường tượng ra.
Thứ ba, tôi không quan tâm lắm về danh tiếng. Chết là chết, không thắc mắc gì. Mỗi ngày sống phải cho vui, khỏe mạnh, cảm thấy hài hòa với tất cả những người mình yêu thích, hài hòa với thiên nhiên, môi trường xung quanh, với xã hội, đó là điều quan trọng. Tôi cũng không quan tâm sẽ để lại gì cho con. Con có đời sống của nó, rồi sẽ ổn. Mình đã đưa con đi một quãng đường dài, còn lại hãy để con tự sống.
Thứ tư, tôi là người sống thiên về trí tuệ, tinh thần, đó là cái giúp mình tự do hoàn toàn, không ai kiểm soát được. Một con người đúng nghĩa là con người tự do. Khi có tự do là có tất cả. Nhưng mọi người phải biết quý trọng tự do của người khác, không chà đạp người khác, không bắt người khác phải theo mình, vì quyền lực của mình.
- Ông có coi doanh nhân là hạt nhân thúc đẩy sự đổi mới của toàn xã hội?
- Doanh nghiệp tư nhân chính là nền tảng để phát triển kinh tế. Một nền kinh tế mạnh là khi thu nhập người dân cao. Bất cứ doanh nhân nào giúp cho thu nhập người dân tăng lên một cách lũy tiến là đã sống có ý nghĩa. Những nước như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đã làm được điều đó. Nếu chính phủ không làm được thì đó là sự thiệt thòi cho người dân.
Kỵ nhất sự nhàm chán
- Bức tranh xã hội hiện lên nhiều màu xám đang hủy hoại nhân tính con người, ông lý giải điều đó như thế nào dưới góc độ một nhà kinh tế, nhà văn?
- Tất cả đều bắt nguồn từ kinh tế. Con người Việt Nam có thể không xấu, nhưng tội lớn nhất là tội nghèo. Nghèo đủ thứ, xấu vì nghèo, hư hỏng vì nghèo, vô văn hóa vì nghèo. Đói quen rồi thấy đồ ăn trên bàn buffet là giành giật nhau, vì quá khứ, hiện tại dạy cho họ như vậy. Sống trong khu ổ chuột lúc nào cũng ngập nước, đầy rác thì chuyện tiểu tiện ngoài đường là bình thường. Nếu bỏ họ vào một vilas sang trọng thì họ có tiểu ngoài gốc cây không? Tất cả đều quy về kinh tế. Khi dân có tiền, cuộc sống sẽ thay đổi. Nếu chính phủ cứ tiếp tục tham nhũng, đút vào túi mình thay vì lo cho dân thì xứ sở này vẫn tiếp tục vô văn hóa.
- Nhìn vào cách hưởng thụ của giới doanh nhân, ông nghĩ gì về chuyện tiêu tiền?
- Trên thế giới có cả trăm loại người giàu, có người sống rất vớ vẩn, khoe khoang, tôi không quan tâm, miễn họ xài bằng tiền của họ, đồng tiền làm ra một cách hợp pháp, có đóng góp giá trị cho cộng đồng. Tôi đã từng dự buổi tiệc của một đại gia Trung Quốc bỏ ra cả chục triệu USD để phô trương thanh thế, và một đám cưới của người bạn tỷ phú Mỹ cho 60 người làm ở bãi biển: chỉ cho ăn sandwich và uống coca, thề thốt nhau dưới ánh trăng, vẫn hạnh phúc. Cả hai có khác biệt gì đâu?
Tôi thấy các đám cưới ở Việt Nam thường rập khuôn, xu thời, tẻ nhạt. Tôi đã từng tổ chức những buổi tiệc tất niên gọi là “Roast” để nghe thiên hạ chửi hay chê mình cũng vui. Chê bai nhau trên tinh thần bè bạn, vui chơi thoải mái không có gì là quá đáng. Đối với tôi ngay cả chuyện vui chơi cũng cần có một chút sáng tạo. Điều cấm kỵ nhất trong cuộc đời là sự nhàm chán.
- Một người luôn dấn thân như ông có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, muốn dừng lại?
- Có chứ, nhiều lúc cũng mệt mỏi, muốn bỏ cuộc. Con người đi qua những thăng trầm quá nhiều luôn phải đối diện với nhiều vấn đề. Robin Williams có một cuộc đời rất nhiều thành tựu, từng đoạt giải Oscar mà tới lúc nào đó đã treo cổ tự vận. Một người nổi tiếng như vậy còn muốn bỏ cuộc nói gì đến người bình thường như tôi.
Nhưng tôi có cách khắc phục. Đôi khi tồi tệ quá, tôi cho phép mình hai ngày để tồi tệ cho hết, đến ngày thứ ba bắt đầu cho một chuyện mới. Cuộc đời luôn phải đối diện với những bất trắc, biết như vậy, để tìm giải pháp tích cực. Nếu để chuyện bất ngờ xẩy ra thêm (họa vô đơn chí) mình sẽ càng lúng túng, càng mệt mỏi thêm.
- Làm thế nào để ông vừa đọc sách, viết sách, vừa kiếm tiền, vừa…yêu?
- Tôi nghĩ mọi người nên học khóa Quản trị thời gian, rất hiệu quả. Tôi không bao giờ làm cái gì nhiều quá. Ngồi bên computer không quá 2 giờ là phải làm chuyện khác, ngay cả những cuộc hẹn cũng chỉ tập trung trong buổi sáng, một tuần chỉ ba ngày. Biết cách quản trị số giờ có vẻ hơi máy móc, nhưng giúp mình không sa đà vào những chuyện tầm phào, để giành thời gian cho gia đình, cho trí tuệ, cho sức khỏe.
Mỗi sáng thức dậy, sau khi tập thể dục, tôi thường ngồi trước tờ giấy trắng viết ra những việc phải làm hôm nay. Bận rộn cũng là điều tốt để không suy nghĩ tiêu cực, yếm thế. Con người bận rộn luôn lạc quan, yêu đời, bởi có quá nhiều thứ để tận hưởng, chiêm ngưỡng.
(*) American Intercontinental (Mỹ) và Southern Cross (Úc) là hai trường được xếp vào đẳng cấp "degree mill"
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét