khktmd 2015
Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018
Thăm trung tâm thiền Làng Mai tại quận Pak Chong, tỉnh Nakhon Ratchasima.ở Thái Lan
Đầu tiên, sư Pháp Niệm cho biết về quá trình hình thành trung tâm này và công tác học tu tập tại đây cho chừng 600 người, gồm không ít tăng ni ngoại quốc, Việt Kiều và người đến từ Việt Nam.
Sư Pháp Niệm: Trung tâm thiền tập quốc tế Làng Mai Thái Lan được thành lập năm 2013, trước đó cũng đã có đất nhưng chưa xây dựng. Năm 2012 làng bắt đầu khởi công xây dựng, tới 2013 hoàn tất một vài cơ sở căn bản. Từ tháng 3/2013 tăng thân Làng Mai đã di chuyển tới đây từ chỗ ở tạm là hai khu nhà vườn của người Thái.
Một số các thầy, các sư cô Làng Mai đã có mặt ở đây từ 2009 và được hai cư sĩ người Thái ở gần đây cách đây khoảng 40km cho mình ở trong khu nhà vườn của họ. Một bên dành cho xuất sĩ nam, một bên dành cho xuất sĩ nữ. Và mình may mắn, nhờ người cư sĩ mua được mảnh đất này có cảm tình với làng, và họ nhượng để cho mình xây dựng khu vườn Làng Mai Thái Lan ở đây.
BBC: Trung tâm Làng Mai Thái Lan cách Bangkok hơn 3 tiếng rưỡi lái xe thì điều đó có cản trở sinh hoạt của làng không?
Sư Pháp Niệm: Cũng không cản trở mấy bởi vì có một thị trấn gần đây là Pak Chong, đi xe ra khoảng một tiếng đồng hồ. Và mình thường đi mua những đồ vật dụng và thực phẩm không có trong khu vườn, thì hàng ngày mình ra đấy mua. Khi nào cần lắm thì mình mới đi Bangkok để mua một ít đồ thôi.
BBC: Thầy có thể nói sơ qua về thân thế của mình không? Trước khi đến trung tâm này thì thầy đã sinh hoạt ở những nơi nào rồi?
Sư Pháp Niệm: Mình xuất gia tại Làng Mai Pháp năm 1994 và ở đấy tu học cho đến cuối 2002 thì được đề cử qua Tu viện Lộc Uyển ở Mỹ , California vùng Santiago. Tới năm 2006 thì được đề cử về Việt Nam tại chùa tổ đình Từ Hiếu và ở đây cho tới 2009 thì về lại Pháp. Và 2013 được sư ông cử về đây.
BBC: Làng Mai Thái Lan có tất cả bao nhiêu xuất sĩ nam và xuất sĩ nữ?
Sư Pháp Niệm: Xuất sĩ nam có khoảng gần 100 vị là tỳ kheo và sa di ni, bên xuất sĩ nữ có hơn 100 trong đó cũng có các vị tỳ kheo ni, sa di ni và các vị Thức xoa ma na.
BBC: Thầy có thể nói sơ qua về sinh hoạt của trung tâm cũng như cách vận hành của trung tâm?
Sư Pháp Niệm: Về thời khóa hàng ngày thì tăng chúng ở đây thức dậy lúc 4:00 sáng và 4:45 thì có thời khóa tọa thiền ngồi thiền và tụng kinh. Sau đó tập trung ở ngoài trời và cũng đi thiền hành, đi thiền với nhau ở ngoài trời khoảng 45 phút. Trong đó có xen kẽ luôn giờ tập thể dục của toàn chúng. Sau giờ thiền hành thì đại chúng trở về và ăn sáng chung tại nhà ăn lớn. Từ lúc thức dậy cho tới sau giờ ăn sáng thì im lặng hoàn toàn. Rồi nghỉ một chút và tới khoảng 8:30 thì có giờ nghỉ thì các thầy các sư cô học tiếng Thái, tiếng Anh và tiếng Việt.
Giờ nghỉ nửa tiếng. Tới 10:00 thì có lớp nội điện, trong đó cũng có những lớp ngoại điện. Tới 11:30 trưa thì dùng cơm, toàn chúng như nhau. Sau giờ cơm trưa thì được nghỉ trưa khoảng một tiếng, tức là tới 2:00 chiều thì thức dậy và có giờ cá nhân học hành. Tới khoảng 2:45 thì tập trung và làm việc. Mỗi người mỗi ban đều có công việc riêng được các vị tu sĩ họ chia công việc, cái này gọi là thiền làm việc.
Tới 4:30 thì có giờ thể dục thể thao, tùy theo ai thích lĩnh vực nào thì đi theo lĩnh vực đó. Ví dụ mình muốn đi bộ, muốn chơi thể thao hay tập yoga, hay là muốn tập võ. Tới 5:30 thì ăn tối. Tới 7:30 tối có giờ ngồi thiền tụng kinh. Ngày thứ Năm và Chủ Nhật, tới 9:30 tối là giờ im lặng hùng tráng, tức là mọi người trong tu viện đều giữ im lặng, giờ này là không nói chuyện cho tới sáng hôm sau.
BBC: Tổ chức của trung tâm này có điểm gì khác biệt so với những tu viện Phật Giáo ở Việt Nam hay là những quốc gia khác?
Sư Pháp Niệm: Về phương diện nội dung thì cách tổ chức ở đây cũng không phải là gì mới mẻ đối với truyền thống. Tinh thần, cách thức đã có sẵn rồi. Sư ông Làng Mai (thiền sư Thích Nhất Hạnh) là người tổ chức lại nó một cách mới hơn để cho nó đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt của đời sống thời đại bây giờ.
Ví dụ, tại Làng Mai cách sinh hoạt và những quyết định đều được dựa trên cái gọi là tác pháp Yết ma, và những lời dạy này có sẵn trong giới luật, ở trong luật tạng do đức Phật đã để lại. Quyết định theo thể thức tác pháp yết ma là một tinh thần dân chủ, nơi đó không dựa trên một người quyết định tối hậu mà dựa trên cái pháp để vận hành đời sống.
Ở đây mình có những ban hoặc là hội đồng như là Hội đồng Tỳ kheo của những người đã thọ giới Lớn. Tất cả mọi quyết định liên hệ tới đời sống của tăng chúng thì Hội đồng Tỳ kheo là hội đồng quyết định tối hậu theo tác pháp yết ma. Ngoài ban Hội đồng Tỳ kheo thì có Ban Giáo thọ, tức là người đã được truyền đăng trở thành người chăm sóc về mảng giáo dục, dạy dỗ và tu học. Họ sẽ thường họp với nhau để mà đưa ra cách thức và phương pháp giảng dạy cũng như tu học sao cho có hiệu quả với đại chúng.
Khi mà đưa ra như vậy thì cũng phải đưa vào trong Hội đồng Tỳ kheo để được yết ma và thông qua thì bắt đầu mới thi hành để tạo ra sự thanh tịnh trong đời sống của tăng chúng. Ngoài Hội đồng Tỳ kheo và ban Giáo thọ thì có ban Chăm sóc, trong đó gồm có những vị Giáo thọ, những vị Tỳ kheo và Sa di, hoặc là Sa di ni. Họ là ban tiếp nhận những quyết định của Hội đồng Tỳ kheo để mà thi hành công việc.
Ngoài ra thì trong chúng chia ra những ban nhỏ, những nhóm nhỏ để chăm sóc những mảng công việc sinh hoạt khác nhau để mà thi hành quyết định đời sống hàng ngày. Ngoài ra, vì chúng đông cho nên ở đây cũng có sinh hoạt gọi là trị sư và trị đệ tức là mỗi thầy Lớn đều chăm sóc cho khoảng mười mấy vị Tỳ kheo trẻ, sa di để chăm sóc mảng học hành cũng như tu tập và hạnh phúc, khổ đau của họ để giúp cho họ tiến bộ trong quá trình tu tập.
Nếu mình nghĩ như vậy thì các vị đó giống như là dân biểu của quốc hội, tức là họ lắng nghe nguyện vọng, thao thức của các xuất sĩ trẻ để đưa vào trong Hội đồng Tỳ kheo để họp hoặc là đưa vào trong ban Giáo thọ, tuỳ theo chủ đề liên quan tới mảng nào. Ngoài ra, làng mình cũng tổ chức những ban lắng nghe để khi có những trường hợp khó mà các vị trị sư hay các vị trụ trì chưa giải quyết được cho đương sự, thì ban lắng nghe được được Hội đồng Tỳ kheo cử ra để nghe và giúp cho người đó vượt qua khó khan.
BBC: Khi có sự thay đổi, chẳng hạn như cần một quyết định khác với những công việc hằng ngày thì tiến trình thảo luận và đi tới quyết định thay đổi diễn tiến như thế nào?
Sư Pháp Niệm: Thường là mình tiếp nhận vấn đề hoặc là chủ đề đó và mình đưa vào trong buổi họp. Thường thì có buổi họp sơ bộ của các vị Giáo thọ Lớn, sau đó đưa ra cho các vị Tỳ kheo, Hội đồng Tỳ kheo để nêu lên và cùng nhau nhìn vào, quán chiếu vào đó để đưa ra những cái thấy.
Khi mà cái thấy đó nó chín đủ và nó sáng đủ trong thời điểm đó và không có cái thấy nào sáng hơn nữa thì mình sẽ đồng ý là mình sẽ dùng cái thấy chung đó để mình quyết định và yết ma cho nó thành tựu. Nếu sau này cái thấy đó còn giới hạn và có những cái thấy hay hơn nữa thì mình sẽ tiếp tục học hỏi và thay đổi những cái thấy của mình.
Ở đây mình có nhiều loại yết ma. Ví dụ, những người Thọ giới Lớn hay là những yết ma thuộc về bạch tứ tức là một lần nêu ba lần hỏi thì mới thành tựu được. Ba lần hỏi đó mà mọi người im lặng tức là nó thành tựu. Có những yết ma, quyết định chỉ cần nêu lên một lần là được thông qua.
Có loại Bạch nhị Yết ma tức là một lần nêu hai lần hỏi thì nó được thành tựu, tùy theo công việc. Ngoài những lớp học sinh hoạt trong chúng trong đời sống hàng ngày thì mình cũng tổ chức những khóa tu.
BBC: Bao lâu thì có một khóa tu, và đối tượng của những khóa tu là ai, thưa thầy?
Sư Pháp Niệm: Làng Mai Thái Lan tổ chức khóa tu cho người Việt một năm hai khóa và người Việt ở nước mình sang đây tu học, sau Tết và cuối hoặc giữa tháng Sáu. Ngoài ra, làng còn có những khóa tu dành cho các bạn quốc tế ở các nước châu Á cũng như bên phương Tây họ về đây họ tu, là khóa tu cuối năm, thường cũng đông lắm. Làng còn có những khóa tu dành cho giới giáo chức và học sinh, có khi thì cho giáo chức riêng cho Thái Lan đây thôi, và học sinh, có khi cả học sinh và thầy cô giáo tới đây tu năm ngày luôn.
BBC: Những tăng ni ở Việt Nam qua đây tham dự những khóa tu học, họ có chia sẻ là khi về Việt Nam họ muốn mang sắc thái gì của trung tâm Làng Mai Thái Lan về Việt Nam không ạ?
Sư Pháp Niệm: Những tăng ni ở Việt Nam qua đây ai ai cũng có thao thức, nhưng mà hiện tại bây giờ ai cũng nghĩ rằng tới đây để học, mang kiến thức, ý niệm về, để tự mình thực tập thôi. Còn để có một cái thực tập gì mang tính quy mô như kiểu ở Làng đây đứng về phương diện tu tập và tổ chức thì họ chưa làm được bởi vì cũng có rất nhiều giới hạn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét