khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Người Mẹ Can Cường - Tác giả Chú Chín Ca Li




Trâm cố bơi nhanh chiếc ghe chở nặng đi ngược dòng nước ròng đang chảy xiếc để còn kịp cho ghe vào ụ trước khi trời xụp tối.

Mồ hôi nhễ nhại, Trâm hì hục quăng mấy trăm trái dừa khô lên bờ, chất thành đống trước nhà, thỉnh thoảng lại ngừng tay kéo tay áo lau mồ hôi trán. Con Mi Nô chạy lăng xăng trên bờ, quẩy đuôi mừng chủ sau một ngày không gặp. Nó là người bạn duy nhất của Trâm ở vùng thôn quê hẻo lánh nầy. Ngày xưa những công việc nặng nhọc nầy chồng Trâm đều lo cả, Trâm ở nhà lo cơm nước nuôi con. Từ ngày bị thương nặng vì trúng đạn pháo binh, chồng Trâm được di tản về tỉnh cứu cấp, còn đang trong thời kỳ dưỡng bịnh nên ở lại trên tỉnh với đám con đang đi học. Trâm phải về quê một mình để giữ ruộng vườn không bị tịch biên vì vắng chủ và đồng thời thu hoạch huê lợị nuôi sống gia đình.

Ở đây nhà cửa lưa thưa, cách xa nhau qua mấy bờ mương, con rạch đầy lao (Saccharum spontaneum) sậy (Phragmites australis) và những mảnh ruộng um tùm với ô rô (Acanthus), cóc kèn (Derris Trioliata), mọc hoang cao quá đầu. Trong thời buổi chiến tranh, nhà ai nấy ở, chuyện ai nấy lo, hàng xóm ít khi gặp nhau trừ khi có chuyện khẩn cấp cần sự giúp đỡ. Làng xóm buồn tẻ tiêu điều vì chiến tranh tàn phá.

Trâm ngồi trên ngạch cửa nhìn con gà mẹ “tục tục” gọi đàn con rồi dẫn nhau vào chuồng mà lòng thấy nao nao. Gà mẹ còn có con để chăm sóc còn Trâm phải xa con, nhìn đàn gà mà nhớ con đứt ruột. Đám vịt còi thiếu mẹ trèo lên tuột xuống cái bờ mương trơn trợt rồi sau cùng cũng lên được trên sân, đứng rỉa lông. Đêm đến thật nhanh. Trâm dẫn con Mi Nô vào nhà thắp sáng ngọn đèn hột vịt rồi đóng cửa gài then cần thận. Sống giừa vùng nông thôn hẻo lánh một mình, Trâm rất cẩn thận.

Đằng sau ánh sáng lù mù của ngọn đèn dầu hiu hắt là bóng đêm, là cả một thế giới âm u ma quái đang kéo về dầy đặc. Ngày xưa khi có vợ có chồng, Trâm không biết sợ là gì. Bây giờ lẻ loi một mình Trâm mới thấy thấm thía thế nào là sợ hãi, là cô đơn khi thiếu cánh tay bao bọc của người chồng mà Trâm suốt đời gắn bó, đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi mười mấy năm nay.

Từ sáng đến giờ Trâm chỉ ăn củ khoai luộc buổi trưa nên thấy đói. Trâm cầm ngọn đèn đi xuống bếp thổi lửa nấu cơm, thỉnh thoảng lại quay nhìn lại sau lưng, cảm thấy như có ai đang theo dõi từng bước chân đi của mình. Có con Mi Nô lẩn quẩn bên chân nên Trâm thấy yên tâm phần nào. Gió đêm lành lạnh thổi rì rào bụi tre bên hông nhà, thân cây chạm nhau kêu ken két làm Trâm thấy ớn lạnh sau gáy, chạy dài trên xương sống, cảm giác như có nhiều đôi mắt trong bóng tối đang chầm chập nhìn phía sau lưng mình. Không kềm được cảm giác sợ hải Trâm nhắc vội nồi cơm vừa chín chạy ù vô nhà, đóng sầm cánh cửa, cài then cẩn thận rồi bật quẹt đốt lên ngọn đèn bàn. Ánh sáng ấm áp của ngọn đèn dầu đẩy lui bóng tối ma quái làm Trâm thấy yên tâm phần nào.

Bụng đói cồn cào nhưng Trâm nuốt không nỗi những hạt cơm có vị mặn vì nước mắt. Nhìn ánh đèn loà nhoà trong màng lệ Trâm biết rằng mình đang khóc. Đã qua mấy mùa trăng, đêm nào Trâm cũng vừa ăn cơm vừa khóc một mình như vậy. Trâm nhớ chồng, nhớ con, nhớ không khí gia đình mà đau thắt cã tim gan. Giờ nầy chồng con có lẽ đang say sưa trong giấc ngủ bình yên có biết đâu nơi đây một mình Trâm trằn trọc thâu đêm!

Đêm càng về khuya càng thêm tĩnh mịch. Bên ngoài hàng vạn côn trùng đang hòa tấu cùng tiếng rên rỉ của vô số các loài sinh vật của thế giới về đêm. Tiếng chim vạt gọi đàn và tiếng chim cú kêu đêm càng làm cảnh đêm thêm não nuột. Thỉnh thoãng có đám chồn mướp chí chóe cắn nhau giành ăn. Chồn cáo thì thường về lúc nửa đêm bắt gà ăn thịt làm náo loạn trong chuồng gà và mấy con gà mái kinh hoàng la hoảng. Trâm sợ lắm kéo chăn chùm kín cã đầu, tay ôm cái chỉa ba nhưng chân cứ co rút lại, không dám bước xuống giường.

Nửa đêm có tiếng chó sủa văng vẳng từ xa, bắt đầu từ ngã ba Lộ Cái rồi kéo về xóm Cầu Kinh, chỉ cách nhà Trâm cái rạch nhỏ và dải ruộng hoang. Từ xóm Cầu Kinh, con đường mòn tách ra làm hai ngã, một rẻ về phía nhà Trâm, một đi về hướng bến đò để sang sông lớn. Trâm nín thở lắng nghe động tỉnh bên ngoài, nghe rỏ mồn một tiếng đập thình thịch của tim mình càng lúc càng to.

Ngày xưa mỗi lần nghe tiếng chó sủa đêm đến gần nhà như vậy Trâm xích lại bên chồng để tìm sự che chở thì thầm:

- Mấy ổng lại về.

- Ừa, chắc vậy. Mấy ổng về hà rầm hơi đâu mà mình sợ.

Chồng Trâm xem lại cái then cửa rồi thổi tắt ngọn đèn dầu. Hai vợ chồng ngồi yên trong bóng tối, lắng nghe, đợi chờ. Trâm thấy bàn tay chồng run run trong bàn tay lạnh giá của mình.

Đêm nay Trâm chỉ có một mình thì “Mấy ổng lại về”, Trâm sợ lắm nhưng tìm đâu ra bàn tay ấm áp của chồng để Trâm nắm lấy lúc nầy? Tiếng chó sủa nhỏ dần rồi chuyển hướng về phía bờ sông. Họ sang sông lớn để đi qua xóm Vịnh. Trâm nới tay đang bịt mỏ con Mi Nô vì sợ nó sủa. Bàn tay lạnh ngắt ướt đẫm mồ hôi. Trâm nhớ đến cái đêm kinh hoàng khi “mấy ổng” đến gỏ cửa lúc nửa đêm, bịt mắt chồng Trâm rồi dẫn đi biệt tích. Trâm đã khóc hết nước mắt lần nầy và đã đồng ý trả một số tiền thuế rất lớn hằng năm. Một tuần sau chồng Trâm được thả về lúc nửa đêm, , xơ xác, đói khát. Từ đấy Tâm rất sợ tiếng chó sủa về đêm.

Trâm vặn nhỏ ngọn đèn dầu nhưng không dám tắt hẳn vì nàng sợ bóng đêm. Ngọn đèn mỏi mòn rồi cũng tắt khi hết dầu lúc gần sáng cũng như Trâm mòn mỏi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn.

Làng Trâm ở nằm trong vùng xôi đậu, sát cạnh khu “Rừng Xanh” nên lính Quốc Gia thường đến trong những trận hành quân bất ngờ. Máy bay thám thính mà dân gọi là “Đầm Già” và đạn pháo binh không phân biệt bạn và thù. Dân chúng sống giữa hai gọng kềm, giữa hai lằn đạn nên lúc nào tai mắt cũng phải ở trong tình trạng báo động để kịp thời ứng phó.

Những đêm bị pháo kích Trâm thức trắng. Con Mi Nô đang nằm gác mỏ giữa hai chân trước lim dim ngủ bổng bật dậy, hai lỗ tai dựng đứng nghe ngóng, rồi nó cụp đuôi chui vào hầm. Những tiếng pháo bắn “bùm bùm” văng vẳng từ xa, những tiếng rít dài của lằn đạn pháo binh bay trên đầu như cắt vào tim, tiếp theo và những tràng đạn nổ “đùng đùng” vang dội. Khi nghe được tiếng đạn nổ Trâm có thể thở phì nhẹ nhõm vì tai nạn đã qua rồi. Sợ nhất là sau tiếng bắn “bùm bùm” tiếp theo là âm thanh “xà xà” đồn dập báo hiệu đạn pháo đang trên đường đi thẳng đến ta. Không còn đủ thời gian để chui vào hầm trú ẩn nữa. Trường họp nầy người dân chỉ có cách ôm đầu bịt tai, cầu nguyện Phật Trời phò hộ cho tai qua nạn khỏi.

Từ tiếng pháo bắn đầu tiên Trâm đã chui tọt nằm gọn trong hầm trú bom, tay ôm cổ con Mi Nô đang run rẩy. Hầm được xây bằng thân cây dừa cắt khúc, chất ở trên đủ thứ đồ tạp nhạp. Cũng tại căn nhà nầy, một trái đạn pháo 105 ly đã rớt lạc làm nhà Trâm tan nát. Hầm bị sập. Chồng Trâm bị thương nặng nên phải tản thương về tỉnh cứu cấp bằng ghe lúc nửa đêm. Trong lúc kinh hoàng, Mi Nô bị bỏ lại một mình. Hàng xóm kể lại rằng họ thấy nó nằm gục bên căn nhà đổ nát, không ăn uống, nên đã mang nó về nuôi cho đến ngày Trâm trở lại mấy tháng sau. Từ đấy mỗi lần nghe tiếng đạn pháo nó bị kích động chui đầu vào gốc hầm để trốn. Những tràng đạn nổ kéo dài một lúc rồi im bặt, có khi êm luôn cho đến sáng, có khi trở lại nhiều đợt rồi mới im. Ruộng vườn lại bị cày xới thêm nhiều hố đạn. Ai đã là nạn nhân mới đêm nay? Hy vọng sẽ không có những tiếng la ơi ới cấu cứu lúc nửa đêm hoặc ánh đuốc lập lòe, tiếng thuyền chèo vội vã trên sông để di tản người dân bị trúng đạn pháo binh.

Trâm vẫn không dám đi ngủ trở lại, nằm chèo queo trước miệng hầm lắng tai nghe tiếng máy bay “rì rì” khi xa khi gần rồi biến mất. Có những đêm đồn lính bị vây đánh, hỏa châu rực sáng cả một góc trời. Máy bay “bò rống” đến, rống lên từng hồi với mưa đạn bay tua tủa sáng trưng cả một góc trời. Mấy “ổng” đánh đồn. Đồn càng bị vây đánh, dân làng càng bỏ xứ mà đi, trai tráng trong làng càng thưa thớt và các bà mẹ khóc con vợ khóc chồng càng lúc càng nhiều.

Trong thời buổi nhiễu nhương nầy, người dân đã quen rồi với chuyện sống chết, xem nó như tai trời ách nước nên mọi người phải cam chịu không than van trách móc. Những đổ nát, tan thương, chết chóc, không phải là điều làm họ sợ. Điều mà họ sợ là sự căng thẳng đợi chờ, là câu trả lời cho câu hỏi “ bao giờ sẽ đến lượt mình?”! Họ sống từng ngày, từng đêm trong hồi hợp nhưng không lối thoát. Miếng cơm của họ gắn liền với mái nhà tranh, với thửa ruộng, mảnh vườn, với con sông, chiếc thuyền, nên họ không thể nào bỏ xứ mà đi. Mà đi đâu rồi làm sao để sống? Thôi họ phải đành cam chịu, nhắm mắt đưa chân. Trời kêu ai nấy dạ!

Ai có thức trắng đêm thì mới biết đêm dài. Có trằn trọc, trăn trở thâu đêm một mình mới thắm thía được sự tàn nhẫn của sự cô đơn. Nó như một loại ung thư, gậm nhấm từng tế bào trong cơ thể vốn đã quá mỏi mòn. Nó làm trái tim như ngừng đập, hơi thở tắt nghẹn, thần kinh căng thẳng muốn vở tung. Mỗi lần Trâm cảm thấy mình đang rơi vào tình trạng trầm cảm đến tột cùng như vậy chỉ muốn chết cho xong, Trâm chấp tay khấn vái Phật Trời cầu xin ơn trên ban bố cho nàng thêm can đảm và nghị lực để vượt qua. Bất cứ giá nào, Trâm cũng phải sống, không phải cho mình mà cho cả gia đình chồng con đang bám víu vào Trâm, vào thửa ruộng mảnh vườn.

Đêm dài vô tận rồi cũng qua khi có tiếng gà gáy sáng, con gọi, con trả lời, chuyền nhau từ nhà nầy sang nhà khác, từ xóm dưới sang xóm trên cho đến lúc khắp nơi gà cùng gáy rộ báo tin vui bình minh sắp đến. Đàn chim Trao Trảo gọi nhau trên cây vui mừng bình minh. Con Mi Nô lăn xăn đòi mở cửa để chạy ra ngoài sân với bầy gà vịt đang lao xao đợi Trâm vất cho nắm lúa. Mặt trời thập thò sau rặng dừa bên kia sông với những tia nắng ấm. Một ngày mới bắt đầu.

Trâm biết chắc rằng mình đã sống thêm được một đêm.

Và còn bao nhiêu đêm nữa Trâm phải trải qua? Trâm chỉ đếm được khi thấy mặt trời lên buổi sáng, biết rằng mình con sống.

Trâm đã chiến thắng được chính mình, khắc phục mọi trở lực để sinh tồn. Đó là bản chất của Trâm, người mẹ can cường, suốt đời chiến đấu. Ngày mới cưới nhau, thay vì an phận làm dâu con, nương tựa vào cha mẹ, cặp vợ chồng son quyết tâm ra riêng tự lập và đã tạo nên sự nhiệp từ bàn tay trắng, bằng mồ hôi và ý chí kiên cường. Trong thời buổi nhiễu nhương, trong khi trẻ con ở quê đều thất học, các con của Trâm đều được đi đến nơi đến chốn. Trong khi nhiều điền chủ phải bỏ đất mà đi để bảo toàn sinh mạng, Trâm quyết ở lại bảo vệ tài sản cho đến cùng, vì đó là mồ hôi nước mắt của vợ chồng, là tương lai sự nghiệp cho con cái.

Thử hỏi có bà mẹ nào can cường hơn Trâm? Có sự hy sinh nào cao quí hơn sự dấn thân của Trâm? Có lời ca tụng nào nói hết được tấm lòng của người mẹ như Trâm?

Khi con khôn lớn thấu hiểu được tình mẩu tử và sự hy sinh của mẹ thì mẹ đã già nua, da mồi tóc bạc, tai điếc mắt mờ lụm cụm sống trong căn nhà xưa cũ. Mẹ nuôi con không đòi được trả ơn, không đợi con báo hiếu. Tuy con sống kiếp tha hương nghìn trùng xa cách nhưng tâm con lúc nào cũng hướng về quê hương, nơi có người mẹ già khắc khoải trông con. Mẹ trông con chỉ để thương để nhớ nhưng không đòi hỏi một điều gì, không muốn làm vướng bận bước con đi.

Trâm là mẹ tôi, người mẹ can cường.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét