khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Một chính quyền hẹp hòi và vô nhân đạo- Tác giả Nguyễn văn Tuấn





Sáng nay đọc thấy một bản tin hay, và nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ vài cảm nghĩ cá nhân về tình cảnh người tị nạn. Ít ai biết rằng trong đoàn tuỳ tùng của Tổng thống Obama trong cuộc họp thượng đỉnh tại Mã Lai có một người là cựu "thuyền nhân" Việt Nam: Elizabeth Phú. Câu chuyện của Elizabeth làm cho chúng ta phải suy nghĩ đến thái độ xua đuổi người tị nạn Bắc Hàn của chính quyền Việt Nam, mà theo tôi, là một thể hiện của sự hẹp hòi và có phần vô nhân đạo.

Ba năm sau ngày "giải phóng", Elizabeth cùng ba má cô vượt biên và đến Mã Lai. Trước 1975, ba cô từng làm việc cho sở Mĩ và sau đó bị đi tù cải tạo một thời gian. Ra tù cải tạo, gia đình lâm vào tình cảnh bế tắc, thế là gia đình quyết định vượt biên. Trong một chuyến hải hành đầy gian nan trên một chiếc thuyền với 253 người, nhưng cuối cùng thì cũng đến trại tị nạn Mã Lai. Lúc đó, Elizabeth kể, cô chỉ mới biết đi chập chững nhưng cũng có nhiều kỉ niệm trong trại tị nạn. Nhưng cô nói rằng cô rất cám ơn chính phủ Mã Lai đã cưu mang người tị nạn trong thời gian khó khăn nhất.



Elizabeth Phú, Giám đốc Đông Nam Á vụ, tháp tùng phái đoàn Mĩ của Tổng thống Obama trong hội nghị thượng đỉnh tháng 11/2015 tại Mã Lai 


Đến Mĩ, cả gia đình làm lại cuộc đời và thành công. Ba cô làm cho một công ti tài chính, mẹ thì làm y tá và nuôi con. Còn Elizabeth thì sau này theo học ở UC Berkeley về khoa học chính trị, rồi tiếp tục theo học Masters về ngành quốc tế học tại UC San Diego, và Trường Eisenhower thuộc National Defense University. Sau khi ra trường, Elizabeth làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council hay NSC), và từng trải qua chức vụ Giám đốc về Đông Nam Á vụ, Giám đốc về Đe doạ Toàn cầu, và từ 2013 làm Giám đốc về Đông Nam Á - Đại dương sự vụ (Southeast Asia and Oceania Affairs). Do đó, có thể nói rằng trong chuyến tháp tùng Tổng thống Obama về Mã Lai dự hội nghị, Elizabeth như là một cõi đi về, nhưng đi về với tư cách -- nói theo tiếng Anh là -- triumphant.

Thật ra, ông Obama cũng là người xuất phát từ Đông Nam Á. Có lẽ nhiều người biết rằng má ông Obama (tên là Ann Dunham) sau khi li dị người chồng cũ người Kenya, bà thành hôn với một cựu du học sinh người Nam Dương tên là Lolo Soetoro. Do đó, Obama theo má về sống ở Nam Dương từ năm 6 đến 10 tuổi, trước khi được gửi về Mĩ theo học trung học và đại học. Ông Obama vẫn có thể nói vài chữ Nam Dương! Thành ra, có thể nói rằng trong chuyến đi này, cả hai người -- Obama và Elizabeth Phú -- như là một chuyến đi về nguồn.

Câu chuyện đời và nghiệp của Elizabeth Phú làm cho tôi suy nghĩ về thái độ của chính quyền Việt Nam đối với người tị nạn. Nói một cách ngắn gọn: Chính quyền Việt Nam đã rất vô nhân đạo và thô bạo với người tị nạn. Hai ngày trước, báo chí cho biết rằng có 9 người Bắc Hàn tìm cách vượt biên từ Tàu sang Việt Nam để xin tị nạn, thế nhưng họ bị phát hiện và công an Móng Cái đã trục xuất họ về Tàu. Bài báo trên VOA còn cho biết rằng trước đây, một nhà ngoại giao Bắc Hàn ở VN tìm cách xin tị nạn, nhưng mất tin. Rất có thể VN đã bắt và trao trả nhà ngoại giao này cho Bắc Hàn theo yêu cầu của Bắc Hàn. Xa hơn nữa, chính quyền VN cũng bắt và trả người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Tàu, làm cho họ nổi giận và gây thương tích cho phía VN. Những sự kiện trên là chứng từ để nói rằng chính quyền VN là rất vô nhân đạo, chẳng tỏ ra có nghĩa vụ gì với quốc tế cả.

Thật vậy, Bảng xếp hạng gọi là "Good Country Index" (GCI) cho thấy VN đội sổ trong số các nước tử tế trên thế giới. Bảng xếp hạng này cho thấy VN đứng hạng 103 (trong số 124 nước) về đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới. Còn về đóng góp vào các quĩ từ thiện và cung cấp nơi nương tựa cho người tị nạn thì VN đứng hạng 123, tức áp chót! Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước “đầu trâu mặt ngựa” như Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen!

Thật ra, chính quyền VN xưa kia cũng chẳng tốt lành gì với chính công dân Việt tị nạn. Sau 1975, khi làn sóng người Việt tìm đường tị nạn, thì chính quyền tìm cách ngăn chận, thậm chí bắn bỏ. Đã có biết bao trường hợp người tị nạn ở miền Tây bị công an và bộ đội bắn chết trên đường vượt biển, dù trước đó những người này đã nộp tiền và vàng cho chính quyền. Đã có nhiều quan chức làm giàu từ các thương vụ người tị nạn. Hành động của chính quyền VN thậm chí làm cho ông Lý Quang Diệu còn nói thốt lên rằng đó là chính quyền "bỉ ổi" với chính công dân mình.

Tôi cũng là một cựu "thuyền nhân". Và, không như có người cố tình che đậy cái gốc tị nạn của mình, tôi thì chẳng dấu giếm gì điều đó, ngay cả trong trang web cá nhân tôi của Trường UNSW tôi vào đề là nói ngay mình là "refugee" như là một phát biểu lập trường với chính quyền Úc. Do đó, như là mặc định, tôi chống lại việc xua đuổi người tị nạn của Việt Nam hay bất cứ nước nào (kể cả Úc). Những người tị nạn đó, những người mà ông Phạm Văn Đồng từng nói là "ma cô đĩ điếm" đó, đang là những Elizabeth Phú, tướng Lương Xuân Việt, Đại tá Trần Bá Hùng, Giáo sư Trương Nguyện Thành (và hàng trăm giáo sư khác). Những người Bắc Hàn tìm đường sang Việt Nam có thể một ngày nào đó là Elizabeth Phú của Mĩ hiện nay.

Tại sao chính quyền VN không mở rộng vòng tay đón họ và cho họ cơ hội làm lại cuộc đời? Tại sao Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Singapore, Hồng Kông đã từng đón người tị nạn, mà Việt Nam thì không? Nếu không muốn chứa họ thì tạo điều kiện tạm thời (như các nước Đông Nam Á đã làm) để họ đi tị nạn ở Hàn Quốc, chứ sao lại trả về cho cái chính quyền tàn ác là Tàu cộng? Tôi thực tình không hiểu nổi hành động của chính quyền VN đối với người tị nạn. Ở mức độ cá nhân, sống phải tử tế với nhau; ở mức độ quốc gia, nếu muốn là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, VN cũng phải tỏ ra là một nước văn minh và nhân đạo chứ. Do đó, hành động của chính quyền VN đối với người tị nạn Bắc Hàn chỉ có thể nói là vô nhân đạo. Hi vọng rằng câu chuyện và sự trở về của Elizabeth Phú là một bài học nhãn tiền để chính quyền VN suy nghĩ lại hành động của họ đối với người tị nạn Bắc Hàn.


Những nhân vật nổi tiếng nói về TT Ngô Đình Diệm







Phỏng vấn nhà biên khảo Nguyễn Kỳ Phong







Phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn về Đệ I VNCH







Phỏng vấn ông Đoàn Bá Cang đã từng ở trong phái đoàn đàm phán Hiệp định Paris và làm đại sứ của VNCH tại Tokyo và Wellington, trước khi được cử sang Canberra vào cuối 1974.







Phỏng vấn ông Trần Đông chủ xướng tổ chức nhiều chuyến đi Về Bến Tự Do trùng tu mồ mả của các thuyền nhân bất hạnh đã vĩnh viễn nằm lại trong các trại tị nạn rải rác khắp Đông Nam Á.







Hợp Ca Hát Cho Ngày Saigon Quật Khởi







Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Nhớ 'Bụi chuối sau hè' - Tác giả Mặc Lâm



Trên thế giới này có lẽ không nước nào mà bụi chuối lại gắn bó với văn hóa ẩm thực của đất nước họ như Việt Nam. Ngay cả các nước vùng Ðông Nam Á, nơi chia sẻ khí hậu và một vài thói quen ăn uống thì bụi chuối cũng chỉ đứng khép nép trong đời sống ẩm thực của họ. Chỉ có Việt Nam, bụi chuối mới dính liền với con người từ nhỏ cho tới khi lìa đời. Lúc nghèo hèn cũng như sang cả, chuối luôn giữ một vị trí, tuy khiêm nhượng trong trái tim người Việt, nhưng kỳ lạ một điều: nó chưa bao giờ biến mất khỏi nền văn hóa lúa nước kể cả khi người Việt tha hương bất cứ phương trời nào.

Chuối sống với nhau cả bụi và hình ảnh gợi nhớ nhất của nó trong trái tim chúng ta luôn là những chiếc lá xòe ra dưới nắng mai khi mặt trời vừa lên sau vườn. Chuối luôn được trồng sau hè, và hình như đó là nơi thích họp với chúng hơn bất cứ nơi nào khác. Chuối đằm thắm như người đàn bà Việt Nam và không lấy làm lạ khi ca dao đưa hình ảnh bụi chuối chịu đựng, hiền hòa và kiên nhẫn là tâm điểm trách móc hành động “bắt cá hai tay” của đàn ông:

Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ...


Ừ, anh vì mê vợ bé nên bỏ nhà ra đi. Trong cuộc phiêu lưu đầy bất trắc ấy đôi khi anh ngồi vào chiếu rượu với bạn, trên đó bắp chuối không thể nào thiếu trong món nộm. Cái bắp chuối lực lưỡng đáng lẽ phải được gọi là hoa chuối ấy được sắt mỏng ngâm vào giấm cho trắng, một chút muối cho đậm đà, trộn chung với bắp cải, rau răm và vài cọng kinh giới có lẽ sẽ nhắc cho người xa nhà ấy chút lòng nghĩ tới vợ dại con thơ chăng?

Khi còn nhỏ, ai mà chưa từng một lần được cầm miếng chuối chiên giòn rụm, thao láo đôi mắt ngây thơ vì không thể nào biết tại sao có một món ngon lạ kỳ đến thế.

Ði học về vừa quăng cặp sách lên giường, mẹ âu yếm đưa cho một chén chuối chưng thì không một cô cậu nào không mang hình ảnh ấy đến hết cuộc đời. Chuối được nấu mềm với đường cát trắng sau khi chín thêm vào bột báng, nước cốt dừa béo ngậy mằn mặn. Một chút đậu phộng rang trên mặt là nghệ thuật của mẹ trong miếng ngon thời thơ ấu.

Miếng ngon ấy càng lớn càng gắn bó với mâm cơm, hoa chuối nấu với mẻ làm con lươn vàng ươm càng thêm thắm thiết mối tình miền Tây nước nổi. Cũng những sợi hoa chuối ấy khi nấu chung với canh chua tôm sẽ cộng hưởng vị chát vào cái ngọt của biển xanh làm cho ta khó lòng cưỡng lại.
Nguyễn Trọng Phụng có lẽ là nhà văn mang chuối vào văn học sớm nhất. Khi ông viết trong bài Lấy vợ xấu: “(chị Doãn) Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự.” Câu văn trên có vẻ oan cho những quả chuối từng được xem là chỉ để tiến vua này.

Theo Chu Mạnh Cường trong Văn Hiến Việt Nam thì “cách đây hơn 600 năm, khi vua Trần đi thuyền rồng thị sát chân đê ở sông Châu, thuyền ngự tại làng Ðại Hoàng. Dân trong vùng nô nức mang của ngon vật lạ dâng vua. Chỉ có một cặp vợ chồng nhà nghèo, không biết đem dâng vua thứ gì, sẵn trong vườn có cây chuối mới lớn ra một buồng quả chín đầu tiên, quả nhỏ thơm nức, bèn hái đem dâng. Vua Trần thấy dáng quả thật đẹp, nhỏ xinh tròn trịa, vỏ vàng, ruột vàng lại thơm kỳ lạ liền truyền lệnh cho dân làng phải nhân giống chuối này cho mọi người cùng thưởng thức. Hàng năm, nhớ tới chuối quý đức vua liền cho sai lính đến làng, chuối Ðại Hoàng từ đó có tên chuối ngự.”

Quả chuối ngự bây giờ không còn được tiến vua nhưng nó đã trở thành đặc sản của Hà Nam cũng như chiếc bắp chuối không còn e dè vì thân phận lực lưỡng của mình nữa, nó đã có vị trí khác, đỏm đáng và đầy tự hào trên các quầy rau quả tại hải ngoại.

Thật vậy, người Việt hình như không thể bỏ rơi chiếc hoa chuối thân quen này từ 40 năm qua. Có điều bắp chuối hải ngoại khá đắt, mỗi bắp cũng 5 hay 6 đô la khiến ai có cần lắm mới mang về nhà. Và cũng từ thói quen ấy những món gỏi, nộm trong cộng đồng người Việt lấy bắp chuối làm chủ đạo như một nhịp cầu, một con đò trong lòng mang mình về quê cũ.

Chuối không những có mặt trong các món ngọt, món mặn mà ngay cả món uống cũng không chịu kém. Nếu ta từng thích món hột é đười ươi hay sương sâm sương sáo thì không thể nào thiếu dầu chuối, một loại tinh dầu có hương vị không thể quên trong các món đá bào. Vài giọt dầu chuối vào ly nước mùi hương của nó sẽ khiến ta quên đời ngay để lim dim nhớ về cánh diều của thời thơ ấu.

Nói chuối mà quên lá thì thật là thiếu sót. Lá chuối không thể thiếu vào ngày Tết khi từng bó được kìn kịt mang ra chợ cho các bà chọn về gói bánh trong đêm giao thừa. Màu xanh của lá không những thấm vào nếp tạo nên màu sắc tươi chong của hoa lá mùa Xuân mà nó còn giúp nhân bánh thoang thoảng mùi thơm của hương đồng gió nội. Ở hải ngoại, lá chuối được đông lạnh và vì thể mùi hương chân quê không còn chỉ còn lại màu xanh nhàn nhạt khó tạo dấu ấn trên những cây chả giò công kỹ.

Bụi chuối sau hè không nói thì thôi nói rồi lại muốn ăn một tô mì quảng, hay bún bò, bún riêu quen thuộc. Những món bún nước mà thiếu rau chuối thì kể như chưa đúng điệu, dù cái điệu ấy bây giờ có phần lạc cung bởi cuộc sống luôn thích nghi với trào lưu mới trong đó cách ăn uống cũng không ngoại lệ, thay vì rau chuối người ta sẵn lòng cắt mỏng xà lách giòn thay vào.

Và dù gì thì gì, với nhiều người xa quê bụi chuối sau vườn vẫn nằm yên đấy, sâu thật sâu trong tâm tưởng nhưng khi có dịp là bùng dậy càm ràm về những kỷ niệm khó phai




Ly dị tại Mỹ: những điều chưa biết







Du học Mỹ phần 12: Việc làm dành cho du học sinh







"Tàu lạ" ức hiếp ngư dân Việt, đảng và nhà nước làm ngơ!







Chút nghĩa thầy cô







Nén nhang cho hàng ngàn người vô tội nằm xuống ở Huế - Tác giả Song Anh



Lắng lòng
mở hồ sơ so sánh
tội ác hôm nay
của những kẻ được gọi là khủng bố
gieo rắc kinh hoàng trên khắp thế giới
và tội ác năm xưa
của những kẻ được ca tụng là ‘anh hùng’
khi mở cuộc ‘tổng tấn công’ Tết Mậu Thân
trên đất Huế


lắng lòng
nghe tiếng oán hờn vọng về khắp nơi
khi tổ chức đứng đằng sau những vụ xả súng giết người
kinh hoàng
đứng ra nhận lãnh trách nhiệm
còn những kẻ
hai tay nhuộm đầy máu đồng bào mình
ở Huế năm nào
vẫn lấp liếm
che giấu tội ác

lắng lòng
‘giải khăn sô cho Huế’


lắng lòng
nghe những tên đao phủ năm xưa gào thét man rợ
giết . . . giết nữa đi . . .
xác đồng bào mình chất thành từng đống
trong những hố chôn tập thể
nay núp dưới hư danh
nhà thơ nhà văn nhà nghiên cứu
đua đòi chống khủng bố
nhưng sợ mở hồ sơ so sánh
cùng kiểu giết người như nhau
họ là ai?


lắng lòng
nghe Huế 
sục sôi oán hận





 



Nhìn vào sự thật qua vụ các nhà báo gốc Việt bị giết - Tác giả Đinh Từ Thức



Điều tra phóng sự truyền hình Terror in Little Saigon đã gây sôi nổi ngay từ trước khi công chiếu vào ngày 3 tháng 11, 2015. Sau mười ngày, cuộc tranh cãi đã phân định thành nhiều phe tương đối rõ nét. Nhưng hầu như lập luận của phe nào cũng bị vẩn đục bởi những định kiến sẵn có, khiến cuộc thảo luận chỉ quanh quẩn, người nọ lập lại ý kiến của người kia cùng phe, khiến tình trạng ngày càng tù mù thêm. Giống như một sân quần ngựa, càng nhiều ngựa quần, bụi đất càng mù mịt.
Muốn nhìn rõ vấn đề, trước hết, cần loại bỏ mọi định kiến, nghi vấn, suy đoán theo tưởng tượng. Cần gạt bỏ mọi tình cảm thiên lệch sẵn có như bênh ai, chống ai… Hãy bắt đầu từ số không, và chỉ nhìn vào những sự việc có thật, rồi từ đấy mới có thể có cái nhìn rõ ràng.
 
Sự thật không thể chối bỏ

Trước hết, những người chống lại nhóm làm phim đưa ra lập luận: Nội vụ đã xảy ra hai ba chục năm rồi, giới hữu trách đã có gắng nhiều, vẫn không tìm ra thủ phạm, không ai bị truy tố, tại sao làm sống lại chuyện này? Nhằm mục đích gì? Có âm mưu gì? Ai chi tiền? Đằng sau có ai? Và đằng sau ai có ai nữa? Tại sao lúc này?… Trong khi ấy, những người có thành kiến với Mặt Trận [Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh – gọi tắt là Mặt Trận], cũng như với chính đảng kế tục Mặt Trận là Việt Tân, đều nhấn mạnh về nghi vấn Mặt Trận là thủ phạm. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi cũng thiên về khuynh hướng này, và cũng không nêu được sự thật mới nào.
Vậy sự thật ở đâu? Bắt đầu từ chỗ nào?

Dù chưa bắt được thủ phạm, chưa ai bị truy tố, nhưng có một sự thật không ai chối cãi được, là có những người bị giết. Sự thật này không ai có thể né tránh, không thể thay đổi, không thể xoá bỏ. Dù nhắc tới nó hay không, dù can đảm đối diện hay hèn mạt chối bỏ, nó vẫn còn đó. Chưa có ai bị truy tố, không có nghĩa là không có thủ phạm, không có người chết. Có nhiều người bị giết mà chưa bắt được thủ phạm, rất nhiều nguy hiểm; vì thủ phạm vẫn thong dong sống trà trộn với người lương thiện trong xã hội, “đã quen mất nết đi rồi,” có thể tái phạm tội ác bất cứ lúc nào; là mối đe dọa thường trực cho mọi người. Hơn nữa, có người chết, thì phải làm cho sáng tỏ. Không làm được là bất lực, vô trách nhiệm, vô cảm.

Theo những tài liệu rõ ràng, không ai chối cãi được, là trong mười năm, từ 1981 đến 1990 thế kỷ trước, có nhiều vụ khủng bố mà nạn nhân thuộc thành phần người Việt tại Mỹ. Kẻ bị đe doạ, bị hành hung, người bị đốt nhà, nhiều người bị bắn chết, có người chỉ bị thương, thoát chết. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi chỉ nói tới năm người bị giết, nên ở đây, cũng chỉ đề cập tới những người này.
Năm người bị giết không chỉ là con số đơn độc vô tri vô giác. Mỗi người không chỉ là một phân số 1/5 của một tổng số. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, có tên tuổi, diện mạo, có sở thích, chí hướng, có gia đình, bạn hữu và nguồn gốc. Đó là sự thật.

Sự thật khác là cả năm người khi bị giết đều cùng đang sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ, là cường quốc dân chủ số một trên thế giới, là “thành phố ánh sáng trên đồi cao” cho cả thế giới noi theo về tinh thần trọng luật, và tôn trọng nhân quyền. Sự thật kế tiếp là những người này đã bị giết hai ba chục năm, mà chính quyền Hoa Kỳ vẫn chưa tìm ra thủ phạm để đem ra trước công lý. Nếu đây là một vết nhơ, một điều đáng xấu hổ, đáng nhục thì, ai xấu hổ, ai nhục? Có người nói: khơi lại nội vụ là làm nhục cộng đồng người Việt. Sự thật, có phải vậy không?

Một sự thật khác liên hệ tới nhà báo bị giết không thể bỏ qua: Ngày 7 tháng 1 năm 2015, hai sát thủ xông vào tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, bắn chết 12 người. Cả thế giới phẫn nộ. Tổng Thống Pháp từng bị tờ báo này mạ lỵ thậm tệ nhiều lần, ra lệnh treo cờ rủ, cả nước Pháp để tang, hàng triệu người xuống đường đeo huy hiệu, tự nhận “Tôi là Charlie” (Je suis Charlie). Tổng Thống Mỹ Obama lên án vụ tấn công là “horrific shooting” (vụ bắn khủng khiếp), hứa giúp đỡ mọi sự cần thiết để đưa bọn khủng bố ra trước công lý. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu.” Thủ Tướng Anh Cameron bầy tỏ trên twitter: “Những vụ giết người tại Paris là bệnh hoạn. Chúng tôi sát cánh với dân tộc Pháp trong trận đánh chống lại kinh hãi và bảo vệ tự do báo chí.”

Khác nhau giữa các nhà báo Pháp bị giết ở Paris, và nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ là ở chỗ, một đằng bị giết cùng một nơi, cùng lúc, một đằng bị giết lẻ tẻ, rải rác nhiều nơi, trong nhiều năm. Thủ phạm giết nhiều người một lúc, là phạm pháp một lần. Thủ phạm giết người nhiều lần, mỗi lần một vài người, dù tổng số người bị giết ít hơn, nhưng là phạm pháp nhiều lần, có yếu tố tái phạm. Một yếu tố khiến tội phạm nặng thêm.

Vậy, vụ các nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ phải được coi là nghiêm trọng hơn vụ Charlie Hebdo. Tuần báo Charlie Hebdo là một cá thể trong cộng đồng dân Pháp, dù nhiều người không ưa cá thể này, nhưng từ tổng thống trở xuống, cả dân Pháp đã đau buồn, cùng nhau chịu tang, thế giới chia buồn.

Các nhà báo Việt bị sát hại tại Mỹ, dù có người không ưa họ – chẳng ai được mọi người cùng ưa – trước hết, họ là những cá thể trong cộng đồng người Việt, cùng lúc, họ cũng thuộc về cộng đồng tất cả mọi người sống trên đất Mỹ. Trước hết, cái chết của họ là nỗi đau chung, là tang chung cho cả cộng đồng người Việt. Và theo cách đối xử của dân Pháp trước vụ Charlie Hebdo, họ cũng đáng được dân Mỹ chia sẻ niềm đau, chính quyền Hoa Kỳ giúp đỡ, và thế giới quan tâm.

Bây giờ, xin nhìn thẳng vào sự thật, trước những cái chết của họ, cộng đồng người Việt đã làm gì? Chính quyền Hoa Kỳ đã làm gì? Thế giới đã làm gì?

Nói theo Nguyễn Ngọc Lan, trước tội ác xảy ra cho thành viên của mình, cộng đồng người Việt đã “làm thinh”! Nói “làm thinh” là đã nhẹ bớt quá nhiều. Sự thật còn tệ hơn nữa. Trả lời nhóm làm phim ProPublica, người đã bắn Trần Khánh Vân, chỉ vì ông này chủ trương đối thoại và giao thương với Việt Cộng, Trần Văn Bé Tư, sau bảy năm ngồi tù, vẫn còn hãnh diện: “Tôi bắn, hắn đổ xuống như một cái cây.” Và cho biết thêm: “Dân chúng ở Orange County coi những người giết những kẻ bị coi là Cộng Sản như anh hùng.” Ông còn nói đã được tuyển mộ gia nhập K-9 nhưng từ chối, tuy vậy, ông thán phục việc làm của họ.

Còn chính phủ Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama hứa giúp nước Pháp “đưa bọn khủng bố ra trước công lý,” nhưng đối với bọn khủng bố giết người trên nước ông, ông cũng làm thinh luôn. Còn thế giới? Cộng đồng Việt như vậy, chính quyền Mỹ như vậy, hà tất thế giới phải quan tâm.
 
Sự thật đáng buồn

Một sự thật đáng buồn hơn cả thái độ làm thinh: Sau khi điều tra phóng sự Kinh hoàng tại Little Saigon công chiếu, đã có cuộc vận động trong cộng đồng chống lại nỗ lực của nhóm người làm sống lại vụ án này, với lý do âm mưu làm xấu hình ảnh cộng đồng. Như đã trình bầy, những người bị giết là nạn nhân, cộng đồng người Việt là tang gia. Ở đâu có chuyện lạ đời, nhiều thành viên trong gia đình bị giết mà tang gia bị nhục? Cộng đồng không bao bọc thành viên của mình, và làm thinh, hay còn vui mừng trước hoạn nạn của thành viên, cái đó mới đáng nhục. Và nhục nhã nhất ở đời là không biết nhục.

Phía chống đối ProPublica còn nêu nghi vấn: Có thể những nhà báo bị giết là do bàn tay Việt Cộng, để tạo nghi ngờ và chia rẽ trong cộng đồng Việt tị nạn. Nếu vậy, nội vụ càng cần làm sáng tỏ, thay vì bỏ qua. Bởi vì, cái nước Mỹ số một thế giới, cùng với cộng đồng Việt chống cộng nổi tiếng hoàn cầu, mà để Việt Cộng gửi sát thủ sang đây hoành hành như chỗ không người, thỉnh thoảng giết một nhà báo để bịt miệng, kéo dài cả chục năm, vẫn không bắt được thủ phạm. Nhục nào bằng?

Chính quyền Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho mọi cư dân. Để cho người dưới trách nhiệm bảo vệ của mình bị giết là một cái nhục. Nhục kế tiếp là bó tay, không tìm ra thủ phạm. Nhóm làm phim đánh động dư luận, làm sống lại nội vụ, trước hết là góp phần tìm ra thủ phạm để bộ mặt Hoa Kỳ không bị nhem nhuốc, sau là đem lại một kết thúc bình an cho gia đình các nạn nhân. Thế mà, điều đáng ngạc nhiên, một nghị sĩ gốc Việt tại Viện Lập Pháp Tiểu Bang California đã vội vàng lên tiếng phản đối. Nghị sĩ Janet Nguyễn có một vai trò kép, vừa là đại diện dân Mỹ, vừa là một thành viên cộng đồng Việt. Đáng lẽ bà phải vui mừng gấp đôi trước việc làm của ProPublica, vì cố gắng của họ vừa làm đẹp cho nước Mỹ, vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng Việt. Một tuần sau ngày công chiếu phóng sự điều tra, trong lá thư ngày 10 tháng 11 gửi ProPublica, bà tỏ vẻ bất bình và yêu cầu tổ chức này phải xin lỗi cộng đồng Việt. Lý do bất bình, bà viết: “Trái với những gì được trình bầy xuyên tạc trong phóng sự của ông, trên 1.7 triệu người Mỹ gốc Việt là những công dân tôn trọng pháp luật đã cống hiến cho sự thịnh vượng của xã hội Hoa Kỳ.” (Contrary to what was portrayed in your slanted reporting, the more than 1.7 million Vietnamese Americans are law abiding citizens that contribute to the rich tapestry of America’s society).

Nghị sĩ Nguyễn nói mà không cần để ý tới thực tế. Sự thật là sắc dân nào, cộng đồng nào cũng vậy, đều có một số do thiếu hiểu biết, hay cố tình vi phạm pháp luật. Vì thế mới cần có hệ thống tư pháp. Trên nước Mỹ, năm nào cũng có những người Việt phạm pháp, bị truy tố ra toà. Đó là chuyện bình thường. Nếu tất cả trên một triệu bảy trăm ngàn người gốc Việt đều là những công dân tôn trọng pháp luật, vậy những người bị truy tố hay đang thi hành án trong tù, họ ở đâu ra? Nghị sĩ Nguyễn còn trẻ, tương lai còn nhiều hứa hẹn, không nên phát biểu giống như những người phát ngôn từ Bắc Kinh hay Hà Nội, lúc nào cũng gân cổ tuyên bố “chúng tôi không có tù chính trị,” nhưng trong “kho dự trữ” luôn đầy ắp, sẵn sàng đem ra làm quà mở đường cho một chuyến công du, hay đổi lấy chữ ký cho một thoả hiệp béo bở.


Ngoài ra, khi có những người, hay nhóm người gốc Việt phạm pháp, đó là chuyện cá nhân hay băng đảng riêng, họ làm họ chịu. Một người hay một nhóm phạm pháp không phải cả cộng đồng phạm pháp. Uy tín cộng đồng không bị suy giảm khi có một cá nhân, hay một nhóm trong cộng đồng phạm pháp. Chỉ khi nào cộng đồng cố tình bao che cho một cá nhân hay một nhóm trong tập thể của mình, lúc ấy, uy tín cộng đồng bị thương tổn. Ngược lại, khi cộng đồng tham gia việc tìm ra kẻ phạm pháp trong tập thể của mình, là góp phần rửa sạch bộ mặt mình, càng làm cho uy tín của cộng đồng lên cao.

Để Nghị Sĩ Nguyễn dễ phân biệt giữa vinh với nhục, và giữa cá thể với cộng đồng, chẳng cần tìm đâu xa, có thể nhìn ngay vào lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Năm 1972, Tổng Thống Nixon bao che cho một nhóm tay chân bộ hạ ở Bạch Ốc đột nhập trụ sở Đảng Dân Chủ ở chung cư Watergate. Hai nhà báo trẻ của The Washington Post, được sự đồng ý của chủ bút, cố truy tìm nguồn gốc của việc làm phạm pháp này. Lúc đầu. vì chưa đủ bằng chứng, nhà báo gặp rất nhiều khó khăn. Họ cũng bị đe doạ, nhưng nhà báo đã cố làm việc vì công tâm, để bảo vệ những giá trị cao đẹp của Mỹ, không phải để bôi nhọ nước Mỹ. Trong trường hợp này, truy nguyên để chứng minh ông tổng thống phạm pháp, là cố gắng can đảm, đáng trân trọng, không phải là việc làm cần ngăn chặn.

Khi ông Nixon hết đường nói quanh, phải từ chức, tuy ông là đương kim tổng thống, đại diện cho cả nước Mỹ, nhưng hành vi sai trái của ông chỉ riêng ông phải chịu. Mình ông xấu mặt. Nước Mỹ chẳng những không xấu, còn được cả thế giới kính phục. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà báo chỉ với cây bút trong tay, làm cho một ông tổng thống quyền lực hàng đầu thế giới, nắm chìa khoá nguyên tử trong tay, phải từ chức.

Một trùng hợp khá hy hữu, trong cùng ngày Nghị sĩ Nguyễn viết thư cho ProPublica, nói tất cả người Việt ở Mỹ đều là những công dân tôn trọng pháp luật, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận cho biết: K-9 có thật, do ông Phạm Văn Liễu điều động, mục tiêu ám sát đầu tiên là chính ông (Nguyễn Xuân Nghĩa), mục tiêu thứ nhì là chủ báo Người Việt Đỗ Ngọc Yến, nhưng cuối cùng, ông Trần Khánh Vân lãnh đạn! Kẻ bắn ông Vân vẫn còn đó, sau khi mãn án tù vẫn hãnh diện về hành vi bắn người của mình. Nếu cho đây là niềm hãnh diện chung của cộng đồng, terror chính là đấy, phải tìm đâu xa?

Ngoài ngạc nhiên về nội dung thư phản đối của Nghị sĩ Janet Nguyễn, là ngạc nhiên về câu nói của một nhà lãnh đạo Mặt Trận vốn nổi tiếng khôn ngoan, ông Hoàng Cơ Định. Trong cuộc phỏng vấn do Hà Giang báo Người Việt thực hiện ngày 6 tháng 11, ông Định tuyên bố: “Nhưng nếu trong một cộng đồng, cứ một người cầm bút tử nạn là lập tức cho là họ bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách thì cộng đồng đó có đáng cho là đã trưởng thành hay chăng.” Nếu chỉ là câu nói vô tình, đó là sự đáng tiếc. Nếu cố ý, đó là câu nói nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận. Nói chung, ông nêu một nhận định đúng. Nhưng nó không đúng với trường hợp các nhà báo bị giết. Từ trước tới nay, có nhà báo từ trần do nguyên nhân không bình thường, nhưng tên tuổi không nằm trong danh sách những người bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách. Trong khi ấy, qua bằng chứng còn lại, tất cả những người bị giết, trừ một người là chuyên viên kỹ thuật, đều là những nhà báo cương quyết bầy tỏ lập trường của họ, bất chấp áp lực. Họ đích thực là nạn nhân của những vụ giết người để bịt miệng. Trong số này không có ai là nhà báo ra đường bị xe cán, rồi cộng đồng hô hoán lên là họ chết vì sự nghiệp viết lách.
 
Diện mạo những nạn nhân

Theo thứ tự thời gian, nạn nhân đầu tiên là Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút báo Cái Đình Làng, bị giết 1981, tại San Francisco, California. Theo “bản án tử hình” bằng tiếng Anh đề ngày 7 August 1981, được thi hành bởi “Tổ Chức Người Việt Diệt Cộng Phục Quốc” (VOECRN). Tóm tắt tội trạng liệt kê: Lâm được Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học năm 1971, thay vì phục vụ Quốc Gia lại theo Cộng Sản, làm báo Cái Đình Làng để tuyên truyền cho cộng sản. Sau khi Terror in Little Saigon công chiếu, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali là cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc cho biết thêm, cha Lâm là Trung Tá Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Lạng, nay cũng đã qua đời. Vẫn theo ông Lộc, xác Lâm lúc đầu đã được chôn trong nghĩa trang cộng đồng, nhưng có một số quý vị phản đối. Tuy không ép buộc, gia đình tự ý mang Lâm đi chôn nơi khác, để tránh bị phá hoại.

Chỉ cần riêng sự thật trên đây, một sự thật không ai chối cãi được, và chỉ cần một vụ này thôi, có cần thế lực nào, có cần âm mưu nào, có cần ai làm thêm gì nữa để bôi xấu cộng đồng Việt?

Hỏi lý do tại sao bỏ nước chạy sang Mỹ, có lẽ bất cứ ai trong cộng đồng Việt tị nạn, dù đang ngủ mơ, cũng có thể trả lời trôi chảy: “Sang đây để có tự do dân chủ.” Tự do có phải muốn lên án tử ai cũng được, dân chủ có phải người dân nào cũng có thể tự mình làm quan toà, kiêm đao phủ? Và giết người rồi, còn không muốn cho chôn! Lời tuyên bố của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sau vụ Charlie Hebdo rất phù hợp cho ở đây: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu.” (It was horrendous, unjustifiable and cold-blooded crime. It was also a direct assault on a cornerstone of democracy, on the media and on freedom of expression.)

Người thứ nhì là Nguyễn Ðạm Phong, 45 tuổi, bị ám sát Tháng Tám, 1982, tại nhà ở Houston, Texas. Đạm Phong làm báo từ thời ở Sài Gòn, sang Mỹ, làm chủ nhiệm tờ Tự Do ở Houston. Những bài báo còn lại cho thấy Đạm Phong công kích Mặt Trận khá nặng nề, qua những bài báo chiếm đầy trang nhất. Theo thân nhân công khai kể lại, Đạm Phong đã sang tận Thái Lan tìm hiểu về “chiến khu” của Mặt Trận, từng bị Mặt Trận mua chuộc, áp lực và liên tục đe doạ.

Qua vụ chiếu phim Terror in Little Saigon, và những lên tiếng tiếp theo của con trai ông, dư luận được biết khi bị ám sát, Đạm Phong có tới 10 con. Số con mồ côi đông đảo này của Đạm Phong, dù khi bố chết hãy còn bé, đến nay chắc đã biết rõ bố chết như thế nào, và tại sao. Nhưng với mấy chục đứa con của các con Đạm Phong, những đứa trẻ không có ông như các bạn cùng trang lứa, những đứa trẻ không bao giờ được ông đưa đón ở cửa trường hay dắt ra công viên, những đứa cháu không bao giờ được gặp ông, bố mẹ các cháu sẽ giải thích như thế nào, để các cháu hiểu được: Tại sao ông đưa cả nhà sang Mỹ để có tự do, rồi lại chết vì làm báo Tự Do?

Nạn nhân thứ ba là Phạm Văn Tập (tức Hoài Ðiệp Tử), 45 tuổi, chủ nhiệm tạp chí Mai, chết ngộp khi văn phòng của ông bị đốt Tháng Tám, 1987, tại Garden Grove, California. Người viết không biết nhiều về nhà báo này. Chỉ được biết, trước khi chết, ông đã từng bị cảnh cáo, vì báo Mai đăng quảng cáo cho những dịch vụ làm ăn với Việt Cộng. Nếu còn sống, bây giờ, chẳng những đăng quảng cáo, ông còn có thể mang tiền về Việt Nam làm ăn, du lịch và du hí, cùng với hàng trăm ngàn khúc ruột ngàn dặm mỗi năm. Làm báo đi trước thời cuộc, thường là ưu điểm, nhưng sống giữa cộng đồng Việt mà đi trước thời cuộc, mất mạng như chơi!


Người thứ tư bị giết là ông Ðỗ Trọng Nhân, 56 tuổi, chuyên viên kỹ thuật cho tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, bị bắn chết trong xe, tại Fairfax, Virginia, Tháng Mười Một, 1989. Ông Nhân là cựu sĩ quan cấp Tá, quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Không phải là nhân viên toà soạn, không viết bài, nên ông không bị đe doạ, hay gây tranh cãi gì liên hệ tới bài vở của tạp chí. Ông sống một mình nên chẳng có ai thắc mắc khi không thấy ông trở về vào cuối ngày làm việc. Ông rời sở làm chiều Thứ Hai. Phu đổ rác phát giác ông chết ngồi trước tay lái trong xe sáng Thứ Tư. Không biết ông bị bắn bao giờ. Báo Văn Nghệ Tiền Phong chỉ loan một tin nhỏ, chẳng mấy ai chú ý, nói ông bị giết vì chuyện riêng. Nội vụ rơi vào lãng quên. Không hiểu nhà báo căn cứ vào đâu để loan tin như vậy? Không bắt được thủ phạm, sao biết được chết vì lý do riêng tư.

Ít lâu trước khi bị giết, ông Lê Triết, một cây viết quan trọng của Văn Nghệ Tiền Phong, và cũng là tham vấn cho Chủ Nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng, nói với người thân rằng: “Anh Nhân đã chết thay tôi. Người ta đã giết anh ấy, vì tưởng lầm là tôi.” Lê Triết giải thích thêm: “Anh ấy không viết bài, chẳng thù oán với ai, đi làm rất chăm chỉ.” Vẫn theo Lê Triết, anh và anh Nhân xấp xỉ tuổi nhau, cả hai cùng tầm vóc, hơi gầy, cùng đeo kính và cùng đi xe mầu xanh. Chỉ có một khác biệt: Lê Triết tới toà soạn bất thường, phần vì có thể viết bài ở nhà, phần vì lý do an ninh, để tránh bị theo dõi. Anh Nhân đi làm theo giờ nhất định, dễ bị theo dõi, bị nhận lầm là Lê Triết, và bị bắn khi ra về. Sau này, người nghe chuyện cảm thấy hối hận, vì chỉ “nghe rồi bỏ”; tưởng Lê Triết muốn “quan trọng hoá” cá nhân mình. Bỏ qua vì nghĩ rằng, cùng người Việt chống cộng với nhau, ai nỡ dã man thế.

Nạn nhân cuối cùng là Lê Triết, 61 tuổi, và vợ là Đặng Trần Thị Tuyết, 52 tuổi. Cả hai cùng bị hạ sát tại chỗ đậu xe ở đầu nhà, khoảng gần nửa đêm 21 rạng 22 tháng 9, 1990. Qua bút hiệu Tú Rua trên mục “Ngày Lại Ngày” của Văn Nghệ Tiền Phong, Lê Triết gây sóng gió trên tờ báo này trong một thập niên, danh vang khắp nơi, oán thù cũng lắm. Đe doạ cũng nhiều.

Khi Mặt Trận ra đời, Lê Triết và Văn Nghệ Tiền Phong nói chung rất phấn khởi, và tích cực ủng hộ. Toà báo đã cử ký giả Hoàng Xuyên đi “chiến khu” của Mặt Trận để làm phóng sự. Nhưng từ khi những thầm kín nội bộ của Mặt Trân dần dần lộ diện, nhà báo thành kẻ thù, bị đe doạ, qua thư cũng như điện thoại. Lê Triết không phải là người dễ chịu áp lực. Càng bị đe doạ, anh càng cương quyết, càng chứng tỏ con đường anh theo đuổi là đúng. Thay vì khuất phục, anh đề phòng, mua súng tự vệ, lắp camera bốn góc nhà, cộng với con chó Bobby do Nguyễn Thanh Hoàng mua cho.

Tại party của gia đình một người bạn, mừng con trai hoàn tất chương trình y khoa bác sĩ, vào tối Thứ Bảy 21 tháng 9, Lê Triết tâm sự với bạn hữu: Qua Mỹ từ 1975, anh không muốn vào quốc tịch, vì còn mẹ già ở quê cũ, không muốn cắt đứt chút liên hệ pháp lý còn lại. Chẳng lẽ mẹ người Việt, con công dân Mỹ, như người ngoại quốc. Mãi đến cuối thập niên 80, trước tình hình khối cộng sản Liên Xô sụp đổ, anh xin về hưu sớm, và xin nhập quốc tịch Mỹ, để dễ dàng xin thông hành đi Nga. Cả gia đình là nạn nhân cộng sản, rất phấn khởi trước tình hình mới, anh khoe: “Tôi làm xong mọi thủ tục đi Mạc Tư Khoa rồi. Chỉ mấy tuần nữa, tôi sẽ chụp một tấm hình đứng giữa Công Trường Đỏ, gửi về cho mẹ tôi, không cần nói gì cả, Cụ sẽ mừng và hiểu là tôi đã thoả chí bình sinh.”

Rời party khoảng 11 giờ đêm, anh chị về đến nhà quãng 11:30, lái xe vào chỗ đậu thường lệ ở đầu nhà. Cũng là nơi sát thủ chờ sẵn, ra tay ngay, gọn lẹ và chuyên nghiệp. Lê Triết chưa kịp mở cửa xe, chết gục trước tay lái. Chị Triết đã mở được cửa xe, người nửa trong nửa ngoài, chân co chân duỗi, chết nằm trên sàn xi măng carport.

Trong vòng vài ngày sau, nhà người thân Lê Triết, điện thoại reo liên hồi. Khi nhấc lên, thay vì tiếng nói, chỉ là những tràng cười, như thích thú, như chế diễu, như đe dọa, lạnh lùng, ghê rợn!


Gia đình Lê Triết ở Việt Nam giữ kín, không dám cho thân mẫu anh biết tin dữ, vì không biết cách giải thích thế nào cho cụ bà 90 tuổi hiểu được, tại sao con mình bỏ mẹ chạy lấy người, để khỏi bị chết vì tay Cộng Sản, bây giờ lại chết giữa tập thể đồng hương chống cộng, ở Mỹ!

Ngày giỗ đầu, các con đem phim cũ ra chiếu. Khi hình ảnh ông bà Lê Triết xuất hiện, con Bobby đang ngồi ở góc nhà, vừa vẫy đuôi, vừa sủa, chạy tới hít hít vào màn hình, như mừng chủ đi xa về. Mừng cho nó, có vẻ an phận, nhờ không ý thức được thế nào là terror. Nhưng người có mặt đã không cầm được nước mắt. Nó cũng đã đi theo chủ, lâu rồi.
 
Kinh hãi trái khoáy

Cuốn phim Terror in Little Saigon (Kinh hãi tại Little Saigon), như mọi người đã biết, có nội dung nói về cái chết của những nhà báo gốc Việt bị giết tại Mỹ từ 1981 đến 1990. Nhưng thực tế, nó đã tạo một hiệu ứng trái ngược trong cộng đồng Việt: Hầu như chẳng ai cảm thấy “kinh hãi” khi các nhà báo bị giết. Như đã trình bầy, cả cộng đồng và làng báo Việt hồi đó đều “làm thinh.” Trái lại, đã có một không khí “kinh hãi” trong cộng đồng, trước và sau hôm công chiếu ngày 3 tháng 11. Nhiều cá nhân và đoàn thể trong cộng đồng khắp nơi trên đất Mỹ nhảy dựng, thảo luận, kết án, chống đối, hội họp, tìm cách đối phó… ngay từ trước khi xem phim. Và sau khi xem phim, mức độ kinh hãi càng tăng. Hoạt động đối phó cũng tăng: mời họp, thông cáo, kiến nghị, thư phản đối, họp báo, cả kế hoạch biểu tình trước PBS.

Trong khi cộng đồng sôi nổi như vậy, lại bị các nhân vật rất gần gũi với cộng đồng chê bai. Ông Hoàng Cơ Định nghi ngờ về trình độ trưởng thành của cộng đồng, trong khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa viết: “Chỉ mong rằng cộng đồng chúng ta không mắc bệnh câm, điếc hay mù!” Người viết không tin quý vị trong cộng đồng thiếu trình độ. Cũng không tin quý vị mắc bệnh câm, điếc, hay mù. Thật ra, quý vị là những người rất năng động và nhậy cảm, nhưng không đúng lúc, thành ra đôi khi lẫn cẫn. Lúc đáng lẽ cảm thấy kinh hãi, như khi có người bị giết vì bất đồng chính kiến, hay để bịt miệng, thì quý vị im lặng. Khi đáng phấn khởi hay vui mừng, như khi nhà báo tìm hiểu quá khứ, đánh động lương tâm để giúp tìm ra thủ phạm, thì lại cảm thấy hãi hùng, lo sợ. Tình trạng này, có thể tạm gọi là bệnh “kinh hãi trái khoáy” (improper terror).

Ngoài kinh hãi vì những vụ giết người, có thế nói, qua cuốn phim “terror”, còn có thể thấy cả kinh hãi ngay trong đời sống cộng đồng:

Tại Cali, hàng năm cộng đồng Việt đều có tổ chức lễ giỗ và tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Một trong những đức tính hàng đầu của Tổng Thống Diệm được nêu ra hàng năm, là sự quý trọng mạng sống con người. Bằng chứng: Hà Minh Trí, sát thủ Việt Cộng toan ám sát Tổng Thống tại Ban Mê Thuột ngày 22 tháng 2 năm 1957, và phi công Phạm Phú Quốc, bỏ bom Dinh Độc Lập sáng 27 tháng 2 năm 1962. Cả hai người này, một là Việt Cộng, một là sĩ quan phản loạn, xử đúng luật, đều đáng án tử hình. Nhưng ông Diệm đã không giết họ. Dù yêu hay ghét ông, đó là sự thật, không thể chối cãi. Trường hợp này, ông Diệm còn nhân từ, rộng lượng hơn Charles de Gaulle. Ngày 22 tháng 8, 1962, có cuộc ám sát hụt Tổng Thống Pháp de Gaulle ở Paris, do Trung Tá Không Quân Pháp Jean Bastien-Thiry chủ mưu. Ông này bị toà án Paris kết án tử hình ngày 4 tháng 3, 1963, không được de Gaulle ân xá, và bị xử bắn chỉ một tuần sau đó, ngày 11 tháng 3, 1963. Một tên Việt Cộng, một sĩ quan phản loạn, chủ tâm giết, đã ra tay và giết hụt Tổng Thống. Mặc dầu có đầy đủ quyền hành hợp pháp để xử tử họ, nhưng ông không làm. Ông trọng mạng sống của họ, dù họ đã cố tình giết ông. Cứ giả tỉ Dương Trọng Lâm là Cộng Sản, anh ta chưa hề giết ai, không có âm mưu giết ai. Vậy mà có người tự tiện giết anh ta, còn nhân danh cái này cái nọ, và công bố “bản án.” Trước sự việc khủng khiếp như vậy, có đáng gọi là “kinh hãi,” terror? Lúc xảy ra chuyện thực sự kinh hãi, quý vị không làm gì. Chẳng những thế, giết người vô cớ còn không muốn cho chôn! Đáng kinh hãi hơn nũa! Trong khi đề cao Cụ Diệm, vẫn thản nhiên làm ngược lại những đức tính tốt của cụ, có phải là tình trạng đáng kinh hãi không?

Ai chưa cảm thấy kinh hãi đủ, người viết xin trình bầy tiếp: Trở lại vụ ông de Gaulle không ân xá cho tử tội Bastien-Thiry. Thật ra, lúc đầu ông đã định ân xá, nhưng sau khi suy nghĩ, ông đã đưa ra 5 lý do để bác. Trong số này, hai lý do đầu và cuối rất đáng lưu ý:

– Lý do đầu, hung thủ đã xả súng vào xe trong đó có chở một người đàn bà vô tội; đó là Bà Yvonne de Gaulle, vợ ông, ngồi chung xe với ông.

– Lý do cuối, các hung thủ sử dựng võ khí tấn công, chính họ đối diện với hiểm nguy khi hành động, họ được giảm án. Nhưng người chủ mưu Bastien-Thiry, không trực tiếp hành sự, mà ngồi chỉ huy ở một nơi an toàn, không đáng được ân xá.

Cả hai lý do trên, đều có thể áp dụng cho vụ ám sát ông bà Lê Triết, với mức độ trầm trọng hơn; vì ông de Gaulle và người đàn bà vô tội vợ ông đều thoát chết, trong khi ông Triết và người đàn bà vô tội của ông không may mắn như vậy. Đồng thời, theo hồ sơ cảnh sát, hung thủ là kẻ giết người chuyên nghiệp; nghĩa là kẻ chủ mưu cũng chỉ huy từ một nơi an toàn, như Bastien-Thiry.

Người vô tội bị giết, kẻ đáng tử hình vẫn ngoài vòng pháp luật, trong một phần tư thế kỷ. Đủ kinh hãi chưa?

Còn nữa: Sau khi chống đối A.C. Thompson, một phần sinh hoạt nhộn nhịp trong cộng đồng rọi đèn chiếu vào Tony Nguyễn: Eureka! Nó đây rồi! Lại một thằng cộng sản nữa! Nó là bạn của Dương Trọng Lâm, lấy tiền của cộng sản để bôi nhọ cộng đồng! Nếu quả thật Tony Nguyễn là cộng sản, hay thân cộng, thì thật đáng kinh hãi. Không phải kinh hãi vì anh ta là cộng sản, mà kinh hãi cho cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng Việt tị nạn, kể cả người viết bài này, xưa nay chống cộng, vì tin rằng tất cả những gì liên hệ tới cộng sản đều xấu. Nếu Tony Nguyễn là cộng sản, và ngày nay anh ta xả thân cố làm sáng tỏ cái chết của người bạn tên Lâm xảy ra từ 34 năm trước, như vậy là tình bạn của những người cộng sản hay thân cộng đối với nhau rất sâu đậm. Trong khi ấy, những người quốc gia có chính nghĩa sáng ngời, không lo làm sáng tỏ cái chết của những thành viên chống cộng như Đạm Phong, Lê Triết, mà trước nỗ lực truy tầm thủ phạm của nhà báo, lại cảm thấy “terror,” như chính mình là thủ phạm sắp bị hành quyết. Còn kinh hãi nào hơn?

Vẫn chưa hết: Trong khi trả lời phỏng vấn trên đài Cali Today ngày 6 tháng 11, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali đã phát biểu ý kiến, giống như một số người khác, về cuốn phim Terror in Little Saigon, rằng đây là chuyện cũ, xảy ra trong lúc lòng người còn giao động, không nên nói tới nữa. Trong khi ấy, từ trước tới nay, cộng đồng chống cộng vẫn nhắc tới, vẫn đòi cộng sản phải làm sáng tỏ những vụ giết người từ thời Cải Cách Ruộng Đất, thời Mậu Thân, thời Tù Cải Tạo, và những vụ bịt miệng thời Nhân Văn, Giai Phẩm, vụ Xét Lại… Tất cả terror này đều cũ hơn những terror trên đất Mỹ. Chỉ nhìn thấy lỗi ở người mà không nhìn thấy lỗi ở mình, căn bệnh này có đáng kinh hãi không?

Lại nữa, Đại Tá Lộc chê cuốn phim “đầu voi đuôi chuột,” chưa đưa ra được những bằng chứng thuyết phục. Ký giả và cơ sở truyền thông tư nhân không phải là cảnh sát hay FBI. Họ đã cố gắng, và họ mới làm được đến thế thôi. Cộng đồng gốc Việt là tập thể có liên hệ, nếu thấy còn thiếu sót, nên tiếp tay họ để làm tốt hơn, thay vì coi họ như kẻ thù. Họ mới đem lại được cái “đuôi chuột,” cộng đồng đã hoảng loạn lên. Nếu họ đem lại cái đuôi voi? Terror!

Ngoài chuyện terror, nhóm làm phim còn bị công kích về việc dùng chữ “Little Saigon,” nói rằng địa danh xuất hiện sau các vụ giết người, và có những vụ ám sát xảy ra ngoài Cali, như ở Virginia, hay Texas. Little Saigon đã trở thành tượng trưng cho tập thể người Việt tị nạn tại Mỹ. Nếu bảo tên này chỉ dành riêng cho một nơi nhất định nào, tại sao đã có Little Saigon ở Nam Cali, Bắc Cali cũng đòi y hệt cho San Jose? Sau vụ khủng bố tại Paris hôm Thứ Sáu 13 tháng 11, nhiều người nước khác đã đeo biểu hiệu “Je suis Paris.” Sao không ai nói với những người này là khủng bố tận bên Pháp, anh đang ở Mỹ, anh là (cái chó) gì mà tự xưng Je suis Paris?

* * *

Từ đầu bài, người viết chỉ nhìn vào những gì dựa trên sự thật. Để đổi khẩu vị, xin thay lời kết bằng một mẩu chuyện giả tưởng, thật ngắn:

Cuối năm Con Dê (2015), Ngọc Hoàng Thượng Đế mở com pú tờ, vào gú gồ tìm chuyện lớn, để hỏi táo quân các nơi trong buổi tiếp kiến tất niên. Thấy nổi bật: tin khủng bố làm nổ máy bay Nga ở Sinai; công an giết người và hành hung luật sư ở Việt Nam. Lại thấy nhiều bài nói người Việt giống người Do Thái. Thiết triều ngày 23 tháng Chạp, Ngọc Hoàng hỏi Táo Do Thai:

– Sa mạc Sinai hẹp, sao dân Do Thái xưa mất 40 năm để vượt qua?

Táo Do Thái thưa:

– Tâu Ngọc Hoàng, vì một người trong đám dân di tản đánh rơi một quarter.

Ngọc Hoàng vuốt râu cười hiền: “I see!” Rồi hỏi Táo Việt Tị Nạn:

– Thái Bình Dương rộng, nay chỉ cần một ngày để vượt qua, sao 40 năm vẫn chưa về giải phóng quê hương?

Táo Việt Tị Nạn thưa:

– Bẩm Ngọc Hoàng, chúng con còn bận cắm cờ, và…

– Và gì? Ngọc Hoàng hỏi tiếp.

– Rước cờ, và…

– Gì nữa? Ngọc Hoàng hỏi thêm.

– Phủ cờ!

Ngọc Hoàng vẫn giữ vẻ uy nghi, lẩm bẩm một mình: “Đéo hiểu!”


KHÓ HIỂU CHI ĐÂU- Thơ Ngô Minh Hằng




Ba mươi bốn năm tị nạn xứ người
Chưa về lại một lần thăm quê mẹ
Xin chớ bảo rằng tôi không nhớ nhé
Nhớ thiết tha nên nhất quyết chưa về
 
*
Ai hỏi nói gì khó hiểu thế kia ?
Tôi xin đáp: Thưa không chi khó hiểu
Ngày tôi vượt biên sống thừa chết thiếu
Thuyền mong manh cuồng nộ sóng trùng dương
 
*
Bởi cộng mà tôi phải bỏ quê hương
Lấy mạng sống mình đặt vào canh bạc
Chấp nhận cuộc đời tha hương lưu lạc
Cho chỉ một điều: LÝ TƯỞNG TỰ DO !
 
*
May mắn Trời thương, canh bạc thắng to
Khi đồng bào tôi bao người mất vốn
Thân xác họ chìm sâu vào biển lớn
Cùng với ước mơ, nhục tủi, hận thù...
 
*
Mười người đi, năm hay sáu tới bờ
Giá của Tự Do chao ơi quá mắc
Tôi ra đi vì quê tôi đầy giặc
Giặc giết đồng bào, cướp của, bán quê
 
*
Giặc còn kia mà hí hửng tôi về
Khoe áo gấm khi đồng bào đói rách
Thì tôi thấy tôi là người đáng trách
Và đáng khinh từ dự định lên đường
 
*
Chỉ hình dung mình đứng ở quê hương
Tôi đã thấy chính tôi, tên phản bội
Phản bội những ngày vượt biên tìm lối
Phản bội chuyến tàu may mắn thành công
 
*
Phản bội bàn tay, phản bội tấm lòng
Đất nước, người dân cho tôi tị nạn
Phản bội anh em, họ hàng, bè bạn
Và những đồng bào nằm lại biển khơi
 
*
Và tệ nhất là tôi phản chính tôi
Làm lem bẩn chữ "QUỐC GIA, CHÍNH NGHĨA"
Xưa trốn đi vì cộng bằm, cộng xỉa
Vì cộng gọi là đĩ điếm, tàn dư
 
*
Mấy chục năm sau cộng lấy mỹ từ
"Khúc ruột thân yêu" thay vào chữ "Ngụy"
Mà tôi hân hoan gật đầu "nhất trí"
Thì thưa anh tôi có phải là người ?
 
*
Nên tôi chưa về, đơn giản vậy thôi
Nếu có hỏi cần chi lời mai mỉa
Vì trả lời sao cũng không đủ nghĩa
Cho những người đi hai hướng hai lòng
*
Ai thích, cứ về, tôi nhất định KHÔNG
Hành xử ấy, riêng tôi là rất đúng
Vì tôi chẳng thể nào theo luật cộng
Nhục lắm anh, khi khúm núm thưa trình
 
*
Mà không tuân, chúng vẽ tội hại mình
Thì phiền toái hiểm nguy nhiều vô kể
Cộng lật lọng, bất lương, gian quỉ thế
Tôi không về nào khó hiểu chi đâu
 
*
Ai chẳng thương quê, ai chẳng mong cầu
Được thấy lại quê hương ngày trắng tóc
Tôi sẽ trở về khi không còn cộng
Khi lá cờ vàng rực rỡ tung bay
 
*
Ngày ấy, cùng nhau ta sẽ bắt tay
Và vui vẻ nhắc về thời quá khứ
Còn hiện tại, tôi trình bày đã đủ
Anh Chị rõ mà, khó hiểu chi đâu !!!

 

Mồi lửa ‘Xô Viết Nghệ Tĩnh’ của người Công giáo đang nhen nhóm- Tác giả Phạm Chí Dũng



Trong tư thế khốn khó nhất sau bảy chục năm tồn tại, đảng Cộng sản Việt Nam lại vẫn tự đốt lửa chân mình bằng xung đột “Cộng - Giáo”.

‘Đổi người’

Tháng 10/2005, quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lại thêm một lần ghi dấu thắng lợi của sức mạnh quần chúng chống bạo quyền.

Phản ứng “nước tràn ly”, giáo dân Đông Yên ở Hà Tĩnh đã bao vây và giữ 4 công an để yêu cầu thả người bị bắt trái phép cả tháng trời trước đó là ông Nguyễn Xuân Toàn, một giáo dân dám lên tiếng phản đối vụ chính quyền cưỡng chế và buộc di dời người dân Đông Yên. Những giáo dân “động loạn” này không hề giấu giếm sự thật rằng nếu họ không phản ứng, nhà cầm quyền sẽ tiếp tục bắt người con thứ hai của gia đình ông Toàn là anh Nguyễn Xuân Thành.

Không còn dám dùng “lực lượng chuyên chính” số đông như nhiều lần trước, cuối cùng chính quyền và công an địa phương đã phải thỏa hiệp “đổi người” với giáo dân và thả người bị bắt. Trực tiếp ban giám đốc công an tỉnh cùng lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh phải đứng ra điều đình với giáo dân và nhờ cậy linh mục can thiệp. Nhờ thế những nhân viên công an bị giữ mới được giáo dân thả về.
Vì sao lại xảy ra biến cố trên?

Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là một giáo xứ lâu đời sống bằng nghề biển, nhưng bị cưỡng bách chuyển lên vùng núi gần Quốc lộ 1A để nhà cầm quyền lấy đất của họ. Cuộc di dời người dân ở đây đã gây ra nhiều hệ quả đau thương, tan nát.

Hiện nay, vẫn còn gần 200 hộ giáo dân với gần 1.000 dân đang ở lại nơi cũ không di dời vì theo họ, chưa có quyết định nào có hiệu lực pháp luật buộc họ phải rời nơi chôn rau cắt rốn. Trong khi đó, nhà cầm quyền lại đập phá hết trường học khiến 155 học sinh thất học suốt hơn một năm qua để gây áp lực buộc các gia đình phải đi khỏi nơi này.

Nhưng giáo dân ở đây thể hiện thái độ kiên quyết không di chuyển. Từ đó đã sinh ra phản ứng và bị bắt bớ.

Cách mạng

Số đông giáo dân và sức mạnh quần chúng chính là điểm nổ cách mạng mà đã buộc chính quyền phải lùi bước.

Cuộc cách mạng ấy khởi đầu bằng một vụ phản ứng quyết liệt chưa từng thấy của người dân đối với chính quyền địa phương vào tháng 4/2011 tại huyện Kỳ Anh của Hà Tĩnh. Vụ việc bắt nguồn từ chuyện một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan có tên là Formosa, được sự bảo trợ của nhiều cấp từ trung ương đến địa phương, đã tiến hành dự án cảng nước sâu làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên lẫn môi trường sinh sống của người dân địa phương.

Sau nhiều lần đơn thư khiếu nại của người dân địa phương không được giải quyết thỏa đáng, khi Formosa sử dụng thủ đoạn dùng chính quyền và cảnh sát để dập tắt làn sóng phản đối của người dân nhằm giải phóng mặt bằng thi công, hàng trăm giáo dân xã Kỳ Lợi đã bất ngờ bắt giữ 5 cán bộ và nhân viên công an - những người đang “thi hành công vụ” tại hiện trường.

Sự việc hy hữu này chỉ được giải quyết tạm ổn thỏa sau khi chính quyền thương lượng với giáo dân thất bại và các quan chức chính quyền phải dựa vào sự can thiệp của Tòa giáo phận Vinh để thả người.

Đến năm 2013, cuộc cách mạng tự phát đó lại nổ ra ở Mỹ Yên, Nghệ An, khi giáo dân bắt giữ một số nhân viên an ninh mặc thường phục. Những người giấu thẻ ngành trong cốp xe máy đã tự cho mình quyền chặn và khám xét chiếc ô tô chở giáo dân đến dự phiên tòa xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành, lập tức kích hoạt vô số uẩn ức bị dồn nén lâu ngày trong cơ thể các con chiên Thiên chúa.

Sau các vụ Cầu Rầm, Con Cuông cũng xảy ra trên địa bàn có số tín đồ công giáo đông nhất nước, Mỹ Yên lại là một bằng chứng sống động về tâm trạng máu trào khỏi họng những giáo dân không còn muốn nuốt máu trở vào trong, hình ảnh những người kéo đi đòi trả tự do cho những kitô hữu bị bắt giữ khuất tất, kêu gọi lập lại công bằng cho quan hệ Công giáo - chế độ và công lý cho những con chiên của Chúa trên chính mảnh đất này.

Trước vụ Mỹ Yên, nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục gây sức ép ối với Hà Nội về trường hợp Lê Quốc Quân. Người ta còn nhớ ngay trước phiên xét xử sơ thẩm của Lê Quốc Quân, không khí giáo dân Vinh đã ngấm ngầm sôi sục. Nếu có những cuộc hành lễ đã quy tụ đến phân nửa trong số 400.000 giáo dân tại địa phận này, thì không quá khó để có thể ước tính số con chiên ngoan đạo có thể kéo đến tòa án Hà Nội ủng hộ cho bằng hữu chịu nạn của họ.

‘Định mệnh’

Trong tháp ngà của giới chức đảng và chính quyền, những bài học dân vận và tôn giáo vận vẫn được lặp đi lặp lại từ ngày  này sang tháng nọ, xuyên suốt từ cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cho đến cánh tay nối dài của một bộ phận thân thể đã ung hoại đến mức phù trương… nhưng vẫn không làm cách nào được thấm nhuần bởi những người luôn “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ở ngay quê hương của người đã từng một thời là hội trưởng danh dự của Hội Hướng đạo Việt Nam.

Não trạng và lề thói hành xử phi văn hóa của “một bộ phận không nhỏ” trong ngành công an đã biến ranh giới giữa chính quyền và cộng đồng Công giáo trở thành một chiến tuyến tiệm cận với xung đột và đối kháng. Ý thức hệ chủ quan đến mức cực đoan về quyền lực càng làm các viên chức chính quyền sa vào tâm thế mà người đời định nghĩa rằng không còn biết đến trời cao đất dày là gì nữa.

Sau gần sáu chục năm tạm yên ả, mồi lửa Công giáo lại có cơ rực đốt trong lòng chế độ. Cũng sau hơn nửa thế kỷ, có vẻ tất cả những gì mà lớp cách mạng tiền bối đổ công sức “tôn giáo vận” lại đang bị lớp hậu bối đổ sông đổ biển. Thay cho cái nhìn khoan dung giữa những người cùng dòng máu Lạc Hồng và quê cha đất tổ, lại là truyền thống thâm thù “Công giáo - cộng sản” đang rừng rực tái hiện, cùng tiếng la hét bạc lòng chới với của dân tình lầm than.

Cồn Dầu ở Đà Nẵng, Cầu Rầm, Con Cuông và Mỹ Yên ở Nghệ An, Đông Yên ở Hà Tĩnh mới chỉ là khúc dạo đầu của bản giao hưởng có tên “Định mệnh”. Với cung cách chỉ đạo đầy ác ý của một số bậc lãnh đạo thiếu tầm và quá thiếu tâm, chẳng mấy chốc người Công giáo sẽ bị đẩy vào thế đối nghịch, mà có thể đến một ngày nào đó sẽ lại nổ ra một Xô Viết Nghệ Tĩnh khác trên mảnh đất Việt Nam quằn quại trong máu và nước mắt.

ALERT: Ngăn ngừa kẻ trộm PIN number của bạn ở máy ATM







Duy Quang hát Người Tinh Già Trên Đầu Nong, nhạc của Phạm Du



Cuộc đời như những chuyến xe
Người lên, người xuống, người về, người đi
Lúc hội ngộ, lúc phân ly
Nụ cười, tiếng khóc, có khi lặng buồn.

Kẻ cùng đi, xuống giữa đường
Gặp nhau phút chốc, vô thường chào nhau
Vẫy tay gạt vội niềm đau
Rồi mai tiếp chuyến xe đầu lại xa.

Chuyến xe trong cuộc đời ta
Đến giây phút cuối chỉ là ta thôi
Duỗi chân ngẫm nghĩ sự đời
Ngộ ra…ta chợt bật cười vu vơ.






Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Cơm chiều kho cá lòng tong - Tác giả Tạ Phong Tần



Người miền Tây Nam bộ có câu hát vui rằng: “Chèo ghe bán cá lòng tong, mũi chảy lòng thòng chẳng có ai mua.” Ghe là một loại xuồng lớn, thân rộng và bầu, mũi thấp, thường dùng để vận tải lúa gạo, củi trên sông. Còn cá lòng tong thì lại nhỏ xíu bằng đầu đũa, chẳng ai lấy ghe mà chở cá lòng tong bao giờ, làm gì có nhiều cá lòng tong đến mức phải chở bằng ghe. Mũi chảy lòng thòng thì đích thị là mấy đứa con nít “thò lò mũi xanh” làm chuyện “ruồi bu kiến đậu,” hổng ai mua là đúng rồi.

Hồi nhỏ, tôi hay nghe bà ngoại nói: “Hồi trẻ tao mê coi hát, hổng có tiền mua vé ngồi ở trên, mua được vé ngồi ghế hạng cá kèo là mừng húm.” Hạng ghế cá kèo là hạng bét nhứt, thấp nhứt, ngồi ở tầng hai mà còn xa biệt dục, nhìn lên sân khấu thấy nghệ sĩ đi tới đi lui nhỏ xíu như con búp bê, người xem không thể nhìn rõ mặt. Cá kèo đã bị coi là nhỏ rồi, nhưng con cá kèo còn bự hơn con cá lòng tong gấp mấy lần nữa. Con cá lòng tong nhỏ bé như thế, nên mới có câu ca: “Thiếp như con cá lòng tong/ Ðói đem kho quẹt đỡ lòng trống không.” Cư dân mạng còn lưu truyền câu chuyện khôi hài về cái sự “nhỏ” của cá lòng tong như sau:


“Ông Tý (mới đi bộ đội về) gắp một mớ cá lòng tong kho tiêu vào chén. Ông hỏi: ‘Cá nầy là cá gì mà ngon quá. Kho tiêu cay, ăn thấm miệng.’ Bà chị dâu ông cười và trả lời: ‘Ðây là cá lòng tong.’ - ‘Cá lòng tong là cá gì?’ ố ‘Là một loại cá voi, đã được sống trong xã hội chủ nghĩa lâu năm.’”

Nghe nói ở miệt sông Tiền, sông Hậu nước ngọt, khi mùa nước nổi bắt đầu dâng ở đầu nguồn ngập các bờ bãi ven sông là thời điểm bắt đầu của mùa cá lòng tong. Mùa này kéo dài cho đến cuối năm âm lịch. Ðể bắt cá lòng tong, người ta đào một cái ao rộng khoảng mười mét vuông, mở một cửa có rãnh nhỏ, ngắn dẫn ra sông (hoặc kênh, rạch). Nơi rãnh tiếp giáp kinh, rạch được chặn lại bằng một tấm lưới cứng mắt dày hoặc tấm phên tre. Khi nước lớn, người ta rút tấm lưới (phên tre) lên, nước vào đầy ao thì hạ tấm lưới (phên tre) xuống. Khi nước ròng rút ra ngoài thì cá bị giữ lại trong ao, chỉ việc dùng vợt lớn để xúc hay dùng tấm vải mùng lớn, hai người cầm hai bên lội dưới ao kéo qua một cái là cá dính vào đầy tấm vải.

Hoặc người ta dùng mồi và cần câu để câu cá lòng tong. Chiếc cần câu trúc nhỏ uốn cong vòng, đầu cần câu buộc sợi cước ni lông trắng mỏng dính lấp lánh trong ánh nắng có cột cái lưỡi câu nhỏ xíu. Mồi câu là cơm nguội hoặc trùn cắt khoanh nhỏ nhỏ trộn với cám rang thơm phức. Người ta câu cá lòng tong ở bờ sông.

Quê tôi vốn sát bờ biển, các con sông, kênh đều có hai mùa nước lợ và nước mặn. Nước sông chỉ ngọt khi đầu mùa nước nổi, mưa thật lớn, nước tràn trề từ sông Tiền sông Hậu đổ về thì nước mới ngọt được vài ngày. Ðây cũng là lúc các loại cá đồng, trong đó có cá lòng tong từ thượng nguồn trôi xuống tấp vô các ao hồ, đồng ruộng rồi sống luôn ở đó, chớ trôi ra sông gặp nước mặn từ cửa biển ập vào là lòng tong sống hổng nổi. Vì vậy mà cách bắt cá lòng tong quê tôi cũng khác hơn thiên hạ.

Thường thì người dân quê tôi không câu cá lòng tong trong ruộng lúa, mất thời gian nhiều mà thu hoạch ít, họ chú tâm giăng lưới, đặt nò, nơm những loại cá lớn hơn. Muốn bắt cá lòng tong, người ta dùng lưới mềm mắt nhỏ hoặc vải mùng, cột vào một thanh tre, hai người cầm hai bên kéo lội qua ao một cái leo lên là trong lưới đầy cá lòng tong trắng xanh lấp lánh, nhảy xoi xói, nhìn thấy phát ham. Hoặc vào mùa nắng, nhân dịp tát đìa, người ta mới “thu gom” lòng tong luôn một thể. Nhà nào có ao, gặp lúc khan hiếm thức ăn hay muốn để dành cá lớn bán, chủ nhà mới xách cần câu ra câu chừng một rổ nho nhỏ lòng tong đủ để làm một mẻ kho khô trong nồi đất là xong.

Nhà tôi không có ao, cũng không có ruộng. Lạng quạng ra ao người ta xúc cá chúng rượt chạy hổng kịp. Vào những năm 80, mỗi lần mưa lớn, nước từ các ao lớn tràn ra ngập sân những ngôi nhà cổ đọng thành vũng rất lớn, cá lòng tong, cá bẩy trầu lội đàn đàn trong vũng nước. Mảnh sân sau biệt thự ông Hội Ðồng Trạch là một nơi vớt cá lý tưởng. Lúc này, nhà ông Hội bị tịch thu làm viện bảo tàng, cửa đóng then cài, sân sau vắng ngắt, cỏ mọc chen lẫn với rong rêu. Nhà tôi lúc đó ở gần biệt thự ông Hội. Mỗi lần mưa lớn, tôi xắn quần, xách rổ đến sân sau biệt thự, lội xuống rượt vớt cả lòng tong lẫn cá bẩy trầu đem về kho quẹt.

Cá lòng tong, cá bẩy trầu rất mềm, thịt ngọt, vảy nhỏ và mỏng mịn như đầu tăm. Làm cá rất dễ, chỉ cần lấy tay bấm chỗ yết hầu cá ngắt ngược lên là lôi nguyên bộ ruột và đầu cá bỏ ra ngoài. Xong bỏ cá vào rổ tre, để vào thau nước muối pha loãng mà chà cá chạy lòng vòng trong rổ, đến khi nào thấy cá đã tróc hết vảy thì thôi, thay nước khác rửa sạch bụng cá, để ráo là có thể đem nhúng bột chiên giòn hoặc kho tiêu. Nhúng bột chiên để ăn chơi, là một món xa xỉ. Thời bấy giờ, mỗi gia đình hàng tháng chỉ được mua nửa ký mỡ phân phối của hợp tác xã, làm gì có đủ mỡ mà chiên giòn cá. Cho nên, hễ cứ bắt được lòng tong là kho tiêu tới tới.

Cá làm sạch để ráo nước cho vào nồi đất, đổ nước mắm ngon vào xăm xắp, cho thêm một ít bột ngọt, một chút đường (tùy khẩu vị) rồi bắc nồi lên bếp kho lửa riu riu cho đến khi cá và nước mắm còn sền sệt, thêm vào ít tóp mỡ hoặc dầu ăn và nhắc xuống. Rắc lên mặt một ít tiêu xay và hành lá xắt nhỏ. Người nào ăn cay nhiều có thể bằm thêm chút ớt rải lên mặt nồi cá, khi ăn thì gắp ớt ăn thêm. Ngoại tôi kho cá lòng tong, sau khi đã rút hết nước mắm vào cá, lúc nào ngoại cũng thêm vào nồi cá chừng nửa chén nước cơm mới chắt ra từ nồi cơm trên bếp, rồi tiếp tục kho lửa riu riu. Nước cơm thấm vào cá, cá thấm vào nước cơm, làm cho nước cơm đổi màu nâu vàng như màu cá, cá mặn nhưng nước cơm chỉ hơi mặn thôi, nó làm cho nồi cá thêm sền sệt, thơm ngon, ăn rất vừa miệng.

“Cơm chiều kho cá lòng tong/ Chấm đọt nhãn lồng bổ óc bổ gan.” Hôm nào nhà bếp có món cá lòng tong thì phải nấu hơi nhiều cơm hơn ngày thường một chút. Người ta còn ăn cá lòng tong kho tiêu với cháo trắng nấu nhừ hay cháo đậu đỏ.

Thông thường, cá lòng tong kho tiêu được ăn với canh chua bắp chuối nấu cơm mẻ. Rau muống, rau lang, đọt bầu, đọt bí, đọt nhãn lồng, rau trai luộc hay chuối chát, khế, khóm, bạc hà xắt mỏng. Nhãn lồng là một loại dây leo, còn có tên gọi khác là cây lạc tiên, Ðông y dùng làm thuốc trị ho và an thần, chớ hổng phải cây nhãn lồng để dành cho con chim khuyên ăn trái.

Sở dĩ tôi biết rõ rau nhãn lồng này là vì sau ngày 30 tháng 4, 1975, ai bị bệnh gì vô bệnh viện Bạc Liêu cũng đều được bác sĩ kê toa hai thứ thuốc không bao giờ thay đổi là Xuyên Tâm Liên (viên nén) và chai xi-rô Lạc Tiên, đem về uống đến phù cả mặt mũi mà vẫn không hết ho. Có thời gian, người ta lợi dụng đặc điểm an thần và ngọt như chè của xi-rô Lạc Tiên, bèn vô bệnh viện khai ho để được mua xi-rô Lạc Tiên đem về pha với nước đá uống chơi như một loại “nước giải khát hảo hạng.”

Xứ Bạc Liêu vốn nổi tiếng nhiều tôm cá, “Theo anh về xứ Bạc Liêu/ Ăn cá thay bánh, bàu nghêu thay quà,” vậy mà chẳng mấy khi nhà tôi được ăn con cá lớn. Nông dân nuôi được cá, bắt được cá ngon nhưng không bao giờ dám ăn mà thường đem ra chợ bán để lấy ít tiền mua nước mắm, nước tương, dầu lửa, bột ngọt,... và họ chỉ dám ăn những con cá vụn vặt mà người ta thường gọi là cá hủn hỉn, tức là cá nhỏ xíu, cá tạp nhiều loại dạt ra không bán được ở chợ như: lòng tong, lòng ròng, bảy trầu, lia thia, cá sặt con, cá rô con...

Mỗi khi mùa mưa đến, nghe tiếng sấm ì ùng dội lại từ đâu đó rất xa, nhìn phía chân trời thấy mây đen cuồn cuộn, vài tia chớp sáng lòe, gió thổi ào ào cuốn theo cát bụi, lá cây đập lên mái nhà ầm ầm, không khí hơi lành lạnh rồi từng giọt từng giọt mưa to ném xuống đến rát da, tôi lại nhớ về thời thơ ấu của mình với những con cá lòng tong.