khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

Tình Hình Sức khỏe Của Một Việt Kiều Mỹ Trước Và Sau Khi Về VN Sống Được 2.5 Năm Ra Sao?





Chiếc Áo Nhà Binh - Tác giả Đào Anh Dũng

 

Ðúng mười sáu tuổi Hương mới được mẹ cho phép đến giúp mẹ ở tiệm sửa quần áo ‹Sew & Care› nơi mẹ làm mướn rồi trở thành chủ nhân gần 6 năm nay. Mẹ, Hương và em Hùng ở trong một khu chung cư cách tiệm có vài trăm mét nên việc đi lại rất tiện lợi. Mỗi ngày, đi học về Hương đến tiệm giúp mẹ hai tiếng đồng hồ; thứ Bảy bốn tiếng vào buổi trưa, sau khi Hương đã xong bài vở thầy cô cho làm cuối tuần; Chúa Nhật, tiệm đóng cửa nghỉ, ba mẹ con đi nhà thờ rồi suốt ngày quây quần bên nhau. Hùng mới 14 tuổi nên nó chưa được mẹ cho phép giúp ở tiệm, nó chỉ phụ làm việc nhà như hút bụi, rửa chén, giặt đồ, bắc nồi cơm điện… mà thôi.
Mẹ, Hương và em Hùng định cư ở thành phố miền Bắc Mỹ này từ tháng tám năm 1975, cha thì bị kẹt lại ở Việt Nam. Năm ấy, Hương mới có mười tuổi nhưng Hương vẫn còn nhớ rất rõ hôm cha đưa mẹ, Hương và em Hùng vào phi trường 31 Cần Thơ để lánh nạn cùng với vài chục người là vợ con của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ phi đoàn. Cha căn dặn mẹ nếu được di tản, mẹ con cứ ra đi, đừng lo cho cha vì cha nhận lệnh chỉ được phép rời căn cứ vào phút chót với anh em đồng đội mà thôi. Hương còn nhớ, trước khi trở về phi đoàn cha ôm mẹ, Hương và em Hùng, cả gia đình làm dấu Thánh Giá và vì gấp quá nên chỉ có thể đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, cầu xin ơn bình an của Chúa và Ðức Mẹ mà thôi. Sau đó cha cởi chiếc áo khoác nhà binh của mình, choàng vào vai mẹ, Hương và em Hùng, nói để che nắng, che mưa, chống lạnh rồi cha leo lên xe jeep ra đi. Hôm sau, cả đoàn người được di tản bằng máy bay trực thăng ra Côn Ðảo, rồi đến Ðệ thất Hạm đội. Vài ngày sau, mọi người được chuyển sang một tàu buôn đi Phi-Luật-Tân và sau đó đến trại tỵ nạn trên đảo Guam. Ở đó, thấy nơi nào đồng bào dán giấy tìm kiếm thân nhân, mẹ cũng có một tờ tìm cha. Mẹ cũng có nhờ trại phát loa nhắn tin nhiều lần nhưng không nhận được tin tức nào của cha. Sau khi định cư ở Mỹ được gần sáu tháng, mẹ nhờ một người bạn chuyển thơ của mẹ từ Pháp về Cần Thơ cho ông bà nội. Mấy tháng sau, mẹ mới nhận được thơ trả lời của ông bà nội nói bóng, nói gió nhưng mẹ hiểu được là cha bị tai nạn máy bay nên kẹt lại, nhờ ơn Ðức Mẹ chở che, cha chỉ bị thương nhẹ thôi. Cha trở về nhà và như mọi sĩ quan quân đội miền Nam, cha bị vô tù cải tạo.
Khi xưa mẹ là một cô giáo tiểu học. Tiếng Anh mẹ chỉ bập bẹ, nhờ mẹ biết may vá nên mẹ được bà goá phụ Lindberg, một giáo dân của nhà thờ bảo trợ và là chủ tiệm ‘Sew & Care’, mướn làm thợ sửa quần áo. Bà Lindberg thật tốt bụng, ông con trai của bà ở trong quân đội, từng phục vụ ở Việt Nam nên bà hiểu hoàn cảnh và có nhiều cảm tình với người Việt. Bà tận tình dạy nghề, dạy luôn tiếng Anh cho mẹ. Sau bốn năm, tay nghề của mẹ trở nên vững chắc, mẹ hiểu và nói tiếng Anh khá hơn nhờ được tiếp xúc hàng ngày với khách hàng và đồng nghiệp. Vì thế, khi bà Lindberg tới tuổi nghỉ hưu, bà không ngần ngại nửa cho, nửa bán trả góp tiệm ‘Sew & Care’ cho mẹ, tiếp tục giúp mẹ nuôi sống gia đình. Nhờ vậy mà mẹ có thể gởi chút đỉnh tiền về Việt Nam giúp ông bà nội ngoại và nhờ cô Út thăm nuôi cha.
Việc may vá Hương còn vụng về, cần phải học thêm nên Hương được mẹ giao trách nhiệm đón khách và giao hàng. Lúc nào vắng khách, Hương được mẹ dạy cách lên lai quần. Ðó là công việc chạy nhất của ‘Sew & Care’. Hương cũng biết đơm nút áo. Công việc này thì mẹ không bao giờ tính tiền để lấy cảm tình của khách.
Hôm ấy có một ông khách đầu tóc bạc phơ đến tiệm nhờ thay bên trong cổ của hai chiếc áo sơ-mi vì chúng đã mòn lẳn, gần rách. Hương ước tính tiền công thay cổ áo ít nhất cũng đến 10 đô-la một áo vì Hương thấy rất tốn thời giờ, còn hơn lên lai quần, 5 đô cho mỗi cái nữa. Thấy hai chiếc áo đã cũ mèm, thay vì gọi mẹ đến xem xét, định giá với khách, Hương mỉm cười, nói với ông khách:
“Dạ thưa ông, hai chiếc áo này đã cũ, sao ông không mua áo mới? Cháu nghĩ tiền mua áo mới còn rẻ hơn tiền công thay cổ áo nữa.”
Hương nghĩ mình rất lễ phép và thành thật, ai ngờ ông khách không bằng lòng, đòi nói chuyện thẳng với bà chủ ‘Sew & Care’, giọng nói của ông nghe rất nghiêm nghị. Hương vội vàng xin lỗi ông khách rồi cáo lui vào phòng may vá gọi mẹ.
Mười lăm phút sau, khi ông khách đã rời tiệm, mẹ gọi Hương trở ra trông nom tiệm để mẹ vào trong tiếp tục may vá. Vì mẹ im lặng, không nói gì về ông khách và hai chiếc áo sơ-mi, Hương đâm ra thắc mắc, không hiểu khi nãy mình nói như vậy có đúng không và tại sao ông khách có vẻ phiền giận. Hương bèn hỏi mẹ:
“Mẹ ơi, con chỉ đề nghị ông khách bỏ đi hai cái áo, mua áo mới rẻ tiền hơn sửa cổ áo. Vậy mà tại sao ông có vẻ giận con vậy mẹ?”
Mẹ Hương trả lời, giọng man mác buồn:
“Ông Margotto là khách quen của tiệm mình, sau khi bà vợ của ông qua đời. Ông nói chính bà đã chọn và mua cho ông hai cái áo đó nên ông rất yêu quý chúng, mặc hoài nên sờn cổ mà ông không muốn bỏ đi. Ðây không phải là lần đầu tiên ông đến nhờ tiệm chúng ta giúp ông giữ lại những kỷ vật của bà. Con nói rất đúng, nhưng không đúng hoàn cảnh nên ổng giận. Nhưng thôi, con đừng lo ngại, con đâu có biết chuyện của ổng, con chỉ thật thà khuyên ổng thôi mà!”
Câu trả lời của mẹ làm Hương nhớ đến chiếc áo nhà binh ngày xưa cha choàng lên vai mẹ, Hương và em Hùng. Hương chưa bao giờ thấy mẹ giặt chiếc áo ấy, mẹ cất nó kỹ lưỡng trong một hộp giấy để trong tủ áo. Thỉnh thoảng mẹ mang nó ra, mẹ ngồi một mình, mẹ áp nó vào mặt, ôm nó vào lòng… Nhớ đến đó, Hương muốn chạy đến ôm mẹ, nói mẹ ơi con đã hiểu, con đã hiểu rồi nhưng khi ấy có một bà khách bước vào tiệm…
Hương cố gắng nở một nụ cười chào bà khách mà lòng thì chất ngất nỗi nhớ cha, thương mẹ… Hương thì thầm cầu nguyện, Mẹ Maria ơi, xin Mẹ xót thương…


Con Người Phương Nam - Tác giả Cao Thoại Châu

 

Tôi không sinh ra tại Sài Gòn mà chỉ tới năm 1954 mới vào sống tại đây khi đã 15 tuổi.

Chín năm sau, khi thành một thầy giáo tôi từ Sài Gòn xuống một tỉnh miền Tây dạy học, nơi chốn đi về không đâu khác là Sài Gòn, cha mẹ anh em tôi vẫn ở đấy và một thời đèn sách của tôi cũng còn đấy. Cũng chín năm sau, 1972, Tân An (cách Sài Gòn 45km) là nơi tôi định cư cho đến bây giờ.

Sài Gòn – Châu Đốc – Tiền Giang – Bến Tre – Tân An…theo cách nghĩ của tôi chỉ có một ranh giới rõ nét là những km diện địa, còn cái gọi là “Người Sài Gòn” thì như một cục đường tan vào ly nước là miền Tây rất nhanh, nếm thấy vị mà không còn biết đường đâu nước đâu.

Sài Gòn không có đặc sản về thực phẩm, mọi thương hiệu có mặt tại đây hầu như đều từ miền Tây lên: mắm thái Châu Đốc, bánh pía, bún mắm Sóc Trăng, hủ tiếu Mỹ Tho, bưởi Năm Roi, soài cát Hòa Lộc...

Không thấy lộ ra một khác biệt nào lớn có tính cách định hình ngoài khác biệt là nhà ở tỉnh thường có vườn và ít chung cư và người tỉnh hay bận rộn vì các đám giỗ ở nhà nhau! Cà phê vỉa hè là một nét chung rõ nhất. Khái niệm “nhà quê” tôi không nghe nói ở nơi tôi sống đã 58 năm, điều này khá thịnh tại quê gốc của tôi.

Trước hết, hình dạng Nam Kỳ cứ ví như một phụ nữ cho nó... dễ hiểu, không cao kều dài ngoẵng mà nở ngang ở cái vòng 3 mà lại xẹp lép không núi không đèo vì vậy khoảng cách không gian giữa các tỉnh với Hòn Ngọc Viễn Đông không lớn, lại có hệ thống giao thông đa dạng và phát triển cao thúc đẩy sự hòa vào nhau nhanh hơn và gọn hơn.

Sài Gòn (và Nam Kỳ) trở thành thuộc địa của Pháp sớm nhất và trực tiếp thành đất hải ngoại của Pháp ngay từ năm 1867, Nho học bị hủy bỏ gần như ngay tức khắc với việc Nam Bộ bị tách khỏi VN. Chính vì thế mà người Sài Gòn phát âm tiếng Pháp chuẩn hơn.

Những phụ âm Pr, Cl, Tri…trong khi người miền Bắc phát âm là pờ-re (près), cờ-lo (clo), tờ-ri-pô-li (Tripoli) thì người đất này phát gần với Tây hơn.

Âu hóa sớm, mưa nhiều, khí hậu nóng quanh năm, đất đai màu mỡ, giao thông, công thương phát triển sớm, vị trí thuận lợi trong giao thương Âu-Á, con người lại có óc mạo hiểm của kẻ đi khai phá, đặc tính này làm phát những doanh nhân nhiều người lừng lẫy.…

Hào hiệp và nghĩa khí là tính cách nổi trội, kẻ nào đó tai tiếng hoặc thất bại ở nơi khác mà biết “ôm đầu máu” tìm vào Nam Kỳ với mặc cảm bị thành kiến sẽ nhanh chóng quên được mặc cảm này bởi người Nam Kỳ không tò mò về đời tư người khác, “đánh kẻ tìm đi không đánh kẻ tìm lại”, thích cưu mang và lòng thương người dành cho kẻ sa cơ.

Đọc rồi mà lâu quá nên quên cách tỏ tình khá thú vị này:

“Hai ơi, tui thương thiệt mà”,

“Thôi đi, hổng có tin nổi đâu, nói chi nói hoài dzậy”.

“À há, láo xe ăn đó”,

“Độc dữ ha, mà thương rồi thì sao chớ?”.

Rồi, tối đó có thể cùng nhau vào một căn nhà, nhà hát cải lương chứ không phải các nhà khác đâu đó. Ngày nay tất nhiên ngôn ngữ có khác nhiều nhưng tấm tình chân thật và cách bộc lộ thì vẫn thẳng như vậy thôi. Đấy là tính chân thật, mộc mạc không kiểu cách.

Còn nhớ, hồi 1964, một ông chủ nhà máy nước đá ở Châu Đốc có người con út học với tôi cho nên tôi có dịp tới vào những ngày giỗ của nhà ông ấy. Một bữa ông nói đại ý là thấy tôi chưa có vợ mà lại hiền lành (có lầm không, ông chủ) nên ông muốn gả con gái đang là giáo viên cho, còn nói sẽ cho tôi nhà và mọi thứ gia đình tôi khỏi lo chi cả…

Tôi không thành rể Nam Kỳ là cái phần số nó thế.

Người Nam Kỳ bén nhạy ưa mùi mẫn mà hài hước, trào lộng vì vậy cải lương là loại hình giải trí ruột, vở nào mùi một tí và có danh hài là vở ấy đắt khách.

Cũng nhờ cái tánh này mà người Nam Kỳ phát về báo chí, ngôn ngữ, văn phong báo chí, nhất là báo trào phúng của Sài Gòn thật ấn tượng, châm biếm mà không moi móc, nhẹ mà đau ngầm chứ không gay gắt nhục mạ người bị châm biếm. Và không đâu hơn, Nam Kỳ rất thịnh về nói lái, tiếng lóng phong phú và thiện nghệ.

Hồi trước tôi hay ăn cơm vỉa hè nên biết một anh tài xế xích lô máy, trưa nào anh cũng tạt về nhà chất vợ con đầy một xe và ghé quán cơm này. Họ không ăn nghèo như sinh viên chúng tôi nhưng ăn tiệm cũng là một cái thú của người Nam Kỳ. Có người nói người Nam Kỳ ham vui, ít lo xa, theo tôi nhận xét này khá đúng với câu cửa miệng là “mai tính”.

Những tính cách trên, tôi có một nhân chứng sống là cụ Vương Hồng Sển, một học giả, nhà cổ ngoạn và là Thầy của nhiều thế hệ chúng tôi ở đại học. Nhiều cuốn sách, bài báo của Thầy, nhất là cuốn Nửa Đời Hư cho thấy đây là một siêu mẫu của người Nam Kỳ.

“Con mèo tam thể đi ăn vụng bị hàng xóm chém tét móng chân trước, đang nằm rên hì hì trên đầu tủ sách. Vừa viết đến đây, tôi đọc lớn. Con mèo nhướng mắt tưởng tôi ngỏ lời an ủi, nên hoà âm mấy tiếng hừ hừ, tợ chiếc ấm gần sôi. Bỗng tôi đổi sang giọng lớn, không mấy êm tai, tôi thấy vành tai con miêu đang xụ lại vành lên, trán con miêu nhăn nhăn, tam thể tựa hồ bụng bảo dạ:

“Lão Vương nầy chướng, chúng cho về hưu cũng phải: Lão lải nhải những gì rỗng tuếch, chẳng bù má Năm, nói những lời đáng giá, hứa cho ăn thì no bụng đến phát ách, hăm đánh đòn thù nhừ tử nên thân; Bữa nay lão viết giống gì nữa đây, chỉ hại tốn giấy?”

Ấy đó, trên bảy mươi mà còn bị chó mèo xài xể, hỏi phải hư chưa?-

(Vương Hồng Sển, Hơn Nửa Đời Hư)

Đó là quá khứ, còn đây là động từ chia ở thì hiện tại:
“Ngồi ở ngoài hiên có thể ngửi được mùi biển cả. Hoa cúc dại mọc liếm lên thềm. Ngôi nhà của tụi mình không cần rộng, chỉ cần kê vừa một cái giường và gian bếp. Ở đó có ông già hơi lãng đãng, đôi khi lấy điện thoại di động khuấy cà phê, hay ngồi nhìn mây những khi ti vi hết chương trình thế giới động vật. Ở đó có bà già hí húi cọ nồi, lâu lâu vói tay ra sau tự đấm lưng.

Radio mở rọt rẹt chương trình ca cải lương cuối chiều, miệng bà cằn nhằn tối qua không ngủ được vì ông già ngáy dữ quá. Đêm nay tôi sẽ thủ cục muối hột, cứ hả họng ra ngáy là tôi thả vô miệng cho mặn thấy mồ tổ. Mặt ông già tê mê, khoái chí nói bà cằn nhằn cũng có duyên, y như hồi xưa vậy, thiệt chẳng bõ công tôi bỏ xứ theo bà.”(Nguyễn Ngọc Tư)

Trên là những ấn tượng của tôi về nơi mà tôi đi xe ngựa lần đầu tiên, ăn cái hột vịt lộn, chè đậu đỏ bánh lọt, uống ly nước mía, ăn cơm tấm, mắm thái, mua trái cây một chục là 14 trái, cầm tờ giấy bạc thoải mái xé đôi khi cần thanh toán một nửa mệnh giá của nó… lần đầu tiên trong đời.

Nay những ấn tượng ấy hình như đang phai dần mà nghiệt thay lại phai từ Sài Gòn trước tiên. Bao giờ thì Nam Kỳ phai theo? Nghĩ đến đó mà rầu thúi ruột!