khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

...buồn rờ chim






"Hôm qua buồn rờ chim
Thoáng cụ hồ nom thấy
Hỏi mi mần chi đấy
Anh nói lấy lồng chim
Đem cất sợ mưa chìm"

thơ Nguyễn đăng Thường


 



Tội ác của cộng sản Kampuchea, cầm đầu bởi Pol Pot







Tấm lòng Tô Thị...- Tác giả Lương Tất Đạt




Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị ,có chùa Tam Thanh...”


Nhớ năm xưa thuở nhỏ, vào những buổi trưa hê oi ả, hay trong những đêm trường tĩnh mịch nằm nghe tiếng ru hời của Mẹ tôi với những câu ca dao, hay những bài thơ ngắn ngủi rất nhiều, và thật nhiều, cùng những tiếng võng đưa kẽo kẹt vang lên đều đặn mỗi ngày, tất cả đã tạo thành một giai điệu buồn não nuột, nhưng rất dễ ru ngủ... Và có lẽ, hằn sâu nhất trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn là những điệu ru về câu chuyện nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá. Tuy vậy, nhớ thì nhớ rõ lắm, nhưng cảm xúc dạo ấy thì thật sự trong tôi không hề có đến một chút mảy may, bởi vẫn nghĩ đó chỉ là huyền thoại...

Thế nhưng, huyền thoại ấy trong tôi đã bắt đầu thay đổi, từ huyễn hoặc đã biến thành sống thật, từ phủ định đã nghiễm nhiên phải xác nhận. Bởi vì, bóng dáng người thiếu phụ trung trinh năm xưa ôm con đứng mỏi mòn với nỗi chờ mong chinh phu trên dãy núi Lạng Sơn đến hóa thạch đã thật sự kết thành hằng triệu, hằng triệu những hình ảnh của các Nàng Tô Thị luôn bàng bạc và lấp lánh trước mắt tôi và các tù nhân trong các ngục tù đọa đày dành cho những người vừa mất tổ quốc...

Năm ấy, sau lời tuyên bố thất thủ của viên đại tướng một dạ hai lòng, hằng triệu những quân nhân và công nhân viên chức từng một thời chiến đấu để bảo vệ quê hương dưới mầu cờ phục vụ cho Tự Do-Dân Chủ-Công Bình và Nhân Ái đã phải đau đớn xót xa đành đoạn những công lao họ đã có... để cúi đầu chấp nhận giam mình trong những năm dài khổ ải đầy tủi nhục...

Ba lô đã được các bà mẹ, hay những người vợ hiền thay thế bằng những túi xách tay gọn nhẹ với những vật dụng cá nhân được trang bị đầy đủ cho con, cho chồng với hy vọng đường xa cho mười ngày tạm vắng rồi tái ngộ...Và tôi đã có mặt với họ trên đường xa hôm ấy...

Mười ngày rồi ba tháng, rồi một năm, rồi đến bao giờ... Sự chờ đợi trong niềm tin ngây thơ của người tù mất tổ quốc đã thực sự rã rời theo những ngày tháng khổ cực trong rừng sâu nước độc. Nỗi nhớ gia đình với cha mẹ, vợ con trong tâm tư của từng người tù đã mỏi mòn từng đêm hòa với tiếng chép miệng não nuột của đám tắc kè xanh đỏ đang bám víu trên cây cao đã vô tình biến thành những điệp khúc quen tai ru ngủ cho hàng triệu tù nhân tự an ủi lòng thôi đi những “sắp về, Tết về, hết về hay... chết về!”

Thời gian vẫn trôi trong lặng lẽ, những công việc nặng nhọc và nguy hiểm cộng với những đói khát và thiếu thốn nhân lên từng ngày đã thật sự đè nặng trên đôi vai và tâm tưởng của tù nhân. Thân thể đã nhen nhúm những vết thương làm độc không có thuốc chữa bịnh tê phù đồng loạt xuất hiện cùng với các triệu chứng ghẻ ngứa đầy mình. Tận đáy lòng từ một số anh em chúng tôi đã nhen nhúm lên một chút gì thất vọng cho ngày về?

Giữa lúc ấy, những lá thư và những gói quà nhỏ như mong mỏi đã được phép gởi đi từ những địa chỉ thân quen của những người mẹ nhân hậu, những người vợ hiền, và những đứa con ngoan trong mỗi gia đình tù nhân. Gói quà nhỏ theo quy định khắt khe của nhà cầm quyền được gia đình tù nhân chọn lọc từ sự dành dụm, chắt chiu khi mua sắm. Tuy ít mà đầy đủ cho những gì chúng tôi cần. Ðặc biệt, đọc những lá thư ân cần, âu yếm và động viên từ tấm lòng cha mẹ, vợ con và anh chị em gói ghém trên những lá thư khổ nhỏ, tất cả đã nhanh chóng biến thành những luồng gió mát dịu, hay những hơi ấm nồng nàn trong tâm hồn chúng tôi. Lời thư viết chứa chan niềm thương nhớ, đong đầy tình yêu thương và sắt son mầu chung thủy... Sẽ nhớ mãi đoạn cuối thư trước khi ngừng, tất cả đã không quên lời tái bút: Cha, Chồng, Con ơi đừng tuyệt vọng...

Sau lần nhận thư và quà gởi từ gia đình, dẫu chưa được đối diện tương phùng với những người thân sau hơn 1 năm không gặp, nhưng tận đáy lòng tù nhân chúng tôi như đã vươn lên những ủi an và hy vọng. Niềm vui ấy đã được thể hiện qua những món quà nhỏ bé ít oi mà gia đình đã gởi, tất cả đã được chia nhau cho cả nhóm vui cùng.

Dạo ấy, dường như trong các trại tù gần xa lớn nhỏ, ngoài những luật lệ chung của nhà cầm quyền phân chia các trại tù đông đến gần ngàn người thành những nhóm nhỏ từ Nhóm (A), đến Ðội (B), rồi Khối (K) hay Ðoàn (T) để dễ bề kiểm soát và điều hành. Nhưng trong lòng sinh hoạt thân thương của những người tù năm ấy, tất cả chúng tôi đã âm thầm kết đoàn với nhau thành những nhóm nhỏ tùy theo sở thích và những lý do riêng tư. Có nhóm 2 người, nhóm 3 hay 4, hoặc lên đến 5 người.

Ngày vào tù, tôi độc thân một mình vì tuổi đời tuổi lính còn rất trẻ. Xa nhà, nếu có nhớ thì chỉ biết mong về người cha già và một đàn em nhỏ nhưng nhóm tù vui chung với tôi đại đa số đều đã yên bề gia thất. Họ đã có cả cha mẹ nguyên vẹn và một bầu đoàn thê tử thật hạnh phúc dễ thương. Bữa cơm chung mỗi trưa, chiều đến, chuyện tôi kể thì chẳng có gì thích thú, nhưng chuyện nhà các anh thì dài hơn cả Tờ Sớ Táo Quân tường trình cuối năm với nhiều tình tiết kỳ thú và thơ mộng...

Qua từng ngày tháng ăn chung, vui ké trong những năm dài sống cận kề bên nhau, nhóm chúng tôi đã trở nên thân thiết và gũi gần hơn từ những câu chuyện gia đình của đôi bên đem ra nhau kể. Nguyễn Minh Ðức thăm nuôi lần nào cũng đem cuốn nhật ký viết tay trong những chiều rỗi rảnh cho người vợ hiền mới hứa hôn chưa đầy ba tháng đã phân ly. Lúc chia tay vợ hiền về trại, quà cáp chất đầy đến 3 bao tải nặng trĩu, vác đến tận nhà là cái lưng chàng muốn sụm...

Anh Ba già đầu đàn thì đủng đỉnh nụ cười với nhiều niềm vui vì vợ con báo tin anh sắp thành ông nội, ông ngoại. Người vợ hiền đứng tuổi vẫn không quản đường xa từ Lục Tỉnh lên thăm chồng với bao nặng bao vơi quà với cáp cho chồng chia sẻ, lại còn ân cần nhắc anh đừng quên thuốc bổ...
Anh Hiệp Rhade thì lúc nào cũng vui như pháo Tết, vợ chồng đều chung một tâm hồn nghệ sĩ, tuổi sắp tứ tuần với con cái đang ngưỡng tuổi dậy thì... mà vợ vợ chồng chồng vẫn còn thơ phú cầm kỳ viết tặng cho nhau. Lúc ra về, chị nhà luôn căn dặn anh đừng đốt phổi nhiều bằng những điều thuốc, nhưng thuốc hút chị mua gởi chồng thì hút hoài không hết!

Bên cạnh tình yêu sôi nổi của vợ chồng anh Hiệp, người vợ mới cưới của Anh Nguyễn Mộng Hùng lại trầm lắng sâu đậm trong những lần gặp gỡ. Anh và chị chỉ đan tay nhau với những nỗi thương nhớ quấn quýt và tấm tức giọt lệ ngắn, giọt dài.

Còn cặp tình nhân Ngô Thụy Chương thì lần nào cũng trẻ trung, lạc quan và yêu người yêu đời thắm thiết. Năm nào cũng thế, mỗi lần tái ngộ là trong tay của Chương cũng phải có một cuốn Agenda mới tinh thật dầy với nhiều ô vuông trống dành cho từng ngày nhật ký của Chương tha hồ mà thủ thỉ...
Còn anh Tư Võ Hữu Cường thì diễm phúc nhất trong nhóm với một người tình thủy chung chờ đợi gần cả 10 năm. Chị là cô giáo cấp 1 và còn nhiều biệt tài khác trong nhiều ngành nghề. Tính thầm lặng và hay e lệ như cô nữ sinh thời trung học. Lần thăm nuôi nào cũng thế, chị luôn luôn là một trong những người vào thăm trại tù sớm nhất...

Anh Tư Cường dáng mảnh khảnh mình dây, nhưng giọng thì trầm và thật vang vọng, đêm xuống một mình anh thường đàn và hát thầm cho chị nghe và hy vọng từ căn nhà xa tít Thị Nghè chị sẽ nghe và cảm nhận được...

Những năm tháng của nhọc nhằn, khổ ải và tủi nhục vẫn thản nhiên trôi theo dòng đời mặc những thăng trầm của cuộc sống ở thế giới bên ngoài ra sao. Chắc chắn trong bốn bức tường sắt kín mít đầy ngạt thở dạo ấy, có lẽ chúng tôi cũng chưa thể biết hết và ngờ được những gì đã xảy ra cho người thân của mình. Những lần thăm nuôi ra về, nhóm cơm chung nào cũng vậy, và bạn tù nào cũng thế, tất cả đều đón nhận những tin tức lạc quan với một cuộc sống tương đối có sức khỏe dồi dào cho cha mẹ, vợ con và toàn thể thân nhân...

Nếu có một thoáng gì bối rối và khó trả lời trước những câu hỏi thật lòng từ trước mặt người tù, thì cha già bảo chẳng sao, mẹ hiền cười phủ nhận, vợ con lảng tránh với những cử chỉ âu yếm và trấn an. Nhìn những món quà chất đầy trong các bao tải lớn nhỏ trước mặt trong những đợt thăm nuôi phải chăng tất cả nhiều ngần ấy đã quá đủ để xác nhận những gì người thân mình đã nói đúng theo sự thật?
Sáu năm sau tôi về. Bạn và các huynh trưởng cũng lần lượt tiếp nối nhau ra trại trong cùng một ngày vui như hội lớn... Những bước chân vội vã bước nhanh, thật nhanh, vừa cười vừa nói trong tâm trạng vui tươi hớn hở, nhưng chắc chắn chẳng một ai sẽ buồn ngoảnh mặt lại để chào tạm biệt nơi chốn ấy, dù vẫn biết... đằng sau cánh cửa sắt khóa kín im lìm kia, bạn bè thân thiết vẫn còn người ở lại...
Bao nhiêu nỗi háo hức mong chờ khi nhìn lại mái nhà xưa sau một thời gian xa cách tưởng như nghìn trùng. Cánh cửa bật mở, những nụ cười hớn hở, những vòng tay ôm ấm áp cuồng nhiệt. Câu nói mừng vui nào và ý nghĩa hơn bằng những giọt nước mắt của cha mẹ già, của vợ hiền con ngoan, và anh chị em thân ái. Nhưng khi bước sâu vào trong gian nhà quen thuộc, cảnh trí đã thay đổi thật nhiều, khác hẳn với những gì khang trang, đẹp mắt và ấm cúng mà 6 năm, 10 năm trước hơn người tù đã đi xa tưởng như không hẹn ngày trở lại.

Căn nhà đã không còn bộ sofa đủ cặp mới mua năm nào khi vợ chồng mừng ngày mua nhà mới. Cái giường kiểu có chăn êm và nệm ấm, bàn máy may cho vợ hiền mừng ngày sinh nhật, cái tủ chè, quạt máy, chiếc máy truyền hình và biết bao vật dụng năm xưa hai vợ chồng ký cóp mua về,... tất cả đã tuần tự ra đi sau những lần thăm nuôi người tù. Ngay cả những đồ chơi cho con trẻ cũng không còn la liệt trong phòng của chúng. Biết bao nhiêu và bấy nhiêu đã theo những khó khăn nhọc nhằn và chịu đựng của vợ con và gia đình lần lượt âm thầm đi không trở lại...

Trong ánh sáng lung linh của ngọn bạch lạp được thắp sáng vào bữa cơm chiều đầu tiên mừng người tù trở lại, bàn ăn được bày lên với những món ăn và thức uống mà tự lâu anh đã không có dịp được thưởng thức. Chung quanh vợ con và cha mẹ già cùng anh em tất cả đang quây quần nhìn anh với ánh mắt rụt rè, e ngại và ngầm mong đợi sự cảm thông nào đó từ người tù đang chậm rãi gắp thức ăn. Hôm nay người tù đã nhìn được khuôn mặt thật của vợ hiền và vóc dáng của đàn con ngoan, cũng như tất cả những khuôn mặt thân quen qua ánh sáng leo lét của ngọn đèn cầy đang đùa vui trong gió. Tất cả dường như đang phảng phất những nét buồn u uẩn, cùng sự mỏi mệt đã trĩu nặng bao năm dài chịu đựng. Anh chợt nhìn thấy thật rõ những vệt thâm quầng đậm trên mí mắt, vũng tối trên đôi gò má hóp như trũng sâu thêm trên khuôn mặt của mọi người... Cổ họng anh nghèn nghẹn và một cảm giác xót xa khó diễn tả khi anh vừa thoáng thấy những giọt nước long lanh trên đôi mắt của vợ hiền và người mẹ già ngồi kế cận...

Trong những đôi mắt ấy, tận trong những giọt lệ đang chực chờ muốn trào tuôn dưới ngọn đèn bạch lạp lung linh mà anh vừa bắt gặp, biết bao những hình ảnh thương tâm và đau lòng đã xảy ra trong cuộc sống của mỗi người thân của anh đã âm thầm chịu đựng trong suốt những năm dài anh sống thản nhiên với các bạn tù trong các khu “cải tạo.” Ở đấy, đã có những hình ảnh xa xăm năm nào mà anh không hề tưởng tượng được. Cảm xúc y hệt ngày xưa anh đã từng nghe mẹ ru hời về câu chuyện nàng họ Tô chờ chồng hóa đá... mà anh chỉ biết nghe não nuột buồn với cảm giác rất dễ ru anh ngủ...
Ðang miên man với những cảm xúc buồn vui lẫn lộn, như mặt hồ thoáng gợn trước những cơn gió mạnh vừa ùa đến, bất chợt, cô gái út ngoan xinh từ vòng tay mẹ lao xuống, sà vào lòng anh, ỏn ẻn cười... Anh cũng thấy những nụ cười hòa theo trên môi đấng sinh thành, trên môi người vợ hiền trung trinh và can đảm, trên môi các con ngoan và tất cả mọi người thân thiết. Một ý nghĩ thoáng qua, hay chính một điều an ủi tự lâu anh phải biết: “Vật chất chỉ là phù du, con người mới là đáng quý.” Sau bao nhiêu sóng gió phũ phàng và chua xót, tình yêu của người bạn trăm năm với anh vẫn không hề suy giảm. Trước bao nhiêu nghịch cảnh đầy khó khăn và thử thách, người vợ hiền vẫn trung trinh dài năm mong đợi đón anh về.

Giây phút thiêng liêng này, anh thầm cám ơn mẹ với những câu ru hời năm xưa ru anh và các em anh ngủ, lời ru ấy luôn luôn hữu hình và sống thật. Và, hình bóng nàng Tô Thị ôm con chênh vênh trên dãy núi sẽ muôn đời sừng sững với tấm lòng trung trinh của vợ hiền ngàn năm vẫn đợi sẽ lưu truyền bất tận...

Cám ơn những người vợ hiền chung thủy và đảm đang của những người tù mất Tổ Quốc...






Tình Trại- Tác giả Jennifer Trần



"Tình Trại" là một trong những cuộc phỏng vấn những kẻ sống sót từ trại tù Norilsk.

Angus Macqueen, tác giả-người phỏng vấn, là một nhà làm phim tài liệu (phần lớn cho đài BBC), chuyên về Liên-bang Xô-viết và Đông-Âu. Bài viết lấy từ tạp chí Granta 64, Winter 98, đặc biệt về Nga-xô: Miền Đông Hoang Dã.

Một xứ sở rộng lớn nhất: một phần sáu đất đai địa cầu. Nơi máu đổ nhiều nhất: Trước tiên, là cách mạng 1905, bị đè bẹp bằng máu. Tới cách mạng 1917, thành công, cũng bằng máu. Rồi thời đại Stalinism, với hàng triệu mạng người bị giết, bằng tống xuất, diệt chủng, trại tù; địch thủ của nó: cuộc xâm lăng của Nazi, đã lấy đi chừng 20 triệu công dân Xô-viết. Như Anatol Lieven, tác giả cuốn sách vừa xuất bản, viết về cuộc chiến Chechnya: Bia mộ của Quyền lực Nga: Đối với hầu hết cư dân của nó, Liên-bang Xô-viết (là một điều gì) còn hơn cả một nền văn minh. Còn hơn cả một ấn bản méo mó, hư ruỗng của điều gọi là hiện đại tính. Đây thực sự là một thế giới. Thế giới độc nhất mà cư dân của nó hiểu, và có được. Và theo như tiền nhân của họ: Đây là đỉnh cao lịch sử, sự hiểu biết, và thành tựu của nhân loại.

St. Petersburg của miền bắc: Norilsk. Angus Macqueen đã từng mơ tưởng, thăm viếng nó: một thành phố ở giữa chốn không đâu (this town in the middle of nowhere). Nhưng theo ông, dưới chế độ Xô-viết, nó là một thành phố kín, "gia tài" của nó, ngoài tù nhân ra, còn là mỏ kim loại, hai vốn quí trong toan tính kỹ nghệ hóa xứ sở. Trại tù chết theo Stalin vào năm 1953 nhưng Norilsk vẫn tiếp tục tăng trưởng: Tù nhân, không còn một nơi chốn để đi, hoặc quê hương để về, đành chọn nó: chốn lưu đầy biến thành quê nhà.

Như một người con gái của một tù nhân, nói: "Chúng tôi không có một nơi nào để đi, và chẳng có gì để mang theo. Chúng tôi lại ở trại."

Khi còn là một đứa nhỏ mười mấy tuổi, Jadwiga Malewicsz chứng kiến quân đội Xô-viết xâm lăng Ba-lan; rồi tới Đức Quốc-xã. Qua lớp cỏ dầy, cô cũng đã nhìn cảnh tàn sát tập thể người Do-thái địa phương. Khi Hồng quân trở lại vào năm 1945, cô bị bắt vì "phản bội đất mẹ". Mười năm tại Norilsk.
Tôi lấy người cai tù. Một người cai tù có gốc. Tôi thực không biết chuyện đó xẩy ra như thế nào. Anh ta luôn nhìn tôi. Đăm đăm nhìn. Trong lúc đưa chúng tôi đi lao động, anh ta nói: "Đội Trưởng, tôi sẽ lấy cô". Tôi trả lời: "Vô lý, quản giáo. Anh không thể làm điều đó". "Để rồi coi". Bạn tưởng tượng nổi không? Anh ta cai tôi hai năm trời. Và tôi không hề đáp lại. Tôi thực không thích bạn. Anh ta đợi tôi thêm ba năm. Tôi vẫn quay lưng. Rồi cái ngày ấy tới. Lao động về, tôi nhìn thấy giấy ra trại trên chiếc gối. Đau đớn làm sao. Tôi nghĩ: Đi đâu bây giờ? Họ đưa bạn tờ giấy, dẫn bạn ra ngoài, và bạn chẳng có một căn phòng, chẳng có gì hết. Muốn đi đâu thì đi, nếu có thể. Chuyện như vậy đó, bạn biết không. Nếu tôi có một nơi để mà đi... nhưng làm sao tôi rời đi. Tôi ngồi trên giường, gỡ băng "Đội Trưởng" đưa cho người khác. Tôi bảo cô ta đừng nói cho anh cai tù mê tôi, tôi được thả. Nhưng tới cổng, anh đợi tôi ở đó. Tôi ôm cái bị nhỏ, món quà mừng ngày được tha. Gia tài chút xíu. Anh trờ tới: "Đội Trưởng, để tôi mang giùm." "Tôi đâu còn là đội trưởng nữa", nhưng tôi đưa anh cái bị, và bạn biết đấy, ngu đần như con cừu, tôi đi theo anh. Anh đã xoay xở được một căn phòng. Khi tới, úi trời, tôi thấy người quản giáo. Ông mướn phòng chung sống với người đàn bà quản trại tôi. Bà ta nói: "Lúc nào cũng nghe anh khoe, anh chài được cô gái xinh đẹp, bây giờ cô ta đây này!" Họ bắt đầu uống. Những ngày đó, ngoài uống ra đâu còn gì. Họ uống. Tôi không làm sao uống nổi: họ đưa tôi nhấp thử một hụm và tôi gần nghẹt thở. Họ cười nhạo tôi. Người đàn ông "của tôi" kiếm chỗ nằm, và người đàn bà nói: Còn cô này nữa, ngồi đây làm gì? "Bà nói chi?"

Tôi ngồi bàn suốt đêm. Nhưng, là anh ta. Biết làm sao khác? Tôi cũng quen dần. Tôi chịu đựng cắn rứt, dằn vặt ròng rã ba mươi năm. Cuối cùng ly dị. Anh tìm về làng cũ ở vùng Trung Nga, và chết ở đó. Anh uống tới chết. Còn trơ tôi ở đây.
 

Mơ - Tác giả Bùi Ngọc Tấn


Một cái bánh chưng gửi vào cũng được cắt ngang dọc, xem có tài liệu gì trong ruột bánh không, không sao để dành được, chỉ hai ngày sau là mốc xám dài bằng đốt ngón tay đã mọc xù lên dọc hai bên vết cắt. Khi còn giam cứu, gói đường gửi vào cũng bị đổ tung ra. Bao thuốc bị bóc. Ðiến thuốc bị xé. Hắn và Hoá thận trọng trao đổi. Trong tù rất thận trọng. Chẳng nên làm phức tạp tình hình. Chẳng nên làm mình thêm lo lắng. ở ngoài đời tự nhiên đã bị khoác cái tội tuyên truyền phản cách mạng”. Vào đây lại thêm tội chóng đối thì chỉ có mục xương. Nên tù chính trị ai cũng giữ mồm giữ miệng. Chỉ cởi mở với rất ít người đã qua thử thách. Như với già Ðô. Với Giang.

Chẳng ai nói với ai những điều sâu kín trong lòng, nhưng tất cả đều hiểu rằng: Không ai chấp nhận cái thứ tù không án. Tù không có ngày về. Không một ai chấp nhận chế độ ăn uống lao dịch khủng khiếp mà họ đang chịu đựng. Hắn quý trọng anh em tù Công giáo. Tất cả đều sống kiên cường, đúng mực. Tốt với bạn tù. Không ai là Giuđa. Không ai bẩm sớ. Có lẽ đó là anh em thực hiện lời dạy của Chúa. Thử thách này cũng là thử thách trước Chúa.

Thấy Cân đang ngồi với Hoá, hắn vòng về phía sau hội trường. Ngồi một mình. Ðấy là nơi cao nhất của quả đồi được lấy làm trại tù. Hắn nhìn anh em đi vật vờ, vô mục đích. Những thân hình xác xơ trong những bộ quần áo xác xơ. Những cái đầu cúi chậm rãi đếm bước. Chờ thời gian trôi. Chờ tối xuống. Ðể ngày mai lại hệt như hôm nay.

Hắn nhìn hàng rào ken dày dưới chân đồi. Cỏ mọc lút. Không ai dám tới. Ra đấy làm gì, nếu không có ý định trốn trại. ở đó vắng teo. Như cầu Hiền Lương, khu phi quân sự. Tháng Tám năm ngoái, bọn hắn đã được ra chỗ đó. Bão. Bão to làm hàng rào đổ mấy chỗ. Bọn hắn phải đẵn gỗ, đẵn cây, đẵn nứa giồng lại. Chỉ một ngày xong. Ðể nhốt chính bọn hắn. Bao giờ thì mình cũng tự làm hàng rào, làm nhà tù nhốt mình. Ðời là thế!

Già Ðô đến ngồi cạnh hắn. Già đã đi đảo một vòng và biết khối tin thời sự. Già bảo:


“Cái đám mới lên ấy nhốt chung với toán lò vôi.”

Chưa phân toán. Có một anh ở Bộ N tên là Ðức. Từ Hoả lò chuyển lên. Còn cái anh Kiều Xuân Vĩnh chính họ Cao. Dòng dõi Cao Bá Quát. Sau vì sợ tru di tam tộc nên đổi thành họ Kiều. Thấy bảo chỉ thêm cái chấm vào thôi thì chữ Cao thành chữ Kiều.

Hắn cơ hồ tuyệt vọng:

“Tình hình xấu lắm, cụ ạ. Ngoài ấy lại đang bắt.”

“Hội Vũ Lượng thổi kèn làm gì mà cũng tù chính trị.”

“Thì tôi với cụ làm gì mà cũng tù chính trị. Mưu đồ gì. Chống đối gì.

Chỉ có tin tưởng ở các ông ấy quá.”

“Tội của chúng mình không phải là mất lòng tin mà là tin tưởng quá.”

“Sống thế này không điên kể cũng lạ thật.”

“Tôi cũng mong tôi điên. Thật khốn nạn vì mình vẫn không điên lên được.”

“Ðêm qua, tôi mơ thấy con bé con bên Pháp. Nó vẫn như lúc tôi từ biệt nó. Tôi mơ thấy quán rượu của bà Jeannette. Tôi vào ngồi ở quán. Con bé chạy ra hỏi: Que buvez-vous? _ Vẫn cái giọng nói ấy. Nó chẳng nhớn lên chút nào. Tôi ôm lấy nó: “Không nhận ra bố à? Con mèo con của bố”. Nó khóc, nó giãy tụt khỏi tay tôi. Rồi nó gọi: “Mẹ ơi Có khách! ! Vợ tôi ra đứng sau quầy: “ Ông dùng gì? Tôi cũng nói như một người khách: “Cho một cốc vang và một xăng-đuých! ! . Kỳ lạ... Bà Jeannette cũng không nhận ra tôi. Tôi thì nhận ra cả hai. Nhưng cứ ngồi uống như một người khách lạ.”

Già Ðô cúi đầu. Hắn thở dài, thèm được như già Ðô, giọng rầu rầu:

“Tôi mất. khả năng nằm mơ rồi. Ðã bao lần tôi ao ước năm mơ thấy vợ, thấy con. Nhất là các cháu. Lần cuối cùng tôi nằm mơ là thời gian còn ở xà lim 75 _ cách đây hơn ba năm rồi. Phải nói, tôi mong năm mơ thấy các cháu lắm. Thế rồi cầu được ước thấy. Tôi nằm mơ thấy thằng cháu lớn. Hai bố con ở dưới đầm. Nước tới cổ tôi, cổ cháu, mênh mông, nắng loá. Sóng nữa. Tôi bơi lại chỗ cháu. Và cứ thế túm đầu thằng bé mà tát nó, đánh nó. Nó khóc, nó khóc thảm thiết: “Con lạy bố rồi, bố đừng đánh con nữa”.

Tôi vẫn cứ ấn nó xuống và đánh. Nó nhô lên, tóc ướt đẫm. Nó khóc. Nó gào khóc đau đớn: Con lạy bố rồi. Bố đừng đánh con nữa”. Tôi choàng tỉnh. Run lên. Toát hết mồ hôi. Trống ngực đập thình thịch. Nghĩ thương con quá. Sao tôi lại đánh nó? Tôi chỉ mong nằm mơ thấy chúng, được gặp chúng trong mơ để ôm ấp, yêu chiều. Thế mà mơ thấy nó tôi lại đi đánh nó.”

 “Tôi cũng thế. Tôi cứ ngồi uống như một khách hàng, thế mới khổ chứ. “


Hắn lặng im. Hắn đang nghĩ đến cái ước mơ nằm mơ thấy con của hắn, nằm mơ thấy thằng lớn một lần nữa để hắn sửa chữa tội lỗi làm bố của hắn. Sao hắn lại đánh con hắn như đánh đòn thù? Sao hắn lại là một thằng bố độc ác, vũ phu đến thế Thàng bé gào lên trong mơ, những tiếng gào thảm thiết cứ vọng mãi bên tai hắn: “Con lạy bố rồi. Bố đừng đánh con nữa”. Sao phải lạy bố, hở con? Ôi! Con tôi, những đứa con khổ dau, côi cút ở bên kia thế giới.


Hắn than thở:

“Ðêm nào đi ngủ tôi cũng ao ước nằm mơ thấy cháu một lần nữa. Nhưng từ bấy đến nay tôi không nằm mơ thấy gì hết. Tôi hoàn toàn mất khả năng nằm mơ rồi. Ðấy là lẩn nằm mơ cuối cùng của tôi. Tôi thương nó quá.”

“Tôi cũng ít nằm mơ. Giá đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy Marseille. Thật là một thành phố... Không. Hải Phòng không thể nào bì được. Hải Phòng xa biển.”


Ðằng này biển gầm thét ngay nơi mình ngủ. Thật là vĩ đại Những người dân ở đấy thẳng thắn, cởi mở, vui tính... ông Martin với cây đàn violon và cả bầu đàn thê tử đến đâu là hội ở đó. Trẻ con người lớn quây lấy. Thật là những người vô tư lự.

“Ðời cụ thật sung sướng. Biết đây, biết đó. . Tôi thì từ bé lên rừng, ăn rau muống của cách mạng. Bây giờ lại lên rừng. Rau muống chẳng có mà ăn.”

“Tôi về nước với bao ý định tốt đẹp. Thật không ngờ.”

“Tôi ao ước được như cụ. Ðược một lần leo lên tháp Eiffel đứng trước Khải Hoàn Môn.”


Họ nói với chính họ. Mỗi người mang trong lòng nỗi khổ đau quá lớn, đến nỗi trong một lúc không còn khả năng tiếp thu được nỗi lòng người khác.

Có tiếng kẻng vang lên. Một hồi dóng dả dội vào rừng xanh. Kẻng điểm danh buổi tối.


Một thiếu niên 15 tuổi và một thanh niên 20 tuổi vừa bị cảnh sát truy tố sau các cuộc bố ráp chống khủng bố vào sáng ngày 10/12/2015 ở tây Sydney, Australia







Tổng trưởng Quốc phòng Úc, bà Marise Payne thừa nhận là một máy bay của không lực Úc đã thực hiện các phi vụ tuần tra trên biển Đông từ ngày 25/11 tới ngày 4/12.







"Tám" về hiệp ước quân sự Mỹ và Singapore từ San Jose, CA, US







Nghệ sĩ Hà Nội đích thực Lộc Vàng: nạn nhân của một chính sách cực kỳ tráo trở







Thơ "Trái Mít & Đại Ca Chủ Tịch" của thi sĩ Bùi Giáng





"Trái mít ra quả sớm chiều
Đại Ca Chủ Tịch còn nhiều bận tâm."


Bùi Giáng


Ước mơ của Thủy - Tác giả Lê Việt Kỳ Nhi




Lời giới thiệu

Ở đâu đó, tôi thấy người ta viết rằng: “Một quyển sách hay là một quyển sách gieo đầy những dấu chấm hỏi”. Tôi cũng thấy một câu khác: “Cuốn sách nào buộc bạn phải suy nghĩ nhiều hơn các cuốn sách khác là cuốn sách có ích hơn cả.”. Thứ tôi có thể liên hệ được từ những câu trên đó chính là chủ động đọc sách. Chủ động đọc sách theo tôi là tự thân suy ngẫm, tìm lời giải đáp cho mỗi dấu chấm hỏi mà bạn có thể thấy được.
 
Theo trải nghiệm của tôi, một quyển sách có ba kiểu đọc. Thứ nhất là kiểu đọc dễ dãi, khi đọc sách đơn giản chỉ là đọc để thư giản. Thứ hai, kiểu đọc chắt lọc, khi ta đặt mục đích của việc đọc sách là để biết thêm những điều mà ta chưa biết, học hỏi nó nhưng chẳng làm gì sau đó. Thứ ba, kiểu đọc ngâm cứu, đọc sách lúc này không chỉ đơn thuần là đọc mà còn phải nói chuyện với sách. Nói chuyện với sách cũng chính là nói chuyện với tác giả. Sau những màn đối thoại điều bạn có được là sự đồng cảm, và tôi nghĩ rằng sáu chiếc mũ tư duy[1] giúp bạn có thể viết lại cuốn sách tốt hơn bằng màu sắc của riêng mình.
 
Cuốn sách này là lời bộc bạch của tác giả khi cô còn khá trẻ. Tuy là những lời tâm sự nhưng nó không được thể hiện bằng lối kể chuyện. Các mối quan tâm đến chính trị, xã hội của cô được tái diễn theo kiểu “ung dung ta nói điều ta nghĩ”, có lẽ vậy mà tôi nghĩ các bạn phải đọc cuốn sách này bằng cách nói chuyện với nó. Điều cốt lõi để có được sự đồng cảm theo cách đọc này không chỉ là cùng tác giả đi tới trang sách cuối cùng, mà phải nói chuyện nhiều lần với tác giả, nghĩa là phải đọc nó nhiều hơn một.
 
Khi thế giới vỡ òa, bắt đầu bằng tiếng van lơn thảm khóc cho sự xuống cấp về đạo đức và nhân bản tôi nhận ra mình gặp tác giả qua điểm giao nhau nằm ở chữ “Nhân”. Và chính điều này khiến tôi muốn viết lời giới thiệu cho Ước Mơ Của Thủy. Mong muốn những ai tiếp xúc được với nó, nếu không đủ khả năng đồng cảm thì chí ít cũng sẽ đọc đến trang cuối cùng… Bởi vì đây là cả một tâm huyết được viết ra từ đứa con Việt mang nhiều trăn trở. Với suy nghĩ này tôi xin chân thành giới thiệu cuốn sách đến các đọc giả. Chúc các bạn có một bữa ăn tinh thần hữu ích!
 
Nguyễn Phương Uyên

Bình Thuận, 07/06/2015
 
[1] Sáu chiếc mũ tư duy: là một mô hình tích cực hóa tư duy. Được Edward de Bono phát triển vào năm 1985 nhằm hướng mọi người cùng tập trung vào vấn đề từ cùng một góc nhìn. Do đó, sẽ triệt tiêu hoàn toàn các tranh cãi xuất phát từ các góc nhìn khác nhau, và để một vấn đề được giải quyết nhanh hơn.



                                     





NHẠC HAY MÙA GIÁNG SINH







Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Hải Quân Mỹ vẫn là 'bá chủ' trên đại dương




WASHINGTON DC - Phát triển nhanh lực lượng hải quân là một mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc, nhưng tham vọng làm chủ Thái Bình Dương sẽ không dễ, vì Hải Quân Hoa Kỳ sẽ không để cho điều này xảy ra.

Ðó là nhận định của bài viết có tựa đề “The U.S. Navy Wants to Show China Who's Boss” - (tạm dịch: Hải Quân Mỹ muốn Trung Quốc hiểu ai vẫn là 'bá chủ' trên đại dương) trên tờ Foreign Policy, hôm 14 Tháng Mười Hai, 2015.


Hàng không mẫu hạm USS Ranger (CVA-61) của Hải Quân Hoa Kỳ. (Hình: Getty Images)

Theo bài báo, từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay, Hải Quân Mỹ đứng đầu thế giới, vượt xa tất cả mọi nước về số chiến hạm các loại cũng như kỹ thuật và kinh nghiệm hoạt động trên tất cả các đại dương. Gần đây, bằng thái độ dứt khoát, Hoa Kỳ đã cảnh báo cho Trung Quốc hiểu là họ không thể tìm cách kiểm soát và hạn chế tự do lưu thông hàng hải trong vùng Biển Ðông,

Cho dù Trung Quốc có thể phát triển nhanh về số chiến hạm và vũ khí nhưng sẽ còn rất lâu mới có thể đạt tới trình độ đương đầu ngang ngửa với Hoa Kỳ.

Một tài liệu chiến lược chính thức do Trung Quốc phổ biến hồi Tháng Năm nói rằng: “Phải từ bỏ quan niệm truyền thống là đất có giá trị hơn biển. Cần đặt nặng việc quản lý mặt biển, bảo vệ quyền hàng hải và lợi ích hải dương. Do đó Trung Quốc cần phải trở nên một cường quốc hải quân.”

Mặc dầu viễn tượng xảy ra xung đột với Trung Quốc hãy còn rất xa vời, nhưng Ngũ Giác Ðài và các phân tích gia tin rằng chỉ nhận thức là Hoa Kỳ đã mất đi lợi thế quân sự cũng có tác dụng tổn hại đến tâm lý các nước đồng minh cùng đối tác. Bất kỳ một dấu hiệu yếu đuối hay khoan nhượng nào của Mỹ đều sẽ khuyến khích quân lực Trung Quốc trong thời điểm Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách bành trướng, tranh chấp biển đảo ở Ðông Nam Á và những vùng biển khác.

Ðể đương đầu với những ý đồ của Trung Quốc, Hoa Kỳ cần phát triển thêm những hệ thống vũ khí mới, đồng thời thay đổi chiến lược, chiến thuật thích ứng với tình thế tương lai.

Hải Quân Hoa Kỳ cần trang bị cho các chiến hạm nổi và tàu ngầm những loại hỏa tiễn với tầm hoạt động xa và có khả chống kỹ thuật phòng thủ của tàu địch. Loại hỏa tiễn bình phi Tomahawk có từ thập niên 1950 và được sử dụng lần đầu tiên trong chiến tranh vùng Vịnh, đến nay cần phải được cải tiến. Trước kia chỉ nhắm tấn công những mục tiêu cố định trên mặt đất, hỏa tiễn Tomahawk cải tiến được thử nghiệm hồi Tháng Giêng năm nay có tầm bắn xa hơn và đánh trúng những chiến hạm di chuyển trên mặt biển.

Trung Úy Robert Myers, một phát ngôn viên Hải Quân Mỹ, nói rằng trong ít năm tới, loại hỏa tiễn mới này sẽ được trang bị cho các hạm đội. Hỏa tiễn tầm xa chống chiến hạm và hỏa tiễn phòng không như kiểu SM-6 do Na Uy phát triển, phóng đi từ máy bay cũng đang được sản xuất. Nhu cầu tăng cường hỏa lực cho tất cả các chiến hạm nổi, thay vì chỉ tập trung vào hàng không mẫu hạm và tàu ngầm để tấn công, là chiến thuật mà nhiều sĩ quan cao cấp tán thưởng. Chủ trương của họ là “cái gì nổi đều có thể tấn công.”

Cùng với việc gia tăng những vũ khí mới cho chiến hạm, phải tính tới việc Trung Quốc phát triển nhiều loại hỏa tiễn chiến thuật có tầm bắn xa từ 100 đến 900 hải lý. Ðặc biệt hỏa tiễn đạn đạo “Ðông Phong” DF-21D gọi là “diệt mẫu hạm,” được Trung Quốc trình diện trong cuộc diễn binh hồi Tháng Chín, là một vũ khí đáng phải quan tâm đề phòng.


Hỏa tiễn địa-hải (chống chiến hạm) Ðông Phong DF-21D của Trung Quốc đặt trên xe di động. (Hình: Andy Wong - Pool /Getty Images)

Loại hỏa tiễn bình phi YJ-18 phóng đi từ tàu ngầm cũng là một mối đe dọa khác. Những vũ khí như thế khiến các hải đội hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ không thể tập trung đến một điểm quá gần bờ biển để cho máy bay tấn công cất cánh.

Do đó chiến thuật chiếm lãnh quyền bá chủ không phận mà Hải Quân Hoa Kỳ đã áp dụng trong những cuộc xung đột cục bộ từ sau Thế Chiến II đến nay cần phải được thay đổi.

David Ochmanek, phân tích gia của cơ quan nghiên cứu chiến lược END Corporation nói rằng nếu dùng tới thời gian nhiều ngày triệt hạ khả năng phòng không để chiếm được quyền làm chủ không phận, thì có thể sẽ là quá trễ vì Trung Quốc có thể đạt mục tiêu của họ trước đó. Vì vậy nhu cầu căn bản của quân lực Hoa Kỳ là phải di động nhanh chóng, không cho đối phương có khả năng tấn công như ý định.

Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cũng sẽ không chỉ tập trung ở những căn cứ lớn để có thể bị nhiều tổn thất do một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, mà sẽ được phân tán ra các hải đảo nhỏ trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Bộ quốc phòng đang xem xét việc xây dựng căn cứ quân sự ở nhiều hải đảo xa xôi hẻo lánh trên Thái Bình Dương, tương tự như thời kỳ Thế Chiến II.

Hiện nay Hoa Kỳ có 272 chiến hạm nổi và tàu ngầm cùng với hơn 150 chiến hạm được đặt trong tình trạng dự bị sẵn sàng sử dụng khi cần. Lực lượng 9 hàng không mẫu hạm nguyên tử đang hoạt động là sức mạnh không hải quân nào khác có thể so sánh.

Trung Quốc đã chế tạo rất nhanh nhiều chiến hạm mới, hiện có khoảng 300 chiến hạm, nhưng hải quân nước này hãy còn kém xa về nhiều mặt từ khí tài đến khả năng hoạt động. Trong thập niên vừa qua, trung bình mỗi năm ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 9.5%. Chừng 1/3 ngân sách quốc phòng $165 tỷ một năm dành cho hải quân.

Một quốc gia khác có hải lực lớn là Nga với khoảng 280 chiến hạm nhưng một phần lớn đã lỗi thời. Với tình trạng kinh tế khó khăn bây giờ, các phân tích gia quân sự không hề dự đoán Hải Quân Nga có thể phát triển đến đâu. Gần đây Hải Quân Nga đã biểu diễn sức mạnh qua các cuộc phóng hỏa tiễn bình phi từ chiến hạm nổi trên biển Caspian và tàu ngầm ở Ðịa Trung Hải. Tuy nhiên những thể hiện này mới chỉ mang tính tượng trưng, kể cả việc duy trì một hải đội đặc nhiệm tác chiến ở Ðịa Trung Hải cũng không phải là dễ dàng.

Còn Hải Quân Hoa Kỳ, để làm đòn bẩy trong việc vận động ngân sách, vẫn trình bày tình hình phát triển hải quân của Trung Quốc như là mối đe dọa. Một số ý kiến hoài nghi cho rằng có thể Hoa Kỳ đã phóng đại nguy cơ Trung Quốc dù rằng nguy cơ này là có thật.

Trong cuộc tranh cử năm 2012, vấn đề hải quân cũng được nêu ra. Ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney phê phán Tổng Thống Obama đã coi nhẹ tình trạng của hạm đội Mỹ, số chiến hạm ngày nay còn kém cả năm 1916 khi Mỹ sắp tham gia Thế Chiến I và Hải Quân Mỹ đang tiến lên vị trí đứng đầu thế giới. Ông Obama đáp lại bằng cách diễu: “Ông nói về hải quân chúng ta không có nhiếu chiến hạm như hồi đầu thế kỷ trước. Phải thêm là hiện nay chúng ta không có nhiều ngựa và lưỡi lê nữa.”
Nhưng phát triển vũ khí mới là cần thiết và trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới, đề tài này sẽ còn được nói đến nhiều. Bà Carly Fiorina trong cuộc tranh luận hồi Tháng Chín đã tỏ ra có nhiều quan tâm về lực lượng quân sự Mỹ, bà đề nghị tăng số chiến hạm hiện dịch lên 350 và phát biểu này thu hút sự chú ý, với kết quả sau đó theo thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ tăng lên hàng thứ ba.

Một điều chắc chắn là nếu Hải Quân Trung Quốc, hiện đứng hàng thứ nhì trên thế giới, muốn lên ngang với Hoa Kỳ, thì ít lắm cũng phải 25 năm nữa mới có thể đặt vấn đề này.


Điện Thư Của Đại Tá Tôn Thất Tuấn, Tùy Viên Quốc Phòng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Viết Về Công Tác Trùng Tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa



From: Tonfamily
Date: November 18, 2015 at 5:58:14 AM EST
To: bietdongquandc
Subject: Kính chào Hội BĐQ DC và phụ cận

Kính thưa quý bác, cô chú và anh chị Hội Biệt Động Quân DC và phụ cận,
 
Dạo này qúy bác, cô chú và anh chị khoẻ luôn chứ?  Bên này Thu Hà và Tuấn vẫn bình thường. Công việc của Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam tuy rất bận nhưng cũng có cơ hội đi lại đây đó trong mấy tuần qua như Huế và Sài Gòn.

Tuần vừa rồi Tuấn đi cùng anh bạn thuộc VAF đến thăm NTQĐBH.  Khung cảnh ở đây thật buồn nhưng được biết là 2,447 ngôi mộ cũng đã trùng tu xong do sự đóng góp của nhiều cá nhân và hội đoàn khác nhau [trong đó có Hội BĐQ DC&PC].  Khí hậu bên mày ẩm lắm cho nên sau khi quét vôi trắng lên trên mộ được 5-6 tháng thì lại bắt đầu thấy rong rêu.  Thật là khổ ải trong việc bảo tồn nghĩa trang cho đúng lòng tôn kính của chúng ta!


Đội Chung Sự
 
Cũng xin báo qúy bác, cô chú và anh chị rõ là ông Đại sứ Ted Osius cũng đã đến thăm NTQĐBH vào ngày 16/10.  Ông nói với Tuấn ông đến thăm nghĩa trang trước là để tỏ lòng tôn kính đến sự hy sinh của những anh linh chiến sĩ VNCH nơi đây và cũng để chính ông có thể tự nhận định được tình trạng hiện tại của nghĩa trang.

Gởi quý bác, cô chú và anh chị xem hình ông Osius đến thăm nghĩa trang và bản tổng kết trùng tu do VAF tóm lược.


blank

Tuấn thiết nghĩ cộng đồng mình cần hợp lại công sức nhiều hơn nữa mới có thể làm xong việc trùng tu này.  Tuấn được may mắn đang làm việc với một ông Đại sứ có tầm nhìn rất xa và thiết tha với nguyện vọng của những người Mỹ gốc Việt.

Vài hàng thăm sức khoẻ qúy bác, cô chú và anh chị và cho Tuấn Hà gởi lời thăm đến Tổng Hội Biệt Động Quân.

Rất kính mến,

Đại tá Tôn Thất Tuấn, Lục quân Hoa Kỳ
Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ
Đại Sứ Quán Hoa Kỳ – Hà Nội, Việt Nam

 

Có Những Ngôi Trường Như Thế - Tác giả Nguyễn Bích Thủy







Ở Mỹ nếu muốn trau dồi thêm Tiếng Việt các em thường đến học ở những ngôi chùa hay nhà thờ trong cộng đồng người Việt. Tại đây các em sẽ được thầy cô, thường là những người chưa từng qua trường lớp sư phạm, nhưng với một tấm lòng yêu trẻ họ sẽ giúp các em nắn nót từng con chữ Việt đầu đời

Chúng tôi đang sống tại Waxahachie thuộc vùng ngoại vi của Dallas - Texas. Đó là một thị trấn nhỏ nằm chênh vênh nối giữa hai thành phố lớn Dallas và Fort Worth với chủ yếu là người Mễ, Mỹ Đen, Mỹ Trắng và một số các sắc dân pha tạp khác đang sinh sống tại đây. Gia đình tôi là những người Việt Nam duy nhất đang định cư ở nơi này trong suốt mười một năm qua! Thời gian đầu mới dọn nhà từ Pennsylvania xuống, chúng tôi đã háo hức dò tìm những cái họ Lê, Lý, Trần, Hoàng, Vũ, Nguyễn … quen thuộc trong danh bạ điện thoại niên giám để tìm kiếm đồng hương; nhưng tuyệt nhiên cho mãi đến bây giờ vẫn chẳng thấy một ai!

Vậy mà trong cái thành phố nhỏ xíu này vẫn có một Quán Phở và vài tiệm Nail do người Việt làm chủ. Mỗi ngày họ phải lái xe ít nhất từ 35 đến 40 phút để đến làm việc tại cái chỗ hóc-bà-tó này, nhưng bù lại nghề nghiệp ít bị cạnh tranh và “được giá” hơn những nơi khác.

Do yêu cầu của công việc nên hãng tôi không cho phép nữ nhân viên sơn móng tay đi làm. Cũng vì thế mà tôi không có cơ hội để lân la, kết thân với những người thợ làm nail quanh vùng. Tuy nhiên có một lần để chuẩn bị cho chuyến đi chơi hai tuần lễ của mình thêm “màu sắc” nên tôi đã quyết định: đi làm nail!

Vừa bước vào tiệm tôi đã thấy bao cặp mắt của những người thợ đổ dồn vào mình nữa như ngạc nhiên, nữa như ngờ vực. Mặc dù tôi đã bảo đến để làm nail nhưng người chủ tiệm cứ hỏi đi hỏi lại:” Chị đến để xin làm nail hả?” Tôi phải nói lại lần nữa là mình đến đây không phải để kiếm job thì họ mới hết thắc mắc. Nói tiếng Việt với người Việt đôi khi cũng không phải là không khó!?!

Tiệm khá đông. Tôi phải chờ độ nữa tiếng thì mới đến lượt. Khi chuyện trò với cô thợ làm cho mình tôi mới biết tiệm tuy khai trương đã lâu nhưng tôi là khách hàng Việt Nam đầu tiên mà họ từng thấy! Tiệm lại đang rất cần thợ vì không phải ai cũng chịu đi làm xa nhà mặc dù được chủ “bao” chở đi, chở về và ăn uống cả ngày. Đó là lý do mà họ đã tỏ ra vui mừng khi thấy sự xuất hiện đường đột của tôi.

Cuộc sống của chúng tôi là thế đấy!

Không cha mẹ, không anh em, không họ hàng, không bè bạn và không cả những người nói cùng một ngôn ngữ như mình tại cái thị trấn buồn tẻ này. Những đứa con của tôi lớn lên ở một nơi mà chúng chỉ được nói tiếng Việt khi về đến nhà. Chúng luôn là một học sinh Việt Nam duy nhất trong trường suốt từ lớp Một cho đến hết trung học và luôn bị đám bạn lầm tưởng là Chinese!

Nhớ có một lần đang đi trong mall, thằng con tôi lúc ấy còn bé lắm, nó đã kề tai tôi nói nhỏ: “Việt Nam kìa mẹ”. Lần đầu tiên nó đã nghe được Tiếng Việt từ những người xa lạ mà không phải là ba, là mẹ hay chị Hai của nó, vậy mà trong tia mắt của thằng bé ánh lên nét mừng rỡ như vừa gặp được người thân! Sức mạnh của ngôn ngữ sao thật dịu kỳ!!! Tôi nhìn con mà thấy thương nó vô vàn. Đã có biết bao đứa trẻ gốc Việt được sinh ra và lớn lên tại xứ người như con trai của tôi? Đa phần con của những kẻ di dân hay tị nạn như chúng đều sống thiếu tình thương của ông bà, cô bác, cậu dì và họ hàng gần xa. Nổi mất mát đó sẽ theo bọn trẻ suốt cả thời thơ ấu và sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của chúng sau này.

Từ trong sâu thẩm của một người mẹ, tôi luôn mang một tâm nguyện muốn đem con trai của mình đến gần với cộng đồng Việt Nam. Chính những lớp học Việt ngữ là nơi lý tưởng nhất tạo điều kiện để thằng bé có cơ hội gần gũi tiếp xúc với thầy cô và những bạn bè cùng trang lứa với nó.

Một ý nghĩa thiết thực khác nữa là tại Texas hầu hết các văn bản hành chánh thậm chí thư của nhà trường gửi về cho phụ huynh cũng được viết bằng English và Spanish. Do đó, cơ hội sẽ mở ra cho những ai biết sử dụng thành thạo song ngữ là điều tất nhiên. Tương tự như thế, tại nhiều nơi trên đất nước Hoa Kỳ cộng đồng Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, chắc chắn Tiếng Việt rồi đây sẽ ngày càng phổ biến. Do vậy, việc nói và viết Tiếng Việt trôi chảy sẽ giúp cho các em một ưu thế khi bước vào đời.

Tôi lại mang một “tham vọng” khác là muốn trao cho con trai mình thêm một chiếc chìa khóa nữa để mở những cánh cửa thương yêu, đồng cảm qua việc rèn luyện tiếng Việt trong một cộng đồng thuần Việt cách nhà tôi khoảng 40 phút lái xe!

*

Mười năm về trước các lớp Việt ngữ tại đây chỉ gói gọn trong dăm ba phòng học nhỏ, thầy và trò cũng không nhiều như bây giờ. Lần đầu đến đó, tôi đã quyết định chờ con lớn chút sẽ cho nó đi học Tiếng Việt tại đây (vì thằng bé khi ấy chừng ngoài ba tuổi). Ấy vậy mà ròng rã suốt sáu, bảy năm sau đó lịch làm việc của tôi chỉ nghỉ Thứ Sáu và Thứ Bảy hàng tuần mà lớp Tiếng Việt lại dạy vào ngày Chúa Nhật. Đành phải chờ thôi!

Thật may làm sao thời gian vừa qua tôi được đổi sang nghỉ Chúa Nhật và Thứ Hai (vẫn chưa đủ thâm niên để nghỉ Saturday & Sunday). Thế là cuối cùng tôi đã đạt được ý nguyện của mình sau bao năm chờ đợi, mặc dù con tôi giờ đã 11 tuổi rồi! Nhưng thà trễ vẫn còn hơn không!

Tuy nhiên, khi ý định này đưa ra bàn thì ông xã tôi đã “bỏ phiếu chống” ngay lập tức. Lý do khá thuyết phục vì cả hai vợ chồng đều làm khác ca nên chúng tôi chỉ có duy nhất đúng một ngày Chúa Nhật để cả nhà quây quần bên nhau. Giờ đây nếu theo đuổi lớp Việt ngữ, con trai tôi phải đi học đến một giờ trưa Chúa Nhật, coi như bay vèo hết nữa ngày nên ông xã tôi tỏ ý không tán thành. Biết vậy nên tôi chỉ đành xuống-nước-nhỏ:

- Em nghĩ bây giờ nếu mình không chịu khó đưa con đi học tiếng Việt thì sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội nào nữa. Con mình ngày một lớn, sẽ khó cho nó khi học thêm một sinh ngữ nữa. Chưa kể sau này bài vỡ ở trường ngày càng nhiều, nó đâu còn thời gian để học môn khác.

Ngừng giây lát, tôi nói tiếp:

- Bây giờ nếu không cho con đi học Tiếng Việt, sau này chắc em sẽ luôn mang mặc cảm có lỗi với nó!

Tôi định nói tiếp là với cả với mẹ em nữa nhưng tôi đã kịp dừng lại. Đúng vậy! Có lần trong một email gửi cho tôi, mẹ đã viết kèm thêm vài dòng cho thằng cháu Ngoại của bà như sau:

Cháu cưng của bà Ngoại.

Con ráng học Tiếng Việt cho giỏi. Mình phải ra nước ngoài sống, đã bị mất nước rồi đừng để mất thêm tiếng Việt nữa nha con!

Tôi đã giải thích cho con trai tôi hiểu ý của Ngoại nó muốn nói gì. Tôi cũng đã đọc đi đọc lại nhiều lần và tự hỏi không biết đây là những lời mẹ muốn viết riêng cho cháu Ngoại của bà hay mẹ đang muốn viết để nhắc nhở tôi?!

Với cương vị là một nhà giáo thuộc thập niên 50, 60, 70, 80 của thế kỷ trước, đối với mẹ tôi việc giữ gìn Tiếng Việt là hết sức quan trọng. Từ khi con trai tôi bắt đầu vào Lớp Một là bà Ngoại từ Việt Nam đã gửi sang những bộ sách vỡ lòng Học Vần, Tập Viết cốt để cho thằng cháu làm quen với “mặt chữ”. Cũng nhờ thế mà con tôi đã không bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đến với lớp Việt ngữ.

Dự tính cho con đi học Tiếng Việt của tôi thoạt tiên bị ông xã phản đối, nhưng thật bất ngờ sau đó anh đã đồng ý! Tôi đã vui mừng vô hạn trong suốt nhiều tuần lễ liên tiếp trước khi đưa con đi nhập học. Ngày tựu trường ngồi bên con tôi ngắm nhìn những đứa trẻ cùng một màu da, cùng một màu tóc, cùng một màu mắt và cùng nói một “e” tiếng Việt lơ lớ như con mình mà xúc động đến rưng rưng nước mắt!

Trường tuy chỉ học một ngày duy nhất trong tuần nhưng nội quy cũng hết sức chặt chẽ. Các em được yêu cầu mặc đồng phục áo thun có cổ và phải là màu trắng khi đến trường. Ngoài việc học Tiếng Việt các em cũng được tập hát, tập múa để tham gia trình diễn văn nghệ trong các dịp lễ Vu Lan và Tết Nguyên Đán hàng năm. Bên cạnh đó là những sinh hoạt khác như: Rước đèn Trung Thu, cắm trại... cũng được các thầy cô tổ chức hết sức chu đáo.

Cũng nên nói thêm ngôi trường mà con tôi theo học nằm bên trong thiền viện Quang Chiếu, (thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử) được xây dựng năm 2000. Nơi đây cảnh vật rất nên thơ hữu tình được bao bọc bởi những rặng sồi, có hoa nở suốt bốn mùa và nằm cách xa khu đô thị sầm uất bên ngoài.

Trái hẳn với gần mười năm trước, giờ đây trường lớp trông thật khang trang bề thế với một hội trường mới xây có sức chứa hàng trăm người và một sân khấu khá chuyên nghiệp. Đó là tất cả những công sức do các nhà Mạnh Thường Quân và Phật tử đã chung tay đóng góp. Nhưng đặc biệt nhất chính là nhờ tấm lòng từ bi của các quý sư cô đang trông nôm ngôi thiền tự. Các vị đã đến cuộc đời này với một hạnh nguyện muốn được giải thoát nhưng ngoài việc tu tập và hoằng pháp họ vẫn luôn quan tâm đến thế hệ mầm non và việc duy trì Tiếng Việt nơi xứ người. Đó là lý do mà các lớp Việt ngữ đã luôn đồng hành với ngôi thiền tự từ những ngày đầu tiên mới thành lập.

Số học sinh theo học tại trường ngày càng gia tăng, điều này cũng nói lên mối quan tâm của các phụ huynh đối với Tiếng Việt. Mỗi lớp có hai giáo viên phụ trách môn Việt ngữ và một giáo viên dạy về Phật pháp. Điều đáng quý nhất là các học sinh được thầy cô giảng bằng song ngữ Việt - Mỹ để giúp các em có thể hiểu chính xác ngữ nghĩa hơn. Nhiều giáo viên trẻ sau khi ra trường đã thành đạt, họ vẫn tiếp tục quay về để phụ giúp thầy cô của mình vun bồi cho lớp đàn em. Đó là một nét đẹp mà tôi đã thấy được tại ngôi trường này.

Vào mỗi sáng Chúa Nhật không khí tại thiền viện thật rộn ràng. Các thầy cô đến đây dạy thiện nguyện, các em học sinh đủ mọi lứa tuổi đến đây học Tiếng Việt, còn hàng Phật tử thì đến đây để Sám Hối, nghe pháp, thiền hành và làm công quả như quét sân, trùng tu cây cảnh và chăm sóc vẻ mỹ quan của ngôi chùa.

Tôi được biết có nhiều gia đình vào ngày Chúa Nhật cả ba thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái đều tập trung về thiền viện. Ông bà lên chùa làm lễ và nghe thuyết pháp, cha mẹ đảm trách việc “đứng lớp”, “đứng bếp” hay trồng cây, nhổ cỏ… còn các con thì theo học lớp Việt Ngữ. Đến trưa tất cả mọi người tập trung tại trai đường dùng bửa chay. Nhờ một số Phật tử đã phát tâm đến đây lo việc bếp núc nên bá tánh luôn có được những bửa trưa thanh đạm nhưng đủ chất. Nhiều người cũng tự nấu chè xôi, bánh ngọt… tại nhà rồi mang đến để chia sẻ cho đại chúng. Thật hoan hỷ biết bao!

Thời khóa biểu của các em học sinh bao gồm: buổi sáng học Tiếng Việt, ăn trưa nghỉ ngơi và buổi chiều học Phật pháp. Đối với các em nội dung của những bài pháp đơn thuần là những bài học đạo đức dạy các em biết thương yêu người và vật, không sát sanh, không tham lam trộm cấp, không nối dối. Riêng đối với các em ở độ tuổi thiếu niên thầy cô sẽ dạy cho các em phải tránh xa những bạn xấu, các chất gây nghiện, cờ bạc, rượu chè và phải biết sống chung thủy, giữ gìn tiết hạnh để không tự làm khổ mình và những người chung quanh. Thiết nghĩ đó là những bài học mang tính nhân văn cần thiết cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

Nhưng đặc biệt nhất phải kể là những buổi tọa thiền của các học sinh. Dưới sự hướng dẫn của các quý sư cô các em sẽ được trải nghiệm những giây phút tĩnh lặng trong chánh niệm từ lúc còn rất nhỏ. Được biết ngày nay nhiều trường học tại Mỹ và trên thế giới đã đem áp dụng thiền vào học đường với cái tên là “Quiet Time” để ngăn chặn bạo lực, trốn học, trầm cảm … đang ngày càng gia tăng. Sau một thời gian thiền hành các em đã cảm thấy hạnh phúc hơn, siêng học hơn và được tăng cường thể lực hơn. Đó là tất cả những kết quả tốt đẹp mà trường Trung học Visitacion Valley tại San Francisco đã có được sau hàng loạt những vấn nạn về băng đảng ma tuý, thanh toán đẫm máu xảy ra nhan nhãn tại trường trước đây.

Cũng như biết bao ngôi chùa hay nhà thờ đã mọc lên trên xứ sở cờ hoa này, ngôi thiền tự của chúng tôi được thành hình từ bao ước nguyện của những người con Việt xa xứ. Khi chúng ta đặt chân đến đất nước này là chúng ta đã mất đi quê hương, gia đình, bạn bè và thậm chí có kẻ mất luôn cả những người thân yêu nhất của mình trên bước đường đào tị. Chúng ta chỉ còn lại một đức tin để sống và quay về sau biết bao thăng trầm của cuộc đời mình.

Tôn giáo đôi khi không chỉ là một tín ngưỡng mà nó còn là một sợi dây xuyên suốt nối kết nhiều thế hệ với nhau dưới một mái gia đình mà ai ai cũng muốn nâng niu gìn giữ khi đã xa lìa. Khi hàng Phật tử hay những con chiên cùng quây quần trong một ngôi chùa hay nhà thờ Việt Nam tại xứ người, họ cảm thấy ấm lòng như đang được sống về những ngày tháng cũ. Ở Mỹ nhìn đâu cũng thấy toàn người lạ, đi đâu cũng thấy khác với quê nhà. Người Việt chỉ tìm đến với nhau qua những cái chợ, những ngôi chùa hay nhà thờ… Chợ thật gần gũi vì ở đó họ tìm được những món ăn truyền thống gắn liền với một thời kỷ niệm. Nhưng người ta lại tìm đến với ngôi Tam Bảo hay Thánh Đường cốt để nuôi lớn tâm từ bi và trí tuệ của mình trước cuộc đời nhiều nghịch cảnh, va vấp.

Nhớ lại khoảng 45 năm về trước, lúc đó tôi chỉ là một con bé khoảng bảy hay tám tuổi. Mỗi dịp hè mẹ thường cho tôi sang nhà Ngoại ở chơi ít tuần. Ông ngoại tôi lúc đó độ ngoài sáu mươi lăm. Mỗi tối sau khi cơm nước xong Ngoại tôi hay đạp xe lên chùa đọc kinh và phụ làm công quả. Vào những dịp đó tôi được ông “ràng” cẩn thận phía sau yên xe đạp của mình rồi ông thong thả chở tôi đến chùa.

Tại đây sau khi lạy Phật, nghe vài thời chuông mõ là tôi đã thiếp đi bên cạnh Ngoại mình giữa những tiếng ngân nga tụng niệm và mùi trầm hương ngan ngát. Sau khi lễ xong, Ngoại lay tôi dậy và trên đường về thế nào ông cũng ghé mua cho tôi khi thì cái bánh bao, khi thì cái bánh bò, bánh tiêu. Có lẽ chính vì thế nên tối nào tôi cũng nằng nặc đòi đi chùa với Ngoại cho bằng được. Ngoại tôi mất trong những năm đầu tiên sau ngày mất nước.

Khoảng 30 năm trước, mỗi tháng mẹ tôi thường cùng các đạo hữu của bà đi chùa xa một lần. Thỉnh thoảng tôi cũng đi theo mẹ chơi-cho-vui, cốt chỉ vì tò mò và cũng muốn làm bạn đường với mẹ. Đến chùa, sau khi được Hoà Thượng trụ trì trả lời những pháp thoại thì mọi người dùng bửa ngọ. Vào dịp này, khách thập phương tập trung về chùa thật đông vô kể. Vào xế trưa, mẹ tôi lại đến một ngôi thiền viện cạnh đấy để nghe các sư cô giảng pháp tiếp. Trong lúc mẹ tôi ngồi chăm chú để thấm nhuần mưa pháp thì tôi luôn lẽn ra ngoài vãn cảnh chùa và nghiền ngẫm những bức tranh thư pháp treo trên tường. Lúc đó tôi vẫn chưa hề biết khổ!

Rồi tôi đi Mỹ năm 2000.

Có thể nói cho đến lúc này tôi đã biết thế nào là mùi vị của khổ đau! Khi tôi đang ngập chìm trong đau khổ thì chính mẹ đã cứu lấy cuộc đời tôi bằng những bài pháp đơn giản nhưng cũng thật sâu sắc của bà. Tôi như người được tỉnh giấc sau một giấc mộng dài. Để rồi giờ đây tôi phải nói lới cám ơn internet biết bao nhiêu! Nhờ mạng lưới toàn cầu này tôi đã nhóm được “ngọn lửa tâm” của mình. Cái ngọn lửa mà bấy lâu nay tôi nào hay biết!

Cũng chính tại ngôi thiền viện này lòng tôi lại sống về biết bao kỷ niệm. Tôi nhớ đến Ngoại tôi, nhớ đến mẹ tôi. Họ là những người đã gieo trong tôi những hạt giống bồ đề đầu tiên để đến hôm nay nó đang ươm mầm và lớn lên thành quả ngọt. Cũng nhờ hữu duyên nên giờ đây qua những lời thuyết giảng của các quý sư cô một lần nữa đã giúp cho cây-bồ-đề của tôi luôn ngày một xanh tốt.

Sau những buổi tan trường, hai mẹ con tôi thường đi dưới bóng mát của những rặng sồi trong thiền viện mà thấy vui vui trong lòng. Thằng con tôi thì lúc nào cũng tươi cười luôn miệng kể về những đứa bạn trong lớp như: Alex, Peter, Tony… mặc dù những cái tên nghe rất-Mỹ nhưng chúng cũng da vàng, mũi tẹt, tóc đen như nhau. Lần nào tôi cũng hỏi nó:

- Hôm nay cô dạy có dễ hiểu không con?

Và lần nào nó cũng trả lời y như nhau:

- Teacher nói bằng Vietnamese and English mà mẹ. Dễ hiểu lắm!

Con trai tôi thích đi học Tiếng Việt từ ngay ngày đầu tiên đến trường. Chẳng biết vì nó tình cờ gặp được hai đứa bạn cùng học chung một “lò võ” của một ông thầy người Đại Hàn hay vì thằng cháu đang muốn làm cho bà Ngoại vui lòng?! Dù thế nào đi nữa tôi cũng rất mừng.

Riêng ở tôi. Sau những buổi tan trường của cả hai mẹ con, tôi nghe lòng mình nhẹ tênh và thanh thản một cách lạ thường. Một cảm giác thật bình an trong nội tại, điều này khiến tôi chợt thấu hiểu vì sao người ta thường nói:” Tâm an - thế giới an”.

Tôi biết rằng ở đâu đó trên trái đất này vẫn có những lớp học, những nhà thờ, những ngôi chùa đang góp phần gìn giữ tiếng nói, văn hóa và truyền thống của người Việt Nam trên xứ người như ngôi thiền viện của chúng tôi hiện nay vậy. Thật đáng trân trọng làm sao!

Hơn 40 năm trước chắc chẳng ai trong chúng ta nghĩ sẽ có một ngày mình bị mất nước để rồi phải sống một đời lưu vong nơi xứ lạ quê người. Hơn 40 năm sau mặc dù bị mất nước nhưng chắc chẳng ai trong chúng ta muốn mất đi Tiếng Việt của mình thêm một lần nữa.

Lưỡi Câu móc Lưỡi Bò - Tác giả Đoàn Hưng Quốc



Với hiệp ước quốc phòng cho phép máy bay tuần thám được sử dụng căn cứ tại Singapore Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang siết dần Móc Câu (Fish Hook) để bao vây lực lượng Trung Quốc không cho thoát ra khỏi vùng chuỗi đảo thứ nhất (First Island Chain).

Lưỡi câu gồm các máy bay tối tân loại P-3 và P-8 của Mỹ-Nhật-Đài Loan-Úc-Singapore liên tục tuần tra vùng Biển Đông, kèm theo mạng lưới sonar (sonarboys) dưới biển chạy từ eo biển Đối Mã (giữa Nam Hàn và Nhật Bản), dài xuống quần đảo Điếu Ngư, dọc Đài Loan, Philippines, xuống gần đến Úc và móc ngược lên Singapore tại eo biển Mã Lai nhằm theo dõi hoạt động của tàu chiến và tàu ngầm Hoa Lục. Lưỡi câu còn được tăng cường bởi 4 trạm radar tầm xa đặt tại Nam Hàn, Nhật Bản, Philippines và Úc nhằm phát hiện sớm lúc các hỏa tiến chiến lược Đông Phong DF-21 cùng máy bay chiến đấu tầm xa lúc vừa được phóng lên rời đất liền.

Tưởng cũng nên nhắc lại Trung Quốc phát triển chiến lược Chống Tiếp Cận – Ngăn Cản Từ Xa (Area Denial – Anti Access, gọi tắt là A2AD) với hai mục tiêu: nếu xảy ra tranh chấp thì phải ngăn cản từ xa chận đứng hạm đội Mỹ phía Tây Thái Bình Dương tiến gần tiếp trợ cho các lực lượng ở Nhật, Nam Hàn và Đài Loan; và đánh hạ các tàu chiến máy bay lọt vào được Nội Hải gồm eo biển Đài Loan và bên trong đường Lưỡi Bò tức là chống tiếp cận để bảo vệ vùng duyên hải bao nơi đặt các trung tâm chiến lược như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến và căn cứ tàu ngầm tại Hải Nam.

Bắc Kinh đã xây dựng lực lượng đủ mạnh cho phần Chống Tiếp Cận vì hạm đội của Mỹ ngày này khó lòng hoạt động trong khu vực biển Nội Hải mà không phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Ngược lại Hoa Kỳ cùng các đồng minh phối hợp thành hình Móc Câu để phá vỡ phần Ngăn Cản Từ Xa, vì trong trường hợp có tranh chấp nếu không được tiếp trợ từ Tây Thái Bình Dương thì Nam Hàn – Nhật Bản – Đài Loan – Phi đều bị trực tiếp đe dọa, còn lại Mã Lai – Singapore – Indonesia – Úc và cả Ấn Độ cũng gánh chịu áp lực nặng nề.

Để ngăn cản từ xa Bắc Kinh dùng giáo dài chống gươm ngắn tức trường thắng đoản. Ngọn giáo dài của Trung Quốc gồm các tàu ngầm, hỏa tiễn Đông Phong DF-21 và máy bay chiến đấu trang bị hỏa tiễn chống hạm tầm xa tấn công hạm đội Hoa Kỳ từ Chuỗi Đảo Thứ Hai (Second Chain Island) tức các căn cứ ở Guam và Hawai; gươm của Mỹ ngắn vì tầm hoạt động của máy bay từ các hàng không mẫu hạm ngắn hơn các vũ khí nói trên nên lực lượng Hoa Kỳ sẽ bị đánh trước làm tiêu hao sức mạnh trước khi tiến được gần để trả đủa. Dĩ nhiên là Mỹ cũng có ngọn giáo dài gồm tàu ngầm, hỏa tiễn liên lục địa và oanh tạc cơ chiến lược.

Nhưng cách thức ngăn chận hữu hiệu nhất vẫn là phát hiện sớm nên các dàn radar tầm xa dọc theo Lưỡi Câu sẽ báo động khi hỏa tiển Đông Phong DF-21 và máy bay chiến đấu Trung Quốc vừa rời căn cứ; máy bay thám sát P-8/P-3 và dàn lưới sonar sẽ theo dõi và ngăn trở tàu ngầm Trung Quốc muốn thoát ra khỏi biển Nội Hải. Trong chiến tranh lạnh NATO đã bủa vây một mạng lưới tương tợ tại vùng biển Barents Sea nhằm ngăn chận hạm đội Sô-Viết không cho thoát ra Đại Tây Dương.

Ngược đến Thế Chiến Thứ Hai thì Đồng Minh có thể thua trận nếu Đức Quốc Xã ngăn chận được đường biển tiếp liệu ở Đại Tây Dương từ Mỹ sang Anh; và Úc đã lọt vào tay phát xít Nhật nếu không bị đánh bại tại vùng biển San Hô nằm sát Indonesia và Úc. Đây là các bài học để Mỹ-Hàn-Nhật-Đài Loan-Phi-Mã Lai-Singapore-Úc-Ấn phối họp thực hiện Móc Câu nhằm kềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên ngay bên trong biển Đông thì Hoa Kỳ và các nước vẫn đang tìm cách đối phó với chiến lược tầm ăn dâu của Bắc Kinh. Nếu Tòa Án Trọng Tài quốc tế xử Phi thắng thì Hoa Kỳ có thể nghiêng về và công khai giúp đỡ Phi chận tầm ăn dâu vì có cơ sở luật pháp quốc tế, thay vì “không nghiêng về phía bên nào” như hiện nay. Phi cũng có thể đồng ý cho Hoa Kỳ đặt dàn hỏa tiễn địa-đối-hải và địa-đối-không để đối phó với các căn cứ đang được xây trên những đảo nhân tạo.

Riêng Việt Nam thì Hoa Kỳ không thể ngăn trở Trung Quốc đặt các dàn khoang hay cướp phá ngư dân, vì đây là công việc của nhà nước Việt Nam nhưng chính nhà cầm quyền còn im hơi lặng tiếng. Hoa Kỳ mở ra cho Việt Nam cánh cửa TPP hy vọng Hà Nội sẽ dùng đó để thoát dần ảnh hưởng phương Bắc. Nhưng thuần túy về quân sự thì Việt Nam không có địa thế quan trọng trong Móc Câu. Tuy nhiên Hoa Kỳ sẽ rất hài lòng nếu xử dụng được cảng Cam Ranh để một mặt ngăn cản Nga không dùng căn cứ này quấy nhiễu tàu chiến máy bay Mỹ, lại thêm được một trạm quan sát nhìn thẳng vào căn cứ tàu ngầm tối mật của Trung Quốc tại đảo Hải Nam. Hiện giờ nhà cầm quyền Hà Nội không đủ can đảm chính trị để thực hiện điều này, còn thực tế là Cam Ranh chỉ còn giá trị biểu tượng vì đã bị tình báo Hoa Nam vây phủ dài đặc theo dõi mọi hoạt động bất lợi cho Bắc Kinh.

Trong khi nước mạnh như Trung Quốc hay Mỹ-Nhật-Úc-Ấn đều có chiến lược quốc phòng (military doctrine) để các nước khác gồm Hàn-Phi-Mã Lai-Singapore dựa vào đó tăng cường an ninh cho chính mình, thì Việt Nam là nước bị áp lực nặng nề nhất lại đứng riêng rẽ một mình theo kiểu không theo phe bên nào. Việt Nam hiện vung tiền mua tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tuần tra loại mới nhưng không thể xử dụng thành thạo vì không tập phối họp hoạt động quy mô với các nước lớn. Bộ Quốc Phòng cũng không hề cho thấy có chiến lược quốc phòng nhằm phản ứng trong hoàn cảnh nào, kế hoạch phối hợp ra sao và mục tiêu để làm gì. Cứ đọc trên các trang mạng của Bộ Quốc Phòng thì bên cạnh quảng cáo người mẫu thời trang và iPhone lại không tìm được một nghiên cứu đúng đắn ngoại trừ các bài ca tụng chiến tranh nhân dân vốn là hình thức vô dụng trong tranh chấp ngoài biển Đông!