khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Thư gửi bạn 2012 của thầy Phạm Tiết

Thư gửi bạn 2012

Lâu rồi tôi không viết thư thăm bạn, hi vọng bạn cùng mọi người trong gia đình vẫn được mạnh khỏe, công việc làm ăn, con cháu học hành đều tốt đẹp. 

Tôi cũng thông báo đến bạn là tôi đã nghỉ hưu vĩnh viễn bắt đầu từ 20 tháng 12, 2012 sau gần 40 năm đóng góp cho đời . Đây là một quyết định quan trọng qua bao nhiêu ngày đêm suy nghĩ, chưa biết lúc nào thuận tiện cho mình. Nhìn lại cả một quãng đời đã qua, chỉ tòan là đi dạy học và đi làm, có nghĩa lúc nào cũng có người chung quanh mình – mà phần nhiều là những người trọng và quí mến mình – bây giờ tôi cảm thấy thật trống rỗng, cô đơn! 

Mấy ngày cuối năm tôi không đi đâu chơi, ở nhà dọn dẹp lại nhà cửa cho gọn gàng. Trong tủ sách tôi chỉ giữ lại các quyển truyện và 5 cái patents, còn tất cả các thứ khác đem cho hoặc vứt đi hết. Cả trăm cái CDs (music) …mời ra sọt rác nằm không luyến tiếc (vì tất cả đã được chuyển qua MP3 trong USB thumb drive). Tuy nhiên sách vở lại là chuyện khác, sách vở mới làm tôi đau đầu. Tôi nhớ lại sau tháng Tư năm 1975, nguời CS xỉ vả nặng nề lớp người như tôi là “bỏ của chạy lấy người”; của thì lúc đó tôi chưa có nhưng chỉ tiếc công lao gầy dựng tủ sách. Tôi đã tiếc tủ sách quí do công lao tích tụ, cũng như một đêm cuối năm 1954 khi Mẹ tôi dẫn mấy chị em vượt khỏi làng quê miền Bắc vào Nam, tôi chỉ tiếc chùm dâu da soan ủ trong khạp gạo! Tất cả các software dính dáng đến công việc làm qua nhiều hãng khác nhau, tôi thảo bỏ hòan tòan khỏi máy (uninstalled). Mấy cái computers cũng đem cho hết. Bao nhiêu sách vở từ gần 40 năm - sách mua cũng như sách mà các nhà xuất bản tặng (để quảng cáo) cho những người đi dạy học, tôi quyết định không giữ một quyển nào vì không muốn nghỉ hưu mà đầu óc còn bận rộn. Cách đây hai ngày, tôi gom hết sách vở vào mấy thùng đem ra tặng thư viện thành phố. Tưởng rằng việc làm này dễ dàng nhưng không ngờ thật quá khó! Có những quyển sách mình gắn bó với chúng như chính hơi thở của mình trong thời trai trẻ, những vật mà mình tưởng là vô tri vô giác kia sao như chúng có linh hồn đã theo mình bao nhiêu năm, bây giờ xa lìa chúng, tôi có cảm giác như tôi đang chia tay vĩnh viễn với những mảnh đời tươi đẹp đã qua. Mỗi quyển sách hình như có lẽ sống riêng của nó, ấp ủ những kỷ niệm riêng với âm vang thân mật làm lay động những hình ảnh xa xưa trong lớp học. Lật lại những notes làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên, records kết quả của những kỳ thi hàng năm, lướt qua danh sách sinh viên, nhớ lại trong đó có những người đã từng cùng học một trường với mình ở Saigon và có cả vài vị Thày dạy học tôi ở trường Trung Học CVA, NT… Dĩ vãng lại dồn dập quay về bởi bao nhiêu mối dây vô hình liên kết mình với quá khứ… Quá xúc động, không ngăn được nước mắt tuôn trào. Thật là tiếc cho bao nhiêu kiến thức tích tụ sau mấy chục năm mà bây giờ mình phải đau lòng vứt bỏ. Vẫn biết rằng, người ta ai cũng có ngày phải chia tay với một người nào đó, với một nơi chốn, một công việc, kỷ niệm và …với cuộc đời, nhưng sao thấy buồn quá. 

Tuy nhiên cũng có nhìêu kỷ niệm nghĩ lại thấy vui vui. Có một năm tôi dạy về Computer Architecture, trong lớp có một cô VN trông thiệt …mát mắt (hồi thập niên 80, có đến 15% sinh viên trong các lớp Kỹ Sư là sinh viên VN!). Cô ngồi nghe giảng bài mà …mắt nhung lim dim miệng cười tủm tỉm, biết ngay là cô nàng chẳng chú ý gì. Gần hết giờ, cô mở to cặp mắt nai, đưa tay lên phán “Có thể nào Thầy giảng lại cho em từ đầu?” Hết thuốc! Lại một năm tôi đang đứng lớp về môn Digital Logic Design, thấy có chàng lấp ló đứng ngòai cửa, tôi ra hỏi thì trông quen quen, hóa ra là ông bạn hồi xưa học cùng trường Trung Học CVA và sau này học cùng trường Đại Học Khoa Học. Chàng vác đơn xin chữ ký cho phép chàng theo học. (Ở đây nếu ghi danh trễ một môn học, phải có chữ ký của người phụ trách môn học đó, nộp cho văn phòng rồi mới chính thức được nhận). Tôi bảo vào lớp ngồi chờ hết giờ tôi sẽ nói chuyện cho tiện. Hết giờ, tôi khuyên chàng ta không nên tiếp tục học mà nên tìm cách buôn bán gì đó thì cuộc đời sẽ khá hơn, còn nếu tiếp tục học hành miệt mài thì… chăm đến như tôi, vừa đi làm vừa đi dạy cũng chỉ đủ tiền …húp cháo! Chàng tuy thất vọng nhưng vẫn nghe lời, cũng may gặp người vợ đảm đang, hai vợ chồng quay ra mở 1 tiệm bán xăng, rồi hai cây xăng, rồi mở tiệm rượu và bây giờ làm chủ vài cơ sở thương mại và chung cư cho thuê. Hình như ở cái xã hội này, mấy người bỏ học ngang rất nhiều người thành công trong trường đời (thí dụ như Billl Gates, Steve Jobs…)…

Trời đã vào Đông, năm nay khi không sao lạnh sớm mà lại lạnh hơn mọi năm nhiều. Đi bộ buổi tối phải ba áo cộng thêm mũ len, bao tay mới đỡ lạnh. Chưa bao giờ tôi phải bật máy sưởi sớm như năm nay, mấy năm trước cũng phải đến tháng 1 hoặc tháng 2 mới thật lạnh mà cũng chỉ vài ngày thôi. 

Hiện tại tôi chưa có chương trình rõ ràng mình sẽ làm gì cho suốt cuộc đời còn lại. Có lẽ ra Giêng, tôi mới tính đựợc, nhưng tính gì thì tính, vấn đề tự săn sóc sức khỏe phải đứng hàng đầu. Chắc tôi sẽ tiếp tục học lại âm nhạc. Mấy năm trước mua cây đàn organ khá đắt tiền, tự học và rất chăm chỉ tập tành. Có lúc đánh nghe cũng được được (có lẽ vì đàn tốt!), nhưng có lúc đánh nghe cứ như là người đang …cọ xoong cọ chảo! Chán ghê. Có thể tôi sẽ làm chuyến du hành trên tòan nước Mỹ, về VN thăm bạn, đi Âu Châu hoặc Úc Châu… 

 Vài hàng thân gửi bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét