khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

Thực Đơn Trong Ngày (của một người Việt Nam trung bình)



Sáng đim tâm tô bún
Có ướp tí hàn the
Ri uống ly hoá chất
Được gọi là cà phê

Trưa ghé tiệm cơm bụi
Ăn bột nở trộn cơm
Lợn siêu nạc kho trng
Trứng nhân tạo vàng ươm

 
Chiều nấu cơm hạt nhựa
Với thịt bò lên đời"
Heo tm thuốc trung quốc
Thành miếng bò đỏ tươi

Làm tô canh rau muống
Tưới dầu nhớt xanh um
Thêm tí cn pha nước
Mặt cũng đỏ bừng bng

Tối bạn rủ đi nhậu
Uống hoá chất ủ men
Khô mực cao su nướng
Vẫn tê tái say mèm

Bốn mươi khám tng quát
Bác sỹ cấp văn bằng
Ung thư giai đoạn cui
Ra đồng nằm ngắm trăng.
 
 
 

Bàn Chuyện Thời Sự, May 4, 2018







Nhà thờ Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm sắp mất?







Bộ mặt thứ hai của Sàigòn sau 30-4-1975 - Tác giả Nguyễn Đình Toàn




"Hãy sống dùm tôi
Hãy nói dùm tôi
Hãy thở dùm tôi…(Trịnh Công Sơn)"
 
Buổi tối, tôi leo lên sân thượng. Trời tối đen, có một sư im lặng sâu thẳm. Nhưng trong bóng đêm, tôi đả nghe rõ được tiếng của im lặng. Cái im lặng của cõi đêm, của một trống rỗng, của một hố thẳm, của một mảnh đời đang sống đã khép lại. Chỉ mới hôm qua, những chiếc trực thăng còn lập lòe trên các mái nhà và biệt tăm ngay sau đó vào đêm tối. Rồi chốc lát đã mất hút. Niềm hy vọng như cạn mòn. Một triệu, một trăm mười ngàn (1.110.000) binh sĩ VNCH đâu rồi? Và 50 binh sĩ Hoa Kỳ còn sót lại? Mà Neil Sheenan trong Innocence perdu đã từng nói: “Cette guerre que nous n’aurons jamais gagné’’ (Trận chiến mà chúng ta đã chưa hề bao giờ thắng). Mà nay chúng ta chuẩn bị một cuộc hành trình qua sa mạc (une traversée du désert) với khô héo cạn kiệt hy vọng, một hành trình gian khổ với đầy bất trắc đe dọa, hiểm nguy.

Trưa 30-04-1975, ngồi một mình thấy tương lai vô định. Lòng buồn vô tả. Nước mắt tuôn trào không ngăn được. Bụng tự nhiên nhói lên từng lời. Vui chưa thấy, lo thì như ứa tràn. Chẳng hiểu chính quyền mới đối xử ra sao? Đó cũng là mối lo của tất cả mọi nguời. Chiến tranh đã chấm dứt. Đáng nhẽ phải vui mà hóa buồn.

Hết rồi cảnh chạy đôn chạy đáo tìm đường thoát thân. Có sự im lặng nặng nề như một con vật chờ chết trong nỗi tuyệt vọng. Ván bài chơi đã xong. Ngoài đường, 8 chiến xa T-54 đã vào thành phố trên đại lộ Thống Nhất. Nhiều nhà đóng cửa rồi từ trong nhà ngó ra xem động tĩnh. Chỉ có một thiểu số người dám ra đường đứng thản nhiên nhìn đoàn xe cộ đi qua. Bộ đội tỏ ra ngơ ngác và kỷ luật. Họ dơ tay vẫy chào ngượng ngập.

Mãi vào lúc 16 chiều ngày 30-4-1975, ba vị thuyết khách của ông Dương Văn Minh, thuộc thành phần thứ ba là luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Châu Tâm Luân và Linh Mục Chân Tín mới từ trại David Tân Sơn Nhứt ra về. Các ông là những người được tướng DVM cử làm đại diện vào trại David chiều ngày 29-4-1975 để thuyết phục những người của Mặt trận với lời yêu cầu họ đừng đánh phá Sàigòn. Các tướng Nguyễn Anh Tuấn và Đại tá Võ Đông Giang đã hứa chỉ pháo chút ít để làm áp lực với tướng DVM mà thôi. Quân Bắc Việt đã tiến quân vào TSN nên các ông bị kẹt lại cho đến chiều 30 tháng tư mới ra về được.

21 năm sau, ngày 28-1-1996, Chân Tín trả lời phỏng vấn đài VNCR đã nói khác:’’ Chúng tôi ngồi yên nhìn cái ngu dốt và cái sa lầy của một chế độ đang trên đà tan rã’’. Nay, mới đây nghe tin ông ra tờ báo chui. 82 tuổi đầu tưởng đã tự cho phép mình hưu tranh đấu. Ông vẫn chưa ngưng nghỉ. Điều gì khiến một nguời đã tạm quay mặt với Chúa để theo Cách mạng, nay trở thành kẻ đối đầu với chính những điều xác tín của mình?

Ngoài phố, chỉ còn nghe tiếng xích sắt khô khan của bánh xe nghiến trên mặt đường nhựa. Mặt đất như rung lên bần bật. Sàigòn như oặn mình dưới làn xích sắt đi qua. Tiếng xích sắt như nhắc nhở gợi về tiếng xích sắt của mùa xuân Praha năm nào. Cái mùa xuân nát úa. Cái mùa xuân hy vọng của tuổi trẻ Prague chưa kịp nhú lên thì đã bị xích sắt xe tăng của Hồng quân Liên Xô đè dập nát khi tiến vào Prague, trên những đường phố lát đá gồ ghề, thẫm màu đen thuở nào. Praha, Sàigòn, ngạo nghễ và tủi nhục.

Những chiến xa trên có cắm cờ của mặt trận Giải Phóng miền Nam như niềm hy vọng nhỏ nhoi của người Sàigòn. Niềm hy vọng mong manh mà đằng kia là cuối đuờng.

Những chiếc chiến xa đang chạy trên đường Tự Do, Catinat cho nguời ta có cảm tưởng đường Tự Do của miền Nam là đại lộ Champs-Élysées của Paris… Nhưng Champs-Élysées của Paris vào tháng 8-1944 là cả một biển người đón tiếp De Gaulle. Biển người đó là nỗi vui mừng giải thoát, chỉ có tiếng cười và nước mắt hoan lạc.

Nhưng Champs Élysées thì không phải đưởng Tự Do ở Sàigòn. Đường Tự Do không có nỗi vui hoan lạc mà chỉ có những ánh mắt lo âu và sợ sệt. Ở một góc phố cạnh hotel Majestic, người ta thấy một nhóm nhỏ người đứng nhìn chiến xa đi qua. Bên kia đường, có một thanh niên mặc quần tây áo trắng bỏ ngoài quần, chắp tay đứng nhìn. Không có biển ngưòi mà cũng không có tiếng vỗ tay reo hò. Và 125 nhà báo ngoại quốc đứng ở đâu đó.

Họ còn ở lại để chứng kiến cảnh tháo chạy, cái cảnh mà Bảo Ninh đã mô tả trong truyện ngắn Ba lẻ một: chen chúc, xô lấn, giày đạp, chà xéo, đánh nhau, giết nhau, cưỡng hiếp và cướp bóc và cảnh tiến tới ồ ạt của những T54 và K63, như một cơn lốc bẳng thép xé mặt lộ lướt tới với thần tốc kinh hồn, là phẳng mọi chướng ngại trên đường, nhắm hướng Nam truy kích…

Đài phát thanh Sàigòn mở đầu bằng tiếng hát Trịnh Công Sơn. Tiếng hát một thời. Tiếng hát của một đời ngưòi.

Anh cất tiếng hát không phải khúc ca da vàng, nhưng lạc lõng với bài : Nối Vòng tay lớn bên cạnh đám bạn bè anh, trong đó có Nguyễn Hữu Thái, một SV tranh đấu.

Dân Sàigòn đã đón tiếp quân Giải Phóng như thế. Một nhúm người người dân ngơ ngác, 125 nhà báo và TCS với Nối Vòng Tay Lớn. 8 chiến xa có trang bị kính nhắm hồng ngoại tuyến dùng cho những cuộc đánh nhau ban đêm? Chả còn gì để dấu diếm nữa. Những chiến xa Liên Xô từ ngoài Bắc chạy thẳng vào chứ đâu phải của mặt trận giải phóng miền Nam? Trên chiến xa có cắm cờ MTGPMN. Nhưng cắm một lá cờ thì không lẽ đủ để thay đổi nguồn gốc một lịch sử.

Trong khi đó, ông Minh và toàn bộ chính phủ ông đã chờ sẵn tại dinh độc lập để trao quyền hành lại cho những người chủ mới. Người ta không thấy có một đại diện nào của MTGPMN. Nhiều người chê trách ông Minh hèn "bán đứng miền Nam". Nếu ông Minh hèn thì những kẻ chạy vắt giò lên cổ từ những ngày cuối tháng tư phải gọi bằng tên gì? Kẻ trốn chạy và kẻ ở lại lãnh thẹo, ai hèn hơn ai? Sài gòn lúc đó như một bãi rác với đủ thứ rác: rác Mỹ, rác quân đội với súng ống, quân trang, quân dụng vứt bừa bãi, rác chính quyền tham nhũng. Cùng lắm, ông Minh chỉ là người không thức thời cúi mình xuống nhặt cái danh chính quyền bị người ta vứt lại từ đống rác đó.

Lại còn vấn đề trao cái chính quyền đó vào tay ai? Chẳng biết nữa, người nói ông Bùi Tín, người nói Chính ủy Tùng. Theo Stanley Karnov, trong Viet Nam viết : "Ngồi trên một chiến xa vào dinh độc lập, Ông Bùi Tin chuẩn bị đóng hai vai trò một lúc: Là nhà báo, ông muốn là nhân chứng cho cuộc đầu hàng. Nhưng là sĩ quan cao cấp trong đơn vị của ông, ông muốn chính ông tiếp nhận sự đầu hàng này.Tôi chờ các ông từ sáng nay để trao quyền hành lại cho các ông, đại tướng Minh đã nói như thế khi ông Bùi Tín vào đến đại sảnh. Bùi Tín đáp lại, không có vấn đề trao quyền hành. Quyền hành của các ông còn đâu để mà giao. Ông không thể giao một cái mà ông không có." ( Pénétrant à bord d''un char dans la cour du Palais, il se préparait à jouer un double rôle: journaliste, il désirait être témoin de la capitulation, officier le plus élevé en grade de son unité, il avait pour devoir de la recevoir. J''attends depuis ce matin pour vous remettre le pouvoir, annonca le général Minh, quand Bui Tin entre dans le salon. Il n''en est pas question, répliqua le colonel. Votre pouvoir s''est écroulé. Vous ne pouvez donner ce que vous n'avez pas).

Nhưng có lẽ câu nói quan trọng nhất của Bùi Tín vẫn là câu sau đây :"Cùng là người Việt Nam cả, sẽ không có kẻ thắng người bại. Chỉ có người Mỹ là kẻ bại trận. Nếu ông là người yêu nước, đây là lúc để vui mừng, vì chiến tranh đã không còn nữa trên quê hương của chúng ta" (Entre Vietnamiens, il n''y a ni vainqeur, ni vaincus. Seul les Américains ont été battus. Si vous êtes patriotes, c''est le moment de vous réjouir. La guerre pour notre pays est terminée".

Từ đó đến nay, đã hơn 30 năm, người ta vẫn chờ đợi câu nói của Bùi Tín được thực hiện. và nó sẽ không bao giờ được thực hiện Cũng trong tháng 9 năm 1975, các ông Lê Đức Thọ và Xuân Thủy còn nhắc nhở mọi người rằng: Ai còn nói ngụy là ngụy…

Hồi mất Điện Biên Phủ, cuộc chiến giữa Pháp và Việt Minh phải mất 56 ngày đêm. Mất Sàgòn nhanh hơn, chỉ có 55 ngày. Ít hơn một ngày. Hồi ĐBP, chỉ mất một nữa. Lần này mất tất cả.


Phía những người thua trận


Không kể những người đã tháo chạy, không kể những người còn kẹt lại trong gọng kìm lịch sử oan nghiệt. Còn có những người cất lên tiếng nói cuối cùng.

Thiếu Tá Long, Cảnh sát Quốc Gia đã đến đứng trước tượng TQLC trước tòa nhà Quốc Hội ở Sàigòn rồi rút súng tự sát. Ông đã nằm chết ngay dưới chân pho tượng.






Trung sĩ Quân Cảnh Trần Minh, thuộc đại đội một quân cảnh phụ trách an ninh khu vực Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc 10giờ 30, sau khi nghe tin đầu hàng, trung sĩ Trần Minh đã dùng súng lục tự tử dưới chân cột cờ Bộ TTM.

Thêm vào đó là những cái chết của Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh. Chuẩn tướng Trần văn Hai, sư đoàn 7 bộ binh. Thiếu Tướng Phạm văn Phú, tư lệnh quân khu 2. Thiếu tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó quân đoàn 4. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4. Những cái chết anh dũng. Nhưng đã thay đổi được gì và có thể đại diện cho những vị khác đã bỏ chạy không? Đó là những cái chết bằng ngàn lời ca, bằng vạn tiếng nói.

Và kẻ chết cuối cùng vẫn là kẻ có lý.

Và tự sát bao giờ cũng cần được hiểu là một sự hy sinh cuối cùng (Ultimate sacrifice) đáng được trân trọng.

Không có cái chết vô ích mà chỉ có những cái sống vô ích.

Đó là số phận những người đã tự chọn cái chết. Những cái chết đó giá trị bằng ngàn lời ca, bằng vạn tiếng nói.


Còn số phận những người còn lại?


Tôi ghi lại đây hình ảnh một anh lính VNCH, đi chân đất, hai tay áo rách, đầu gối rách, chắp tay. Đằng sau anh là một bộ đội mặc đồ đen, cầm súng lăm lăm và sau chót là đám đông dân làng, khoảng 6, 7 chục người khoanh tay bất lực với lời ghi chú của nhiếp ảnh viên:* Un avenir qui ne s!annonce pas vraiment radieux pour ce soldat de Thiệu: pendant combien d!années sera-t-il rééduqué. (ảnh của Abbas. Gamma). Một tương lai không mấy sáng sủa cho người lính VNCH này. Người lính này sẽ bị đưa đi học tập cải tạo trong bao lâu?

Thật ra người lính lúc đó chỉ có 3 chọn lựa: di tản ra nước ngoài, nhẫn nhục để đi học tập cải tạo hoặc tìm đến cái chết. Cạnh đó là bức hình của kẻ chiến thắng. Hình một anh bộ đội chống nạng, cụt hẳn một giò đến háng, đi bên cạnh một xe tăng đã bốc cháy với lời ghi:* Après les vingt- cinq années de guerre, une photo qui résume tout (ảnh của Leroy-Gamma). Sau 25 năm cuộc chiến, một bức hình nói lên tất cả.

Cũng khoảng 2 giờ rưỡi trưa hôm ấy, những chiến xa đã từ trong dinh Độc Lập chạy dọc theo đại lộ Catinat-Tự Do, từ nhà thờ Đức Bà ra hướng bờ sông.. Có tới mười người dụt dè dơ cánh tay vẫy chào. Nhiệm vụ của người chiến thắng không phải là dễ. Chiếm được Sài gòn rồi, nhưng làm sao thay vì chỉ có 10 cánh tay dụt dè dơ lên, phải nhân lên bao nhiêu triệu lần? Phải chờ xem vậy thôi.

Vào cái giờ này của ngày chiến thắng. Toàn bộ báo chí đã ngưng xuất bản. Gần 50 chục báo hằng ngày của Sàigòn sáng nay vắng mặt. Họ đâu cả rồi? Tất cả liên lạc viễn thông với thế giới bên ngoài cũng bị cắt. Họa chăng còn lại đại diện của các tòa đại sứ sau đây: Pháp, Bỉ, Nhật, Khâm sứ tòa thánh, Thụy Sĩ và lãnh sự Ấn độ. Chế độ mới hầu như tạm thời cắt đứt với thế giới bên ngoài. Cho mãi đến ngày 23 tháng năm, liên lạc với thế giới bên ngoài mới được nối lại và chuyến bay đầu tiên ra nước ngoài vào ngày 24 tháng năm. Chuyến bay này chở một số người ngoại quốc còn kẹt lại trong thành phố mà phần lớn là người Pháp.

Theo Ngũ Giác Đài, có khoảng 50 ngưởi Mỹ bị kẹt lại VN sau ngày 30 tháng tư, cộng thêm 26 người VN là vợ con của những người Mỹ này. Sát cạnh nhà tôi, có hai vợ chồng người Việt cũng ra đi theo diện quốc tịch Pháp. Trong tình huống này mới thấy người Pháp là những người tử tế. Chị họ con ông bác tên Diệp, làm y tá nhà thương Grall cũng được đi và sang Pháp cũng làm y tá lại, lương bổng ngạch trật như cũ. Chẳng bao lâu sau, có vợ chồng một đại tá, đã đến cư ngụ ờ căn nhà đó. Sau này, suốt vài năm ở cạnh nhà như hàng xóm, ra vào đụng mặt nhau, ông bà chưa bao giờ nói chuyện, hoặc chào hỏi chúng tôi lấy một lần. Điều này phải được hiểu là thế nào? Không dễ dàng gì để những người đại diện đó được nhìn nhận. Họ không có trong mắt của người Sàigòn.

Chiến thắng thì đã xong, nhưng chinh phục thì chưa tới và sẽ không bao giờ tới!


Phía trí thức miền Nam: Mặt trận Giải Phóng, ảo tưởng và ảo ảnh.


Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc đã để lại một di sản thừa như một cục bướu ung thư cần nhổ. Đó là MTGPMN. Mặt trận này đối với trí thức thành phần thứ ba hay đối với sinh viên VN hải ngoại chỉ dẫn đưa họ đến một kết quả là: những ảo tưởng vĩ đại (grandes illusions) và đối với toàn thể thế giới là một âm mưu lừa bịp trắng trợn.

Xin nhắc để mọi người cùng nhớ: những trí thức đi theo Mặt trận hồi đó gồm có các ông luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch LMCLLDTDCVHBVN, phó chủ tịch HĐCV CPLTCHMNVN, chủ tịch UBTUMTTQVN và vợ là Ngô Thị Phú, ở Sóc Trang. Lâm Văn Tết, Phùng Văn Cung, Trần Kim Bảng, bút hiệu Thiên Giang, vợ nữ sĩ Vân Trang. Nguyễn Văn Chì, Chánh án Phạm Ngọc Thu, dược sĩ Đỗ Thu, Kỹ sư Cao Văn Bổn, Kỹ sư Tô Văn Cang, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, chức sắc Cao Đài Nguyễn Văn Ngưỡi, kỹ sư Trương Như Tảng, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, bà Nguyễn Thị Bình, Huỳnh Tấn Phát, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Lữ Phương, bà Bùi Thị Nga, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, nhà vănThanh Nghị Hoàng Trọng Quỳ và vợ ca sĩ Tâm Vấn. Thêm vào đó gs Lê Văn Hảo theo vào năm 1968, chủ tịch LMCLLDTDCVHBVN, thêm chủ tịch UBKNHTT. Trong dịp tờ Quê Mẹ phỏng vấn ông năm, 1999 ở Pháp, ông Hảo giải thích: dư luận gán cho ông về cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế là không đúng. Thứ nhất, lúc quân đội CS đánh Huế, tôi không có mặt trong thành phố. Trước tết 5 ngày, tôi được dẫn lên núi, nói là mời họp rồi giữ tôi ở lại luôn, không về thành phố lần nào. Cùng với tôi có Hoàng Phủ NgọcTường. Chỉ có Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân đã theo bộ đội về Huế và tôi được biết Phan và Xuân đã từng ngồi xét xử nhiều người có quan hệ với chính quyền Sàigòn, trong những phiên xử của cái gọi là Toà Án Nhân Dân.

Sau này, các ông Trần Quang Long, Trần Triệu Luật đã chết vì bom Mỹ. Những người còn lại may mắn sống sót.

Sau 30 tháng 4, đám trí thức trên vỡ mộng. Họ không có một vị trí nào trong chính quyền Cộng Sản tương lai và danh xưng MTGPMN cũng không ai muốn nhắc tới. Chẳng bao lâu sau ngày giải phóng, cờ của Mặt trận bị cuốn gói, xếp một chỗ.

Có thể bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa là người đầu tiên xin ra khỏi đảng CS và không tham dự phái đoàn nhân sĩ trí thức miền Nam ra ngoài Bắc. Lý do chính là hai vợ chồng chính thức phản đối việc thống nhất hai miền như một thứ bội phản đối với miền Nam. Đơn xin rút tên ra khỏi đảng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra một điều kiện: Phải 10 năm sau mới được quyền công bố chính thức rút tên ra khỏi đảng. Sau này, trong bài phỏng vấn trả lời trên tờ Far Eastern economic review (Feer) ngày 17-10-1996, Dương Quỳnh Hoa đã trả lời câu hỏi: «Quel est l’évènement le plus marquant pendant les 50 années passées?» bằng một phán quyết: «L’effondrement du mur de Berlin qui mit un terme à la ‘grande illusion’». ( Biến cố nào được coi là nổi bật nhất trong 50 năm đã qua? Trả lời: Sự sụp đổ bức tường Bá Linh chấm dứt một thời kỳ cuả ‘ảo tưởng lớn’).

Và nói như ông Hồ Sĩ Khuê: “Thành viên Mặt trận thực sự chẳng có bao nhiêu. Nhưng ở Sài Gòn, sao mà ai cũng có vẻ là người của Mặt trận quá.” Nhưng bên trong, họ chỉ làm bù nhìn. Hình nộm” ngồi chơi xơi nước” như theo lời tường thuật của kỹ sư Trương Như Tảng. Ông Tảng vốn là một sinh viên du học bên Pháp, có dịp gặp Hồ Chí Minh, coi HCM như khuôn mặt lãnh tụ sáng chói nhất để chống lại người Mỹ, và trước mắt, chống lại chính quyền Ngô Ðình Diệm đã viết: Hồi ký của một Việt cộng (A Viet Cong Memoir) cho thấy MTGPMN chỉ là một sự dàn dựng, họ được đưa vào bưng để làm bung xung, đánh lừa cả thế giới. Họ bị bịt mắt, dẫn đi quanh co trong rừng. Những buổi họp, để giữ bí mật, các thành viên mặt trận đều bịt mặt, vì thế chẳng biết ai vào với ai. Ai là thật, ai là giả? Ðó là kinh nghiệm đau xót của một số ít trí thức miền Nam. Trong The Myth of Libération, Trương Như Tảng tố cáo sự dàn dựng giả dối của chính quyền Cộng sản Hà Nội: “Trong nhiều năm, họ đã nghe Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tuyên bố cam kết”, qua lời Tổng bí thư Lê Duẩn, rằng “Miền Nam cần có chính sách riêng của miền Nam”. Hay như lời Thủ tướng Phạm Văn Ðồng tuyên bố với phóng viên nước ngoài: “Chẳng ai lại có cái ý nghĩ ngu xuẩn và tội lỗi là thôn tính miền Nam”.

William Shawcross, trên tờ Washington Post, nhận xét:* “He became the Viet Cong’s Minister of Justice, but at the end of the war, he fled the country in disillusionment and despair. He now lives in exile in Paris, the highest level official to have defected from Viet Nam to the West. This is his candid, revealing and unforgettable autobiography.” (Tạm dịch: “Ông trở thành Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Việt cộng, nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt, ông đã trốn thoát khỏi Việt Nam với tâm trạng bị vỡ mộng và thất vọng. Nay ông tỵ nạn ở Paris. Ông là một trong những viên chức cao cấp nhất đã đào thoát ra khỏi Việt Nam sang Tây Phương. Ðây là cuốn tự truyện đáng nhớ, phơi bày (nhiều chuyện) và thành thật.”)

Vai trò bù nhìn của MTGPMN cũng được đề cập đến trong hồi ký của Vũ Thư Hiên. Ông viết: “Trẻ con miền Bắc cũng biết Mặt trận Giải phóng là do miền Bắc dựng nên”. Người trí thức miền Nam một lần nữa bị lừa gạt.

Riêng Nguyễn Hữu Thọ, sau 1975 được làm phó chủ tịch nước. 1981, phó chủ tịch quốc hội, 1988, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc… Nhưng cuối cùng thì ông cũng phải thốt ra một câu như sau: “Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn, mà bằng sự đấu tranh”.

Sau ngày miền Nam bị mất vào tay Cộng sản, nhiều người trong bọn họ trước đó mang ảo tưởng sẽ có vai trò, sẽ được dùng, sẽ được lãnh đạo miền Nam, bị gạt ra bên lề một cách thảm hại, có chức mà không có quyền. Màn lường gạt, tráo trở này chắc chắn không phải lần đầu mà chắc chắn cũng không phải lần cuối. Những người trí thức này chỉ quên một điều: Người Cộng Sản bao giờ cũng ăn thịt trước tiên những đứa con đẻ của mình.


Niên lịch mới, Sàigòn thời của những tiên tri giả


Bộ đội chính quy, cán bộ miền Bắc đã đành là có mặt. Nhưng đám 30 tháng tư, bọn cách mạng 30 cơ hội nhố nhăng thì đầy đường, đầy ngõ. Không biết ở đâu ra mà họ đông thế. Chúng là những tiên tri giả, bán rao thời cuộc. Gọi theo một thứ ngôn ngữ chuyên dùng hơn thì đó là bọn tiêu bạc giả, vốn liếng là sự bịp bợm, sự tráo trở và tư cách vô liêm xỉ. Có thể bọn họ tuần trước, tháng trước, năm trước còn "đả đảo Cộng Sản" nay thì hoan hô… Bên cạnh đó, có một số trí thức đã có dính dáng, hoạt động bí mật trong Mặt Trận nay xuất đầu lộ diện. Trong số này, có Giáo sư Lý Chánh Trung, sau làm đại biểu Quốc hộI, Nguyễn Ngọc Lan trên tờ Đối Diện nay đổi là Đứng Dậy. Đổi tên tờ báo đã khéo, chơi chữ đã khéo. Nhưng Đứng Dậy có thể hiểu lầm là nổi dậy. Hãy coi chừng. Một số người khác như Nguyễn Đình Đầu, luôn luôn dấu mặt sau hội trường dật giây và em rể, giáo sư Trần Đức Quảng, gs Châu Tâm Luân, LM Chân Tín, Trần Bá Cường v.v...

Và nếu nói như người Pháp: « Il n’ y a que le premier pas qui compte », có nghĩa chỉ bước đầu tiên mới quan trọng, thì những người trên là những người đầu tiên ló mặt sau ngày Giải Phóng tìm một vị trí quan trọng?


Ngày 4-5-1975, xung đột với Campuchia


Nhũng tin tức nóng hổi sau đây nhiều bạn đọc, sau hơn 30 năm, có thể đây là lần đầu tiên đuợc nghe nói tới. Điều đó không lạ, vì tin tức thông tin nằm trong mạng lưới tuyên truyền của chế độ CS. Vào ngày 4-5-1975, có nghĩa là chỉ bốn ngày sau khi miền Nam thua trận, quân đội Khờ me của Pol Pot đã đổ bộ xâm chiếm đảo Phú Quốc. Ngày mồng 8, quân đội trên bộ của Pol Pot đột nhập vào tỉnh Tây Ninh. Ngày 10, chiếm đảo Thổ Chu và bắt hơn 500 thường dân. Để trả đũa, bộ đội VN chiếm đảo Poulo Way, sau đó thì rút lui. Tất cả những biến cố trên xảy ra dân chúng đều không hay biết vì các báo bị đình bản. Nhưng đài phát thanh cũng không thông báo cho dân chúng biết. Nòng súng của bộ đội Bắc Việt chưa kịp nguội thì đã chuẩn bị cho một cuộc chiến khác. Hai cuộc chiến trước đây là chiến tranh chống chủ nghĩa Đế quốc thực dân, vậy thì sẽ gọi tên cuộc chiến sắp tới là gì? Cho đến nay, có hai cuộc chiến đã xảy ra, một phía Nam và một phía Bắc VN. Vẫn chưa có một tên gọi thích đáng. Chúng vẫn chưa có một giấy khai sinh hộ tịch. Phải gọi đó là những cuộc chiến tranh gì? Cũng không ai nhắc tới nửa lời về lẽ thắng thua của hai cuộc chiến ấy. Mọi chuyện được bung bít dấu nhẹm như thường lệ. Nói gian dối là cái lệ của người làm chính trị chẳng khác gì rỉ sét là cái đương nhiên của vỏ tầu biển. Nói gian dối riết rồi bị lộ, bị chìm chẳng khác gì rỉ sét lâu ngày đục vỡ sàn tầu.

Quân đội Khờ Me Ðỏ mới vào Nam Vang hôm 17 tháng 4, thì ngay ngày hôm sau đã chuyển quân về hướng biên giới VN. Và như đã trình bày ở trên, đã chiếm đảo Phú Quốc. Theo ông Phan Hiền thì sau đó, nhiều cuộc thương thuyết đã diễn ra từ tháng 4-1976, nhưng kết quả không đi tới đâu và hai bên đã ngưng mọi thương thuyết vào ngày 18 -5-1976... Sang đến tháng 4-1977 thì tranh chấp giữa hai bên càng trở nên ác liệt. Các tỉnh biên giới của VN như Tây Ninh, Hà Tiên phải di tản dân chúng. Tây Ninh thì một phần dân chúng phải bỏ nhà, Hà Tiên đến ba chục ngàn người phải di tản đi nơi khác. Phóng biên Roland-Pierre Paringaux đã nhìn thấy hàng đống thây người bị giết, bị cắt cổ ở các ruộng thuộc tỉnh Hà Tiên. Francois Nivolon cũng đã nhìn thấy những cảnh chém giết, dốt nhà tàn bạo như thế ở làng Mỹ Đức, cách biên giới Cam Pu Chia chỉ 4 km. Có gia đình cả bố mẹ, 4 anh chị em đều bị giết, trừ một người con gái sống sót kể lại như một nhân chứng. Sau này, Ông Ngô Diên tố cáo có cố vấn Trung Quốc trong các binh đội quân Khờ me đỏ. Phải chăng, đằng sau Pol Pot là kẻ thù cố cựu của VN? Thật vậy, do sự xúi dục của Bắc kinh, chính quyền Căm bốt mới dám gây chiến tranh biên giới với Việt Nam và cắt đứt quan hệ ngoại giao với ta ngày 31-12-1977.

Ông Trần Văn An, một cán bộ tỉnh, cho biết từ 1975, tại tỉnh Tây Ninh, tỉnh giáp ranh với Cam bốt, có một 1090 thường dân bị giết do quân đội Pol Pot gây ra. 70.000 dân chúng phải dời bỏ ruộng vườn đi nơi khác. 15000 mẫu hoa mầu bỏ không canh tác. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những con số đưa ra, sự thẩm định độ chính xác cần được dè dặt.

Trong một tài liệu sau này VN thu nhặt được cho thấy Pol Pot coi cuộc đối đầu giữa Cambốt và VN là một đối đầu giữa Sống hoặc Chết. Sự thù ghét của Pol Pốt đã rõ ràng và minh bạch trong cuốn Sách đen ghi nhận:’’ Dân tộc Cam Bốt nuôi một mối hận quốc gia đối với Việt Nam, một kẻ hiếu chiến đi xâm lược, nuốt chửng đất đai của Cam bốt. Người Cam Bốt biết rõ ràng tính xảo trá, mưu mô quỷ quyệt và giả hình của VN. VN hành động như một Hitler đối với Cambốt một cách man rợ và Phát xít. Chúng ta phải bằng mọi cách giết người VN, một đổi 30".

Cũng sau này, trên mặt báo Le Figaro đã cho chạy một hàng tít lớn, phóng viên Yves-Guy Berges xác nhận: « Hà nội đang tiến hành một cách khoa học một cuộc diệt chủng lớn nhất trong lịch sử » (Hanoi procède scientifiquement au plus grand génocide de l’histoire). Điều này xem ra có vẻ không đúng sự thật. Le Figaro tỏ ra thiếu ngay thẳng và trung thực. Hà nội đã không đến mỗi ngu dại như thế, vì họ có cách xử lý khôn ngoan và khéo léo hơn. Nhưng mặc dù Pol pot gây hấn trước đã mang quân sang chiếm đóng Phú Quốc, việc VN mang quân sang chiếm đóng Campuchia đã bị cộng đồng thế giới lên án khiến uy tín ngoại giao của VN bị suy giảm, nhất là đối với các nước Đông Nam Á. Về phía người Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance nói:"Các cuộc nói chuyện Mỹ-Việt Nam về bình thường hoá đã tan vỡ do cuộc xâm lược Cam pu chia của Việt Nam.


Ngày 5-5-1975, Thông cáo của tòa Tổng Giám Mục Saigon


Sau tiếng hát của TCS trên đài phát thanh Sàigòn, dấu hiệu thứ hai đón tiếp chính quyền mới là vị đại diện của Thiên Chúa giáo. Chưa đầy một tuần sau ngày Giải phóng, TGM Nguyễn văn Bình gửi tâm thư kêu gọi giáo dân phải hòa mình vào nhịp sống mới, nỗ lực đón nhận trong tinh thần hoà hợp, hòa giải dân tộc. Lá thư có đoạn như sau:” Một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc VN.. Đây là một niềm vui chung của cả dân tộc, và với cái nhìn theo đức tin của người tín hữu, đây cuĩng chính là một hồng ân của Thiên Chúa.. Hơn mọi lúc, giờ đây người công giáo phải hoà mình vào nhịp sống của toàn dân, đi sâu vào lòng dân tộc.. người công giáo chúng ta phải phải sẵn sàng thi hành một cách tích cực mọi nghĩa vụ công dân do Chính phủ cách mạng lâm thời chỉ dẫn.”

Nội trong năm 1975, có cả thảy ba lá thư chung như thế. 12 tháng 6 một lá thứ hai và nhân dịp Hội nghị Hiệp thương thống nhất tổ quốc diễn ra tại TP Sàigòn, một lá thứ ba mà nội dung nhằm thứ nhất trấn an người TCG, linh mục, tu sĩ trong toàn địa phận. Thứ hai bảo đảm với chính quyền CM về sự sẵn sàng hợp tác trong hoàn cảnh mới. Theo tinh thần hiến chế: Gaudium et Spes. Anh em ơi, hãy vui mừng. Một vài Kitô giáo trí thức cấp tiến như Nguyễn Ngọc Lan đã dùng thánh kinh để gọi Ngày Giải Phóng: đó là tin mừng cứu độ đã được gửi đến.

Bảo hãy đừng sợ thì còn nghe được. Bảo hãy vui mừng thì quả thực không dễ.

Một số khác thì tỏ ra lo ngại về đường lối hòa giải của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình. Sài gòn có khoảng 600 linh mục, trong đó có hơn 100 vị đã du học nước ngoài và 2000 tu sĩ phần đồng khép mình đưới sự chỉ đạo của đức cha Bình. Tất cả những cơ sở trường tư thục TCG như đại học, đại chủng viện như cơ sở dòng Tên, Đồng Công, Chúa Cứu thế, học viện thánh Piô 10, Đàlạt, các cơ sở thương mại như nhà in Nguyễn Bá Tòng, trại gà Đàlạt, thương xá Eden, nhà sách, cơ sở nhà in Tân Định đều phải giao nạp cho chính quyền mới. Theo Georg Evers, Missio 2003, CHLB Đức trong bài Tình trạng nhân quyền tại CHXHCNVN, tự do tôn giáo, bản dịch Việt ngữ của Liên Đoàn công giáo Việt Nam tại Đức thì Giáo Hội miền Nam có 226 trường trung học, 1030 trường tiểu học. Ngoài ra theo niên giám 2004, vào năm 1962-1963, giáo hội TCG miền Nam có có 58 cô nhi viện nuôi hơn 6000 trẻ em, 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong và 159 phòng phát thuốc phát thuốc cho khoảng gần 2 triệu lượt người. Tất cả đều bị trưng thâu, nộp cho nhà nước.

Sự chọn lựa của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã hẳn không phải dễ. Một tháng trước ngày qua đời, phóng viên Hải Nam, tức Trương Bá Cần, báo CGVDT đã phỏng vấn cụ trong 20 năm "sống phúc âm giữa lòng Dân tộc", cụ là người đứng đầu CGVN, xin cụ cho biết cảm tường của cụ trong 20 năm qua sống dưới chế độ VNDCCH, cụ còn thấy sợ không. Trả lởi "vẫn còn sợ ” và cụ nói tiếp: "Đời con người giống như một cuộc leo núi. 50 năm đầu là thời gian leo núi và những năm còn lại sau này là xuống núi. Khi leo lên núi thì thời gian kéo dài và khó khăn, còn khi xuống núi thì dễ dàng và nhanh hơn. Nhưng với tôi, 20 năm qua, cảm tưởng sâu đậm của tôi là đã phải sống một thời gian dài nhất của đời người".

Sau này, tác giả Tuệ Không, trong một bài viết vào 10-5-1995, cho rằng tất cả bài phỏng vấn trên là ngụy tạo của Uỷ Ban Tôn giáo chính phủ dựng đứng lên. Toà TGM Sàigòn cũng xác nhận cụ Nguyễn Văn Bình đã quá suy yếu, kiệt sức để có thể trả lời một bài phỏng vấn như thế. Bài phỏng vấn từ câu hỏi đến câu trả lời là của ông Trương Bá Cần dàn dựng viết ra. Ông có đưa tới trình Đức Cha vẫn đang đau yếu, chỉ đọc mấy câu, câu được, câu mất và yêu cầu đừng đăng. Nhưng ông Trương Bá cần đã viện cớ là bài đã lên chữ rồi, ở nhà in, để rồi xin cứ đăng.

Theo tôi, có lẽ tâm trạng và lòng mong ước của cụ Giám Mục Bình thể hiện rõ nhất trong câu trả lời lúc 80 tuổi của báo Iregno Attualita, đăng lại trên Église d’ Asie là: "Lúc này đức cha ước vọng gì nhất. Trả lời: Sau những biến cố Đông Âu, tôi hy vọng mọi sự sẽ tiến triển tốt đẹp".

Phía Phật Giáo, cả hai vị lãnh đạo của hai khối đều không có tiếng nói. Thượng toạ Thích Tâm Châu chọn lựa ra đi như nhiều người. Thượng toạ Trí Quang thì tịnh khẩu suốt hơn 30 năm nay. Phật tử như rắn không đầu. Người cần lên tiếng và đáng nhẽ phải lên tiếng là TT Trí Quang. Còn ai uy tín hơn ông trong lúc này, người đã từng được nước Mỹ qua phóng viên James Wilde và Frank Mc Culloch trên tờ Time mệnh danh "politician from the pagoda" hay "a most extraordinary man" (người phi thường nhất). Tôi chỉ muốn đổi một vài chữ như sau. Trước 1975, ông là một politician outside the pagoda và sau 1975, một politician inside the pagoda.

Nhưng ông Diệm, ông Thiệu không còn, Thượng toạ Trí Quang không có giá nữa. Ông chỉ có thể là * người của thời cuộc* dưới một chế độ kiểu ông Diệm, ông Thiệu mà thôi. Trong suốt hơn 30 năm quy ẩn và ngồi dịch rất nhiều kinh sách, ông chỉ làm được một thứ chính trị inside the pagoda, một điều hữu ích cho chính ông và cho những kẻ thù của ông ở bất cứ phía nào. Đó là: Ta bảo cho các người hay, ta không bao giờ là người Cộng Sản như các người nghĩ, nhưng ta là nhà *tu thật* trong chế độ Cộng Sản. Và TGM Bình thì có thể nói: "Ta bảo cho các người hay, có người chê ta ba phải. Nhưng trước sau, ta là nhà tu thật dưới thời ông Diệm, ông Thiệu. Nhưng ta trở thành nhà chính trị bất đắc dĩ dưới thời Cộng Sản".

Và có lẽ, tôi thích nhất câu nói để đời sau đây của nhà tu bất đắc dĩ: "Nó giết mình hôm trước, hôm sau nó đem vòng hoa đến phúng điếu mình".

Có lẽ chính nhờ hiểu cái lẽ quyền biến của câu trên đã giúp ông không phải nhận một vòng hoa phúng điếu.

Sau 1975, chúng ta có chủ nghĩa CS và có thêm chủ nghĩa bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ để Thượng toạ Trí Quang phải quy ẩn trong chùa và bất đắc dĩ, Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình phải làm chính trị. Kẻ làm chính trị phải đi tu và kẻ đi tu phải làm chính trị.

Và cả miền Nam đều làm những công việc bất đắc dĩ như thế.


Ngày 6 tháng 5-1975, bộ mặt thứ hai của Sàigòn sau Giải Phóng


Bộ mặt thứ nhất là những tiên tri giả ở trên, bộ mặt thứ hai là những người buôn bán giả. Chỉ sau một tuần, cái điểm nỗi bật của một thành phố chết vừa mới trỗi dậy là sự xuất hiện rất nhiều những người buôn bán lẻ. Họ ngồi dọc theo các đường, từ đầu phố hay đầu con hẻm. Bán đủ thứ và mua cũng đủ thứ.

Người buôn bán phần đông là những người chưa bao giờ buôn bán. Đây là lần đầu họ làm nghề buôn bán bất đắc dĩ. Sự buôn bán này là một bài toán trắc nghiệm người chủ mới trong thế chờ đợi thời thế, nghe ngóng động tĩnh.

Nghĩ đến hoàn cảnh bất đắc dĩ của cả miền Nam, xin mượn lời hát của TCS:

Hãy sống dùm tôi
Hãy nói dùm tôi
Hãy thở dùm tôi…

Nhiều người không muốn sống, không muốn thở và đã hẳn không muốn nói nữa.
 
 
 
 

CD - Mong Manh Lụa Đào, Quốc Tuấn phổ thơ Hoàng Phượng







Đêm Đông - Tác giả Đinh Phụng Tiến




“… Một tháng trước đây, chúng tôi với sự chấp thuận của trên, đã gửi một toán tiền phương mười người do anh Nguyễn Hữu Có làm trưởng toán vào Thanh Hóa để xem xét tình hình. Và anh Có đã trở về. Bản báo cáo của anh Có đã được gởi lên cho tôi đọc. Vậy bản báo cáo ấy đã nói gì? Anh Có đã trình rất rõ và rất chi tiết. Rằng, ở đó các anh có thể sống được. Lịch sử của đất Thanh Hóa, kể từ ngày dựng nước cho đến nay, là lịch sử của một miền đất thiếu ăn. Bởi vì khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô khốc, rừng và núi đều đã già nua… nên Thanh Hóa vẫn là một vùng đất đói nghèo.

“Vì cái đói, cái nghèo ấy mà khu Năm đã sớm trở thành cái nôi của cách mạng. Cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người đến ngày thành công trên toàn thế giới, sẽ phải nhớ đến nơi mà nó đã được nuôi dưỡng trong buổi đầu"

Tôi nói thêm về Thanh Hóa. Đã từ bao lâu rồi, người dân ở Thanh Hóa vẫn sống giữa dẫy núi trùng điệp phía tây và biển Đông. Đất hẹp, nghèo nàn và lạc hậu là ở đó. Nơi đó không phải là chỗ dừng chân của những người muốn có một cuộc sống vật chất an nhàn.

Nhưng chúng ta phải chứng minh rằng, mọi người có thể sống được, ở Thanh Hóa. Mọi người có thể sống được, ngay tại vùng đất già cỗi nhất, hoang vu nhất, với hai bàn tay không trong một vùng đất già cỗi và hoang vu ấy

Sống bằng cách nào? Đồng chí Tổng Bí Thư Lê Duẩn, một cán bộ kiệt xuất, một lý thuyết gia lỗi lạc, trong một nghiên cứu mới đây đã dạy nhân dân Thanh Hóa rằng, đất Thanh Hóa không những có thể nuôi sống con người mà vẫn còn có tiềm năng lớn để phát triển.

Phát triển bằng cách nào? Đồng chí Lê Duẩn dạy rằng, phải vượt lên rừng, phải lấn ra biển. Vượt lên rừng, lấn ra biển, mở rộng không gian để làm cho Thanh Hóa nở ra. Chiếm lĩnh những gì thiên nhiên đã có, để phát huy và phát triển… Các anh thấy không? Ưu việt là ở chỗ ấy.”

o O o
 
Người đàn ông trong bộ quân phục đại cán mùa đông mầu ô liu chợt ngừng lại, khi một cán bộ cấp dưới rụt rè tiến đến gần ông ta để nhắc một điều gì đó. Người đàn ông ấy mỉm cười và nói:
 
– Các anh nghỉ giải lao ít phút.
 
Đoạn, ông ta cùng với những người ngồi trên ghế của chủ tọa đoàn đứng dậy, và khuất sau cánh cửa hẹp của phòng hội, sang phòng bên.
 
Hôm ấy là một ngày giữa mùa đông. Một mùa đông rét cắt da, những vết bầm trên những cánh tay khẳng khiu và cánh mũi đỏ của mọi người. Tôi trở lại miền trung du trong mùa hè năm trước đó. Cho đến những ngày bắt đầu trở lạnh, chúng tôi mới hiểu được vì sao đã có những cuộc di chuyển như thế, khi những người lính Trung Quốc tràn qua sáu tỉnh biên giới phía bắc.
 
Tôi để lại ở Lào Kay những người bạn đã chết từ năm trước. Tôi đã để lại nơi ấy những ngọn đồi cao mà tôi đã đi qua. Những thân cây đốn ngã. Những dẫy bạch đàn buông tóc xõa trong những cánh rừng gió thổi. Chuyến xe bít bùng chạy về xuôi âm thầm không tiếng nói. Chiếc còng trên tay. Một nắm cơm vắt cho những bữa ăn đường và một “lon gô” đựng đầy nước lạnh trong một túi vải đã rách, với vài bộ quần áo không đủ cho mùa đông, là hành lý tôi đã đem theo từ Nam ra Bắc. Phòng hội đông, nhưng tôi vẫn có cảm giác như không một bóng người. Quanh tôi, là những khuôn mặt với những nét hằn sâu như tượng đá. Không có tiếng cười. Tôi nhìn thấy Lộc ở một góc tối. Anh ta gật đầu chào tôi. Sau đó, chúng tôi gặp nhau và trao đổi với nhau một vài câu thăm hỏi.
 
Tôi nhớ là trước khi quân đội Trung Quốc đánh vào biên giới, chúng tôi được điều động ra khỏi khu vực trại giam để đào hầm hố phòng thủ cho bộ đội. Không ai cho chúng tôi biết điều ấy. Đội trưởng chỉ thông báo cho mọi người biết rằng ban chỉ huy trại bố trí cho chúng tôi đi đào những đường thoát nước quanh sườn núi. Đó là những giao thông hào mà ai cũng hiểu nhưng không nói ra. Và tình cờ, tôi đã quen Lộc trong dịp ấy. Sau này, lại do một tình cờ khác, chúng tôi trở nên thân với nhau hơn khi Lộc được chuyển về ở cùng một đội với tôi.
 
Ngày ấy, chúng tôi cùng làm việc chung trong một đội xúc cát dưới suối. Trời lạnh suốt mùa đông. Nước suối trong cuốn đi những hạt cát trên kè đá. Phải lội ra giữa dòng. Chiếc xẻng lùa xuống đáy dòng suối, khi nhấc lên khỏi mặt nước thì cát đã bị cuốn trôi đi gần hết. Công việc ấy gần giống như việc của một con dã tràng. Lộc không hút thuốc lào, nhưng thỉnh thoảng, không biết từ đâu mà có, Lộc vẫn dúi vào tay tôi một vài “bi”. Khói thuốc hút qua ống tre già làm cho tôi ấm áp. Tình thân ấy trở nên gần như ruột thịt khi Lộc có ý định theo đạo Thiên Chúa, mà tôi là người đỡ đầu. Cuối cùng, Lộc đã toại nguyện khi đội tôi lại được bổ xung thêm một lao động nữa là một linh mục.
 
Ngày lễ rửa tội của Lộc được chuẩn bị chu đáo. Phải chờ đến một hôm chúng tôi đi xúc cát trên đầu ngọn suối vắng vẻ. Hôm ấy trời mưa nhẹ hạt. Lính gác chán nản bỏ chúng tôi, vào trong nhà “lô” để sưởi ấm. “Bố” Trình đã cử hành bí tích rửa tội cho người đàn ông giữa dòng suối, có cây phủ kín hai bên bờ kín đáo. Việc ấy, vậy mà đã đến tai cán bộ. Cả “bố” Trình và Lộc đều đã bị “kỷ luật”, giam riêng.
 
Sau đó, mỗi người trong chúng tôi lại tản mát mỗi nơi khác nhau. Và tình cờ, tôi lại gặp Lộc ở trong phòng hội hôm ấy. Lộc hỏi tôi có còn hút thuốc lào không. Tôi đáp còn, và anh ta lại dúi vào tay tôi một gói nhỏ. Tôi chạy đi kiếm ngay một người có chiếc ống tre già gọi là điếu cày, để “bắn một bi” cho ấm phổi. Lộc hỏi tôi rằng, người trưởng toán tiền phương đi Thanh Hóa nói tới hồi nãy bây giờ làm gì. Tôi đáp, chắc cũng như tụi mình thôi. Có thể ông ta đang là một đội trưởng của một đội nào đó. Có thể ông ta đang ngồi ở một chỗ nào đó, bằm thân chuối già để nuôi vài ba con heo cải thiện. Lộc nói, trước đây ông ta là một người mưu lược và độc đoán, nhưng giờ đây ông ta đã thay đổi. Tôi nói, tôi không biết gì nhiều về ông ta. Tôi là một người lính, và tôi chỉ tiếp xúc với cấp chỉ huy gần nhất. Tôi không biết gì cả. Và tôi đã tuân hành mệnh lệnh cho đến giờ phút cuối cùng. “Chúng tôi đã có kế hoạch cho các anh. Chúng ta sẽ sống ở đấy. Chúng ta sẽ làm cho Thanh Hóa nở ra, để phát triển mặt mạnh của Thanh Hóa. Nhân dân Thanh Hóa sẽ chiếm lĩnh biển đông. Các anh sẽ lấn lấy rừng, bắt rừng phải phục vụ con người. Các anh sẽ về đó ở. Rồi, các chị và các cháu sẽ cùng đến ở với các anh. Anh nào chưa có gia đình, sẽ được bố trí để yên tâm trong sinh hoạt… chủ nghĩa cộng sản sẽ có khả năng làm cho các anh trở thành một con người khác. Hoàn toàn mới. Mới tinh, trong một xã hội mới…”
 
Hôm ấy là ngày 24 tháng 12 năm 80. Người đàn ông mặc bộ quân phục đại cán mầu ô liu, mà chúng tôi được giới thiệu là Thiếu Tướng Lê Hữu Qua, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ đã đến “tham quan” và nói chuyện với một số “trại viên” khoảng trên một trăm người. Người cán bộ của trung ương ấy tiếp rằng:
 
“Lẽ ra ngày hôm nay tôi nói chuyện với tất cả trại viên trong trại. Nhưng vì điều kiện hội trường hẹp không đủ chỗ. Nên theo lời yêu cầu của đồng chí Trung Tá trưởng trại, chúng tôi chỉ để những đội nông nghiệp ở nhà và chúng ta cùng ngồi đây. Đề nghị các anh sau khi nghe, hãy truyền đạt những điều đã thâu hoạch cho các anh em khác cùng nắm vững.”
 
Chúng tôi được ra về, lãnh phần cơm trưa của mình như thường lệ: Ba củ khoai mì nhỏ luộc chín và một ít muối đã hòa tan trong nước. Trời lạnh và mưa bay trên đầu. Mắt tôi cay cay. Lời nói nhẹ nhàng của người đàn ông mặc quân phục đại cán mầu ô-liu cho tôi hiểu rằng, chúng tôi đã được chỉ định cư trú suốt đời và vĩnh viễn ở nơi ấy. Con cháu chúng tôi sẽ lớn lên trong những khu rừng mà cha ông đã khai quang. Và những cuộc đời tiếp nối an phận trên những miếng đất cằn cỗi. Một cách chôn vùi vĩnh viễn những cuộc đời. Đây là lần đầu tiên tôi nghe một cán bộ cấp tướng nói
 
Những phút gọi là giải lao đã hết. Chúng tôi trở về chỗ ngồi, sau khi đã đứng dậy nghiêm chỉnh báo cáo. Người đàn ông với bộ quân phục đại cán mầu ô liu trở ra với nụ cười cởi mở. Tôi không có ác cảm gì với ông ta. Dáng đi khoan thai, lời nói nhỏ nhẹ dễ làm cho tôi chú ý, và người đàn ông ấy nói tiếp:”…Đất đai Thanh Hóa là như thế. …”
 
Tôi là một người lính ngoài mặt trận. Người mà tôi tiếp xúc, vẫn chỉ là cấp chỉ huy trực tiếp. Ông Nguyễn Hữu Có, kể từ khi ông là Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật đến lúc ông là Tổng Trưởng An Ninh rồi Phó Thủ Tướng, tôi cũng chưa hề được gặp ông. Và ngay cả khi ông làm trưởng toán điều nghiên Thanh Hóa, tôi cũng không hề gặp ông. Đối với tôi, ông hoàn toàn xa lạ nhưng những quyết định của ông vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của một người lính ngoài mặt trận. Bản báo cáo của ông đã mau chóng trở thành một miếng nhung bọc ngoài lưỡi dao bén.
 
Ngay sau buổi trưa ấy, đội tôi tiếp nhận một đội viên mới. “Bố” Trình, người đã cử hành phép bí tích cho Lộc giữa lòng suối vắng ở Lào kay hôm nào bây giờ trở lại với chúng tôi. Một thoáng vui, cũng như một thoáng buồn đã đến với chúng tôi, những tâm hồn lặng lẽ. Tiếc một điều là Lộc không cùng ở chung một đội…cho vui. Lộc đang ở một phòng giam khác gần đó. Tôi vẫn nghe giọng Lộc hát như từ ở trên cao… Mẹ hãy đưa con về trời. Tôi nói với “bố” Trình rằng, như thế là xong rồi, bố nhé. Tôi sẽ mang vợ con về Thanh Hóa đốt nương làm rẫy. Còn bố, bố sẽ được đảng bố trí cho bố một nữ phạm nhân, một con bé có án tù chung thân vì tội giết chồng đấy nhé. Thế là xong. Chủ nghĩa tư bản hoàn toàn bị chôn vùi vĩnh viễn. Chủ nghĩa cộng sản có khả năng làm cho bố trở thành một con người khác. Hoàn toàn mới. Mới tinh, trong một xã hội mới…
 
Đêm đông này cũng như những đêm đông trước đó. Trời rét cắt da. Không khí lạnh ẩm của núi rừng làm buốt ngực, buốt tim. Qua chấn song sắt ngoài khung cửa, trăng đã lên cao, sáng trong tợ hồ như bạc. Tiếng côn trùng kêu râm ran, và phía ngoài cổng trại, có con chó nào đó đang sủa trăng đêm. Giọng hát của Lộc từ một phòng giam gần đó lại cất lên… Mẹ hãy đưa con về trời… nhưng người lính gác đêm đã quát lên tới hai lần, cùng với tiếng cơ bẩm lên đạn của khẩu AK, Lộc mới chịu im tiếng hát.
 
Có lẽ đã rất khuya, dường như tôi đã ngủ được một giấc thì phải, tôi thức giấc và để cho hồn mình bay bổng trên những đám mây chiều quê hương. Và tuổi thơ trên những cánh diều mộng mị. Cánh diều ấy đã đứt dây, tôi lang thang trở về trên những hè phố cũ, sân trường năm xưa, những tầu lá khô lăn trên hè phố không biết sẽ dừng lại ở một chốn nào. Những tầu lá ấy đã bị xé rách trong một buổi chiều giông bão. Những hạt mưa đầu mùa trong vắt như những giọt nước mắt của những lần chia tay. Tôi sẽ đi Thanh Hóa trong một ngày không xa. Chặng đường cuối cùng sẽ tới. Vài chục năm sau, những vết tích xưa đã hoàn toàn xóa sạch. Như những người dân Hà Nội năm xưa được gởi đến Yên Báy hoặc Lào Kay từ 54. Tôi đã gặp gia đình một người dân sinh hoạt như người thiểu số ở Ba Khe. Hỏi ra, cụ già gần tám mươi tuổi ấy trước 54 là một nhà giáo của trường Albert Sarraut. Thế hệ thứ hai phết là những đứa cháu đang chăn những con trâu gầy trên sườn núi. Người đàn ông ấy sẽ không bao giờ muốn nói về qúa khứ của mình, nếu như không gặp được người đồng cảnh. Những người con lớn của ông, có thể cũng còn nhớ được chút ít về thành phố ấy hay chút ít những sinh hoạt của một thời đã qua. Nhưng những đứa cháu thì không. Hoàn toàn không. Chúng sẽ lớn lên giữa sỏi đá cùng những luống cầy trên thửa ruộng khô. Con tôi, cháu tôi rồi sẽ lớn lên và chết đi ở những triền núi trên dẫy Trường Sơn ấy, như những đứa trẻ mà tôi đã gặp ở Ba Khe. Hà Nội chìm khuất ở cuối chân trời. Saigon chìm khuất trong bóng núi.
 
Nhớ lại, là tôi có đọc một bài viết của ông Trường Chinh. Dường như đó là bài “Kinh nghiệm Công Xã Paris và cách mạng tháng Tám”. Ông Trường Chinh đã phân tích ra một nguyên nhân cơ bản khiến cho hai cuộc cách mạng ấy đã không thành công. Theo ông, thì cả hai cuộc cách mạng ấy đã vấp phải một sai lầm hết sức nghiêm trọng, là ngay sau khi nắm được chính quyền, cách mạng đã không triệt để loại bỏ phe bảo hoàng và những thành phần trong chế độ cũ. Đáng lẽ ngay ngày đầu, phải trấn áp ngay. Phải bắt giữ và triệt hạ không thương xót những thành phần đó. Nhưng cách mạng đã ngủ quên trên chiến thắng, nên sau này những thành phần ấy, có thời cơ ngóc đầu dậy. Tôi hiểu, mọi người sẽ đi Thanh Hóa. Lần này thì cách mạng sẽ không quên những bài học trong qúa khứ. Trường Sơn đã chôn vùi những người lính mở đường đi đánh Mỹ. Trường Sơn sẽ chôn vùi nhiều thế hệ mai sau.
 
Tiếng chó ngoài cổng trại sủa trong đêm trăng khuya khoắt, làm cho không gian chợt lung lay ngoài song cửa. Tôi cảm thấy buốt lạnh toàn thân. Người lính gác đêm di chuyển chậm chạp, cái bóng in lên bức tường mầu trắng đục lặng lẽ trong một không gian loãng.
 
Bố Trình lay tôi ngồi dậy, cùng với vài người bạn nữa, chúng tôi cử hành thánh lễ Giáng Sinh. Ông có để dành một miếng sắn để làm bánh lễ. Sau lời cầu nguyện, tôi nghe tiếng vang vọng như từ rất cao… Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà phán, các con hãy cầm lấy mà ăn. Vì này là mình ta, sẽ bị nộp vì các con… Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ mà phán, các con hãy cầm lấy mà uống. Vì này là chén máu ta, máu tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội…
 
Và thình lình ở phòng giam cách đó không xa, chúng tôi cùng nghe có tiếng la thất thanh:
 
Báo cáo cán bộ, có người tự tử…
 
Tiếng la ấy mỗi lúc càng thêm khẩn thiết và dồn dập:
 
– Báo cáo cán bộ, buồng số Tám có người tự tử…
 
– Buồng số Tám có người tự tử…
 
Người lính gác có cái bóng in lên tường vôi hồi nãy di chuyển chậm chạp về phía buồng số Tám. Qua khe cửa sổ, tôi thấy anh ta đang cúi người xuống để hỏi vào bên trong căn buồng giam số Tám. Chiếc nón cối của người lính rớt trên vai, khẩu súng AK chúc mũi xuống đất. Một giây lâu, anh ta quay lưng và nói lớn:
 
– Để tôi gọi cán bộ trực trại. Các anh giữ trật tự, không được gây ồn ào.
 
Nửa giờ sau, cán bộ trực trại, ban thường trực thi đua và vệ binh vào tới trước buồng số Tám. Những ánh đèn pin quét ngang dọc trong sân. Trong buồng chúng tôi ở cũng đã có vài người thức giấc vì tiếng la thất thanh hồi nãy. Bố Trình và một vài anh em dự lễ Giáng Sinh đã trở về chỗ của mình.
 
Sau đó, khóa cửa buồng giam số Tám được mở. Thường trực thi đua khiêng đi một xác chết. Họ khuất sau dẫy buồng giam kế đó. Không gian vẫn rộng bao la và yên tĩnh. Bóng người lính gác di chuyển chậm chạp lại in lên bức tường vôi mầu trắng đục. Phía ngoài cổng trại, tiếng chó sủa trăng lại rú lên từng hồi. Trăng sáng mầu bạc, khẩu AK in lên bức tường chợt lung lay. Và sau đó, tôi ngủ thiếp.
 
Sáng hôm sau, hồi kẻng thường lệ gọi chúng tôi dậy sớm để ra bãi tập, chuẩn bị điểm danh và điểm số để ra đồng nhổ mạ. Trời rét và gió lùa trong tai. Chúng tôi ngồi xổm trên cỏ chờ đếm số và báo cáo. Đội trưởng một đội nào đó đứng nghiêm:
 
– Báo cáo cán bộ trực trại, đội 29 tổng số 32. Trực buồng 1, bệnh xá 2… thường trực thi đua mang đi hồi đêm 1. Hiện diện tại hàng 28. Đủ.
 
Người cán bộ trực trại ra hiệu cho đội trưởng đội 29 ngồi xuống đất.
 
Sau đó, người cán bộ ấy nói một cách nghiêm trang:
 
– Vụ việc này các anh đã biết cả rồi. Đội trưởng 29 vừa báo cáo thường trực thi đua đã mang đi một lao động hồi đêm, ý là muốn tránh những xúc động không cần thiết đối với các anh. Nhưng sáng nay tôi đã được trên cho phép, phổ biến để các anh nắm và suy nghĩ.
 
Ngừng lại giây lâu, ông ta nói tiếp:
 
– Trại viên Trần Văn Lộc đã tự tử hồi đêm qua. Đây là một thái độ cực kỳ ngoan cố và rất đáng phê phán. Trần Văn Lộc 32 tuổi, nguyên là một Trung Úy an ninh tình báo đã phạm nhiều tội ác và có nợ máu với nhân dân. Cách mạng đã tha tội chết cho Lộc, tạo điều kiện để Lộc học tâp cải tạo, tự rèn luyện bản thân. Nhưng do chưa tự giác và ngoan cố nên Lộc đã khước từ cải tạo bằng cách treo cổ tự tử vào lúc một giờ đêm hôm qua.
 
Bất chợt, ông ta nghiêm nét mặt:
 
– Do vậy, trong một tuần lễ, bắt đầu từ tối nay các tổ, đội tổ chức thảo luận để tìm cho được những yếu tố ngoan cố của Lộc. Hành vi khước từ cải tạo của Lộc là một hành vi rất đáng phê phán. Tôi chỉ phổ biến như thế. Những điều khác không đáng nói. Bây giờ, các đội chuẩn bị báo cáo để đi lao động. Nhưng trước khi đi lao động, những người có tên sau đây ngồi sang hàng bìa bên tay trái tôi và ở lại trại để chờ lệnh.
 
Sau câu nói ấy, thường trực thi đua khiêng ra sân cỏ một chiếc bàn dài, phủ chiếc khăn mầu đỏ. Có nhiều tiếng xầm xì sau lưng tôi, biên chế… biên chế… lại biên chế… với tôi, như thế là Lộc không còn nữa. Ngay đêm qua, thường trực thi đua đã chôn Lộc trong một manh chiếu ở một góc nào rồi, trên sườn núi dốc. Tiếp đó, cán bộ khung và nhiều vệ binh với đầy đủ vũ khí đến, và việc gọi tên chuẩn bị bắt đầu. Lại có tiếng xầm xì quanh tôi đâu đó, chuyển trại… chuyển trại. Một thường trực thi đua đi ngang qua chỗ tôi ngồi, nói nhỏ bâng quơ… đi Thanh Hóa. Tôi nói với bố Trình đang ngồi xổm trước mặt tôi ở trong hàng, nếu tôi đi thì nhờ bố tìm cách báo cho vợ con tôi biết, và nhắn rằng không cần lặn lội vô Thanh Hóa tìm tôi nữa. Còn nếu bố đi trước, tôi sẽ tìm cách báo cho nhà xứ, nhưng ông nói, tớ không còn xứ nào để mà báo. Yên tâm, ở đâu cũng vậy thôi.
 
Bố Trình được gọi đầu tiên, và ông ra khỏi hàng. Tôi nắm lấy tay ông, mình sẽ gặp nhau nhưng không còn thấy Lộc nữa. Tôi thấy mắt ông đỏ. Dường như ông bị xúc động mạnh vì cái chết của Lộc, một tín hữu tân tòng.
 
Ông đi Thanh Hóa ngay trong ngày hôm ấy. Từ đó không bao giờ tôi gặp lại ông. Và tôi vĩnh viễn không gặp lại người bạn trẻ tên là Trần Văn Lộc, nhưng tiếng hát… mẹ hãy đưa con về trời... vẫn theo tôi như một người bạn đồng hành là Lộc ở bên. Cho đến khi tôi đi vào Thanh Hóa, tôi vẫn không gặp lại người linh mục ấy. Tôi không biết người linh mục ấy lúc bấy giờ ở đâu. Tôi không biết Lộc đã được chôn ở một nơi nào. Tôi không biết ông Nguyễn Hữu Có vào thời gian ấy đang ở đâu. Có thể ông lại trở về một trại giam nào đó, mà tôi hình dung một con người gầy và cao, với quần xà lỏn, chân đất đang ngồi bên một chuồng heo cải thiện, thái những thân cây chuối già vỗ cho bầy heo ấy mau lớn. Tôi cũng không biết người cán bộ cấp cao là Thiếu Tướng Lê Hữu Qua, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở đâu, sau buổi nói chuyện nhẹ nhàng hôm ấy. Có thể ông ta đã trở lại bàn giấy, để vạch ra một kế hoạch rõ ràng hơn hầu tránh những kinh nghiệm của Công Xã Paris và Cách Mạng Tháng Tám. Tôi cũng không biết Lê Hữu Qua có phải là tên thực của ông hay không. Hay đó chỉ là một bí danh, được thay đổi tùy mỗi nơi, mỗi lúc. Nhưng có điều mà tôi biết chắc chắn rằng, nếu không có những thay đổi gì hết sức lớn lao trên thế giới thì, chúng tôi và con cháu chúng tôi sẽ mãi mãi ở trên một rẻo Trường Sơn.
 
Tôi cứ tin rằng Lộc đã được về trời ngay trong đêm Giáng Sinh năm ấy, cho dù rằng Lộc đã có điều lầm lỗi. Tôi tin người linh mục ấy sẽ đi hết một chặng đường thánh thiện, mà thập giá đã được đặt lên vai. Những đau thương của một đời người được hòa tan với nguồn phúc lạc, như giọt nước trong rượu nho.