khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Những Gì Chờ Đợi Tổng Thống Hoa Kỳ Thứ 45?







PHẠM THÀNH NÓI VỀ BỐ: PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
















Hải Lý hát Cuối Trời Mây Trắng Bay, nhạc Hoàng Quốc Bảo







Thái Hiền hát Quán Lạ, nhạc Hoàng Quốc Bảo phổ thơ Trần Mộng Tú







Kim Tước hát Người Về Như Bụi, nhạc Hoàng Quốc Bảo phổ thơ Du Tử Lê







Gia Đình Phật Tử Nguyên Thiều biểu tình tại chùa Như Lai ở Denver, Colorado, US







Chương trình trợ giúp thương phế binh VNCH tại VN







LẬT QUA VÀI CUỐN SỬ viết ở Hải ngoại - Tác giả Hạ Long Bụt sĩ



Xưa kia Việt Nam Sử Lược xb 1919 của Trần Trọng Kim là một cuốn sách giáo khoa, dành cho chương trình cấp trung học, đủ mà gọn, đầy tính sư phạm, nhưng không xếp Hai Bà Trưng làm một triều đại, hạ thấp chính triều Mạc có 65 năm trị vì tại Thăng Long ngang với nhóm Lê Trịnh còn trong chiến khu rừng núi, là vài khiếm khuyết mà sử gia sau, Phạm Văn Sơn tác giả Việt Sử Toàn Thư (1960) và  bộ Việt Sử Tân Biên, gồm 7 cuốn, đã vạch ra (xb từ 1956-72).

Sau này, tại hải ngoại, các sử gia khác, như Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương, Tạ Chí Đại Trường, Cao Thế Dung, Vũ Ngự Chiêu, Thuỵ Khuê… đã đóng góp rất nhiều cho bộ môn Sử, chưa kể các tập Hồi Ký lịch sử, rất phong phú, cũng đã phản ảnh được các biến cố cùng hoàn cảnh xã hội VN từ 1945-75- tới nay.
Ba bộ sử lớn trong​   30  năm nay là: 
1-     Nhìn Lại Sử Việt, 5 tập, Tập I (từ Tiền sử đến Tự chủ -2007 ) của Lê Mạnh Hùng, luận giải được đề tài khúc mắc:
· Từ Việt có từ bao giờ, Lạc đổi thành Lạc Việt, rồi Việt Câu Tiễn, rồi Bách Việt, rồi Nam Việt của Triệu Đà có liên hệ ra sao ? Tác giả Lê Mạnh Hùng cho ta biết Lạc ở sông Hồng trở thành Lạc Việt từ khi Mã Viện xâm lăng (tr 123), Mã Viện nhập Lạc vào các bộ tộc Việt đã bị Hán hoá như Điền Việt, Mân Việt với hậu ý rằng Lạc rồi cũng bị Hán hoá như những nhóm Việt kia.  Bộ tộc Lạc đã có văn minh Trống đồng cả 200 năm trước khi Âu Lạc bị sáp nhập vào Hán, tk 5 trước CN, cả 3 nước nam Trường giang là Sở Ngô Việt đã bị Hán diệt và bị Hán hoá hoàn toàn. Sau này do loạn Vương Mãng năm 9-23, dân Hán di sang ta khá đông, kiểm tra dân số đời Tiền Hán (năm 2) và Hậu Hán (năm 140) cho thấy dân số Giao Chỉ tăng nhiều, 981,755 người, đông nhất trong 7 quận Giao châu (tr.269).
· Chiến trận 1946 tại thành phố cảng Hải Phòng  nổ ra 3 lần, do vấn đề tranh chấp kiểm soát thuế vụ. 20/11/1946, 21 và 23-28/11. Đại tá Pháp Dèbes ra lệnh 3 tầu chiến đậu ở sông Cửa Cấm nã súng vào cứ điểm kháng chiến VM, dân chết nhà cháy, dân chạy ra Kiến An, Đồ Sơn. Số dân quân bị chết, theo cuốn Việt Sử Khảo Luận -Hoàng Cơ Thuỵ ghi lại theo nhiều nguồn ( tr.2135 tập 9) :
Tham mưu Pháp cho rằng có 300 người chết.
Việt Minh nói 20,000 người
Tướng Grass 1500 người
Đề đốc Battet trên tầu chỉ huy ngoài khơi nói 6000 người theo lời kể của vài cố đạo Pháp, các vị này cũng chỉ nghe vài giáo dân chạy loạn kể lại.
Con số 6000 người, chúng tôi cho là quá lớn (bằng số chết ở Mậu Thân Huế 1968) khi dân số cả tỉnh Hải phòng khi đó chỉ khoảng 7-8 chục ngàn người, và khó chính xác vì dựa trên lời kể lại 2 lần. (1)
Tác giả Lê Mạnh Hùng trong Nhìn lại Sử Việt-Hiện Đại- 1945-75 (xb 2015-743 trang) : tuần dương hạm Suffren ngoài khơi pháo kích vào khu phố ta khiến cho trên 6000 thường dân bị thương vong. ( tr. 109)
·  Trong Nhìn Lại Sử Việt- Lê Mạnh Hùng xb 2011- cuốn đầu, tác giả viết :Chế độ công xã nguyên thuỷ thịnh hành từ đời Hùng Vương trong xã hội ta, đến thời Khúc Hạo có thể nói là đã cáo chung. (tr.254). Theo đúng quan điểm Mác Xít, trong cuốn Thời Đại Hùng Vương- nhà xb KHXH Hà nội 1973 (2) viết : “ Nghiên cứu thời đại Hùng Vương, còn là nghiên cứu quá trình tan rã cộng đồng nguyên thuỷ và hình thành xã hội có giai cấp đầu tiên trên đất nước ta. Nghiên cứu tốt thời đại này sẽ đóng góp nhiều cho sự hiểu biết về phương thức sản xuất châu Á”. (tr.14)
Theo lối nhìn Duy vật sử quan Mác xít thì tới thời Hùng Vương, đã có tổ chức xã hội, có Lạc Hầu Lạc tướng thì quá trình cộng đồng nguyên thuỷ trước đó đã tan rã chứ không còn thịnh hành nữa.
Dù sao, đi vào mê đạo Mác xít cũng sẽ sai lệch vì phải gò ép diễn trình lịch sử theo một cái khung suy tưởng triết học, sẽ dẫn tiếp tới khâu mâu thuẫn giai cấp, chủ-nô, bóc lột lao động, rồi thoá mạ cả tổ tiên : “Nhưng Vua và Lạc hầu là những kẻ thống trị có có quyền lực lớn nhất. Họ bóc lột dân trong những công xã, bằng cống nạp và lực dịch, đồng thời bóc lột sức lao động của nô lệ.” (Thời Đại Hùng Vương HàNội -tr.145). Mỗi lần ăn bánh dày bánh chưng, đọc chuyện vua cầu hiền cậu bé Gióng lên ba, vua gả công chúa cho Tản Viên, con ông bán dầu… người đọc thấy ngâm ngùi! sao con cháu nỡ lấy ông Do Thái Mác ra mà đấu tố tổ tiên dựng nước ! thuở ấy làm gì có giai cấp, có bóc lột, có nô lệ ! có chăng là Lạc chế, Lạc điền, có bộ lạc, làng xã tổ chức thô sơ phân nhiệm gia đình gia tộc, tay làm hàm nhai, chứ chưa phải là một hệ thống kinh tế có giai cấp được .(2)
Nói chung, bộ Nhìn Lại Sử Việt là một công trình sử học có nhiều điểm mới, tài liệu mới, nhưng chưa hẳn đã khách quan, thí dụ trận Khe Sanh (tập 5 tr. 646) xem YouTube về trận đánh này thì B52 Mỹ dội bom chết 15000 quân VC, cán binh số tan rã số đào ngũ, không còn mở nổi một cuộc tấn công nào vào cứ điểm, nhưng theo tác giả LMH viết thì Bắc Việt muốn đánh lạc hướng, vây Khe Sanh, mà thật ra là nhằm tấn công vào thành thị Tết Mậu Thân, họ đã chuyển 2 trung đoàn vào đánh Huế, như vậy 20,000 quân vây Khe Sanh kia đi đâu, rút hay đã chết ? (xem Battle of Khe Sanh I, II, và III trên Youtube, trận đánh từ tháng 1 tới tháng 4, 1968 mới dứt).
2- Bộ Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thuỵ xb Nam Á (1984-2001 Paris) gồm 15 tập, gần 4000 trang khổ lớn, chữ nhỏ, sau in thành 6 cuốn lớn, ghi nhiều chi tiết lý thú :
-Thiếu tá OSS Patti Mỹ, đứng với Võ nguyên Giáp nghe cử bản Quốc Tế Ca- International Communiste 8/1945 ở HàNội, Patti về Mỹ bị giam vì có nhận vàng hối lộ của Tuần Lễ Vàng VM ( VSKL tr. 2065 -nguồn ảnh Historia số 243-1972 tr.38. )
-12-1949 Tưởng Giới Thạch thua chạy ra Đài Loan, 30,000 quân Tầu QDĐ chạy sang Lạng Sơn, 4000 quân chạy sang Lai Châu, mãi tới 1953 họ mới được đưa đi Đài Loan (tr.2184)
-Trích lại thư viết tay của HCM gửi cho chủ tịch CS Pháp Thorez tháng 8-1946.
-Trích lại việc VMCS trao 20 lượng vàng (từ Tuần Lễ Vàng) cho báo CS Pháp Humanité để viết bài ủng hộ phái đoàn trong hội nghị Fontainebleau (2-7-46) tr.2114-
Là một luật gia, hành nghề tại Sài Gòn từ trước 1945, tác giả chứng kiến và viết kỹ nhất về tình hình Nam bộ từ thời 1940, ông có kiến thức cao và kinh nghiệm luật gia để mổ xẻ các hiệp ước, hiệp định, hội đàm, khoản nào lợi, khoản nào hại cho VN… Riêng về Hội Nghị Genève 1954 ông dành ra 67 trang lớn với đầy đủ chi tiết về lập trường các phe, Quốc, Cộng, Pháp, Tàu, Nga, Mỹ. Theo đó trong hội nghị Berlin tháng 1-2/1954 giữa Mỹ, Anh, Pháp, Nga bàn về Cao Ly, ngoại trưởng Pháp Bidault xin bàn luôn vấn đề Đông Dương, hội nghị đồng ý, sẽ họp tiếp ở Genève 26-4-1954 bàn về cả Cao Ly lẫn Đông Dương. Như vậy không hẳn là vụ Điện Biên Phủ đã đẩy tới hội nghị Genève. ( tr.2566).
Lê Mạnh Hùng mở đầu thời Cận Đại 1945-75 Chương Một : Việt Minh và đảng CS Đông Dương. Tiết 1-1 là HCM và Hoa Kỳ. Mãi tới chương 8 và 11 mới thấy nhắc tới Bảo Đại và chính quyền quốc gia.
Trong khi đó, Hoàng Cơ Thuỵ mở đầu VSKhL tập 9 –Độc Lập Kỳ 3, Chương Duy Nhất : “Từ Hoàng Đế Bảo Đại đến Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ” 11-3-1945/30-8-1945.
Xét theo biên niên thì HCThụy bố cục hợp lý hơn vì Bảo Đại với chính phủ TrầnTrọng Kim mở đầu Độc lập VN cả 6 tháng trước khi VMCS cướp chính quyền.
Xét theo chính sử suốt ngàn năm từ Ngô-Đinh-Lê- Lý-Trần -Lê Sơ-Mạc-Lê Trịnh tới Tây Sơn-Nguyễn, thì ông vua Nguyễn cuối cùng Bảo Đại, vẫn là vị quân chủ đứng đầu nước, chính danh chính vị. Mở đầu thời cận đại với VMCS thiết tưởng không thể hợp lý. (3)
Xem thế ngòi bút của tác giả VSKhảoLuận khởi đi với hồn sử quốc gia dân tộc, không chịu ảnh hưởng của sách báo tả phái Việt, Pháp, Mỹ. (4)
Nhược điểm : bút pháp đôi khi không nghiêm chỉnh: bắn như điên, nổ súng đoành đoành ( tr.2131) viết Sử mà có khi dùng thể văn nói chuyện… Một số thư từ độc giả in vào cuối tập, cũng không  hại gì đến đại thể, lại làm bộ sử sống động hơn với lời bàn, phê phán của các độc giả đương thời, tỷ dụ như thư của cụ Hồ Tá Khanh (bộ  trưởng Kinh tế Chính phủ Trần Trọng Kim) , của tướng Trần Văn Đôn, phản biện của Vương Văn Đông về chính biến 11/1960, góp ý của Bs Trần Văn Tích…
Lỗi in ấn như Hội Đồng An Dân Bắc kỳ 19-5-1947 in sai là 1957 (tr. 2161) có lẽ vì thiếu nhân sự đọc sửa lại (proof reading) và thời ấy, 1984, máy vi tính chữ Việt chưa có và vi tính cũng chưa phổ biến ở Pháp, và cả ở Mỹ.
Ưu điểm : chi tiết tỷ mỉ, tài liệu dồi dào, tập 9-10-11 về thời hiện đại là một đại sự điển các biến cố, một nguồn tham khảo reference không thể thiếu.
Ở hải ngoại, thiếu nhân lực và tài lực, lại rất nhiều tài liệu quốc tế, một mình tác giả khó ôm đồm kho sử liệu phong phú, bộ sử VSKhL của HCThuỵ cả vạn trang nếu in ra khổ thường, bố cục vững nhưng trình bày rườm rà, dù khảo kỹ, luận hay.
3- Bộ Việt Sử Đại Cương của Trần Gia Phụng gồm 7 cuốn (2003-2013) là công trình đứng đắn, đầy đủ tư liệu của một nhà giáo, nhà sử học đã viết 21 tập sách xb từ 1997 tới nay. Cuốn Án Tích CS 2001 được giải thưởng Văn Học của Hội Quốc Tế Y Sĩ VN Tự Do, cuốn Bảo Đại xb 2014 là một thành tựu, ngòi bút khách quan và nhân bản, vẽ rõ chân dung một ông Vua tốt, có lòng có công với đất nước, hơn hẳn Phổ Hy vua cuối nhà Thanh. Tác giả cho ta biết vài khúc bi sử khi Bảo Đại bị họ Ngô truất phế : họ tịch thu tài sản của các bà vợ BĐ, đuổi bà Từ Cung ra khỏi cung An Định (tr.322) là những hành vi tiểu nhân của họ Ngô vốn là quan của triều Nguyễn và do BĐ bổ nhiệm làm Thủ Tướng. Các bài báo của Trần Gia Phụng về họ Mạc ở phương Nam, về Chiêm Thành, về Hội Tam Điểm… là những công trình khảo cứu nghiêm túc đào sâu sử liệu.
Ba bộ Sử trên, của ba sử gia hải ngoại, viết Sử khi đã trên tuổi tri thiên mệnh, là công trình rất đáng quý trọng của trí thức Việt hải ngoại, những bó đuốc thiêng tiếp nối dòng sinh mệnh dân tộc. Nhu cầu còn lại hiện tại là loại sách khảo cứu kinh tế, xã hội học, nhân chủng học, tương lai học, rất hiếm hoi và rất cần thiết cho một VN 90 triệu dân đang trong cơn lốc chuyển hoá.


CHÚ THÍCH
(1)  các giáo chức trường Ngô Quyền Hải Phòng  khi đó như ông bà  gs Sử Địa Tăng Xuân An, thân phụ chúng tôi… dậy học trường Ngô Quyền từ 1928-46, cũng chạy loạn trong biến cố  đó về Kiến An, Quảng Yên. Giống như ở Hà Nội, tự vệ thành đặt ổ kháng chiến trong khu nhà dân phố nên cả thường dân cũng chết lây. Tây bắn thì dân chạy, núp xuống hầm chữ chi sẵn có để tránh bom Đồng Minh ném xuống quân Nhật từ 1942, khó mà Tây bắn chết được hàng ngàn người !
(2)  Do Văn Tân cùng soạn với Nguyễn Đổng Chi, Lê Văn Lan…chúng tôi gạch dưới mấy chữ quan trọng. 
Ít sử gia biết tới  quan điểm Sử của Lý Đông A, vượt Duy tâm Duy Vật, trong tập Việt Sử Thông Luận và Ám Thị Biểu-lưu truyền từ khoảng 1943. Đời Hồng Bàng nằm trong Văn Hoá Kỳ, với văn hoá mới Gậy Thần Sách Ước, quân chủ phân quyền, bình sản, vẽ mình ăn trầu, nhuộm răng, tóc ngắn. Lý Đông A đưa ra lập luận đặc sắc : Hán cai trị Giao Chỉ là Thực quan chứ không phải là Thực dân, cho nên các bộ lạc Việt vẫn được tự trị như Lạc chế xưa, chỉ phải cống hiến  sản vật như quế, ngọc trai, chim trĩ… Đặc biệt LĐA cho rằng sau khi Hai Bà Trưng thất bại, nhóm người thuần tuý Việt do ông Khu Liêm dẫn chạy về Nam lập nên nước Lâm Ấp (vùng Quảng Bình) bảo tồn chủ lực dân tộc cũ. Chính Lâm Ấp đã giúp Mai Hắc Đế dấy nghiệp theo tinh thần Văn Lang ở vùng nay là Nghệ An.
(3)  Trong buổi ra mắt sách ngày 20-2-2016 tại San Jose, CA  tác giả Lê Mạnh Hùng dẫn lời cụ Hoàng Xuân Hãn : “VM họ mạnh thì họ chiếm đoạt trước.” Cụ HXH theo CS, đến cuối đời còn được tặng huân chương như công thần của chế độ. Thực tế thì kẻ mạnh vẫn là kẻ cướp chính quyền sau. Chép Sử cần ghi diễn tiến lớp lang trước sau vậy
(4)  Xem công trình ngoại giao dành độc lập của Bảo Đại qua cuốn Bảo Đại của Trần Gia Phụng- Non Nước Toronto xb 2014.

Lúa ơi - Tác giả Thạch Kiều



Sinh ra sau năm 1975, tôi lớn lên và trưởng thành gắn bó và chứng kiến với bao đổi thay thăng trầm của dân tộc, của làng quê Việt Nam. Tuổi thơ chân đất, da khét nắng, cưỡi trên lưng trâu từ năm lên 6. Tôi cũng như bao đứa trẻ trong làng, 6 tuổi đã bắt đầu đi vào cuộc sống… Cha tôi nghiêm túc giao cho nhiệm vụ: một buổi đi học, một buổi chăn trâu, làm sao đó làm, trâu phải ăn no, không để trâu ăn lúa người ta. Một đứa trẻ vừa mới lớn lên, chưa kịp chơi đùa, chưa kịp thỏa lòng bởi sự cưng chiều, nâng niu của cha mẹ đã bắt đầu nhận vụ nhiệm lao động của gia đình. Ở cái tuổi hồn nhiên, tôi chỉ ngoan ngoãn vâng lời (chẳng biết thoái thác như trẻ con bây giờ đâu).Lần đầu ra đồng chăn trâu thích thật. Một không gian thoáng đãng, tự do nô đùa với bọn trẻ trong làng. Đồ chơi của chúng tôi là bùn, là đất, là nước, là dế mèn, cá rô thia, bóng làm bằng rơm… Chơi đùa chưa thỏa thì đã trưa rồi, chúng tôi giục nhau lùa trâu về, ăn cơm đi học. Ngoảnh lại nhìn, chẳng biết trâu mình ở đâu trong bầy. Mấy đứa lớn cười rồi phỉnh: “Trâu mày đi lạc rồi. Về ba mày đánh cho coi”. Thế là khóc, khóc trong sự hả hê trêu chọc của bọn chúng. Mẹ kịp đến đúng lúc. Mẹ cũng cười rồi xoa đầu tôi, vỗ về.

Trẻ con hiếu động, đêm về mệt, ngủ như chết. Tội nghiệp, sáng tinh mơ cha đã kêu dậy ăn cơm đặng còn dắt trâu ra đồng chăn. Đang còn ngái ngủ, chưa chịu dậy ngay thì cha cầm roi dọa đánh. Mẹ can thiệp cha, rằng “để nó ngủ thêm chút nữa”. Cuộc sống cứ thế ngày ngày trôi qua, không ít lần thấm thía đòn roi của cha vì ngủ nướng, vì ham chơi để trâu ăn lúa người ta, vì bẻ trộm ngô để nướng ăn ngoài đồng… Cha đã rèn cho thói quen dậy sớm, thói quen nghe lời, chịu khó, thói quen không được cãi lại người lớn. Mẹ cũng vài lần khóc khi thấy tôi bị cha đánh. Mẹ xoa dầu những lằn roi, dỗ dành, hứa ngoan sẽ mua cho đôi dép, cây bút máy. Mẹ còn nói: Bác Hồ nói “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.
Lên lớp 2, cha giao thêm nhiệm vụ, đi chăn trâu gánh thêm đôi trạc (quang gánh) để nhặt phân trâu bò về bón ruộng. Mấy đứa trẻ khác cũng như tôi thôi, cũng tìm nhặt phân. Trẻ con bây giờ đâu có biết rằng, chúng tôi ngày ấy quý phân trâu bò lắm, gặp bãi phân trâu bò thì rất mừng, bọn trẻ giành nhau, có khi giận nhau vì bãi phân trâu!
Trâu bò nhiều, cỏ lên không kịp. Ít cỏ, phân trâu bò cũng ít dần. Những buổi không có phân trâu bò để nhặt, bọn trẻ chúng tôi xúm tát nước bắt cá, bắt cua đồng, mò tôm, sò, ốc. Mùa hè thì té nước nhau, ra sông tắm thỏa thích. Mùa đông giá rét thì đốt lá sưởi, đào trộm khoai người ta nướng ăn. Khoai nướng chẳng bao giờ được chín mềm mà lựt sựt, bẻ chia mỗi đứa một miếng, nóng hổi, vừa xuýt xoa thổi, vừa ăn, nhưng mà sao thấy ngon đáo để. Ngon vì vui nhưng cơ bản là vì đói.   
Chưa bao giờ cha hài lòng về tôi. Cha thường phàn nàn vì tôi ham chơi, vì tôi chăn trâu đói, vì tôi không nhặt được nhiều phân trâu bò. Tôi sợ và ghét cha. Hồi ấy tôi không hiểu sao cha ghét mình thế. Lớn lên, biết đọc sách, đầu óc mở mang dần mới hiểu, mới thấy thương cha mẹ, thương mình, thương cho quê hương mình dưới thời bao cấp. Dưới thời bao cấp, nhiều đứa trẻ nông thôn như tôi dường như không có tuổi thơ…
Cha nghiêm khắc với con là vì sợ đói, đói cả nhà. Cha chất phác, lam lũ chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Với cha, chỉ có lao động mới khỏi đói nghèo. Hoàn cảnh và môi trường sống không cho cha nghĩ rộng hơn, nghĩ đến chính sách của nhà cầm quyền. Chính sách nó là thứ vô hình nhưng có thể cứu người hoặc giết người.
Sự khốc liệt của đói nghèo không kém gì sự khốc liệt của chiến tranh. Miền Trung cát trắng, cây lúa ngọn khoai cũng oằn mình lớn lên như con người miền của mảnh đất ấy. Cái xứ chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập này dưới thời bao cấp càng điêu đứng, khốn khổ, điêu linh hơn nơi nào hết. Trẻ con kể từ khi biết cầm đôi đũa là phải biết lao động, phải biết chăn trâu cắt cỏ, nhặt phân, mót lúa, hái rau, kiếm củi... Ăn thì khoai, sắn thay cơm. Người ta nói rằng, không phải cơm độn khoai, sắn mà khoai, sắn độn cơm!
Năm 1988, nghĩa là 13 năm sau ngày “giải phóng”, Bộ Chính trị mới cho ra đời Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10)  “cởi trói” cho nông nghiệp, giao đất lâu dài cho nông dân sản xuất. Từ đây người nông dân mới được thoát cảnh sản xuất tập thể, làm công điểm, cảnh tuốt lúa (hợp tác xã) cố ý quăng ra một mớ lúa chưa tuốt sạch để cuối ngày mót lại vài nắm thóc.
Thoát những cảnh đó, đồng lúa lại xanh tốt, nông dân Việt Nam mới có bát cơm trắng thay cho sắn, ngô, khoai. Lịch sử ngợi ca, tự hào đây là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Lũ học trò học thuộc như những con vẹt. Đứa trẻ năm xưa may mắn thoát khỏi lũy tre làng, không theo nghiệp cầm cuốc bảy đời của gia đình, biết dùng Internet, mới biết rằng điều đó không có gì đáng tự hào, chẳng qua là một cuộc sửa sai. Một ông giáo già nói đùa một câu chơi chữ mà tôi không bao giờ quên được khi nghĩ đến chữ “sai”: “sai đâu sửa đấy, sửa đâu sai đấy, đấy sửa đâu sai, đấy sai đâu sửa?”. Luẩn quẩn và bế tắc.
Lại tiếp tục về câu chuyện về hạt lúa với vài số liệu hơi khô khan để xem hạt lúa Việt Nam có tương lai sẽ ra sao.
Loại bỏ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, với bản chất cần cù của hơn 80 triệu nông dân, từ năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu gạo và từ đó đến nay, xuất khẩu gạo liên tục tăng mạnh. Từ năm 2003, Quốc hội Việt Nam có nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, làm cho nông dân càng phấn khởi sản xuất. Năm 2011, Việt Nam xếp thứ 2 sau Thái Lan và vượt xa nước thứ 3 là Ấn Độ về xuất khẩu gạo. Từ năm 2003, Quốc hội Việt Nam có nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Năm 2012 Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ (thậm chí có thời điểm trong năm Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1), đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Giá như cứ thế, nông dân Việt Nam sẽ thoát nghèo bền vững. Đằng này sự thực diễn ra không như mơ ước. Chính sách đô thị hóa không hợp lý đã thu hẹp diện tích trồng lúa gần 370.000 ha trong 10 năm (2000-2010). Không phải đất hoang hóa, bạc màu mà vô số “bờ xôi ruộng mật” đã bị xóa sổ để lập các khu công nghiệp và đô thị. Cứ ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, trục đường chính là nhà nước lấp ruộng đất, lấp không thương tiếc. Lấp cho khu công nghiệp đã đành, thôi thì cái giá của công nghiệp hóa đất nước. Nhưng còn có chuyện lấp để phân lô, để bán hoặc cho thuê đất kiếm lời, quan chức theo đó mà trục lợi. Ở Việt Nam, đất là tài sản toàn dân, nhà nước đại diện nhân dân quản lý nên nhà nước có quyền thu ruộng đất, dời nhà dân bất kể lúc nào, đền bù với giá rẻ mạt. Nông dân mất đất, mất kế sinh nhai, bị lùa vào các khu dân cư quy hoạch. Họ trở thành người nửa tỉnh nửa quê, nhận được ít tiền đền bù rồi xây nhà, sắm xe, chẳng bao lâu hết sạch. Con cháu cố chen vào các khu công nghiệp làm thuê, sống qua ngày. Vậy từ chỗ làm chủ ruộng đất, một bộ phận nông dân trở thành làm thuê, thành giai cấp vô sản thực sự.
Ngành nông nghiệp dự tính giai đoạn 2011- 2020 sẽ mất thêm khoảng 300.000 ha đất nữa do phải chuyển cho các nhu cầu sử dụng khác và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Như vậy diện tích trồng lúa mất đi 670.000 ha (từ 4,5 triệu ha xuống còn 3,8 triệu ha) tức trung bình mỗi năm mất khoảng 32.000 ha, tương ứng sản lượng lúa giảm 320.000 tấn, trong khi nhu cầu trong nước tăng thêm 200.000 tấn/năm do tăng dân số. Dự báo nếu năng suất vẫn duy trì như hiện tại thì sản lượng lúa năm 2020 sẽ giảm khoảng 30% so với hiện nay (từ 45 triệu tấn xuống còn 30 triệu tấn). Đến lúc đó, đảm bảo an ninh lương thực sẽ trở thành vấn đề không đơn giản chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Đó là chưa kể từ năm nay về sau, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước, lâm vào nguy cơ hạn hán và nhiễm mặn, bị lệ thuộc nguồn nước, do Trung Quốc xây đập thủy điện chặn đầu nguồn sông Mê Kông.
Quay lại câu chuyện riêng của tôi. Hôm nay trở về thăm làng, thấy quán nhậu, quán cà phê mọc lên như nấm. “Mất đất thì phải kinh doanh thôi chứ ế khách lắm”, một bác nông dân phân trần.
Nhìn ra cánh đồng của thời “trẻ trâu” năm nào, nay đang bị sang lấp nham nhở, chẳng bao lâu nữa sẽ có một con đường xuyên qua và những lô đất hai bên đường sắp hình thành, những người lắm tiền kinh doanh bất động sản sẽ xúm vào đấu giá.
Đột nhiên có một làn gió mạnh bay qua, làm nhấp nhô những sóng lúa đang chín vàng ở những thửa ruộng còn sót lại. Xa xa một đám bụi mịt mù bay bay theo làn gió.
 

Hồ sơ Panama và những hệ lụy- Tác giả Thạch Đạt Lang



Hồ sơ Panama (Panama Papers) là vụ tiết lộ thông tin lớn nhất về việc trốn thuế, rửa tiền, chuyển ngân phi pháp… trong lịch sử thế giới với khối lượng lên đến 11,5 triệu emails, thư, fax… cùng với 214.000 hộp thư của các hãng, xí nghiệp ma…, tương đương với 2,6 Terabyte (*) lưu trữ trong hard disk của một computer.

Hãy thử tưởng tượng, một bài viết 3-4 trang A4 như bài này, chỉ vào khoảng 9-10Kb (kilobyte) thì 2,6 Terabyte sẽ là một hồ sơ lớn xấp xỉ vài trăm triệu đến cả tỉ lần.

Panama Papers là những tài liệu, hồ sơ bí mật của một công ty dịch vụ hải ngoại, trụ sở chính ở Panama có tên Mossack Fonseca, không biết bằng cách nào đã lọt vào tay môt nhân vật là John Doe cách đây một năm.

John Doe (tất nhiên) không phải là tên thật, chỉ là một nick name được người Mỹ dùng để chỉ một nhân vật ẩn danh muốn thông báo những chuyện ly kỳ cho những ai tò mò, thích tìm hiểu, khi đặt câu hỏi: „-Bạn có thích chuyện lạ, chuyện giật gân không? Tôi sẵn sàng chia sẻ, kể cho bạn nghe“.

John Doe, vì sự nguy hiểm đến tính mạng (đương nhiên) phải dấu tên, bí mật liên lạc với tờ báo Nam-Đức (Süddeutsche Zeitung), tiết lộ về những hoạt động của công ty dịch vụ Mossack Fonseca nói trên.

Đây là công ty chuyên về luật pháp, đặc trách thiết lập chứng từ cho các hãng, xưởng ma (chỉ có tên và thùng thư: dummy firm), các hợp đồng cho vay, hóa đơn, kết toán chương mục ngân hàng dưới dạng PDF (Portable Document Format), lưu trữ hình ảnh của khách hàng từ 1977 đến nay.

Sau đó, Süddeutsche Zeitung đã cùng ủy ban quốc tế các nhà báo chuyên về điều tra ICIJ (International Consortium of Investigative Journalists) phối hợp, đánh giá một năm dài các dữ liệu và truy lùng, tìm kiếm thêm các nguồn tài liệu khác.

Vào ngày 03 Tháng Tư năm 2016, kết quả đầu tiên của hồ sơ Panama được trình bày trên 109 tờ báo, đài truyền hình và các phương tiện truyền thông trực tuyến trong 76 quốc gia cùng một lúc.

Mặc dù các dữ liệu nguyên thủy không được tiết lộ nhưng sự trình bày về hồ sơ Panama đã làm bùng lên sự giận dữ của dân chúng trong nhiều quốc gia. Điển hình là ngày 07.04.2016, 22.000 người ở thủ đô của Island, Reykjavick trong tổng số 330.000 dân sống trong thủ đô đã xuống đường biểu tình yêu cầu thủ tướng Island, Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức vì những chương mục mờ ám, cùng lúc họ đòi hỏi chính phủ tổ chức bầu cử lại.

Trước đó một ngày, 06.04.2016, cảnh sát Thụy Sĩ khám xét trụ sở của Liên hội thống nhất các hiệp hội bóng tròn Âu Châu UEFA (Union of European Football Associations) ở Nyon.

Căn cứ vào hồ sơ Panama, công tố viện Thụy Sĩ ở Genève tuyên bố sẽ khởi tố việc tham nhũng, hối lộ ở UEFA nhưng không nói rõ chi tiết.

Cùng ngày này tại Uruguay, Juan Pedro Damiani, một luật sư, đồng sáng lập viên của FIFA nộp đơn từ chức.
Tóm lại, còn nhiều vụ khác tương tự xẩy ra khắp nơi.


Phạm vi tác động của hồ sơ Panama không chỉ nằm trong các chuyện trốn thuế, rửa tiền, chuyển ngân bất hợp pháp.. mà còn liên hệ đến an ninh thế giới vì các hồ sơ này cho thấy những kẻ khủng bố hay các chính quyền độc tài như Syria đã dùng Mossack Fonseca để thoát khỏi cấm vận hoặc mua sắm vũ khi.

Tuy nhiên, „bức xúc“ nhất vẫn là lãnh đạo các nước cộng sản mà tên tuổi của họ hay của thân nhân, họ hàng bị tiết lộ trong hồ sơ Panama như Putin, Tập Cận Bình…

Hai nước có liên can nhiều nhất đến hồ sơ Panama là Nga và Trung cộng, thứ ba là Hongkong.

Ngay sau khi hồ sơ Panama được công bố, trả lời những câu hỏi về các khoản tiền chuyển ngân khổng lồ, tổng cộng hơn 2 tỷ đô la Mỹ từ những bạn bè, những cộng tác viên tín cẩn, thân cận của Putin như nhạc sĩ Sergei Roldugin, phát ngôn viên của Wladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích rằng hồ sơ Panama là một cuộc tấn công bằng truyền thông của phương tây nhằm bôi nhọ, xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổng thống Putin để trả thù việc Putin đã chứa chấp Edward Snowden, đồng thời kích động thêm tình trạng bất ổn tại Nga hiện nay.

Trước khi hồ sơ được công bố, những phóng viên tìm cách liên lạc với những người dính líu đến hồ sơ nhưng đã bị hăm dọa. Cùng lúc đó, văn phòng Mossak Fonseca cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Süddeutsche Zeitung và các cơ quan truyền thông khác trên khắp thế giới.

Văn phòng Mossack Fonseca ở Panama cho biết sẽ có những bước đi bằng luật pháp để phản ứng lại việc công bố hồ sơ này. Theo họ, việc công bố hồ sơ Panama đã phạm vào tội hình sự khi sử dụng những thông tin được thâu thập bất chính.

Ramon Fonesca, một đồng sáng lập viên của Mossack Fonesca tiết lộ thêm là trung tâm lưu trữ dữ liệu của công ty đã bị xâm nhập.

Mặc dù tờ báo Süddeutsche Zeitung cho biết họ đã kiểm chứng với những đồng nghiệp về độ xác tín của hồ sơ, không thấy có điểm nào đáng nghi, nhưng độ tin cậy của hồ sơ Panama cũng như bằng cách nào hồ sơ này lọt vào tay John Doe vẫn đang còn là một câu hỏi đối với nhiều người.

Riêng tại Trung cộng, Tập Cận Bình cũng như đảng cộng sản Tầu cùng với chế độ cho thiết lập tường lửa ngăn chận mọi thông tin về hồ sơ Panama, nhưng đã trễ.

Nhiều người Tầu đã biết đến những chương mục bí mật, những tài khoản kếch sù, những chuyển ngân bí mật với nhiều hãng ma do thân nhận các cựu lãnh đạo, các viên chức đang nắm quyền hành trung ương của chế độ hoặc thân nhân của họ như con gái cựu thủ tướng Lý Bằng, hoặc em rể Tập Cận Bình…

Cựu đại sứ Anh Craig Murray, cũng là một người hoạt động cho nhân quyền chỉ trích ICIJ là bao che cho các chính trị gia và các nhà tư bản Âu, Mỹ nên đã không công bố danh sách họ.

Süddeutsche Zeitung phủ nhận cáo buộc này, họ cho biết trong hồ sơ Panama có khoảng 200 người Mỹ, nhưng không có tên các chính trị gia Mỹ, Đức, chỉ nói đến trường hợp duy nhất là Helmut Linssen, bộ trưởng tài chánh của tiểu bang Nordrhein-Westfallen từ 2005 đến 2010, nhưng ông này đã từ chức tổng giám đốc ngân khố Đức năm 2014 sau khi có các tiết lộ trên báo chí Đức là ông đã trốn thuế.

Chưa thấy có „rò rỉ“ nào nói đến những tài sản ngất ngưởng của các cán bộ lãnh đạo quan chức Việt Nam như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh…nhưng tất cả bí mật của hồ sơ Panama, vì lợi ích công cộng, cần phải được công bố cho toàn thế giới biết.

Lợi ích này không phải chỉ để biết hay ngắm chơi. Nếu một quốc gia không có hành động hoặc hành động không thích ứng, tương xứng trong việc xử lý các vi phạm luật lệ sử dụng thông tin thì thế giới cần phải lên tiếng.

Sử dụng thông tin ngụy tao để làm thiệt hại đất nước hay cộng đồng thế giới thì cho dù là một công dân, xí nghiệp, hoặc một tổ chức, bất kể là tổ chức tư nhân hay chính quyền như trong trường hợp Syria, khủng bố ISIS…đều cần phải được làm rõ „vụ việc“.

Không thể tha thứ, nhân nhượng những hành động lập công ty, xí nghiệp ma để luồn lách, trốn thuế, tẩu tán tài sản hay né tránh các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với các chính quyền, chế độ độc tài, phản dân chủ.

Công bố hồ sơ Panama là việc của báo chí, truyền thông. Xử lý các thông tin, dữ kiện trong đó để có biện pháp thích hợp là việc của chính phủ các nước, cơ quan điều tra quốc tế Europol, Interpol…

Bi kịch 30/4/1975- Tác giả Quỳnh Thi



30-4-75 là một biến cố to lớn trong lịch sử. Nó đã trở thành một bi kịch gây thảm họa cho đất nước, cho dân tộc một thời gian lâu dài, đến nay đã là 41 năm. Vẫn còn âm ỉ – Nhức nhối- Đau đớn đến khôn nguôi. Những đau khổ và nghiệt ngã mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu đó, chỉ sau ách đô hộ 100 năm của giặc Pháp và một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu.

Suốt hơn 40 năm nay, cứ đến ngày tháng Tư đen, là lòng tôi thắc thỏm, bồi hồi nghĩ lại một quá khứ đau buồn. Sự đau buồn đến ngỡ ngàng, không thể tin được, chuyện như một vở kịch, như một giấc mơ mới diễn ra ngày hôm qua , hôm kia trong trí tưởng của mình. Tôi dám chắc quí bạn đọc thân mến của tôi , không ít người cũng nghĩ như vậy.

Một sự kiện lịch sử mà cứ nhắc đi nhắc lại hết ngày này tháng nọ, nghe đến nhàm chán, nhưng sao mọi người không những người Việt Nam mà những nước khác trên thế giới cũng luôn nhắc tới , như một thứ thời sự không nói ra không được. Một lực lượng quân đội hùng mạnh hơn 1 triệu quân bao gồm cả những đội quân của Nam Hàn, Phillipine, Úc , Tân Tây Lan, Thái Lan, đầy đủ thiết bị quân sự Hải Lục Không quân, cảnh sát, dũng cảm, thiện chiến. Chưa nói đến lực lượng nghĩa quân, nhân dân tự vệ, cán bộ xây dựng nông thôn, được báo chí thời đó liệt vào hàng lớn mạnh thứ tư trên thế giới. Thế mà than ôi ! Chỉ một sớm một chiều trong vòng có mấy tháng trời tan tác, cuối cùng phải đầu hàng nhục nhã, tất cả rơi vào tay giặc cộng.

Kể từ sau ngày đó đến nay, những sử gia, bình luận gia báo chí trên thế giới, không ngớt nói đến nguyên nhân thất trận của Miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh qui mô lớn lao do Mỹ là cường quốc số 1 lãnh đạo Thế giới Tự do cầm đầu.
Những nguyên nhân chủ yếu được không ít người nói đến là Việt Nam Cộng Hòa ( VNCH ) bị Mỹ bỏ bỏ rơi , trước khi bị bức tử. Trong khi tinh thần và sức mạnh Quân đội miền Nam Việt Nam còn rất cao khi chiến đấu với Cộng quân Bắc việt. Những trận chiến thắng long trời lở đất của quân và dân miền Nam chiếm lại Cổ thành Quảng Trị , trận chiến thắng An lộc là một ví dụ điển hình cho thế giới thấy được sức mạnh của Quân Lực VNCH . Song những chiến thắng ấy , báo chí Phương Tây , nhất là báo chí ở ngay nước Mỹ là nước chủ chiến, những phương tiện truyền thanh, truyền hình phản chiến vẫn cố tình làm ngơ, không đếm xỉa đến. Hay nếu họ có nói đến , cũng chỉ nói qua loa, chiếu lệ. Nếu không nói là họ luôn đề cao quân thù của chúng ta là Việt Cộng.


Đáng trách là ngay chúng ta, những chiến thắng Bình Long, An Lộc hay Quảng Trị làm nức lòng những người dân hậu phương và các chiến sĩ nơi tiền tuyến. Trong những trận đánh oai hùng đó, cũng ít được đề cao hay nói đến. Những cuốn phim hay bản nhạc có được một số văn nghệ sĩ, nhạc sĩ viết ra: như Hoa Trinh Nữ, nội dung đáng phiền trách như ,Trên khăn tang cô phụ còn lấp lánh dấu ái ân . . . Hay bi lụy như Kỷ Vật Cho Em , Cái nón sắt của anh . . Hòm gỗ cài hoa. . . hay Anh về trên đôi nạng gỗ . Chưa kể những bản nhạc rẻ tiền từ hồi những thập niên 60 còn rên rỉ cho đến bây giờ v.v. . . Mới đây như bản nhạc Lâu Đài Tình Ái được một Nhà văn kiêm/ đại MC nổi tiếng và một nữ Danh ca, song ca rất tình tứ rên rỉ trên sân khấu Paris by Night để ôn lại một thời vàng son nhạc lính! Làm nản lòng những người lính đang chiến đấu nơi sa trường gió bụi lúc đó để bảo vệ quê hương , đất nước mong thoát khỏi ách Cộng Sản đang đe dọa ngày đêm, để toàn dân được hưởng Tự do Dân Chủ như chúng ta hằng mong muốn.

Ngay chiến thắng Tết Mậu Thân vang dội của quân dân miền Nam đã làm nản lòng các chiến binh Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ( MTGPMN ) cũng ít được báo chí Mỹ biểu dương, cổ võ.

Hầu như những trận đánh mà QLVNCH dành được chiến thắng cộng quân , cơ hồ dư luận Phương Tây cũng hồ đồ , coi những chiến thắng đó chẳng qua là do Quân Đội Mỹ chủ động hành quân, hay yểm trợ hà hơi tiếp sức nên mới có chiến thắng. Cả một phong trào phản chiến rầm rộ hết tháng này đến năm nọ ở Mỹ, đều làm lợi thế cho phe cộng sản. Nhất là những năm có bầu cử Quốc hội hay bầu cử Tổng Thống của Hoa Kỳ.

Những tổ chức sinh viên , hippy phản chiến Mỹ xuống đường biểu tình đốt cờ Mỹ, yêu sách Quốc hội Hoa Kỳ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, cắt viện trợ không những kinh tế mà cả quân viện cho VNCH , buộc chính phủ Mỹ phải rút hết quân tham chiến vô điều kiện khỏi Việt Nam tức khắc mà không có lời nào buộc tội phe Cộng Sản quốc tế trợ giúp quân sự và kinh tế cho Bắc Việt. Họ cũng không có lời nào lên tiếng buộc tội Bắc Cộng vi phạm hiệp định Paris 1954 mà họ đã ký kết và cố tình vi phạm khi đưa quân xâm nhập miền Nam Việt Nam. Vì Hiệp Định đó buộc quân đội Bắc Việt phải rút hết quân ra ngoài vĩ tuyến 17 về phía Bắc Việt Nam. Nhưng họ vẫn làm ngơ , vẫn tiếp tục xua quân vượt Trường Sơn bằng đường mòn Hồ Chí Minh đêm ngày không ngơi nghỉ , hòng chiếm đóng miền Nam Việt Nam qua cái gọi , là Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, được dàn dựng bởi cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Bắc Cộng dựng nên. Ngay cả sau khi Hiệp Định đình chiến ở Paris được 4 bên ký kết năm 73 buộc các bên ngưng bắn tại chỗ ( Ngừng bắn Da beo ), phải án binh bất động .

Nhưng Việt cộng vi phạm hết lần này đến lần khác mà quốc tế vẫn làm ngơ. Kể cả các cuộc ngưng bắn vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc để dân chúng mong hưởng được đôi chút an bình trong những ngày vui Xuân. Việt cộng cũng cố tình vi phạm , hết đắp mô , cắt Quốc lộ hay pháo kích .v. v. . .

Chúng ta cũng phải công nhận không những phe phản chiến ở Mỹ chống lại cuộc chiến tranh tự vệ của Quân và Dân miền Nam. Mà ngay ở tại miền Nam cũng có phe sinh viên học sinh và những người trí thức chống lại cuộc chiến. Họ bị ru ngủ bằng những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của Việt cộng, nào là : Phải chống lại quân xâm lược của Mỹ đang giầy xéo đất nước – Giầy sô anh dẫm nát quê hương – Nào là phải chống lại chánh quyền của Thiệu , Kỳ, dành lại độc lập , tự chủ cho Việt Nam. Giới sinh viên trí thức, thực ra họ cũng chẳng hiểu rõ Cộng sản là gì . Số đông chỉ nghe tuyên truyền rồi a dua, phần thì không muốn nhập ngũ “ Đi Quân dịch “ đánh nhau với Việt Cộng. Vì cuộc chiến tranh ngày một dữ dội, thảm khốc đã giết chết hàng nghìn hàng vạn thanh niên vô tội, bạn bè của họ giữa hai miền Nam Bắc . Hơn nữa cuộc chiến tranh ý thức hệ vô nghĩa giữa những người Việt Nam với người Việt Nam chém giết lẫn nhau do bom đạn của Liên Xô , Trung Cộng và Mỹ cung cấp.

Những thành phần phản chiến ở trong nước hay nói đúng hơn là ở miền Nam Việt Nam, đa số là sinh viên học sinh bị một số sư sãi , linh mục thuộc phe chống đối chính quyền do Việt cộng bí mật chỉ huy và xách động giật dây. Bên Phật giáo được lãnh đạo bởi Khối Phật giáo thuộc phe Ấn Quang do Thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo. Ông Sư này trong thập niên 60 đã nổi danh là người “ Làm rung rinh nước Mỹ “ vì đã tổ chức những vụ xuống đường tự thiêu, điển hình là vụ tự thiêu của Sư ông Thích Quảng Đức , đã làm chấn động không những nước Mỹ mà là cả lương tâm thế giới .

Bên phía Công giáo thì được lãnh đạo bởi nhóm Linh Mục Phan Khắc Từ, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín và một số linh mục nữa được gọi là Cấp Tiến , thuộc dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tại Sài Gòn lãnh đạo. Những vị linh mục này là Tuyên úy của Phong trào Thanh Sinh Công ( Viết tắt cụm từ Thanh niên, Sinh viên Công Giáo ) cũng được coi là những linh mục dấn thân (sau này nhiều linh mục đã cưới vợ) Sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc , cũng mang danh nghĩa là những linh mục sống gần với giới thợ thuyền, người nghèo , danh từ thời thượng lúc ấy gọi những linh mục này là những linh mục Cấp tiến của Giáo Hội Công Giáo.

Những linh mục này chẳng qua cũng là những người khuynh tả, mượn danh nghĩa Giáo hội để cổ xúy tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản trá hình. Các ông linh mục này còn có một tờ báo rất lợi hại để chống đối chế độ VNCH là tờ Tạp chí Đối Diện, sau đổi tên là Tạp chí Đứng Dậy. Tờ Tạp chí ngoài việc chống Chính phủ, còn cổ võ tuyên truyền cho chế độ Cộng sản bằng những lý thuyết suông , chỉ là nghe hơi nồi chõ , nào là Chế độ Xã hội chủ nghĩa lấy của người giàu san sẻ cho người nghèo, nào là XHCN là một chủ nghĩa yêu nước . . .

Song song với Lực lượng phản chiến của những người đội lốt tôn giáo là Công Giáo và Phật Giáo là nhóm những người được mệnh danh là Trí thức ủng hộ Việt cộng là : Thành phần thứ 3 là Liên Minh Dân Chủ của Trịnh Đình Thảo , Hội Phụ nữ Đòi quyền Sống, Chủ tịch là bà Luật sư Ngô Bá Thành, cựu Đại Tướng Dương Văn Minh, GS Vũ Văn Mẫu . Rồi nhóm Dân biểu Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba , Lý Quí chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung v.v. . . Nhóm này có tờ báo chống đối thân cộng , được gọi là đối lập do Dân biểu Ngô Công Đức làm chủ nhiệm, tha hồ đầu niêu chống đối những đường lối chính sách chống cộng sản của chính quyền Sài Gòn.

Sở dĩ họ dựa vào Giáo hội Công giáo hay Phật giáo để hoạt động vì họ biết những tôn giáo lớn là những tôn giáo qui tụ nhiều tín đồ , những bậc tu hành như cha cố hay sư sãi được các tín đồ mến mộ và kính trọng. Vả lại Nhà thờ và Chùa chiền, Thánh thất là nơi tôn nghiêm , chính quyền không thể tự tiện đến lục soát hay giải tán những cuộc tụ tập đông đảo, khi chưa có đủ bằng cớ xác đáng, vì trong hiến pháp có qui định mọi người được tự do tín ngưỡng,tự do hành đạo.

Còn nhớ, trong vụ Tết Mậu Thân, khi Việt cộng mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy , một số lớn súng ống và vũ khí lựu đạn đã được tìm thấy trong một số chùa chiền ở nội thành Sài gòn. Còn những tên hoạt động cho Việt cộng trá hình là những vị Dân biểu như đã nói ở trên . Cũng dựa vào luật pháp để hoạt động , vì những Dân Biểu Nghị sĩ là người được hưởng quyền bất khả xâm phạm do luật pháp qui định . Dù ông hay bà ta có phạm pháp quả tang như che dấu đặc công , cất giữ vũ khí hay truyền đơn của Cộng sản chống chính phủ trong xe hay trong nhà, giới chức Cảnh sát hay nhân viên an ninh cũng không được bắt giữ. Muốn bắt giữ ông hay bà ta, cơ quan An ninh phải được phép của Chủ tịch Quốc Hội hay Chủ tịch Thượng Nghị viện phê chuẩn. Do vậy mà các quí vị dân cử thân cộng thời VNCH tha hồ vung vít , muốn tác yêu tác quái ra sao, chính quyền cũng đành bó tay, vì không dám đụng chạm tới những người có nhiều quyền hành và thế lực này. Không ít Đặc công nằm vùng sau khi bị bắt đã khai , làm thế nào họ chuyển vận vũ khí , đạn dược vào các tỉnh, thành phố lớn như Sài Gòn chợ Lớn này được ? Nếu không nhờ bọn ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng sản này tận tình giúp đỡ.

*

Những lực lượng Bộ đội Bắc Việt ồ ạt xâm nhập hay MTGPMN gọi là thành phần thứ 3 hay một số người khuynh tả ở Sài Gòn, theo tôi, cũng chẳng làm nên trò trống gì đến nổi miền Nam Việt Nam mất nhanh đến độ tức tưởi về tay Cộng sản nhanh như vậy. Kể từ giữa tháng 3 / 75 , cuộc chiến ở Vùng 2 Chiến Thuật trở nên dữ dội khi Cộng quân bắt đầu tấn công rồi chiếm luôn Buôn Mê Thuột để rồi có lệnh di tản Quân Đoàn II về Nha Trang , rồi Quân Đoàn II cũng mất luôn. Quân Đoàn I Tiền phương tan rã rồi Tất cả Quân Đoàn I cũng mất.

Theo các vị chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến trước ngày 25 / 3 /75 thì mặt trận Huế và Quảng trị ở Quân Khu I vẫn còn yên tĩnh, và vẫn do QLVNCH kiểm soát . Quân Khu này gồm có 5 tỉnh thành và Thị xã Đà Nẵng . Phía Bắc đèo Hải Vân là tỉnh Quảng Trị và thành phố Huế. Phía Nam có thị xã Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi. Quốc lộ I nối liền Huế và Đà Nẵng còn theo hướng Bắc Nam là biển Đông . Phụ trách bảo vệ Quốc lộ I là Quân Đoàn I thuộc Vùng I Chiến thuật, gồm 4 sư đoàn ( 3 sư đoàn Bộ binh 1, 2, 3 và Sư đoàn TQLC ). Sư đoàn / TQLC thuộc lực lượng Tổng trừ bị trực thược Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH được tăng phái cho Quân đoàn I , và các sư đoàn I Không Quân, Hải Quân, 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân, sư đoàn Dù, Thiết Giáp, Pháo binh, Biệt Cách dù và các lực lượng Địa phương quân và Nghĩa quân. Quân số khoảng trên 200 ngàn binh sĩ, dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.

Do địa hình đặc biệt của Vùng I Chiến thuật. Tỉnh Quảng trị và thành phố Huế cách Thị xã Đà Nẵng bởi đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia và đèo Hải Vân tuy cũng nằm trên trục lộ Quốc lộ I, được gọi là Quân Đoàn I Tiền phương do Trung Tướng Lâm Quang Thi làm Tư Lệnh, Bộ chỉ huy tọa lạc tại thành phố Huế , Lực lượng gồm có Sư đoàn I/ BB gồm 4 trung đoàn, Lữ đoàn 147 TQLC, (có 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội viễn thám, 1 thiết đoàn kỵ binh ) 1 liên đoàn BĐQ, 1 tiểu đoàn pháo binh và lực lượng ĐPQ và Nghĩa quân. Quân Đoàn I Tiền phương là một lực lượng hùng mạnh nhất của Vùng I Chiến Thuật. Và Quân Đoàn I Chỉ Huy bởi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cũng là Tư Lệnh QĐ I/ Vùng I chiến thuật, Bộ chỉ huy được đặt tại Đà Nẵng , có nhiệm vụ bảo vệ các tỉnh phía Nam đèo Hải Vân. Các đơn vị còn lại đóng dọc theo QL I . Phía Tây Bắc là SĐI/BB , LĐ 15/ BĐQ, LĐ 258/ TQLC , LD9468/ TQLC.

Kể từ chiều 25 / 3 / 75 Trung Tướng Lâm Quang Thi quyết định bỏ Huế và Quảng Trị để về sát nhập vào với Quân Đoàn I do Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh hòng bảo vệ Đà Nẵng đang bị áp lực chiến trường rất nặng nề với một lực lượng Cộng quân áp đảo.

Cuộc lui quân gấp rút ( Gấp rút đến hoảng loạn! ) lần này bằng đường thủy thay vì bằng đường bộ trên QL/I, vì Tướng Thi cho rằng Việt Cộng đã cắt đứt quãng đường QL/I tại Phú Lộc , nên không thể rút quân bằng đường bộ được nên phải rút bằng đường thủy.

Theo tin tức từ các sĩ quan chỉ huy thuộc bản doanh LĐ147/ TQLC , thực ra cuộc lui quân rút về Đà Nẵng từ chiều ngày 24/3 / 75 chứ không phải từ chiều 25/ 3 như đã nói. LĐ 147/ TQLC được lệnh bỏ lại vũ khí cộng đồng hạng nặng xe tăng thiết giáp , các loại súng lớn, gồm cả đạn dược. Mỗi quân nhân chỉ trang bị cá nhân gọn nhẹ , đi bộ hỏa tốc trên 30 km từ Quảng Trị tới bãi biển Thuận An , Huế , để được tàu Hải quân chở đi. Sở dĩ các chiến cụ hạng nặng bị bỏ lại , vì tàu Hải quân di tản là tàu nhỏ không chở được những chiến cụ hạng nặng như đại bác và chiến xa.

Người ta thấy quân trang , quân dụng súng ống bỏ lại đầy đường hai bên QL/I , không chỉ của binh chủng TQLC, mà của các binh chủng khác như thiết giáp, bộ binh , bỏ lại hết thảy quân dụng , cốt yếu chỉ chạy lấy người vì địch quân đang truy nã pháo kích dữ dội phía sau.

Cái bi thảm là chiều 25/ 3 / 75 khi các chiến sĩ LĐ 147/ TQLC đã tập hợp tại bãi biển Thuận An , nhưng không có một tàu Hải quân nào tới đón , tất cả binh sĩ ngồi chờ, ngồi chờ trong tuyệt vọng . Cuối cùng một thảm họa và đau đớn cho tất cả quân nhân là Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền phương Lâm Quang Thi đã bỏ rơi Đạo quân tiền phương ở lại bãi biển Thuận An để về Đà Nẵng ! Buổi chiều cùng ngày quân truy lích Việt cộng đã đuổi kịp các đơn vị di tản , chúng đã chiếm lĩnh các đồi cao , bao vây và tiêu diệt LĐ 147/ TQLC trên bãi đất trống bằng đủ các loại súng đại bác. Mãi đến sáng 26/3 / 75 mới có một chiếc LCU duy nhất vào đón được Bộ chỉ huy LĐ147/TQLC và chừng 200 binh sĩ gồm cả thương binh. Đến sáng 27 / 3 / 75 thì kể như Việt cộng đã xóa sổ Quân Đoàn I Tiền Phương gồm có hầu hết các binh chủng trong QLVNCH , trong khi Tư Lệnh Trung tướng Lâm Quang Thi đã biến mất.

Theo lời thuật lại của tác giả Bằng Phong, trong bài viết “Trình Tổng Thống, tôi quyết định theo tình hình” như sau:

“Khi tôi bàn luận về cái lẽ hơn thua với Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ đoàn trưởng LĐ 258/ TQLC là lữ đoàn có trọng trách bảo vệ đoạn QL /I , thì ông cho biết rằng . Địa thế này hiểm trở, dễ thủ mà khó công, phía Đông QL/ I là biển nên địch chỉ có thể tấn công phía Tây QL , mà phía Tây đã có quân tinh nhuệ của ta đóng chốt sẵn, hơn nữa đạo quân tiền phương QĐ I rất thiện chiến và quen thuộc địa thế nên 1 Trung đoàn của địch sẽ không thể cản trở được, nếu chúng tấn công.

Chúng ta được pháo binh và không quân yểm trợ, lại được các lực lượng bộ binh và các binh chủng khác như BĐQ, thiết giáp, thì nếu lui binh bằng đường bộ sẽ thuận lợi hơn. Ông cũng cho biết thêm là lệnh lui binh đã được Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chấp thuận, nhưng không được tham khảo với Thiếu Tướng Tư lệnh TQLC Bùi Thế Lân. Tướng Lân nói ông cũng đã gọi báo cho Tướng Ngô Quang Trưởng xin hoãn cuộc lui binh, nhưng Tướng Trưởng bảo cuộc lui Binh không thể ngưng được vì đang được tiến hành.

Tưởng cũng nên biết , cuộc lui quân bằng đường thủy sai lầm này do Tướng Lâm Quang Thi soạn thảo tại Thuận An và Tướng Trưởng đã chấp thuận trước đó. Sau này Tướng Trưởng đổ mọi tội làm mất QĐ / I cho Tổng Thống Thiệu. Tác giả Bằng Phong cũng cho biết thêm: “Quân Đoàn I có số quân tương đương với địch ( trên dưới 200 ngàn ) . Không đánh một trận nào cấp Trung đoàn mà lại tan rã chỉ trong có 5 ngày , vậy mà không ai có lỗi? “ .

Theo thiển nghĩ của người viết, nếu không có những tay trùm gián điệp cao cấp nằm vùng, nhất là Hà Nội lại len lỏi gài những gián điệp vào các cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng Hòa từ trước 54 rồi đến thời Đệ I , Đệ II VNCH vào tới Phủ Tổng Thống và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH , thì ngày 30/4 /75 không đến sớm được như chúng hằng mong tưởng. Những gián điệp thượng thặng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh. . . Chỉ sau ngày 30-4-75 thì tình báo CIA của Mỹ mới phát hiện ra và chúng ta mới biết được! (Trước đây Frank Snepp đã tiết lộ rằng Trung Tướng Đặng Văn Quang và Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo là hai trong bốn người thân cận với Tổng Thống Thiệu được nghi là đã gửi nhiều tài liệu mật cho Hà Nội ).

Đó là chưa kể những điệp viên thứ yếu khác từ cỡ Quân Đoàn, Tỉnh , Quận huyện trở xuống cho đến các Bộ ban ngành chủ yếu khác, kể cả các tôn giáo. Chúng tha hồ đánh phá, gây ly gián mọi người (Không kể có nhiều tổ chức hay gia đình vợ con các ông Tướng, Tá vô tình tiếp tay, buôn bán lương thực kể cả vũ khí với Cộng sản). Thì dù Mỹ có không cắt viện trợ , hay bỏ rơi. Thì thử hỏi làm sao chúng ta giữ được miền Nam khỏi lọt vào tay Cộng sản?

Thí dụ, cuộc lui binh của Quân Đoàn I Tiền phương , nhẽ ra phải lui binh bằng đường bộ , có kế họach mới bảo toàn được cuộc lui binh bài bản, như bảo toàn được những vũ khí đại bác, xe tăng hạng nặng.v.v. . đúng theo binh pháp, mà một sĩ quan tham mưu cỡ cấp Trung đoàn cũng hiểu được như vậy. Đằng này lại rút lui gấp rút đến hoảng loạn bằng đường thủy lại không được Không quân và Pháo binh yểm trợ. Hay cuộc tấn công của Cộng quân hồi cuối tháng 2 vào Ban Mê Thuật rồi cuộc di tản Quân Đoàn II về Nha Trang . Nếu tình báo của Bắc Việt không nằm trong cơ quan Đầu não Dinh Độc Lập và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH thì chúng không thể nào điều động , biết rõ đường đi nước bước của ta để mà điều động, chỉ huy và ứng phó với tình thế để đối phó với chúng ta một cách nhanh chóng và tài tình như vậy.

Phải nói cuộc chiến mà chúng ta bị thất bại , cốt lõi là chúng ta đã thua địch trong lãnh vực binh vận và tình báo là điều trước tiên được nói tới. Rồi mới đến những vấn đề khác như tuyên vận, đồng minh cắt viện trợ, bỏ rơi, hay “ bọn” ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản.v.v.

Suy cho cùng, cái bi kịch đắng cay của ngày 30 /4 / 75 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam dù bởi một nguyên nhân nào người ta cũng qui kết là do người “ bạn đồng minh “ Hoa Kỳ đã không muốn hiện diện ở Việt Nam nữa , nóng lòng phải rút quân ngay , nên mới xảy ra cớ sự.

Trước khi Mỹ muốn bước chân đưa quân tham chiến vào Việt Nam, thì họ nói Việt Nam là tiền đồn của Thế giới Tự do, vì nếu mất Việt Nam thì mất cả Đông Nam Á, nên họ phải đem quân đến bảo vệ. Khi muốn rút quân ra, thì họ nói, phải Việt Nam hóa chiến tranh, hay thay Màu Da trên xác chết! Kiểu nói nào cũng được, dù là lật lọng hay ngụy biện.

Sau khi bỏ rơi Việt Nam, cuối cùng thì họ đã bị lương tâm cắn rứt , hay là họ đã “ ăn năn tội “ với Chúa! Vì đã mang tiếng là bỏ rơi người bạn cùng chiến hào , hay là đồng minh, nên họ đã tỏ lòng “ nhân đạo “ đưa những người bạn trước đây bị Việt Cộng bỏ tù sang định cư ở nước họ, may ra có chuộc được phần nào lỗi lầm . Và cũng để những người đã bị Việt cộng cầm tù, ngược đãi được hưởng sự tự do và “ vinh hoa phú quí ”. Sau này, áo gấm về làng , nếu muốn, có thể cưới được những cô gái bằng tuổi con, bằng tuổi cháu mình về làm vợ ! Mà người viết này cũng đã may mắn hưởng được một chút vinh quang, nay cũng đã là công dân Hoa Kỳ vĩ đại. Nên sau khi ở Mỹ vài năm lao động kiệt lực, có làm và in được một tập thơ có tên là: TÊN EM LÀ HOA KỲ . Xin viết ra đây để chia sẻ với bạn đọc, trước khi chấm dứt bài viết hèn mọn này.

Cổng nhà người đã mở
Cô em gái của tôi
Bao năm giờ mới gặp
Tên em là Hoa Kỳ


Tôi mừng vui khôn xiết
Vì đã được an bình
Đất trời mênh mông quá
Nghe hai chữ tự do


Hãy dắt tôi lang thang
Khắp cùng tận thế giới
Để lòng được thong dong
Vơi đi nỗi nhục nhằn


Thù hằn hãy quên đi
Tấm lòng em trinh trắng
Hận thù em há quên
Cô em gái hoa kỳ


Nghe lòng đau ngăn ngắt
Tôi nghĩ về quê xa
Người thân còn ở lại
Trông chờ sự bao dung


Những chiều buồn một mình
Trời houston lặng thinh
Tần ngần trong sâu nặng
Em gái hoa kỳ ơi./

Không có rượu mới - Tác giả Huy Đức



Con số cơ cấu 35-40% đại biểu chuyên trách trong Quốc hội khóa tới là một bước đi đúng. Nhưng việc những người như Nguyễn Quang A, Nguyễn Cảnh Bình… bị loại bỏ bằng những công cụ hết sức võ biền cho thấy Đảng vẫn chỉ muốn, ngay cả những người tự ứng cử, cũng phải chắc chắn là người của họ.

Cho dù cách hành xử đó là “truyền thống” hay chỉ từ các mệnh lệnh địa phương, để hệ thống ứng xử như vậy, cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chưa chuẩn bị tâm thế và chưa có bước đi quan trọng nào được coi là cải cách.

Khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại bỏ, số người vui chẳng nhiều hơn bao nhiêu số người bị hụt hẫng. Không ai nghĩ Nguyễn Tấn Dũng là một nhà lãnh đạo anh minh nhưng nhiều người hy vọng nếu ông Dũng toàn quyền, ông sẽ giải tán hoặc làm cho Đảng này sụp đổ.

Không có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy ông Dũng sẽ làm điều đó ngoài những bài viết vu vơ trên những trang mạng nặc danh.

Chỉ vì quá chán ngán cái thể chế đã kìm hãm sự phát triển của dân tộc này suốt hơn 70 năm người ta sẵn sàng đặt niềm tin vào một con người đang trục lợi nhiều nhất từ thể chế cả về châu báu và chức tước.

Không có ai đáng trách.

Khát vọng thoát cộng lớn đến nỗi làm lú lẫn không chỉ những cái nicks vô danh mà còn cả với nhiều trí thức.

Là người đứng đầu một Đảng đang cầm quyền nếu ông Nguyễn Phú Trọng không nhận thức đầy đủ khát vọng này của những người dân có học, để thúc đẩy cải cách chính trị, thì chiến thắng của ông trước Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị coi là chiến thắng của một người tham vọng quyền lực chứ không phải của một người vì đất nước.

Năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người chủ trì những hoạt động kỷ niệm 30 năm đổi mới. Đừng cắt lát miếng nạc từ năm 1986 mà hãy quay về khúc xương khởi đầu từ khi Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa Marx – Lenin đến Việt Nam. Để thấy, đổi mới đơn giản chỉ là một tiến trình Đảng gỡ bỏ dần dần những gông cùm mà Đảng từng áp đặt.

Từ “Chính sách kinh tế nhiều thành phần” đến “Kinh tế thị trường” là một bước tiến chưa đủ nhưng khá dài. Và khi, Đại hội XI bãi bỏ nguyên tắc “sở hữu công là chủ yếu”, thì các “đặc trưng của chủ nghĩa xã hội” ghi trong Cương lĩnh không còn dấu hiệu nào của chủ nghĩa cộng sản theo mô hình mà Marx và các cộng sự của ông thiết lập trong Tuyên Ngôn Cộng Sản.

Hiến pháp 1992, tuy còn dùng dằng giữa “hai con đường” đã vẽ cho Việt Nam một nền cộng hòa trên giấy. Ngay cả những tổng bí thư bị coi là bảo thủ nhất như Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ đảng trực trị sang một chế độ đảng cầm quyền thông qua nhà nước.

Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị.

Sinh thời, Nguyễn Bá Thanh là một người rất được công chúng tung hô nhưng nếu những người am hiểu nhà nước pháp quyền biết cách ông Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh ngồi sau cánh gà các phiên tòa “lãnh đạo án” như thế nào chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng.

Chống tham nhũng bằng Ban Nội chính thay vì gỡ bỏ “vòng kim cô nội chính” cho các cơ quan tư pháp, để họ tiến hành tố tụng theo các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, thì không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ.

Dân chủ đơn giản chỉ là một phương thức cầm quyền theo nguyên tắc không để ai có quyền lực tuyệt đối. Dân chủ không phải là đích đến mà là một phương tiện được lựa chọn để tránh sự tha hóa tuyệt đối của những người cầm quyền. Dân chủ không phải là một cây gậy thần để quốc gia nào cầm nó trong tay cũng trở nên thịnh vượng. Nhưng, chưa có phương thức quản trị quốc gia nào ít rủi ro hơn dân chủ.

Vấn đề là đi tới dân chủ như thế nào.

Những người kỳ vọng Nguyễn Tấn Dũng “giải tán đảng” không chỉ là những nhà dân chủ nôn nóng mà còn là những người suy nghĩ đơn giản. Họ chờ đợi dân chủ theo cách của Đại Lãn. Họ nghĩ có ai đó sẽ dọn sẵn mâm cỗ dân chủ cho mình mà không thấy rằng dân chủ là một hành trình của chính mình.

Không thể có dân chủ trong một thể chế độc tài đảng trị. Nhưng, nếu như độc tài sụp đổ sau một đêm chúng ta có thể có đa đảng ngay thì tự do chính trị mà ta có đó chỉ mới là một tiền đề cần nhưng chưa đủ.

Chúng ta có thể buộc các nhà cộng sản phải chịu trách nhiệm về những gì đã làm trong quá khứ. Nhưng tôi không nghĩ là con đường đi đến dân chủ dứt khoát phải loại bỏ những người cộng sản đang nắm quyền. Thay vì đẩy họ về phía đối địch, dân chúng cần tạo áp lực đủ để họ thay đổi và nhận thức được rằng, dân chủ hóa là một tiến trình kiến tạo tương lai cho chính cả những người cộng sản.

Trong lộ trình đó, cần phải có những bước đi vững chắc để sao cho “nền cộng hòa trên giấy” hiện nay từng bước có thể vận hành. Hãy để Quốc hội tập dượt vai trò giám sát của mình và chuẩn bị để các cơ quan tư pháp thoát dần ra khỏi tình trạng bị địa phương cát cứ. Trước mắt, không để nhánh quyền lực nào, cơ quan nào nắm giữ quá nhiều quyền lực, mũi đột phá cần được chọn ngay là Bộ Công an.

Giờ đây, tuy đứng vị trí cao hơn nhưng chắc chắn sẽ có khi đại tướng Trần Đại Quang cảm thấy mình lơ lửng. Bộ Công an hiện đang có đủ quyền để biến, thậm chí, cả những người trong bộ tứ trở thành con tin. Do quyền lực của Bộ bao trùm lên các cơ quan tố tụng, không dễ để chống tham nhũng, rất khó để tránh oan sai.

Đây là lúc, Tổng bí thư có thể đánh thức vai trò đồng minh từ ông Quang để tách Bộ Công an thành các cơ quan độc lập: Tình báo; Phản gián; Cảnh sát quốc gia – Cảnh sát địa phương – Cảnh sát giao thông; trả Trại giam về cho Tư pháp; lập Cơ quan Điều tra quốc gia.

Chức năng, nhiệm vụ của tình báo và phản gián không có gì tương thích với lực lượng cảnh sát. Đừng để lực lượng tình báo – phản gián tham gia quá sâu vào các cuộc chơi chính trị nội bộ mà sự “màu mỡ” của nó rất dễ làm họ sao nhãng nhiệm vụ chính là cảnh giác thù ngoài.

Cần có một Tư lệnh cảnh sát quốc gia để duy trì sự thống nhất quyền lực trung ương nhưng việc gìn giữ an ninh trật tự chủ yếu do cảnh sát địa phương đảm trách. Cảnh sát công lộ cũng nên là một lực lượng độc lập (vì điều tra không cùng một nhà họ sẽ không dám nhận mãi lộ phổ biến như hiện nay).

Nếu để điều tra trong Bộ Công an rất khó chống tiêu cực trong các cơ quan cảnh sát. Nên lập cơ quan điều tra quốc gia. Cảnh sát địa phương có thể điều tra các vụ án, trộm cướp… nhưng đã là án liên quan đến chức vụ, quyền hạn, liên quan đến tham nhũng phải do cơ quan điều tra quốc gia tiến hành [Tòa cũng lập thành tòa sơ thẩm, phúc thẩm... bố trí ở các khu vực; địa phương có tòa nhưng chỉ xử hình sự thường].

Điều mà nền kinh tế cần Chính phủ làm ngay là chấm dứt sự can thiệp bằng các công cụ hành chánh vào các quan hệ kinh tế, dân sự của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên ra ngay một quyết định yêu cầu các bộ ngưng ban hành các điều kiện kinh doanh mới (giấy phép con). Đồng thời, yêu cầu Tổ thi hành luật doanh nghiệp phối hợp với VCCI đưa ra một danh sách các giấy phép (trong số hơn 6000 giấy phép con ban hành dưới thời Nguyễn Tấn Dũng) có dấu hiệu lạm quyền, đình chỉ thi hành chúng cho đến khi Chính phủ có thời gian rà soát lại.

Để làm được việc này, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc phải đủ dũng cảm để từ bỏ các bổng lộc mang lại do sự lạm quyền (hành chánh hóa các quan hệ dân sự, kinh tế) bằng cách tách ngay chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Lập các vụ tham mưu chính sách bên cạnh các cục thực thi chính sách. Quan chức nào, vụ nào đã tham gia vào tiến trình ban hành chính sách thì không được dính vào quy trình thi hành (cấp phép, thanh tra, giám sát…).

Nếu chưa đủ sự ủng hộ chính trị để tư nhân hóa đất đai, Chính phủ cần sửa luật để đảm bảo đối xử với quyền sử dụng đất của người dân như quyền về tài sản. Bãi bỏ các điều luật cho phép chính quyền thu hồi đất (không thể dùng quyền hành chính để can thiệp vào quyền về tài sản). Chỉ khi thật cần thiết, chính quyền mới áp dụng quyền trưng mua, trưng dụng.

Mặc dù, đã từng có nhiều đại biểu ăn nói rất được lòng dân, nhưng Quốc hội không chỉ là một diễn đàn. Kể từ sau Hiến pháp 1959, lịch sử Quốc hội Việt Nam chỉ ghi nhận hai sự kiện đại biểu thực thi quyền: 1985, bà Đào Thị Biểu, đoàn Cửu Long, đòi quy trách nhiệm những người quyết định chính sách Giá – Lương – Tiền; 2010, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đòi lập Ủy ban điều tra độc lập, đình chỉ chức vụ và điều tra ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tham nhũng sẽ không lúc nhúc như hiện nay, Chính phủ sẽ không thao túng như thời Nguyễn Tấn Dũng nếu có nhiều đại biểu như Nguyễn Minh Thuyết, Đào Thị Biểu…; Những người như Đào Ngọc Dung sẽ khó trở thành bộ trưởng nếu tuần trước ông ta phải điều trần ở các ủy ban cho báo chí tham gia và nếu Bộ chính trị không chỉ muốn Quốc hội hợp thức hóa quyết định của mình mà còn là nơi giúp loại bỏ những người tai tiếng.

Muốn như thế, không chỉ nâng số đại biểu chuyên trách lên 35 hay 40% mà phải mở cửa cho 15-20% những người thực sự tự ứng cử vào trong quốc hội.

Cần bãi bỏ ngay quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc để các nhân viên trong một bộ bỏ phiếu tín nhiệm cho bộ trưởng là một việc làm lố bịch [bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước dân, chính sách của ông nếu có lợi cho dân có thể làm cho nhân viên khó chịu].

Để tổ dân phố bỏ phiếu quyết định một người có thể trở thành ứng cử viên đại biểu quốc hội hay không lại càng phản khoa học và phi dân chủ. Tử tế với nơi mình sống là cần thiết, nhưng đánh giá họ là phải dựa trên khả năng tham gia của họ trong các chính sách ở tầm quốc gia chứ không chỉ chuyện cản con mèo ăn vụng cá nhà hàng xóm.

Hoặc Đảng cứ nắm toàn quyền Đảng cử. Hoặc sửa luật, để theo đó, ứng cử viên gồm những người có thể do đảng chính trị đề cử hoặc tự ứng cử (nếu thu thập đủ số chữ ký bằng một tỷ lệ luật định trên số cử tri).

Dân trí đã thay đổi, quan trí cũng phải theo; đừng tiếp diễn các trò hề dân chủ nữa.

Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông (ít nhất là cho đến nay). Nhưng, quản trị quốc gia (trong đó có chống tham nhũng) phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào “tấm gương đạo đức” của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.

Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có “đổi mới II” trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.