khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

BẮC KỲ ĐỐI VỚI NAM KỲ :" BẢN DI CHÚC TỰ DO "










Di chúc Bắc Kỳ tự do -- Tuấn Khanh

Câu chuyện kỷ niệm 60 năm về hành trình đến miền Nam của hơn một triệu người trôi qua lặng lẽ. 20 tháng 7, 1954 trở thành lịch sử thế giới, nhưng chưa bao giờ đủ với những câu chuyện kể về số phận và suy nghĩ của riêng người Việt. Tôi chờ đọc một áng văn nào đó, nói về suy nghĩ của những người miền Nam khi nhìn thấy dòng người Bắc Kỳ này, khi họ đến đồng bằng, chảy về thành phố, nhưng không thấy. Tràn ngập những bài viết chỉ là nỗi nhớ tha hương, là ký ức và lòng kiêu hãnh của những người tìm tự do từ phía Bắc. Vì vậy, tôi muốn ghi ra chút ít ở đây, về cái nhìn của một người miền Nam, về cha mẹ, ông bà của bạn bè Bắc Kỳ, dù họ còn hay đã mất.

Hai tiếng “Bắc Kỳ” xuất hiện trên miệng trẻ con miền Nam, và cả của tôi, suốt một thời gian dài, chỉ là sự trêu chọc ban bè cùng lứa, vì một kiểu ngữ âm rất khác mình. “Bắc Kỳ” trong ký ức từng là một tâm cảm bị ám thị, thiếu thiện cảm hơn cả khi so sánh với “Ba Tàu”. Chỉ khi tạm đủ chữ trong đầu, biết thêm về đất nước này, hai chữ “Bắc Kỳ” trong tôi mới thật sự thay đổi. Có lẽ cũng giống như tôi, nhiều người miền Nam hời hợt kỳ thị đã tự làm cho mình bớt xấu hổ bằng cách lập ra những hạng mục khác như Bắc kỳ 9 nút (54), Bắc kỳ 2 nút (75)… để bày tỏ rõ hơn trong nhìn nhận.

Nhưng không đủ.

Phải mất đến hơn nửa đời người, tôi mới nhận ra rằng không hề có một giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả nhưng vậy. Ở mọi miền, Nam hay Trung hay Bắc, người ta cũng đều có thể nhìn thấy kẻ vô lại trong giống nòi, nhưng sự khó khăn nhìn nhận luôn thường dành cho phía Bắc, như một ám chỉ về một vùng đất phải chịu sự khác biệt về chính trị trong nhiều năm, như đã ám toán mọi sinh lực sống bình thường của con người.
Tôi nhận ra điều đó, ở một ngày khi thấy chung quanh mình có rất nhiều bạn, kể cả thầy cô, là những người Bắc mà tôi tin cậy. Họ đại diện cho những người “Bắc kỳ” mạnh mẽ, vượt qua số phận và hoàn cảnh của mình để không bị đè bẹp, không hèn hạ hoặc chết, như F. Nietzsche đã viết “những gì không giết được chúng ta, sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn” (That which does not kill us makes us stronger).

60 năm của những người Bắc di cư vào Nam, cho tôi và thế hệ của mình được nhìn rõ họ hơn, nhắc tôi phải nói về một bản di chúc lớn, một bản di chúc vĩ đại mà hơn một triệu người từ bến tàu Hà Nội, Hải Phòng… mang đến cho cả đất nước. Bản di chúc cũng được lưu giữ trong mắt, trong lời nói của từng người Việt tha hương khắp thế giới: bản di chúc về tự do.

Cả miền Nam sau 1954 cần phải có một lời cám ơn văn chương Bắc Kỳ, âm nhạc Bắc Kỳ, báo chí Bắc Kỳ… đã góp tay dựng lên một nền văn hóa của cả đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam. Nền văn hóa ngắn ngủi nhưng đủ trường tồn và mạnh mẽ vượt qua một chướng ngại, tồn tại trong lòng người từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam và trên cả thế giới. Cùng với những người anh em từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, những người Bắc đó đã làm tất cả để bù đắp, để dựng xây… cho thỏa sức, việc họ phải rời bỏ rất xa quê nhà, thậm chí trơ trọi, chỉ để đổi lại hai chữ tự do.

Rất nhiều năm sau đó, con cháu của những người Bắc 54 cũng lớn lên ở miền Nam hay vượt đại dương đến nơi nào đó, không ít người trong họ vẫn âm thầm mang theo một bản di chúc có thể sống mãi đến nhiều thế hệ sau về tự do, và chọn lựa vì tự do. Trong một lần ở Mỹ, tôi nghe phát thanh viên của một đài radio người Việt bình luận về một nỗi nhớ quê nhà Hà Nội. Nhớ con đường quanh Hồ Gươm, nhớ con hẻm có bán canh bún nhỏ… Giọng Bắc của anh ta trầm buồn như mới ngày hôm qua còn nhìn thấy những thứ đó, trong khi tôi biết rõ anh chưa về Việt Nam một ngày nào, kể từ tháng 4/1975. Sau lần phát thanh đó, gặp anh, tôi trêu là sao anh nói cứ như là cứ vừa ở Việt Nam về. Đột nhiên giọng anh trầm lại “Phải cố gắng nhớ dù chỉ là tưởng tượng lại. Phải nhớ như nhớ lời của ông bà mình xua mình xuống tàu, trối dặn mình phải sống với tự do”. Tim tôi như thoáng ngừng đập trong tíc tắc. Dòng người mờ ảo trong những cuốn phim tài liệu trắng đen về số phận Việt Nam chia cắt ập về. Tôi cũng nhận ra rằng bản di chúc tự do đó, không phải những người Bắc Kỳ chia cho nhau, mà còn chia lại cho tôi, cho bạn, cho cả dân tộc này. Từng người chúng ta đã được nhận. Chọn lựa mình hôm nay khốn nạn hay tử tế, là do mình đã không chịu nhìn thấy di sản của cha ông gửi lại, qua bản di chúc không thành văn này.

Tôi nhìn thấy người bạn trẻ của tôi, con một người Bắc di cư, nay sống ở Biên Hòa. Anh đưa lên facebook một tấm ảnh kỷ niệm 60 năm người Bắc xuống tàu vào Nam. Khi bên ngoài người ta nói về những điều lớn lao như hiệp định Genève và các chính quyền, thì cũng có một dòng người không nhỏ đưa lại những hình ảnh thuộc về con người như vậy. Có những tấm ảnh khiến mình phải lặng đi khi thấy cụ già bước gấp vào Nam, hành lý trên tay quý nhất chỉ là tấm hình Đức Mẹ. Người bạn trẻ của tôi đưa lên tấm ảnh người ta chen chúc chia tay nhau ở một bến tàu. Khó mà biết được ông bà hay cha mẹ của anh đã có mặt ở đó hay không, trong những chấm li ti như cát bụi. Bản thân người bạn trẻ đó thì giờ cũng là phần li ti trong hàng triệu người Bắc 54 đã lớn lên, đã thành đạt ở miền Nam này hôm nay.

Và tôi nhận ra rằng, bản di chúc tự do đó cũng vẫn đang âm thầm trong anh, như bao phần li ti khác đang trỗi lên, trên đất nước này .



Bắc Kỳ và Nam Kỳ
 
(Nhân đọc Di Chúc Bắc Kỳ Tự Do của Tuấn Khanh)

Nguyễn Trần Sâm

Cách đây vài hôm, khi đọc trên Quê Choa bài “Di chúc Bắc Kỳ tự do” của nhạc sỹ Tuấn Khanh, tôi đã xúc động đến trào nước mắt. Xúc động vì tình đồng tộc, nghĩa đồng bào sâu nặng như tình ruột thịt trào ra qua những dòng gan ruột của anh.

Với riêng tôi, một người “Bắc Kỳ” theo nghĩa rộng, tức là người miền Bắc, sự xúc động còn có một lý do khác mà tôi sẽ nói sau.

Trong phần đầu của bài viết, Tuấn Khanh nói sơ qua cảm nhận về người “Bắc Kỳ” khi anh còn nhỏ. Một thứ cảm nhận hình thành vừa do những gì được thấy, vừa bị ảnh hưởng bởi cả trào lưu và định kiến. Anh viết:

“Bắc Kỳ” trong ký ức từng là một tâm cảm bị ám thị, thiếu thiện cảm hơn cả khi so sánh với “Ba Tàu”.

Và ở đoạn sau:

“Phải mất đến hơn nửa đời người, tôi mới nhận ra rằng không hề có một giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả (tôi gạch dưới – NTS) như vậy.”

“Những điều khó tả” mà Tuấn Khanh nói ở đây, nói thẳng ra, đó là những tính xấu của dân Bắc. Đành rằng ở đâu cũng có người tốt và người xấu – thậm chí nếu có “cõi trời” thì có lẽ trên đó cũng vậy thôi – nhưng tôi, xin nhắc lại, một người dân Bắc, vẫn phải thừa nhận rằng trong cuộc sống dân Bắc có nhiều cái xấu hơn, trong đó có những cái xấu đặc trưng, hình thành do sống nhiều năm trong một “bầu không khí” luôn khuyến khích những cái nhỏ nhen, bon chen, giả dối.

Rất may là những người như Tuấn Khanh vẫn nhận ra rằng những cái xấu đó không phải nằm trong bản chất con người, mà chủ yếu do “có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả như vậy.”

Cái “cuộc sống không được chọn lựa nào đó” này là gì? Đó là lối sống bị áp đặt cách thô bạo. Áp đặt thứ kinh tế tập thể, trong đó những người làm việc năng nổ và xuất sắc không được hưởng nhiều hơn kẻ lười biếng. Thậm chí, người lao động giỏi nếu không biết khom lưng thì có thể bị mất hết, trong khi kẻ lười nhác nhưng chịu khó lấy lòng cấp trên có thể được nhận nhiều thứ. Cái thứ kinh tế tập thể đó đã đi đến cái kết cục tất yếu là suy thoái trầm trọng, đẩy con người đến chỗ càng phải bon chen, thu vén bằng mọi cách mà gần như không còn cảm giác xấu hổ. Áp đặt lối suy nghĩ và nói năng theo mẫu của cấp trên. Áp đặt những cuộc “sinh hoạt tư tưởng” đe dọa biến tất cả những ai có suy nghĩ độc lập, tự do thành “kẻ thù giai cấp”. Áp đặt một thứ “tình cảm cách mạng”, đẩy tình ruột thịt, tình bạn hữu xuống vị trí thứ yếu…

“Tôi nhận ra điều đó, ở một ngày khi thấy chung quanh mình có rất nhiều bạn, kể cả thầy cô, là những người Bắc mà tôi tin cậy.” Tuấn Khanh viết tiếp. Tình ruột thịt mạnh hơn hết thảy trong con người anh đã giúp anh nhận ra nguyên nhân của “những điều khó tả” trong những người đồng bào Bắc Kỳ. Và khi nhận ra điều đó, anh càng thấy thương những người bà con miền Bắc hơn. Trong lòng anh thực sự không còn chút ngăn cách nam-bắc nào.

Không những thế, Tuấn Khanh còn khẳng định vai trò của “Bắc Kỳ” trong đời sống xã hội:
“… văn chương Bắc Kỳ, âm nhạc Bắc Kỳ, báo chí Bắc Kỳ… đã góp tay dựng lên một nền văn hóa của cả đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam.”

Hơn thế nữa, anh đã chỉ ra rằng cuộc di cư năm 1954 của dòng người từ Bắc vào Nam đã mang đến cho cả dân tộc một “bản di chúc vĩ đại”, “bản di chúc về tự do”.

Tình cảm của những người “Nam Kỳ” như Tuấn Khanh thực sự làm ấm lòng những người con miền Bắc, trong đó có tôi.
*
Thời còn trẻ, khi học đại học, vì sống ở Bắc Kỳ nên bạn bè tôi chủ yếu là Bắc Kỳ. Nhưng những người bạn thân nhất của tôi lại là người Nam Kỳ. Đó là con em những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Mặc dù các vị cán bộ tập kết này ra Bắc theo tiếng gọi của “cách mạng”, nhưng nhiều vị đã truyền lại được cho con cái họ lối sống và suy nghĩ chân thực, không bị nhuốm màu “chủ nghĩa”, không bày đặt kiểu cách rườm rà. Trong khi những đứa bạn Bắc Kỳ, nhất là kinh kỳ, có “phương pháp thể hiện mình” rất bài bản, thì những đứa con cán bộ miền Nam không hề biết, hay đúng hơn là không bao giờ xài những “bài” kiểu đó. Thấy tôi cũng thẳng tuột, cũng ngố kiểu nhà quê, cánh bạn gốc Nam Kỳ rất quý tôi. Và tôi đã lọt vào được một vài nhóm toàn con em cán bộ tập kết đó. Chúng tôi chơi rất thân với nhau.

Những năm sau này, tôi có dịp tiếp xúc và làm việc với dân “Nam Kỳ chính hãng”, càng thấy họ chân thật và đơn giản hơn hẳn dân Bắc Kỳ, và trong công việc thì họ hầu như không bao giờ láu vặt, dùng những trò tiểu xảo, thú thật, trái tim tôi càng hướng về những người bạn phương Nam nhiều hơn.

Trước 1975, tôi cũng như hầu hết dân Bắc đều suy nghĩ giống như được “dạy”. Lối suy nghĩ đó cũng chi phối chúng tôi khi nhận định về mối tương quan giữa hai miền, về “công lao giải phóng miền Nam” của dân Bắc (dưới sự lãnh đạo của TW!). Nhưng càng ngày, tôi càng hiểu ra rằng nếu không có “công cuộc giải phóng” đó thì miền Nam bây giờ chắc gần giống Đại Hàn Dân Quốc, còn miền Bắc giống như thiên đường CS Triều Tiên. Ý nghĩ đó, cộng với những thông tin cho thấy những người Bắc tràn vào Nam trong ba bốn mươi năm qua mang theo lối sống không phù hợp với dân Nam, làm “những điều khó tả”, làm tôi luôn có cảm giác như mắc lỗi với những người anh em trong đó.

*
Nhiều năm trước, thỉnh thoảng tôi thắc mắc, không hiểu sao trong gia đình người miền Nam không có “anh cả, chị cả”, mà cao nhất là “anh hai”, “chị hai”. Có người giải thích với tôi, đó là do ảnh hưởng quan niệm của một nhánh tôn giáo, trong đó coi cha mẹ thực của con người là ở chốn vô hình nào đó, còn hai người sinh ra mình chỉ là “anh sinh, chị đẻ”. Nếu vậy thì hai người này mới thực sự là anh cả, chị cả, nên trong số những đứa mà họ sinh ra làm gì có ai xứng đáng được gọi là anh cả, chị cả nữa. Tôi thấy cách giải thích này cũng có phần đáng chú ý, nhưng không thật sự thuyết phục.

Cách đây vài năm, trong một lần có mặt ở Quy Nhơn, một tối tôi ngồi trò chuyện với mấy người bạn, đủ cả ba miền. Câu chuyện cuối cùng chạm đến câu hỏi trên. Và thật bất ngờ, một cô người miền Nam trong nhóm đã nêu ra một cách giải thích mà tôi tin ngay lập tức. Đó là ngày xưa khi dân Việt mới vào trong đó lập nghiệp, nỗi nhớ quê và anh em ngoài Bắc sâu nặng đến mức người ta quy ước với nhau rằng con cái trong một gia đình không được gọi nhau là anh cả, chị cả, để hình dung ra như thể chúng có anh cả, chị cả, nhưng anh chị vẫn còn ngoài Bắc. Điều đó cũng là để nhắc nhở rằng tình đồng tộc cũng không khác gì tình anh em trong một gia đình hẹp, để nhắc nhở các thế hệ sau không được quên đi gốc tích của mình, và không được kỳ thị kẻ Bắc người Nam.

Tôi bỗng hoàn toàn tin vào cách giải thích đó. Thậm chí tin rằng nó được truyền lại qua mấy thế kỷ. Thật may là nó đã không bị thất truyền!

Và không hiểu sao, tôi thấy xúc động khác thường, mấy chục năm qua chưa từng như vậy. Lúc đó, tôi đã phải đứng dậy đi ra chỗ khuất, để giấu dòng nước mắt cứ tự động trào ra mà không cách nào ngăn được (ở tuổi ngoài 60!). Mãi hàng chục phút sau, tôi mới dám quay lại, trong sự ngạc nhiên của nhóm bạn vì sự bỏ đi bất thường của tôi.

Cách giải thích của người bạn miền Nam về “anh cả, chị cả”, và những lời tâm huyết như của Tuấn Khanh làm tôi thấy yên tâm, rằng tình đồng tộc, nghĩa đồng bào, bất chấp vật đổi sao dời, vẫn luôn là điều thiêng liêng có thể lay động con tim ta ở nơi sâu kín nhất. Và “Bắc Kỳ”, “Trung Kỳ” hay “Nam Kỳ” chỉ thuần túy là những khái niệm địa lý hành chính.

Suy nghĩ đó làm tôi thực sự thấy ấm lòng và hạnh phúc.

Chuyện Kể Của Một Bà Già -- Tác giả: Diệu Quang Phong Trần Thái



Năm nay tôi đã 72 tuổi, đang sống ở tiểu bang Texas, thành phố Grand Prairie, gần Dallas. Tôi đến Mỹ cuối năm 1983, do đơn xin bảo lãnh vợ con của chồng tôi, tính đến nay đã hơn 30 năm rồi. Chồng tôi đến Mỹ năm 1975. sau đó làm kế toán cho một hãng điện của tiểu bang Minnesota (MN), một tiểu bang rất lạnh, ở miền bắc nước Mỹ. Mùa đông ở MN rất lạnh và có tuyết từ tháng 10 đến tháng 5 của năm sau. Lạnh và tuyết hơn 7 tháng, thời tiết rất khắc nghiệt, nhiệt độ xuống -30 độ F, đường sá đóng đá rất trơn trợt.

Tôi làm cho một hãng chuyên cung cấp hoa tươi cho các chợ Mỹ, và các tiệm bán hoa tại MN. Tánh tôi thích hoa, nay được làm về hoa lá nên tôi rất vui thích. Mỗi khi có lễ Mother's Day, hoặc các lễ lớn khác, hoa bán ra rất nhiều; tôi phải làm overtime. Mỗi ngày đứng làm từ 12 đến 14 tiếng đồng hồ, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, hoặc 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Về đến nhà hai chân rã rời vì đứng làm suốt mười mấy tiếng đồng hồ, mặc dù cứ 3 tiếng đồng hồ là được ngồi nghỉ 10 đến 15 phút.

Lúc về đến nhà tôi quá mệt, không muốn ăn uống gì cả, nằm trên giường ngủ một giấc tới sáng. Hôm sau 5 giờ sáng thức dậy, ăn uống qua loa rồi đi làm trở lại. Năm 1983 mức lương tối thiểu là $4.15, tôi làm với mức lương đó. Bình thường mỗi ngày làm 8 tiếng đồng hồ với công việc là bó hoa thành từng bó (mixed bouquet), để tài xế của hãng đem giao đến các chợ Mỹ.

Công nhân của hãng hoa có khoảng 30 người, toàn là con gái và đàn bà, và vài người đàn ông ở kho nhận lãnh các thủng hoa, và tài xế lái xe truck giao hoa.

Các nhân viên Mỹ làm ở văn phòng gồm 1 ông manager, 1 bà Mỹ supervisor, và 4, 5 thư ký làm ở văn phòng.

Công việc của đàn bà chúng tôi là bó các loại hoa lại thành bộ gồm 2 lá leather leaves, 1 nhánh hoa cúc vàng, và 1 nhánh hoa cúc trắng, khoảng 15 đóa hoa, thêm 2 cánh status tím, cột thành bộ, rồi bọc giấy có in hoa rất đẹp.

Việc bó các loại hoa hồng, thì trước hết phải chọn những đóa hoa hồng tươi, còn búp, cành rắn chắc, dùng ngón tay kiểm soát các cánh hoa bằng cách bóp nhẹ vào nụ hoa để loại bỏ những nụ hoa mềm. Những nụ hoa mềm sẽ úa tàn rất nhanh.

Mỗi bó hoa hồng có khoảng 6 búp xen với 2 cánh gyp màu trắng là loại hoa nhỏ tròn như hột tiêu. Hoa hồng có nhiều màu: trắng, hồng, vàng, đỏ, cam, nhưng tôi thích nhất là loại hoa màu tím hoa cà vì nó thơm hơn các loại hoa hồng khác. Tôi cũng thích loại hoa hồng 2 màu, sát trong nhụy màu trắng và ngoài cánh hoa viền đỏ.

Vào mùa hè khoảng tháng 6 đến tháng 8, có hoa gladiolus thường gọi tắt là glad, đủ màu rất đẹp. Ở việt nam hoa này được trồng ở Đà Lạt và người ta gọi là " hoa Lay On".

Tôi đã ở tiểu bang MN 5 năm. Vào dịp lễ giáng sinh, hoa bán ra nhiều, tôi làm overtime từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tôi mới xong việc. Lúc bước ra khỏi hãng để về nhà, tôi trượt té một cái rầm, lưng xáng xuống đất đau điếng. Tới nằm dài trên mặt tuyết. Các bạn đồng nghiệp Mỹ xúm lại hỏi "Are you ok, you ok?" nhưng té đau qua tôi nằm thẳng cẳng, mắt nhắm lại không trả lời được. Các bạn Mỹ cuốn tròn một cái áo rồi lót dưới cổ tôi.

Lúc đó tôi chưa biết lái xe, chồng tôi đưa đón tôi đi làm mỗi ngày, rồi ông mới tới sở làm việc. Chồng tôi đang ngồi đợi tôi trong xe ở gần cổng ra vào, thấy mấy bà Mỹ xúm lại nơi cửa, gần văn phòng hãng, ông không biết chuyện gì, cho đến lúc các bà Mỹ dìu tôi đến chỗ ông đậu xe; ông mới biết tôi bị té.

Về nhà nằm ngủ lưng ê ẩm, đến sáng tôi đi làm trở lại, lưng không còn đau, trừ phi cúi người xuống thì cảm thấy thón ở dưới lưng.

Bà supervisor bảo tôi đi bác sĩ, nhưng tôi rất sợ đi bác sĩ, nên tôi nói " I' m ok" và không chịu đi bác sĩ.

Bà supervisor cho người rãi thêm lên mặt đường muối và cát ở lối vào hãng hoa để tránh bị trượt té.

Mấy ngày sau, một người bạn học Đồng Khánh nay ở Houston gọi phone lên thăm tôi. Tôi kể chuyện tôi bị trượt té vì tuyết đóng băng thành nước đá quá trơn. Bạn tôi nói có người quen ở Canada trượt té nứt xương sống bị liệt nằm một chỗ, và khuyên tôi dọn về Texas. Tôi nghe vậy hoảng hồn liền bàn với chồng tôi dọn nhà về miền Nam nước Mỹ. Chồng tôi nói ông làm ở Minnesota gần mười năm rồi, lương rất khá, công việc kế toán lại nhẹ nhàng nên không muốn dọn đi nơi khác.

Sau đó, chồng tôi đã đưa tôi xuống Cali năm 1988, nơi có người bà con làm chủ 3 tiệm nail, và tôi đã đi học mấy tháng để thi lấy bằng làm móng tay, nhiều lúc ở Minnesota tôi định sẽ đi học cắt tóc nhưng sau nhận thấy học tóc mất nhiều giờ hơn học nail nên tôi đã đổi ý. Và tôi đã làm nail ở Los Angeles 10 năm.

Tôi làm trong một tiệm làm nail lớn có 17 thợ ở đường Crenshaw, đa số là thợ nail nữ, chỉ có 2 người thợ đàn ông. Nhân viên làm nail đủ mọi thành phần rất phức tạp, chia thành nhóm này, nhóm nọ, chỉ trích lẫn nhau. Các cô thợ trẻ tụ thành 1 nhóm, các bà đã có gia đình hợp thành 1 nhóm khác. Thông thường đàn bà hay chê trách và nói xấu lẫn nhau. Và các tiệm nail là ổ của các vụ cải cọ, phiền phức đến nhức đầu.

Các cô thợ nail thường thay đổi chỗ làm soành soạch, có khi vì bất mãn với chủ tiệm, hoặc bất mãn với bạn đồng nghiệp thì liền bỏ việc, không đi làm nữa mà không báo trước.

Trong tiệm nail tôi làm có 1 cô gốc tàu nói tiếng việt không rành. Cô kể rằng lúc ở việt nam cô bán thịt heo ở chợ An Đông, cô bị công an bắt cô liền năn nỉ: " Ngộ có con dại còn pú, chồng ngộ thất nghiệp, hiện đang sống vào sự puôn pán của ngộ. Ông làm ôn làm phước đừng bắt phạt ngộ, tha cho ngộ." thế mà may mắn được thả về. Thật sự cô chưa có chồng con gì cả, cho đến bây giờ ở Mỹ có vẫn còn độc thân có tên Hạo, và thường xưng là A Hạo.

Một hôm có một cô trong tiệm nail hỏi cô rằng: "ngày off được ở nhà A Hạo làm gì?" Cô trả lời: " Mấy chị có chồng, ở nhà chơi với chồng, còn ngộ ở nhà chơi với má.", làm cả đám cùng cười vang.

Ở tiệm nail cũng có một cô bị xui tận mạng. Xe cô đậu ngoài đường bị ăn cắp, mất xe, cô còn bị ra tòa rất rắc rối vì thằng Mễ ăn cắp xe của cô dùng bán bạch phiến. Khi bị cảnh sát bắt nó khai là chiếc xe đó là của bạn gái của nó và đổ tội hết cho cô. Ra tòa nó cứ khăng khăng cô là bạn gái của nó. Cô chứa bạch phiến trong xe, nó không biết có bạch phiến nên mượn xe cô đi chơi.

Những người trong tiệm đều biết cô bị oan nhưng ông tòa thì có biết gì về cô đâu. Nên sau cô phải mướn luật sư rất tốn tiền.

Lúc làm ở tiệm nail tôi lấy tên là Lisa để khách Mỹ dễ nhớ và dễ kêu tên. Tôi nghĩ chữ Ly Gia tiếng hán việt có nghĩa là " xa nhà" như tình trạng của vợ chồng tôi lúc đó: chồng ở phương bắc Minnesota, vợ ở phương nam California. Mỗi năm chỉ gặp nhau một vài lần. Mỗi năm tôi về MN 1 lần thăm chồng con và chồng tôi mỗi năm qua Cali 1 lần thăm tôi.

Khi về thăm chồng con ở MN mỗi lần chồng con tôi đưa tôi lên phi trường để tôi trở lại với việc làm ở Cali, chúng tôi đều bịn rịn. Tôi bước vào máy bay mà mắt nhòa lệ. Tôi muốn nhìn chồng con tôi lần nữa mà không dám quay đầu lại, chỉ e mình sẽ bỏ việc làm nên bước chân đi mà lòng quặn thắt, buồn nảo nuột.

Mỗi hè chồng con tôi xuống Cali thăm tôi cũng chỉ vui được vài ngày rồi lại cách xa!

Vợ chồng tôi lúc đó như là Ngưu Lang Chức Nữ. mỗi năm chỉ gặp nhau một đôi lần.

Trước kia chồng tôi đi dạy học tại trường trung học Trần Quý Cáp Hội An. Dạy học được ba bốn năm, thì có một người bạn rủ ông thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh. Chồng tôi thi đậu, và đã học 4 năm tại trường Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn. Sau khi ra trường ông thụ huấn 6 tháng quân sự tại trường Đồng Đế NhaTrang. Rồi đi tập sự tại tòa hành chánh Qui Nhơn.

Nhờ ra trường Quốc Gia Hành Chánh với số điểm cao, chồng tôi được chọn nhiệm sở là Quảng Nam. Lúc đó chúng tôi mới đính hôn nên chồng tôi muốn về Quảng Nam cho gần gụi. Ông tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam phái chồng tôi lện làm việc tại các quận Quế Sơn, rồi Thượng Đức là những quận xa xôi heo hút. Chồng tôi lên làm ở các quận đó vài năm, rồi xin về quận Hiếu Nhơn, là một quận ở gần biển Cửa Đại ở Hội An. Sau khi về làm hành chánh ở tòa hành chánh Quảng Nam, rồi làm ở Quảng Ngãi 2 năm. Cuối cùng thì xin thuyên chuyển ra Đà Nẵng để săn sóc cha già đau yếu và làm về hành chánh ở Đà Nẵng cho đến năm 1975. Lúc đó tôi đang dạy học ở trường trung học ở Đà Nẵng.

Gần ngày 30 tháng 4 năm 75, chồng tôi cùng ông đại tá thị trưởng Đà Nẵng, và ông bí thư của đại tá đi thuyền từ Đà Nẵng vào Vũng Tàu. Lúc đó tôi đã ở nhà người bà con của tôi ở Chợ Lớn vài ngày rồi. Tôi và hai con rời Đà Nẵng bằng chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không Việt Nam Cộng Hòa. Nghe tin chồng tôi đến Vũng Tàu, tôi định đi xe đò xuống Vũng Tàu. Nhưng chồng tôi nhắn tin sẽ về Sài Gòn nên tôi ở lại Chợ Lớn với 2 con còn nhỏ, 7 tuổi và 10 tuổi.

Ngày 30 tháng 4 năm 75 cộng sản chiếm Sài Gòn, tôi và chồng tôi ở trên lầu nhà người bà con tại Chợ Lớn. Tôi nhìn xuống đường thấy xe tăng của việt cộng cắm cờ giải phóng buộc vào một cây trúc thật dài chạy ngang qua. Hai đứa con nhỏ của tôi chạy ra ngoài lan can lầu để xem. Chồng tôi ngồi trong phòng gọi 2 đứa con tôi vào nhà.

Lúc đó long tôi hoang mang rối bời và lo lắng vô cùng vì cộng sản ra lệnh trình diện cho những người làm việc của chế độ cũ. Chồng tôi ngồi trên ghế vẻ mặt buồn và lo âu, và cho tôi biết ngày mai chồng tôi sẽ đi trình diện và ở tù cộng sản mà việt cộng gọi bằng một danh từ bịp bợm là "học tập cải tạo".

Nhưng tối hôm đó thì một thằng em bà con của tôi, đi xe gắn máy đến rủ chồng tôi đi vượt biên. Nó nói nhà nó ở đường Lê Quang Liêm, dưới bến sông có 1 chiếc tàu gỗ nhỏ, sẽ ra đi vào khuya đêm nay. Má nó là dì ruột của tôi, đã dúi cho nó mấy lượng vàng rồi. Nó muốn chồng tôi đi với nó cho có người thân "anh phải đi với em. Anh ở lại sẽ nguy hiểm vô cùng. Anh nghe em đi!" Tôi nghe nó nói liền lấy 1 bộ quần áo và vài vật dụng cá nhân bỏ vào 1 túi vải nhỏ đưa cho chồng tôi. Hai đứa con của tôi níu lấy bố khóc mếu máo "Ba đừng đi. Ba ở nhà với con." Chồng tôi bịn rịn chần chừ, tôi thúc chồng tôi đi và ngồi chồm hỗm ôm lấy 2 con vỗ về, mà nước mắt lưng tròng vối ý nghĩ vợ chồng tôi sẽ xa nhau mãi mãi khó mà gặp lại.

Sau này gặp lại, chồng tôi kể rằng: "Khuya hôm đó chiếc tàu gỗ đậu tại bến Lê Quang Liêm đã treo cờ cộng sản, và đã khởi hành. Chủ tàu dặn dò nếu bị chặn lại xét hỏi thì nói là định về quê làm ruộng. Gần sáng tàu đi ngang qua cầu chữ Y một đám con nít đứng trên cầu dòm xuống sông thấy người ngồi trên tàu đông quá la to "Chời ơi, người ngồi dưới tàu nhiều quá!" Mọi người trên tàu đều xanh mặt lo lắng ngồi yên. Lúc đó trên đường phố, bọn cán bộ việt cộng dang kêu gọi dân chúng đi dự lễ Lao Động, vì hôm đó là ngày 1 tháng 5 năm 75 là ngày lễ Lao Động của cộng sản. Chiếc tàu gỗ may mắn đi qua các trạm kiểm soát trót lọt vì không có ai đứng canh gác. Ra đến hải phận quốc tế các người trên tàu nhỏ được chuyển qua tàu lớn của Mỹ, và tàu cập bến ở đảo Guam.

Ở trại tỵ nạn chồng tôi gặp được người anh ruột. Anh chồng tôi là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hoà chuyên về truyền tin của quân khu 1 gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Anh đã đi tu nghiệp ở Mỹ nên thông thạo Anh ngữ nên đã làm thông dịch cho trại tỵ nạn. Anh cũng ra đi một mình, vợ con còn kẹt lại ở Sài Gòn.

Tôi và hai con bị kẹt lại ở VN 8 năm. Tám năm ở với cộng sản là 8 năm gian nan khổ sở. Với tiền vốn ít ỏi tôi lặn lội ngoài chợ buôn thúng bán bưng vất vả nuôi 2 con ăn học. Lúc đó các con tôi đang học tiểu học.

Tám năm sau, khi được chồng bảo lãnh, con gái đầu lòng của tôi đã thi đậu bằng tú tài 2 và đứa thứ 2 đang học lớp 10. May mà gia đình tôi được bảo lãnh qua Mỹ, nếu ở VN con tôi không được học đại học vì lý lịch xấu, có cha là nguỵ quyền.

Qua đến Mỹ xin vào trường trung học ở MN, trường buộc phải sụt xuống 2 lớp. Con gái đầu lòng lên trường đại học lấy bài thi TOFFEL. Thi đậu và được vào thẳng đại học. Con gái thứ nhì đã ra trường trung học với điểm cao và được bằng khen của tổng thống Reagan. Ba tôi ở VN nghe tin rất mừng, và bảo tôi chụp hình bằng khen đó gởi về cho ông. Có lẽ để ông sẽ đem bằng khen đó khoe với mấy ông bạn già thân quen của ông.

Sau đó 2 con tôi vào đại học ở MN và đã ra trường với bằng kỹ sư điện Electrical Engineering, gọi tắt là EE. Và 2 rể của tôi cũng là kỹ sư điện.

Còn gia đình anh chồng tôi có 2 con làm về computer cho hãng Mỹ, và 2 con là nha sĩ. Tất cả gia đình của anh chồng tôi còn ở MN sống trong hạnh phúc và phát đạt.

Ở MN quá lạnh nên gia đình tôi dọn về Texas năm 1992. Hai con tôi nay đã có gia đình và tôi đã có 2 cháu ngoại, 1 trai 1 gái. Dù không giàu có nhưng đời sống thoải mái hạnh phúc. Các con và rể tôi đều có việc làm. Cháu ngoại tôi, cháu trai Nguyễn Minh Quốc Nathan đã 15 tuổi vừa học xong lớp 10, và cháu gái Nguyễn Minh Khánh Amanda 13 tuổi vừa học xong lớp 7. Cả 2 đều học xuất sắc luôn luôn được điểm A, các bài làm đều trên 90 điểm có bài được 100 điểm. Cháu Minh Quốc Nathan có thành tích xuất sắc về học vấn nên nhiều trường đại học đã gởi thư đến muốn cháu chọn học trường của họ dù cháu vừa mới học xong lớp 10. Còn cháu gái Minh Khánh Amanda cũng học rất giỏi luôn luôn được điểm A+. Cháu thích viết văn nên các bạn và cô giáo của cháu bảo cháu viết truyện để họ được đọc vì họ thích đọc chuyện của cháu viết.

Tôi xin cảm ơn nước Mỹ, cảm ơn người dân Mỹ, cảm ơn chính phủ Mỹ đã rất nhân đạo, luôn luôn mở rộng 2 tay đón nhận tất cả mọi sắc dân khác trên thế giới gia nhập vào nước Mỹ. Thật đúng là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Xin cảm ơn, và ghi nhớ mãi mãi.

Barrack Obama :" Change We can believe in"



Mời thưởng thức nhạc TCS : Có Nghe Đời Nghiêng. Nghe xong, muốn "té" thì "vô" thêm một "xị" nửa đi! Đại Thắng Lợi(xin đừng nói lái).
 

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Quân Cách Mạng tiến về giải phóng San Jose, bang Cali, Mỹ ?





Khám và điều trị mắt cho Quý Ông Thương Phế Binh VNCH -- 11.08.2014





Nên xử lý thi hài Hồ Chí Minh thế nào cho phù hợp? -- Người viết Anh Vũ



Trong Di chúc của mình, ông Hồ Chí Minh đã bày tỏ nguyện vọng được hỏa táng thi hài sau khi qua đời. Việc này được cho là không chỉ tốt xét ở góc độ văn minh vật chất mà còn rất tốt dưới góc độ tâm linh. Dư luận xã hội đã nói gì về điều này?

Nguyện vọng của nhân dân?

Hồ Chí Minh (1890–1969) là một nhà cách mạng, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho chế độ hiện tại ở VN.

Ở VN, ông là nhà lãnh đạo được nhiều người dân ngưỡng mộ và tôn sùng, hình ảnh của ông được nhiều người dân treo trong nhà, đặt trên bàn thờ. Không chỉ thế, hiện nay ông được thờ cúng ở một số đền thờ và chùa ở Việt Nam.

Trong Di chúc của mình, phần “Về việc riêng” ông Hồ Chí Minh đã ghi rõ:

“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành chia cho 3 miền. Đồng bào mỗi miền nên chọn l quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”

“ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì công bố rằng thể theo nguyện vọng của toàn dân, nhưng có đưa ra Quốc hội xin ý kiến đâu.

-Nhà báo Võ Văn Tạo ”Tuy nhiên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III đã tiến hành ướp xác và xây lăng của ông, với lý do "theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng chủ trương xây Lăng CT Hồ Chí Minh, là việc làm đơn phương của Bộ Chính trị, điều đó không chỉ trái ý nguyện của ông Hồ Chí Minh mà còn trái với tập tục của người VN, với mong muốn được mồ yên, mả đẹp.

Từ Nha trang, nhà báo Võ Văn Tạo nói với chúng tôi:

“Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì công bố rằng thể theo nguyện vọng của toàn dân, nhưng có đưa ra Quốc hội xin ý kiến đâu. Nếu là nguyện vọng của toàn dân thì phải đưa ra Quốc hội xin ý kiến chứ? Lẽ dĩ nhiên khi đó xây Lăng thì tình cảm của đồng bào Miền Bắc thì đa số ủng hộ, vì nhận thức lúc đó của họ là như vậy. Song sau này mới biết việc duy trì cái Lăng này là hết sức tốn kém.”

Nhà báo Mai Xuân Dũng thấy rằng ông Hồ Chí Minh là biểu tượng của Đảng CSVN và là biểu trưng của chế độ, cho nên việc xử lý thi hài của ông Hồ Chí Minh là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Theo ông xây lăng là một việc làm vô nghĩa, vì thực tiễn lịch sử đã chứng minh các vị tiền nhân như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… không cần lưu ướp xác, nhưng tên tuổi của họ đã trở thành bất tử và gắn liền với lịch sử dân tộc VN.

“Tôi nghĩ VN còn là một đất nước quá nghèo, nhân lực tài lực quá yếu kém, rất là khổ. Vậy tại sao ta không nghĩ đến mấy chục triệu người còn đang sống rất khổ? Sao ta phải tốn kém mỗi năm hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ, với một quỹ đất hàng trăm hecta để duy trì cho một cái Lăng như thế?”

Cho rằng việc xây dựng và duy trì Lăng CT Hồ Chí Minh hiện nay, là điều không đúng với di chúc của người đã khuất, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết lý do thực chất của việc duy trì Lăng CT Hồ Chí Minh. Ông nói với chúng tôi:

“Một số người ở cấp lãnh đạo muốn duy trì cái đó, theo tôi đánh giá và người dân nói với tôi. Đấy là cái bình phong để giữ quyền lực cho nhóm có lợi ích chóp bu của thể chế hiện nay, lấy đó để thu hút và lôi kéo nhân dân thôi. Vì bản thân họ cũng chả kính trọng gì Cụ, nếu kính trọng thì đã không làm sai Di chúc của Cụ.”

Cần tạo tiền đề cho việc hòa giải

Khi được hỏi quan điểm cá nhân về việc nên xử lý thi hài CT Hồ Chí Minh thế nào cho phù hợp?

Nhà báo Mai Xuân Dũng thấy rằng chính quyền cần tôn trọng ý nguyện như đã nêu trong Di chúc của ông Hồ Chí Minh. Song quan trọng hơn theo ông việc xử lý thi hài Hồ Chí Minh còn là tạo tiền đề cho việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Từ Hà nội, Nhà báo Mai Xuân Dũng nói với chúng tôi:

“ Thể chế này, chính quyền này nếu thực sự coi trọng Hồ Chí Minh, ai cũng biết rằng ông đã có nguyện vọng được hỏa tang và rắc tro trên 3 miền đất nước. Thì tại sao người ta không làm cái việc đó?

-Nhà báo Mai Xuân Dũng ”“Thể chế này, chính quyền này nếu thực sự coi trọng Hồ Chí Minh, ai cũng biết rằng ông đã có nguyện vọng được hỏa tang và rắc tro trên 3 miền đất nước. Thì tại sao người ta không làm cái việc đó? Tại sao người ta không tôn trọng một người có Di chúc như thế?” (*)

Nhà báo Võ Văn Tạo thấy rằng việc duy trì lăng tẩm như hiện nay khiến người ta nghĩ về chế độ phong kiến. Theo ông vẫn còn một bộ phận không nhỏ người VN, đặc biệt là người Miền Bắc vẫn ủng hộ việc duy trì Lăng CT Hồ Chí Minh như hiện tại. Theo ông đó là hệ quả của chính sách tuyên truyền trong một thời gian dài, cũng như lăng Lenin ở nước Nga đã nhiều chục năm cũng chưa giải quyết được.

Nhà báo Võ Văn Tạo nói với chúng tôi:

“Ở Việt nam hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân tin vào chuyện tâm linh, để như vậy nó không được hay, điều đó trái với đời sống tâm linh của dân tộc mình. Tức là không được mồ yên, mả đẹp. Thế thì theo tôi tốt nhất là ta nên làm đúng theo Di chúc, tuy rằng nó đã quá muộn. Những người có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước hiện nay cần thực hiện theo Di chúc và cho hỏa táng. Còn tro rắc ở đâu thì tùy, như thế thì nó thỏa mãn ý nguyện của người đã khuất”.

Hiện nay đã có nhiều ý kiến thấy rằng nên hỏa táng hoặc chôn cất theo đúng nguyện vọng của người đã khuất theo lẽ “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Điều đó sẽ không chỉ tiết kiệm tiền bạc trong việc bảo quản, mà còn phù hợp với vấn đề văn hóa tâm linh.

Nhà báo Huy Đức đã viết trên facebook của mình rằng: “Những ai còn kính yêu Hồ Chí Minh thì nên lắng nghe ý kiến này. Theo tôi, nên bảo tồn Lăng như một di tích không chỉ là di tích về Hồ Chí Minh mà còn là di tích về thời đại Cộng sản. Trong lăng, từ di hài cho đến 4 tiêu binh đứng quanh nên tái hiện bằng sáp (để các cháu túc trực trong nhiệt độ rất thấp như vậy cũng không nên). Hỏa táng hoặc an táng Cụ không chỉ tốt xét ở góc độ văn minh vật chất mà còn rất tốt dưới góc độ tâm linh”.

“Nghĩa tử là nghĩa tận”, đáp ứng nguyện vọng của người đã khuất là điều phù hợp với truyền thống văn hóa, truyền thống tâm linh của người VN. Nó không chỉ là sự kính trọng với người đã khuất, mà còn là hành động phù hợp với một thế giới văn minh của loài người.


(*) Đề nghị một phần ba tro mang về chôn tại Nghĩa Trang Bình An tỉnh Đồng Nai (Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa) để thực thi ý nguyên hòa giải dân tộc của người chết. Trên mộ phần nên khắc symbol và tựa phim Dances with Wolves với ý nghĩa :"The man "Dances with Wolves" is the man who, contrary to the prejudice of the time, is willing to build a friendship with the "enemy."

At the end of "Dances with Wolves" Wind in His Hair shouts from the cliff as John Dunbar is leaving the tribe. "Sunkmanitu Tanka Ob Waci!" From one of the best films of all time comes the most unforgettable ending. Where as once the two men were apparent enemies now they are certain friends.


Vén màn bí ẩn huyền thoại Stephen Hawking -- Người viết Trọng Thành



Stephen Hawking, một trong những khoa học gia nổi tiếng nhất thế giới đương đại, được nhiều người trong giới chuyên môn coi như một siêu nhân, được các phương tiện truyền thông xếp vào hàng những thiên tài bất tử như Einstein, Newton, Galileo... Nhà bác học ngay từ thời thanh niên đã bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo, khiến ông dần dần liệt toàn thân, chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn. Làm thế nào Stephan Hawking có thể làm việc trong điều kiện này ? Hawking có thực sự thiên tài ?

Trong công chúng phổ biến một niềm tin cho rằng nhà bác học người Anh Stephen Hawking, sinh năm 1942, người kế nhiệm vị trí của thiên tài Isaac Newton tại đại học Cambdrige, là hiện thân cho sức sáng tạo phi thường của một bộ óc đơn độc, bất chấp tình trạng tật nguyền của cơ thể, hoạt động không ngừng nghỉ để giải mã các bí ẩn lớn của vũ trụ, viết sách phổ biến khoa học,

Giới nghiên cứu ghi nhận Hawking là tác giả của một số công trình vật lý lý thuyết quan trọng, như lý thuyết kỳ dị hấp dẫn và lý thuyết về hố đen phát ra bức xạ (được mệnh danh là « bức xạ Hawking »). Stephen Hawking cũng được coi là người đi đầu trong việc khởi xướng cho hướng nghiên cứu vũ trụ học có tham vọng thống nhất thuyết tương đối tổng quát với cơ học lượng tử.

Nhà khoa học tàn tật tài danh Stephen Hawking hoạt động như thế nào trong cuộc sống đời thường ? Đó là chủ đề của cuốn sách do nhà xã hội học Pháp Hélène Mialet thực hiện. Công trình được in bằng tiếng Anh năm 2012, bản tiếng Pháp vừa được ấn hành đầu năm nay. Nhân dịp này, chương trình tạp chí Khoa học « Autour de la question » của RFI có cuộc tọa đàm cùng tác giả.

Mượn từ các nhà dân tộc học các công cụ nghiên cứu và phân tích, Helène Mialet đã tiến hành một cuộc điều tra nhiều năm để tìm hiểu về nhà bác học Stephen Hawking trong các hoạt động khoa học thường ngày và tìm cách lý giải quá trình tạo dựng nên huyền thoại Hawking.

Những phần « cơ thể nối dài » của Hawking

Năm 1962, chàng thanh niên Stephan Hawking xuất chúng được bác sĩ chẩn đoán teo cơ bên và chỉ có hy vọng sống thêm hai năm. Cho dù không hứng phải lưỡi hái của thần chết, nhưng kể từ đó, chứng liệt dần dần chi phối gần như toàn bộ thân thể nhà bác học. Cho đến năm 1985, sau một trận viêm phổi thập tử nhất sinh, khả năng phát âm ít ỏi còn lại của ông cũng mất hẳn. Làm thế nào Stephan Hawking có thể làm việc trong điều kiện này ? Nhà xã hội học Hélène Mialet mô tả :

« Nhờ một phần mềm tin học của Woltosz, ông mới có thể giao tiếp, bằng cách lựa các chữ trên máy tính, để đặt thành câu, và một giọng nói nhân tạo được lập trình để truyền đạt những điều ông muốn diễn tả. Ngược hẳn lại với những gì nhiều người vẫn tin rằng Hawking là một tinh thần thuần túy, là hiện thân cho một cá nhân hoạt động độc lập, nghiên cứu mà tôi thực hiện cho thấy vai trò rất quan trọng của máy móc, của các trợ lý, của các sinh viên, của tất cả những người sống xung quanh ông, đã cho phép ông ấy tạo ra được các lý thuyết, cho phép ông ấy giao tiếp, đặc biệt với giao tiếp thông qua điệu bộ cơ thể. Khi các sinh viên, các trợ lý hỏi ông ấy một điều gì, ông đáp lại bằng cách nhướn lông mày để biểu thị thái độ phủ nhận hay đồng ý. Các trợ lý là những người thường xuyên làm công việc ‘‘phiên dịch’’ những điều ông ấy muốn ‘‘nói’’ và sau đó chuyển những nội dung này thành những hình thức cụ thể. Sau đó, những biểu hiện này được coi là của Stephen Hawking. Câu hỏi khiến tôi quan tâm ở đây là thiên tài từ đâu mà tới, những hành động được thực hiện là do ai, do ông ấy hay do những người khác ? Trên thực tế, những người khác đã làm thay ông ấy rất nhiều ».

Trả lời câu hỏi của RFI, phải chăng bản thân Hawking cũng tham gia vào việc tạo dựng nên huyền thoại về việc bộ não ông hoàn toàn chủ động, hoàn toàn tự do.

« Hoàn toàn đúng như vậy. Đây là một khía cạnh khác mà tôi muốn thể hiện trong cuốn sách. Stephen Hawking tham gia như thế nào vào việc tạo thành huyền thoại về chính mình bằng việc biểu lộ hay không biểu lộ sự tàn tật của mình. Và truyền thông đã tái sử dụng điều này như thế nào, đặt lại các phát ngôn của ông ấy vào các bối cảnh khác như thế nào, diễn giải lại các phát ngôn ấy như thế nào.

Ông ấy đã xây dựng cho mình những hình ảnh của một thiên tài. Ở đây có một vấn đề trước đây không được đặt ra, mà tôi cố gắng đề cập đến, cụ thể là : Chính ông ấy là người có ý tưởng, rồi sau đó những người khác phiên dịch lại, hay là những người khác làm rất nhiều thứ, đem lại cho ông ấy nhiều thứ (ví dụ như ông ấy được đọc những gì người ta mang đến, tiếp thu chúng và sử dụng chúng theo ý mình) ? Ở đây có việc Stephen Hawking chú tâm vào việc tạo ra danh tiếng cho mình. Nhưng thực ra đây cũng là cách làm việc của nhiều nhà khoa học khác, và việc ông làm cũng không phải là một ngoại lệ ».

Trong cuốn « Đi tìm con người Stephen Hawking », Hélène Mialet đưa ra nhiều ví dụ cụ thể về các hoạt động mà tác giả gọi là « phần cánh tay nối dài » của Hawking, tức các máy móc và tập thể con người xung quanh ông (bao gồm các sinh viên, các trợ lý, y tá, những người túc trực 24 giờ/24 giờ để chăm sóc và bảo đảm an toàn sinh mạng của nhà bác học). Thư ký riêng lo việc tổ chức, hành chính và trợ lý nghiên cứu sinh được trường đai học tài trợ để « giúp giáo sư khắc phục thể trạng khuyết tật » trong những lần ông phải đi giảng dạy hay làm công vụ khác. Theo tác giả, nhiều quan sát cho thấy Hawking vừa là người chỉ đạo, một cái nhướng mày, một nụ cười của ông ấy trở thành mệnh lệnh, nhưng ngược lại, các trợ lý và máy móc cũng giải thích các cử chỉ của ông tùy theo cách hiểu của mình. Có khi họ giải thích đúng, có lúc giải thích sai, cũng có khi bổ sung vào những khoảng lặng của ông là những hành động theo luận giải của riêng họ… Những gì được coi là hành động của Hawking đều được thực hiện thông qua thế giới trợ lý của ông.

Tuy nhiên, dù bại liệt toàn thân và không nói được từ ba mươi năm nay, nhưng theo mô tả của nhà xã hội học, Hawking hoàn toàn không phải là một con người thụ động. Tác giả cuốn sách chỉ ra vài ví dụ : Tự Hawking chọn lựa người y tá nào sẽ đi cùng mình trên máy bay, trả đũa một ai mà ông ghét bằng cách nghiến lên chân người đó bằng chiếc xe lăn của ông, để cho sinh viên thông báo một công ty đang xây dựng một phần mềm tiếng Anh giọng Anh để thay thế tiếng Anh giọng Mỹ mà ông vẫn hay dùng (dù đó không phải là sự thực), hay chọc cười các nhà báo và công chúng mỗi khi có dịp, sử dụng ngay cả sự chậm trễ trong phản ứng của ông để gây cười…

« Những cộng sự thân cận nhất »

Nhà xã hội học Hélène Mialet đặc biệt chú ý đến quan hệ giữa Hawking và các sinh viên. Hawking dành rất nhiều thời gian để « đối thoại » với sinh viên, tất nhiên là thông qua máy tính. Giống như nhiều nhà giáo-nhà khoa học khác, Hawking có một mối quan hệ hợp tác hết sức mật thiết với sinh viên, « các cộng tác viên thân cận nhất » như điều mà ông thường nhắc. Gần như không ngày nào mà Hawking không « làm việc » với một nghiên cứu sinh. Mỗi khóa học nhà vật lý thiên văn nhận hướng dẫn một nghiên cứu sinh, để ông liên tục có nghiên cứu sinh bên cạnh mình. Người mà ông nhận thường là sinh viên xuất sắc nhất ngành toán trong số hàng trăm sinh viên xuất sắc trên toàn thế giới. Để được phép làm việc với người thừa kế Isaac Newton nghiên cứu sinh phải lọt qua ba vòng thi tuyển

Nhiều cựu nghiên cứu sinh kể lại khi bắt đầu làm việc với Stephen Hawking, ngay lập tức họ phải đối mặt với những vấn đề hết sức phức tạp, như thể bị « thả vào giữa rừng hoang với bầy dã thú ». Một sinh viên cho biết « ông ấy đã yêu cầu tôi thực hiện một công việc phi phàm, chính vì thế mà tôi đã không hoàn thành và phần lớn các sinh viên của ông đều phải làm việc như điên, về các vấn đề cơ bản, mà về nguyên tắc phải dành cho các nhà nghiên cứu có tay nghề. Stephen yêu cầu chúng tôi thích ứng với các vấn đề căn bản này các ý tưởng của ông và cách tư duy của ông ». Ví dụ như tất cả các sinh viên đều phải đọc cùng một cuốn « Hấp dẫn lượng tử Euclide » của ông và người đồng nghiệp Gary Gibbon, để có cùng một cơ sở chung. Để rồi sau đó, mỗi người được giao một hướng riêng hoàn toàn khác với những người đồng môn, nhưng đều là những gì tiếp nối các nghiên cứu sinh đi trước. Công việc của các nghiên cứu sinh là rút ra các hệ quả, thẩm định các phát hiện hay các ý tưởng của Hawking.

Bị liệt toàn thân Hawking không thể tự mình làm toán, phần việc này ông hoàn toàn ủy thác cho các sinh viên. Theo mô tả của một cựu sinh viên, nhà vật lý lý thuyết chỉ đưa ra một ý tưởng mang tính trực giác, các sinh viên có trách nhiệm thực hiện toàn bộ phần mô tả toán học. Khi có một cuộc trao đổi với Hawking, người sinh viên phải có một thái độ vô cùng kiên nhẫn, vì người hướng dẫn trả lời vô cùng chậm chạp, không những do sự tàn tật, mà Hawking có thái độ hết sức tỉ mỉ trong việc chọn từ, « ông ấy chọn ít từ nhất có thể » và vì vậy những câu trả lời của Hawking trở nên bí hiểm. Một phần vì các lý thuyết mà ông làm việc chưa được xác định rõ ràng, nên Hawking cũng không thể đi vào chi tiết…

Bất chấp nhiều bất lợi khi làm việc với người thầy tàn tật, thậm chí có khi tên mình không được ghi trong bài viết, rất nhiều nghiên cứu sinh cảm thấy thỏa mãn khi được đào tạo với Hawking, bởi họ tin rằng chắc chắn sẽ được làm việc với những gì « rất độc đáo », « rất thú vị », chứ không phải là tái chế một thứ gì đó, hay thêm thắt vào một thứ gì đó để thành cái của mình…

Tác giả cuộc nghiên cứu về hoạt động khoa học thường ngày của nhà bác học lừng danh thế giới đặt câu hỏi : « Hawking » thực sự là nhà nghiên cứu lớn hay chỉ là sản phẩm của những phần cơ thể và tinh thần nối dài mà ông « điều hành » ?

Không thể làm toán, vì tay liệt, Stephan Hawking chỉ còn cách duy nhất để tiếp tục con đường nghiên cứu vật lý thiên văn, đó là sử dụng các đồ hình (diagramme), mà sự thể hiện đơn giản hơn nhiều so với làm tính, nhưng lại không kém phần hiệu quả. Sự chuyển hướng nghiên cứu để thích nghi với tình trạng bệnh tật này được nhiều nhà nghiên cứu ca ngợi như một quyết định hết sức thông minh và dũng cảm. Tuy nhiên, Hawking cũng không thể trực tiếp vẽ được các đồ hình. Kết quả là các nghiên cứu sinh của ông đã làm toàn bộ công việc tính toán và vẽ. Bản thân Stephen Hawking đã học hỏi được rất nhiều từ các sinh viên của ông.

Đâu là đóng góp thực của Hawking ?

Trả lời RFI về vai trò của Stephen Hawking trong các phát kiến khoa học, nhà vật lý Jean-Marc Lévy-Leblond nhận xét :

« Trên thực tế, có hẳn một tập đoàn (khoa học) Hawking. Xung quanh ông ta có cả một cỗ máy xã hội không thể tin được, với các y tá, các nhà truyền thông… Không thể nói đây là một tập đoàn vụ lợi có mưu đồ quyền lực. Huyền thoại tự nổi lên. Rồi một khi đã phát triển rồi, thì nó phát tán và tự phát triển. Rõ ràng là hiện nay, người ta cần đến những huyền thoại như vậy, không chỉ trong khoa học, mà trong mọi lãnh vực. Hình tượng Einstein đã đóng vai trò như vậy trong một thời gian dài, hiện nay đã mất đi phần nào sức hấp dẫn. Hiện nay, người ta có xu hướng nhận ra ông ấy dù là thật tuyệt vời, nhưng cũng chỉ là một người bình thường như mọi người khác, với các giới hạn, khuyết điểm, thậm chí thói tật. Và như vậy người ta cần đến một hình tượng hiện đại hơn. Người ta lại càng cần hơn đến một huyền thoại cá nhân, khi mà thực tế lao động khoa học cụ thể ngày càng ít tương ứng với các hoạt động cá nhân hơn là một hiện thực mang tính tập thể trên quy mô lớn. Ví dụ như việc phát hiện ra hạt Higgs đã cần đến sự tham gia của cả ngàn nhà nghiên cứu, con số lớn hơn rất nhiều so với điều ta tưởng. Những huyền thoại như Einstein trước kia, hay Hawking hiện nay phần nào có thể ví với hiện tượng cái cây cá nhân che lấp khu rừng tập thể ».

Về nhận định này, nhà xã hội học Hélène Mialet cho rằng có một sự giằng co giữa vai trò cá nhân với tập thể, đây chính là điều bà muốn làm nổi rõ trong cuốn sách. Điều mà tác giả quan tâm thông qua nghiên cứu về tập thể Hawking chính là tìm cách để trả lời cho câu hỏi : những nhà khoa học hiện đại tạo ra « sự thật (khoa học) » như thế nào ?

Điều có thể rút ra từ một nghiên cứu như thế này là ngược hẳn với quan niệm thông thường cho rằng một cá nhân đơn độc có thể làm được công việc khai mở các quy luật bí ẩn của vũ trụ. Thông qua trường hợp Hawking, có thể thấy một điều thú vị là, không phải vì Hawking không có một cơ thể bình thường, mà tất cả được coi là đến từ cái đầu của ông. Ngược lại, chính vì không có được một cơ thể bình thường, mà ông đã ủy nhiệm toàn bộ công việc cho xung quanh, cho máy móc, cho các nhân viên, sinh viên…Chính vì thế mà chúng ta thấy được rõ ràng hơn những gì được thực hiện nhân danh Hawking, do những « cánh tay », « cơ thể nối dài » của ông, khiến ông có thể làm được muôn việc, suy nghĩ, viết lách, thuyết trình…

Truyền thông đẻ ra huyền thoại

Cũng trong công trình nghiên cứu nói trên, nhà xã hội học đã dành một chương để mô tả việc truyền thông, báo chí và điện ảnh, hợp sức quảng bá cho hình ảnh của Stephen Hawking - một « nhà khoa học hoàn hảo », một « bộ não của tư duy thuần túy », « không giọng nói », « một cỗ máy », « một thiên thần », bằng cách gạt hẳn sang một bên các hoạt động cộng tác, hỗ trợ với sinh viên, với nhân viên, mà thiếu chúng, Hawking đã không thể thành công, đặc biệt sau khi ông trở thành nạn nhân của một căn bệnh hết sức hiểm nghèo, như chúng ta biết ở phần trên.

Trong khi nhiều nhà chuyên môn cho rằng, không có lý gì để tôn sùng Stephen Hawking đến mức như một thiên tài, như người kế tục Newton hay Einstein, khi các lý thuyết của ông chưa hề được kiểm chứng bằng thực tế, thì trạng thái bệnh tật của Hawking đã được truyền thông « khai thác như một lợi thế », « như nguồn gốc của sự sáng tạo và năng lực làm việc phi thường ». Được giải phóng khỏi những quan tâm đời thường và trần thế, nhà khoa học có thể hiến mình hoàn toàn cho tư duy. Người ta so sánh Hawking với một Mozart soạn giao hưởng trong đầu, một phóng viên thêm vào nhận xét « ai từng thấy những đường đẳng thức toán học phức tạp phủ lên tấm bảng đen như một bản nhạc, sẽ cảm nhận được so sánh này ». Người ta hình dung trong đầu Hawking là tất cả những bộ não lớn nhất hợp lại, trên nền của một thân thể nhỏ xíu, gần như không tồn tại. Đôi mắt của ông trở thành biểu tượng của chính thiên tài của ông. Đẩy xa hơn nữa, truyền thông ví ông với một « lỗ đen », đối tượng nghiên cứu của nhà khoa học, khi cho rằng chính Hawking đã cảm nhận được sự giãn ra của thời gian. Nhiều tâm sự, chia sẻ trước kia của Hawking bị cắt gọt để chỉ còn lại những phần nào có thể làm nên sự tôn vinh hết mực hình ảnh của nhà khoa học tài năng tật nguyền.

Hawking : Khi tỏ, khi mờ

Một trong những phần mang lại một cảm giác lạ lùng trong cuốn « Đi tìm Hawking » của nhà xã hội học Pháp nói về cuộc làm việc trực tiếp với Hawking, mà Hélène Mialet phải chờ đợi hai năm mới thực hiện được. Cuộc gặp gỡ đã mang lại cho nhà nghiên cứu một cảm nhận bất ngờ : càng xa nhân vật, hình ảnh về ông trong trí tưởng tượng càng rõ nét (như những gì mà các phương tiện truyền thông xây dựng), thì khi có cơ hội được tiếp cận ông thực sự, hình ảnh về ông trở nên mờ đi : một con người tàn tật bằng xương bằng thịt, khuôn mặt gần như bất động, cuộc « đối thoại » kéo dài đến mức khó tin, mọi đối thoại với khách đều thông qua một tiếng nói nhân tạo đưa người đối diện vào trạng thái phân thân, bất cứ trục trặc nhỏ nào của hệ thống máy móc cũng gây khó khăn, bất cứ bất ổn nào trên cơ thể cũng cần sự can thiệp của các y tá, nhân viên…

Cuốn khảo cứu của nhà xã hội học Pháp về huyền thoại vật lý thiên văn học Anh không làm công việc lật đổ huyền thoại, như bà nhiều lần khẳng định. Mục tiêu thuật dựng những gì diễn ra trong các hoạt động khoa học hàng ngày của Hawking cùng các cộng sự lột tả các nỗ lực xây dựng một huyền thoại Hawking, từ phía truyền thông và từ chính nhà khoa học, của Hélène Mialet không nhằm hạ bệ thần tượng (như chỉ trích của dư luận nhiều nơi, đặc biệt ở nước Anh), mà quan trọng hơn là thông qua việc tìm hiểu những gì thực sự diễn ra trong tập thể Hawking, mà soi tỏ đời sống của một cộng đồng khoa học đương đại. Trong hoạt động khoa học, bên cạnh những công việc mà ở đó phương tiện và công cụ, sự hỗ trợ và cộng tác của cả một tập thể hay các mạng lưới rộng lớn là điều tối quan trọng, nhà khoa học tiên phong nào chẳng phải đối diện với nỗi cô đơn, với thế giới tưởng tượng của chính mình ? Cuối cuốn sách, rất nhiều bí ẩn liên quan đến nhà khoa học tài năng tàn tật kiên cường theo đuổi mục tiêu đến cùng, cùng với « công ty » của ông và những nghiệp vụ quảng bá thần tượng, đã được vén mở, nhưng rất nhiều bí ẩn khác vẫn còn nguyên. Chia tay với độc giả, sau khi để trí tưởng tượng đón trước ngày Hawking qua đời, những di vật của nhà bác học đều có nơi có chốn, nhà xã hội học một lần nữa thốt lên : « ta không thể ngăn mình sửng sốt : hỡi Hawking, ông đang ở đâu ? ».

Trong một cuộc tọa đàm do đài France Culture tổ chức đầu tháng 7 (trong chương trình mang tên « Lao động khoa học là gì ? Trường hợp Hawking »), với sự tham gia của tác giả cuốn « Đi tìm Stephen Hawking », hai nhà thiên văn học Pháp Marc Lachieze Rey và André Brahic (không kể những nhìn nhận riêng của mỗi người về chuyên môn) cùng chia sẻ niềm ngưỡng mộ trước người đồng nghiệp tàn tật, con người đầy cá tính, quyết theo đuổi khát vọng làm khoa học đến cùng, cũng như quyết định chuyển hướng kịp thời của ông. Nhắc đến Hawking, một nhà khoa học dấn thân, hay huyền thoại về ông, cũng là dịp để nhắc đến truyền thống khoa học đích thực xuyên qua các thời đại, dịp để đối diện với những thói tật của nền khoa học đương đại, những hạn chế cần vượt qua để đưa ánh sáng khoa học đến nhiều hơn với xã hội.

---

Hélène Mialet, tác giả cuốn « A la recherche de Stephen Hawking » (Đi tìm con người Stephen Hawking) (nxb Odile Jacob, 2014) (bản gốc tiếng Anh : « Hawking Incorporated: Stephen Hawking and the Anthropology of the Knowing Subject », 2012) từng làm việc tại Viện Pasteur, đại học Cambridge, đại học Oxford, viện Max Planck Berlin và đại học Cornell New York, rồi Harvard. Hiện tại, Hélène Mialet giảng dạy tại khoa Sciences Studies, đại học California, Berkeley. Tác giả cuốn « Đi tìm con người Stephen Hawking » được đào tạo về xã hội học, triết học và nhân học. Đối tượng nghiên cứu chính của bà là sáng tạo khoa học, mối quan hệ con người- máy móc.

Cánh đồng hoa hướng dương ở làng Rozsypne -- Thi sĩ Trần Mộng Tú





Cánh đồng hoa hướng dương(*) tháng bẩy
vàng đến tận chân trời

Những bông hoa khi nở hướng về phía mặt trời
đang giàn giụa khóc

Tôi mang cái giỏ hái hoa trên lưng
cúi xuống hái cánh tay em, hái bàn chân mẹ

cánh đồng hoa
cánh đồng hoa
cánh đồng hoa

những mảnh kim loại rơi xuống cánh đồng
uốn cong
giống những cánh hoa chớm nở

những đóa hướng dương bị chém ngang đầu
rơi như đầu em bé

bây giờ cánh đồng này
có thêm loài hoa mới
những đóa hoa thơm mùi thịt da người

Với chiếc túi trên lưng tôi đi lang thang trên cánh đồng hoa
ngước mặt về phía mặt trời

làm sao tôi nhặt được gần ba trăm tấm hình hài
đủ cả tay chân

tôi sẽ ráp thân thể kia vào chiếc đầu này
tôi sẽ ráp bàn tay này vào cánh tay kia
rồi tôi đắp những cánh hướng dương vàng trên vết cắt thịt da
như người ta dùng keo
dán những chiếc bình đã vỡ.

Ôi cánh đồng hướng dương màu vàng rực rỡ
hứng những mảng thịt cháy đen

và trái tim tôi nức nở.

Tháng 7/2014

(*) Cánh đồng hoa hướng dương ở gần làng Rozsypne trong khu vực Donetsk, Ukraine. Nơi chiếc máy bay của hàng không Malaysia MH-17 bị bắn rơi với 298 hành khách vào ngày 17 tháng 7 năm 2014

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Giáo sư Phạm Minh Hoàng điều trần về Nhân Quyền Việt Nam tại Paris, nhân ngày lể độc lập của nước Pháp (ngày 14 tháng 7 năm 2014)





Cà Phê Tối- Quân Lực VNCH: Tổ quốc, trách nhiệm và danh dự



Phỏng vấn Lê Hoàng Trúc và Adam Burgess: "Tả! Chả hả em?"





Hoàng Hoa Thám





Chân dung cha con Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Yên Thế tập luyện... là những hình ảnh độc đáo, quý hiếm nằm trong bộ sưu tập bưu ảnh Đông Dương của một doanh nhân người Pháp.



Doanh nhân người Pháp, Guy Lacombe đã sống và làm việc ở TP.Saigon hơn 14 năm. Ông say mê văn hóa Việt Nam và sưu tầm được nhiều cổ vật giá trị. Trong ba năm, ông miệt mài sưu tầm bưu ảnh Đông Dương bằng cách mua bán và trao đổi trên mạng và đã có khoảng 3.000 bức từ năm 1896 đến 1945 .
 




Bưu ảnh của Lacombe độc đáo và quý hiếm, phân loại theo từng chủ đề khác nhau. Một trong số đó là bộ bưu ảnh về 'Nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám' cùng bộ bưu ảnh chính quyền thực dân - phong kiến xử tử những người yêu nước sau khi cuộc khởi nghĩa của Đề Thám thất bại. 





Bức bưu ảnh thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám cùng các cháu tại Yên Thế. Ông sinh năm 1846, mất 1913. Cuộc đời người anh hùng rừng núi gắn với các cuộc khởi nghĩa, trong đó ngót 30 năm ông lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) - cuộc đối đầu vũ trang giữa những người nông dân ly tán tại vùng Yên Thế Thượng và sau đó là Thái Nguyên.




Nhóm nghĩa quân người Mán dưới quyền thủ lĩnh Phạm Quế Thắng ở Vũ Nhai.
Nghĩa quân Yên Thế trong cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
Bức ảnh hiếm về hai người con nuôi của Hoàng Hoa Thám, Cả Rinh và Cả Huỳnh.
Đội trưởng nghĩa quân và những người lính luyện tập bắn súng. Trong gần 30 năm lãnh đạo, Đề Thám đã tổ chức đánh nhiều trận, tiêu biểu là Luộc Hạ, Cao Thượng (tháng 10/1890), thung lũng Hố Chuối (tháng 12/1890) và Đồng Hom (tháng 2/1892), trực tiếp đương đầu với các tướng lĩnh danh tiếng của quân đội Pháp.
Bưu ảnh hiếm chân dung Hoàng Hoa Thám, người được mệnh danh là "Hùm thiêng Yên Thế", nỗi khiếp đảm cho chính quyền thực dân, phong kiến. Đề Thám người tầm thước, vai rộng, ngực nở, tóc thường cắt ngắn hoặc cạo trọc, mắt một mí, dáng đi chậm, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ. Ông được mô tả là người có năng lực chiến đấu ít ai sánh kịp.
Trong nhiều năm, quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế và sử dụng nhiều thủ đoạn, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Tuy nhiên, với tài lãnh đạo, Đề Thám nhiều lần buộc quân Pháp phải nhượng bộ. Ông gây dựng được lực lượng lớn mạnh trong giai đoạn hòa hoãn hơn 10 năm. Một trong những sự kiện chấn động là vụ "Hà thành đầu độc" ngày 27/6/1908 trong trại lính pháo thủ tại Hà Nội. Đây là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội. Binh biến thất bại, 24 người tham gia bị Pháp xử tử, 70 người bị xử tù chung thân.
Trong giai đoạn lớn mạnh nhất, Hoàng Hoa Thám còn xúc tiến xây dựng căn cứ kháng chiến, bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... đã gặp gỡ Hoàng Hoa Thám và bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng. Sang năm 1909, cuộc khởi nghĩa suy yếu sau khi thực dân Pháp tung 15.000 quân chính quy tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Trong ảnh là Quan Hầu, nghĩa quân lớn tuổi nhất cùng con rể của Đề Thám, Cả Huỳnh ra hàng.
Bức ảnh mô tả cảnh xử chém những người theo nghĩa quân Yên Thế tại Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) năm 1905. Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913. Hoàng Hoa Thám được cho là mất cùng năm, song đến nay, nhiều giả thiết vẫn còn đặt ra quanh cái chết của ông. Phần mộ của ông cũng chưa được xác định.

Phim Trò Đời được phỏng tác theo bốn tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây và Ánh sáng kinh thành



http://www.kenh88.com/phim-tro-doi-vu-trong-phung-2013-online/839408.html

Quả Mắc Ca


Mắc ca được xem là loại cây mang đến thu nhập tỷ đô cho Việt Nam nếu biết cách khai thác và chế biến thành phẩm.
 
Được xem là câ trồng tỷ đô của Việt Nam, mắc ca có thời gian sinh trưởng khá dài. Thông thường, cây mắc ca cần 5 năm để có thể cho quả và sẽ đạt năng suất cao từ năm thứ 6. Tuy nhiên, cây có thể cho quả tới 60 năm tiếp theo và thân gỗ của nó có thể sử dụng cho công nghiệp chế biến gỗ. Chi phí phân bón và chăm sóc đối với loại cây này không quá 50.000 đồng/cây mỗi năm (không tính chi phí giống).




Cây mắc ca có thời gian sinh trưởng khá dài. Thông thường, cây cần 5 năm để cho quả và sẽ đạt năng suất cao từ năm thứ 6, và có thể cho quả tới 60 năm tiếp theo. Riêng thân gỗ của loài cây này có thể sử dụng cho công nghiệp chế biến gỗ. Chi phí phân bón và chăm sóc không quá 50.000 đồng/cây mỗi năm (không tính chi phí giống).
Giá quả mắc ca trung bình vào thời đểm mới được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam lên tới 500.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 100.000 đồng/kg. Việt Nam hiện là nước có diện tích trồng mắc ca đứng thứ 11 trong số 17 nước trồng nhiều nhất thế giới.




Giá quả mắc ca trung bình vào thời điểm mới được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam lên tới 500.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 100.000 đồng/kg. Việt Nam hiện là nước có diện tích trồng mắc ca đứng thứ 11 trong số 17 nước trồng nhiều nhất thế giới.
Để giảm thời gian sinh trưởng và nhanh cho quả, nhiều chủ vườn dùng cây mắc ca ghép để trồng. Chỉ sau hơn 2 năm trồng, cây mắc ca đã cho hoa.




Để giảm thời gian sinh trưởng và nhanh cho quả, nhiều chủ vườn dùng cây mắc ca ghép để trồng. Chỉ sau hơn 2 năm, cây đã cho hoa, và khoảng 2,5 năm sẽ cho mùa quả đầu tiên.
Cây mắc ca có yêu cầu về nhiệt độ khi ra hoa từ 18 đến 30 độ C, lý tưởng nhất trong khoảng 18 - 23 độ C.




Cây mắc ca có yêu cầu về nhiệt độ khi ra hoa từ 18 đến 30 độ C, lý tưởng nhất trong khoảng 18 - 23 độ C.
Quả mắc ca có màu xanh đậm, mọc thành từng chùm lớn.




Quả mắc ca có màu xanh đậm, mọc thành từng chùm lớn.
Khi khô, quả có màu nâu, bên trong chứa nhân hạt màu sữa. Quả mắc ca khô rất khó tách nhân bởi vỏ của chúng rất cứng. Mắc ca được đánh giá cao về mặt dinh dưỡng khi nhân của nó có hàm lượng dầu tới 78%, với trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2%, gồm 20 loại axit amin và có 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người.




Khi khô, quả có màu nâu, bên trong chứa nhân hạt màu sữa. Quả mắc ca khô rất khó tách nhân bởi rất cứng. Mắc ca được đánh giá cao về mặt dinh dưỡng, khi nhân có hàm lượng dầu tới 78%, với trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Hàm lượng protein trong nhân tới 9,2%, gồm 20 loại axit amin và 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người.
Nhân mắc ca có thể sử dụng bằng cách chiên, dùng để chế biến nhân bánh sôcôla, nước uống, dầu sa lát, ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu.
Nhân mắc ca có thể sử dụng bằng cách chiên, dùng để chế biến nhân bánh chocolate, nước uống, dầu sa lát, ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu.
Vỏ mắc ca có nhiều ta nanh và protein có thể làm thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi. Thậm chí, nó còn có thể dùng để sản xuất than hoạt tính, làm chất đốt, làm giá thể để ươm cây giống.




Vỏ quả mắc ca có nhiều tac- nanh và protein có thể làm thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi. Thậm chí, nó còn có thể dùng để sản xuất than hoạt tính, làm chất đốt, làm giá thể để ươm cây giống.
Không chỉ được “trong dụng” trong các gian bếp, dầu mắc-ca còn được coi là “thần dược” đối với làn da phụ nữ, với vai trò làm dung môi trong ngành sản xuất mỹ phẩm.

Không chỉ được trưng dụng trong các gian bếp, dầu mắc ca còn được coi là “thần dược” đối với làn da phụ nữ. Loại quả này cũng được sử dụng với vai trò làm dung môi trong ngành sản xuất mỹ phẩm.