khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Lý Tống xé cờ máu tại đại học USC







Hát Giữa Quê Hương







Hoàng Oanh ngâm thơ - Thi Ca Cho Người Vượt Biển







Tại sao tôi mạt sát ông Tôn Thất Thuyết- Tác giả Phan Khôi



Người nào bảo tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết là mạt sát một nhà ái quốc, thế là người ấy đã nhận cho Tôn Thất Thuyết là nhà ái quốc. Nhưng tôi thì tôi không nhận như thế. Tôi không cho Tôn Thất Thuyết là nhà ái quốc. Vậy cái chỗ cốt yếu của việc chúng ta đương biện luận đây chỉ ở đó mà thôi.

Việc ngày 23 tháng năm, tôi đã nói rằng chỉ bởi một mình Tôn Thất Thuyết gây nên. Trong chữ “một mình Tôn Thất Thuyết” ấy hàm có cái nhân cách của con người ấy nữa. Cũng tiện cho tôi, hôm nay nhân có sự biện luận này mà tôi mới được nói rõ thêm hơn.

Tôi không có thể nói rằng việc thất thủ thành Gia Định là bởi một mình Nguyễn Tri Phương, tôi không có thể nói rằng việc thất thủ thành Hà Nội là bởi một mình Hoàng Diệu, nhưng việc thất thủ Kinh đô tôi lại nói được rằng bởi một mình Tôn Thất Thuyết; như thế, bạn đọc cũng nên nhìn cho tôi là có lý lắm rồi: chính bởi cái nhân cách của Tôn Thất Thuyết không bằng cái nhân cách của Hoàng Diệu và của Nguyễn Tri Phương làm cho tôi nói được như thế.

Nói rõ hơn nữa, tức là Tôn Thất Thuyết không phải là người ái quốc như hai ông kia. Thuyết không ái quốc mà lại “ái thân”, chỉ biết có một mình mình, nên tôi mới nói được rằng “một mình Tôn Thất Thuyết”.


ton-that-thuyet-300x230
Tôn Thất Thuyết(1839 – 1913)

Thuyết có ái quốc hay không, là do ở trong lòng ông ấy, tôi làm sao biết được? Vậy tôi phải căn cứ ở việc làm của ông ta mà đoán là ái quốc cùng chăng.

Giá như cái thân thế ông ấy chỉ thỏn lỏn có ngày 23 mà thôi, ông Thuyết chỉ làm một việc trong ngày ấy mà thôi, thì hoặc giả tôi còn nhắm mắt mà nhận ông ấy là ái quốc được.

Nhưng cái lịch sử của ông còn dài, còn có trước và sau nữa, những việc ông làm trước và sau đó đều tỏ ra rằng ông chỉ vị một mình ông, cho nên cái việc ông làm ngày 23 ấy cũng chỉ vị một mình ông.

Như thế thì bao nhiêu quan lính dự vào cuộc tập công quân Pháp ngày 23 tháng năm đều như là bị hiếp mà phải theo cả; vai chủ động là ông Thuyết mà ông Thuyết lại cốt vì một mình ông, thì cả dân tộc Việt Nam có trách nhiệm gì vào ngày ấy đâu?

Tôn Thất Thuyết là người chỉ có cái oai danh hão. Mà sở dĩ lập được cái oai danh ấy lại chỉ tại ông hay giết người. Đánh giặc Bắc bao nhiêu năm, kể chiến công của ông còn thua các tướng, nhưng chỉ được cái đến đâu gà chó không yên đó mà làm cho người Bắc tới nay còn nhắc đến tên.

Đã có cái oai danh hão, lại thêm cái khiếu gàn, không chịu hòa Tây, làm cho đức Dực Tôn tưởng là người tin cậy được, lúc lâm băng, ngài phó cho cái trọng trách “bình Tây trấn Bắc, nhất dĩ ủy chi”, sự ngộ dụng ấy thật là đáng tiếc!

Sau khi Bắc Kỳ giảng hòa rồi, ông Thuyết về ở Thanh Hóa, cạo đầu đi tu. Năm Tự Đức 35, vua đòi về Huế, cho làm Thượng thơ bộ Binh. Ông liền mộ riêng hai đội binh “Phấn dõng” và “Phấn nghĩa”. Người ta nói rằng ông Thuyết có chí đánh Tây từ buổi ấy.

Đức Dực Tôn băng tháng sáu thì tháng bảy tàu chiến Pháp đến Thuận An. Bấy giờ ông Nguyễn Văn Tường chủ hòa nhưng ông Thuyết thì chủ chiến. Theo tôi, ông Thuyết chủ chiến cũng phải, nhưng đã chiến thì chiến cho đến nơi đi, thua thì chạy, thì chết đi.

Phải biết rằng cái chức Thượng thơ bộ Binh kiêm Điện tiền đại tướng quân là cầm cả binh quyền lúc bấy giờ, cái trách nhiệm chiến thắng hay chiến bại không còn đổ cho ai nữa. Mà thắng, đành là công của mình; bại cũng phải nhận tội của mình.

Nhưng sau khi hai viên đại tướng Lê Sĩ và Lâm Hoành cùng sứ thần Trần Thúc Nhẫn tử tiết tại cửa Thuận, bảy tám ngàn quân chết sạch hết, triều đình phải kéo cờ trắng xin hàng, bấy giờ ông Thượng thơ bộ Binh kiêm Điện tiền đại tướng quân Tôn Thất Thuyết làm gì? đi đâu?

Ông chẳng đi đâu hết! chẳng làm gì hết! Ông vẫn làm Điện tiền đại tướng quân! Ông vẫn làm Thượng thơ bộ Binh vậy! Nghĩa là ông không biết nhục, vẫn còn ăn lương vua, vẫn còn xưng quan lớn!

Bạn đọc nên biết cái sử liệu này nữa. Trước khi đánh ở cửa Thuận, ông Thuyết lấy cớ điều binh về hộ tang, tư vào Sơn phòng Quảng Nghĩa rút ra Kinh bốn ngàn lính. Bốn ngàn người ấy vừa đến, ông bắt kéo xuống cửa Thuận giữ hai cái đồn lớn Hòa Duân và Cáp Châu. Những lính này quen đường núi chứ không quen đường nước, bảo đánh sao được mà không chạy chết dồn đống với nhau? Trong khi ấy thì hai đội Phấn dõng và Phấn nghĩa vẫn gươm bén súng tường phòng vệ riêng một mình quan Điện tiền đại tướng quân, Thượng thơ bộ Binh, Tôn Thất Thuyết!

Cái sử liệu ấy chỉ cho chúng ta thấy ông Thuyết chẳng biết dụng binh lại còn lo giữ mình hơn giữ nước.

Mạt lắm, ông tướng bại tận rồi mà không dám thắt cổ, không dám uống thuốc độc, là cách tự tử hèn nhát của người An-nam; lại còn không dám từ chức, khư khư giữ lấy phú quý để hãnh diện với đám dân vong quốc!

Giá phải người Pháp đại xá cho ông đi thì ông cũng cứ vậy mà làm quan cho tới già tới chết. Hiểm thay vì cái khiếu gàn của ông không dung với người Pháp được thì họ phải căm ông. Ông biết thế nào mình cũng không thoát nên mới làm liều để tháo thân.

Vì đó mới có việc tập công ngày 23 tháng năm vậy. Và vì đó tôi mới nói ông Thuyết làm việc ấy chỉ vì một mình ông mà thôi vậy.

Nếu ông Tôn Thất Thuyết đánh Tây là để giữ giang sơn của tổ quốc, cùng không nữa cũng giữ danh dự cho dân tộc thì ông nên đánh nốt lúc Tây còn ở cửa Thuận kia. Sao để đến kéo cờ trắng lên, Tây vào chiếm Trấn Bình Đài rồi mới đánh? Vả để Tây đồn binh ở Mang Cá rồi, hơn hai trăm khẩu đại bác trên thành bị đóng nõ rồi mới đánh thì còn đánh cái mốc xì!

Việc làm như thế rõ là quá trẻ con chớ không những trẻ con! Mà sở dĩ ông Thuyết làm được cái việc trẻ con như thế là tại ông quá vì cái thân ông, ông không có lòng ái quốc.

Phải chi ông Thuyết khi bỏ thành chạy trốn rồi ở thủy chung với đức Hàm Nghi, có lo phục thù được càng hay, không cũng trước sau cho trọn tiết, thì tôi còn dung thứ cho mà chẳng nỡ nói nào! Cái này, ông Thuyết đểu quá! ông Thuyết hèn mạt quá!

Theo sự thế lúc bấy giờ, việc ở nhà một người cần vương, điều binh khiển tướng, trong thì bảo hộ đức Hàm Nghi, ngoài thì kháng cự với quân Pháp, là việc cần nhất cho ông Thuyết. Còn việc chạy qua nước khác, lạy lục mà cầu cứu, chỉ là việc nên phó cho một viên sứ thần bặt thiệp cũng đủ xong, đã là con người chủ trương đại cục, có ai lại cất thân ra mà đi việc ấy bao giờ? Vậy mà ông Thuyết đã từ chối việc trên, lãnh làm việc dưới, đủ biết ông chỉ vì cái thân ông, chỉ cầu đi đi cho khỏi chết.

Quả nhiên ông qua Tàu ông còn cầm đậu cái thân nhục nhã của ông đến vài ba mươi năm nữa mới chịu vùi giập ở Long Châu.

Thế mà cho là ái quốc thì khối người ái quốc. Tôi không muốn trong lịch sử Việt Nam có người ái quốc nào như ông Thuyết.

Trong đám dấn thân ra làm việc nước, hoặc cần vương ngày trước, hoặc cách mạng ngày nay, cũng có nhiều hạng người, người có thực tâm, người không có thực tâm, ta nên chọn người mà sùng bái, thì sự sùng bái của ta mới có giá trị. Tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết cũng như tôi mạt sát mấy tay cách mạng giả dối cận thời…

Căn cứ ở câu ca dao truyền tụng hồi cuối trào Tự Đức: “Nước Nam có bốn anh hùng: Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu”.

Tôi cho câu ấy thật là đúng. Ông Thuyết chỉ vì ngu mới làm được những việc ông đã làm.

Tôi chưa hề nghe một người ngu mà biết ái quốc. Tôi mạt sát ông Thuyết chỉ là mạt sát một người ngu vậy.


Nguyễn Đình Chiểu: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"






Ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê còn lại ở bưu điện Sài Gòn







Chiến dịch kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã







Ngày Nước Thế Giới 2019: Nước sạch có đủ cho tất cả tại Việt Nam?







Quan điểm đất đai do nhà nước quản lý khiến dân thiệt thòi







Hồn Đà Lạt sẽ mất sau quy hoạch?







Cây thốt nốt sẽ còn là di sản An Giang?







Tchaikovsky Piano Concerto No 1







Cao nguyên Golan và Thế lực Do Thái tại Hoa Kỳ (Phần 4)







Cao nguyên Golan và Thế lực Do Thái tại Hoa Kỳ (Phần 3)







Cao nguyên Golan và Thế lực Do Thái tại Hoa Kỳ (Phần 2)







Cao nguyên Golan và Thế lực Do Thái tại Hoa Kỳ (Phần 1)







Nước mắm còn, Việt nam còn - Tác giả Nguyễn thị Cỏ May



“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn , tiếng ta còn, nước ta còn”. Đó là câu nói thời danh của cụ Phạm Quỳnh khi đánh giá ” Truyện Kiều ” của cụ Nguyễn Du .

Cụ Phạm Quỳnh đã coi truyện Kiều là cái hồn của non sông đất nước bởi vì nó đại diện cho vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của người Việt Nam. Điều đáng buồn là tiếng Việt ngày nay đang lâm vào tình trạng xô bồ bát nháo trong cách nói, cách viết của một số người Việt trên các bảng hiệu, bảng quảng cáo, trên báo chí in và nói, cả trong tác phẩm văn chương. Người ta nói ngôn ngữ của một nước thể hiện chủ quyền quốc gia của nước đó. Mình phải nói đúng, viết đúng tiếng nước mình. Ngôn ngữ có trường tồn thì nền độc lập tự chủ mới trường tồn. Tiếng Việt còn hay mất là tùy thuộc vào lòng yêu quí tiếng Việt , yêu nước Việt của toàn dân . «Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời …, tiếng nước tôi tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi.... » (Phạm Duy) .

Học theo cách nói của tiền bối Phạm Quỳnh, Cỏ May tôi nay xin thưa « Nước mắm còn, Việt nam còn, người Việt nam còn » .

Nước mắm có lịch sử lâu dài gắn liền với người Việt nam.

Nó không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt nam .

Ít lắm trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Không ai có thể hình dung một bữa cơm của người Việt Nam lại có thể thiếu chén nước mắm. Bởi nó vừa là thứ nêm nếm làm cho món ăn vừa miệng, vừa đem lại chất dinh dưỡng cho nguời ăn. Cứ nhìn bữa ăn của người nhà quê Việt Nam chỉ có chén nước mắm với đĩa rau luộc . Thế mà họ mạnh khỏe làm việc đồng áng cả ngày . Người đánh cá, khi lưới vướn mắc ở độ sâu rất sâu, cả vào mùa lạnh, bèn ướng một ly nhỏ nước mắm nguyên chất rồi nhảy xuống biển lặn gỡ lưới .

Xong trồi lên, người vẫn mạnh khỏe bình thường.

Đem hỏi một vị Giáo sư Sinh Hóa ở Đại học Khoa học Sài gòn (Luận án của ông về Nước Mắm ở Đại học Marseille cuối thập niên, 50 – ông gốc Phan thiết), được ông cắt nghĩa «1 phần nước mắm của người nhà quê bằng 1 con cá, tức bằng phần cá của bữa ăn».

Vậy mà trong vừa qua, doanh nhơn người việt nam cấu kết với gian thương tàu chệt và nhà cầm quyền cộng sản ở Việt nam dám làm nước mắm giả, không cần có đủ cá, thay thế bằng hóa chất độc hại, để bán giá rẻ, chiếm thị trướng, làm giàu mau lẹ, giết chết nước mắm Việt Nam thứ thiệt và cả người tiêu dùng .

Vậy phải chăng đây đúng là hiện tượng « Nước Mắm không còn »? Còn «Tiếng việt nam» có còn nguyên vẹn không? Hay cũng đã bị biến thể? Hậu quả đã dẫn đến mất chủ quyền, rồi mất nước!

Nước mắm trong văn hóa và lịch sử Việt Nam

Những nhà làm bếp lớn nói «nước mắm chính là linh hồn của ẩm thực việt nam » vì món ăn Việt Nam, dù có đủ các thứ thịt cá, rau cải, dầu mở, muối đường, gia vị, …mà chỉ thiếu nước mắm thì món ăn đó chắc chắn sẽ không có ai bảo đó là món Việt Nam . Trái lại, món tây, món tàu mà nêm nước mắm vào thì sẽ có ngay hương vị (gu – gout) Việt Nam .

Một nhà bếp trẻ Việt Nam, học làm bếp ở Mỹ, giựt được giải thưởng cao quí sau cùng trong một cuộc thi ở NY, với 3 người cùng vào chung kết, cùng làm 3 món giống nhau. Báo chí hỏi bí quyết của anh chiếm giải thưởng? Anh cười trả lời « Không có bí quyết gì cả . Chỉ có thêm vài giọt nước mắm! » .

Nói về khẩu vị ăn nước mắm thì phải bái phục người Miền Trung . Họ ăn cực kỳ mặn tuy nước mắm của Miền Trung vốn có độ mặn đã cao mà họ ăn nguyên chất chớ ít khi chịu pha chế như dân Nam kỳ. Phải chăng nhờ vậy mà dân Miền Trung có tiếng gan lì, chịu khó, làm việc gì là làm tới cùng, ít khi chịu bỏ cuộc? Không như dân Nam kỳ, gặp khó, thì phủi tay. Chỉ thích lè phè. Nên khi chống giặc cộng sản, cũng lại theo chủ trương nam kỳ quốc «cà nhông chống xâm lăng»!

Giá trị của nước mắm vì thế trở nên độc đáo trong nghệ thuất nấu ăn và còn là một yếu tố làm cho văn hóa dân tộc trường tồn mạnh mẽ.

Nhưng nước mắm được chánh thức đưa vào lịch sử Việt Nam từ bao giờ?

Theo Bộ Nông nghiệp cho biết hiện cả nước có khoảng hơn 2 900 cơ sở sản xuất nước mắm cung cấp cho thị trường mỗi năm 215 triệu lít trong số đó, xuất cảng từ 3 -5%, đem về cho Việt Nam được 15 triệu mỹ kim / năm .

Riêng Miền Nam chiếm 46% cơ sở sản xuất trên cả nước và 39% sản lượng nước mắm ngon nhứt vì biển trong Nam.ấm nên cá cho nhiều protéines hơn (nước mắm ở Trung có 3 – 4% protéines, nước mắm Phú quốc có từ 11 – 16% protéines) .

Hương vị của nước mắm là thứ mê hoặc, không riêng cả nước Việt Nam, mà còn không ít người ngoại quốc khi đã quen mùi nó . Và địa vị lịch sử của nó cũng có bề dày khá quan trọng . Rất đáng cho dân ăn nước mắm trân trọng và gìn giữ .

Theo nhà sử học Trần Đức Anh Sơn, người vừa bị đảng cộng sản khai trừ khỏi đảng vì viết sử đúng lịch sử mà không đúng chủ trương của đảng thì Đại Việt sử ký toàn thư, khắc in vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697) có ghi chép : “Đinh Dậu, Ứng Thiên năm thứ 4 (997)… Mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thế bắt đóng góp» . Đoạn sử liệu này cho thấy muộn lắm là vào trước năm 997, người Việt đã biết làm và ăn nước mắm . Hơn nữa, nước mắm chắc phải ngon hơn xì dầu nên vua tàu, tuy ở xa vạn dặm, cũng vẫn “ngửi thấy” mùi thơm của nước mắm bắt thèm, mới đòi triều đình Đại Việt triều cống .

Trong Phủ biên tạp lục (của Lê Quý Đôn, ấn hành vào cuối thế kỷ XVIII), Lịch triều hiến chương loại chí (của Phan Huy Chú, đầu thế kỷ XIX), Gia Định thành thông chí (của Trịnh Hoài Đức, đầu thế kỷ XIX) và trong các bộ sử của triều Nguyễn như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí, nước mắm được xem là thổ sản của nhiều địa phương ở Đàng Trong .

Phủ biên tạp lục ghi nhận nước mắm là đặc sản của xứ Thuận Quảng, là thứ mà các chúa Nguyễn bắt phải nộp thuế biệt nạp, thay thế cho thuế đinh, nghĩa là thay vì phải nộp thuế thân, thì các nhà làm nghề nước mắm, hàng năm phải nộp về cho triều đình một lượng nước mắm nhứt định.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, trong phần Quốc dụng chí, năm Thuận Thiên thứ 5 (1013), đời Lý Thái Tổ, triều đình quy định nước mắm là một trong 6 loại thổ sản phải đóng thuế biệt nạp. Đến thời Lê, vào năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), triều đình ban hành hạn mức số lượng nước mắm mà các phường nghề phải nộp. Cụ thể, ở xứ Thuận Quảng, ai có phương tiện đánh bắt cá để làm nước mắm thì mỗi năm phải nạp 3 chĩnh nước mắm, người làm thuê mỗi năm nạp 1 chĩnh. Năm 1769, số
nước mắm do nhà nước thu qua hình thức thuế biệt nạp này lên đến 3.000 chĩnh.

Nghệ An cũng là một địa phương sản xuất nước mắm có tiếng thời Tự Đức (1848 – 1883), nhưng nước mắm xứ Nghệ thì nặng mùi đến độ Cụ Cao Bá Quát đã phải:

« Ngán thay cái mũi vô duyên.
Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An” .


Về mặt chữ nghĩa, nước mắm trong các tư liệu trên được ghi bằng Hán tự là thủy hàm (水 鹹) hay hàm thủy (鹹 水), nghĩa là “nước mặn”. Cái tên, đọc lên, nghe chữ nghĩa bác học lắm nhưng hoàn toàn không có mùi. Mà nước mắm không có mùi thì không phải là nước mắm!

Trong cuốn “Đông phương phong tục văn hóa từ điển” do các nhà nghiên cứu Trung Quốc biên soạn, khi nêu đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Việt, họ liệt kê 4 món ẩm thực tiêu biểu của người việt, xếp theo thứ tự là: nước mắm, thuốc lào, bánh chưng và trầu cau. Chữ “nước mắm” trong sách này được viết là Việt Nam ngư lộ (越 南 魚 露) . Ngư là “cá”, lộ là “giọt sương móc”. Ngư lộ là “giọt sương tiết ra từ cá”. Cách gọi này diển tả phần nào từ đâu có nước mắm, nhưng vẫn chưa đủ gợi lên mùi vị gì cả, mà nước mắm được thiên hạ biết đến, nhớ và ghiền, là nhờ cái mùi có một không hai của nó. Vì thế, có lẽ nên giữ cái tên vốn có của nó là nước mắm. Và khi dịch sang ngôn ngữ khác thì cũng nên giữ nguyên tên của nó là nước mắm. Mới đúng.

Nước mắm còn được người phương Tây đưa vào sử sách của họ .. Cristophoro Borri, một giáo sĩ người Ý đã từng sống ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, đã viết trong cuốn hồi ký Xứ Đàng Trong năm 1621 của ông như sau: “Người Đàng Trong ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Họ chuyên chú đánh cá chủ yếu là vì họ rất ham thứ nước ‘sốt’ gọi là ‘balaciam’ làm bằng cá ướp muối cho mềm và làm nhão ra trong nước. Đây là một thứ nước cốt cay cay tựa như mù tạt (moutarde) của ta, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn đựng đầy trong chum vại như tại nhiều nơi ở châu Âu người ta dự trữ rượu».

Hơn 170 năm sau, phái bộ người Anh do bá tước George Macartney dẫn đầu, có ghé thăm cảng Đà Nẵng vào năm 1793. Viên quan trấn thủ cửa Hàn đã làm bữa tiệc chiêu đãi khách với “những đĩa thịt bò xắt miếng vuông, chấm thứ «nước rất ngon” khiến các thành viên trong phái bộ cứ tấm tắc khen, còn George Macartney phải ghi nhớ thứ nước chấm độc đáo ấy – nước mắm – vào trong nhật ký hành trình của mình (Trần Đức Anh Sơn, Nước mắm trong văn hóa và lịch sử Việt nam, Văn hóa Nghệ An, 6/2016)

Nguồn gốc nước mắm không phải ở Việt nam

Người không biết ăn nước mắm, dứt khoát người đó không phải là người Việt nam thứ thiệt . Nhưng nước mắm, thứ quốc hồn quốc túy đó, lại có nguồn gốc không phải ở Việt nam, mà cũng không ở Á châu, tuy có luận thuyết cho rằng nước mắm gốc chàm . Cũng như mắm, áo dài, …

Người pháp ở vùng Bretagne cũng biết làm và sử dụng “nước mắm” từ 2.000 năm trước. Theo Ts. Françoise Coulon, quản thủ ở Bảo tàng Mỹ thuật Rennes, thì từ đầu Công nguyên, dân Bretagne đã biết cách ướp cá biển với muối để chiết ra một thứ nước cốt mà họ gọi là garum và dùng nó như một thứ thực phẩm. Những sử liệu đang lưu giữ tại thư viện của Bảo tàng Mỹ thuật Rennes ghi lại cách làm garum của người Bretagne xưa kia. Và khi khai quật các phế tích trong vùng Bretagne, các nhà khảo cổ học Pháp đã phát hiện những công cụ bằng gốm dùng để sản xuất và để đựng “nước mắm” này. Nhưng ngày nay, người pháp và cả riêng người bretagne không ăn nước mắm và cũng không còn làm nước mắm nữa. Một câu hỏi lớn, không lời đáp!
Người Thụy Điển cũng có một thứ “nước mắm” riêng của họ, gọi là surstromming. Thứ “nước mắm” này được làm từ cá harreng cho vào thùng gỗ lớn, cho muối vào để ướp. Sau 48 giờ, khi cá bắt đầu mềm thì người ta ngắt đầu cá và vứt bỏ phần ruột, cho thêm muối vào và ướp tiếp. Thùng cá ướp đó được để ngoài trời từ 8 đến 12 tuần, dưới nhiệt độ từ 40 đến 60 độ F, cho đến khi thân cá nát ra và trở thành một loại mắm có mùi hôi kinh khiếp, chính người Thụy Điển cũng chịu không nổi nhưng đó lại là một món đặc sản ngon của họ.

Thư tịch cổ thụy điển còn cho biết, vào thời Trung cổ, chính quyền chỉ cho phép bán surstromming vào các ngày thứ Năm của tháng Tám mà thôi. Và mỗi phiên chợ surstromming là những ngày hội ẩm thực đáng nhớ của người Thụy Điển. Nhưng họ thích ăn surstromming như một loại mắm hơn là thứ nước mắm .

Theo sử sách ghi lại, nước mắm có nguồn gốc từ thời Đế quốc La Mã (từ năm thứ 27 trước CN), có tên gọi là garum, được chưng cất bằng cách ướp cá với muối rồi ủ cho lên men, giống hệt với cách làm nước mắm ở Việt nam . Nhưng người la-mã dùng ít muối hơn nên garum chứa nhiều dưỡng chất hơn và đậm đà hương vị hơn.


Đây là một tấm khảm khai quật được từ phần nền một cửa hiệu bán garum ở Pompeii, thành phố bị núi nửa chôn vùi vào năm 79 sau CN, cho thấy nước mắm đã trở nên phổ biến như thế nào vào thời đó.
Bình La-mã đựng nước mắm

Nước garum cũng có nhiều loại khác nhau và nhiều đẳng cấp khác nhau. Loại dành cho nô lệ thì rất rẻ, ai cũng mua được, trong khi đó giá của một chai garum thượng hảo hạng dành cho giới quý tộc rất mắc. Có thể lên đến một số tiền tương đương với 500 đô (hơn ngày nay). Khi Đế quốc La Mã sụp đổ cùng với sự tràn ngập của bọn cướp biển, sẵn sàng chém giết, đốt phá, công thức chế biến garum cũng từ đó mà biến mất. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, có lẽ là thông qua việc giao dịch và trao đổi hàng hóa với người Trung Hoa trên Con Đường Tơ Lụa từ trước đó, nước mắm đã du nhập vào phương Đông, đầu tiên là tại Trung Hoa, sau đó lan dần đến Hàn Quốc, Nhật Bản, rồi đến khu vực Đông Nam Á trong vòng 1.000 năm sau đó.

Ở các nước Á châu có nước mắm, mỗi nơi có tên gọi nước mắm khác nhau:

Miến điện gọi nga–pya-ye ;Tàu gọi yuolu ; Đại hàn gọi ack-jeot ; Nam-dương gọi bakassabg, trassi ; Nhựt bổn gọi shotturu ; Mã-lai gợi badu ; Phi-luật-tân gọi patis ; Thái –lan gọi nam pla ; Miên gọi teuk trey ; Án-độ gọi loma ilish .
Dù không phải được người Việt phát minh ra đi nữa nhưng từ thế kỷ X đến nay (có nơi nói từ thề kỷ VI), nước mắm đã trở thành món ăn gắn liền với mảnh đất và tâm hồn người Việt. Có đi đâu xa, người ta vẫn luôn nhớ và thèm đến thứ gia vị nồng ấm này và mong ngóng đến ngày trở về quê hương . Nhưng ở Việt nam ngày nay, dưới chế độ cộng sản cai trị, quốc ngữ đã bị nhà nước chủ trương sửa đổi cho không còn tiếng Việt Nam nữa, nước mắm bị gian thương kết hợp với nhà nước làm giả để triệt tiêu thứ nước mắm truyền thống, không chỉ vì lợi nhuận mà còn nhằm bứng góc dân tộc.

Nếu bảo đó là chánh sách phá sản, tiêu diệt dân tộc và đất nước của cộng sản, không biết có nói thái quá không?


Nước mắm, tuyệt phẩm gia vị “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam - Tác giả Trần Đức Anh Sơn




Nước mắm, tiếng Việt chỉ đơn giản để gọi loại “nước” được chưng cất từ cá và muối, làm nên một tuyệt phẩm gia vị “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam từ xa xưa. Nước mắm đã trở thành một thành tố tạo nên hương vị đặc trưng trong văn hóa ẩm thực truyền thống dân tộc Việt.
Khi “nước mắm” được đưa sang phương Bắc từ ngàn năm trước, nó đã được đặt một cái tên rất thi vị: Ngư lộ - giọt sương từ cá…

Từ Đại Việt sử ký toàn thư

 Phủ biên tạp lục ghi nhận nước mắm là đặc sản của xứ Thuận Quảng, là thứ mà các chúa Nguyễn bắt phải nộp thuế biệt nạp, thay thế cho thuế đinh, nghĩa là thay vì phải nộp thuế thân, thì các hộ dân làm nghề nước mắm, hàng năm phải nộp về cho triều đình nhà chúa một lượng nước mắm nhất định.
 Cuốn Việt sử đầu tiên có đề cập đến nước mắm, có lẽ là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, khắc in vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Trong Kỷ nhà Lê, phần viết về Đại Hành hoàng đế, sách này có ghi lại sự kiện: “Đinh Dậu, Ứng Thiên năm thứ 4 (997)… Mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thể bắt đóng góp. Đến đây Tống Chân Tông, nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới gọi đến nhận mệnh, không sai sứ sang nữa”... Đoạn sử liệu này cho thấy muộn nhất là vào trước năm 997, người Việt đã biết làm và dùng nước mắm và nước mắm đã được lưu vào sử sách.
 Sau Đại Việt sử ký toàn thư, nước mắm còn xuất hiện trong các trước tác như Phủ biên tạp lục (của Lê Quý Đôn, ấn hành vào cuối thế kỷ XVIII), Lịch triều hiến chương loại chí (của Phan Huy Chú, đầu thế kỷ XIX), Gia Định thành thông chí (của Trịnh Hoài Đức, đầu thế kỷ XIX) và trong các bộ sử của triều Nguyễn như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí. Trong các tài liệu thư tịch này, nước mắm được xem là thổ sản của nhiều địa phương ở Đàng Trong.
 Phủ biên tạp lục ghi nhận nước mắm là đặc sản của xứ Thuận Quảng, là thứ mà các chúa Nguyễn bắt phải nộp thuế biệt nạp, thay thế cho thuế đinh, nghĩa là thay vì phải nộp thuế thân, thì các hộ dân làm nghề nước mắm, hàng năm phải nộp về cho triều đình nhà chúa một lượng nước mắm nhất định.

Tới lịch triều hiến chương

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, trong phần Quốc dụng chí cũng chép rằng: năm Thuận Thiên thứ 5 (1013), đời Lý Thái Tổ, triều đình quy định nước mắm là một trong 6 loại thổ sản phải đóng thuế biệt nạp. Đến thời Lê, vào năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), triều đình ban hành hạn mức số lượng nước mắm mà các phường nghề phải nộp. Cụ thể, ở xứ Thuận Quảng, ai có phương tiện đánh bắt cá để làm nước mắm thì mỗi năm phải nạp 3 chĩnh nước mắm, người làm thuê mỗi năm nạp 1 chĩnh. Năm 1769, số nước mắm thu qua hình thức thuế biệt nạp này lên đến 3.000 chĩnh.
 Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì triều Minh Mạng (1820 - 1841), Nam Định và Ninh Bình là 2 địa phương hàng năm phải nộp thuế biệt nạp là nước mắm về cho triều đình Huế. Còn theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào cuối thế kỷ XIX, nước mắm ở xã Đông Giang, huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương là nước mắm ngon nhất nước. Nghệ An cũng là một địa phương sản xuất nước mắm nức tiếng thời Tự Đức (1848 - 1883).
 Trong cuốn Đông phương phong tục văn hóa từ điển do các nhà nghiên cứu Trung Quốc biên soạn, khi nêu đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Việt đã liệt kê 4 món ẩm thực tiêu biểu của người Việt, xếp theo thứ tự là: Nước mắm, thuốc lào, bánh chưng và trầu cau.
Chữ “nước mắm” trong sách này được viết là Việt Nam ngư lộ (越南魚露). Ngư là “cá”, lộ là “giọt sương móc”. Ngư lộ là “giọt sương tiết ra từ cá”.

Tinh túy đại dương

Nước mắm không chỉ được ghi nhận trong thư tịch cổ Việt Nam mà còn được phản ánh trong các hồi ký, nhật ký của những người phương Tây từng hiện diện ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Cristophoro Borri, một giáo sĩ người Ý đã từng sống ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, đã viết trong cuốn hồi ký Xứ Đàng Trong năm 1621 của ông như sau: “Người Đàng Trong ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Họ chuyên chú đánh cá chủ yếu là vì họ rất ham thứ nước “sốt” gọi là “balaciam” làm bằng cá ướp muối cho mềm và làm nhão ra trong nước. Đây là một thứ nước cốt cay cay tựa như mù tạt (moutarde) của ta, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn đựng đầy trong chum vại như tại nhiều nơi ở châu Âu người ta dự trữ rượu. Thứ nước cá này dùng một mình thì không nuốt được nhưng được dùng để gợi nên hương vị và kích thích tì vị để ăn cơm vốn nhạt nhẽo và không có mùi vị nếu không có thứ nước đó. Riêng cho Nước mắm “thăng hoa” thì không thể khác văn hóa ẩm thực Huế. Theo nghệ nhân ẩm thực cung đình Huế Hồ Thị Hoàng Anh có ít nhất khoảng 30 thứ nước chấm khác nhau có nguồn gốc từ nước mắm, với đủ sắc vị: Mặn, ngọt, chua, cay, vừa, đậm, nhạt…, người Huế ăn mỗi món thì dùng một thứ nước chấm khác nhau…
 Ngoài nước mắm từ cá, thì còn có nhiều biến tấu khác của nước mắm từ các loài thủy hải sản. Theo số liệu của Từ điển Bách khoa Việt Nam công bố cách nay khoảng chục năm, thì mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 150 - 170 triệu lít nước mắm các loại. Người dân đồng bằng châu thổ sông Hồng còn sáng tạo ra các loại nước mắm từ cua, cáy, tôm tép… hay ở Nam Bộ thì nước mắm ba khía. Trong mâm cơm quê dân dã, bát nước mắm “đồng quê” cua cáy trở nên một hương vị mà cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng khó mà quên.
 Nước mắm Việt hầu như có ở các tỉnh thành nhưng tạo thành thương hiệu nổi tiếng thì có vài địa phương thuộc vùng biển. Có lẽ, cá biển ẩn trong mình tinh túy đại dương nên khi trở thành nước mắm, mang một hương vi “danh bất hư truyền”. Có thể kể tên một số vùng đất gắn với các thương hiệu nước mắm cả thế kỷ nay như: Phú Quốc - Kiên Giang, Phan Thiết - Ninh Thuận, Nha Trang- Khánh Hòa, Cát Hải - Hải Phòng… Cho đến hiện tại, nhiều địa phương ven biển từ Bắc vào Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung cũng có những thương hiệu nước mắm nổi tiếng, góp vào danh mục “nước mắm” Việt sự phong phú, đa dạng của hương vị “quốc hồn quốc túy” này.
 
 

Phỏng vấn Bs Đinh đức Long, 23/3/2019







Thầy giáo mất việc vì treo cờ vàng khởi kiện công an Phú Yên







Tranh luận trên Facebook về xếp hạng hạnh phúc của người VN



Việt Nam 'kém hạnh phúc hơn Philippines, nhưng ngang Trung Quốc'

So với Lào và Philippines

Việt Nam xếp hạng 94 trên 156 nước trong một bảng xếp hạng 'Quốc gia Hạnh phúc' do Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của LHQ (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố.

Đây là báo cáo thường niên, World Happiness Report, bắt đầu từ năm 2012, được công bố vào ngày 20/3, được LHQ đặt là Ngày Hạnh phúc Quốc tế.

Phần Lan, trong năm thứ hai liên tiếp, được gọi là nước hạnh phúc nhất, theo sau là Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Hà Lan.

Các nước còn lại trong tốp 10 là Thụy Sĩ, Thụy Điển, New Zealand, Canada và Áo.

Anh xếp thứ 15, Hoa Kỳ xếp thứ 19, Pháp 24, Nhật 58, Nga 68, Trung Quốc 93.

Theo BBC News, người Anh 'hạnh phúc hơn trước', nhờ Anh tăng bốn bậc, lên thứ 15 trên bảng World Happiness



Report.


Còn trong vùng Đông Nam Á, Singapore xếp cao nhất, 34, tiếp là Thái Lan 52, Philippines 69, Malaysia 80, Indonesia 92, Việt Nam 94, Lào 105, Campuchia 109, Myanmar 131.
Kết quả dựa theo điểm của ba năm khảo sát của Gallup từ 2016 đến 2018.

Nó bao gồm các yếu tố như GDP, hỗ trợ của bạn và gia đình, tuổi thọ, tự do, tham nhũng…

Ý tưởng ban đầu xuất phát từ thủ tướng Bhutan, đề nghị LHQ đặt ra ngày hạnh phúc thế giới hồi năm 2011.

Đến năm 2012, Đại hội đồng LHQ tuyên bố ngày 20/3 là Ngày Hạnh phúc Thế giới.

Trong bảng xếp hạng năm nay, Bhutan xếp thứ 95, ngay sau Việt Nam.

Báo cáo nói các nước xếp đầu thường đạt giá trị cao trong các yếu tố giúp hạnh phúc như thu nhập, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội, tự do, niềm tin, và sự rộng lượng.

 

Cách thức xếp hạng


Phần xếp hạng các nước về căn bản dựa trên sáu yếu tố: GDP trên đầu người, hỗ trợ của xã hội, tuổi thọ, tự do làm điều mình muốn, sự rộng lượng, và vấn đề tham nhũng.
Yếu tố GDP dựa theo số liệu của World Bank.

Tuổi thọ dựa vào số liệu của World Health Organization.
Hỗ trợ xã hội dựa theo câu hỏi của thăm dò Gallup: "Nếu gặp khó khăn, bạn có người thân hay bạn bè sẵn sàng giúp?"

Tự do lựa chọn, dựa theo câu hỏi: "Bạn thỏa mãn hay không về tự do được lựa chọn làm điều mình muốn trong đời?"

Sự rộng lượng, hào phóng dựa vào câu hỏi: "Trong tháng qua, bạn có đóng góp tiền cho từ thiện?"

Đánh giá tham nhũng dựa vào câu hỏi: "Tham nhũng có nhiều trong chính phủ?" và "Tham nhũng có nhiều trong doanh nghiệp?"

 

Với Việt Nam trong báo cáo 2019 này, điểm về tự do lựa chọn trong đời rất cao, xếp thứ 23. Mảng hỗ trợ xã hội, Việt Nam xếp thứ 64. Tuổi thọ xếp 49. Tham nhũng bị xếp 86, rộng lượng 97, GDP 105.

Năm 2013, khi World Happiness Report mới có xếp hạng các nước, Việt Nam xếp 63 trên 156 nước.

Sang năm 2015, Việt Nam xếp 75 trên 158 nước - năm trước đó, 2014, không có báo cáo.

Báo cáo 2016 xếp Việt Nam thứ 96 trên 157 nước.

Một năm sau, Việt Nam xếp thứ 94 trên 155 nước.

Năm 2018, Việt Nam xếp 95 trên 156 nước.

Năm nay, Việt Nam xếp 94 trên 156 nước.


--------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Bạn Hảo Phúc viết: "Tôi nghĩ hơn Lào và Cămpot là được rồi không phải so sánh nhiều!".

Về cảm xúc hạnh phúc, trong vùng Đông Nam Á, Singapore xếp cao nhất, ở vị trí 34, tiếp là Thái Lan 52, Philippines 69, Malaysia 80, Indonesia 92, Việt Nam 94, Lào 105, Campuchia 109, Myanmar 131.

Trung Quốc, xếp vào Đông Á, có mặt ở vị trí 93.

Hoàng Quốc Thiên:

"Nói sao chứ VN xếp 94 là tui thấy không đúng rồi. Giang hồ tranh địa bàn trên Youtube, thầy tu cũng cạnh tranh online, ai ai cũng tươi cười khi xăng tăng điện tăng có ai khóc đâu. Họ quá hạnh phúc khi nợ công đập lên đầu họ cũng có than đâu, vẫn cười vẫn hạnh phúc ngập tràn bên gia đình cùng bầy con thơ có nhiễm trùng sán heo cũng thế mà. Việt Nam theo tui phải top 2 thế giới ấy chứ không đùa."

Đỗ Bảo: "Tự do làm điều mình thích" thì VN xếp thứ 23. Ok thế là được.

Dung Vu: "Vui quá...!"

Có vẻ như so sánh với CHDCND Lào thu hút nhiều chú ý.

Hoang Nguyen: "Dân VN đang xuất khẩu lao động qua Lào mà."

Olivia Pham: "Hơn Lào là được rồi còn muốn gì nữa?"

Son Phan: "VN hạnh phúc hơn Lào vì dân VN được đi tắm biển còn dân Lào cả đời không biết biển là gì!"

 

Phản ứng và cảm xúc


Trần Lượng:

"Tào lao, quá tao lao, dân VN đang được sống ở thiên đường chủ nghia, còn đòi gì nữa. Xin lỗi các anh em, đâu đâu cũng có này nọ, nước nào cũng có. Đất nước chúng ta từ tham nhũng đến việc khác luôn ở tỷ lệ % cho phép, ngay việc tham nhũng mấy năm qua..."

Trần Quân: "Hạnh phúc vì đất nước ngày càng phát triển."
Dương Chí Tín: "Nó cướp đất dân ầm ầm thế kia có hạnh phúc nổi không?"

Dự Nguyễn: "Việt Nam sướng nhất, này nhé: Đi xe trong thành phố thoải mái bóp còi 24/24h, xả rác thoải mái, vượt đèn đỏ mà không bị phạt, chiếm dụng lòng, lề đường, cung cấp thực phẩm bẩn tràn lan, được nói rất to nơi công cộng, quán bia rượu nhiều..."

Cuong Vo: "Hạnh phúc là cách nhận ra ý nghĩa, sự an vui trong thực tại. Trong những gì mình có. Hợp với mình. Thuộc về mình. Chứ không phải ngóng chờ, phụ thuộc người khác."

Hong van Nguyen: "Ở VN là sướng nhất."

Kimjormi Pham: "Ủa, tưởng VN hạng nhất mà? Trên lá đơn, sổ hộ khẩu, trên mọi tờ giấy học sinh, và tấm áp phích băng rôn đều thấy chữ "Hạnh Phúc"...

Minh Nha Tran: "Lần đầu tiên nghe Singapore hạnh phúc luôn. Nhìn nhân viên lớn tuổi làm việc trong sân bay không nở một nụ cười, không biết hạnh phúc định nghĩa thế nào nữa!"

Tuyet Van Huynh: "Nhìn lên không bằng ai nhìn xuống cũng không ai tệ như mình..."

Nguyen Cong Minh: "Một đất nước hỗn loạn như Philippin mà lại hạnh phúc hơn VN đúng là một trò hề..."

AL O NE: "Khảo sát thì khảo sát vậy thôi, công bố để mị dân. Tôi dám cá, hỏi phần lớn những người trong khảo sát ở VNam, họ chỉ là trả lời đại cho qua. Thử hỏi lại họ, thế nào là Hạnh Phúc? Hạnh Phúc là được ăn Thực Phẩm bẩn? HP là con mình được dạy những điều mị dân, giả dối, được giáo dục bởi nền giáo dục lạc hậu? HP vì được sống trong môj trường là con người, nhưng không hề có cái quyền con người? HP là được sống trong môi trường bẩn mọi thứ, mọi bất công đều không được thực thi?.."

Bui Thuat: "Tiêu chí này thay đổi liên tục qua từng năm, hy vọng trong thời gian không xa, Việt Nam chúng ta sẽ lọt top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới."

 

Ngày Hạnh Phúc


Ý tưởng Ngày Hạnh phúc do Bhutan đề nghị và được LHQ chấp nhận từ 2012, lấy ngày 20/03 làm Ngày Hạnh phúc Thế giới.

Trong xếp hạng năm nay, Bhutan xếp thứ 95, ngay sau Việt Nam.

Xếp hạng dựa trên sáu yếu tố: GDP trên đầu người, hỗ trợ của xã hội, tuổi thọ, tự do làm điều mình muốn, sự rộng lượng, và vấn đề tham nhũng.

Tự do lựa chọn, dựa theo câu hỏi: "Bạn thỏa mãn hay không về tự do được lựa chọn làm điều mình muốn trong đời?"

Câu hỏi về tham nhũng cũng được nêu ra cho người dân trả lời.

Báo cáo nói các nước xếp đầu thường đạt giá trị cao trong các yếu tố giúp hạnh phúc như thu nhập, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội, tự do, niềm tin, và sự rộng lượng.



Singapore 200 năm: ba giá trị định hình quốc gia hiện đại



Năm 2019 là năm Singapore kỷ niệm 200 ngày thành lập, và người dân quốc đảo này đang thể hiện ba giá trị: sự cởi mở, xã hội đa văn hóa, và tự quyết. Đây là những giá trị đã giúp định hình nên quốc gia hiện đại ngày nay.
Tuy lễ kỷ niệm 50 năm giành độc lập của Singapore là vào năm 2015, nhưng nước này không hề bỏ phí thời gian trong việc chuẩn bị cho lần kỷ niệm tiếp theo.

Singapore 200 năm, dấu mốc đang được ghi nhận tại các sự kiện, các triển lãm và các lễ hội được tổ chức suốt năm trong 2019, đánh dấu 200 năm Huân tước Stamford Raffles đặt chân tới hòn đảo và biến nơi đây thành một cảng giao thương của Công ty Đông Ấn thuộc Anh.

Tuy nhiên, khác với các lễ kỷ niệm Singapore 50 năm lập quốc (SG50), lễ ăn mừng 200 năm đang được đánh dấu như thời điểm để tưởng nhớ. Chế độ thuộc địa Anh trên quốc đảo này từ lâu nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, và nhiều người dân địa phương không vui chút nào về việc ngày này được kỷ niệm.

Thế nhưng Văn phòng Kỷ niệm 200 năm nói họ đang muốn đem đến cho người dân cơ hội để suy ngẫm về quá khứ vốn đã có từ thậm chí còn xa hơn nữa, 700 năm về trước, và về các giá trị đã định hình ra quốc gia hiện đại ngày nay.

Những giá trị này, gồm sự cởi mở, tính đa văn hóa, và tự quyết, như Văn phòng Kỷ niệm 200 năm nêu ra, chính xác là điều mà nhiều người yêu thích khi sống tại đây.

"Singapore là một đất nước với bản sắc riêng. Sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo hòa trộn nhuần nhuyễn trong giao tiếp xã hội, trong ẩm thực, và tại các địa điểm nổi tiếng," LG Han, người Singapore, nói. Ông là bếp trưởng, đồng thời là ông chủ của nhà hàng được xếp hạng Michelin, Labyrith.

"Bất chấp sự đa dạng này, mọi người dân Singapore có chung sự tương đồng và tính cách chung trong cách chúng tôi nói chuyện, trong các giá trị chúng tôi chia sẻ, và trong việc đón nhận mọi người, bất kể họ từ nơi nào tới."

Tuy đa dạng về văn hóa, nhưng Singapore vẫn rất dè dặt trong vấn đề tính dục.

Singapore vẫn công nhận một quy tắc thừa hưởng từ thời còn là thuộc địa của Anh, theo đó cấm quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, sự cấm đoán này đã liên tục bị đưa ra khiếu nại trước tòa, nhất là kể từ khi trình tự tố tụng mới bắt đầu được áp dụng từ 2019, sau khi Ấn Độ bãi bỏ quy định tương tự, theo Thời báo New York.

Mối quan hệ đồng tính không được thừa nhận về mặt pháp lý tại Singapore, các cặp đôi đồng tính về mặt pháp lý cũng không được phép nhận con nuôi.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động đang tiếp tục vận động để nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này và tạo các thay đổi, thông qua các sự kiện như cuộc tuần hành hàng năm, Pink Dot rally. Đây là sự kiện được đặt tên dựa trên sự pha trộn giữa màu đỏ và màu trắng của lá cờ Singapore, nhằm thúc đẩy việc chấp nhận mọi khuynh hướng tình dục.


Tại sao mọi người thích Singapore?


Sự pha trộn văn hóa của nơi này khiến những người mới tới, đặc biệt là người phương Tây, có thể thích nghi nhanh chóng.

"Đây là cổng vĩ đại để ta đi vào châu Á, cả về mặt vật lý, giống như những cổng tuyệt vời khác để tới các nơi trong khu vực là Bali và Boracay, nhưng lại còn tuyệt cả về văn hóa nữa," Akexabdra Feig, người Mỹ sống ở Singapore được ba năm và là tác giả trang blog A Maiden Voyager, nói.

"Singapore có những mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây, nhất là chịu ảnh hưởng của Anh. Đi quanh thành phố, bạn sẽ thấy các ngôi chùa Phật giáo nằm cạnh các nhà phố thương mại kiểu Anh, và trong các trung tâm bán hàng rong địa phương, bạn sẽ thấy các quầy hàng bán cơm gà Hải Nam kế bên quầy cơm rang kiểu Indonessia nasi goreng, và quầy bán món ăn phương Tây như bánh kẹp hamburgers."

Tuy nhiên, bạn chớ mắc lỗi khi nhầm lẫn giữa giá ở trung tâm bán hàng rong với bất kỳ phố hàng ăn nào, Jordan Bishop người Canada cảnh báo. Ông hiện đi đi lại lại thường xuyên tới Singapore và là chủ biên của trang mạng How I Travel.

"Có hai quầy hàng bán đồ ăn ở Singapore nay đã được xếp hạng sao Michellin," ông nói. Các quầy này, Quầy Cơm và Mỳ Gà Xì dầu Hong Kong Liêu Phàm (Liao Fan Hong Kong Soya Sauce Chicken Rice and Noodle), và Mỳ Heo Đại Hoa Phố Hill (Hill Street Tai Hwa Port Noodle) là các quầy đầu tiên kiểu này được công nhận với ngôi sao danh giá vào năm 2016.

Với việc các nhà hàng, quán bar mới liên tiếp được khai trương hàng tuần, Singapore không thiếu gì các loại ẩm thực đa dạng, phản ánh quá khứ thương cảng của mình, trong đó có các loại ẩm thực Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, Peranakan (gốc Trung Hoa nhưng có pha ít nhiều với phong cách địa phương ở một số nước Đông Nam Á), Đức, Ý, Nhật, Việt Nam, Pháp và Mỹ.

Sự đa văn hoá không chỉ giới hạn ở đồ ăn. Dân địa phương thậm chí còn có từ lóng riêng của họ để chỉ về cái 'nồi hầm nhừ' này. Tuy không được chính phủ công nhận (thậm chí gần đây còn chủ động kiềm chế việc sử dụng), tiếng Anh kiểu Sing - Singlish, một sự pha trộn giữa tiếng Anh, tiếng Quan thoại, tiếng Phúc Kiến, tiếng Quảng Đông, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil - được sử dụng rộng rãi trong các tình huống giao tiếp xã hội như khi gọi ly cà phê hay tán chuyện với bạn bè.

 

Sống ở nơi đây sẽ thế nào?


Khác với nhiều thành phố lớn khác, cư dân nơi đây ít khi lo lắng về nạn trộm cắp hay bạo lực.

Đây là một trong những nơi có tỷ lệ phạm tội thấp nhất thế giới, thậm chí các tội phạm vặt trên đường phố cũng bị coi là "một sự lãng phí thời gian", theo lời cư dân Bio Chua 11 tuổi, người viết blog I Wander.

"Bạn không cần phải khoá xe hơi cũng được, không cần bận tâm," Alison Ozawa Sander, người Mỹ đã sống tại đây từ 5 năm nay và là đồng tác giả của cẩm nang dành cho người nước ngoài đến Singapore, The Expats' Guide to Singapore, nói.

"Là phụ nữ, tôi có thể đi ra ngoài vào ban đêm ở khu vực quanh nhà mà không bao giờ phải lo lắng về vấn đề an toàn cá nhân hết. Là phụ huynh, tôi không có cảm giác là nếu mình rời mắt khỏi con trong vài giây là chúng có thể bị bắt cóc mất."

Singapore cũng rất sạch sẽ và đi lại thuận tiện, rất ít khi bị tắc đường do chính phủ có chính sách hạn chế xe hơi và giá xe ở đây rất cao.

"Một số người nói nơi đây bị tiệt trùng và buồn tẻ, nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng đó chỉ là một sản phẩm của an toàn và tiện lợi," Chua nói. "Tôi thà là có những thứ đó còn hơn là phải lo lắng mỗi ngày về nguy cơ bị cướp giật."

Trung tâm thành phố có dấu ấn riêng và mọi người sống với nhịp sống rất nhanh, nhưng lại cũng rất dễ dàng thoát ra khi cần. "Từ căn hộ của mình, tôi có thể đi bộ chừng 25 phút là đến khu rừng rậm rạp, và đó thực sự là một địa điểm đáng giá cho những ai muốn ngắm chim," Daniel Burnham, người Mỹ, chuyên gia trong lĩnh vực tìm các chuyến bay châu Á tại Scott's Cheap Flight, nói.

"Singapore có các công viên quốc gia đẹp đẽ và có đời sống tự nhiên rất đáng kể, nếu xét đến quy mô và mật độ sinh sống của nơi này."

Bởi đây là hòn đảo tương đối nhỏ, cư dân cũng cho là nên tận dụng lợi thế của Sân bay Changi nổi tiếng thế giới và vé máy bay giá rẻ.

"Bất kể khi nào tôi cảm thấy mệt mỏi thì thật là dễ dàng để nhảy lên một chuyến bay nào đó, ra khỏi thành phố," Burnham nói.

Tôi cần biết thêm gì nữa?


Nằm ở vị trí chỉ một độ bắc từ đường xích đạo, Singapore có khí hậu nóng quanh năm mà ta phải tự điều chỉnh để thích nghi, các chuyên gia nói. "Sẽ phải quen với việc lúc nào cũng toát mồ hôi. Tóc bạn sẽ không bao giờ trông giống như khi bạn ở nước của mình," Ozawa Sanders nói.

Thứ không khí mát lạnh do điều hoà nhiệt độ tạo ra trong các toà nhà cũng là một thứ 'quỷ dữ cần thiết', Burnham nói thêm.

Singapore khét tiếng là nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường Economist Intelligence Unit, với giá thuê nhà thật là 'trên trời', khoảng 1.885 đô la Singapore cho một căn hộ thiết kế mở, không có phòng ngủ riêng, nằm không phải là ở trung tâm thành phố, theo trang mạng so sánh giá cả

Expatistan.com; giá xe hơi mới thường cao khủng khiếp, 100 ngàn đô la Singapore.

Tuy nhiên, những cư dân không thường xuyên thì nói các con số này không hẳn là luôn phản ánh đúng thực tế.

"Nhiều du khách và người nước ngoài có xu hướng nói quá lên về đời sống ở Singapore, với những thứ như ta có thể xem được trong phim Nhà giàu châu Á, hay ở trường hợp người nước ngoài tới đây làm việc và được hưởng chế độ trợ cấp thay đổi chỗ ở hậu hĩnh," Burnham nói.

"Sinh hoạt phí tại Singapore không nhất thiết là quá ghê gớm nếu bạn sống như người dân địa phương. Chúng ta có các lựa chọn hợp lý, vừa túi tiền, chẳng hạn như thuê lại căn hộ HDB, tức là căn hộ tập thể thuộc quỹ nhà công, tự nấu ăn và đi lại bằng giao thông công cộng. Các chi phí đó thấp hơn nhiều so với ở Mỹ."

Nước này cũng có mức thuế thuộc hàng thấp nhất thế giới, giới han ở 22%.

Nhìn chung, Singapore toả sáng rực rỡ nhất khi người dân thành phố tìm cách thoát ra khỏi trung tâm đô thị, nơi các khu mua sắm, các căn hộ trông giống hệt nhau trải dài hàng dặm.

"Sự đa dạng đô thị là rất phong phú nếu bạn để ý," Burnham nói. "Nằm ẩn dưới sự phát triển của Thế kỷ 21, vùng ngoại vi Singapore có những diện tích nông trại, những nghĩa trang, những làng chài và các tiền đồn thời thuộc địa."