khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

Họp Mặt Khoa Học Kỹ Thuật Minh Đức, tại Irvine, CA, vào ngày May 6 2023





Hiểu lá cờ và người Việt ở nước ngoài - Tác giả Gs Nguyễn Văn Tuấn


Nhiều bạn trẻ ngày nay không biết đến lá cờ vàng ba sọc đỏ thời VNCH, cũng như họ không biết gì về một chánh thể đã tồn tại 21 năm ở miền Nam, không biết gì về người Việt vượt biển tị nạn. 

Một số khác có lẽ chịu sự chi phối của tuyên truyền nên họ căm thù một cách vô điều kiện lá cờ mà họ hay nói xách mé là ‘ba que’. Cần nói thêm rằng lá cờ đó có ý nghĩa sâu sắc: màu vàng là tượng trưng cho đất nước, là màu truyền thống của các vương triều, còn 3 sọc đỏ là tượng trưng cho ba miền đất nước. Có hơn 40 triệu người Việt lớn lên dưới lá cờ da vàng máu đỏ đó, và đó là một kỉ niệm khó phai nhoà. 

Sau 1975, có hàng triệu người Việt vượt biển đến các nước lân cận xin tị nạn. Đối với những người này thì lá cờ VNCH có một ý nghĩa quan trọng. Khi ra biển và để làm tín hiệu cho các tàu khác cứu vớt, các tàu vượt biển của người Việt thường giương lá cờ đó để nói rằng họ đến từ miền Nam Việt Nam. Nhờ lá cờ đó mà hàng vạn người được cứu vớt và đi định cư ở nước ngoài. Lá cờ do đó là một hoài niệm, thậm chí một ‘ân nhân’.

Khi lên bờ và may mắn sống sót thì người tị nạn không còn gì cả. Lúc đó, họ là những người vô quốc tịch. Họ chỉ có lá cờ vàng như là cái căn cước tính của cộng đồng. Do đó, lá cờ đó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tị nạn ở đây. Và, biểu tượng đó được các chánh phủ địa phương công nhận. Có thể xem những tượng đài ở Úc, Mĩ thì thấy biểu tượng này rất rõ. 

Tôi nghĩ điều này cũng giống như lá cờ của người thổ dân Úc vậy, nó không đại diện cho quốc gia nào cả, nhưng nó đại diện cho cộng đồng người thổ dân. 

Trước 1975, Úc là đồng minh của VNCH, và trong cuộc chiến 1962-1972 đã có 500 binh sĩ Úc hi sinh. Năm 1973 sau Hiệp định đình chiến Paris, Úc ngưng tham chiến ở Việt Nam vào năm 1973. Và, nhân dịp lễ ANZAC 2023, ngày lễ tưởng niệm những binh sĩ Úc và Tân Tây Lan đã hi sinh trong các cuộc chiến, Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành đồng xu (hình) có hình lá cờ VNCH là để kỉ niệm 50 năm ngày Úc ngưng tham chiến ở Việt Nam. 

Việc phát hành đồng xu với cờ của VNCH gây ra một phản ứng ngoại giao khá gay gắt từ phía Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ phản ứng đó là thái quá. Có thể ngay cả cô phát ngôn viên cũng chưa am hiểu lịch sử của lá cờ đó. 

Xin nhắc lại rằng Úc là đồng minh của VNCH. Úc rất trung thành với đồng minh, nên các cựu binh sĩ VNCH ở Úc được hưởng an sinh xã hội y như cựu chiến binh Úc vậy. Đó chính là lí do tại sao trong ngày lễ ANZAC có sự tham gia của các cựu chiến binh VNCH từ cả 40 năm qua. Trong các câu lạc bộ cựu chiến binh Úc, rất dễ hiểu tại sao người ta đều treo cờ VNCH. 

Dĩ nhiên, lá cờ vàng đó không còn đại diện cho quốc gia nào cả. Ai cũng biết thực tế này. Cũng như lá cờ của người thổ dân không đại diện cho nước nào cả nhưng là biểu tượng của họ, lá cờ vàng chỉ là biểu tượng của cộng đồng người Việt ở đây. 

Riêng với các ‘thuyền nhân’ lá cờ đó không chỉ là một kỉ niệm, mà còn là hoài niệm và tưởng niệm. Hoà giải dân tộc có lẽ nên bắt đầu bằng sự ghi nhận sự hiện hữu của lá cờ đó.