khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Lỗ Túc Mắt Xanh trong Canh Bạc Mỹ-Hoa - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa




KN: Kim Nhung xin kính chào quý KTG của hệ thống SBTN qua chương trình Thời Sự Ngày Mai với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Chương trình có mục đích tìm hiểu các biến cố kinh tế chính trị hay lịch sử khả dĩ trở thành thời sự sau này. KN xin kính chào ktg NXN.

KN 1: Thưa quý vị, Kim Nhung show xin trở lại đề tài nóng là canh bạc Mỹ-Hoa khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lao vào cuộc tranh chấp nhiều mặt, như kinh tế, an ninh và cả quân sự tại khu vực Đông Á và trên toàn cầu. Thưa ông Nghĩa, tuần này thì một kinh tế gia có thẩm quyền thuộc bộ phận lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ qua Hoa Kỳ đàm phán với giới chức Mỹ về các mâu thuẫn kinh tế giữa đôi bên, cùng lúc đó, Bắc Kinh cho hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc ráp chế từ đầu đến cuối, sau khi có thái độ cực kỳ cứng rắn với Đài Loan và còn thách thức hải quân Mỹ tại vùng Đông Nam Á. Các biến cố đó cho thấy cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh với Mỹ có nhiều mặt chứ không chỉ có mậu dịch. Như vậy, thời sự ngày mai sẽ là gì?

NXN 1: - Sống trên nước Mỹ có tầm nhìn rất rộng mà nông cạn của truyền thông, chúng ta nên cẩn thận. Lại càng cẩn thận hơn nữa khi hệ thống truyền thông đó lại toàn thời đả kích Donald Trump nên chúng ta dễ là con vịt hay con vẹt! Vì sự nông cạn của truyền thông, người ta cho rằng mâu thuẫn Mỹ-Hoa khởi sự từ đầu năm nay khi Tổng thống Mỹ bỗng dưng đòi áp thuế nhôm thép để chống Tầu. Tìm hiểu sâu hơn thì ta có thể biết Chính quyền Trump đã cho nghiên cứu từ cả năm nay lợi thế bất chính của Bắc Kinh khi buôn bán với Mỹ. Nhưng chánh sách khai thác lợi thế đó của họ đã khởi sự từ đầu thế kỷ 21 khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2000 nhờ Mỹ dưới Chính quyền Bill Clinton.

- Vì vậy, tôi cứ nói là nếu ưa bình luận thời sự thì phải có trí nhớ! Sâu xa hơn, việc Bắc Kinh xây dựng rồi phát triển lực lượng hải quân của họ đã có từ 1990-1992 khi lần đầu tiên trong lịch sử, người cầm đầu quân đội Trung Quốc lại là một Đô đốc, ông Lưu Hoa Thanh, dưới thời Đặng Tiểu Bình. Thật ra, Bắc Kinh lặng lẽ tìm lại vị trí họ cho là chính đáng của Trung Quốc trong lịch sử mấy ngàn năm nên việc đó sẽ dẫn tới mâu thuẫn và có khi xung đột với Hoa Kỳ vì họ đã đặt chỉ tiêu vượt Mỹ vào năm 2049, 100 năm sau khi thống nhất lại đất nước!

KN 2: Khi ông nêu các dấu mốc lịch sử như vậy, từ năm 1949 hay từ năm 1992, hoặc từ khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức WTO và có lợi thế thương mại đang được Chính quyền Trump xét lại, chúng ta sẽ khó biết là nên khởi sự từ đâu để hiểu ra mấu chốt của vấn đề. Theo như ông nghĩ, ta nên bắt đầu từ đâu?

NXN 2: - Bắt đầu từ… tuần tới! Khi Lưu Hạc qua đây với một số đề nghị, ta sẽ biết Bắc Kinh tính sao sau khi chính họ đã dùng truyền thông Mỹ làm công cụ. Tuần trước, khi phái đoàn có hai Tổng trưởng và hai cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ tới Bắc Kinh hội họp trong hai ngày mùng ba mùng bốn, phía Mỹ đưa ra một danh sách đòi hỏi. Chính Bắc Kinh đã tiết lộ danh sách đó cho báo chí Mỹ có khuynh hướng chống Trump, với lời bình là phía Hoa Kỳ đòi hỏi nhiều quá! Tốt nghiệp tại Harvard và lại là người thân tín của Tập Cận Bình, Lưu Hạc biết dùng báo chí và dư luận Mỹ trong việc thương thuyết cho Bắc Kinh. Chúng ta nên biết về nghệ thuật thương thuyết đó của Trung Quốc, may ra thì tránh được trò bá láp của nhiều bình luận gia Hoa Kỳ! Họ chỉ thủ vai Lỗ Túc cho Tầu!.

KN 3: Ông Nghĩa bảo rằng ta nên tìm hiểu sự việc từ tuần tới khi Phó Thủ tướng Bắc Kinh là Lưu Hạc qua Mỹ và nói tới nghệ thuật thương thuyết của Tầu, rồi tới nhân vật Lỗ Túc nữa thì quý KTG của chúng ta chắc phải giật mình! Kim Nhung xin đề nghị ông đi chầm chậm vào việc khám phá này.
NXN 3: - Nhiều khi người Việt chúng ta chỉ hát “bốn ngàn năm văn hiến” mà ít chịu suy nghĩ sâu xa về lịch sử nước nhà. Lãnh đạo Trung Quốc đáng sợ hơn vì họ thấm nhuần “bách niên quốc sỉ”, trăm năm ô nhục, khi bị liệt cường sâu xé cho tới ngày Mao Trạch Đông chiến thắng năm 1949. Họ luôn luôn mơ lại vị trí đại bá của Trung Quốc trong mấy ngàn năm trước; còn lãnh đạo Hà Nội chưa ra khỏi đôi dép râu của Hồ Chí Minh. Đó là thảm kịch Việt Nam.

- Về nghệ thuật thương thuyết của Bắc Kinh thì ta nhớ là sau chuyến Hoa du của Tổng thống Richard Nixon vào đầu năm 1972 đã có gần 10 năm đàm phán việc bình thường hóa ngoại giao giữa đôi bên và cả cách giải quyết hồ sơ Đài Loan. Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế từ đầu năm 1979 là đợt thương thuyết của doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào khu vực chế biến của Trung Quốc. Sau đó là đợt đàm phán việc gia nhập WTO với Chính quyền Clinton liếm mép vào năm 1998. Nếu nhớ các chuyện xa xưa, ta có thể thấy ra nhiều chuyện mới!

KN 4: Kim Nhung thấy ông Nghĩa khéo dắt chúng ta vào một mê hồn trận là nghệ thuật đàm phán của lãnh đạo Bắc Kinh như khi họ ở vào thế yếu và nhờ Mỹ giải vây thời Tổng thống Nixon, hoặc cần kinh tế Mỹ phù trợ sau khi họ cải cách thời Đặng Tiểu Bình, cho tới khi dụ dỗ Chính quyền Clinton mở cửa WTO để ngày nay lại thương thuyết với Chính quyền Trump vì bị bắt quả tang là gian dối!

NXN 4: - Tôi nghĩ là ta cần thời gian trình bày sâu xa và kỳ này chỉ nói qua về tám bước thương thuyết của Bắc Kinh. Từ cấp chiến lược là phải thắng mà bất kể tới sự lương thiện, họ coi thương thuyết chỉ là chiến thuật. Thứ nhất khái niệm về thời gian gọi là “ngày Giời tháng Phật”. Bắc Kinh có ý “trường kỳ kháng chiến" và không tự đặt hạn kỳ hoàn tất một hiệp ước ngoại giao hay hợp đồng kinh doanh như Hoa Kỳ là một xứ cứ hai năm, bốn năm và sáu năm là lại có bầu cử nên cần có thành quả ngắn hạn. Với tinh thần ấy, Bắc Kinh kéo dài đàm phán làm tiêu hao sự kiên nhẫn của đối thủ, như sau khi nêu hết vấn đề này thì họ nêu vấn đề khác trong một chuỗi bàn luận, thoả thuận rồi phủ nhận và đòi bàn lại trong khi nhắm vào cuộc bầu cử Tháng 11 này tại Hoa Kỳ để làm đảng Cộng Hòa thất cử.

- Thứ hai, cao điệu hơn, là họ đề nghị kỳ hạn hoàn tất khiến đối phương sốt ruột mà nhượng bộ cho kịp, chứ chính họ lại chẳng coi kỳ hạn ký kết là quan trọng và thực ra thì sau khi ký mới là lúc họ thương thuyết việc thi hành! Thứ ba là thủ thuật gọi là "lăng trì", xẻo thịt từng miếng, như khi được đề nghị bản sơ thảo của tuyên bố chung có trăm điều thì hôm nay họ nêu vấn đề bất ngờ về điều này, ngày mai họ cãi rất hăng về vài khoản khác để đòi thay đổi. Cứ thế họ chẻ sợi tóc làm tư, bất kể tới những gì đã đồng ý. Điều nào Mỹ đồng ý thì Bắc Kinh thắng, những gì Mỹ chưa nhượng bộ thì đàm phán lại. Giới thương thuyết mà mất kiên nhẫn thì thua.

KN: Trời ơi, mới chỉ vài món bát bửu của nghệ thuật đàm phán trong canh bạc Mỹ-Hoa này, Kim Nhung đã thấy sợ. Sau phần thông tin thương mại, chúng ta sẽ trở lại ngay với đề tài kinh hãi này!
Thông tin Thương mại.

KN: Xin cám ơn sự theo dõi của quý KTG. Kim Nhung xin đi ngay vào đề tài.

KN 5: Xin đề nghị ông Nghĩa khai triển tiếp về phương pháp đàm phán của Trung Quốc mà ngay trong phần đầu ông đã nói rằng đấy chỉ là chiến thuật, chưa là chiến lược.

NXN 5: - Thủ đoạn thứ tư có thể gọi là "kỵ mã không đầu", như khi trưởng đoàn Bắc Kinh là Phó Thủ tướng Lưu Hạc bảo mình vô thẩm quyền mà phải thỉnh ý của Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn hay Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau hai ngày bàn cãi nhiêu khê, họ lấy đó làm lý do để đòi thương thuyết lại từ đầu vì lãnh đạo ở nhà đã đổi ý! Món khó nhai thứ năm là giữa cuộc thương thuyết, họ nêu giả thuyết vu vơ thí dụ như nếu trời xập hoặc trái đất ngừng quay thì sao? Giả thuyết ấy khiến người ta phải điều chỉnh hoặc thương thuyết lại. Cái ảo diệu trong trò này là không hề nêu chi tiết cần điều chỉnh trong một chuỗi giả thuyết hoang tưởng mà chỉ muốn đối thủ bị lạc hướng và tỏ lộ nhược điểm khi phản ứng về những chuyện không thể nào xảy ra!

- Thủ đoạn thứ sáu là khi đàm phán, họ vẫn khẳng định Trung Quốc là ngoại lệ nên không thể áp dụng tiền lệ hay án lệ như với các nước khác trong WTO. Dù đấy không là sự thật, lối ăn nói đó cho phép họ tìm thế thượng phong, thí dụ như vì luật lệ của Trung Quốc quy định khác với các nước. Đòn lưu manh thứ bảy là sau khi đã thỏa thuận thì đấy mới là lúc thương thuyết thật. Đó là "sự trả thù là một món nên ăn nguội", theo một thành ngữ Pháp. Tức là sau khi đã giao kết phía Bắc Kinh mới viện dẫn điều này hay khoản nọ để đòi áp dụng khác vì nghĩ là họ đã thua một cách oan uổng, bất công. Họ coi đó là sĩ diện hay quốc thể và xì tin cho báo chí quốc doanh của họ nêu thành vấn đề!

KN 6: Kim Nhung bỗng thương những ai có trách nhiệm đàm phán khi Bắc Kinh có nhiều thủ đoạn lật lọng như vậy! Thế còn cái nước cờ thứ tám trong canh bạc đàm phán của Trung Cộng là gì?

NXN 7: - Là địch vận, hay vận động dư luận phe địch. Với người Việt, tôi gọi là dùng bọn Lỗ Túc Mắt Xanh của nước Mỹ! Nhân vật Lỗ Túc là chính khách, nhà ngoại giao và quân sự lỗi lạc của phe Đông Ngô thời Tam Quốc. Nhưng dưới ngòi bút La Quán Trung trong truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa thì Lỗ Túc là kẻ ngây ngô ruột ngựa bị Gia Cát Lượng vận dụng trong trận Xích Bích và chiếm Kinh Châu cho quyền lợi của phe Tây Thục. Trước và sau khi thương thuyết, Bắc Kinh đã biết khai thác bọn Lỗ Túc nhan nhản trong xã hội Hoa Kỳ.

KN 8: Vô cùng lý thú khi ông Nghĩa nhắc tới chuyện Tam Quốc mà chắc hẳn là lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rõ và khai thác còn tinh tường hơn chúng ta nghĩ. Theo nhận xét của ông, những người Mỹ nào có thể bị Bắc Kinh lợi dụng như vậy?

NXN 8: - Đầu tiên và dễ hiểu nhất là nghệ thuật ly gián đối thủ bằng cách hăm dọa kinh tế của các tiểu bang đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử 2016 để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới. Chuyện này là công khai và quá lộ liễu nên không thể coi là vận dụng Lỗ Túc vì muốn vận dụng thì phải kín đáo hơn để nhiều thành phần Hoa Kỳ sẽ làm những gì có lợi cho Bắc Kinh. Theo cách này thì trước hết là truyền thông báo chí thiên tả chống Trump tới mờ mắt và tưởng dùng Bắc Kinh đánh Trump mà hóa ra chỉ là tay sai miễn phí của Tầu.

Thứ hai là các chính khách, nhất là bên Dân Chủ, như cựu Ngoại trưởng John Kerry vừa bị Iran sai khiến, hoặc Nghị sĩ Ted Kennedy bị Mao sai khiến để thúc giục Nixon sớm chạy qua Tầu! Thứ ba là giới trí thức trong các Đại học hay think tank Mỹ, như qua các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ từ đã lâu. Các thành phần ấy được Bắc Kinh xì tin mớm lời, thậm chí mua chuộc, để đả kích lập trường của Chính quyền Mỹ và bênh vực quan điểm của Trung Quốc.

Sau cùng, ta không thể quên các doanh nghiệp Mỹ đang muốn làm ăn với Trung Quốc. Bị Bắc Kinh chèn ép thì họ đòi Chính quyền Trump bênh vực nhưng không dám công khai nói ra vì sợ bị trả thù. Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc vừa nêu vấn đề, rồi lại chối và vì vậy, Bắc Kinh càng biết nhược điểm của địch: gian là chính khách, hèn là doanh nghiệp! Tôi xin kết luận vắn tắt, rằng mới chỉ vào giai đoạn chiến thuật là đàm phán về thuế biểu hay hạn ngạch xuất nhập cảng mà đôi bên đã dàn trận như vậy. Trong một kỳ khác mình mới nói về chiến lược….

KN: Kim Nhung không thể tưởng tượng là sự tình lại éo le rắc rối như vậy mà từ nay sẽ cẩn trọng khi thấy báo chí loan tin vì bên trong còn đầy thủ thuật lắt léo. Chỉ mong rằng phía Hoa Kỳ cũng hiểu vậy, như ta đã thấy Chính quyền Trump dàn trận và đòi tối đa từ gần nửa năm nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét