khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Đọc Truyện "Gái Lưu Vong" của tác giả Nguyễn Thụy Minh Ngữ

Thông báo khẩn cấp từ bác Phùng văn Tráng, Trưởng Ban Liên Lạc SVKHKTMD Khóa 1, gửi đến các bác đang cư trú ngoài lảnh thổ Việt Nam



"Nhân tiện, Tráng đề nghị anh em ở nước ngoài cố gắng liên lạc với nhau để có địa chỉ của ít nhất một anh em ở VN để thông báo nếu có về VN. Bây giờ, đối với anh em mình, trời thì xa, mà đất thì gần, do đó, gặp lại nhau sau nhiều năm không gặp mặt là quý lắm! "

Hình Họp Mặt Khóa 1 KHKTMD, gửi từ bạn Phùng Văn Tráng








Từ trên xuống dưới:

Hình 1: chụp nhân dịp VT Hùng về VN hồi Tết vừa qua. Thằng Hùng này rất hên vì hình như chưa bao giờ anh em khoá 1 họp mặt có thể nói là động đủ nhất từ xưa tới giờ! Chắc là nhờ vào dịp Tết, anh em rảnh rỗi và do nó gần như không còn bà con ở VN nên "đeo" theo bạn bè (K.1 MĐ) để nhậu nhẹt!  Trong hình gồm có: (đứng) Đỗ L Tiên (bây giờ là Lê công Danh), Võ T Hùng, Phạm N Tuấn, NQ Minh, V D Khoa, TV Tốt, Hồ Văn Liệu, và tao (Phùng Văn Tráng, sợ có đứa nào không nhớ tên! Thêm chất "phụ gia": thằng nào không nhớ cho nó một "búa" dưới sự chứng kiến của thầy Ái Văn dạy Sức Chịu Vật Liệu năm 1973 !) (Ngồi) : N V Hoàng, T V Lâm, các bà xã của Minh, Tráng, Thạnh & D H Thạnh, Trần K Thành.
 

Nêu tên Lâm mà không nêu một điểm đặc biệt của nó là một thiếu sót; Lâm luôn luôn đem theo đậu phộng rang khi gặp anh em. Điểm đặc biệt nữa là đậu phộng do chính tay Lâm chọn và rang rất ngon. Ở nước ngoài về mà không ăn đậu của Lâm là một thiếu sót lớn!.
 


- Hình 2 chụp nhân dịp thày Tiết về VN năm 2011. Thày Tiết rất hết lòng với anh em KHKT và luôn luôn cho anh em mình biết mỗi khi về để gặp nhau và cùng hàn huyên. Tiếc là hình chụp không đầy đủ và cũng không rõ vì phòng ăn hẹp mà dài.

- Hình 3 chụp nhân dịp thày Vinh vào SG (từ Nha Trang) tháng 2/2012. Thày Vinh cũng rất sốt sắng nhiệt tình với anh em KHKT mình, hồi xưa kêu là "chịu chơi" với anh em đó!

- Hình 4 chụp từ năm 2006, nhân dịp được người bạn tên
Cang và học cùng lớp K1 , nhà ở Ngã ba Tân Vạn, đồng thời cũng là bạn thân của N thiện Tùng, "mời" đến ăn trưa mừng Tết 2006 !  Nhờ Tùng nêu tên lên dùm mình.  Trong hình có Lê v Sinh (chắc chắn là sẽ tái ngộ với anh em mình trong tương lai gần, sau khi "dứt điểm" vụ Parkinson), Thạnh, Hoàng, một người bạn của Hoàng, Tốt, Trần C Danh (mai mốt chắc chắn tụi mình thế nào cũng gặp lại nó !), Tráng, và Khoa.

- Hình 5 là hình chụp nhân dịp Trần V Thuần về VN, hình như Tết năm 2012, không kể tên những người có mặt trong hình nữa vì cũng chỉ có bây nhiêu đó khuôn mặt "ăn nhậu" thôi !! Thuần bây giờ luôn luôn đội nón vì sợ "lạnh mỏ ác"!









Ẩn Trong Nhau -- thơ của thầy Thích Tánh Tuệ, nhân Mùa Vu Lan 2013

                                                           Ẩn Trong Nhau
                                Thích Tánh Tuệ

                                Này em, trong chữ BELIEVE
                                Chữ LIE chen giữa nằm ì , thấy không?
                                Chớ tin vội chuyện viễn vông
                                Sa vào bóng tối mênh mông, mịt mờ.
                                 
                                Em ơi, trong chữ '' Lớp vờ '' ( LOVER )
                                Nó '' nhưn '' cái chữ ô vờ (OVER) đó em!
                                Tình phai, dù mãi gọi tên
                                Người ta vẫn bước qua thềm, lãng quên.
                                 
                                Bạn ơi! trong một chữ FRIEND.
                                Ba mẫu tự cuối vần '' END '' phũ phàng.
                                Khi trong nghịch cảnh, tai nàn.
                                Mới hay ai thật '' đá vàng '' với ai.
                                 
                                Anh ơi! có thấy chữ WIFE
                                Ở giữa là '' IF '', nếu mai vẫn là...
                                Vợ anh, chẳng của người ta.
                                Vậy mà một chút hở ra, mất liền!.
                                 
                                Trong chữ nghĩa đựng nỗi niềm.
                                Vô thường thẩm thấu, bình yên tâm hồn.
                                 
                                Mời em nhìn lại chữ '' MOM ''
                                Vắng '' M'', Mẹ vẫn cứ... ôm em hoài.
                                Dù tha hương, sống bên ngoài
                                Tình thương Mẹ vẫn trải dài phía em...
                                 
                                Tình nao mới thật tình bền?
                                ''Ba tình'' trên đó gập ghềnh, lắt lay.
                                 
                                Em ơi, thức tỉnh, chớ say!
                                Vòng tay của mẹ tháng ngày cho em.
                               

Ru Mưa- Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Hoàng





Bài nhạc Ru Mưa đựợc bạn Nguyễn văn Hoàng sáng tác hồi còn đang theo học lớp đệ tam Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, năm 1968. Xin được giao duyên bài nhạc với bài thơ Buồn Đêm Mưa của nhà thơ Huy Cận. Mời các Bác K1 hãy thả hồn vào nhạc và thơ trong cơn mưa đêm nào đó ở Saigon.     

Buồn đêm mưa
   
Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...

Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.

Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...

Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...

Tương tư hướng lạc, phương mờ...
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.

Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...

HUY CẬN





Hình trên là Ban Vũ Dạ Tam Ca của trường Trung học Kỹ Thuật Cao Thắng, Sài Gòn, đã hát trình diễn vào năm 1969 tại rạp hát Quốc Thanh. Đồng thời cũng từng hát bài Ru Mưa, gồm từ trái qua phải: Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn văn Hoàng và Nguyễn văn Kỹ (cùng học chung lớp ở trường Cao Thắng, Bạn Kỹ đã mất năm 2009)

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Buồn Trong Kỷ Niệm -- Ca sĩ Thanh Thúy

Cassette nhạc này gồm 10 bài hát được một số người thẩm thức âm nhạc tự cho là thích "nhạc sang" đánh giá là "nhạc sến" (sic) . Nhưng ai cấm (?) nếu bảo nhạc Trúc Phương, Lam Phương,...là hơi thở của thời đại trước 1975 tại miền Nam VN.  Ai chê ca sỉ Thanh Thúy hát rên rỉ , sướt mướt, phải xét lại, vì chưa đọc bài văn "Ảo Ảnh Thanh Thúy" của giáo sư Nguyễn văn Trung". Xin mời đọc
  
Trích đoạn bài viết "Ảo Ảnh Thanh Thúy" của giáo sư Nguyễn Văn Trung


“ (…)  Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện trước mặt họ mà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ. Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình. Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng làm ra vẻ không chú ý đến khán giả , không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng cử chỉ nụ cười , cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm, mà không đưa mắt nhìn vào khán giả. Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên lướt qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả. Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim…Thái độ của Thanh Thúy  là đi tới người khác không phải bằng cách cởi mở, đón tiếp, mời gọi với  những cái nhìn, nụ cười cử chỉ mà bằng cách khép mình lại, thu mình vào bên trong, không xét đến người khác đang nhìn mình. Thỉnh thoảng cô mỉm cười khi lời ý buồn cười, nhưng cũng như cười với mình thôi. Do đó, ra trình diễn, mà lại như không muốn cho người xem thấy mình vì Thanh Thúy che dấu mặt đến quá nửa bằng mái tóc bỏ xõa… Hát xong một khúc,đi vào trong ngay, không đứng lại bên máy, bên dàn nhạc để hát tiếp khúc sau.

(…) Đứng trước Thanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả như thấy bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt một hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê , đồng ruộng , với sông Hương , núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn đó. Cho nên khi hát, hình như Thanh Thúy không chú ý phát âm rõ, và người nghe hình như cũng không đòi hỏi hiểu được lời ca vì cái cốt yếu là truyền cảm được nỗi buồn, bằng một giọng buồn và thông cảm được điệu buồn, nỗi buồn không nội dung rõ rệt. Có lẽ những khán giả thích Thanh Thúy là thích vì vậy, không phải giải thích như một thân xác, nhưng như một người đàn bà , một thiếu nữ Việt, một cô gái Huế qua những cái rất “đàn bà”, ”rất Việt Nam” và rất “Huế” của Thanh Thúy….."
 
Nguyễn Văn Trung
Cựu giáo sư đại học Văn Khoa Saigon trước 1975

Mời các bác thưởng thức "tiếng hát liêu trai" ngày nào.

Một Sớm Mai Về -- Nhạc Trầm Tử Thiêng -- Vu Khanh hát -- Nguyễn Thiện Tùng gửi tặng

Một sớm mai về, ngày vui thứ nhất
Ta đi chân đất, mặc áo vải thô,
Dẫm lá tre khô ...rụng đầy lối sỏi,
Ta cười, ta nói, ta hát nghêu ngao,
Bước thấp bước cao qua bờ ruộng nhỏ,

Mẹ già ta đó, hái mướp bên rào ...
Mẹ già ta đó, áo nâu thuở nào
thêm nhiều mụn vá
Cần chi mẹ ạ ...một sớm mai về,
Là lá la là ...Là lá la là ...

Cần chi mẹ ạ, một sớm mai về,
Thằng bé nhà quê thoát tầm lửa đạn
Ðầu ngày nắng sáng, nhà ai chung vườn
Khói bếp mến thương, thơm xôi nếp mới
Là lá la là ...Là lá la là ...

Chia xa ... vời vợi chia xa
Chia xa ... vời vợi chia xa
ah ah ah ah ...
Một sớm mai về
Tắm nước sông quê, ngàn đời chẳng đục
Ta buông cần trúc, bờ cỏ im ngồi
Con diếc thử mồi, con rô đớp bóng
ah ah ah ah
...

Đại học miền Nam trước 75: hồi tưởng và nhận định (II) ---Tác Giả Lê Xuân Khoa --- Nguyễn Thiện Tùng sưu tầm

Ở miền Nam, khi ghi trong Hiến pháp năm 1967 là “Nền giáo dục Đại học được tự trị,” các nhà làm chính sách giáo dục đã xác nhận sự cần thiết phải hội nhập với thế giới dân chủ, nhất là theo mô hình của Mỹ. Nhưng việc trao cho đại học quyền tự trị, nhất là về quản trị nhân viên và sử dụng ngân sách, từ những định chế lâu đời như Bộ Giáo dục, Tổng Nha Công vụ và Tổng Nha Ngân sách đòi hỏi những sự thay đổi hay điều chỉnh thích hợp về luật lệ và thủ tục, do đó cần phải có thời gian thực hiện theo một tiến trình chuyển tiếp..

Dù sao trong tiến trình tự trị hóa, Đại học miền Nam đã được hưởng nhiều ưu đãi. Các đề nghị của Hội đồng đại học về nhân viên hay ngân sách thường được chính phủ chấp thuận mau chóng ngoại trừ những quyết định thật quan trọng. Do sự tín nhiệm sẵn có đối với lãnh đạo đại học, sự chấp thuận của chính phủ được căn cứ vào sự hợp lệ về hành chánh và khả năng ngân sách hơn là xét về nhu cầu và giá trị của đề nghị. Về mặt học vụ, sự chấp thuận của Bộ Giáo dục lại càng có tính hình thức hơn nữa vì không khi nào Bộ ra chỉ thị hay can thiệp vào việc ấn định nội dung các môn học, thể lệ thi cử và chấm thi, các công tác nghiên cứu và giảng dạy, miễn là không trái ngược với ba nguyên tắc căn bản là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Chính sách uyển chuyển này đối với lãnh đạo đại học đưa đến thái độ mặc nhiên chấp thuận cho đại học thử nghiệm sáng kiến mới để rốt cuộc chính thức công nhận kết quả của thử nghiệm. Một thí dụ: khoảng giữa năm 1965, tôi được biệt phái từ Đại học Văn khoa Sài-gòn sang Viện Đại học Vạn Hạnh trong một năm để giúp tổ chức và soạn thảo chương trình cử nhân cho Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn.  Sau khi hội ý với Thượng Tọa Viện trưởng Thích Minh Châu và được sự đồng ý của Thượng Tọa, tôi bắt đầu soạn thảo các môn học theo hệ thống tín chỉ (credits) thay thế cho các chứng chỉ cử nhân nhưng vẫn duy trì chế độ niên khóa. Tôi trở về Đại học Sài-gòn khi xong công việc và được biết dự án cải cách dung hòa cũ-mới này sau đó được Hội đồng Viện hoàn chỉnh và lần lượt áp dụng vào các Phân khoa khác. Điều đáng chú ý là khi Viện ĐH Vạn Hạnh trình dự án này lên Bộ Giáo dục xin ý kiến, Bộ không chính thức chấp thuận hay bác bỏ, nhưng các văn bằng cử nhân của Đại học Vạn Hạnh đều được Bộ công nhận. Những buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên luôn luôn có sự hiện diện của Bộ trưởng Giáo dục. Từ đầu thập kỷ 1970, hệ thống tín chỉ chính thức được áp dụng ở các Đại học Cộng đồng và Đại học Bách khoa Thủ đức của chính phủ.


Sự nảy nở các đại học cộng đồng (hay đại học sơ cấp hai năm) từ 1971 đáp ứng nhu cầu thực tế về nhân lực của địa phương và thể hiện tinh thần dân chủ vì có sự tham gia trực tiếp về tài chính và quản lý của địa phương đó. Sự thành lập Đại học Bách Khoa Thủ Đức năm 1973 được phỏng theo mô hình California Polytechnic State University đích thực là một đại học đa khoa, không chỉ gồm những phân khoa thiên về nghiên cứu mà bao gồm cả các ngành thực tiễn như nông nghiệp, kỹ thuật cơ khí, điện tử... là những ngành cần thiết cho nền kinh tế tại Đô thành và các tỉnh lân cận. Một đặc điểm trong chương trình đại học cộng đồng hồi đó là chương trình giáo dục bổ túc dành cho những sinh viên do hoàn cảnh chiến tranh nên thiếu căn bản vững chắc để theo các lớp đại học. Chương trình này cũng nhắm vào những quân nhân giải ngũ, nhất là khi đất nước hòa bình, cần được cập nhật và bổ túc kiến thức sau một thời gian bị gián đoạn việc học. Như vậy, việc cải cách giáo dục đại học theo xu hướng thực dụng và dân chủ hóa đã thật sự bắt đầu từ năm 1971.

Tự do học thuật và phát triển con người
 

Mặc dù một phái đoàn của Đại học Michigan đã đến Sài-gòn từ năm 1954 để giúp cải tổ chương trình đào tạo cán bộ ở Học viện Quốc gia Hành chánh, ảnh hưởng giáo dục đại học Mỹ chỉ bắt đầu ba bốn năm sau và đến những năm đầu thập kỷ 1970 mới có sự tăng tốc trong tiến trình đổi mới, với sự nâng cấp một số trường Cao đẳng Chuyên nghiệp, sự ra đời của một loạt Đại học Cộng đồng và của trường Đại học Bách Khoa Thủ Đức. Thế hệ trí thức theo truyền thống cũ của Pháp cũng ý thức được nhu cầu đổi mới và lợi ích của tự trị đại học trong công cuộc phát triển xứ sở nên cũng sẵn sàng chuyển hướng theo triết lý giáo dục của Mỹ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dân chủ hóa và thực tiễn hóa giáo dục đại học không có đủ thời gian thành tựu khi chế độ Cộng Hòa ở miền Nam sụp đổ năm 1975.
 

Tự trị học vụ trong qui chế tự trị đại học thường bị lẫn lộn với một chức năng liên hệ là tự do nghiên cứu và giảng dạy nay đã trở thành một truyền thống đại học ở các nước dân chủ. Đến đây, cần phải nhắc đến triết lý giáo dục của Đại học Humboldt nhấn mạnh vào sứ mệnh của trí thức đại học là phát triển toàn diện con người bằng khoa học và văn hóa, và điều kiện của phát triển là tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy. Phát triển con người bằng khoa học là tinh thần khai phóng, phát triển con người bằng văn hóa là tinh thần nhân bản. Đó là hai nguyên tắc chính yếu đã được đưa vào triết lý giáo dục các cấp ở miền Nam cùng với nguyên tắc thứ ba là tinh thần dân tộc, theo thứ tự “nhân bản, dân tộc, khai phóng,” phù hợp với nhu cầu và sứ mệnh của một quốc gia đang mở mang muốn vươn lên và hội nhập thành công trong cộng đồng thế giới.
 

Giáo dục nhân bản lấy con người làm cứu cánh nên chú trọng vào việc xây dựng đạo làm người, phát triển mầm mống tốt ở con người, phục vụ nhân sinh để tiến đến một xã hội hoàn thiện, đúng như đã được định nghĩa trong sách Đại học của Nho giáo (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện). Đạo Nho có những giáo điều phong kiến lỗi thời nhưng những nguyên tố để đào tạo mẫu người lý tưởng như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đều có giá trị phổ quát và vĩnh viễn. Người “quân tử” hay “kẻ sĩ” thời phong kiến khác với người “trí thức” thời dân chủ về trách nhiệm cụ thể, nhưng hoàn toàn giống nhau về tư cách đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Giáo dục dân tộc nhằm bồi dưỡng tinh thần hiếu hòa nhưng nhiệt tình yêu nước của giống nòi Hồng Lạc qua hơn hai nghìn năm lịch sử, bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Tinh thần dân tộc được thể hiện ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng Ba 1945 và trao trả độc lập cho chính quyền Bảo Đại/Trần Trọng Kim: nền giáo dục Việt Nam lập tức được Việt hóa với chương trình Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Giáo dục khai phóng tiếp thu những tri thức khoa học, kỹ thuật và tinh hoa văn hóa của các nước Tây phương một cách không định kiến. Rút kinh nghiệm mất nước vì chính sách tự cô lập với thế giới của vua chúa nhà Nguyễn, giáo dục khai phóng cũng du nhập những tư tưởng mới về triết học và chính trị, chuẩn bị cho học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học hay trung học có điều kiện trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.
 

Tinh thần khai phóng được thể hiện đầy đủ nhất ở Đại học qua sự thành lập các trường đại học mới, bổ sung tính chất nghiên cứu hàn lâm bằng khuynh hướng thực dụng để gia tăng khả năng phát triển kinh tế và công nghệ hóa miền Nam. Trong hai năm đầu, miền Nam mở thêm hai đại học, một công là Đại học Huế và một tư là Đại học Đà-lạt, cùng thành lập trong năm 1957; từ 1964 đến 1972 có thêm một đại học công là Đại học Cần Thơ (1966) và năm đại học tư là ĐH Vạn Hạnh (1964), ĐH Phương Nam (1967), ĐH Hòa Hảo (1970), ĐH Cao Đài (1971) và ĐH Minh Đức (1972) (* Xin xem Ghi Chú). Sự gia tăng con số đại học tư—tổng cộng sáu đại học tư đều do bốn tôn giáo chính ở Việt Nam thành lập—cho thấy một đặc tính dân chủ ở miền Nam, mặc dù sự phát triển tự do này có vẻ biểu hiện nhu cầu xác lập vai trò và ảnh hưởng của mỗi tôn giáo trong xã hội hơn là nhu cầu thật sự về giáo dục đại học. Một đặc điểm khác của tinh thần khai phóng là quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy của các giáo sư. Các chứng chỉ, văn bằng và các môn học vẫn phải được Bộ Giáo dục duyệt y, nhưng nội dung các môn học và phương pháp giảng dạy đều do mỗi giáo sư tự ý quyết định.
 

Đáng tiếc là do tình hình chiến tranh, các hoạt động tự do học thuật này không phát triển được đến mức độ cao như mong đợi. Quả thật các giáo sư Đại học miền Nam được tự do nghiên cứu và giảng dạy, nhưng họ lại thiếu điều kiện để phát huy khả năng của họ. Trước hết là sự thừa kế truyền thống đại học cũ của Pháp từ thời Đại học Đông Dương. Trong những năm đầu chuyển tiếp từ 1954, Đại học Sài-gòn còn giảng dạy bằng tiếng Pháp ở các Phân khoa, trừ trường Văn Khoa, Cao đẳng Sư Phạm. (Ở trường Luật, nhờ những nỗ lực đặc biệt của GS Khoa trưởng Vũ Quốc Thúc và các đồng nghiệp của ông như Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Cao Hách, việc giảng dạy bằng tiếng Việt đã thực hiện được từ niên khóa 1955-56.)[3] Ngay cả khi đã hoàn toàn Việt hóa, Đại học miền Nam vẫn theo mô hình cũ của Pháp về tổ chức học theo năm và thói quen giảng bài hay phát bài cho sinh viên học thuộc lòng, trừ một số bộ môn khoa học như Toán và Vật lý. Giáo sư ít có những công trình nghiên cứu riêng, giữ nguyên bài giảng hàng năm hoặc chỉ thêm bớt đôi chút, không hoặc ít hướng dẫn cho sinh viên đọc sách tham khảo và thảo luận trong lớp học. Điểm bài thi cuối năm cao hay thấp phần lớn là tùy theo mức độ thuộc bài của sinh viên. Cho đến những năm cuối thập kỷ 1960, truyền thống cũ mới bắt đầu được thay đổi do sự trở về nước của một số giáo sư sau thời gian du học hay tu nghiệp ở những quốc gia ngoài hệ thống của Pháp như Anh, Đức, Úc, Tân-Tây-Lan, Nhật và Hoa Kỳ. Thật vậy, số người đậu tiến sĩ ở những nước này về Việt Nam dạy học gia tăng từ những năm giữa thập kỷ 1960, nhưng trách nhiệm lãnh đạo về học vụ vẫn ở trong tay thế hệ chịu ảnh hưởng của Pháp, vừa có thâm niên vừa chiếm đa số. Hệ thống giáo dục Đại học vì thế vẫn còn khá bảo thủ. Sự kéo dài tình trạng chuyển tiếp được thấy rõ ở Đại học Y khoa vào những năm cuối cùng: thành phần giảng huấn gồm các giáo sư Việt, Pháp và Mỹ, nhưng một số giáo sư người Việt khi giảng dạy vẫn pha lẫn tiếng Pháp và các bài giảng được viết bằng Pháp văn, đem đánh máy và in ronéo cho sinh viên học thuộc lòng để làm bài thi cuối năm.

 ---------------------------------------------------------------------------------
(*) Ghi chú của người đăng bài này : "Từ 1964 đến 1972 có thêm một đại học công là Đại học Cần Thơ (1966) và năm đại học tư là ĐH Vạn Hạnh (1964), ĐH Phương Nam (1967), ĐH Hòa Hảo (1970), ĐH Cao Đài (1971) và ĐH Minh Đức (1972)" Tác giả đã có một vài nhầm lẩn về năm thành lập của các đại học tư ở miến Nam VN vào trước năm 1975. Đại Học Phương Nam được thành lập vào năm 1974 thay vì năm 1967. Đại Học Minh Đức, Hòa Hảo, và Cao Đài đồng thành lập vào năm 1970. Thêm nửa, hai đại học tư bị tác giả bỏ sót là Tri Hành và Cửu Long, được phép thành lập vào năm 1974.