khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Bài "Còn yêu em mãi" được sáng tác vào khoảng thời gian Nguyễn Trung Cang đang ở chốn lao tù. Bài hát này chỉ đặc biệt dành tặng riêng cho vợ ông, một người ông rất yêu. Không ai biết chính xác thời gian được sáng tác. Ông cũng đã mất trong tù vì quá kiệt sức, đó cũng là một trong những nguyên nhân chính mà ông muốn viết bài nhạc này cho vợ khi biết sức khỏe của mình đã suy kiệt và chẳng biết sẽ còn có ngày trở về đoàn tụ gia đình hay không. Chính nhạc sĩ Lê Hựu Hà, một trong những người bạn của ông, đã cầm bản phổ bài nhạc sang hải ngoại đưa lại tận tay cho vợ của ông. Mời nghe ca sĩ Vũ Khanh hát







“Ta mất người như người đã mất tên” - Tác giả Nguyễn văn Tuấn



Nhân thấy một vài bạn bàn rôm rả về việc dùng chữ “Sài Gòn” cho TPHCM, tôi nhớ đến hai người thi sĩ lừng danh có những sáng tác liên quan đến việc thay tên đổi họ thành phố: Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Đình Toàn. Một người sáng tác câu "Đồng khởi vùng lên mất Tự do", một người sáng tác bài "Sài Gòn niềm nhớ không tên". Cái note này có thể xem như là một bổ sung cho cuộc bàn thảo đó, vì tôi nghĩ có vài thông tin mới đối với một số bạn.

Sau 1975, chúng ta biết rằng Sài Gòn bị đổi tên thành “Thành phố Hồ Chí Minh”. Hình như kiểu đổi tên này là một trào lưu xuất phát hay bắt chước từ Liên Xô, nơi mà những người cộng sản đổi tên thành phố danh tiếng St Petersburg thành Leningrad, và kinh dị hơn là đổi tên thành phố Tsaritsyn thành tên đồ tể Stalingrad. Kể ra thì cũng đáng tiếc, vì cái tên "Sài Gòn" đã ăn sâu vào tiềm thức của người miền Nam, vậy mà đùng một cái nó bị đổi thành tên của ông cụ. Tôi không biết nếu còn sống, ông Hồ có thích như thế không.

Trước sự thay tên đó, dân miền Nam rất bức xúc. Người ta làm vè, làm thơ để mỉa mai, diễu cợt sự ngạo mạn của những ông chủ mới. Một trong những người đó là thi sĩ và cũng là nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, một người di cư từ miền Bắc. Trong tù cải tạo, Nguyễn Đình Toàn sáng tác bài mà sau này được biết đến là “Sài Gòn niềm nhớ không tên”. Bài ca, theo tôi, là thật hay, da diết, và tình cảm. Ca khúc lặp đi lặp lại câu “Sài Gòn ơi” như là một tiếng kêu thảng thốt của những người mất mát và tuyệt vọng. Cái biến cố mất tên được nhấn mạnh đến 3 lần (“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên”) dồn dập, có cảm giác như là quặn đau vì đứt ruột, và kết thúc bằng câu nuối tiếc còn gì đâu.

Ngoài việc đổi tên thành phố, chính quyền mới còn đổi tên đường. Những con đường nổi tiếng ngày xưa đều bị đổi tên bằng những nhân vật du kích hay có công với chính quyền mới. Ngạo mạn nhất là lấy tên của một thiếu niên "Lý Tự Trọng" thay cho tên đường mang tên một vị vua có công mở mang bờ cõi (Gia Long), hay khó hiểu nhất là bà Minh Khai chễm chệ ngồi trên Hồng Thập Tự! Hai con đường nổi tiếng ngày xưa là Công Lý thì bị đổi thành “Nam Kỳ Khởi Nghĩa”, và Tự Do thành “Đồng Khởi”. Hai con đường đó được chính quyền cũ đặt chẳng những rất có ý nghĩa, mà còn đẹp về địa lí tính. Công lý là con đường dài và rộng dẫn đến trung tâm thành phố, hàm ý nói rằng Công Lý là một lí tưởng lớn nhất của miền Nam. 
 
Dĩ nhiên, việc đổi tên này được thực thi một chiều, chứ chẳng thăm dò ý kiến người dân gì cả. Thế là nó trở thành đề tài sáng tác cho các thi sĩ. Một trong những thi sĩ lừng danh của miền Nam ngày xưa là Vũ Hoàng Chương, cũng là dân di cư từ Hà Nội vào năm 1954. Sau 1975, Vũ Hoàng Chương bị đi tù cải tạo (và ông chết năm 1976 sau vài ngày ra tù). Những người bạn tù kể rằng trong tù, tức cảnh trước sự thay đổi tên đường, ông đặt ra câu đối (hay cũng có thể xem là thơ):

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do


Phải công nhận thi sĩ Bắc hà giỏi chữ! Chỉ hai câu đó mà đã tóm lược được sự mất mát ghê gớm nhất của VN: đó là tự do và công lí. Nói như Nhà bình luận văn học Bùi Bảo Trúc, hai câu thơ đó còn mang tính tiên tri.

Cũng cần nói thêm là ngày xưa, chính quyền họ có cách đặt tên đường rất có ý nghĩa lịch sử. Từ ngoài thành đi vào trung tâm thành phố là đi quãng đường mấy ngàn năm lịch sử. Từ miền Tây vào chúng ta sẽ qua Hồng Bàng, An Dương Vương, Hùng Vương, rồi Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, v.v. Nhà Nguyễn là gần trung tâm nhất vì đó là triều đại cận kề nhất. Cuối cùng là hội tụ lại đường Thống Nhứt, đẹp và rộng, dẫn thẳng vào Dinh Độc Lập. Còn ngày nay thì tên đường được đổi mà tôi chẳng thấy ý nghĩa gì cả.

Nhưng cho dù thành phố đã mất tên, hay đường bị đổi họ, trong tâm tưởng của người dân và bạn bè quốc tế thì Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Ngay cả kí hiệu các chuyến bay quốc tế người ta cũng chỉ viết SGN, chứ đâu có viết Ho Chi Minh! Tôi thì theo quán tính, nên chỉ biết đến Sài Gòn thôi, vì viết “Thành phố Hồ Chí Minh” thì nó rườm rà quá. Việc đổi tên thành phố cũng làm cho việc đặt tên các đại học trở nên nan giải. Ví dụ như thay vì Saigon Medical School, người ta phải dài dòng bằng cái tên “… Ho Chi Minh City”, hay thay vì Saigon University of Technology, người ta phải viết dài ra là “Ho Chi Minh City University of Technology”! Bỏ chữ “City” là không được, vì đâu ai dám lấy tên ông ấy để đặt cho một đại học ở miền Nam.

Tôi nghĩ và hi vọng sẽ có ngày các bác Quốc hội trả lại cái tên Sài Gòn cho thành phố số 1 của VN, cũng như Nga đã trả lại St Petersburg vậy. Chỉ sợ lúc đó mấy người Sài Gòn lại không chịu, vì thành phố này đã mất hết cái thanh lịch của Sài Gòn. Mà, đúng là như thế, Sài Gòn ngày nay quá bề bộn, chật chội, và hung bạo, chứ Sài Gòn mà Lý Quang Diệu từng mong ước có được chỉ còn trong tâm tưởng của người xa quê qua những câu hỏi:

Nắng Sài Gòn còn ấm không em ?
Hai hàng cây bóng ngã bên thềm
Nắng ban mai xanh mầu mắt biếc
Gió ban chiều làm tóc em bay

 [...]
Nắng bên nầy buồn lắm em ơi
Một mình ta lê bước trên đời
Nắng nơi đây cũng là nắng ấm
Nhưng ấm sao bằng nắng ấm Quê Hương.

(Trích Một Lần Đi của Nguyệt Ánh)

Sài Gòn niềm nhớ không tên

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Như giòng sông nước quẩn quanh buồn
Như người đi cách mặt xa lòng
Ta hỏi thầm em có nhớ không.


Sài Gòn ơi! Ðến những ngày ôi hè phố xôn xao
Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
Sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
Nay còn gì đâu ...


Ai ra đi nhớ hàng me già
Thu công viên hoa vàng tượng đá
Thôi hết rồi mộng ước xa xôi
Theo dòng đời trôi ...


Sài Gòn ơi! Ðâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
Tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Đâu quầy hoa quán nhạc đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly.


Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu
Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu ...


Ai ra đi nhớ hàng me già
Thu công viên hoa vàng tượng đá
Ta tiếc thời âu yếm xa xưa
Nay còn gì đâu ...


Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Như hàng cây lá đỏ trông tìm
Mặt trời soi dáng nhỏ dịu hiền
Ðang ngậm ngùi trên môi lắng im.


Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Như mộ bia đá lạnh hương nguyền
Như trời xa đã bỏ đất liền
Còn gì đâu.....


ĐẠI HỌA MẤT NƯỚC







Thảm Họa Bắc Thuộc







Cải Cách Ruộng Đất







Tâm sự chú Ba Cho Lon







Độc tấu Tây Ban Cầm bài Hotel California của Eagles







Độc tấu Tây Ban Cầm bài Time To Say Goodbye







Mời mấy chú Công An Mạng nghe: Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trong Trường Ca Hội Trùng Dương của nhạc sỉ Phạm Đình Chương. Có hưỡn thì ra Biển Đông giữ nước, đánh giặc Tàu Cộng. Đừng lẽo đẽo theo lão già dốt nát và quê mùa này, mà "nhát ma" tui hoài. Tội nghiệp lắm, người ơi !







Mời nghe Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trong Trường Ca Con Đường Cái Quan của nhạc sĩ Phạm Duy. Một ngày cuối năm 2015, nhớ VN vô ngần!







Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trong Trường Ca Con Đường Cái Quan của nhạc sĩ Phạm Duy







Joan Baez hát Diamonds and Rust







Tâm Sự Của Chị Em Osin Tại Saudi Arabia







ĐẠO BÁC HÙ







CHUYỆN CON CU







Sự thật sau những bức tượng Hồ Chí Minh ở nước ngoài



Theo VOV5: Ngày 4/7, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại quận Cerro Navia ở thủ đô Santiago, Chile.

Tượng bác-hồ ở Nga


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang có chuyến thăm làm việc tại Chile, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước tình cảm thành kính của lãnh đạo và nhân dân Chile nói chung và của quận Cerro Navia nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định việc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại địa phương này là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai nước…
 

Tôi liền thử tìm hiểu để biết sự thật về cái việc “Chile tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “tình cảm thành kính của lãnh đạo và nhân dân Chile nói chung và của quận Cerro Navia nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam” là như thế nào.

Chẳng cần tìm đâu xa, tôi vào trang web của quận Cerro Navia, thì thấy có bản tin viết về vụ này. Ngay phía dưới tấm hình chụp buổi lễ khánh thành tượng, có hàng chữ: “Embajada de Vietnam donó busto del líder revolucionario instalado en el lugar”, nghĩa là “Bức tượng bán thân của nhà lãnh đạo cách mạng do Đại sứ quán Việt Nam tặng được đặt vào vị trí”.


Ngay trong đoạn đầu tiên của bản tin, điều này cũng được lặp lại rõ ràng. Sau khi ăn trưa tại “Đại sứ quán nước Việt Nam Cộng Hoà” [Tras participar en un almuerzo en la embajada de la República de Vietnam] (than ôi, bản tin của quận này còn ghi sai cả tên quốc gia Việt Nam hiện nay nữa!!!), thì ông Luis Plaza Sánchez, quận trưởng của quận Cerro Navia, cùng với một nhóm người Việt Nam đến nơi khai mạc lễ đặt bức tượng “đã được tặng bởi đại diện ngoại giao của nước Á châu ở Chile” [“el cual fue donado por la representación diplomática del país asiático en Chile”]. “Đại diện ngoại giao của nước Á châu ở Chile” tức là Đại sứ quán nước Việt Nam Cộng Hoà [la República de Vietnam] ở Chile đấy! Trời hỡi!

A ha, thì ra bức tượng bán thân này không phải do “lãnh đạo và nhân dân Chile nói chung và của quận Cerro Navia nói riêng” tự ý nặn ra vì “tình cảm thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam”, mà lại do chính do Đại sứ quán Việt Nam vác đến… tang.

Đại diện ngoại giao của Việt Nam vác tượng đến cái quận này để tặng, thì ông quận trưởng nhận, và đặt nó vào vị trí thích hợp theo nghi thức ngoại giao, chứ không lẽ đem vứt vô sọt rác hay sao?

Cái việc ông quận trưởng Luis Plaza Sánchez nhận bức tượng do Đại sứ quán nước ngoài tặng, rồi ông đặt nó vào vị trí thích nghi theo phép ngoại giao, là một việc rất bình thường. Chẳng những bình thường, mà trong trường hợp này thì lại còn quá đơn giản và tầm thường, vì trong nghi thức đặt tượng ấy đã không có bất cứ một vị đại diện nào ở cấp quốc gia của Chile đến dự.

Vậy thì lý do gì mà Đài Tiếng Nói Việt Nam lại thổi phồng việc đó thành “Chile tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” và đó là “tình cảm thành kính của lãnh đạo và nhân dân Chile nói chung và của quận Cerro Navia nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam”? Ấy là chưa kể đến việc bản tin của quận Cerro Navia đã ghi sai tên nước Việt Nam hiện này thành nước Việt Nam Cộng Hoà [la República de Vietnam], chứng tỏ họ chẳng biết quái gì về cái nước đã gửi đại diện ngoại giao lò mò đến quận của họ để tặng bức tượng!

Nhưng vì sao Bộ Ngoại giao CHXHCNVN lại chọn cái quận Cerro Navia ấy để tặng tượng Hồ Chí Minh? Có lẽ vì cái quận Cerro Navia ấy là cái quận quan trọng nhất của nước Chile chăng?

Không. Cái quận Cerro Navia lại là một trong những quận “ổ chuột”nghèo đói thảm hại nhất ở Chile.

Theo bản nghiên cứu “Una experiencia en localidades de extrema pobreza urbana, Cerro Navia (Chile)” [“Một kinh nghiệm trong những địa phương ngoại ô cực kỳ nghèo đói, Cerro Navia (Chile)”] trang 55-82 trong cuốn La construcción del desarrollo local en América Latina: Análisis de experiencias [Xây dựng kế hoạch phát triển địa phương ở Latin America: Phân tích những kinh nghiệm] của Programa Alianzas Estratégicas para el Desarrollo Local en América Latina [Chương Trình Liên đới Chiến lược Phát Triển Địa phương ở Latin America], thì quận Cerro Navia (có diện tích 11.1km2, và dân số 148,312 người) là quận nghèo nhất ở Chile, với số người thất nghiệp cao nhất ở Chile, số người mù chữ cao nhất ở Chile, và trung bình mỗi người dân ở đó chỉ học hết lớp 8. Nhà cửa ở đó thì vô cùng chật chội và tồi tàn, với 49.7% tổng số nhà không có bình đun nước nóng, 63.8% không có máy giặt, và 89.2% không có xe để di chuyển, vân vân…

Thì ra, có lẽ Bộ Ngoại giao CHXHCNVN đã chọn cái quận Cerro Navia ấy để tặng tượng Hồ Chí Minh vì nghĩ rằng dân ở đó nghèo đói, dốt nát, không biết gì về Việt Nam (thậm chí không biết cả tên nước Việt Nam hiện nay là gì), nên sẽ không có ai chống đối hay từ chối nhận tượng Hồ Chí Minh. Vinh dự thay!

Lò mò vác tượng Hồ Chí Minh đến tặng cho một cái quận nghèo đói, dốt nát nhất ở Chile, rồi sử dụng báo chí và truyền hình ở Việt Nam để rêu rao rằng “Chile tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” và đó là “tình cảm thành kính của lãnh đạo và nhân dân Chile nói chung và của quận Cerro Navia nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam”, thì lại quá sức là giỏi!

Rủi thay, đó là cái giỏi của một chế độ lưu manh.

Giỏi lừa bịp nhân dân!



 

Khí Phách NGUYỄN MAI TRUNG TUẤN









Mời xem phim mới nhất James Bond 007 SPECTRE (Coi lẹ lên, VC sẽ giựt sập màn!)



http://9movies.to/film/spectre.29m0/6lmnz/

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

NÓI VỚI BẠN BÈ - thơ Đỗ Duy Ngọc





Rồi chúng ta cũng sẽ về với đất
Tranh giành chi chuyện tốt xấu hơn thua
Hồn lưu lạc thịt xương rồi sẽ mất
Nhựa còn đâu khi lá đã sang mùa
 
Rồi có lúc chúng ta cùng ngồi lại
Nhìn rõ nhau để nhớ buổi thiếu thời
Hãy làm sao ánh nhìn không e ngại
Cầm tay nhau và lòng rất thảnh thơi
 
Rồi có lúc chúng ta buồn vái lạy
Đốt nhang trầm khóc bạn hữu ra đi
Rơi nước mắt lúc xe tang sắp chạy
Sao giờ đây đối xử chẳng ra gì
 
Rồi có lúc ta trở về cát bụi
Nắm tro tàn cô lẻ giữa trần gian
Sao lại vẫn hao tâm ngồi cặm cụi
Viết những lời khiến bằng hữu tan hoang
 
Rồi tất cả chỉ vòng quay trống rỗng
Đến rồi đi quy luật của muôn đời
Sao không đến bằng đôi lời thơ mộng
Để cuối đời không tiếc cuộc rong chơi
 



Quan chức Tây, quan chức Ta - Tác giả Nguyễn văn Tuấn



Phải nói là câu chuyện ông chủ tịch tỉnh An Giang "kênh kiệu" làm tôi suy nghĩ hoài. Thái độ của ông (và của nhiều quan chức khác ở VN) khác quá xa so với thái độ và ứng xử của giới chính khách phương Tây. Chiều nay đọc được câu chuyện Tổng thống Obama bị chửi trên Twitter, chuyện ông thủ tướng Phần Lan phải ngồi trong toilet máy bay, tôi lại liên tưởng đến hành xử của ông chủ tịch tỉnh An Giang và các quan chức VN nói chung.

Báo Washington Post hôm tháng 3 có một bài tường thuật về những chỉ trích ông trên mạng xã hội Twitter rất thú vị và ... vui. Xuất hiện trên một chương trình tivi, ông Obama đọc những tin nhắn phê phán ông. Có một người nickname là RWSurferGirl nhắn ông với câu hỏi: "Có cách nào chúng ta chở ông Obama bằng máy bay đến một sân golf ở nửa vòng thế giới, và cứ bỏ mặc ông ta ở đó" (Is there any way we could fly Obama to some golf course halfway around the world and just leave him there?) Ông Obama không hề nóng giận, mà còn hào hứng trả lời rằng: "Đó là một ý tưởng hay".

Một người khác lấy tên Carol tweet tin nhắn với hàm ý chỉ trích: Dạo này, tóc ông Obama ngày càng bạc đi. Tôi không nghĩ ra lí do tại sao, bởi vì ông ấy có vẻ chẳng quan tâm đến những gì đang xảy ra (“Obama’s hair is looking grayer this days. I can’t imagine why since he doesn’t seem to be one bit worried about all that is going on.") Không thấy nói ông Obama trả lời cái tin nhắn này.

Dĩ nhiên, ông Obama chẳng ra lệnh hay chỉ thị cho cảnh sát phạt ai. Ngược lại, ông còn rất vui vẻ đọc các tin nhắn chỉ trích, thậm chỉ hàm ý chửi rủa, trên đài truyền hình trước hàng chục triệu khán giả. Chẳng những thế, ông còn tỏ ra vui vẻ và thêm vài câu bình luận hóm hỉnh.

Một trong những chuyện ở Úc mà tôi rất thích là chuyện ông cựu thủ tướng John Howard. Ông Howard là người ủng hộ Tổng thống Mĩ George Bush trong cuộc chiến chống khủng bố, nên ông Bush chỉ cần một cú điện thoại là Howard gửi tàu chiến đi yểm trợ Mĩ ngay mà chưa thông qua Quốc hội. Thế là giới báo chí và dân chúng bực mình. Báo Sydney Morning Herald có in một hí hoạ của hoạ sĩ Moir vẽ ông Howard là một con chó xù, còn Bush là cao bồi ngồi trên ngựa, cầm dây kéo con chó xù. Phải nói là bức hí hoạ rất xúc phạm. Sau này, có kí giả hỏi ông Howard nghĩ gì về bức hoạ đó, ông thản nhiên nói đại khái là: Tôi không thích, nhưng việc của anh ấy [chỉ hoạ sĩ] làm thì anh ấy làm, còn tôi tin vào những gì tôi làm là đúng.

Chẳng những hí hoạ như thế, mà giới chống chiến tranh còn cho nặn hình Howard như là con chó, và ông Bush cầm dây kéo con chó theo sau. Hình còn có biểu ngữ "Howard = Bù nhìn của Mĩ". Cũng như bên Mĩ, ông Howard chẳng làm gì mấy người phản đối ông ta. Thật ra, tôi không rõ ông có thì giờ xem mấy hình này không nữa, vì làm thủ tướng ở cái xứ "giãy chết" này là rất rất bận rộn. Cho dù có xem thì tôi nghĩ ông Howard cũng chỉ cười, chứ chẳng bao giờ để tâm, hay huy động cảnh sát đến phạt người sáng tác cái tượng hình.




Hôm qua, tôi đọc được một bản tin cũng rất hay về hành xử của ông thủ tướng Phần Lan. Số là ông Thủ tướng Juha Sipilä và phu nhân do bận rộn công việc nên họ lỡ chuyến bay từ Helsinki đến Oulu. Cuối cùng thì hai vợ chồng cũng đi được một chuyến bay khác, nhưng chuyến bay chỉ còn 1 chỗ trống. Thế là ông thủ tướng nhường cho bà vợ ngồi, còn ông thì ngồi trong ... cầu tiêu. Ông ngồi trong đó suốt chuyến bay 1 giờ đồng hồ!

Câu chuyện ngài thủ tướng Phần Lan giàu có phải ngồi trong toilet làm tôi nhớ đến chuyện của ông Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ bị Vietnam Airlines cho ngồi ghế hạng phổ thông. Chuyện xảy ra vào giữa năm 2008, lúc đó ông Võ Văn Kiệt qua đời. Lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ là Karel De Gucht và các quan chức khác đang thăm chính thức VN, và ông có một chuyến đi từ Hà Nội vào Sài Gòn, với vé đã mua trước, và dĩ nhiên là hạng thương gia. Nhưng khổ nỗi hôm đó cũng là ngày các uỷ viên trung ương đảng bay vào Sài Gòn dự đám tang ông Kiệt, và họ chiếm hết hàng ghế hạng thương gia. Thế là Vietnam Airlines "tống cổ" vị quốc khách của VN, xuống ngồi ghế hạng phổ thông.

Điều đáng nói là ông Bộ trưởng Bỉ chẳng phản ứng gì. Đến khi về Bỉ thì chẳng hiểu sao báo chí biết được câu chuyện là làm ồn ào. Báo chí trích lời của đoàn doanh nhân Bỉ bay cùng chuyến rằng "Việt Nam đã có nền kinh tế tự do hóa nhanh, nhưng đây vẫn là một chế độ cộng sản." Vài ý kiến khác thì chỉ ra rằng chuyện này chỉ có thể xảy ra trong các chế độ độc tài, toàn trị.

Việt Nam không phải là chế độ độc tài, nhưng là toàn trị. Trong xã hội toàn trị đó, hệ thống tuyên truyền đã rất thành công dựng nên những hình ảnh lãnh đạo như là những thần tượng bất khả xâm phạm. Từ đó, họ trở nên xa lánh dân chúng là điều dễ hiểu. Chỉ cần đi ra sân bay, đứng xếp hàng chờ làm thủ tục bay, chúng ta sẽ dễ dàng thấy những quan chức này, họ thường xách cặp táp có cái tag "VIP", và thường ngang nhiên vượt qua những người đang đứng xếp hàng để yêu cầu nhân viên làm thủ tục cho họ trước. Họ quen với phong cách "ăn trên ngồi chốc" đó, đến nỗi chiếm chỗ của quốc khách! Họ cũng quá quen được tâng bốc và người khác khúm núm trước mặt. Do đó, khi thấy có ai đó nói không hay về mình là họ rất khó chịu, thậm chí oán hận. Về mặt tâm lí thì phản ứng của họ cũng dễ hiểu. Nhưng thái độ của họ, mà tiêu biểu là ông chủ tịch An Giang, chỉ chứng tỏ rằng họ thiếu tự tin và thiếu bản lĩnh để đối phó với chỉ trích. Họ chưa trưởng thành.


BỎ MÔN LỊCH SỬ, NƯỚC VIỆT SẼ THÀNH VONG QUỐC- Thơ của Trần Mạnh Hảo



Lời đề từ : Dù ông Hồ Chí Minh – người theo chủ nghĩa quốc tế - phủ nhận chủ nghĩa quốc gia, vẫn còn phải nói : “Dân ta phải biết sử ta”. Ai là người cho treo rợp trời cờ sáu sao khi đón vua gặc Tập Cận Bình đến Việt Nam ( cờ Trung Quốc 5 sao : Hán to, bốn sao nhỏ : Mông Tạng Hồi Mãn, nay chúng cộng vào một sao Việt nhỏ thành cờ sáu sao), kẻ đó đã ra lệnh xóa lịch sử dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử 4000 năm chống xâm lược Trung Quốc.


Khi nước nhà bỏ dạy môn sử Việt
 Có lẽ chẳng còn lâu
 Mã Viện sẽ được gọi là anh hùng tộc Việt
 Hai Bà Trưng sẽ thành loạn tặc
 Bỏ môn sử rồi nước Việt chẳng còn đâu
 Truyền hình Việt Nam đang Hán hóa phim Tầu
 Và tiếng Tầu nhà trường sắp phổ cập


 Nước Việt đau
 Nước Việt sập

Tổ Quốc sắp đi đời !

Đường Lê Lợi sẽ bị đổi tên Minh Thành tổ
 Kẻ diệt nhà Hồ sát nhập Việt vào Tầu, đốt sử Việt ơi
 May còn Lê Lợi và Nguyễn Trãi
 Cứu nước mình sử Việt lại lên ngôi
 Người Việt sẽ chẳng còn ai nhớ nòi nhớ giống
 Con cháu vua Lê nay thay giặc Minh sắp đốt sử rồi
 Đường Quang Trung sẽ đổi đường Sầm Nghi Đống
 Đường Nguyễn Trãi thay bằng đường Vương Thông
 

Những hồn xưa đêm đêm kéo về khóc rống :
 - Sao chúng mày dám bán máu cha ông ?

 
 

TÔI RẤT SỢ , RỒI SẼ MỘT NGÀY - Tác giả LHD (Một thầy giáo dậy Văn yêu nước)



Tôi rất sợ
 
rồi sẽ một ngày
 
hình Mao Trạch Đông rất to
 
đóng khung thật đẹp
 
treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà
 
 
 
Những lá cờ
 
nền đỏ, 5 ngôi sao vàng
 
một lớn, bốn nhỏ
 
Chập chùng tung bay khắp phố
 
 
 
Những con đường
 
Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trưng Vương
 
gợi những trang sử hào hùng, bất khuất
 
thay bằng những cái tên Tàu lạ hoắc.
 
 
 
Tôi rất sợ
 
rồi sẽ một ngày
 
cầm trong tay tấm Chứng Minh Nhân Dân
 
tên của mình được phiên âm
 
đọc lên như người nói ngọng
 
 
 
Những đứa trẻ Việt Nam đến trường
 
xì xồ tiếng Quảng Đông, Quan Thoại
 
đọc Ngũ Kinh, Tứ Thư
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du
 
vứt vào sọt rác
 
 
 
Và tôi cũng rất sợ
 
rồi sẽ một ngày
 
trên bản đồ thế giới
 
mảnh đất hình chữ S
 
với cái tên Việt Nam thân thiết
 
thành Khu Tự Trị Ngoại Biên
 
không còn nằm trong Liên Hiệp Quốc
 
vì đã mất tư cách thành viên
 
 
 
Tuổi trẻ Việt Nam
 
trong cơn tủi nhục, hận thù, cuồng nộ
 
sẽ đào mồ cuốc mả Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng
 
phanh thây Đỗ Mười
 
bằm nát thi thể Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng
 
đổ vào hố xí
 
 
 
Nhưng có làm được việc ấy cũng quá trễ
 
không thể lật ngược thế cờ
 
dân tộc Việt Nam vĩnh viễn mất tự do
 
vĩnh viễn làm nô lệ
 
 
 
Hỡi tất cả 90 triệu người Việt Nam!
 
Hỡi toàn thể cộng đồng người Việt hải ngoại!
 
không còn là chuyện viển vông
 
cái ngày đáng sợ ấy
 
đang sờ sờ trước mắt
 
bằng Hội Nghị Thành Đô
 
Đảng Cộng Sản đã cam tâm bán nước
 
 
 
Ngay bây giờ
 
Chúng ta hãy noi gương người Miến Điện 
 
cùng cất tiếng nói 
 
đồng loạt đứng lên
 
đất nước đang thậm chí nguy nan
 
nếu cứ “lửng lơ con cá vàng”
 
cái ngày đáng sợ ấy … sẽ đến.
 
 
 

Lý do ở tù - Tác giả Ga Làng






Vừa mang túi xách bước vô nhà chú Ba Xe Ôm, Ga tui đã nghe tiếng ông thảng thốt:

- Trời ơi, thằng Ga Làng! Mày còn sống hả? Mày ở đâu mà biệt tăm cả hai ba năm nay, làm tao đứng ngồi không yên, nghĩ chắc mày bỏ mạng chốn nào rồi. Mày làm tao mừng quá Ga ơi.

Chú Ba làm Ga tui vừa cảm động, vừa mắc cỡ. Cả năm nay tui đâu liên lạc được với chú. 
 
- Từ từ chú, chuyện dài lắm. Bữa nay chú hổng chạy xe hén? Thôi làm chai bia đi chú, nhà còn đủ gạo chiều nay hông?

- Cả két cũng được chứ sá gì một chai mày. Chuyện mai mốt còn gạo tính sau. Mày còn sống và về đây mới là chuyện lớn, còn chuyện gì quan trọng hơn vậy nữa. Mà mày ở đâu vậy. Sao mà râu ria, ốm nhách vậy? Ðừng nói tao mày bị nhốt nghen - Chú Ba ào ào, không giấu sự vui mừng.

- Dạ! Thì chú mới nói đó. Bị bắt chớ ở đâu mà biệt dạng. Chú biết là có mần gì thì cũng dăm ba bữa là ghé chú để nghe bàn thế sự và có đi đâu cũng báo tin cho chú biết chớ. Tự bị xộ khám rồi biệt giam nên đâu có liên lạc được ai.

Chú Ba đập bàn, trợn mắt:

- Bộ công an hốt mày hả? Tao biết tụi nó canh mày vì mấy bài báo cũng đã lâu nhưng cũng đâu có gì để làm cớ bắt mày. Thiệt! Cái đám ác ôn. Ðầu đuôi sao kể cho tao nghe coi.

Cái tính chú vẫn bộc trực một cách... dễ mến như vậy. Kể cũng lạ, con người trí giả,  điềm tĩnh mà nghe chuyện xấu, chuyện bất công là nổi máu Lục Vân Tiên. Hổng e dè, kiêng nể đám ác ôn nào cả. Nhấp ngụm bia cả năm trời nay không được uống, Ga tui tưởng như uống xá xị. Ngọt và đã làm sao.

- Dạ! Con bị bắt vì tội... tấn công người thi hành công vụ, hành hung công an.

- Cái gì? Mày ốm nhách như con mắm vậy mà tấn công, mà đánh lại cái đám ác ôn đó làm sao nổi mà kêu là “tấn công với hành hung” người thi hành công vụ?

- Thì đó, họ đến đưa giấy tờ, bắt ký và về đồn công an làm việc. Cháu nghĩ mình không làm gì trái pháp luật nên hổng ký, hổng chịu đi. Vậy là ba bốn thằng như trâu nhào vô đánh đấm cháu túi bụi...

- Rồi mày đánh lại chúng hả...? - Chú Ba chồm người tới.

- Không! Ðánh sao lại tụi nó mà đánh chú? Có một thằng đánh cháu hăng quá nên vung tay mạnh ra sau, trúng ngay mặt... thằng sếp nó đang đứng phía sau, làm lỗ mũi thằng sếp nó cũng bị ăn trầu luôn.   Vậy là tụi nó ghép tội cháu hành hung người thi hành công vụ, làm công an chảy máu mũi nên còng tay luôn.

- Cái gì? Mụ nội nó. Nó đánh mày nhưng trúng sếp mà vu oan cho mày vậy hả? Cái tụi này ngày càng bất nhơn, quá quắt. Thiệt là hết chỗ nói. Mà nó có nói lý do đưa mày về đồn công an làm gì hông?

- Tội trốn thuế. Bởi vô lý vậy cháu mới phản đối, hổng đi.

Chú Ba có vẻ như hết còn giữ bình tĩnh, hỏi dồn dập:

- Trốn thuế? Thuế gì mà trốn? Mày có làm ăn, buôn bán gì mà trốn thuế? Mày là thằng Trần Minh khố rách, viết báo ba cọc ba đồng, hổng đủ tiền ăn mà tiền đâu ra mà ghép tội trốn thuế?

Ga tui gật đầu, đưa tay kéo chú Ba ngồi xuống rồi cầm ly bia đưa cho ông già đang giận:

- Chú uống cái đi. Xứ mình giờ là vậy, ai chẳng biết. Ðám công an này nói xuôi, nói ngược, hàm hồ vu khống cho người nào trong sổ bìa đen của chúng hồi giờ vậy mà chú. Họ biểu cháu làm ít tiền, hổng có tiền đóng thuế, như vậy là trốn thuế, trốn tránh nghĩa vụ công dân của mình nên kêu lên đồn làm việc. Rồi đến chuyện hành hung chảy máu mũi công an như cháu kể, vậy là nằm khám cả hơn năm nay... Á! Chú Ba! Chú Ba. Chú sao vậy? Bình tĩnh chú Ba, coi chừng tụi nó đến kiếm chú về tội trốn thuế bây giờ...

Chú Ba cầm ly bia như muốn đập xuống đất, bỗng dừng tay, lắc đầu thở dài:

- Thiệt là khổ cho dân ta. Khổ cho những người khí tiết, can đảm dám lên tiếng trước bất công.



Cà Phê Cà Pháo - Tác giả Phạm Thành Châu



Một buổi sáng nào đó, mấy ông bạn gọi nhau đi uống cà phê. Tiệm cà phê có mấy cái bàn đặt ngoài hiên, trên lề đường, kiểu cà phê vỉa hè ở Việt Nam hay cà phê Starbucks ở Mỹ thì càng quý. Ngồi đó cả ngày cũng chẳng ai đuổi mà chuyện trò cũng thoải mái. Ở Âu Mỹ mình nói tiếng Việt. Thỉnh thoảng cười với nhau thì họ biết ngay là mình đang nói chuyện vui. Không bao giờ tôi thấy người Âu Mỹ uống cà phê mà cười. Chuyện họ nói thường là thời tiết, thời sự. Họ không biết cái thú trò chuyện bên ly cà phê của người Việt mình. Họ thường ngồi một mình đọc báo, đọc sách. Nhiều ông cũng làm như ta đã là dân Tây, mũi hết tẹt, da hết vàng, cũng cầm quyển sách ngồi chăm chú đọc, ra vẻ “ta đây” trí thức (trừ những ông nghiên cứu thực). Lớn tuổi, đọc sách, báo (không phải nghiên cứu) phải nằm ườn trên giường hoặc trên ghế xa lông, trên võng…, dang tay, dang chân… rồi ngủ quên. Hạnh phúc vô cùng! Ra tiệm ngồi uống cà phê một mình là có tâm sự nào đó. Ngồi gặm nhấm nỗi buồn, có khi thở dài hoặc chết lặng, không biết làm sao cho hết buồn? Cũng có ông, thích ngồi một mình, chả suy tư, ngẫm nghĩ gì. Ở Sài Gòn, đầu hẻm thường có quán cà phê, nhiều ông, bà ra gọi một ly, ngồi “chò hỏ” (hai chân trên ghế, bó gối), chẳng nói năng, nhìn ra đường, thỉnh thoảng, đổ cà phê ra dĩa, bưng húp (cho bớt nóng). Bây giờ ở Việt Nam, uống cà phê vỉa hè mà nhìn thiên hạ chạy xe ngoài đường, đông như kiến, khói mù trời, còi bóp inh ỏi… một lát là chóng mặt. Trước 1975, thời còn sinh viên, sáng Chủ Nhật ra Thanh Bạch (Sài Gòn) tôi với vài người bạn kêu bò kho bánh mì, uống ly sữa tươi. Tuổi đó, tụi tôi không biết uống cà phê, hút thuốc, chỉ sau nầy, đi làm mới sinh tật thuốc lá, cà phê cho ra vẻ người lớn, phong trần.

Rủ nhau đi uống cà phê, càng đông càng vui. Bước chân ra cửa là đã vui rồi. Háo hức như thời trẻ, đi gặp người yêu. Trẻ có bạn. Lớn có gia đình, vợ con. Già… lại có bạn. Ông nào không có bạn cà phê tại vì mình bẩn tính, thích chê bai, trách móc người nầy người kia, hoặc tự khoe khoang, mình đã làm việc nầy việc nọ. Tệ nhất là giành nói, không chịu lắng nghe người khác. Vị nào được mời đi uống cà phê vài lần rồi bạn bè làm lơ vì mình thô lỗ, ăn nói cục cằn. Họ đáng được mời đi nhậu để có dịp gây lộn, đánh chửi nhau. Mấy ông già, cứ thui thủi trong nhà suốt ngày, con cái đã lớn, đã như chim rời tổ, chỉ còn lại mụ dzợ già, thấy hoài phát ngán, lại thêm tính lẩm cẩm, lầu bầu suốt ngày, nhăn như khỉ ăn ớt.…Chỉ gặp bạn là vui, càng “nói bậy” càng vui. Mấy bà cũng rứa, nhưng phải thật thân, mới dám nói chuyện bậy bạ mỗi khi tụ tập ăn uống riêng với nhau, đối đáp trên điện thoại hoặc đi chung xe (không có đàn ông) với nhau. Các ông thì thân, sơ gì cũng xổ “tiếu lâm”. Uống cà phê thì không nên nói chính trị, không nói đến chuyên môn, nghề nghiệp. (Xong buổi cà phê, tan hàng, bàn chuyện làm ăn sau. Lúc đó thì nước trà hoặc bia rượu, nước ngọt gì cũng được, đó không phải là “Hội Cà Phê”. Ông chủ ga-ra không nói chuyện sửa xe. Các ông văn, thi sĩ không nói chuyện văn chương. Họa sĩ không nói chuyện tranh. Nhà báo không nói chuyện báo chí.… Họ tối kỵ đem những chuyện đó vào bàn cà phê. Bình luận văn thơ hoặc “mặc áo thụng vái nhau” trên bàn cà phê chỉ làm người khác mất vui. Bạn cà phê thường nói chuyện tào lao để tâm trí thoải mái, vui vẻ với nhau. “Trà Ðạo” quy định những kiểu cọ quá rắc rối. Bưng chung trà đưa lên mồm cũng bày đặt nầy nọ. Trà Ðạo chỉ cốt đánh lừa, dụ dỗ những ông bà ảo tưởng là mình quý phái. Người Nhật, gì cũng đạo, giết người cũng là đạo. “Kiếm đạo, Nhu đạo, Không thủ đạo”.…TràÐạo là để đọc cho vui thôi chứ chả ai theo, trong khi dân cà phê, chỉ vài ba người, tâm đầu ý hợp, đã thành “Hội Cà Phê”. Uống cà phê với nhau phải vui, không nghiêm trang, long trọng như “Trà Ðạo”. Thông thường, câu chuyện mở màn, (trong khi chờ cà phê đem ra) là tự chế giễu mình, người khác thêm thắt vào cho thêm rôm rả. Mấy ông lớn tuổi thích “khoe” bịnh của mình một cách bình thản. Bịnh nầy, bịnh kia. Coi như chuyện đương nhiên. Chẳng ông nào sợ chết. Với tuổi già, họ bất lực, không hy vọng thoát khỏi tay tử thần nên chả thèm nghĩ đến. Sống lâu thêm chật đất. Càng già càng lú lẫn, càng yếu đuối, lại thêm bịnh tật, chỉ làm khổ người khác.…Ai cũng cầu mong được ngủ một giấc và không thức dậy “Tu mười kiếp mới được như vậy”. Dĩ nhiên có bịnh thì chữa, như ra trận phải cẩn thận trước kẻ thù. Giỡn mặt tử thần đâu có được!

Ra tiệm cà phê với bạn, đôi khi còn thú vị hơn trước kia hẹn hò với người tình. Khi tan hàng (cà phê) tâm trí sảng khoái, yêu đời, yêu người, yêu chung quanh. Gặp ai cũng sẵn nụ cười chào hỏi. Ðáng tiếc là quý bà, ít người biết được cái thú nầy. Tôi nói chung chung về chuyện uống cà phê với mấy ông bạn già chúng tôi chứ mấy cậu sồn sồn ở Mỹ đến tiệm cà phê là để xem football, cá độ và để ngắm các em bưng cà phê. Ở Cali., nhiều tiệm cà phê có các em “áo hai dây, quần một ống” được quảng cáo trên internet, khách đến chật tiệm, đa số là thanh niên chứ mấy ông già, chân tay rũ liệt, đến đấy làm gì. Ðôi khi muốn giải trí, các cậu đến mấy tiệm “vũ xét xi” xem mấy em “không mảnh vải che thân!” nhảy múa. Nhớ cách nay vài chục năm, khi chúng tôi (còn ở tuổi trung niên) mới qua Mỹ, tiểu bang Virginia, có nhà thơ Hoàng Trùng Dương (qua trước) đưa năm bảy người chúng tôi đi xem “vũ xét xi” trên Washington DC. Chúng tôi ngồi một bàn, mỗi người một chai bia, trước mặt là dãy sân khấu có năm cây cột kim loại sáng bóng. Mỗi em một cây cột. Thật tội nghiệp! Chẳng em nào có áo quần. Các em cứ ôm cây cột mà trèo lên tụt xuống, đánh đu, vặn vẹo, uốn éo quanh cây cột trông rất vui và tức cười chứ chẳng thấy kích thích, ham muốn gì. Ông bạn nhà thơ đưa cho mỗi đứa mấy tờ đô la (chúng tôi mới qua Mỹ, chẳng có xu nào) rồi ông ta làm trước, chúng tôi lần lượt làm theo (mấy khán giả khác cũng làm như vậy), nghĩa là cầm tờ đô la trên hai tay, để trước ngực, đến đứng sát mép sân khấu. Em vũ nữ cười tình rất dễ thương, uốn éo đến gần, thò tay lấy tờ bạc rồi hếch chân lên trước mặt người đó một cái. Chỉ tích tắc thôi. Vậy là xong. Phải về chỗ ngồi cho người khác lên “nạp tiền”. Luật “Cấm sờ vào hiện vật” được áp dụng nghiêm ngặt. Ông nào lạng quạng sẽ bị một tên cô hồn, to như con dã nhân, nắm cổ vất ra đường. Không chỉ các ông đi xem mà các cô, các bà cũng đến uống bia ngắm người đẹp nhảy múa. Các cô quá đẹp! Cao cỡ thước bảy, chân dài, ngực đùi sạch sẽ, thanh cao, nhất là gương mặt, đẹp một cách trong sáng, thánh thiện như thiên thần. Nghe nói (trừ những cô chuyên nghiệp) những cô đó là sinh viên làm thêm để kiếm tiền chi dụng. Xem “vũ xét xi”, đúng nghĩa là ngắm thân thể cô vũ nữ, xem cô múa và tìm thấy niềm vui, chứ chẳng ai có một chút ý nghĩ dung tục nào. Các cô mới đúng là thần vệ nữ. Quý bà chỉ khoe áo quần chứ làm gì có thân hình đẹp như vậy cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Tôi thấy, cuối dãy, có sân khấu riêng cho các cô Ả Rập nhảy múa cho các ông Ả Rập xem. Ai nấy râu ria tùm lum!   
    
Trước 1975, ở Sài Gòn, cũng có “vũ xét xi”, nổi tiếng nhất là cô Xuân Trang, con gái nữ kịch sĩ Xuân Dung. Cũng trống kèn ầm ĩ, cũng uốn éo, quằn quại, nhưng trên, dưới đều có “lá chắn chống phi đạn liên lục địa”, phòng thủ tươm tất. Chả ra làm sao! Thà đi biển, ngồi ghế dựa, ngắm mấy em tắm biển còn thoải mái hơn!

Trở lại chuyện cà phê của mấy ông già tụi tôi ở tiểu bang Virginia, miền đông bắc Hoa Kỳ. Buổi sáng, bọn già gọi nhau “Cà phê hè!” cũng có nghĩa là đi điểm tâm, đôi khi về nhà khỏi ăn trưa, vì các tiệm cà phê, tiệm ăn ở Virginia, gần 11 giờ mới mở cửa. Vả lại, mấy ông già thường thức khuya, dậy trễ, hẹn giờ đó cho thong thả. Nếu ở Cali. Có cà phê Factory là nơi hẹn hò thì ở Virginia có tiệm phở Xe Lửa của ông chủ Toàn Bò trong chợ Eden. Hẹn nhau đến đấy thì có ngồi từ sáng đến chiều vẫn cứ thoải mái, ông chủ Toàn Bò vẫn nhe răng cười, dù khách có đông đến bao nhiêu “Xin quý vị chờ cho chút” chứ không nhăn nhó, ý muốn đuổi mấy vị “ngồi đồng” choán chỗ như những tiệm ăn khác. Ông Toàn Bò có sáng kiến, kê hai cái bàn sát nhau để bạn bè ngồi dễ chuyện trò. Thời đó (cách nay hơn chục năm) bọn chúng tôi (chưa già lắm) họp mặt ở đó trên vài chục mạng. Phần đông làm báo, làm văn, làm thơ, làm họa sĩ và… làm thinh (không làm gì cả). Tụ tập ăn uống, cà phê cà pháo, tán láo, cười đùa chán chê, đến trưa mới giải tán. Vài ông móc “tờ sớ” ghi sẵn lời vợ dặn, đi chợ mua những món gì, ở đâu, giá bao nhiêu? Ðem về bỏ tủ lạnh hay để trên bàn? Phải tuân hành tỉ mỉ như thế để khỏi bị vợ rầy! Nhiều ông nán lại thách đấu cờ tướng. Hai ông đấu nhau, các ông khác làm khán giả và làm thầy dùi, chỉ chọt, ý kiến ý cò, la hét cười nói, xỏ xiên om sòm. “Thua ra!” Ai thua thì đứng dậy, nhường chỗ cho người khác. Ông Cò Ly, trình độ cờ tướng cỡ “vịt chặt chân” (đánh thấp như vịt bị chặt chân) mà gặp ai cũng thách đấu. Ði được một nước đắc ý thì huênh hoang, khoe với khán giả là sẽ cho đối phương chết. Nhưng đến các nước cờ sau đó thì ông thừ người, chẳng biết chống đỡ cách nào để rồi bị chiếu bí. “Thua thì sắp ván khác. Sợ gì!” Ông Cò Ly có sạp báo trước tiệm phở, ham đánh cờ đến nỗi quên người mua báo đang đứng chờ ngoài kia. Ông chủ tiệm sửa xe Minh Auto có thể ngồi đánh cờ tướng từ sáng đến chiều. Ăn thua gì cũng cười. “Chơi cho vui!”.

Những chuyện tôi kể vừa rồi là thời vàng son của chúng tôi cách nay hơn chục năm. Càng về sau, càng vắng dần. Ông nào cũng trên bảy mươi, tám mươi, bịnh tật cả lô trong người. Chân yếu tay mềm, chán nản, chẳng muốn đi đâu. “Quân số” hao hụt mà không được bổ sung! Cứ lặng lẽ vơi đi. Năm nầy qua năm nọ. Ðến nỗi, ông chủ Toàn Bò chỉ để một bàn cho bạn bè, nhưng cũng lưa thưa. Mấy ông lão tóc bạc gặp nhau, chào nhau, kể bịnh tật mình mà cười như mếu. Thỉnh thoảng, ông Toàn Bò thông báo “Ông X. mất rồi. Ðêm hôm qua. Quý vị đóng mỗi người mười lăm đô để đăng báo phân ưu. Ghi tên vào tờ giấy nầy. Vị nào muốn đến viếng người quá cố thì đến nhà quàn B. số… đường...…Từ giờ H. đến giờ G. ngày…tháng…năm”. Rồi thì cái danh sách người chia buồn cũng vơi đi. Người chia buồn được lần lượt đôn lên thành người quá cố, cho nên chẳng còn ai để ông thông báo, đòi đóng tiền đăng báo phân ưu. Không phải mọi người đều được “Thành kính phân ưu. Vô cùng thương tiếc” Họ còn sống nhưng nằm nhà, chỉ thích quanh quẩn trước sân, sau vườn. Mắt kém. Lái xe chậm chạp. Có ra hàng cà phê cũng chẳng gặp ai! Ðáng kinh ngạc nhất là ông cụ thân sinh của ông Bùi Dương Liêm, trên chín mươi tuổi mà vẫn tự lái xe, ra ăn hết một tô phở.      Ông Toàn Bò, chủ tiệm phở Xe Lửa thiếu bạn. Một mình đi ra đi vào, mặt buồn xo như người thất tình. Khách đến, ông cũng miễn cưỡng, thờ ơ. Buồn quá! Ông Toàn Bò dẹp tiệm, về hưu.

Trước đây, bạn bè, bà con từ Việt Nam qua, từ Úc Châu, Âu Châu, Canada, các tiểu bang khác đến tiểu bang Virginia, đều lấy tiệm phở Xe Lửa trong chợ Eden là nơi gặp gỡ, chuyện trò. Ở đó khách có thể tình cờ gặp lại bạn cũ đã mất liên lạc từ lâu, tay bắt mặt mừng… Nay tiệm phở Xe Lửa không còn nữa, phải mời bạn đến các tiệm ăn khác. Tiệm khác chỉ có ăn thôi. Ăn xong phải đứng dậy. Không nơi đâu có cái không khí thân mật, thoải mái, vui vẻ như trong tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò.

“Ơi ông Toàn Bò! Nay ông nơi đâu?”




Nữ giám đốc gốc Việt, Elizabeth Phu, về Đông Á của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đi cùng TT Obama sang châu Á (Source: VOA Vietnamese)



Cô Elizabeth Phu có một quá trình đặc sắc cùng bố mẹ di tản năm 1978 sang Malaysia rồi sang Hoa Kỳ khi cô là em bé mới lên 3, lớn lên ở bang California, học trưòng trung học Meramonte ở thành phố Oakland, vào Đại học Berkeley, tốt nghiệp Đại học San Diego. Quá trình trưởng thành của cô xuất sắc đặc biệt, do cô có năng khiếu về quan hệ quốc tế, được chọn vào làm việc trong Lầu Năm góc tức Bộ Quốc phòng, đến năm 2012 được cử vào nhóm chuyên gia về An ninh quốc gia trong Nhà Trắng, trực tiếp giúp việc Tổng thống Hoa Kỳ hơn 3 năm nay. Hiện nay cô lãnh nhiệm vụ « cố vấn cao cấp của Tổng thống chuyên trách về Đông Nam Á và châu Đại dương » – gồm Úc, Tân Tây Lan và Tân Đảo.

Cô đã kể lại cảnh cùng khổ do sinh ra đúng vào lúc miền Nam bị thôn tính dưới danh nghĩa « giải phóng », cha cô – ông Frank Phu, do là công chức chế độ cũ bị cưỡng bức đi cải tạo mấy tháng, ra tự do liền tìm đường di tản, vào năm 1978.

Cuộc di tản cực đầy hiểm nguy vất vả còn in sâu trong trí nhớ cô, còn được bố kể lại rành rọt khi khôn lớn. Bố mẹ dành dụm tiền, ông bà nội hỗ trợ thêm, mua được mấy chỗ trên chiếc tàu nhỏ đã cũ, chở đến 253 người lênh đênh trên mặt biển sóng gió. Tàu có 2 máy, chỉ vài ngày sau khi ra khơi bị hỏng một máy, lênh đênh mất hướng, còn 2 lần bị hải tặc Thái lan ngăn chặn, tống tiền. Mọi người gom hết vàng bạc trang sức và nhẫn cưới để nộp cho bọn hải tặc hung bạo. Bố cô đã ngậm trong mồm một số nhẫn vàng bơi sang thuyền của bọn hải tặc nộp cho chúng đề tàu được đi tiếp, sau đó được tàu Malaysia kéo vào đảo Pulau Penang.

Vài tuần sau, cả gia đình được đón sang Hoa Kỳ, mẹ làm việc nuôi trẻ và bố làm công chức cho một công ty tài chính, cố gắng nuôi cô ăn học và thành đạt.


Mạt sử- Tác giả Phùng Hồ Hải




Phùng Hồ Hải là Giáo sư, Tiến sĩ Toán,
Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam; Phó Viện trưởng Viện Toán Việt Nam
Từng đoạn Huy chương đồng Olympic Toán quốc tế 1986 khi 16 tuổi

Thời này là thời mạt sử. Lịch sử nhẽ ra phải là môn học được ưa thích nhất trong nhà trường. Biết bao câu chuyện đặc sắc, được chắt lọc, ghi chép truyền từ đời này sang đời khác. Biết bao bài học làm người. Biết bao tự hào, biết bao đau xót, biết bao nuối tiếc, có thể và cần phải được chuyển tải trong những bài học lịch sử cho thế hệ trẻ. Nhưng kết quả của nền giáo dục XHCN 70 năm là học sinh quay lưng với Sử.

Lỗi không phải ở những nhà giáo dục. Lỗi trước hết là ở những người lãnh đạo cao nhất, những nhà chính trị. Lỗi tiếp theo là ở chính những nhà sử học, đã chấp nhận chính trị hóa ngành Lịch sử ở Việt Nam. Lịch sử là một khoa học. Nhưng Lịch sử ở Việt Nam không còn là khoa học. khi mà tiêu chí đầu tiên của khoa học không còn được tôn trọng: tính trung thực.

Cả một cuộc chiến 10 năm chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc bị quên lãng. Những nhà Lịch sử ở đâu?

Cả một cuộc xâm lược và chiếm đóng Campuchia 10 năm bị quên lãng. Những nhà Lịch sử ở đâu?

Cả một thảm sát Mậu Thân không được nhắc tới. Những nhà Lịch sử ở đâu?

Cả một cuộc Cải cách ruộng đất “long trời lở đất” giờ “chìm xuồng”. Những nhà lịch sử ở đâu?
Xa hơn, những cuộc chinh phạt Chiêm Thành, hủy diệt cả một nền văn hóa. Những nhà Lịch sử đã nghiên cứu được gì?

Hôm nay các nhà Lịch sử mở cả “Hội nghị Diên hồng”, theo cách gọi trên báo chí, yêu cầu “không tích hợp Lịch sử với các môn học khác”. Có lẽ họ sẽ thành công. Nhưng thành công đó có ích gì, khi mà học sinh không thèm học Sử? Việc họ nên làm, theo tôi, là làm sao để ngành Lịch sử ở Việt Nam trở thành một KHOA HỌC.


Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

BẠN LÀ NGƯỜI DIỄM PHÚC



1. Nếu bạn thức dậy sáng nay,  với nhiều sức khỏe hơn bệnh tật, thì bạn là người được phước lộc, hơn cả hơn cả triệu người sẽ không sống sót tuần lễ nầy.
                     

2. Nếu bạn chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm sự hiểm nguy ở chiến trường, nỗi cô đơn trong tù ngục, sự đau đớn bị tra tấn, hoặc những cơn hành hạ day dứt của sự đói khát, thì bạn hơn hẳn 20 triệu người trên thế giới.
                
3. Nếu bạn dự lễ nhà thờ hoặc chùa mà không sợ bị quấy rối, phiền nhiễu, không bị bắt giữ, tra khảo, hoặc giết chết, thì bạn được phước, hơn khoảng ba tỉ người trên thế giới này.
                 
4. Nếu bạn có thức ăn trong tủ lạnh, quần áo mặc trên người, mái nhà che chở trên đầu và một nơi chốn để nằm ngủ, thì bạn là người giầu có hơn 75 phần trăm người trên thế giới.        


5. Nếu bạn có tiền để trong ngân hàng, trong bóp, và tiền lẻ trong một đĩa ở đâu đó, thì bạn ở trong số 8 phần trăm người giàu nhất trên thế giới này.
      

6. Nếu cha mẹ của bạn vẫn hợp hôn và còn sống, thì bạn là người rất hiếm có, nhất là ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. 
        
7. Nếu bạn ngẩng đầu lên với một nụ cười trên khuôn mặt và thực sự biết tri ân cuộc đời và ân nhân của bạn, thì bạn có nhiều diễm phúc, vì đa số chúng ta có thể ý thức hoặc hành động tri ân, nhưng lại không làm.
    

8. Nếu bạn có thể nắm tay vài người nào đó, ôm lấy họ, hoặc vỗ vai họ, khi họ đang bị áp bức, bị vu oan sai sự thật, thì bạn được nhiều phúc đức, vì bạn có khả năng xoa dịu nỗi đau của người khác.
      

9. Nếu bạn có thể đọc được thông điệp nầy, bạn là người được phước hơn hai tỉ người trên thế giới, vì họ không thể đọc được bất cứ điều gì.
       

10. Bạn là người có diễm phúc rất nhiều trong những cách khác nhau, nhưng chỉ vì bạn chưa bao giờ biết đó thôi.

GIÀ GÂN: Ce vieil homme a le rythme dans la peau




Các "Dzua Bum" Khóa 1, cho xin một clip như ông già gân đang "quậy" trong video!
 





Bạn Ta Ở Một Góc Trời: mời xem tập sách Đại Họa Diệt Chủng của Trần Nhu




Cuốn sách dầy trên 1200 trang nên file rất lớn, đề nghị bạn kiên nhẩn chờ khi nào script của pdf file đọc xong, rồi hảy mở ra xem.
 
 




Bạn Hiền Phương Xa: gửi tặng bạn Đại Họa Mất Nước.







Tháng Mười Một, Mùa Hoa Phượng Tím Úc Châu



Mỗi năm cứ tới cuối tháng mười qua đầu tháng mười một là những cây phượng tím của Úc châu, miền cực nam bán cầu bắt đầu trổ hoa khoe sắc, đi đến đâu cũng thấy một màu tím thơ mộng hữu tình đã níu chân du khách. Cho dù ai sắt đá cũng không khỏi động lòng ngơ ngẩn như bị hớp hồn.

Xin giới thiệu với quý vị bộ ảnh phượng tím của nước Úc. Nếu ai có cơ hội du lịch Úc châu, xin mời đến vào tháng mười một để chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp của phượng tím và dạo bước trên những thảm hoa thiên nhiên.