“Chồng của chúng tôi cũng là giáo viên,” đồng nghiệp vừa kể tôi nghe vừa húp tô súp sì sụp. Cô ngồi cạnh một đồng nghiệp khác cũng đang sì sụp với tô súp.
Tôi hơi lúng túng. Liệu tôi có nghe nhầm không? Không lẽ hai phụ nữ này cưới cùng một người đàn ông? “Cô ấy kể về chồng cô ấy thôi,” đồng nghiệp thứ hai nói lại cho rõ, có lẽ vì thấy ánh nhìn chằm chằm của tôi. “Ở Hàn Quốc, chúng tôi thường nói ‘chúng tôi’ thay vì ‘tôi’.”
Ba chúng tôi ngồi chen chúc trong phòng ăn trưa dành cho giáo viên và nhân viên ở nơi làm việc mới của tôi, Trường Trung học Nữ Mae-hyang.
Tôi vụng về gắp miếng kim chi lên bằng đôi đũa kim loại trơn trượt, và có vẻ cũng còn vụng về như vậy với tiếng Hàn.
Đó là tuần đầu tiên tôi ở Suwon, Hàn Quốc, làm giáo viên dạy tiếng Anh. Tôi là sinh viên mới tốt nghiệp từ tiểu bang Wisconsin ở Hoa Kỳ, bắt đầu hợp đồng công việc quốc tế đầu tiên với sự hào hứng khó tả. Lúc đó, tôi không ngờ Hàn Quốc sẽ là nhà mình suốt bốn năm tiếp theo.
Suốt những năm đó, sự tò mò với từ 'uri', tức là 'chúng tôi' trong tiếng Hàn, xuất hiện lặp đi lặp lại. Sau tất cả những gì tôi được giải thích, đó là điều để lại ấn tượng lớn nhất và dấu ấn sâu đậm nhất. Bởi vì hóa ra ‘uri’ không chỉ là một điểm ngữ pháp, đó là một nguyên lý văn hóa. Nó chi phối mọi yếu tố tại quốc gia này.
“Người Hàn Quốc sử dụng từ ‘uri’ khi có gì đó được cả nhóm hay cộng đồng chia sẻ cho nhau, hoặc khi rất nhiều thành viên trong nhóm hay cộng đồng sở hữu một thứ giống nhau hoặc tương tự nhau,” Beom Lee, giáo sư tiếng Hàn tại Đại học Columbia giải thích cho tôi trong một cuộc phỏng vấn. “[Điều đó] dựa trên văn hóa tập thể của chúng tôi.”
Giá trị cộng đồng của Hàn Quốc ràng buộc trong nhóm dân cư có sắc tộc đồng nhất quy mô nhỏ và có chủ nghĩa dân tộc nồng nhiệt.
Ở đây, một ngôi nhà, dù bạn đã trả tiền mua - vẫn không phải là của bạn; mà gọi là ‘của chúng tôi’.
Tương tự, công ty tôi là công ty của chúng tôi, trường tôi là trường của chúng tôi, và gia đình tôi là gia đình của chúng tôi.
Dù tôi có sở hữu hoặc thuộc về điều gì đó cá nhân, điều đó vẫn không có nghĩa là người khác không có sở hữu hoặc trải nghiệm tương tự. Nói “của tôi” có nghĩa là quá đề cao cái tôi của bản thân.
Không có gì của riêng?
“Người Hàn luôn sử dụng từ uri nara (tổ quốc chúng tôi), thay vì nói nae nara (tổ quốc của tôi). Nae nara nghe rất kỳ. Nó có vẻ như người đó sở hữu cả quốc gia,” Lee nói. “Từ nae anae (vợ tôi) thì nghe cứ như thể anh chàng ấy là người duy nhất có vợ ở Hàn Quốc vậy.”
Trên tất cả, văn hóa tập thể của quốc gia này là di sản của thời kỳ lịch sử dài gắn liền với Khổng giáo.
Tuy Hàn Quốc đã phát triển, đi qua thời phong kiến với việc xã hội phân chia đẳng cấp rồi, nhưng quốc gia này vẫn gắn liền với đạo đức Khổng giáo, nơi ràng buộc con người cá nhân phải tiếp cận từ góc độ xã hội.
Từ việc gọi thức ăn đồ uống với bạn bè cho đến việc di chuyển trên phương tiện công cộng với người lạ, tất cả đều gắn liền với tinh thần tập thể.
Trong nhóm bạn, từ “chúng tôi” là cái tôi tập thể kiểu Hàn Quốc, theo giáo sư về văn hóa Hee-an Choi từ Đại học Boston, và nó cực kỳ cần thiết với “cái tôi”.
“Không có ranh giới rõ ràng giữa từ ‘tôi’ và từ ‘chúng tôi’,” Choi viết trong quyển sách “Cái tôi hậu thuộc địa” của bà.
“Vì cách dùng từ ‘chúng tôi’ và ‘tôi’ thường thay thế nhau được, nên danh tính ‘chúng tôi’ cũng có thể được dùng thay cho danh tính ‘tôi’. Ý nghĩa chỉ ‘chúng tôi’ và ‘tôi’ cũng dễ dàng hiểu thay nhau không chỉ trong cách dùng tiếng Hàn thông dụng mà còn ẩn chứa trong tâm thức và vô thức của người Hàn.”
Không lâu sau khi tôi đến dạy ở trường Mae-hang và là giáo viên bản ngữ tiếng Anh duy nhất, tôi cũng đồng thời trở thành học trò tiếng Hàn không phải dân bản xứ duy nhất ở trường.
Người dạy tôi là một nhóm nữ sinh hay cười khúc khích và mặc đồng phục sọc ca rô đỏ.
Các em hay gặp tôi sau giờ học ở trường, với sổ, thẻ học từ vựng và từ điển trong tay, cùng nụ cười nở rộng trên môi. “Cô cũng là học sinh, như chúng em vậy!” các em nói. Và tôi cười đáp lại: “Đúng rồi, cô cũng là học sinh!”
Đó không chỉ là những học trò duy nhất sẵn sàng làm giáo viên cho tôi.
Còn cả đồng nghiệp, sếp, hàng xóm, chủ nhà và thậm chí người tài xế taxi hoặc người bán hàng, người pha chế tại quầy bar, tất cả đều hào hứng.
Họ luôn chớp lấy cơ hội để chỉ dẫn cho tôi một hai điều về thứ ngôn ngữ từng là tiếng mẹ đẻ của tôi, nhưng sau đó thì không vì tôi được nhận làm con nuôi ở Hoa Kỳ từ lúc còn bé.
“Bạn là người Hàn,” họ nói với tôi, “vì thế quan trọng là bạn biết nói ngôn ngữ mà người Hàn nói.”
Là người Hàn có nghĩa là biết tiếng Hàn. Để hiểu bản thân tôi phải hiểu về đất nước này.
Quan niệm như vậy từng khá mờ nhạt với tôi khi đó, nhưng cuối cùng tất cả lại tập trung về một mối duy nhất, ít nhất dựa trên tâm thế truyền thống gắn kết của người Hàn.
Sáng tạo vĩ đại
Thập kỷ 1400 ở Triều Tiên là kỷ nguyên vàng của Vương triều Joseon trị vì trong năm thế kỷ, và bảng ký tự tiếng Triều là một trong nhiều di sản khoa học và văn hóa từ triều đại này để lại.
Trước đó, vương quốc này không có chữ viết riêng, vay mượn bảng ký tự Trung Hoa để ký âm tiếng Triều.
Nhưng hệ thống mẫu tự Trung Hoa cổ quá khó cho nền dân chủ, với tính thư họa không phù hợp với ngữ pháp phức tạp của tiếng Hàn.
Nhận thấy phần lớn xã hội không thể diễn đạt đầy đủ điều họ muốn thể hiện, Vua Sejong đã ra lệnh phải tạo ra Hàn ngữ vào năm 1443.
Là một trong số ít loại mẫu tự trên thế giới được thiết kế riêng, không trải qua tiến hóa tự nhiên, Hàn ngữ được tạo ra với mục đích dễ học cho tất cả mọi người, từ dòng dõi hoàng tộc giàu có nhất đến người nông dân bần hàn nhất đều có thể học đọc và viết.
Ngày nay ở Hàn Quốc, Hàn ngữ được tôn vinh là ngày quốc lễ vào ngày 9/10 hàng năm. (Ở Bắc Hàn, ngày lễ này là 15/1).
Tổng thống Hàn Quốc Jae-in Moon kỷ niệm Ngày Hàn ngữ năm 2017 trong một nội dung trên Facebook: “Điều tuyệt nhất ở chữ Hàn đó là nó vì người dân và nó nghĩ về người dân,” ông viết. “Mục đích của Vua Sejong gắn liền với nền dân chủ ngày nay.”
Ông Moon nói, với Hàn ngữ, người Hàn từ bất kỳ xuất thân nào cũng có thể đoàn kết làm một, với văn hóa và danh tính của riêng họ. “Hangeul là tài sản cộng đồng vĩ đại đã kết nối dân tộc chúng ta.”
Đối lập văn hóa
Với Eun-kyoung Choi, một thủ thư sống ở Seoul, tiếng Anh luôn khiến bà cảm thấy lạ lẫm. Bà nhớ lại việc phải suy nghĩ bằng ngoại ngữ thật là khó chịu, thậm chí ích kỷ, khi bà học tiếng Anh lúc còn nhỏ.
Nếu như tiếng Hàn, từ chữ viết đến từ vựng, đều xây dựng trên tính cộng đồng, thì tiếng Anh lại có vẻ cực kỳ cá nhân. Mọi thứ đều là “của tôi, của tôi, của tôi” và “tôi, tôi, tôi”, bà nhận xét.
Trong văn hóa Mỹ, “của tôi”, và “tôi” tồn tại như một thực thể độc lập, giáo sư ngôn ngữ tiếng Hàn Ho-min Sohn từ Đại học Hawaii nhận xét. Nhưng trong văn hòa Hàn Quốc, mọi thứ không như vậy.
“Khi người Mỹ nói chung có tâm lý cá nhân và bình đẳng, coi trọng sự tự chủ cá nhân, thì quan hệ giữa người với người ở Hàn Quốc về cơ bản là vẫn gắn bó chặt chẽ với đẳng cấp xã hội và tinh thần tập thể, coi trọng sự lệ thuộc lẫn nhau giữa người với người,” Sohn viết trong cuốn “Tiếng Hàn trong Văn hóa và Xã hội”.
Khi thủ thư Choi gặp ông chồng người Mỹ của mình là ông Julio Moreno ở Hàn Quốc, sự đối lập trong giao tiếp văn hóa của họ trở nên rất rõ ràng.
Cũng tương tự, ông Moreno để ý đến những khi hiểu nhầm. Là giáo viên tiếng Anh và blogger, ông nhớ lại khi nghe sinh viên nói chuyện về “mẹ của họ” và tự hỏi liệu có bao nhiêu trong số các sinh viên đó là anh em của nhau. “Điều đó thật rắc rối,” Moreno cười.
Nắm bắt các đại từ sở hữu số ít và số nhiều, như phiên dịch viên chuyên nghiệp Kyung-hwa Martin thừa nhận, là một trong những thử thách khó nhất khi người Hàn học tiếng Anh và ngược lại.
Trên hết, học một ngôn ngữ bắt buộc phải đi kèm với học góc nhìn khác. “Ngôn ngữ và văn hóa thường hòa trộn vào nhau."
Ngôn ngữ thể hiện văn hóa và văn hóa thể hiện qua ngôn ngữ,” Martin nói, ông là người từ Seoul đến sống ở Virginia. “Khi bạn học một ngôn ngữ mới, bạn phải suy nghĩ khác đi.”
Với tôi, suy nghĩ khác đi không dễ chút nào.
Nếu có một nửa danh tính của tôi là sự độc lập và khác biệt kiểu Mỹ, thì một nửa kia lại là chủ nghĩa tập thể kiểu Hàn. Đó là sự phân tách mà tôi không biết cách nào để dàn xếp.
Và hệ quả để lại cực kỳ nặng nề.
Nhưng sự thất vọng mà tôi thường cảm thấy từ người xung quanh, mà sau đó tôi nhận ra, không phải là vì họ lên án tôi không có điều đó, mà là một khao khát bẩm sinh được hòa hợp.
Đó là bài học đôi khi tôi vẫn quên, nhưng tôi biết mình có thể dựa vào ‘uri’ nhắc nhở mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét