khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Elvis Phương thời trẻ hát nhạc Phượng Hoàng







So với tiếng Anh, tiếng Pháp bị "chê" ở VN





Kiến trúc Đông Dương vào đầu thế kỷ 20





Kiêng ăn ngừa bịnh thận





Đời sống người Việt ở Kampuchea





Đĩa Cơm Cho Người Nghèo Ở Saigon





Thấy gì qua lệnh cấm phổ biến các bài hát in trước 30/4/1975





Tạp Chí VN tuần qua, 25/3/2017





Tạp Chí Á Châu Tuần Qua, 26/3/2017





Detecteur De Metal





Facebooker Đăng Solomon bị CSVN bắt, 24/3/2017







Dải nước vàng, váng ở cảng Chân Mây-Lăng Cô, 23/3/2017







Nhếch nhác vỉa hè Hà Nội!







“Phố Hàng Rong” ở Sài Gòn







Khủng Bố ở Luân Đôn ngày 22/3/2017







Công an và cảnh sát cơ động đã đánh đập người dân bất kể già trẻ trai gái trong cuộc biểu tình sáng nay 21.03.2017 tại xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh







"Gia tài của mẹ", Việt đã thành Tàu!







Trường Kỳ phỏng vấn ca sĩ Anh Ngọc







Duy Trác hát Dạ Tương Sầu, nhạc Nhật Bằng







THANH TÂM TUYỀN, NHÀ THƠ CỦA TỰ DO VÀ HỒN THẾ GIỚI







Gửi Về Mái Nhà Xưa, tác giả Mai Thảo







Thanh Tâm Tuyền, tác giả Đặng Tiến







Cướp Giật Trên Đường Phố Tại Các Thành Phố Lớn Ở VN







Lể hạ cờ VNCH vào ngày 7/5/1975 trên chiến hạm Mỹ tại vịnh Subic Bay, Philiipines







Pat Boone hát Bernardine







Quelle est la différence entre un enfant et un saoudienne regarde .







Ảnh hưởng giáo dục trong văn hóa







Connie Francis hát Tennessee Waltz (1959)







Nana Moukouri hát Siboney







Nhà Việt Nam Vẹn Toàn







"Sách Học Tiếng Việt" hay "Sách Học Chữ Việt"?







Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Buồn Vào Hồn Không Tên - Tác giả Tưởng Năng Tiến







Có lần, tôi nghe giáo sư Nguyễn Văn Lục phàn nàn:

Người cộng sản có một sự sắp xếp rất máy móc, đơn giản về con người và sự việc. Hoặc họ coi là bạn, hoăc là kẻ thù của họ. Miền Nam sau 1975 có chiến dịch đi ‘tìm thù’ và biến miền Nam thành mảnh đất hung bạo với những ngữ từ quen thuộc như: Quét sạch, đánh phá, truy lùng, tố cáo.”

Hơn bốn mươi năm sau, sau cái chiến dịch “tìm thù” bắt đầu từ năm 1975, có bữa tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc thì chuông điện thoại reo:

– Tiến hả?
– Dạ…
– Vũ Đức Nghiêm đây…
– Dạ…
– Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống cà phê chút chơi được không?
– Dạ …cũng được!

Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Tôi cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được – mấy cha?

Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi … ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!

Vũ Đức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng với nước mưa và nước mắt – đã ào ạt (và xối xả) chẩy qua qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.

Quán cà phê vắng tanh. Nhạc mở nhỏ xíu nhưng tôi vẫn nghe ra giai điệu của một bài hát rất quen:

Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương…

– Hình như là nhạc của Vũ Đức Nghiêm … Anh nghe xem có đúng không? Tôi đùa.
– Em nói nghe cái gì?
– Anh thử nghe nhạc coi…
– Nhạc của ai?

Tôi chợt nhớ ra là ông anh đã hơi nặng tai nên gọi cô bé chạy bàn:

– Cháu ơi, người ngồi trước mặt chúng ta là tác giả của bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu mà mình đang nghe đó. Cháu mở máy lớn hơn chút xíu cho ổng … sướng nha!

Thấy người đối diện có vẻ bối rối vì cách nói vừa dài dòng, vừa hơi quá trịnh trọng của mình nên tôi cố thêm vào một câu tiếng Anh (vớt vát) nhưng ngó bộ cũng không có kết quả gì. Đúng lúc, chủ quán bước đến:

– Cháu nó mới từ Việt Nam sang, ông nói tiếng Mỹ nó không hiểu đâu. Ông cần gì ạ?
– Dạ không, không có gì đâu. Never mind!

Tôi trả lời cho qua chuyện vì chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Cùng lúc, bản nhạc của Vũ Đức Nghiêm cũng vừa chấm dứt. Tôi nhìn anh nhún vai. Vũ Đức Nghiêm đáp lại bằng một nụ cười hiền lành và … ngơ ngác!

Tự nhiên, tôi thấy gần và thương quá cái vẻ ngơ ngác (trông đến tội ) của ông. Tôi cũng bị nhiều lúc ngơ ngác tương tự trong phần đời lưu lạc của mình. Bây giờ hẳn không còn ai, ở lứa tuổi hai mươi – dù trong hay ngoài nước – còn biết đến tiếng “Gọi Người Yêu Dấu” (“ngập ngừng tha thiết bồn chồn”) của Vũ Đức Nghiêm nữa. Thời gian, như một giòng sông hững hờ, đã vô tình bỏ lại những bờ bến cũ.

Vũ Đức Nghiêm, tựa như một cây cổ thụ hiếm hoi, vẫn còn đứng lại bơ vơ bên bờ trong khi bao nhiêu nhạc sĩ cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Trúc Phương là một trong những người này. Qua chương trình Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam, nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam đã cho biết nhiều chi tiết vô cùng thê thiết về cuộc đời của người viết nhạc (chả may) này.

Trang sổ tay hôm nay, chúng tôi xin được nắn nót ghi lại đây những nhận xét của Hoài Nam, và mong được xem như một nén hương lòng (muộn màng) gửi đến một người đã khuất:

Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình. Ông tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, ra chào đời năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tức Vĩnh Bình – một xứ Chùa Tháp thu nhỏ ở vùng hạ lưu sông Cửu Long…

Nhạc của Trúc Phương thường buồn, rất buồn. Trong số những ca khúc của ông, hình như, chỉ có hai bản vui. Đó là: Tình Thắm Duyên Quê và Chiều Làng Em. Riêng bản Chiều Làng Em nói rằng vui là so sánh với những sáng tác khác của ông. Chứ Thực ra, bản nhạc này tuy có nội dung êm đềm trong sáng nhưng giai điệu của nó cũng man mác buồn. Không hiểu vì cuộc đời của Trúc Phương vốn nhiều chuyện buồn và đã được ông gửi gấm vào dòng nhạc hay vì ông thích sáng tác nhạc buồn nên riết rồi nó ám vào người, chỉ biết những sáng tác phổ biến nhất, nổi tiếng nhất của ông đều là những ca khúc buồn: Chiều Cuối Tuần, Nửa Đêm Ngoài Phố, Tầu Đêm Năm Cũ, Bóng Nhỏ Đường Chiều …

Tháng 4 năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù. Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần. Trong một đoạn video phỏng vấn ông, được Trung Tâm Asia phổ biến tại hải ngoại, Trúc Phương cho biết:.
Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rài đây mai đó,’bèo dạt hoa trôi’… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được…đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắc, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả.Tôi nghĩ ra được một cách..là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về….như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…Mà nói anh thương…khổ lắm….Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi ,tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, thế rồi cũng phải nằm thôi.Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát…mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn …Tôi nghĩ mà thôi , còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…

Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến – vẫn theo như lời của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:

“Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân. Thế nhưng xét về mặt tinh thần Trúc Phương đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá.”

Chúng ta ở đây là những người yêu nhạc, trong nước cũng như hải ngoại, bên này cũng như bên kia chiến tuyến. Bởi vì hơn ba mươi ca khúc nổi tiếng của ông cho dù có một hai bài có nhắc đến chữ ‘cộng hoà’ vẫn phải được xem là những tình khúc viết cho những con người không phải cho một chế độ chính trị nào. Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc chiến không lối thoát với niềm khắc khoải chờ mong một ngày thanh bình . Cuối cùng thanh bình đã tới nhưng không phải là thứ thanh bình mà những ‘con tim chân chính’ trong nhạc của Lê Minh Bằng hằng mơ ước mà là thứ thanh bình của giai cấp thống trị, của một thiểu số may mắn nào đó. Chính cái thanh bình ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trong đó có người Việt Nam xấu số đáng thương tên Nguyễn Thiện Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng của chúng ta.

Thôi thì cũng xong một kiếp người! Và dòng đời, tất nhiên, vẫn cứ lạnh lùng và mải miết trôi. Sáng nay, tôi lại chợt nhớ đến Trúc Phương sau khi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn – trên báo Pháp Luật:

Ngày 31-1, một số cán bộ hưu trí, người dân ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc phản ánh cuộc họp mặt đầu năm do phường tổ chức … Ngay phần khai mạc lúc gần 9 giờ sáng, trên nền nhạc hip hop, hai phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải lên nhún nhảy, múa những động tác khêu gợi. Hai thanh niên múa phụ họa. Quan sát đoạn video chúng tôi thấy nhiều cán bộ hào hứng xem tiết mục ‘lạ mắt’ này. Có cán bộ còn dùng điện thoại quay lại cảnh hai cô gái biểu diễn, ưỡn người và ngực về phía khán giả. Nhiều người tham gia rất hào hứng, chỉ trỏ, thì thầm vào tai nhau…

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch phường kiêm Chủ tịch Công đoàn phường … bà Tuyền lý giải: ‘Tiết mục múa chỉ diễn ra gần 3 phút và đây là vũ điệu theo phong cách Hawaii nên hơi lạ…

Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà qúi vị cán bộ cộng sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn … đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Đức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương thì chắc chắn vẫn sẽ còn ở lại với chúng ta, vẫn có những đêm khắc khoải buồn vào hồn không tên, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh – trên một manh chiếu rách – với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.

Mọi cuộc cách mạng luôn luôn có cái giá riêng của nó. Riêng cái thứ cách mạng (thổ tả) của những người cộng sản Việt Nam thì đòi hỏi mọi người đều phải trả cái giá (hơi) quá mắc mà thành quả – xem ra – không có gì, ngoài tội ác!




Nhà Ông Trần và Làng Bè Long Sơn Bà Rịa







Une superbe invention qui change la vie




Hãy giữ phẩm cách...








Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Cuộc tình cuối đời - Tác giả Nguyễn đạt Thịnh



BỮA CƠM TỐI CHÚA NHẬT 29 Tết chỉ có hai món: một con cá hồng chưng tương tầu và một dĩa rau muống xào. Rau xào bằng loại chảo không dính để tránh dùng dầu ăn. Dĩa rau nhỏ hơn nhưng lại mắc hơn dĩa cá, vì mâm cơm dọn ở thành phố Biloxi vào một đêm đông.

Tiết trời tháng Hai dương lịch đã lạnh khiến rau muống phải nhập cảng từ Mễ vào.

Khí hậu giải thích giá rau mắc, và vị trí của Biloxi giải thích giá cá rẻ. Nằm trên Vịnh Mễ Tây Cơ, Biloxi là thị trấn định cư của hàng ngàn ngư phủ Việt Nam.

Con cá Hồng 3 pao giá một đồng.

Cá phải mua vì cửa biển đã đóng từ tuần trước, khi giới chức dưỡng ngư quyết định thời điểm chấm dứt mùa đánh tôm.

Mùa tôm kéo dài 5 tháng mỗi năm; 7 tháng còn lại để tôm sanh sản và lớn đến mức 50 con cân nặng một pao thì cửa biển lại mở để ngư phủ hành nghề.

Ngư phủ Việt Nam, quen sống giữa Thái Bình Dương hùng vĩ, mênh mông, không gọi Vịnh Mễ Tây Cơ là biển, mà coi nó như một cái hồ.

Ngày đầu mùa tôm là ngày mở cửa hồ.

Cửa hồ đã mở rồi thì cá chỉ có nước đổ đi.

Bốn trăm chiếc tầu cào, mỗi hai tiếng đồng hồ kéo lưới lên một lần, mỗi lần mỗi lưới vét từ đáy biển khoảng trên một tấn hải sản đủ loại, trong số đó tôm –loại bán được– ít nhất, và cá –loại không ai mua– nhiều nhất.

Mỗi 24 tiếng đồng hồ 400 chiếc tầu cào đổ xuống biển 5,000 tấn cá. Con số này không khuếch đại, và đã từng làm nhiều người có óc doanh thương và biết nghề làm nước mắm tiếc hùi hụi.

Mỗi lần tầu kéo lưới hàng ngàn con hải âu ồn ào bay theo, lượn quanh chờ ngư phủ cào cá xuống biển là xà sát mặt nước dùng mỏ gắp cá chết bay lên.

Hàng vạn con cá sống cũng lội theo tầu tìm ăn cá chết.
Sinh hoạt nhộn nhịp trên cả ba tầng cao độ: trên không, trên và dưới mặt biển.

Hải âu và cá tuy nhiều nhưng nguồn thực phẩm đổ đi lại quá thừa thãi, ăn không kịp, nên thông thường ngư phủ vẫn phải lưới trở lại những con cá chết đã bị lưới ít nhất là một lần.

Một vài ngư phủ bợm nhậu đã chế ra cách câu hải âu để đánh tiết canh. Họ móc mồi cá vào lưỡi câu rồi thả xuống nước.

Sức tầu xê dịch kéo con cá mồi nổi trên mặt nước, thu hút sự chú ý của hải âu. Chim xà xuống biển ăn cá, mắc câu, bay bổng lên trông giống như một con diều lộng gió.

Anh bợm nhậu kéo diều xuống, cắt cổ lấy tiết rồi ném con chim xuống biển.

Việc câu chim làm mồi nhậu sau này bị cấm đoán vì ngư phủ Mỹ vớt trúng những xác hải âu đã tố cáo với cốt gạc (coast guard/tuần dương ven biển) là việc giết chim làm tiết canh vô nhân đạo hơn việc giết cá, giết tôm đóng hộp.

Người Mỹ văn minh quý sinh mạng con chim, con chó, hơn sinh mạng người dân Palestine nhiều.

Trên bàn ăn chỉ có hai người:  ông Chương và bà Thủy, cả hai tròm trèm 70.

Bà Thủy khéo léo lách lưỡi dao bàn theo lườn xương cá, cắt ra nguyên thớ phi lê dài trên một tấc. Cách bà cầm nĩa, cầm dao bàn, cho thấy bà đã được giảng dạy những điều lịch sự trên bàn ăn, và cũng đã nhiều lần ăn theo lối tây phương.

“Anh dùng miếng nạc này đi”. Giọng người đàn bà Hà Nội nghe ngọt hơn thớ cá chưng tương hoisin. Ông Chương chưa ăn cá, ông cũng không uống rượu, nhưng đang ngây ngất say men tình. Dùng đũa sắn đôi thỏi phi lê, ông gắp phần đầu vào chén cơm của bà, phần đuôi ông bỏ vào chén cho mình.

“Ăn cá, ăn rau lành mạnh như thế này là mình dư sức thọ trăm tuổi”. Ông nói để khen cái quyết định ăn uống thanh đạm mà bà đã chọn, ăn chỉ vừa đủ để bồi dưỡng theo đúng nhu cầu của cơ thể chứ không ăn cho đã miệng để rồi tự tử bằng thực phẩm.

Ông còn muốn nói thêm là bữa ăn không thịt, không dầu mỡ, nhưng vẫn ngon là nhờ tài nấu nướng khéo léo của bà, nhưng không nói vì e ly chè ngợi khen quá ngọt sẽ khó nuốt.
Điều chính ông muốn nói là ông muốn sống trăm tuổi với bà.
Năm ngoái ông không yêu đời đến mức ao ước thọ trăm tuổi.

Dù tương đối khỏe mạnh, nhưng ông không thấy chuỗi ngày mùa đông thê thảm của cuộc đời cám dỗ gì lắm.

Nhưng từ mấy tháng nay, từ ngày gặp bà Thủy, cuộc sống trở thành dễ thương hơn. Ong biết những thay đổi đó là nhờ bà.

Bà thường ngượng nghịu mỗi khi ông khen quá lời, nhưng ông vẫn thèm khen. Nhiều lần ông đã biện bạch là lời ông khen chỉ nói lên một sự thật hiển nhiên, và dù ông có khen bà nhiều hơn nữa, ngôn từ ông dùng vẫn chưa diễn tả được một nửa ý ông.

Ông Chương yêu bà Thủy.

Yêu thật chứ không phải thương, quý, hay trọng gì cả.

Ông có trọng cái tư cách nghiêm trang, đài các, có thương cái nết đằm thắm, dịu dàng, có quý cái đức đảm đang, cần kiệm của bà, nhưng tất cả những thứ đó đều đi sau chữ “yêu” nồng nàn, say đắm.

Ông yêu bà vì cái thể xác tuyệt mỹ, cái duyên kín đáo của bà; ông say đắm hưởng những phút khoái lạc dục tình ông tưởng đã vĩnh viễn mất đi sau tuổi thất thập.

Tết này, ngày mốt, ông đúng 70. Cả hai ông bà vẫn tráng kiện.

Họ biết giữ gìn sức khỏe.

Ngoài việc ăn uống thanh đạm, họ còn tập thể dục.

Mỗi buổi chiều, họ sóng vai chạy trên bãi biển suốt nửa tiếng đồng hồ. Vào mùa ấm, họ còn bơi lội nữa.

BÀ THỦY 66. Bà sinh năm 1936, năm năm trước ngày Tây thuộc địa bị Nhật quân phiệt hạ bệ tại Việt Nam. Những năm đó, những thập niên đó, làn gió Tây học bắt đầu rụt rè thổi vào mảnh đất có bờ biển mang hình dạng một chữ ét xì dài 2,500 kí lô mét, vô cùng trù phú mà cũng vô cùng hiền lành.
Nhiễm gió tây học, người Việt Nam bị trị bắt đầu nhìn những ông Tây, những bà đầm ăn, ở sang trọng, hưởng thụ thừa mứa, bóc lột thẳng tay, mà còn làm mưa, làm gió trên quê hương họ, như những ngoại nhân tiếm quyền và bạo ngược.
Cụ thân sinh ra bà Thủy là một thầy phán tòa toàn quyền Pháp tại Hà Nội. Mặc dù làm thông phán cho bộ máy cai trị của thực dân, nhưng học thức cũng vẫn khiến cụ Phán có tư tưởng chống Pháp.

Cụ bí mật đọc những tài liệu cách mạng, bí mật đóng góp giúp tài trợ phong trào Việt Nam Quốc Dân Đảng mà cụ vô cùng thán phục vị Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học và những đảng viên anh hùng đã dũng mãnh ngay cả trong phút bước lên đoạn đầu đài.

Cụ Phán cũng họ Nguyễn, cùng họ với vị anh hùng chống Pháp.

Lòng kính phục của cụ đối với Nguyễn Thái Học khiến cụ mượn chữ “Thái” trong tên ông làm chữ lót cho tên cô con gái đầu lòng:

Cô bé Nguyễn-Thị-Thái-Thủy.

Mặc dù chưa bỏ được chữ “Thị” tiềm ẩn kỳ thị nam nữ, nhưng cái tên dài 4 chữ cũng đã là chỉ dấu văn minh của một ông bố thông phán 66 năm về trước.

Cụ Phán văn minh?

Nhưng cụ chỉ thụ động hưởng ứng cuộc cách mạng dân tộc? Cụ vẫn chưa vượt được chữ “Thị” kỳ thị?

Tất cả những điều đó không còn quan hệ nữa. Trăm điều của thế kỷ trước đã trở thành lịch sử.

Tất cả đã sang trang.

Người Việt quảng đại đã tha thứ, không còn hận Tây, không còn thù Nhật nữa.

Ngay cả bà Thái Thủy, con gái rượu của cụ Phán cũng đã thành một bà cụ, và cũng đang sắp sang trang. Trang giấy ghi chép mọi diễn biến của cuộc đời nhiều gian truân đang ở những giòng chữ cuối cùng.

Thế hệ bà Thủy sống là thế hệ lắm diễn biến.

Thế hệ trước, song thân bà không gặp nhiều đổi thay đến như vậy. Diễn biến cũng không quá nhiều đối với thế hệ con bà.

Mọi điều vật đổi sao dời đều chờ cho đến thế hệ của bà để xẩy ra.

Dù chỉ kể những diễn biến lớn của đất nước, bà Thái Thủy cũng đã chứng kiến 4 năm “xuống chó” của thực dân Pháp, song song với cái thế “lên voi” của những ông lính Nhật quấn xà cạp bó ống quần, đeo vừa gươm dài, vừa súng ngắn trên thắt lưng.

Sau 4 năm bạo ngược, mổ bụng người ăn vụng vì quá đói, chặt tay người ăn trộm vì quá nghèo, và tạo ra nạn đói giết hai triệu người Việt Nam, quân đội Nhật hát bài Xây O Na Ra với giấc mộng Đại Á.

Họ nói là họ đến Việt Nam để giải phóng nước Việt ra khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Họ không nói đến cái ách đô hộ khác, cũng nặng nề, tàn bạo không kém ách cũ, mà họ đem từ Đông Kinh sang để lại tròng lên cổ người Việt.

Họ đi trước Việt Cộng trong sáng kiến gọi việc đổi gông là giải phóng. Thất trận, họ đầu hàng.

Bé Thái Thủy, 10 tuổi, theo bố ra Công Trường Ba Đình chứng kiến cảnh Bác mang râu, đội mão tuyên bố Việt Nam độc lập.

Cụ Phán đã khóc vì mừng và vì xúc đọng trước những danh từ to lớn và mới toanh, nói lên niềm thèm khát chân chính của cả một dân tộc.

Ngôn ngữ quả là một khoa học chính xác, được cộng sản đem áp dụng lần đầu tiên trên dân tộc Việt Nam.

Trước đó Tây thực dân không thấy, và Nhật quân phiệt không có nhu cầu vận dụng xúc động của người Việt. Hơn nữa cả hai cùng không biết tuyên truyền là thứ khí giới mới nhưng vô cùng lợi hại của chiến tranh.

Những danh từ “độc lập”, “cơm áo”, “chủ quyền quốc gia”, ” tự do”, “hạnh phúc”, … đánh vào từng giây thần kinh căng cứng của người Việt, tạo ra những phản tác như giây đàn tạo ra âm thanh.

Cả nước cùng khóc với cụ Phán, cả nước cùng xúc động vì được Bác lừa. Bác tiếp tục dùng ngôn ngữ đánh lận 30 triệu người Việt Nam để họ đem thân xác ra làm chiến lũy bảo vệ cho chủ nghĩa cộng sản trong lúc họ tưởng họ chiến đấu để giải phóng dân tộc.

Cụ Phán trở thành một cán bộ cộng sản.

Học thức giúp cụ thâu nhận nhanh chóng những tư tưởng mới, những kỹ thuật, chiến thuật mới để chỉ huy những người chậm thu nhận hơn. Cụ vắng nhà suốt 5 năm để kháng chiến chống Pháp.

Năm 1951 cụ trở về Hà Nội.

Kiến thức giúp cụ nhận ra chân tướng của Việt Cộng mặc dù vào thời điểm đó chúng còn trá hình dưới bộ mặt Việt Minh.
Cụ ghê tởm cộng sản hơn là ghê tởm thực dân. Cả thực dân lẫn cộng sản đều bóc lột, nhưng cộng sản vô luân hơn vì chúng còn lừa gạt và giết người.

Về thành, cụ buôn bán nuôi con, tạm gác việc nước mà cụ không có môi trường gánh vác nữa.

Năm 1954 cô thiếu nữ 18 Nguyễn Thị Thái Thủy theo bố mẹ và một triệu người Bắc Việt thực hiện cuộc bỏ phiếu bằng chân lần đầu tiên trong chiến sử Việt Nam để quyết liệt bầy tỏ thái độ chính trị chống cộng. Họ bỏ lại sau lưng mồ mả tổ tiên, nhà cửa, tài sản, để chọn tự do.

Năm 1957, cô sinh viên luật khoa 21 tuổi nhận lời cầu hôn của Hải Quân Thiếu Úy Trần Đại Dương.

Bỏ học cô theo chồng ra Nha Trang để bắt đầu cuộc sống vợ lính trong trại gia binh.

Cô chứng kiến đầy đủ những khó khăn khiếp đảm, những hy sinh, những cố gắng tuyệt vời của người lính Nam Việt trong suốt 21 năm chiến đấu bảo vệ quê hương.

Ngày cuối cùng của cuộc chiến Đại Tá Trần Đại Dương chỉ huy một đoàn 4 chiếc chiến hạm rời căn cứ Hải Quân Cần Thơ, xuôi giòng Hậu Giang rút ra đại dương chở theo 756 trong số hai triệu cử tri tham dự cuộc bỏ phiếu bằng chân lần thứ nhì.

Trang giấy ghi chép cuộc đời người đàn bà sinh ra và lớn lên giữa “thủa trời đất nổi cơn gió bụi” mang nhiều trân chuyên chồng chất, chi chít.

Mất nước, người lính biển anh hùng mang cái tên tiền định Trần Đại Dương vẫn ngày ngày đè gió, cỡi sóng, vượt biển, nhưng ông không tuần phòng duyên hải ngăn cấm địch quân xâm nhập nữa.   

Ông trở thành một ngư phủ.

Môi trường sinh hoạt vẫn là sóng cao, biển cả, nhưng người lính thất trận không còn bao giờ tìm lại được những phút vui hồn nhiên ngày xưa. Ông lơ là với mọi việc, kể cả việc giáo dục, hướng dẫn con cái trên đường học vấn.
Gánh nặng trách nhiệm gia đình ông đặt hết lên đôi vai gầy của vợ. Bà can đảm, tháo vác gây dựng cho đàn con 4 đứa. Đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, cũng có công ăn, việc làm vững vàng.

Sáu năm trước người lính biển Đại Dương qua đời. Bác sĩ ghi trên giấy khai tử là ông chết tự nhiên, không bệnh hoạn gì cả.

Nhưng bà Thủy biết ông bệnh: cái bệnh u buồn, uất ức của một người lính đã làm tất cả những gì sức mình làm được mà vẫn không bảo vệ được đất nước.

Chôn chồng xong, bà tiếp tục lo cho con, trách nhiệm mà bà vẫn gánh vác ngay cả trong lúc ông còn sống.

Bà vui với trách nhiệm, với sự thành công của con cái, và những tưởng trang sổ đời bà đã ghi đến những giòng cuối, với bốn chữ “Tiết Hạnh Khả Phong” đúc bằng bạch kim, lộng trong khung vàng 24 để vinh danh cuộc đời bó tròn, nén vuông của một người đàn bà Việt Nam. Nhưng giờ này, chữ chót trên trang giấy lại là chữ “yêu” đầy trớ trêu khiến bà Thái Thủy nghe ngượng ngùng với gia đình, với con, với người đồng hương trong cái xã hội Việt Nam thích miệng tiếng.

BÀ THỦY ngượng vì tính chất muộn màng của cuộc tình cuối đời. Tuy nhiên bà vững vàng và chân thành tin tưởng tình yêu giữa bà và ông Chương đích thực là tình yêu chứ không phải là một cuộc sống chung để đỡ đần, an ủi nhau trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.

Nhiều người đàn bà trang lứa với bà đã hành động như vậy. Vài năm sau khi chôn cất người bạn đời, họ tìm một người bạn cuối đời, để trốn cái quạnh hiu, lạnh lẽo của những năm empty nest ảm đạm: con chim trống gẫy cánh, đàn chim con bay xa, xây dựng tổ riêng của chúng, bỏ quên bà đối diện với những buổi chiều dài vô tận.

Bà Thủy không chóa mắt với cái “cấp bằng” tiết hạnh khả phong của xã hội, nhưng bà cũng không coi nhẹ việc bước thêm một bước nữa. Bà đã diện bích trong suốt 6 năm dài. Bà sợ cái trống vắng, cô quạnh của người đàn bà góa Việt Nam, quen lấy cuộc sống gia đình làm căn bản, và đặt nhẹ, nếu không hoàn toàn gạt bỏ, mọi sinh hoạt bên ngoài ngưỡng cửa.

Giờ này, không còn cuộc sống gia đình, họ không còn bất cứ một bận rộn, một bận tâm nào khác nữa. Họ mất căn bản, giao động và thèm một ràng buộc có tác dụng tạo thăng bằng.

Khoảng thời gian khắc nghiệt nhất là 4 tiếng đồng hồ giữa bữa ăn chiều và giờ đi ngủ. Bốn tiếng đồng hồ đó bà không nói một tiếng nào, không có ai để nói.

Bà ngồi yên trên ghế, tắt truyền hình, tắt đèn lớn và cam phận im lặng. Tất cả, từ ngoại vi đến nội tâm, đều trống vắng.

Bà xin bác sĩ thuốc ngủ, hy vọng kéo dài giấc ngủ, kéo dài thời gian vô tri giác, để chạy trốn cô quạnh.

Yếu tố giúp bà còn chịu đựng được với cô quạnh là bà vô cùng quan tâm đến cảm giác của các con trước giả thuyết bà lập lại gia đình. Bà có thể có chồng khác, nhưng, bà biết, chúng không bao giờ hình dung được, không bao giờ chấp nhận được sự hiện diện của người đàn ông thứ nhì trong đời bà với ngôi vị của cha chúng ngày trước.

Bốn đứa con của bà Thái Thủy, 3 trai, một gái, đều là những con chim trưởng thành, đủ lông, đủ cánh, rời tổ, và vỗ cánh bay thật xa. Chúng vô cùng hiếu thảo, vô cùng thương yêu mẹ, nhưng chắc chắn chúng sẽ ngạc nhiên nếu có người nói cho chúng biết là bà cô quạnh đến mức không thể nào chịu đựng lâu hơn được nữa.

Thằng lớn, thằng Châu, làm bác sĩ giải phẫu tại San Francisco, thằng thứ nhì, thằng Đức, làm giáo sư tại U.Mass/Boston; đứa thứ ba, con Oanh, dạy cùng trường với thằng Đức, và đứa út, thằng Hoàng, một khoa học gia không gian, làm việc tại Texas.

Bà Thủy chưa có cháu.

Nàng dâu độc nhất của bà là bác sĩ Agatha Trần, người Anh, vợ của giáo sư thạc sĩ Đức.

Thằng Châu đang đính hôn với cô Lý Lệ Bông, nhà vô địch trợt tuyết của Trung Cộng.

Con Oanh thương một nhà thơ Nhật, thi sĩ Satoru, chuyên viết bình luận cho tờ Boston Globe.

Thằng Hoàng đầu để trên Hỏa Tinh, chân không chạm đất, và chưa bao giờ nhận ra là trên mặt quả cầu còn có phái nữ mà nó có thể cưới làm vợ. Nó tính toán chính xác từng phút khoảng thời gian cần thiết để một chiếc vệ tinh bay từ Texas đến quỷ đạo của Hỏa Tinh, ngôi tinh tú mà nó đang là một trong những khoa học gia phụ trách chương trình nghiên cứu. Nhưng nó sẽ phải mở sổ ra coi nếu có ai hỏi số tiền nó đang có trong chương mục ngân hàng, hoặc số điện thoại của mẹ.

Bà Thủy không có một khó khăn nhỏ nào trong những liên hệ với các con, với cô dâu Ăng Lê, cô dâu tương lai Trung Cộng và cậu rể tương lai Phú Sĩ Sơn. Bẩy người này đều yêu thương bà và mỗi năm 4 lần biểu lộ tình thương bằng những lời chúc tụng và quà cáp qua 4 dịp: Sinh nhật bà, ngày Từ mẫu, ngày Giáng Sinh và ngày Tết âm lịch.

Không có những khó khăn nhỏ, nhưng bà đang dấu một khó khăn lớn: cuộc tình cuối đời của bà.

Bà van vái cuộc tình này không chạm vào những cảm quan căn bản của con, và gây cho chúng những xúc động quá đáng.

Bà tự hiểu thái độ không vui của chúng sẽ là cái giá mà bà không nhận trả để tiếp tục duy trì cuộc tình mà bà vô cùng trân quý.

Đó là trở ngại duy nhất.

“Anh xơi lưng bát nữa”, bà Thủy mời, mặc dù bà biết ông Chương không ăn nữa. Mỗi bữa ông chỉ ăn hai chén cơm. Thêm một chén rau và một pao cá nữa cũng vừa no. Giá sinh hoạt tại thành phố Biloxi rất rẻ. Hai người ăn uống đầy đủ cũng không tốn kém nhiều hơn mười đồng mỗi ngày. Tiền hưu trí của họ thừa thãi bảo đảm cho họ một cuộc sống vô lo cho đến miên viễn.

Ông Chương không hút thuốc, không uống rượu. Số tiền phung phí duy nhất của ông là $600 tiền mướn căn phố số 913, mười sáu tầng thấp hơn căn phố số 2513 mà ông đang ngồi ăn cơm.

Cả tháng ông không về đến phòng ông một lần. Quần áo, giấy tờ của ông, ông để cả trên này. Thơ từ ông nhận qua thùng thơ.

Tất cả những gì trong hai cuộc đời đều đã bỏ chung vào một, trừ chương mục ngân hàng và hai căn phố. Họ tránh không đả động đến chuyện này, cũng như chưa bao giờ họ đề cập đến việc hợp thức hóa liên hệ đã 99 phần trăm mang tính chất vợ chồng của họ.

Phần trăm còn lại là công bố liên hệ tình cảm của họ với 4 đứa con bà.

“Để em gọt xoài anh dùng tráng miệng”, giọng người đàn bà Hà Nội lần này ngọt hơn miếng xoài ông Chương chưa ăn.
Bà vói tay định lấy quả xoài trong cái làn mây nhỏ đựng trái cây đặt trên đầu bàn thi chuông điện thoại reo. Cánh tay bà ngừng đứng. Khuôn mặt ông nghiêm trọng.

“Chắc mấy đứa nhỏ”, bà vừa nói vừa đứng dạy đi lại tủ sách, trên mặt tủ chiếc điện thoại đang reo đến tiếng thứ ba.
Bà Thủy vừa cất tiếng là Oanh reo lên, “Mommy. I miss you”, tiếng nàng rõ đến mức ngồi khá xa ông Chương vẫn nghe rõ. “Ngày mai con về ăn tết với Mommy”.

“Con đi hãng máy bay nào? Mấy giờ tới để má đi rước”.

“Con take American Airlines, flight 107. Arrival time at Gulf Port Airport là 11:15. Nhưng má đừng rước, con có rent-a-car included trong package rồi”.

“Satoru có về với con không?”

“He has no vacation. Con về một mình. Nó muốn join con lắm, nó thích cái giao thừa tradition của mình. Nó xuống rước con ngày week end.”

Bà Thủy cười vì cách nói tiếng Việt ba rọi của cô con gái cưng. “Mai má làm món mắm thái thịt luộc cho con ăn.”
“Con thích ăn mắm. Cảm ơn má nhớ món preferred của con. See you tomorrow”.

Mặc dù ngôn ngữ pha trộn nhưng cuộc điện đàm ngắn vẫn chuyên chở đầy đủ tình cô con gái thương mẹ.

Oanh chào đời tại Biloxi, một năm sau ngày mất nước. Nói theo ngôn từ của dân chài thì nàng sanh dưới nước. Ba chữ này có nghĩa là Oanh là con của một ngư phủ, sanh ra để trở thành ngư phủ.

Đặt ống nói xuống, bà Thủy bảo ông Chương điều ông đã nghe, và đã đoán hiểu, “Ngày mai con Oanh về ăn tết với
em”.

“Mừng em. Anh biết em nhớ con”, ông Chương nói mừng nhưng giọng ông không nghe mừng.

Bà Thủy nhận ra ngay và hiểu nguyên nhân nỗi buồn của ông: ông sẽ cô độc trong những ngày đầu năm.

“Con Oanh chỉ ở đây vài ngày”, bà an ủi ông. “Cuối tuần thằng Satoru xuống đón nó”.

“Con về thăm em là chuyện vui. Anh mừng cho em. Sáng sớm mai anh dọn xuống dưới cho rộng chỗ”. Ông làm như chỉ vì thiếu chỗ mà ông nhường chỗ cho Oanh. Nhưng dĩ nhiên lý do ông dọn ra không phải là nhu cầu khoảng trống.

Căn phố 2513 hai phòng.

Hai ông bà chỉ xử dụng có một phòng, phòng kia là phòng vãng lai vẫn luôn luôn bỏ trống.

Ngoài giường ngủ, bà Thủy còn kê thêm bộ computer để tối tối liên lạc email với con.

Điều trớ trêu là khách xử dụng phòng vãng lai lại không ai khác hơn là các con bà, do đó, hễ có khách là không thể có ông Chương.

Ít nhất tình trạng đó cũng sẽ còn kéo dài đến ngày nào bà nói được với con việc tái giá.

Ông Chương xuống căn 913 để nhường chỗ cho Oanh.
Nhu cầu nhường nhịn có thật, nhưng chỗ nhường không phải là trong không gian mà là trên tình cảm. Oanh không chiếm chỗ của ông trong căn phố, chỗ cô chiếm là trong tình cảm của bà mẹ.

“Xin anh đừng buồn”, bà Thủy bảo ông. “Nhường cho con vài ngày rồi nó lại trở về Boston”.

Ông cười gượng, “Sao anh lại buồn? Anh hiểu nỗi khổ tâm của em. Anh yêu em”.

Buớc nhanh xuống, không đóng cửa xe, cô “Mỹ con” ôm chầm lấy mẹ hôn dài. “I miss you, Mommy”

“Má thương con”, câu trả lời điềm đạm hơn nhưng không kém thắm thiết.

Oanh buông mẹ ra, “Để con đem baggage xuống”. Câu nói, nụ hôn, và cái ôm không có gạch nối và dường như tự động, dễ dàng diễn ra. Người bàng quang có thể cho là Oanh hơi máy móc, nhưng bà Thủy vẫn nhận đủ hơi ấm tình mẹ con.
Bà không đòi hỏi nhiều hơn nữa.

“Bỏ hành lý xuống đây, mẹ kéo lên lầu trước, con đem xe cất vào nhà xe rồi lên sau”. Bà đã quen thuộc đến mức không nhận ra thái độ và ngôn ngữ rất ít Việt Nam của con. Bà tự an ủi là cái vỏ lai căng đó không quan hệ ngày nào nó vẫn còn gói ghém tình thương của con cái.

Oanh Mỹ hóa từ từ, từng ngày một, trước cập mắt chứng kiến và chấp nhận của bà. Bà thụ động chịu thua cuộc trong cuộc tranh chấp văn hóa mà đối tượng là các con bà.

Thế lực tranh chấp với bà quá mạnh.

Trường học, bạn bè, môi trường, truyền thông, … tất cả đều tạo cho các con bà trở thành những người Mỹ.

Ảnh hưởng của bà nhỏ hơn. Nhưng bà thương con, dù nó sống theo bất cứ lối nào. Tình thương của bà hoàn toàn không điều kiện.

Mặc dù phải cất xe, Oanh chỉ chậm hơn mẹ khoảng hai phút.
Trẻ hơn mẹ 41 tuổi, cô nhanh nhẹn, mau mắn hơn rất nhiều. Bước qua ngưỡng cửa, cô hinh hỉnh mũi rồi hỏi mẹ,

“There is no mùi mắm?”

“Mắm thái có nấu đâu mà có mùi”, bà Thủy bảo con. “Chắc con quên rồi, món mắm Thái ăn cặp với thịt heo luộc đó”.

“Ồ, I remember now. Món đó ngon lắm. Satoru nó ưa lắm, lần trước nó ăn ở đây”.

“Con còn ở đây mấy ngày, mẹ nấu những món con vẫn thích cho con ăn”.

“Ơ Boston có Vietnamese restaurant, nhưng nó không biết cook giống mẹ cook đâu. Con thích nhiều món mẹ cook lắm, nhưng con không biết tên để order nhà hàng”.

“Mẹ biết con thích những món gì”.

Oanh lại ôm mẹ, “I know that you know. Cảm ơn Mommy”.

Lật cổ tay coi đồng hồ cô nói, “Còn sớm quá, mình xuống biển chơi. Con nhớ biển Biloxi”.

Bãi biển nằm ngay trước cao ốc. Qua cửa sổ bà Thủy nhìn giải cát trắng trải dài đến mút tầm mắt bên dưới. Trời lạnh nhưng nắng đẹp. Vài cánh buồm màu sắc rực rỡ đang đẩy những con thuyền thể thao lướt sóng. Những người chơi thuyền chấp nhận cái lạnh của mùa đông. Có thể tiết trời này còn kích thích họ nữa.

Nhưng giá lạnh không kích thích người tản bộ: bờ biển vắng ngắt.

Bất chấp lạnh và vắng, bà Thủy chiều con. “Để mẹ mặc thêm cái áo ấm rồi mình đi”, bà bảo con.

Nhưng Oanh định dạo biển như bà tưởng. Vào thang máy nàng không nhấn L đề xuống lobby mà lại nhấn P.2 để thang ngừng ở nhà xe.

“Con đi dạo biển bằng xe à?” giọng bà Thủy hơi ngạc nhiên.

“Con xuống bến tầu South East. Con muốn nhìn lại cảnh cầu tầu”.

South East là tên một hãng hải sản. Những hãng này thường làm một cầu tầu bằng gỗ dài khoảng 30 thước, đủ cho chiều dài của hai chiếc tầu đậu cặp mỗi bên.

Tầu đậu cặp đôi, và đậu cả hai bên cầu nên thường xuyên có tám chiếc buộc đỏi tại đó.

Liên hệ giữa chủ hãng hải sản và chủ tầu là liên hệ thương mại. Mặc dù không bị ràng buộc bởi khế ước hay khẩu ước, nhưng tầu đậu cầu nào, bán tôm cho hãng hải sản đó, và nếu hãng có cây dầu, nhà máy làm nước đá tầu cũng đổ dầu, mua đá tại hãng.

Không chủ tầu nào vi phạm khế ước ngầm này. Đi biển về, họ lái tầu thẳng vào cái ụ quen thuộc, buộc đỏi, đem tôm lên hãng cân bán. Giá tôm, giá dầu, và giá đá được toàn thể chủ hãng hải sản ấn định và đồng loạt thi hành nên không có chênh lệch giá cả tạo ra tranh thương.

Ông Đại Dương đậu chiếc ngư thuyền Thái Thủy tại bến South East. Bà Thủy thường dẫn con xuống cầu tầu đón chồng mỗi lần ông về bến.

Trước khi về ông luôn luôn báo tin trước. Tình yêu vợ và thói quen sinh hoạt quân sự tạo cho ông cái nhu cầu liên lạc vô tuyến giữa chiếc ngư thuyền đang lênh đênh trên mặt biển và gia đình ông trên bờ.

Ông đặt một máy vô tuyến ở nhà. Máy trên tầu thường xuyên mở vì nhu cầu hải hành và ngư nghiệp nên bà có thể gọi ông bất cứ lúc nào cần gọi. Nhưng dù không có chuyện gì bà cũng vẫn mở máy liên lạc với ông mỗi ngày 3 lần vào những lúc 8 giờ sáng, 1 giờ trưa và 7 giờ tối. Ông chỉ nói chuyện với con mỗi tối, vì những giờ liên lạc sáng và trưa, chúng còn ở trong trường học.

Gần 20 năm liên lạc vô tuyến với bố vào một thời điểm nhất định đã tạo ra thói quen thân thuộc cho cả 4 đứa con ông, nhất là cho Oanh, cô gái rượu mà ông cưng chiều. Oanh vẫn còn nhớ hình ảnh hùng mạnh của bố, đứng trước mũi ghe, dùng tay ra thủ lệnh cho người “bạn” lái tầu cặp bến.

Khi tầu cập đủ gần cầu, ông ném đầu giây đỏi lên cho Châu để cậu trai trưởng cột tầu.

Chỉ những ngày tầu về bến đúng dịp cuối tuần bà Thủy mới đưa con xuống bến đón chồng.

Ngày thường, bà xuống một mình. Do đó Oanh không nhìn thấy hình ảnh sinh hoạt của bố nhiều bằng nàng nghe giọng ông trên máy. Ông có thể hỏi nàng: Con hiểu phương trình đại số đó chưa? Phương trình ông hỏi là để giải bài toán mà ông đã giảng cho con tối hôm trước, khi Oanh nói với ông là nàng không làm được. 

Ông hỏi từng đứa về chuyện học hành của chúng, và giờ liên lạc truyền tin buổi tối giúp duy trì quan hệ mật thiết giữa người cha lênh đênh trên biển cả và đàn con đang quây quần trên bàn học, quanh cái máy radio. 

“Radio communication là cái military nostalgy chót của ba”, vừa đi với mẹ trên cầu tầu, Oanh vừa hỏi. “Mommy có nghĩ vậy không?”

Điều bà Thủy đang nghĩ là nguyên nhân nào Oanh đưa bà xuống đây để nhắc lại cái kỷ niệm liên lạc vô tuyến ngày trước. Phải chăng cô đã biết mối tình giữa bà và ông
Chương? 

Chiếc ngư thuyền Thái Thủy cột đỏi ở cuối cầu. Chủ mới cũng là một ngư phủ Việt Nam. Có thể vì ngại làm thủ tục đổi tên tầu nên ông ta vẫn giữ nguyên cái tên Thái Thủy.

“The new owner không care vẽ đẹp the boat’s name”, Oanh nhận xét.

Trước kia ông Đại Dương sơn tên vợ lên mũi tầu bằng lối chữ viết thảo, mầu tím trên nền trắng.

Ông giải thích: “Năm 57 anh đem cô nữ sinh mực tím xuống với sinh hoạt của Thái Bình Dương, năm 75 anh lại đem Thái Thủy mực tím xuống Đại Tây Dương”.

Không phải chờ đến việc ông đem tên bà đặt tên cho con tầu ngày đêm cùng ông cỡi sóng, lướt gió bà mới ý thức được tình ông yêu bà vô cùng nồng nàn, bền chặt.

Bà nhận ra tình yêu của ông trong mọi sinh hoạt hàng ngày, từ giọng nói cho đến ánh mắt ông nhìn bà. Nhưng bà Thủy cũng biết là bà chỉ chiếm một phần ba tình cảm của ông.
Ngoài bà, ông còn yêu nước và yêu quân đội.

Gần 30 năm sống lưu vong, bà có dịp nhận ra là quân nhân Mỹ – và có thể quân nhân thuộc mọi quốc gia khác – không yêu nước, yêu quân đội bằng yêu vợ. Bà không thấy họ tha thiết, mải mê với việc phục vụ quân đội, phục vụ đất nước đến mức quên và hy sinh cả vợ, con.

Quân nhân Việt Nam phục vụ như vậy. Nước Mỹ chưa bao giờ mất vào tay quân thù nên bà không có tiêu chuẩn để so sánh tâm trạng của người Mỹ mất nước với tâm trạng của chồng bà.

“Cái tầu looked indestructible”, Oanh nhận xét. “Phải không Mommy?”

“Năm mới qua đây, ba con tự tay đóng lấy đó. Ba con lựa gỗ tốt, đóng dàn sườn kỹ lắm”.

Bà Thủy vẫn phân vân chưa tìm ra nguyên nhân Oanh đưa bà xuống cầu tầu South East. Cô đang nhắc bà là chiếc Thái Thủy còn đó, bà còn đó.

Người không còn nữa là bố cô.

“Sao con lại đưa mẹ xuống đây để nhắc đến ba?” bà hỏi con.
Bà không muốn kéo dài những ngờ vực ngỡ ngàng. Nếu Oanh đã biết chuyện tình của bà với ông Chương, bà muốn cô biết thật đúng, thật rõ tâm trạng và hoàn cảnh của bà.

“You ask me tại sao?” Oanh bật cười. “I don’t know tại sao.
May be tại Tết is reminding me about his Lì Xì”.

Giọng nói, tiếng cười và khuôn mặt chân tình của con lập tức đập tan mọi ngờ vực trong lòng người mẹ.

Bà Thủy biết con bà không có tính nói quanh. Cả 4 đứa cùng không thích quanh co. Chúng xử sự thẳng thắn, minh bạch.

CHỈ TỐI HÔM ĐÓ Oanh chứng minh cho mẹ thấy là bà không nhận xét lầm về tính nết của cô.

Chín giờ tối, sau bửa cơm chiều, dăm cậu chuyện phào, Oanh vào căn phòng vảng lai đả trở thành buồng ngủ của nàng.

Lấy quần áo trong va li ra treo vào tủ áo, nàng chưng hửng nhìn cái áo veste đàn ông trên móc.

Áo của bố ngày xưa?  Oanh cầm chiếc áo lên và tin là không đúng size của bố.

Tò mò nàng thọc tay tìm túi ngoài, túi trong và vật nàng tìm được là một tập cùi ngân phiếu mang tên người chủ chương mục là ông Lý văn Chương.

Chưa suy luận một giây ngắn nào cả, Oanh chạy vội sang buồng mẹ, chìa cuồn ngân phiếu cũ ra hỏi: “Ong Chương nào vậy, Mommy?”

Bà Thủy không nhìn tập ngân phiếu mà nhìn thẳng vào mặt con. Nét ngay thẳng buổi trưa vẫn còn nguyên đó. Khuôn mặt vô tâm chỉ đang biến đổi dần theo thái độ im lặng của mẹ.

“Who ông Chương is, Mommy?” giọng Oanh cấp bách hơn.
“His suit is in my closet”.

“Con ngồi xuống đây, mẹ nói hết cho con nghe”.

Bà Thủy nói hết. Bà nói rất thành thật. Giọng bà nghẹn lại khi bà đề cập đến những buổi tối trống vắng, dài vô tận mà bà đã câm lặng chịu đựng.

Oanh ôm chầm lấy mẹ. “Poor Mommy. I love you.”

“Con có tha thứ cho mẹ không?”

“Who am I to accuse you? Mommy”. Oanh nói. “I love you.
I now love you much more than before you told me about your loneliness.”

NỬA ĐÊM, 

Bà Thủy cúng giao thừa một mình. Ngày còn nhỏ Oanh rất thích thức khuya chờ xem mẹ cúng.

Đêm nay cửa phòng nàng đóng chặt. Bà Thủy nghe văng vẳng có tiếng nàng nói. Bà nghĩ Oanh điện thoại cho anh, em cô về chuyện tình của mẹ mà nàng vừa biết.

Bà cũng điện thoại. Giọng thì thào bà bảo ông Chương: “Con nó biết rồi. Em cũng đã nói hết mọi điều cho nó nghe. Anh biết tại sao nó biết không?” Bà kể cho ông nghe chuyện cái áo ông bỏ quên trên móc.

“Anh xin lỗi em”, tiếng ông Chương thoang thoảng như tiếng gió ngoài Vịnh Mễ Tây Cơ. “Anh vô ý quá.”

“Việc đã rồi. Vả lại em cũng không có ý dấu con mãi mãi.”

“Anh muốn có mặt bên em trong lúc này. Anh muốn ôm em vào lòng, muốn hôn em để cùng chia những lo lắng của em.”

“Em cũng thèm như vậy lắm”, bà Thủy nói như rít lên. Thèm muốn được tiếng rít diễn tả đầy đủ hơn khả năng hạn hẹp của ngôn ngữ để nói lên cảm giác thật bà đang sống. “Con nó khóa kín cửa buồng lại. Nó đang nói chuyện bằng điện thoại cầm tay của nó. Nhưng nó có thể mở cửa ra bất cứ lúc nào.” 

Bà Thủy muốn bà có mặt lúc Oanh mở cửa. Nhưng bà cũng muốn ra thang máy xuống tầng lầu 9 tìm người yêu.

TRONG BỮA CƠM TRƯA mồng một tết Oanh nói với mẹ: “Please invite ông Chương to our dinner tonight at nhà hàng Michell, Mommy.”

Bà Thủy vui mừng nhưng không muốn tỏ ra cho con thấy.

“Cảm ơn con,” bà vừa nói vừa nhìn con. “Mẹ sẽ mời ổng.”

“You are very welcome, Mommy.”

Câu nói nghe khách sáo nhưng bà Thủy tin là Oanh xúc động nhiều hơn vẻ lịch sự bên ngoài.

Oanh nói tiếp: “Dinner lúc 8 giờ. Con tới đó trước. You come later with ông Chương.”

“Sao con không cùng đi?”

“I’m the host, Oanh nói. “I want to be there trước để lo that every thing is right.”

Bà Thủy cười vì cái cung cách ngoại lai của con. “Mẹ mày”, bà chửi yêu.

Người đàn bà trẻ bị Mỹ hóa vẫn hiểu cái nghĩa âu yếm của tiếng chửi. “I love you, Mommy”, Oanh vừa nói vừa hôn mẹ.
“ANH HÌNH DUNG thử thái độ của Oanh sẽ như thế nào?”

Giọng bà Thủy lo lắng.

Xe đã vào đến bãi đậu của nhà hàng, ông Chương cẩn thận lui vào khoảng trống giữa hai cái xe đã đậu trước. “Anh nghĩ Oanh nó sẽ không phản đối.

Nó mời anh ăn Tết là chỉ dấu tốt.” Ông Chương nói cứng để người yêu vững bụng. Giọng ông không phản ánh nội dung câu nói.

Bà Thủy bám ngay vào cái phao lạc quan này: “Em van vái là con nó đừng buồn. Nó buồn, nó khổ, chắc em chết mất. Em thương nó lắm.”

Ông Chương đưa tay choàng ngang lưng bà. Ông dìu bà, và bà yếu đuối dựa vào vòng tay dìu dặt của ông. Cánh cửa tự động của nhà hàng mở rộng đón mời họ. Người quản lý đứng sẵn, có vẻ đang chờ họ. Trịnh trọng đưa tay trong cử chỉ hướng dẫn, ông ta nói: “Xin mời ông bà đi thẳng vào phòng ăn riêng,” vừa nói ông vừa lăng xăng đi trước mở cửa.

Ông Chương nghe cơ thể người yêu run rẩy trong vòng tay ông. Bà hồi hộp. Vòng tay nâng đỡ siết lại chặt chẽ hơn, cam kết hơn.

Bản nhạc “Here Comes the Bride” trổi lên, không bằng âm điệu mà qua giọng hợp ca của 7 người trẻ, nam có, nữ có, Việt có, Nhật có, Anh có. Bẩy người đứng thành một hàng ngang, cả bẩy khuôn mặt cùng nghiêm chỉnh như họ đang hát quốc ca.

Bà Thủy chết lặng. Bà lựng khựng không biết phải nói gì, phải làm gì.

Thằng Châu, con trưởng của bà, trang trọng nói: “Chúng con kính chúc má và dượng Chương trăm năm hạnh phúc.”

Mọi người vỗ tay. Ngoài trước cửa nhà hàng một giây pháo 15,000 viên bắt đầu phát nổ. Bà Thủy thầm cảm ơn tràng pháo giúp bà vài phút để dằn cho xúc động lắng xuống. Nếu phải trả lời con ngay lập tức, chắc bà sẽ òa lên khóc vì cảm động. Giây pháo dứt, bà cất tiếng: “Mẹ cảm ơn các con đã đồng ý cho mẹ lập lại cuộc đời. Mẹ không muốn tạo cảnh khó xử cho các con, nhưng quả thực mẹ không chịu nổi những buổi tối cô quạnh quá dài, quá nặng nề…” bà lựng khựng, không tìm được lời để mô tả tâm trạng của mình.

Thằng Hoàng, nhà khoa học gia không gian, lên tiếng: “You don’t need our consent. Mommy vui, con vui.”

Cô dâu Agatha chạy lại nắm tay bà: “Thủy, we are very happy because you are.”

Oanh cầm nĩa gõ lên miệng ly. Sáu người kia tưng bừng gõ theo. Họ đòi cô dâu chú rể hôn nhau. Thủy ngượng nghịu quay lại nhìn Chương. Ông trịnh trọng nói: “Anh yêu em”, rồi quay ra nói chung với mọi người, “Tôi thành thật cảm ơn quý anh quý chị đã nhận tôi vào gia đình của quý anh, quý chị. Tôi hứa làm tất cả những gì trong sức tôi để bảo đảm hạnh phúc trọn khúc cuối cuộc đời của Thủy.”

Cúi xuống ông trang trọng hôn trên môi người yêu. Nụ hôn thật dài mà cũng thật say đắm.