khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Bài thơ "boác-hồ"




Bác Hồ sinh ở Nghệ An
Quê ở Nam Đàn, nhà bác bốn con
Lớn lên bác vô Sài Gòn,
Theo tầu của Pháp mà vòng năm châu

Lúc đầu bác ghé Âu châu,
Vòng vèo Phi, Mỹ, quay đầu Paris
Đi đâu cũng chép cũng ghi
Không biết thì hỏi, tự ti làm gì

Luân Đôn gió rét sương mù
Bác ôm cục gạch mà thù thằng Tây
Trăm nghề bác đã qua tay
Thêm chân viết báo tối ngày lăng xăng

Paris bác ở Confranc
Ngày thì quét tuyết, đêm chăm học bài
Luận cương Lênin rất dài,
Bác “cày” cũng hiểu một vài ý chung

Ngộ ra chân lý mông lung
Bác ra bỏ phiếu đứng cùng công nông
Bác ra tờ báo "Khốn cùng"
Ra được mấy số Bác bùng sang Nga

Quê Lê Nin rét cắt da
Bác chịu không thấu vòng qua nước Tàu
Mở lớp bác chẳng ham giàu
Chỉ mong đám đệ làu làu Mác, Lê

Do ta, Tàu vốn cận kề
Phong trào du học tràn về Quảng Châu
Theo bác cũng có anh giàu
Xuất thân tư sản như là Trường Chinh

Có anh nhà giáo bình bình
Là Văn đại tướng tính tình trầm tư
Anh Tô trí tuệ rất cừ
Nhưng anh bị cái chần trừ hơi lâu

Học xong chủ nghĩa bên Tàu
Các anh lần lượt đáp tàu về ta
Bác nay tuy vẫn chưa già
Nhưng mà các đệ cùng ca “Bác Hồ”

Thế rồi đâu có ai ngờ
Giặc Tưởng bắt Bác mong chi ngày về
Nhưng nhờ nghị lực tràn trề
Đến năm 41 Bác về Việt Nam

Lúc đầu bác ở trong hang
Việt Minh phá đá làm bàn bác ghi
Suốt ngày bác chẳng làm gì
Sáng ra bờ suối tối thì vào hang

Người dân thấy Bác ở sang
Gọi là ông Ké, ví ngang với trời
Trong hang có tảng đá vôi
Bác ngồi đập đẽo cho vơi thời giờ

Khi vui bác lại làm thơ
Khi buồn bác lại đánh cờ cho vui
Thơ bác phải nói là hay
Hết mưa là nắng, hết ngày là đêm

Có đêm bác lại cho thêm
Tí trăng, tí nguyệt, xêm xêm nỗi lòng
Sáng ra bờ suối thong dong
Bác đặt tên suối là dòng Lênin

“Đánh pháp phải tiết kiệm mìn
Trường kỳ kháng chiến phải nhìn từ xa”
Tháng Tám, cách mạng nổ ra
Bác cùng chính phủ la cà về xuôi

Giặc Nhật bỏ chạy cúp đuôi
Nhân dân đói khổ biết nuôi bằng gì
Vò đầu bắt trán li bì
Tình hình bác thấy rất chi tình hình

Bác hay uống rượu một mình
Khi buồn bác rủ chú Chinh uống cùng
Uống say rồi nói lung tung
“Việt Nam vai phải sánh cùng Châu Âu”

Tuyên ngôn bác đọc làu làu
“Con người ai đẻ cũng hầu như nhau”
Ngập ngừng câu trước câu sau
“Tôi nói hơi nhỏ đồng bào rõ không”

Thế rồi hàng vạn công nông
Râm ran “Có ạ” đám đông trả lời
Bác lại chỉ tay lên giời
“Nước ta độc lập muôn đời chẳng thay”

Xem kĩ bác không đi giày
Đầu không đội mũ, áo nâu thân gầy
Xem ra cơ sự thế này
Việt Nam ắt hắn ăn mày sẽ đông

Chúng ta giai cấp công nông
Ăn mày cũng đặng tô hồng giang sơn



 


Thân tặng tiến sĩ Thành: STANDARD HANDBOOK OF MACHINE DESIGN







Hình như đây là sáng kiến của Ks Tiên?




Bác nào làm cái này đi @@

Posted by KỸ SƯ CƠ KHÍ on Friday, November 20, 2015



Thôi Bỏ Đi Tám - Tác giả Tưởng Năng Tiến



“Who controls the past, controls the future; who controls the present, controls the past.”
George Orwell 
 
Công viên Lê Văn Tám, ở Thành phố Hồ Chí Minh, được bao quanh bởi bốn con đường lớn: Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng. Giữa lòng đô thị ngột ngạt và nóng bức, sự hiện diện của một khoảnh đất rộng rãi với cây xanh bóng là một món quà tặng (vô cùng) qúi giá cho công chúng.

Vậy mà vẫn có lời ra, tiếng vào:

- Đâu có thằng nhỏ (mẹ rượt) nào tên Lê Văn Tám, mấy cha?
 
Cứ theo như sử Đảng thì đêm ngày 1 tháng 1 năm 1946, em Lê Văn Tám tẩm dầu vô người, bựt quẹt cho cháy như cây đuốc, rồi chạy cái vù vô kho xăng ở Thị Nghè. Khỏi nói cũng biết là vụ này nổ nổ lớn.
 
Cái kho, tất nhiên, tiêu tùng. Đài phát thanh bên kia đường cũng sập tiệm luôn. Nguyên cả một đại đội lính bảo vệ thì bị thiêu sống, chết không còn một mạng!
Thiệt là một trang sử chói loà và khét lẹt. Đọc mà thấy ghê, tưởng cứ y như thiệt vậy. Tưởng vậy mà không phải vậy.
 
Sự thiệt, theo lời giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) qua một cuộc phỏng vấn – dành cho báo Người Việt – vào hôm 18 tháng 3 năm 2005 thì em Lê Văn Tám chỉ là một sản phẩm tưởng của tượng mà thôi.
 
Và đó là lý do khiến trong thiên hạ có lời xì xào, đòi bỏ cái tên Lê Văn Tám. Tôi có “rà” lại vụ này, và thấy Wikipedia Việt Nam ghi lại như sau:
 
“Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu. Chuyện ‘ngọn đuốc Lê Văn Tám’ được tuyên truyền rộng rãi để cổ động tinh thần chiến đấu của nhân dân … Tên Lê Văn Tám đã được đặt cho một số trường tiểu học, tượng đài, rạp chiếu phim, đường phố hay các địa danh khác.”
 
Chèn ơi! Như vậy mà mấy cha mấy mẹ cứ nằng nặc đòi xoá tên Lê Văn Tám thì tốn kém, và phiền phức biết chừng nào mà kể. Trong hoàn cảnh đất nước đang còn gặp nhiều khó khăn (về mọi mặt) tôi đề nghị là cứ giữ tên cũ đi, chỉ cần bôi bớt một nét của chữ “m” cho nó thành “n” thôi.
 
Vậy là khắp nước sẽ có những công viên, trường học, tượng đài Lê Văn Tán chớ không phải là Lê Văn Tám nữa. Rõ ràng vừa tránh được điều tiếng, vừa đỡ tốn công và tốn của. Cứ kể như chuyện em Tám chỉ để tán nhảm, cho vui thôi.
 
Mà sử sách của Đảng ta thì những chuyện nhảm nhí cỡ đó (kể như) là chuyện nhỏ. Hổng tin, thử nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Tôn mà coi.
 
Cũng cứ theo như sử Đảng thì bác Tôn sinh năm 1908, tại Long Xuyên. Năm 1914, ông bị bắt lính qua Tây. Năm 1919, chính ông là người treo cờ đỏ (trên chiến hạm Pháp) ở Hắc Hải để ủng hộ cách mạng Nga. Năm 1920 ông trở về nước. Năm 1925, ông tổ chức đình công để cầm chân một chiến hạm Pháp ở nhà máy Ba Son…
 
Sự nghiệp và thành tích của bác còn được ghi rõ trong hai tác phẩm chính: Đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực (nxb Sự Thật 1982) và Người thủy thủ phản chiến ở Biển Đen (nxb Thông Tin Lý Luận 1988).
 
Cả sử lẫn sách của Đảng ta đều ghi rành rành như vậy mà (rồi) vẫn có điều tiếng eo xèo, dị nghị. Trong một cuộc phỏng vấn do BBC thực hiện, nghe được vào hôm 24 tháng 8 năm 2003, ông Christoph Giebel - giáo sư sử học của đại học Washington, Hoa Kỳ - đã nói rằng bác Tôn “không có mặt trên bất kỳ con tầu nào của Pháp, liên quan đến vụ binh biến ở Hắc Hải”. Nói cách khác (ít tế nhị hơn) là vụ bác Tôn tham dự vào việc nổi loạn và treo cờ ở Biển Đen chỉ là chuyện… xạo! Cái vẫn thường được mô tả là “cuộc đình công thắng lợi” mà bác Tôn đã khởi xướng ở cảng Ba Son, tất nhiên, cũng… xạo luôn!
 
Cha nội giáo sư Christoph Giebel (thiệt) vô duyên hết biết luôn! Chuyện của đất nước người ta, mắc mớ gì mà ngứa miệng nhẩy vô bàn luận (và bàn loạn) như vậy chớ?
 
Hồi mới nghe vụ này, tui cũng tưởng là thằng chả vì rảnh quá sinh thói ngồi lê đôi mách – kiếm chuyện làm quà – nên nghe qua rồi bỏ; ai dè, năm sau, năm 2004, nhà xuất bản University of Washington Press cho ra đời cuốn Imagined Ancestries of Vietnamese Communism (Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory) của Chirstoph Giebel.
 
Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản, tác phẩm này đã “làm sáng tỏ cuộc đời thật cũng như được tô vẽ thêm của Tôn Đức Thắng (1888-1980), một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng và thần tượng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đấy chỉ là một bản lí lịch dùng cho các buổi lễ lạt mà thôi… Công trình nghiên cứu này theo sát những quá trình phức tạp, kéo dài hàng chục năm, trong đó những hành động dũng cảm nổi tiếng của Tôn Đức Thắng đã bị xuyên tạc hay đơn giản là bịa ra và – tuỳ theo nhu cầu lịch sử và chính trị  – được Đảng sử dụng như một công cụ tuyên truyền” (*).
 
(Ancestries of Vietnamese Communism illuminates the real and imagined lives of Ton Duc Thang (1888-1980), a celebrated revolutionary activist and Vietnamese communist icon, but it is much more than a conventional biography…. The study traces the decades-long, complex processes in which famous heroic episodes in Ton Duc Thang’s life were manipulated or simply fabricated and-depending on prevailing historical and political necessities-utilized as propaganda by the Communist Party”).
 
Sự nghiệp cách mạng của bác Tôn, từ nay, kể như là đi… xuống. Nói tình ngay thì dân Việt đã biết là bác ấy “xuống” lâu rồi, chớ đâu có cần phải chờ đến lúc được cái ông giáo sư ở tuốt bên Huê Kỳ… phát hiện.
 

Hình bìa cuốn Imagined Ancestries of Vietnamese Communism (Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory) của Chirstoph Giebel.
 
Trước đó cả thập niên, vào năm 1995, nhà xuất bản Văn Nghệ (California) đã cho trình làng cuốn Thư gửi Mẹ và Quốc hội của Nguyễn Văn Trấn. Qua cuốn sách này, Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng được toàn dân hết sức thương cảm và ái ngại – sau khi nghe ông than thân, bằng một câu chửi thề, được ghi lại, nơi trang 266, như sau:
 
“Đ… mẹ, tao cũng sợ!”
 
Thiệt, nghe mà muốn ứa nước mắt. Cỡ Đại tướng đang cầm quân mà bị bắt phải cầm quần cũng lật đật cầm liển (và cầm rất chặt) thì Chủ tịch Nước – nghĩ cho cùng – đâu có là cái đinh gì, trong vòng tay của Đảng. Sợ là phải (giá) và là chuyện mà ai cũng… thông cảm được.
 
Điều đáng tiếc (và rầy rà) là thiên hạ lại không đủ bao dung để nhắm mắt làm ngơ trước những con đường, những cơ quan, và trường học đã (lỡ) mang tên Tôn Đức Thắng. Cứ để nguyên như vậy cũng (hơi) kỳ nhưng thay thì kẹt lắm, nếu chưa muốn nói là kẹt lớn. Rồi mấy cái tên bác Nguyễn Luơng Bằng, bác Lê Duẩn, bác Trường Chinh… – và cả đống những mấy bác và mấy chú (thổ tả) khác nữa – không lẽ cũng phải thay luôn? Tốn kém bộn à, chớ đâu phải chuyện chơi, mấy cha?
 
Cũng như trường hợp của em Lê Văn Tám, tôi xin đề nghị “một giải pháp tình thế” như sau: cứ giữ tên bác Tôn đi, chỉ đổi chút xíu thôi. Thay vì “c” ta sửa thành “t” trong chữ “đức” là… rồi. Tôn Đức Thắng sẽ biến thành Tôn Đứt Thắng. Gọn bâng. Vừa yên được lòng người, vừa đỡ mất lòng Bác, lại cũng đỡ tốn công và tốn của.
 
Vấn đề của em Tám và bác Tôn, cứ khoanh vùng lại như vậy – kể như – là mát trời ông Địa! Bây giờ xin nói đến chuyện (linh tinh) của bác Hồ. Bác này thì tăm tiếng (và tai tiếng) hơn bác kia… chút xíu!
 
Sau khi bản sao bức thư của anh Nguyễn Tất Thành (xin vào học Trường Thuộc Địa) được phát tán tùm lum, và sau khi cả nước đều biết rằng kiệt tác Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch do chính bác Hồ là tác giả thì dư luận – trong cũng như ngoài nước – bắt đầu rục rịch đòi đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh, và san bằng cái lăng của ổng.
 
Vì có cả trăm con đường, công viên, trường học, tượng đài… mang tên Lê Văn Tám nên chuyện thay đổi mới khó khăn, tốn kém. Chớ chỉ có một địa danh mang tên Hồ Chí Minh (quang vinh) thì chuyện đổi thay, xem ra, là chuyện nhỏ. Stalingrad hay Leningrad đều đã được giải phóng, và trở về với cái tên cũ của nó thì không cớ chi mà cái tên Sài Gòn lại bị mất luôn.
 
Vụ cái lăng thì còn… khỏe nữa. Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh đã có dự kiến như sau:
 
“Tôi đề nghị một phương pháp xử lý lăng Hồ Chí Minh như vầy: chôn ông ta thật sâu dưới lòng đất, ngay nơi xác ông ta đang quàn, rồi dán lên bên trong, bên ngoài của tất cả những bức tường, trần và các lối đi trong lăng những đầu lâu của những nạn nhân, ưu tiên là những nạn nhân trong cải cách ruộng đất, và đổi tên thành: LĂNG NHỮNG NẠN NHÂN CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VIỆT NAM.”
 
Nguyễn Quốc Chánh nói vừa dứt lời thì đã có một thằng cha (mả mẹ) nào đó lật đật ôm bác Hồ bỏ gọn vô… Đại Nam Quốc tự, ở Bình Dương. Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ Online , đọc được vào ngày 10 tháng 2 năm 2007, bên trong chính điện của ngôi chùa này thờ tượng đức Phật, vua Hùng Vương và… Chủ tịch Hồ Chí Minh! Bên ngoài là khu giải trí có vườn thú, biển nhân tạo, và khu khách sạn năm ngàn phòng – giá thuê rẻ rề hà  1.000 phòng được thiết kế theo kiểu cung điện với giá 5-200 USD/phòng/đêm, 4.000 phòng còn lại có giá 5-30 USD/phòng/đêm!
 
Tượng thờ Hồ Chí Minh trong Đại Nam Quốc Tự.
 
Ở đâu có mật là có ruồi. Rồi ra, đĩ điếm ở bến Ninh Kiều, cũng như ở khắp mọi nơi sẽ đổ về nhiều (hơn dân) là cái chắc.
 
Dù có tượng Phật (làm vì) bên trong chính điện, với cái thứ chùa chiền tào lao và uế tạp (với sở thú, khu ăn chơi, phòng ngủ và đĩ điếm kề bên) như thế, người Việt có tên gọi dành riêng cho nó là dâm từ.
 
Dâm từ, theo Việt Nam Tự Điển – Khai Trí Tiến Đức là «đền thờ thần bất chính». Còn theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình - Tịnh Paulus Của (Imprimerie Rey, Curol & Cie : Sài Gòn 1895, trang 219) là miếu thờ yêu quái. Ở dâm từ, dân gian hay thờ cúng những… dâm thần! Hồ Chí Minh vốn vẫn thường bị coi là một tay gian thần. Nay, thêm tước vị dâm thần nữa thì e (hơi) quá tải.
“Who controls the past, controls the future; who controls the present, controls the past.” Khi viết dòng chữ này, trong tác phẩm Nineteen Eighty - Four, vào năm 1948, George Orwell đã có thể hình dung ra được những thủ đoạn ma mãnh (của những chế độ toàn trị) trong việc ngụy tạo lịch sử.
Điều mà George Orwell không ngờ tới là kỹ thuật truyền thông tân tiến sẽ dẫn dắt nhân loại bước vào Thời đại Thông tin. Ở thời đại này, mọi cố gắng đánh tráo dĩ vãng chỉ tạo ra được những trò hề lố bịch mà thôi.
 
Thôi Bỏ Đi Tám!
 
----------------
 
(*) chuyển dịch bởi Phạm Minh Ngọc.

 

Bị đánh dã man vì phát truyền đơn trích lời của Thủ tướng NTD







Sài Gòn, Thành Phố Mắt Đêm Đèn Vàng - Tác giả Trần Du Sinh



Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng... Tôi thường nghĩ đến bài hát này mỗi khi dạo phố Sài Gòn về đêm. Những đôi mắt vàng mờ ảo trong cái hơi lạnh của mùa Giáng Sinh ở Sài Gòn là hình ảnh duy nhất còn đọng lại trong tôi trong chuyến về thăm cuối cùng. Mùa Đông năm 2007, đêm đầu tiên tôi về lại mảnh đất thời sinh viên.

Trằn trọc cả đêm không ngủ được. Có lẽ vì trái giờ, hay vì khi nằm trên sàn nhà lạnh lẽo gần cư xá Bắc Hải, bao nhiêu kỉ niệm thời sinh viên xa nhà bỗng ùa về. Thời đó, khu Bắc Hải là nơi tụ họp của bọn sinh viên miền Trung chúng tôi. Không hiểu sao nơi này luôn thu hút giới trẻ miền Trung. Có lẽ nó gần trường Đại Học Bách Khoa, nhưng cũng vì nó gần với Ngã Tư Bảy Hiền, nơi có cộng đồng cư dân từ miền Trung vào lập nghiệp với nghề dệt may. Nơi đây cũng có chợ Bà Hoa với nhiều đặc sản Quảng Nam và có nhiều quán mỳ Quảng ngon đậm đà.

Cư Xá Bắc Hải cũng là nơi hiếm hoi ở Sài Gòn thời hậu chiến vẫn còn nối kết với văn hóa Mỹ, vì những quán cà phê ở đây luôn có những video tape mới nhất của các ban nhạc Rock của Mỹ. Nào là Gun 'N' Roses với 'November Rain', Aerosmith với 'Crazy', Jon Bon Jovi với "Living on a Prayer'. Nhưng tôi lại thích Scorpions với bài 'Wind of Change', vì bài này được cất lên khi bức tường Bá Linh bị đập nát, hứa hẹn một làn gió đổi thay. Và Sài Gòn đầu những năm 90 cũng có nhiều người mong đợi làn gió đổi thay như thế. May là lúc đó, nhạc Rock phương Tây không bị mấy cán bộ Bắc Kỳ qui chụp là nhạc vàng, nếu không thì tụi sinh viên chúng tôi không biết tìm đam mê âm nhạc ở nơi nào. Chẳng lẽ cứ nghe nhạc đỏ miền phí trên Ti-Vi hoài rồi cũng chán.

Con đường Lý Thường Kiệt quanh Đại Học Bách Khoa đêm hôm đó nghe thanh vắng, lâu lâu được điểm tô với tiếng rao đêm của quán mì gõ, hay tiếng ống bô của những chiếc xe ba gác máy đang hối hả chở hàng về chợ. Sài Gòn của hai mươi năm sau hay của những năm sau thời bao cấp vẫn còn y nguyên là một bức tranh đầy thanh sắc của một thành phố lam lũ bước ra từ một Viên Ngọc Viễn Đông kiêu kỳ trước năm 1975.

Đêm nay tôi ngủ lại trong căn phòng trọ ngày xưa, nơi vẫn còn anh bạn sinh viên chung nhà cũ đang trọ. Vì nể trọng anh của thời khốn khó và cũng không muốn quên cái thời sinh viên nhiều kỉ niệm, tôi về lại căn phòng kia, ngủ trên tấm nệm Kym-Đan nặng mùi và nhấp nhô cùng năm tháng học trò. Lúc đó đã hơn bốn giờ sáng, tôi lén ra khỏi phòng, rón rén ra hàng lang mở cửa đi bộ về phía ánh đèn.
Khác hẳn với thành phố náo nhiệt đầy bụi bặm ban ngày, Sài Gòn về đêm đúng là 'đường dài hun hút cho mắt thêm sâu' và mắt Sài Gòn vàng mờ ảo buồn đến nao lòng. Cứ nhìn hai hàng đèn hun hút mà tôi đi, lần đầu tiên cảm nhận bài 'Biển Nhớ' của Trịnh Công Sơn gần gũi như vậy. Không biết ngày xưa cố nhạc sĩ Trịnh có lang thang giống tôi hay không, hay mắt đêm đèn vàng của ông nằm ở nơi nào đó, ở Vũ Trường Đêm Màu Hồng, Queen Bee hay một phòng trà sang trọng nào đó. 'Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về' luôn gợi lại cái thời dân Sài Gòn vượt biên. Không biết cái bờ biển của cố nhạc sỹ này là bờ biển nào, Vũng Tàu hay Cà Mau.

Nhắc tới chuyện vượt biên, tôi lại nhớ tới giai thoại bài hát 'Quê Hương' phổ thơ của một nhà thơ miền Nam, vốn chỉ ở tuổi sinh viên khi Sài Gòn bị mất tên- nhà thơ Đỗ Trung Quân. Nghe nói thời vượt biên, chế độ cộng sản cho mở bài hát hết cỡ công suất trên cái loa phường xã, chỉ vì bài hát này có câu: "Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người'. Nghe nói là cũng nhờ câu kết này mà nhiều trí thức miền nam không muốn 'không lớn nổi thành người' ở xứ Tư Bản nên thay đổi ý định phút thứ 89 để về hái chùm khế ngọt. Trong khi đó, cây cột đèn Sài Gòn lại mơ có cái chân đi được để vượt biên. Và cũng nghe nói, cái câu kết này không có trong bài thơ gốc của Đỗ Trung Quân, mà là do Tuyên Giáo cộng sản thêm vào. Đây đúng là một nghi án văn nghệ của thời buồn quá hóa tức cười.

Đêm nay, mắt đêm đèn vàng lại gặp lại ở phố Bolsa, cũng mang tên Sài Gòn, nhưng là Sài Gòn Nhỏ thân thương của tôi. Có lẽ một nhạc sĩ nào đó cũng sẽ viết về mắt đêm đèn vàng của Bolsa, vì Sài Gòn dù lớn hay nhỏ cũng là nơi của những cuộc chia ly. Một tô cháo trắng nóng cùng với dưa mắm và cá cơm kho khô trong một tiệm ăn nhỏ trên phố Bolsa cũng đủ làm tôi nhớ những đêm đi bão ở Hàng Xanh, sau những buổi ngồi đồng trên thanh cầu Sài Gòn.

Thuở ấy tôi và một thằng bạn đồng hương hay có thói quen ngồi trên thành cầu nói chuyện viển vông. Có một đêm, trong lúc tôi mơ màng nói chuyện tương lai với thằng bạn thân thì có một cô gái từ đâu chạy tới, nước mắt cô ràn rụi nức nở xin tôi chở cô về nhà. Cô bé nói là mới chạy khỏi một cuộc chơi ở một quán karaoke gần đó. Cô bé nhìn khoảng 16-17 tuổi, chắc là một nữ sinh trung học, dù cũng có chút điểm trang cho giống dân chơi. Thằng bạn tôi có mấy năm làm bồi ở vũ trường. Hắn nháy mắt ra hiệu tôi đến bỏ nhỏ. Hắn thầm thì trong tai tôi là coi chừng bị tụi nó gài độ lấy chiếc xe Dream của tôi. Xưa nay tôi vẫn tin vào sự lão luyện giang hồ của hắn, nhưng không hiểu sao vẫn tin vào trực giác của mình. Tôi nói với nó là phải tin vào người ta một lần. Tôi sẽ chở cô bé về nhà rồi sẽ quay lại đón nó. Nếu tôi không quay lại thì nhờ nó báo cho anh tôi là tôi có chuyện.

Nói vài câu thôi là tôi đã mời cô bé lên xe phóng đi. Trên đường đi, tôi biết được cô bé học lớp 11, nhà ở gần cầu Trương Minh Giảng, khá xa từ cầu Sài Gòn. Cô bé đi ăn sinh nhật bạn mà bị mấy đứa bạn trai sàm sỡ không chịu chở cô về nhà. Sợ ba mẹ lo nên cô mới lén chạy khỏi quán Karaoke tìm người cầu cứu. Và đêm hôm đó cô đã hỏi rất nhiều thanh niên dọc thành cầu nhưng không ai giúp, và cô bắt được một con nhạn miền Trung là tôi đây.

Mới đó mà đã hơn hai mươi năm. Không biết cô bé ngày xưa có còn nhớ tới anh sinh viên miền Trung ngây thơ này không?

Sài Gòn, thành phố của những mắt đêm đèn vàng và những tấm lòng tứ xứ đổ về đây. Sài Gòn luôn là nơi đất lành chim đậu và những tấm lòng lành.


Những mùa Giáng Sinh ở ngôi nhà cổ - Tác giả Tuấn Khanh (Saigon)







Lại thêm một năm nữa, tiếng chuông đón mừng mùa Giáng sinh ngân vang trên một ngôi nhà thờ nhỏ ở Phố Hiến, Hưng Yên. Không gian cô quạnh khiêm nhường nơi này, lặng lẽ ôm trong lòng nó một ký ức lịch sử độc đáo của người Việt, mà khó nơi nào sánh được.

Nếu dựa trên sự có mặt của ngôi nhà thờ Phố Hiến (1650), có lẽ đây là nhà thờ Công giáo lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam, đến nay đã có trên 300 năm tuổi. Năm 1650, những người Hà Lan đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ này với các chất liệu chủ yếu bằng gỗ, thông qua sự cho phép của chúa Trịnh (Thanh Đô Vương Trịnh Tráng / 1623-1652) để phục vụ cho những người thương buôn ngoại quốc đầu tiên Đàng Ngoài.

Lý do của việc cho phép này, bởi chúa Trịnh lúc đó đang mở rộng thương cảng ở Phố Hiến, cửa ngõ đường sông cách Hà Nội 55 cây số, nhằm đẩy mạnh việc mua bán với thương nhân nước ngoài, cũng như học hỏi các vấn đề về quân sự và vũ khí trong cuộc đối đầu với nhà Nguyễn (lúc đó là Nguyễn Phúc Tần / 1620-1687). Sự có mặt của nhiều người ngoại quốc như Pháp, Anh, Nhật, Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đặc biệt là người Hà Lan và đạo Công giáo, đã khiến cho chúa Trịnh mở rộng ứng xử, cho phép xây một nhà thờ của tín ngưỡng bên ngoài, ngay tại đường đê, cho các tàu nước ngoài ghé vào làm lễ, trước và sau chuyến đi biển của họ.

Tuy sách vở ghi rằng chúa Trịnh không mặn mà với thương buôn, người nước ngoài như ở Đàng Trong, nhưng thực tế ở Phố Hiến cho thấy thế kỷ 17-18, nơi này đã có một thời kỳ rực rỡ của ngoại giao, xuất khẩu, nhập khẩu. Nhiều đời Chúa Trịnh là người căn cơ Khổng giáo, nhưng chính thức cho phép việc xây dựng một nhà thờ ngoại giáo ở Việt Nam lúc đó, cũng có thể cho thấy một áp lực từ sự lớn mạnh của thương nhân ngoại quốc ở Phố Hiến và đạo Công giáo như thế nào. Chính vì vậy mà người miền Bắc vẫn có câu “Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến”

Như vậy, từ năm 1651, người Việt đã chứng kiến một lễ Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử, dù lúc đó giáo dân chưa phát triển. Nhà thờ Phố Hiến (hay còn gọi là Nam Hoà) này khởi đầu chỉ được dựng bằng các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, lá… (có thể khởi đầu còn dè dặt, vì sợ chúa Trịnh cho là phô trương thanh thế ngoại giáo) nhưng sau một vài lần do hoả hoạn, mưa gió… Nên nhà thờ dần dần được mở rộng và kiên cố hơn. Đến năm 1898, một linh mục Bồ Đào Nha đã mang bản vẽ đến, cùng nhân công người Việt xây dựng hoàn chỉnh đến ngày nay. Đây cũng là ngôi nhà thờ hiếm hoi trên đất nước Việt Nam có phong cách Bồ Đào Nha với vẻ đẹp vừa kiêu kỳ, vừa dịu dàng hết sức quyến rũ.

Bên trong nhà thờ lại là một cảnh quan độc đáo khó tả, khi các kiến trúc sư ngoại quốc tác tạo nên một vẻ đẹp hoàn toàn Á Đông. Sự tinh tế từ chất liệu cho đến các chi tiết ráp nối bằng gỗ khiến người xem phải ngẩn ngơ về khả năng của người xưa – mà ngay cả việc xây dựng thời nay cũng khó mà bắt chước được. Tư duy của người đi trước mới đáng kinh ngạc làm sao. Đến năm 1898 thì giáo dân người Việt và người nước ngoài đã có số lượng khá tương đồng, nên các ghi chú trong và ngoài nhà thờ đã có tiếng Latin lẫn chữ Nho.

Cho đến trước năm 1954, nhà thờ Phố Hiến đã là một nơi quen thuộc của người Công giáo Hưng Yên. Tuy nhiên, khi hiệp định đình chiến Genève 1954 được ký kết, nhiều gia đình Công giáo đã vào Nam chọn một cuộc sống khác, khiến không chỉ Hưng Yên mà toàn miền Bắc trở nên thưa vắng người của nhà thờ. Từ chỗ có hơn 1300 giáo dân, hôm nay, nhà Thờ Phố Hiến chỉ có lại được 187 giáo dân, sau rất nhiều năm vận động (60 năm), nhiều năm đón Giáng sinh lạnh lẽo và hiu quạnh.

Đó là một giai đoạn đầy biến động. Miền Nam đột nhiên đón Giáng Sinh ngày càng lớn do hàng trăm ngàn người Công giáo xuất hiện, mang theo nhiều lễ hội ăn mừng, treo đèn kết hoa… khiến các mùa Giáng sinh ở miền Nam ngày càng nhộn nhịp hơn, thậm chí biến thành ngày vui của cả Lương giáo. Ngược lại, do số giáo dân, linh mục… giảm thiểu mạnh, nên sinh hoạt của các nhà thờ miền Bắc cũng co lại. Theo các tài liệu của các nhà nghiên cứu Ba Lan thì lúc đó, Công giáo miền Bắc mất đi khoảng hơn 450.000 giáo dân và 375 giáo sĩ. Người theo đạo chỉ còn chiếm 2% ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì tăng vọt, chiếm đến hơn 9%.

Những năm dài chiến tranh và khó khăn trong việc lo cái ăn, việc sinh hoạt tinh thần với nhà thờ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt với những giai đoạn mà Công giáo bị chính quyền Cộng sản nghi kỵ, bị kỳ thị là thành phần không đáng tin cậy.

Sinh hoạt Nhà thờ Phố Hiến cũng như nhiều nhà thờ ở miền Bắc yếu đi. Qua các tác phẩm của giới văn bút thân chính quyền trong thời gian này, thành phần Công giáo vẫn bị nhìn với sự gán đặt là thành phần phản động, đáng ghét – tương tự như cách nền thông tin tuyên truyền sau năm 1975 vẫn nguỵ tạo ra hình ảnh tệ hại của các quân nhân VNCH hoặc giới tư sản ở miền Nam Việt Nam.

Vào thập niên 60, có những năm chỉ có một linh mục trong tỉnh, tổ chức sinh hoạt cho cả 16 giáo xứ, thì chính Nhà thờ Phố Hiến cũng không còn đủ sức làm nên những mùa Giáng sinh đẹp như ý muốn. Bên cạnh đó, do dư phòng ốc, lại thiếu cộng đoàn nên khuôn viên nhà thờ, kể cả nơi làm lễ cũng có rất nhiều gia đình kéo nhau vào ở, mang theo cả thỏ, gà… cùng với nơi ở của mình. Tình trạng liên tục thất thoát các cổ vật của ngôi nhà thờ độc đáo này, mục nát các sàn gỗ xưa… khiến không ít người yêu mến lịch sử của Phố Hiến, của Hưng Yên đau lòng, mà không biết làm sao để thay đổi. Những mùa Giáng sinh ở đây, đã từng khe khẽ, từng nhẫn nại để cùng chung sống hoà bình với gần 15 gia đình chia nhau sống khắp ở nhà thờ.

Cho tới hôm nay thì mọi thứ dần dần đã khá hơn. Nhà thờ đang cố gắng gìn giữ những gì còn lại, vì đó không phải là của riêng một giáo xứ, mà vì đó là dấu ấn của một thời đại có một không hai, đầy ngẫu hứng cho các thế hệ sau tìm về. Nhiều gia đình ở trong nhà thờ đã nhận được tiền để tìm chỗ ở mới. Cho đến nay thì chỉ còn một gia đình bộ đội và thường dân còn ở trong khuôn viên nhà thờ. Những giáo dân ít ỏi bắt đầu cùng nhau lau quét và sơn lại ngôi nhà chung đã hơn 3 thế kỷ.

Mùa Giáng sinh năm nay, nhà thờ lại chuẩn bị đón một đêm thánh với những gì đơn sơ nhất của mình có, giữa cái lạnh làm ai ai cũng nao nao, háo hức. Với 187 giáo dân của mình, nhà thờ Phố Hiến là nơi vô cùng giàu có về ký ức, nhưng đầy khó khăn vật chất. Thậm chí tiền lắc giỏ hàng tuần (quyên tiền cho nhà thờ) cũng không đủ trả tiền điện trong tháng

Trong hàng ghế của nhà thờ, có một cụ già im lặng nhìn những thanh niên đang trang trí. Mắt cụ ngời sáng, thăm thẳm những điều không nói hết về một lẽ sống mà ông đã chọn khi đã 83 năm không rời nơi chốn này để đón các mùa Giáng sinh, bất chấp khi đó tối om, bất chấp chỉ có một ngọn nến con hay được trang hoàng tươm tất như hôm nay. Khi hỏi vì sao cụ Dương Hồng Đức, tên đủ của cụ, không theo người chị gái ta đi vào năm 1954, cụ nhìn và nói trong một ánh mắt kiêu hãnh “tôi thấy nhà thờ quạnh quẽ quá, tôi muốn lại. Vì tôi tin Chúa ở khắp mọi nơi”.

Khi hỏi cụ rằng ở lại có gặp nhiều khó khăn không. Cụ Đức run run nói, nhưng cao giọng hơn trong niềm kiêu hãnh ẩn giấu “vâng, tôi biết, và tôi cũng đã sống với rất nhiều điều khó khăn nhưng tôi tin rằng tôi sẽ vượt qua, vì tôi yêu thương”.

“Khó khăn” – nghe chừng như đơn giản qua lời cụ Đức. Nhưng với lịch sử ghi lại bằng tài liệu của cả hai bên, cho thấy mọi thứ đã là máu và nước mắt. Từ năm 1955, lễ Giáng Sinh ở miền Bắc đã bắt đầu co cụm, và khó khăn bởi chính quyền Việt Minh bắt đầu lo ngại về số người ra đi nên tìm cách ngăn cản. Từ tháng 11/1954 đến tháng 1/1955, ở riêng tỉnh Thanh Hoá và Hà Nam đã có gần 50.000 người muốn ra đi nhưng bị lính Việt Minh nổ súng ngăn lại và giải tán. Những năm 60, người Công giáo ở miền Bắc bị coi là công dân hạng hai. Đặc biệt với khu Bùi Chu – Phát Diệm, nơi có hơn 50% giáo dân ra đi, nhà thờ và linh mục có thể bị chụp mũ là gián điệp.

Quá khứ của Phố Hiến ngồn ngộn những câu chuyện truyền kỳ. Từ những chiếc thuyền thương buôn cho đến số phận những con người vô danh đi qua nghịch cảnh, khiến cho tiếng chuông cổ của nhà thờ ngân nga bài hát về nhân thế hôm nay, lại khôn cùng hơn.

Có thể đêm Giáng sinh ở Hà Nội hay Sài Gòn tràn ngập người đi, tràn ngập ánh đèn… nhưng ở ngôi nhà thờ xưa như cổ tích Việt Nam này, tiếng chuông nho nhỏ, dăm ba ánh đèn nhấp nháy và lòng người đầy thương vọng của người giáo dân già, Giáng sinh lại một lần nữa bừng lên ý nghĩa về một mùa lễ không còn là của riêng nhà thờ, của người có đạo hay của riêng bất cứ ai, mà đó là mùa để nhắc về tình yêu và lòng thương khó trên khắp nhân gian, trên đất nước Việt Nam, đã qua muôn trùng khốn khó này.


Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam – Hồi ký của giáo sư Nguyễn Xuân Thu

 
 
 
 

Lời giới thiệu: Nguyễn Xuân Thu và tầm của cái tâm

Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, ở một làng quê nghèo khổ thuộc một địa phương nổi tiếng nghèo khổ nhất nước (Vĩnh Linh, Quảng Trị), lớn lên trong một giai đoạn khó khăn và cùng khổ nhất thời hiện đại: hết Pháp thuộc đến Nhật thuộc với cả triệu người chết đói và, sau đó, chiến tranh Việt Pháp kéo dài và đầy khốc liệt, Nguyễn Xuân Thu rõ ràng không phải là người may mắn. Chưa hết.  Mồ côi bố từ năm năm tuổi, mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi; không có bà con nội ngoại gì cả, phải bỏ nhà ra đi lang thang kiếm sống bằng vô số các nghề lặt vặt và bần cùng từ năm 14 tuổi, có thể nói Nguyễn Xuân Thu thuộc loại kém may mắn nhất trong những người kém may mắn. Vậy mà, bằng nghị lực, chỉ thuần bằng nghị lực, không có gì khác, Nguyễn Xuân Thu đã học hành đến nơi đến chốn, không những xong trung học và đại học mà còn tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ, sau đó, trở thành giám đốc Nha Sưu tầm và Nghiên cứu thuộc Bộ giáo dục ở miền Nam và là một trong những người Việt khá hiếm hoi được phong hàm giáo sư thực thụ tại một đại học lớn ở Úc.

Chỉ với riêng cái nghị lực phi thường của ông thôi, đã đáng phục. Nhưng tôi phục Nguyễn Xuân Thu hơn là ở cái tâm của ông. Bình thường, sau khi vượt biên và định cư ở nước ngoài, sau khi đã có một công việc thích hợp và đời sống kinh tế ổn định, sau khi con cái đã thành đạt và có gia đình êm ấm hết, mọi người có thể, nói theo Nguyễn Công Trứ, “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, an hưởng tuổi già bằng cách dung dăng dung dẻ đi du lịch đây đó, hết nước này sang nước khác, thử hết món ăn lạ này đến món ăn lạ khác. Nhưng Nguyễn Xuân Thu thì không. Dường như lúc nào ông cũng đau đáu muốn làm một cái gì đó cho đất nước. Đang là giáo sư ở một đại học lớn tại Úc (trường RMIT), ông bỗng quyết định từ chức, rút tiền hưu trí ra sớm để trả hết tiền nhà, và mang số còn lại về Việt Nam sống và làm tư vấn không lương cho Bộ giáo dục và nhiều trường đại học ở Hà Nội, nơi ông phải chịu đựng rất nhiều sự nghi ngờ và kỳ thị từ chính quyền. Gia đình ông bất ngờ. Bạn bè ông càng bất ngờ. Cuối cùng, mấy năm sau, người ta nhìn thấy kết quả của những việc ông làm: trường đại học RMIT, một trường đại học quốc tế, với chất lượng và văn bằng quốc tế, đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, trở thành một cơ sở giáo dục có uy tín nhất trong cả nước.

Nhưng, oái oăm thay, ngay sau khi các thủ tục thành lập chi nhánh trường đại học RMIT tại Việt Nam vừa hoàn tất, Nguyễn Xuân Thu lại bị trục xuất khỏi Việt Nam và bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng bốn năm vì bị nghi ngờ là… CIA. Khi cái hạn bốn năm ấy trôi qua, đã đến tuổi về hưu, đáng lẽ nghỉ ngơi, Nguyễn Xuân Thu lại quay về Việt Nam. Không một chút thù hận, ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ nhiều trường đại học ở Việt Nam trong việc liên kết với thế giới bên ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Với những việc làm như thế, không ít người ở hải ngoại cho là ông… thân Cộng.
Đứng giữa hai làn đạn, bị hiểu lầm từ nhiều phía, Nguyễn Xuân Thu vẫn không nguôi tha thiết làm một cái gì đó cho đất nước và cho người khác. Bây giờ, về già, gần 80 tuổi, vì đã rút hết tiền hưu trí trước khi về làm việc thiện nguyện ở Việt Nam năm 1994, ông chỉ sống bằng tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người già. Nghèo, nhưng ông vẫn vui. Mỗi khi có ai cần gì, ông cũng lại nhiệt tình giúp đỡ. Quen thân với ông đã trên 20 năm, nhưng những lúc nhìn ông tận tụy giúp hết người này đến người khác, bày hết dự án này đến dự án khác cho người khác, tôi vẫn cứ ngạc nhiên về tầm của cái tâm của ông.
Ở đời, rất nhiều người có tâm. Nhưng tâm lớn như Nguyễn Xuân Thu có lẽ là hiếm. Tôi viết lời giới thiệu này, cho cuốn hồi ký không-dính-dáng-gì-đến-văn-chương của ông, với tất cả sự ngưỡng mộ trước cái tâm của ông. Một cái tâm rất có tầm.

Nguyễn Hưng Quốc

 
 


Hồi ký Nguyễn Xuân Thu cho thấy một nghị lực sắt đá và những nỗ lực phấn đấu không ngừng của một đứa trẻ sinh ra ở một làng quê nghèo khổ tại Quảng Trị, bỏ nhà đi tha phương cầu thực sau khi cha mẹ qua đời. Sau bao vô vàn khốn khổ, đứa trẻ năm xưa trở thành một trong những người tạo lập ra Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam. Nhiều tình tiết ‘ly kỳ’ trong quyển hồi ký này có lẽ sẽ khiến độc giả phải thốt lên “Cuộc đời sao lắm nỗi truân chuyên”.

Hồi đầu tháng Sáu 2014 vừa qua, tại Đại học Victoria ở Melbourne, tiểu bang Victoria, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu vừa ra mắt cuốn hồi ký ‘Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam’.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của một số nhà khoa bảng và quan khách Úc Việt.

Sự hiện diện của các quan khách trong giới khoa bảng, đặc biệt của trường Đại học RMIT, là điều dễ hiểu vì tác giả hồi ký là một trong những người đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa tới sự ra đời của trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, như ông viết trong hồi ký “do sự khởi xướng đầu tiên của một cá nhân được sinh ra trên một vùng đất khô cằn ở miền Trung”.

Trong phần phát biểu, Giáo sư Danh dự David Beanland, AO, cựu Giám đốc/Viện trưởng Đại học RMIT ở Melbourne, đồng thời cũng là một trong những người giữ vai trò chính yếu trong sự hình thành RMIT Việt Nam cho hay: “Nếu không có sự đóng góp của Giáo sư Thu, chắc chắn đã không có trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam”.

Qua ‘Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam’, bao gồm Lời Giới thiệu, 10 chương và 4 phụ lục, người đọc nhận thấy được sức phấn đấu bền bỉ đáng nể của tác giả.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại một làng quê nghèo khổ thuộc tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Xuân Thu gặp vô vàn khó khăn ngay từ khi lọt lòng mẹ. Quê hương của tác giả luôn ngập chìm trong đói, khổ, giặc giã, chiến tranh . Chuyện giết chóc, người chết vì bị các phe đối nghịch nhau trong chiến tranh thanh toán là điều diễn ra thường xuyên và ngay từ thưở ấu thơ, tác giả đã chứng kiến những cảnh bắn người, trốn chạy, người bị thương, bị tra tấn…

Sau khi cha mất (năm tác giả lên 5 tuổi) và mẹ mất (năm tác giả 13 tuổi), cậu bé Nguyễn Xuân Thu bỏ làng đi tha phương cầu thực, và gặp vô vàn gian truân, khổ ải.

Tuy nhiên, với sức phấn đấu cộng với may mắn, Nguyễn Xuân Thu đã vươn lên, học hành nên người và dạy học tại nhiều trường khác nhau sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế.

Sau đó, ông làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ Bộ Xây dựng Nông thôn (phụ tá Giám đốc đặc trách khối Nghiên cứu Phát triển tại Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn Vũng Tàu) cho tới Bộ Giáo dục.

Vào tháng 8/1971 ông được học bổng du học tại Hoa Kỳ.

Về nước vào tháng 5/1974 với bằng tiến sĩ về giáo dục đại học ông được cử làm Giám đốc Nha Nghiên cứu Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa cho tới tháng Tư 1975, ông bị đi tù cải tạo tại một số trại ở miền Bắc tới tháng 5/1980.

Chỉ hơn một tháng sau khi được thả, ông vượt biên và tới được Thái Lan, để lại vợ và 5 con nơi quê nhà.

Tháng 2/1982 ông đặt chân tới Melbourne sau khi đã sống ở hai trại tỵ nạn Songkla và Panatnikhom, Thái Lan, gần 2 năm.

Tại Úc, Nguyễn Xuân Thu tham gia vào nhiều hoạt động giáo dục khác nhau, bao gồm việc soạn chương trình Việt ngữ và giảng dạy môn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại 3 trường: Học viện Công nghệ Philip (PIT), Học viện Công nghệ Footscray (FIT) và Học viện Công giáo Mercy (Mercy Institute of Catholic Education). 

Ông cũng tham gia soạn sách để dạy tiếng Việt cho trẻ ở các cấp lớp khác nhau, từ tiểu học cho đến trung học. Ông cũng là một trong những người giúp đưa chương trình Việt ngữ vào giảng dạy ở bậc Đại học tại tiểu bang Victoria.

Từ năm 1994, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu trở thành người đại diện cho Đại học RMIT ở Việt Nam. Qua hồi ký, ông mô tả khá nhiều chi tiết về tiến trình thai nghén cũng như hình thành trường học mà sau này trở thành Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam.

Trong thời gian hơn 20 năm qua, ở Việt Nam cũng như ở Úc, Nguyễn Xuân Thu còn làm tư vấn giáo dục và có thời gian làm Hiệu trưởng trường trung cấp nghề Hồng Lam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hồi ký cho thấy việc hình thành Đại học RMIT Việt Nam có lẽ là một trong những thành tựu lớn nhất và thành quả này được ông mô tả khá chi tiết và hình của ngôi trường này được dùng làm bìa cho hồi ký của ông.

Độc giả và cảm nghĩ

Đọc hồi ký ‘Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam’ người đọc có thể có những cảm nghĩ khác nhau về tác phẩm này hoặc về tác giả của nó.

Tùy theo cách nhìn và cảm nhận của mình, độc giả có thể cho rằng điểm nổi bật chính yếu trong cuộc đời tác giả là sự phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên. Từ thân phận một trẻ sớm mồ côi cha mẹ, sinh ra trong một vùng quê nghèo nàn của một tỉnh cực nghèo của Việt Nam, dù chịu vô vàn khó khăn, khổ ải, cậu bé Nguyễn Xuân Thu vẫn cắn răng vươn lên. Qua những thành tựu cũng như thất bại Nguyễn Xuân Thu cho thấy một nghị lực sắt đá tiềm ẩn đằng sau một người năm nay gần 80 tuổi.
Độc giả cũng có thể cho rằng điểm độc đáo nhất của hồi ký là khi tác giả nói về những nỗ lực của một người luôn luôn tha thiết với sự nghiệp giáo dục lớp người trẻ. Xuất thân từ một đứa trẻ bất hạnh, kém may mắn, Nguyễn Xuân Thu quyết tâm giúp những người trẻ nói chung, đặc biệt người trẻ xuất thân từ tầng lớp bần hàn, bất hạnh.

Độc giả cũng có thể cho rằng những chương nói về sự hình thành của Đại học RMIT ở Việt Nam là chương ‘đáng chú ý’ nhất vì nó mang tính thời sự và giáo dục. Đây cũng là điểm được các Giáo sư Bronwyn Cran,  Hiệu trưởng trường Văn khoa Đại học Victoria và Giáo sư Danh dư David Beanland, cựu Giám đốc/Viện trưởng RMIT Melbourne đề cập tới trong phần phát biểu của mình.

Độc giả cũng có thể chú trọng đến khía cạnh nghiệt ngã của một người ‘đi giữa hai lằn đạn’: một chuyên viên cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy bằng tiến sĩ giáo dục tại đại học ở Hoa Kỳ nhưng cuối cùng lại không được phái đoàn Mỹ ở trại tỵ nạn nhận cho định cư ở Hoa Kỳ vì có lẽ phía Mỹ cho rằng ông thân cộng.  Khi qua tới đảo cũng như sau này định cư ở Úc, Nguyễn Xuân Thu còn bị một số đồng hương cho rằng ông thân cộng. Trong phần nói chuyện với ban tiếng Việt Radio Australia Giáo sư Thu cũng cho hay số người trong cộng đồng người Việt ở Úc hiểu cho ông “không nhiều” trong khi số người tẩy chay ông vì cho rằng ông theo Cộng sản “khá nhiều”. Số phận nghiệt ngã của ông đến đây vẫn chưa chấm dứt: sau gần 6 năm tận lực trong việc đưa đến sự ra đời của Đại học RMIT Việt Nam, vào năm 2000 ông quay trở lại Úc. Sau đó ông bị chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cấm không cho nhập cảnh vì họ nghi ngờ ông làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). Cũng trong năm 2000 này, trường Đại học RMIT ở Melbourne “nhận được Giấy phép Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp chính thức mở đường cho sự ra đời của Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam”. Năm 2001, Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam chào đời trong khi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu, một trong những người thai nghén ra nó, bị cấm vào Việt Nam.

Lệnh cấm Nguyễn Xuân Thu kéo dài gần 5 năm và đến cuối năm 2004 ông trở về lại Việt Nam sau khi lệnh này được gỡ bỏ.

Độc giả cũng có thể nhìn cuốn hồi ký và tác giả của nó qua cái “tâm” và “tầm của cái tâm” như lời của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, tức Giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Ban Việt Ngữ và Việt học, Đại học Victoria. Trong Lời giới thiệu cuốn hồi ký, Nguyễn Hưng Quốc viết: “Chỉ với riêng cái nghị lực phi thường của ông (Thu) thôi, đã đáng phục. Nhưng tôi phục Nguyễn Xuân Thu hơn là ở cái tâm của ông”. Nguyễn Hưng Quốc cho biết tiếp ông “ngưỡng mộ trước cái tâm của ông (Thu). Một cái tâm rất có tầm”. Cái tâm của ông Thu là “dường như lúc nào ông cũng đau đáu muốn làm một cái gì đó cho đất nước”.

Trong khi đó Giáo sư David Beanland cho rằng: “Những mục tiêu và ưu tiên của Giáo sư Thu luôn gồm các hoạt động mang lại những lợi ích làm thay đổi cuộc sống của người khác”.

Thiết tưởng những cái nhìn khác nhau vừa kể, nếu có, của độc giả đều đúng với Giáo sư Nguyễn Xuân Thu. Điều này cũng giống như những hình ảnh khác nhau một cách ‘kỳ lạ’ đều là những mảnh ghép đắp thành chân dung con người Nguyễn Xuân Thu. Từ hình ảnh cậu bé mồ côi cha mẹ, 14 tuổi, rời quê làng nghèo khổ đi kiếm ăn tới hình ảnh vị tân tiến sĩ từ Hoa Kỳ về ‘vinh quy bái tổ’ ở Việt Nam. Từ hình ảnh người tù cải tạo quay quắt với “nạn đói triền miên trong tù … đói ban ngày, đói ban đêm, đói mọi lúc” tới hình ảnh vị giáo sư gần 80 tuổi đứng trên bục của giảng đường trường Đại học Victoria nói về sự hình thành của Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, nói lời cảm tạ quan khách, trong đó nhiều người thuộc giới khoa bảng.

Cũng giống như nhiều hình ảnh không giống nhau, những nhận định, những cái nhìn khác nhau đều góp phần làm nên con người Nguyễn Xuân Thu, một người có sức phấn đấu và nghị lực đáng nể.


Mời xem: nhạc hội 40 NĂM VIỄN XỨ tại Plano, Texas, US










Bài Ca Tù







Tại sao sinh viên du học không về nước? - Tác giả Nguyễn Hưng Quốc



Mấy tuần nay, trên báo chí trong nước cũng như trong các diễn đàn mạng, người ta bàn tán sôi nổi về hiện tượng hầu hết những học sinh xuất sắc nhất của Việt Nam, sau khi du học ở nước ngoài, đều không về nước. Theo thống kê, hiện nay có trên 100,000 du học sinh rải rác ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu người trong họ quyết định ở lại nước ngoài. Chỉ nghe nói là rất nhiều. Ví dụ thường được nêu lên là trong số 13 học sinh thắng giải “Đường lên đỉnh Olympia” và được đi du học, chỉ có một em, một em duy nhất, chịu về nước. Theo kinh nghiệm của tôi, từ các môn tôi dạy vốn có khá đông sinh viên du học ghi danh, số người nghĩ đến việc về nước sau khi tốt nghiệp chỉ là một phần nhỏ, may lắm là một phần ba. Còn lại, tất cả đều hoặc phân vân hoặc quyết định là sẽ tìm cách ở lại Úc.

Vấn đề là: tại sao nhiều sinh viên không muốn về Việt Nam sau khi tốt nghiệp?

Lý do đầu tiên các sinh viên của tôi nêu lên là họ không tự tin là sẽ tìm ra được việc làm, nhất là những công việc thích hợp với chuyên môn của họ. Thú thật, thoạt nghe lý do này, tôi hết sức băn khoăn. Tôi nghĩ Việt Nam đang phát triển và đang cần nhân tài, những người được đào tạo từ nước ngoài, do đó, trên lý thuyết, sẽ dễ dàng được trọng dụng. Nhưng không phải. Tôi có một số sinh viên và người quen, sau khi học xong cử nhân hoặc có khi thạc sĩ ở Úc, trong đó có nhiều người học về Y hoặc Luật, sau khi về Việt Nam, chạy đôn chạy đáo để tìm việc cả năm trời vẫn không được; sau, phải tìm cách quay lại và xin định cư tại Úc. Nguyên nhân, người ta kể, là không có “quan hệ.” Ở Việt Nam, không có “quan hệ” hoặc “tiền tệ” để đút lót, việc kiếm được việc làm tốt coi như vô vọng. Ngược lại, tôi cũng biết khá nhiều người, thuộc “con cháu các cụ” (CCCC), học hành không giỏi giang gì cả, sau khi về nước một thời gian ngắn, được bổ dụng làm giám đốc công ty này công ty nọ. Bởi vậy, ở Việt Nam mới có câu tục ngữ:

Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Thứ tư trí tuệ


Trong câu ấy, “trí tuệ,” tức khả năng chuyên môn, nằm ở cuối cùng. Thậm chí, ở một biến thể của câu tục ngữ trên, nó còn không có mặt:

Thứ nhất tiền tệ
Thứ nhì hậu duệ
Thứ ba ngoại lệ
Thứ tư đồ đệ


Lý do thứ hai là lương bổng ở Việt Nam quá thấp. Nhiều người có bằng cử nhân, khi về nước làm việc, lương mỗi tháng chỉ khoảng vài triệu đồng Việt Nam, tương đương với vài trăm dollar; trong khi đó, nếu họ tìm được việc làm ở Úc, lương khởi đầu trung bình là 4, 5 chục ngàn dollar. Đành là ở Úc, cũng như các quốc gia Tây phương khác, thuế cao và vật giá đắt đỏ hơn ở Việt Nam, nhưng ngay cả sau khi trừ thuế và các khoản chi tiêu, số tiền còn lại cũng nhiều hơn hẳn lương hướng ở Việt Nam. Ở đây, chúng ta cần ghi nhận một điều: ở Việt Nam, phần lương thường khá khiêm tốn nhưng phần bổng lại nhiều, có khi gấp chục, thậm chí, gấp trăm lần lương thật, tuy nhiên, muốn có bổng lộc cao, người ta phải có chức tước lớn. Mà muốn có chức tước lớn, điều kiện đầu tiên lại là “hậu duệ” hay “quan hệ.” Với những người thân cô thế cô, thu nhập duy nhất chỉ có thể đến từ lương. Mà lương lại èo uột. Trong số bạn bè của tôi ở Việt Nam, khá nhiều người dạy đại học. Lương trung bình của một giảng viên đại học là khoảng 6 triệu đồng (khoảng 300-400 Mỹ kim). Muốn tăng thu nhập, cách duy nhất họ có thể làm được là dạy thật nhiều giờ ở nhiều trường khác nhau. Có người dạy cả 3, 4 chục giờ một tuần. Thú thật, nghe số giờ dạy như vậy, tôi không thể tưởng tượng được. Tại Úc, ở bậc đại học, số giờ dạy trung bình mỗi tuần của các giảng viên chỉ khoảng trên dưới 10 tiếng. Thì giờ còn lại là để nghiên cứu. Với số giờ dạy như ở Việt Nam, công việc nghiên cứu hoàn toàn bất khả thi. Kiến thức của các thầy cô giáo, do đó, cứ ngày một lạc hậu và mòn mỏi dần.

Lý do thứ ba là cơ chế và văn hóa làm việc ở Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với những người được đào tạo ở nước ngoài. Ở nước ngoài, đi làm, mọi người được khuyến khích phát huy sáng kiến cũng như tinh thần độc lập và việc thăng tiến trong nghề nghiệp được căn cứ chủ yếu trên khả năng của mỗi người. Ở Việt Nam thì sự thành công tùy thuộc vào quan hệ hơn là chuyên môn. Trong cái gọi là “quan hệ” ấy, ngoài chuyện con ông cháu cha, còn một yếu tố quan trọng khác: Làm sao vừa lòng cấp trên. Để làm vừa lòng cấp trên, người ta thường có hai cách: Đút lót hoặc nịnh bợ. Cách nào cũng là một sự sỉ nhục đối với lòng tự trọng.

Không phải chỉ với những sinh viên mới tốt nghiệp, ngay cả những chuyên gia có bằng cấp cao và chức vụ lớn ở hải ngoại, vì nhiệt tình, muốn về Việt Nam để đóng góp vào việc xây dựng đất nước cũng gặp khó khăn với cơ chế và văn hóa làm việc ở Việt Nam. Một trong những lời than thở tôi nghe nhiều nhất là: Các cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam rất ít khi lắng nghe ý kiến của họ. Hầu như người ta không thể chịu nổi sự phê phán. Nghe phê phán, dù xuất phát từ nhiệt tình và thiện chí, người ta sa sầm nét mặt ngay tức khắc. Thành ra, những người muốn đóng góp cho đất nước rất dễ vỡ mộng. Phần lớn chỉ làm được một thời gian rồi cũng quay ra hải ngoại trở lại. Điều đó giải thích tại sao mặc dù giới lãnh đạo Việt Nam thường kêu gọi các chuyên gia ở hải ngoại về nước nhưng cho đến nay, số người trở về rất ít ỏi. Số người chịu làm việc lâu dài lại càng ít ỏi. Chuyên gia còn thế, huống gì là sinh viên mới ra trường.

Việc du học sinh, học xong, không về nước không phải là vấn đề liên quan đến cá nhân của họ. Mà nó liên quan đến cả tiền đồ của đất nước. Ai cũng biết, trong thời đại ngày nay, để phát triển, đất nước cần nhiều thứ, trong đó, có một thứ quan trọng nhất là vốn trí thức. Đã đành không phải ai tốt nghiệp ở nước ngoài cũng đều là những người giỏi nhưng ngay cả những người không giỏi cũng là những người được đào tạo bài bản, với những kiến thức được cập nhật và có căn bản ngoại ngữ tốt. Mất họ là một thiệt thòi lớn của đất nước.


MÌNH KHÔNG VÌ MỌI NGƯỜI



Mỗi một câu chuyện đều có những ý nghĩa và bài học giá trị riêng của nó. Tôi chắc rằng trong những câu chuyện dưới đây bạn đã từng đọc ở đâu đó nhưng bạn chưa thực sự hiểu được hết ý nghĩa sâu sắc mà câu chuyện mới đề cập tới. Vậy nên hãy đọc và cũng suy ngẫm những bài học giá trị dưới đây.

1. AI MỚI LÀ KẺ NGU

 Một ông thầy giáo mới dạy nhận ra rằng trong lớp có một cậu bé luôn luôn bị chửi là ngu. Trong giờ ra chơi ông hỏi nhóm bạn lý do.

- Thì nó là thằng ngu thật mà thầy. Nếu mà đưa cho nó đồng xu to 5 rúp và đồng xu nhỏ 10 rúp, thì nó sẽ chọn đồng 5 rúp, vì nó nghĩ đồng 5 rúp có kích thước to hơn thì là tốt hơn. Đây, thầy nhìn nhé.
Một bạn trong nhóm giơ 2 đồng xu và cho cậu kia chọn. Và cậu vẫn chọn đồng 5 rúp như trước. Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:

- Sao em lại chọn 5 rúp mà không chọn 10 rúp?

- Thầy nhìn này, đồng 5 rúp to hơn mà.

 Tan trường, thầy đến chỗ cậu bé hỏi lại:

- Chẳng nhẽ em không thể hiểu được đồng 5 rúp chỉ to hơn về mặt kích thước, nhưng đồng 10 rúp thì em có thể mua được nhiều thứ hơn?

- Nếu em lấy 10 rúp thì lần sau bọn nó sẽ không còn  thử em nữa...

Cậu bé trả lời.

Kết luận: "NGU MÀ TỎ RA NGUY HIỂM THÌ KHÔNG CÓ GÌ PHẢI SỢ,... ĐÁNG SỢ LÀ NGUY HIỂM MÀ TỎ RA NGU." Kẻ đối diện bạn không ngu đâu...


2. NGƯỜI TIỀU PHU VÀ HỌC GIẢ

Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.

Đầu tiên, tiều phu ra câu đố: "Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?". Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.

 "Tôi cũng không biết!", tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm: "Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi." Học giả vô cùng sửng sốt.

Nhiều người cứ hay ra vẻ mình thông minh hơn những người ít học hay có học vị thấp hơn họ. Tuy nhiên, họ không biết một điều rằng "thông minh sẽ hại thông minh", người quá thông minh và tinh tướng nhiều khi sẽ tự hại lấy mình vì quá tự cao.

Lẽ vậy ở đời, đừng sợ kẻ thông minh, hãy sợ kẻ ngốc mà tưởng mình thông minh. Và hãy làm một người khiêm tốn đáng được tôn trọng.


3. MIẾNG BÁNH MÌ CHÁY

Sự cảm thông bí quyết gìn giữ hạnh phúc Gia Đình...

“Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét.

Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.

Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:
“Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”

Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:

“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”

Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn.

Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.

Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủ để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”

Một hôm, anh A lái xe trên một con đường nhỏ, khi anh ta đang nhìn ngắm phong cảnh tươi đẹp, thì tài xế của chiếc xe chở hàng đi ngược chiều bỗng hạ cửa kính xuống lớn tiếng nói: “Lợn!”.
Anh A càng nghĩ càng điên tiết, quyết định hạ cửa kính xuống quay đầu mắng chửi: “Mày mới là lợn ấy!”.

Vừa mắng chửi xong, anh A bèn đụng phải một đàn lợn đi ngang qua đường.

Đừng vội hiểu lầm ý tốt của người khác, điều này không chỉ thiếu tôn trọng đối phương, mà còn khiến bạn chịu thiệt thòi hơn. Trước khi tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân, hãy học cách kìm nén cảm xúc, nhẫn nại quan sát, tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc.

4. HỌC CÁCH HIỂU VÀ THÔNG CẢM VỚI NGƯỜI KHÁC

Chị vợ đang nấu nướng trong nhà bếp, anh chồng cứ đứng bên lải nhải không ngừng:

- Chậm thôi! Cẩn thận! Lửa lớn quá! Mau lên! Lật cá đi! Ôi cho nhiều dầu quá!

 Chị vợ nói:

- Em biết phải nấu nướng thế nào mà!

 Anh chồng:

- Em đương nhiên là biết, bà xã.

 Anh bình tĩnh nói tiếp:

- Anh chỉ là muốn em biết, khi anh lái xe, em ở bên lải nhải không ngừng, cảm giác của anh thế nào thôi!

Học cách thông cảm cho người khác không khó, chỉ cần bạn nghiêm túc đứng ở góc độ và lập trường của đối phương để nhìn nhận vấn đề.

5. NẾU BẠN THAY ĐỔI, THẾ GIỚI SẼ THAY ĐỔI

Ngày xưa, có ông vua cai trị ở một đất nước phồn vinh nọ. Một ngày kia, vị vua đi ngao du sơn thủy. Khi quay trở lại hoàng cung, vị vua phàn nàn chân mình rất đau, bởi vì đây là lần đầu tiên vua phải trải qua một cuộc hành trình dài như thế và chặng đường ông đi lại rất gồ ghề, đá lởm chởm.

Sau đó, vị vua hạ lệnh – cho bọc tất cả con đường trong đất nước lại bằng da. Điều này sẽ dẫn đến việc phải cần hàng ngàn bộ da bò và một số lượng khổng lồ tiền bạc.

Bỗng có một hôm, người vợ của tên hầu nhà vua đã dũng cảm hỏi nhà vua: “Tại sao ngài lại tốn một số lượng tiền không cần thiết như thế? Tại sao ngài không dùng một miếng da nhỏ để bọc lại chân của ngài?”.

Nhà vua ngạc nhiên, nhưng rồi ông cũng đồng ý làm một đôi giày.

Để có một cuộc sống, một nơi chốn hạnh phúc để sống, tốt hơn là bạn nên thay đổi chính mình, trái tim bạn – chứ không phải thế giới.

“Nếu bạn thay đổi, cả thế giới sẽ thay đổi”


6. BÀI HỌC THÀNH BẠI TỪ HƯƠU CAO CỔ

Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hang.

Mỗi lần một chú hươu con ra đời đều là một bài học. Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng, như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay dưới đó. Sau vài phút, hươu mẹ làm một việc hết sức kỳ lạ, đó là đá vào người con mình cho đến khi nào nó chịu đứng dậy mới thôi.

Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Cho đến khi thực sự đúng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để hươu con phải nỗ lực tự mình đứng dậy trên đôi chân còn non nớt.
Điều này nghe có vẻ lạ với chúng ta, nhưng lại thực sự cần thiết cho hươu con bởi chúng phải tự đúng được để có thể tồn tại với bầy đàn, nếu không sẽ bị trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ.

Con người chúng ta cũng vậy, thật dễ nản chí khi mọi việc đều trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù đang phải đối mặt với nhiều gian khổ thì ta vẫn phải giữ vững niềm tin. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, trong ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn.

Đừng bao giờ để thất bại quật ngã mà hãy để nó trở thành "thầy" của chúng ta. Đây chính là bí quyết để thành công. Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng."Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ"


Trịnh Công Sơn: con người hai mặt?







TCS: “Những kẻ ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.”(ngày 30-4-1075, tại Đài Phát Thanh Saigon)


Em Ở Nông Trường Em Ra Biên Giới, tác giả TCS
 
Trên nông trường không xa lắm
Có đôi chân đi không ngại ngần
Em bây giờ, quen mưa nắng
Gánh trên vai vấn vương bụi trần
Từng vai áo phơi sẽ xanh thêm đời
Bàn tay làm nên những mùa vui...
Từng vai áo phai sẽ xanh thêm đời
Bàn tay làm nên những mùa vui
Từ trên đất này, những con người mới
mọc lên,
Tựa như nắng giữa chân trời
Qua bao mùa em đã lớn
Đất cho em trái tim nồng nàn
Yêu con người nên lo lắng
Muốn nghiêng vai gánh thêm nhọc nhằn.
Xa nông trường ra biên giới
Có đôi khi đi không trở lại
Nhưng trong lòng nghe tiếng nói
Những gian nan sẽ đo lòng người.
Từ biên giới xa, chốn em sương mù
Rừng ... những lối mòn qua
Từng khi nắng mưa, lán đêm nằm nhớ
... màu đất trời quen quá chốn quê nhà!
Khi qua rừng, khi qua suối
Thấy vui theo bước chân đồng đội
Trong những ngày gian nguy ấy