khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Chiếc Ba Lô Để Lại - Tác Giả Nguyễn Văn Sâm




Sau cơn mưa, đường ngập linh láng như biển. Chiếc xe 14 chỗ ngồi của chúng tôi vừa lội vừa thở phì phò, xém tắt thở nhiều lần mới thoát được vùng ‘biển hồ’ Minh Phụng để quẹo vô đường 3 Tháng Hai. Khúc nầy tương đối ít ngập, chỉ tới nửa bánh, xe cộ vì vậy cũng nhiều hơn. Nước không còn tạt vũ bão ra hai bên hông như trước mà phóng ra với vẽ hiền thục dễ thương. Sau thời gian đụt mưa thiên hạ gấp về, nhiều anh vọt lẹ, lắm khi xẹt qua đầu xe lớn đương ngon trớn mà coi như không, khiến anh tài xế lâu lâu lại chắc lưỡi lắc đầu.

Bỗng nhiên có tiếng thắng mạnh.Mọi người bị giựt ngược, tỉnh ngủ. Tài xế mím môi, la lớn:

‘Khiến!’

Rồi anh xuống giọng như nói với mình:

‘Không mau chưn mau cẳng thì bà hú nó rồi!’

Hành khách trong xe nhớn nhác ngó nhau. Hai ba người đàn bà đưa tay vuốt ngực.

Chiếc xe gia tốc, chồm tới, cố gắng bắt kịp người thanh niên phóng bạt mạng kia. Đèn đường bật lên đỏ. Cả hai đậu song song chờ. Tài xế quay cửa kiếng xuống, chồm đầu ra ngoài, phun nước miếng cái phẹt xuống đường, nói lớn với kẻ làm anh giựt mình hồi nảy:

‘Mầy đứng lại cho tao lạy mầy mấy cái chớ mầy chạy kiểu đó chắc tao chết vì đứng tim. Mầy tội nghiệp tao với chớ! Tao đâu có muốn vô tù đâu!’

Người thanh niên nhăn răng cười rồi chỉ chờ đèn đường bên kia vừa bật qua màu vàng là phóng thẳng bất kể những chiếc chót của làn lưu thông ngược chiều chưa qua hết khoảng đường trước mặt.

Tôi cười thầm. Anh tài xế nầy nói chuyện có văn hóa giao thông ghê. Chẳng bù với tháng trước tôi ngồi trên xe buýt, cũng trường hợp tương tợ, tên nhóc tì phụ xế kiêm bán vé đã ló đầu ra ĐM lia chia rồi tuyên bố một câu xanh dờn:

‘Mấy muốn tự tử thì về nhà mà tự tử, ngon thì vô đồn công an mà tự tử. Mầy nên nhớ mạng mầy chỉ có ba chục triệu thôi không hơn đâu.’

Không khí im lặng nảy giờ trở nên sôi động bằng những lời bàn tán chung quanh chuyện chạy ẩu của xe nầy xe kia. Anh tài xế nói lớn:

‘Làm nghề nầy thấy cái chết của thiên hạ quá thường nên nhàm luôn, trở thành vô cảm trước máu me. Chết vì chạy ẩu xị, chết vì do xe lớn lấn đường, do tài xế mệt mỏi, xỉn xay, ngáo đá, hay do đường xá xấu hư làm lạc tay lái… Muôn ngàn lý do, kề tới mai chưa hêt!.’

Tôi lên tiếng cho vui:

‘Chết vì tài xế mua bằng nữa đó cha nội. Học ba xí ba tú, lái chưa rành, mót tiền quá chạy đi mua bằng, lên xe ngồi điều khiển mà không hiểu luật lại vụng về nên thường làm chết thiên hạ rồi bỏ xe lẫn trốn…. chuyện nầy xảy ra hà rầm.’

Anh tài xế dễ thương tuy nghe nói đụng chạm tới giới của mình nhưng vẫn làm thinh.

Tiếng ai đó, giọng của người đứng tuổi:

‘Thét rồi hết muốn ra đường. Sợ quá! Những cái chết nát thây không báo trước. Còn hơn là ngày xưa đi hành quân hay nhảy toán. Đời sống bây giờ thiệt là bất an!’

Không khí trong xe tới đây thì lắng xuống, ai nấy theo đuổi tư tưởng mình.

Khi xe quẹo vô đường Nguyễn Kim thì người bạn tôi nói vọng ra sau:

‘Nếu chừng mờ mờ sang đi tới đây, góc Nhật Tảo và Nguyễn Kim nầy, dưới gốc cây dầu bự chảng bên tay trái, thì sẽ gặp một người đàn ông còm cõi đứng phụ vợ bán bánh giò. Đó là người bạn lính trước đây cùng đơn vị của tôi ở Pleiku. Anh ta tên Thanh, bị lựu nổ mất nửa bàn tay mặt, đương chờ giải ngũ thì đứt phim. Lãnh lịch hết gần chục có đầu. Nay gặp lại bạn bè xưa nhiều khi anh làm lơ hay ngồi cho có mặt, thường ngó mông lung. Lạ lắm!’

Tôi ngạc nhiên hỏi lại vì cái chép miệng sau khi xuống giọng của bạn:

‘Chục có đầu sao không đi H.O. mà ở lại cho cực thân.’

‘Vậy đó!’

Tôi không biết gì thêm từ hai tiếng trả lời gọn lỏn kiểu miền Tây của bạn nhưng biết chắc chắn rằng người đàn ông phụ vợ bán bánh kia là người đặc biệt. Và tôi thấy mình cần phải tìm hiểu anh ta.
Vậy mà sau gần cả tháng tôi mới làm thân được với Thanh. Cũng nên kể ra đây lần gặp gỡ của tôi với Thanh.
 
Sáu giờ sang trời còn lờ mờ nhưng thành phố đã thức. Những người lớn tuổi đi bán giấy số bắt đầu đổ xô ra đường. Mấy chiếc xe bán thức ăn nầy nọ đã được đẩy ra vị trí và đốt lò. Tôi thay quần sọt ra đi tới chỗ người bạn tôi chỉ hôm nọ và ngồi xuống một cái ghế nhỏ không thể nhỏ hơn để kế bên hai xửng bánh bao bánh giò của cặp vợ chồng nầy. Người vợ luôn tay lấy bánh bỏ vô bao xốp trao cho khách với nụ cười giao tế. Người chồng lãnh nhiệm vụ thâu tiền. Nụ cười cũng có trao đổi với khách nhưng hơi gượng gạo. Tiếng cám ơn luôn luôn thốt ra mỗi khi anh hoàn thành một dịch vụ.

Ngồi câu giờ cố ăn hết một cái bánh bao và một cái bánh giò nóng, tôi liếc chừng chừng quan sát con người đặc biệt kia.

Hình như anh ta cũng bắt thóp được ý định của tôi nên thỉnh thoảng đưa mắt ngó. Tôi phóng ra con bài ngoại giao bằng nụ cười và cả cái nheo mắt nhưng anh cố tình làm lơ. Ăn xong ý chừng đã ngồi hơi lâu tôi mua thêm một cặp bánh nữa và đưa cho anh tờ giấy nửa triệu, với câu nói nhỏ:

‘Anh khỏi thối, mình xin phép được chia sẻ với anh.’

Tôi nhận được câu trả lời lạnh băng như là người đối thoại cố tình làm cho mình tức giận:

‘Chúng tôi buôn bán, không ăn xin! Anh cầm tiền thối.’

Tôi vớt vát:

‘Mình cùng cảnh ngộ ngày trước’, tôi thấy mình hay ho tận mạng khi đem ra xài mấy chữ nầy, vừa nói vừa ren rén ngó mau về bàn tay phân nửa của anh ám hiệu rằng cùng là cựu quân nhân.‘Bây giờ khá hơn anh nên xin chia sẻ. Anh nhận để mua quà cho các cháu.’

Người bán hàng đẩy mạnh tay tôi ra với số tiền thối lại, quyết liệt:

‘Chúng tôi không có con. Xin lỗi anh. Anh cầm. Tôi còn phải thối tiền các khách khác.’

Thế mà tôi vẫn kiên nhẫn lập lại lời yêu cầu nầy hai lần tới sau đó nữa. Lần thứ ba thì anh chắc lưỡi, bỏ tiền thối vô xấp tiền anh cầm. Chắc là lần nầy nhờ tôi nhắc tên người bạn chung. Tôi ngồi nán lại để anh dãn khách, nói vài ba câu vô thưởng vô phạt rồi ra về. Hai bên nói chuyện tâm tình bên mấy ly trà nóng một cách tự nhiên những lần sau đó…
 
Tôi ra trường với lon Thiếu Úy lúc 24 tuổi, tình nguyện vô binh chủng cọp ba đầu rằn.Thời chiến chinh, mỗi người làm hết bổn phận mình trong chức vụ mà xã hội phân công, cách nầy hay cách khác, đó là điều bắt buộc. Cam đảm hay hèn nhát gì cũng không bằng hên xui: bà độ hay bà xô vô chỗ tử. Phải giữ vững tinh thần, lương thiện và không nghĩ đến cái chết mới sống đúng nghĩa người trai. Hơn một năm sau khi ra trường tôi về tiểu đoàn sau khi lên Trung Úy.

Những lúc rảnh rỗi, ngó lại anh em dưới quyền trong đơn vị, so sánh với cuộc sống lạc điệu của hậu phương, tôi cũng văng tục thầm. Mẹ ơi, hậu phương làm mình giận muốn nổi cơn điên. Cho nên binh sĩ dưới quyền, tôi thương hết biết. Nhiều đứa đi phép về trễ vài ba ngày tôi cũng nạt nộ để tụi nó không lờn nhưng báo cáo hay làm gì đó nặng hơn thì không.

Cầm đầu phải làm gương, tôi xông vô nguy hiểm coi như đạn có bổn phận tránh mình. Cũng làm thơ hào hùng kiểu Hồ trường: Ta xông pha hề, trận mạc. Coi tử sinh hề, cỏ rác dưới chân. Thỉnh thoảng hớp ngụm rượu của đàn em rồi sảng khoái ngâm nga tử sinh hề, cỏ rác… vui đời lính, thương đồng đội, quên mình đương ở tuổi cần có bên mình một bóng hồng…

Trong trận Hạ Lào năm đó, Tiểu đoàn tụi tôi bị tụi nó cầm chưn. Được bỏ thêm để giải vây cho đồng đội, nhưng chúng tôi bị lún. Chúng pháo kích ngày đêm nhưng tấn công lần nào cũng bị tiêu diệt trọn. Bên mình cũng hao bộn do mỗi lần một ít. Tôi được lịnh là sáng mai lúc trời hơi tan sương mù thì trực thăng bốc, ưu tiên thương binh.

Vậy mà chuyện đau lòng xảy ra đêm đó.

Thằng Tánh trung sĩ thường trực, đệ tử ruột của tôi bị nạn. Cái thằng cũng trí thức lắm, nó rớt Tú Tài nên đi Trung sĩ. Khuya tôi đương thiu thiu ngủ sau ba ngày trắng dờ con mắt thì nghe báo cáo Tánh bị đạn nặng lắm. Tôi nói nó ngủ trong hầm mà bị đạn cái củ c. gì. Nãy giờ có trái nào nổ gần đâu.
Thiệt ra thì khuya thằng con bò ra ngoài đi tiểu. Miểng nhỏ pháo kích từ đâu bay ra cắt đứt mạch máu chủ ở hang.

Tôi tới thì anh em đương xúm bên nó, lo lắng. Quân y cố hết sức cầm máu. Thằng Tánh thấy tôi thì mắt sáng lên nói thiệt lẹ, rõ ràng:

‘Em không sao đâu Trung Úy. Chuyện nhỏ! Sẵn dịp lên trực thăng về thăm vợ luôn. Con vợ em đương có bầu ba tháng. Chắc nó cũng nhớ em.’

Tôi đuổi mấy đứa không có phận sự ra chỗ khác. An ủi nó. Nó cứ lập đi lập lại hoài điệp khúc ‘không sao đâu là không sao đâu’. Bác sĩ Quân Y ngó tôi với cặp mắt buồn, nói thiệt nhỏ trong khi thằng Tánh vẫn nói không sao đâu:

‘Không xong, máu ra nhiều quá, vết thương lớn không bịt được.’

Nó thấy mặt tôi buồn chắc là hiểu được điều chúng tôi trao đổi nên trở giọng:

‘Em lạnh quá Trung Úy! Có bề gì thì Trung Úy mang ba-lô em về cho bà xã em. Bả tên Trinh, địa chỉ ở trong đó. Tiền lương tháng nầy với phần còn lại từ trước cũng mấy ngàn. Nó cấn thai được ba tháng. Trung Úy giúp đỡ nó với con em giùm. Tụi em đồng ý đặt tên con là Trần Trinh Thảo Tánh. T tứ thừa đó Trung Úy. Cái tên tụi em nghĩ nát óc mới đặt được đó Trung Úy.’

Thằng Thạch Buôn, từ xa diễu dở bằng mấy tiếng ‘Nôm luôn! Hốt hụi chót!’ Tôi đứng rột dậy, lên cò súng quát lớn: ‘Mầy nói lại một lần nữa đi!’

Thạch Buôn lạy như tế sao rồi chuồn thẳng.

Tôi cởi áo trận đắp cho Tánh. Nó run lập cập than lạnh liên hồi. Hai tay tôi nắm hai bàn tay lạnh ngắt của nó nói: Không sao đâu để anh đem ba-lô về cho. Mà chắc không cần nữa, em lo được chuyện đó. Dễ mà! Nó nhắm mắt thì thào: ‘Coi tử sinh cỏ rác dưới chân…’ Tôi vuốt mắt nó, đứng dậy chùi nước mắt của mình. Chúng tôi ở kế nhau cũng hơn một năm. Mến tay mến chưn. Nó đoán biết ý của tôi, không bao giờ làm trái, cũng không sa đà trong chuyện cờ bạc, gái gú mỗi khi ra thị xã…

Đạn trung liên của địch bắn liên hồi nhưng chiếc trực thăng bốc quân điêu luyện luồn lách cũng hạ xuống an toàn. Chừng chục thương binh được di chuyển lên sàn phi cơ lẹ làng không thể tưởng. Viên Trung Úy trách nhiệm ra lịnh cho những ai lên trước lên sau sắp hàng thứ tự. Cuối cùng khi phi cơ vừa nhấc mình lên thì cũng là lúc ông chạy ra cố gắng cho phần mình.

Cái ba lô nặng làm ông chạy chậm, gió phần phật từ cánh quạt gần như đuổi ông ra xa. Cuối cùng trong lúc gần hụt thì hai tay giơ lên của ông được hai binh sĩ nào đó trên phi cơ chụp dính.

Phi cơ bốc lên cao, khỏi ngọn cây. Đạn bắn chéo chéo bên tai và gió thổi vù vù. Viên Trung Úy thấy mình càng lúc càng tuột ra khỏi tay người nắm. Cái chết đã cận kề. Bỗng nhiên ông thấy mình được nắm vững, thân mình ông với cái ba lô trên vai treo tòn teng song song với càng trực thăng. Một người thương binh nào đó đã cố nhoài mình ra nắm được hai cái quai đeo của ba lô. Chắc chắn.
Mọi người reo hò khi viên Trung Úy được kéo lọt vô sàn. Bên ngoài đạn vẫn vẽ những lằn đỏ cong cong. Tiếng người phi công nói:

‘Anh may mắn cùng mình, những trường hợp như vừa rồi một trăm phần trăm là rớt xuống.’
Viên Trung Úy lột ba lô ra, cúi xuống vỗ vỗ, nói trong sự ngạc nhiên của những người không biết chuyện Trung sĩ Tánh:

‘Cám ơn em đã cứu anh, anh sẽ làm tròn lời hứa…chắc chắn như đinh đóng cột.’

Tôi không thể nào chịu nổi cảnh người vợ khóc chồng. Cô ta ngã xuống như cái bị rách ai đó liệng xuống đất, đầu úp lên cái ba-lô, hai tay ôm choàng như ôm người tình.

Đau lòng như xé ruột tôi muốn bỏ đi nhưng nhà cô ta đơn chiếc quá, chỉ có một mẹ già, bà đương đứng xơ rớ với cặp mắt đỏ hoe, không biết thương cho số phần con cháu mình hay thương thằng rể vắn số. Chừng một giờ sau tôi kiếu, đi chập chạng như về từ đám tang người em ruột thịt của mình, không còn nhớ mình lang thang ngoài đường đã bao lâu.
 
4.Tôi trở lại căn nhà đó chừng năm lần nữa mỗi khi về phép. Lần nào cũng vậy, tôi cố tình ngồi lại trong thời gian thiệt ngắn. Tôi sợ tình cảm trai gái nẩy nở. Mọi chuyện rồi không biết sẽ về đâu. Đúng hay sai. Con bé T tứ thừa học càng ngày càng giỏi. Mẹ bé cho biết cha bé ngày trước đùa là nếu anh hy sinh thì bất cứ giá nào em cũng xin cho bé vô trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Tôi có đến đó hỏi thì được biết phải chờ cho bé xong Tiểu Học mới được. Trường chỉ bắt đầu bằng lớp Sáu thôi.

Rồi tôi bị thương ở bàn tay nầy. Chưa kịp báo tin cho ai thì phải đi gỡ lịch. Trong thời gian dài tôi tập sinh tồn bằng cách quên hết mọi chuyện bên ngoài, nhắm mắt trước những bất công và vô lý, tập quên mình là ai.

Khi được thả ra thì biết bao nhiêu chuyện đổi thay đã ụp xuống vùng đất thua trận. Nhà cô ta đã đổi chủ hai ba lần. Không ai biết cái gia đình ba người đàn bà ba thế hệ đó trôi dạt về đâu. Ai cô thế mà ở yên được với chánh sách dãn dân vô lý trong thập niên đầu họ từ rừng chui ra?

Nhiều khi ngủ tôi chiêm bao thấy lại cảnh thằng Tánh nói ‘Em lạnh quá’ rồi i ỉ ngâm nga ‘Coi tử sanh hề, cỏ rác dưới chân. Cảnh nầy đan chéo với cảnh cái bàn thờ đơn sơ có tấm hình nó cười, dưới chưn bàn thờ là người đàn bà tóc tai rũ rượi ngồi khóc, kế bên bàn thờ là cái ghế cao cẳng có đặt đứng cái ba lô của nó. Cái ba lô đã cứu mạng tôi. Cái ba lô tượng trưng cho tình yêu của nó và gợi cho mặc cảm của tôi về sự không làm tròn lời hứa. Tôi thấy mình như có lỗi với Tánh và với con bé T tứ thừa.

Đó cũng là một lý do khiến tôi không góp đơn ra đi theo dạng H. O. Lý do khác là tôi muốn chứng kiến tận mắt coi người ta đọa đày đất nước nầy tới nước nào. Tôi không phải là người được đào tạo để làm theo cách thế của bất kỳ ai khác dầu cho họ là đám đông khôn khéo tới mức nào, tôi có hệ thống giá trị của riêng mình. Và tôi theo nó tận cùng…




Phỏng Vấn: Phó Kim Chi tác giả cuốn tự truyện đầu tay "Mademoiselle Numéro 11"







Đại lộ Võ Nguyên Giáp rộng đến 60m, giàn đèn hiện đại, niềm tự hào của người dân Quảng Bình, nay đã trở thành con đường tối tăm.







NHỜ CSVN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM TÔI MỚI BIẾT.....





Tôi dân Bắc kỳ 75 xin nói thật cho các bác miền Nam  biết là nhờ có GIẢI PHÓNG nên dân Bắc chúng tôi mới biết cái quạt Hitachi, Sanyo của Nhật nó như một nàng tiên đứng cạnh cái quạt Con Cóc ghẻ còn gọi là quạt 35 đồng, do miền Bắc sản xuất.

Nhờ GIẢI PHÓNG mới biết được có cái đài chạy băng catssete + cái Akai chạy băng cối, lại cất giữ được giọng hát chất lượng cao của mấy cô ca sĩ trong sợi băng từ.

Nhờ GIẢI PHÓNG biết đôi dép Sabô đế cao đi êm và nhẹ,

Mới biết được mái tóc phụ nữ có thể làm xoăn kiểu uýt bi cho đẹp hơn buộc kiểu đuôi gà.

 Mới biết được gói bột gặt VISO hòa vào nước để ngâm cho dễ giặt, chứ không phải luộc quả bồ hòn để lấy nước giặt hay dùng bánh xà phòng 72% của Liên Xô, thâm xì cứng ngắc đáp chết chó mèo .

 Mới biết được dân miền Nam đi xe máy và ô tô nhiều hơn xe đạp.

 Mới có được những đồ chơi bằng nhựa như búp bê nhắm mở mắt , ô tô , máy bay ,chú ếch xanh chạy cót tinh xảo cho trẻ em .

Trước 30/4 /1975 ngồi nhà đèn dầu nghe loa phát thanh mà cứ thương các Bác miền Nam quá!

 Té ra chúng tôi ăn khoai sắn nằm ổ rơm nóng hết cả bụng, lại đi thương các bác ăn cơm thịt bò, cá kho tộ nằm đệm mút máy lạnh xem ti vi nghe nhạc trữ tình.

Thôi thì hoàn cảnh giờ nó vậy, lỗi do CS nó đang trong giai đoạn tiến hóa thành người, nên đối xử với các bác chẳng ra làm sao cả.

Nhưng trong tâm trí dân Bắc chúng tôi luôn cảm ơn miền Nam  đã GIẢI PHÓNG chúng tôi khỏi cái tầm nhìn tăm tối, bớt đi cái khổ phần nào vì đống tài sản khổng lồ của miền nam, đã được chuyển nhiều ra Bắc.

Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài hai chữ Cảm Ơn xuất phát từ tận đáy lòng!


 



Machu Picchu (in Peru) Decoded







30 Thousand Years Old - Oldest Civilization Discovered







Angkor Wat







Phỏng vấn Ms Nguyễn Mạnh Hùng và Lm Nguyễn Đình Thục, 4/11/2017







Phỏng vấn Mục Sư & Luật Sư Nguyễn Hồng Quang, 28/10/2017







Xâu Chuỗi Da Voi - Tác giả Nguyễn Văn Sâm







Hội Luận về: APEC 2017, Giặc Cờ Đỏ, và Đàn Áp Đòi Hỏi Nhân Quyền tại VN







Ninh Bình, VN










Lm Nguyễn Văn Khải phát biểu trong Lễ giỗ TT Ngô Đình Diệm lần thứ 54 ở Boston, MA, US







Cô gái lai Việt, Caroline Foot, hát dân ca










“Tháo giày trước khi vào nhà”: Sự phức tạp trong một gia đình Á Âu- Tác giả Ian Rose




Là người Anh trong một mối quan hệ Tây - Việt, đã có vài điều chỉnh mà tôi phải thực hiện nhằm duy trì sự hài hoà giữa hai chúng tôi. Một vài thay đổi khá dễ dàng, một số khác thì không.

Chẳng hạn như việc lì xì vào dịp Tết, khi Giáng Sinh chỉ mới vừa làm tôi sạch túi, luôn khiến tôi khổ sở. Tôi đã không bao giờ hiểu được sao có thể uống rượu cô-nhắc trong một bữa ăn, nhưng lại bị thuyết phục hoàn toàn khi lần đầu thử món trái cây muối. Tôi cảm thấy như mình đã phạm trọng tội khi gửi con cái đến trường học tiếng Việt vào ngày Chủ Nhật, nhưng chỉ vài giờ đồng hồ để được yên tĩnh thì cũng đáng.

Và tiếp theo là chuyện 'không mang giày trong nhà!".

Sinh ra và lớn lên ở Anh, bất cứ khi nào tôi đến thăm nhà ai đó có quy định không-đi-giày-trong-nhà, tôi sẽ cho rằng bố mẹ người ấy là kiểu người cuồng sạch sẽ có chủ đích; bí mật của họ có thể là giữ gìn đồ đạc suốt năm trong miếng phủ nhựa chẳng hạn.

Khi hai mươi tuổi, mỗi khi tới nhà ai yêu cầu tôi phải tháo giày, tôi sẽ có ngay cảm giác căng thẳng hoặc hình thành định kiến phân biệt giai cấp.

Nơi tôi sống không tồn tại những quy định nghiêm khắc đó. Khách đến nhà được tự do mang giày tới lui trong nhà, sau đó cứ việc đá văng giày như tôi đã làm bất cứ khi nào chúng tôi muốn, để việc lê những đôi ủng và những đôi giày thể thao dây nhợ qua hàng loạt các hộ gia đình trở thành bằng chứng sống cho phong cách tự do tự tại. À, những ngày tháng thật bốc đồng! (Mặc dù sự cẩu thả này đôi khi khiến chúng ta nổi điên vì một chiếc Converse bị thất lạc đâu đó).

Sau đó, ở tuổi 32, tôi đã dành vài năm sống và làm việc tại Nhật Bản và như một phần của “nhập gia tuỳ tục”, tôi phải chịu đựng các buổi tắm chung (tắm onsen tập thể) hay đi hát karaoke với các đồng nghiệp, từ đó tôi phải làm quen với một loạt quy tắc giày dép.

Không chỉ tháo giày dép khi về nhà, nơi làm việc hoặc vào nhà hàng, mà còn phải đi đúng loại dép rất phiền phức nữa.

Có lần, trong một buổi tụ tập bắt buộc sau giờ làm, khi tôi lê bước trở lại phòng Izakaya từ phòng tắm, tôi đã được chào đón bởi một biển khuôn mặt nhìn chằm chằm hãi hùng vào chân mình (họ đang ngồi ngay trên sàn nhà, nên chân tôi ngay tầm nhìn của họ), và một cơn kinh hãi tập thể tràn qua khiến ít nhất một trong số các anh bạn dùng bữa với tôi bị mắc nghẹn món tempura.

Hoá ra tôi đã quên thay dép đi trong nhà vệ sinh ra để mang đôi dép dành riêng cho nhà hàng trước khi trở lại phòng. Tôi đã định sẽ mang về luôn nếu không có chiếc huy hiệu Hello Kitty màu hồng đáng sợ đính bên trên.

Ấy thế mà vượt qua được các quy định trong sự nghiệp đổi dép đi trong nhà, sau một thời gian với những nỗ lực Nhật Bản hóa, cuối cùng tôi đã tạo được thói quen cởi giày mỗi khi bước vào căn hộ nào đó, của tôi hoặc của ai khác cũng vậy.

Xem ra đây là một thói quen hợp lý đấy chứ. Tôi đã giữ nó từ đó đến giờ.

Khoa học ủng hộ việc cởi giày trước khi vô nhà


Vì vậy, chẳng sao cả! Dù gót chân có hơi chai đi, khi phải tuân theo quy tắc không mang giày vào nhà trong một gia đình pha trộn hai nền văn hoá Á Âu mà tôi đang đóng vai trò là một ông bố. Nếu nói về xu hướng văn hoá, tôi đoán tôi đã thay đổi. Nhưng nó chẳng khiến tôi buồn phiền chút nào.
Đây dường như cũng là sự lựa chọn lành mạnh. Vài năm trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Houston phát hiện rằng 40% các đôi giày mang vi khuẩn clostridium difficile. Loại vi khuẩn nhỏ bé này có thể gây bệnh viêm đại tràng chứ chẳng đùa. Và nên cởi giày dép trước khi vào nhà chính là khuyến cáo từ nghiên cứu của họ.

Thật không may, đứa con trai sáu tuổi của chúng tôi, vốn rất giỏi tháo giày khi về nhà, nhưng lại không nhớ mang chúng vào lại trước khi ra ngoài, thường chỉ khoảng ba phút sau đó nó mới nhớ ra. Và như vậy, cũng chẳng còn tác dụng gì khi vớ của nó có vẻ như cũng dính đầy vi khuẩn clostridium difficile chẳng khác gì chiếc giày là mấy.

Dẫu vậy, những đứa trẻ này là người Úc gốc Anh-Việt, trong ngôi nhà hai dòng máu Anh-Việt ở Úc này, chúng tôi để giày dép ở cửa ra vào, đó là những gì chúng tôi đang làm.

Tôi chỉ ước mình có thể nói rằng việc phát cáu về chiếc Converse bị thất lạc giờ đây chỉ là chuyện của quá khứ. 


Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Lm Nguyễn duy Tân trả lời phỏng vấn về lể giỗ TT Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/2017







Thời Sự VN Tuần Qua, 4/11/2017







Những vấn đề đáng quan tâm sẽ được nêu ra trong APEC 2017







Thời sự Á Châu Tuần Qua, 5/11/2017







Người này có thể bảo vệ VN khỏi chủ thuyết CS, nhưng chính quyền Kennedy đã hạ lệnh giết ông ta - Tác giả Cáey Chalk




Vào ngày 2 tháng 11, các nhóm đàn ông, phụ nữ, và trẻ em Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới sẽ hội tập để làm lễ tưởng niệm ngày giỗ nhằm vinh danh cái chết của một người đàn ông phần lớn đã bị lãng quên trong ký ức sử tích của Mỹ. Trước kia người đàn ông này là một danh xưng quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trên các trang đầu của báo chí Hoa kỳ và được nêu tên trên môi các phóng viên trong giờ tin tức ban chiều.

Ông là Ngô Đình Diệm, tổng thống nước Việt Nam Cộng hòa (còn gọi là Nam Việt Nam) từ năm 1955 đến năm 1963, sự trị vì và cuộc sống bị kết liễu một cách tàn nhẫn bằng một cuộc đảo chính quân phiệt được chính phủ Mỹ ngầm ủng hộ. Một quyển sách gần đây về cuộc đời của ông Diệm, “Thiên hoàng bị đánh mất của: Sự phản bội Ngô Đình Diệm của người Mỹ, Tổng thống Việt Nam” của nhà sử học quân sự Geoffrey Shaw đã làm sáng tỏ lý do vì sao người Mỹ cần để tang cái chết bi thảm của một người mà nhiều người cho là cơ hội tốt nhất của Việt Nam để đánh bại chủ nghĩa cộng sản.

Trong lịch sử Châu Á ông Diệm là một nhà lãnh đạo Công giáo thuần thành hiếm có. Ông đã không được coi trọng trong các đánh giá phổ biến nhất của Mỹ về thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chưa đầy hai tháng trước đây, loạt phim PBS nổi tiếng của Ken Burns về Chiến tranh Việt Nam đã dành rất nhiều thời gian trong tập phim thứ hai cho sự lên ngôi và sụp đổ của ông Diệm. Bức chân dung của Burns dường như đã vay mượn rất nhiều từ tài liệu của PBS trước đây về cuộc chiến tranh Việt Nam do phóng viên quốc tế Stanley Karnow sản xuất và phát hành năm 1983. Một câu chuyện mà nói chung cả hai đều chia sẻ.

Một sự Châm biếm Quá đà: Diệm một Đồng minh Đáng Ghét

Theo tường thuật của Burns và Karnow, ông Diệm, một thành viên trong một gia đình Công giáo Việt Nam quý tộc có tiếng tăm được kính trọng, từng phục vụ các vai trò trong chính phủ thuộc địa Pháp trước khi Việt Nam giành độc lập vào những năm 1950. Sự chia cắt Việt Nam giữa 2 vùng Bắc-Nam ở vĩ tuyến 17 tại Hội nghị Geneva năm 1954 cho phép ông Diệm khẳng định quyền lực của mình ở miền Nam với sự hỗ trợ của Pháp và Mỹ.

Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở miền Nam năm 1955 – một cuộc bầu cử mà nhiều người cho là bất hợp pháp vì gian lận – đã khép chặt vai trò của ông Diệm trong chức vụ tổng thống của miền Nam. Với sự chấp thuận của Hoa Kỳ, ông Diệm ngay sau đó đã bác bỏ điều khoản tổng tuyển cử 2 miền Nam Bắc theo hiệp định Genève mà các cuộc bầu cử hoà giải năm 1956 phải được tổ chức trên toàn quốc nhằm xác định chính phủ của một nước Việt Nam thống nhất, vì họ cho rằng ông Diệm biết mình sẽ thua ông Hồ Chí Minh, người có tiếng hơn đang cai trị miền Bắc cộng sản.

Trong những năm tiếp theo, Diệm và em trai nổi tiếng Ngô Đình Nhu của ông bị nhiều khủng hoảng trong chính quyền, thất bại trong các chương trình chính phủ ở nông thôn và sự ủng hộ gia tăng của quần chúng đối với cuộc nổi dậy của cộng sản. Hai anh em sau đó càng theo đuổi các biện pháp kềm kẹp hơn để bảo vệ quyền lực của họ. Các lực lượng cảnh sát mật vụ do ông Nhu cầm đầu đã bỏ tù, tra tấn, và giết hại kẻ thù của chế độ, trong khi chính sách của chính phủ làm giàu cho người thiểu số Công giáo đã làm phương hại đến dân Phật giáo, chiếm đa số ở nước này.

Cuối cùng, người dân Việt Nam không thể chịu đựng được nữa. Các cuộc biểu tình bùng nổ khắp nơi, đưa đến một số những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất trong thời Chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức rốt cục đã mang lại cho nhiếp ảnh gia người Mỹ Malcolm Browne giải Pulitzer, và dường như chứa đựng trong nó một mức độ oán giận của đám đông dân chúng Việt Nam đối với ông Diệm và ông Nhu.

Hai người, sợ mất quyền lực của họ, đẩy mạnh hơn những người biểu tình Phật giáo, trong khi Washington, trong thời gian này đang đổ nhiều viện trợ quân sự và tài chính đáng kể vào Việt Nam, ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với chế độ Diệm-Nhu cứng đầu và không có khả năng.

Các thành viên của chính quyền John F. Kennedy, cảm thấy ở ông Diệm một sức mạnh bất trị ngày càng chống lại quyền lợi của Hoa Kỳ, đã bật đèn xanh cho các tướng lãnh miền Nam để loại bỏ Diệm khỏi quyền lực. Một cuộc đảo chính khởi xướng vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã khiến 2 anh em ông Diệm bỏ trốn. Vào ngày hôm sau, nơi trú ẩn của họ trong một nhà thờ Công giáo bị phát hiện, cả hai đều bị giết chết ở đằng sau một xe thiết giáp.

Mặc dù nhiều chi tiết trên là đúng, tác phẩm của Shaw cho thấy chủ đề tổng thể – Diệm là nhà chính trị gia độc tài, nhiều rối rắm – vẫn còn quá xa sự thật.

Diệm, Nhà lãnh đạo Việt Nam lý tưởng

Tiểu sử mà ông Shaw viết về ông Diệm đã phác họa một bức tranh rất khác biệt về “một người Quan lại của Mỹ.” Để khởi sự, ông Diệm là một người đàn ông sùng đạo sâu sắc, lấy đức tin Công giáo của ông làm trọng tâm trong mọi quyết định trong cuộc sống của mình. Thường bị cuốn hút bởi đời sống tôn giáo, ông Diệm đã phải thường xuyên bị thúc đẩy để nắm lấy những kỹ năng thiên phú của mình như một nhà hành pháp và chính trị gia.

Ông Diệm đã có một danh tiếng như là một học giả khổ hạnh và một quan chức có khả năng, một người dường như hoàn toàn phù hợp với vai trò của 1 nhà lãnh đạo Khổng giáo Việt Nam lý tưởng. Trên thực tế, như Shaw cho thấy, Hồ Chí Minh đã ngưỡng mộ sự thắt lưng buộc bụng của Diệm, và có lẽ đã cố gắng để bắt chước điều này. Ngay cả khi ở đỉnh cao quyền lực của mình, ông Diệm sống một cách ôn hòa, và được biết là không ngừng cho tiền cho bất cứ ai có nhu cầu. Ông được biết là dậy sớm mỗi ngày để tham dự thánh lễ, và làm việc đầu tắt mặt tối cả 16 giờ tiếng/1 ngày.

Ông cũng không phải là một nhà chính trị xa lánh, xa lạ không quen thuộc với những người ông cai trị. Theo nhiều tài liệu đầu tay, Diệm dường như năng động nhất khi đi kinh lý ở cuộc gặp gỡ nông thôn Việt Nam với nông dân, lắng nghe câu chuyện của họ, và tìm cách cải thiện cuộc sống của họ. Cũng không phải là “Diệm chống lại Phật giáo” một biếm luận thiếu công bằng. Chính phủ của Diệm đã đổ rất nhiều tiền vào việc hỗ trợ bảo tồn hoặc phục hoạt các tòa nhà và tổ chức Phật giáo.

Thật ra, những người biểu tình Phật giáo đã làm suy yếu chế độ Diệm trong những tháng dẫn tới cuộc lật đổ ông thuộc một thiểu số ở miền Nam, bị kích động bởi các nhà lãnh đạo Phật giáo cực đoan, rất có thể được hậu thuẫn bởi những người cộng sản. Thay vì phản ảnh quyền hành bị lung lay của chính phủ, cuộc khủng hoảng Phật giáo dường như là một nỗ lực tuyên truyền nhằm cản trở quá nhiều sự kiện hiện đại và tài liệu lịch sử cho thấy: Diệm và em trai của ông đã lần lượt chiến thắng trên cả mặt trận chính trị và quân sự.

Một Truyền thông Thiên vị, một Chính phủ Lưỡng Lự

Vì sao chúng ta lại có một nhận thức sai lầm về ông Diệm và vai trò tổng thống của ông? Theo ông Shaw, 2 nguồn tin cung cấp phần lớn lỗi lầm này: 1) Truyền thông Mỹ có thiên hướng tích cực chống ông Diệm, và 2) một nhóm các quan chức chính phủ cao cấp Mỹ – do Averell Harriman và Roger Hilsman cầm đầu – nhất định muốn loại bỏ và thay thế ông Diệm.

Các phóng viên từ các thông tấn xã như The New York TimesWashington Post, trái ngược với sự mô tả họ bằng loạt phim truyền hình của Burns, thường là những phóng viên trẻ tuổi mong tìm kiếm câu chuyện khiêu gợi sắp tới để đánh bóng tín nhiệm của họ. Đa phần họ đã dành phần lớn thời gian ở Sài Gòn và các thành phố lớn khác, khó lọt khỏi vòng kim cô của những tin đồn thổi và mưu đồ, mà đây chỉ là một phần nhỏ của xã hội Việt Nam. Điều này tạo ra một nhận thức sai lầm về quan điểm phổ biến của người Việt Nam, và đặc biệt gây nhiều rắc rối vì phần lớn những nỗ lực của ông Diệm đã chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ và cải thiện rất nhiều nông dân miền Nam nghèo, những người chiếm phần lớn dân số.

Trong suốt thời gian của chính quyền Kennedy, báo chí đã xuất bản nhiều bài báo này đến nhiều bài báo khác chỉ trích tất cả những gì ông Diệm đã làm, đồng thời hô hoán loại bỏ ông ta. Sự phát tán của truyền thông các tin tức thu thập trên hiện trường tính ra rất tiêu cực so với các đánh giá được giới quân sự cung cấp, hoặc do Đại sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting thông tin, người ủng hộ chế độ của ông Diệm. Nhiệm vụ chém chặt của giới truyền thông đã quá mức đến độ các quan chức Mỹ phải nhiều lần phàn nàn với các chủ bút của tờ hai tờ New York TimesWashington Post.

Harriman, một ví dụ điển hình của một quan chức WASP hạ bệ, được biết đến rộng rãi là coi thường Diệm vì đã chống lại chính sách Hoa Kỳ.

Cuộc nổi dậy của Phật giáo năm 1963 nên được giải thích trong bối cảnh này, với những người biểu tình Phật giáo (thường xuống đường phát biểu bằng tiếng Anh!) cố tìm kiếm sự chú ý của các nhà báo Hoa Kỳ háo hức tìm câu chuyện nóng bỏng sắp tới.

Còn đối với chính quyền của Kennedy, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Averell Harriman dẫn đầu một đội ngũ cán bộ trong chính phủ kịch liệt phản đối chế độ của ông Diệm. Phần lớn những điều này xuất phát từ sự bực bội của Harriman đối với những nỗ lực của ông Diệm để duy trì sự tự trị của chính phủ mình, ông ta thường chê trách những chỉ thị của Mỹ mà ông coi là sai lạc, nếu không phải là một mối đe dọa đối với sự sống còn của đất nước ông.

Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất là sự ủng hộ của Harriman đối với sự trung lập của nước Lào láng giềng, một chính sách cho phép cộng sản chiếm một phần lớn nông thôn Lào và sử dụng những vùng đất này để chuyển quân lính chiến đấu, máy móc và tiếp liệu cho các phần tử kháng chiến cộng sản (Việt Cộng) ở miền Nam. Con đường qua Lào trở nên nổi tiếng, được châm biếm là “Xa lộ Averell Harriman.” Ông Diệm đã kiên quyết gọi chính đích danh của nó: một cuộc tấn công trực tiếp vào an ninh quốc gia và khả năng tồn tại của Việt Nam. Harriman, một ví dụ điển hình của một quan chức WASP, được nhiều người biết là coi thường Diệm vì đã ông ta cưỡng lại chính sách Hoa Kỳ.

Nghiên cứu của Shaw cho thấy Harriman là người đã xách động và lãnh đạo sự hỗ trợ ngày càng tăng trong chính quyền Kennedy đối với việc trục xuất ông Diệm, luôn đặt ra chủ đề cụ thể của các cuộc thảo luận nội các hoàn toàn chống lại ông Diệm. Như người ta tiên đoán, ông Harriman đã tìm cách cho ra rià những người này – như ông Đại sứ Nolting – người đã đưa ra một nhận xét khác biệt và thông cảm hơn. Ông Harriman cũng dựa vào nhiều báo cáo thiên vị của giới truyền thông Mỹ, nhà báo Marguerite Higgins đoạt giải Pulitzer cho biết:

Và do đó lịch sử đã được tái tạo. Tất cả những người Mỹ nói tiếng Việt đi quanh vùng nông thôn để trưng cầu ý kiến ​​của người Việt Nam; tất cả các sĩ quan Hoa Kỳ đánh giá tinh thần chiến đấu của quân đội … tất cả những thông điệp của Đại sứ Nolting – một đội quân thu thập dữ liệu theo thỏa thuận hợp lý đã bị hạ cấp để ủng hộ các ấn phẩm báo chí đưa ra các kết luận ngược lại. Đây là lần đầu tiên tôi bắt đầu thấu hiểu, một cách sâu xa và trong một nỗi buồn, ý nghĩa của sức mạnh của báo chí.

Lập luận của Harriman rằng cuộc bức hại Phật tử của ông Diệm đã “làm cho Hoa Kỳ không thể ùng hộ ông ta“ – cuối cùng đã được thắng thế ở Nhà Trắng, bất chấp sứ mệnh tìm hiểu tình hình Việt Nam của Quốc hội vào cuối tháng 10 năm 1963 (1 tháng trước vụ ám sát 2 ông Diệm-Nhu) rằng Hoa Thịnh Đốn nên giữ ông Diệm. Nhà Trắng đã bỏ qua báo cáo này, chịu loại bỏ ông Diệm.

Những người đàn ông ủng hộ cuộc đảo chánh chắc chắn phải biết được điều gì sẽ xảy ra với ông Diệm và anh trai ông. Khi hai người được phát hiện bên trong nhà thờ Saint Francis Xavier ở Chợ lớn vào ngày 2 tháng 11, những người lính thi hành mệnh lệnh trên của lãnh đạo đảo chánh đã nhốt họ họ bên trong một xe quân xa, nơi mà kẻ hành quyết “cắt bỏ túi mật của họ trong khi họ còn sống, và bắn hạ họ.”

Đây là một kết thúc tồi bại một đồng minh Mỹ, một người mà các nhà quan sát Mỹ, Pháp, Anh, Úc, và thậm chí Bắc Việt – tin rằng (hoặc trong trường hợp của cộng sản, sợ) là cơ hội tốt nhất cho Sàigòn bảo vệ độc lập cho miền Nam. Trong một định mệnh oái oăm, người đàn ông chấp chính chịu trách nhiệm về cái chết của Diệm đã bị ám sát ba tuần sau đó ở Dallas, Texas. Phần còn lại, không may, theo lời của ông Nolting, một “câu chuyện đáng tiếc nhất” về những cơ hội bị bỏ lỡ và những mạng sống bị hy sinh.

Đặt lại sự that

Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở Nam Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Cả Burns và Karnow đều cho rằng đây là một vỡ kịch, với sự từ chối quyết liệt của ông Diệm về kế hoạch bầu cử toàn quốc năm 1956, mặc dù nghiên cứu cẩn thận của Shaw chứng minh điều này cũng là một luận án có vấn đề. Mặc dù những người Cộng sản khá dễ hiểu đá la ó khi ông Diệm ngâm tôm các cuộc bầu cử, chính quyền Hồ Chí Minh đã trực tiếp vi phạm Hiệp định Genève năm 1954 bằng cách xây dựng lực lượng quân đội và hỗ trợ mạng lưới cộng sản kháng chiến ở miền Nam.

Phần lớn dữ liệu vẫn chưa được thông báo bởi chính phủ cộng sản Việt Nam vì mong muốn bảo vệ một lập luận nào đó về lãnh đạo của ông Diệm.

Trong khi đó, ở miền Bắc, cộng sản đã bận rộn ngăn chặn cuộc nổi dậy, giết hàng ngàn người trong những nỗ lực cải cách đất đai không được ưa chuộng và kém cỏi của họ. Hơn nữa, như Shaw đã lập luận, sự vi phạm thô bạo của họ đối với thỏa thuận trung lập Lào nhiều năm sau chứng minh rằng cộng sản sẽ không bao giờ cho phép bầu cử toàn quốc tự do và công bằng. Một cách đơn thuần ông Diệm đã nhìn xuyên thấu sự giả dối của vỡ kịch.

Tài liệu của Shaw về sự lên ngôi và sụp đổ của nhà lãnh đạo Nho giáo, Công giáo Việt Nam lý tưởng này là một chuyện lịch sử sang trang quan trọng, nếu không phải là 1 tài liệu kinh hoàng về sự phản bội của Hoa kỳ đối với một người có những đặc tính đáng nể và thiên tài chính trị. Nó được chứng minh đầy đủ trong các nguồn dữ liệu sơ cấp và thứ cấp, và được thu thập trong quá trình của nhiều năm nghiên cứu. Những điểm trọng yếu của cuốn sách – như khả năng phụ thuộc vào nguồn tư liệu Việt Nam, chứ không phải của phương Tây – phải được làm dịu lại bằng việc thừa nhận rằng phần lớn dữ liệu vẫn chưa được thông báo bởi chính phủ cộng sản Việt Nam mong muốn bảo vệ một lập luận nào đó về chuyện cai trị của ông Diệm.

Đối với những ai quan tâm đến sự hiểu biết khác nhau về những ngày đầu của sự tham gia của Mỹ tại Việt Nam hơn là những phim tài liệu chống ông Diệm ác liệt của Burns và Karnow, cuốn “The Lost Mandate of Heaven” là một loại thuốc giải độc rất cần thiết. Shaw không chỉ làm minh bạch câu chuyện một người đàn ông xứng đáng được chúng ta tôn trọng hơn là thù ghét, mà còn là một bài học quý giá về việc kiểm tra kỹ lưỡng những nguồn tin mà chúng ta nên dựa vào để đánh giá đúng nhân cách, động cơ và khả năng của con người. Như câu chuyện của ông Diệm chứng minh, kết án của chúng ta có thể xác định số phận của nhiều quốc gia.





AIR FORCE ONE, "Tư Bản Giãy Chết" của CSVN







Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Hải Âu Dương Wagner hát Ô Mê Ly, nhạc Văn Phụng







Little Saigon, Nghiêm, Thảo Trường, và tôi - Tác giả Nguyễn Quốc Trụ




Thảo Trường: Phải luôn luôn nhớ rằng...


Theo một nghĩa chung, và rất đỗi thiêng liêng, tên gọi Little Saigon có, ngay sau khi thành phố mất.


Nhưng xét về mặt tầm nguyên học, Nghiêm (1), ông bạn tôi, là người thực sự khai sinh ra nó.

Anh đi ngay hồi 1975, do phút chót gặp may. Ở lại chắc "chết": ông thân anh mất năm 1954 ("có thể có bàn tay CS, nhưng không phải thủ tiêu", như Nghiêm xác nhận với tôi).

Tôi nói đùa:

-Tớ với cậu như vậy là hai kẻ thù.

Thấy anh tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi giải thích:

-Ông già tớ bị "Đảng" của cậu thủ tiêu.

Thấy anh có vẻ lúng túng, tôi "hoà giải":

-Nhưng ông anh rể tớ (2) là người cùng phe với cậu. Vậy kể như huề.

Nhưng "huề" làm sao được cơ chứ!

Bởi vì "hai đứa tôi" nếu không kẻ thù, thì cũng là địch thủ.

Môn chơi: cờ tướng.

Trong những ngày ở Cali, buổi sáng tôi thường ghé cà-phê Diễm, ngồi chầu rìa chờ tới phiên mình trong cái hội cờ tướng ở đây. Nghiêm lúc này có bổn phận đưa bà xã tới tiệm. Tới trưa, anh tới đó, nếu còn thời giờ, hai đứa lai rai một hai bàn, rồi tôi theo anh lên trường đua. Đây mới là thú vui của riêng anh.

Vốn là một giáo sư Anh văn, chân ướt chân ráo nơi xứ người, anh đã lo giúp đỡ đồng hương, gầy dựng cộng đồng. Cái tên Little Saigon, là do anh chọn, khi hoàn tất thủ tục ghi danh (registration form) tham dự Đại Hội Giáo Dục Việt Mỹ, sau đó được in trong Chương Trình Đại Hội (Program), năm 1984.

Loay hoay với mẫu ghi danh, anh suy nghĩ: Little Vietnam, ồ không được (2), nhưng tại sao không là Little Saigon nhỉ...
Chính thức xuất hiện sau đó, là khi Sở Lục Lộ Hoa-kỳ, theo nhu cầu phát triển Quận Cam, đã cho xuất hiện những tấm bảng chỉ đường. Bạn chạy trên xa lộ Cali, nếu thấy biển đề Exit: Little Saigon, xin hãy nhớ một điều, ông bạn Nghiêm của tôi là người đầu tiên viết ra hai chữ thân thương đó: Little Saigon.

Tôi gặp Nghiêm, và sau đó gặp Thảo Trường ở "văn phòng" của anh, một Car Wash của con trai, sang Mỹ từ 1975.

Tại Little Saigon, lẽ dĩ nhiên

Như thể Nghiêm, Thảo Trường và tôi đã có hẹn gặp lại, từ thuở còn Sài-gòn.

Anh kể chuyện "ngày xưa": Bữa đó, mình đưa mấy mẹ con đi trước, tính đi chuyến sau. Thế là dính luôn 8 năm tù Bắc, 9 năm tù Nam.

Tếu thật, tôi vẫn nghi, anh chàng này rồi khổ với tính tếu: Nếu không tếu, không viết nổi Bà Phi, rồi bị sếp hành lên hành xuống, do có kẻ "mét": Thằng đó nó tả "Quí Phu Nhân" đấy, cho nó xuống hầm P.48 (4) đi!

Nếu không bị tính tếu xúi dại, đã đi cùng vợ con...

Kể ra nói chuyện ngày xưa lúc này là quá hợp: Little Saigon đang ngợp một mầu cờ, nhân vụ Trần Trường.

Quên không nói cho các bạn biết, cà phê Diễm ở ngay sát cạnh tiệm Hi-Tech của Trần Trường, và cái hội cờ tướng ở đây đa số thành viên đều cựu quân nhân, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Họ vừa đánh cờ vừa có nhiệm vụ "điều nghiên" chiến trường: vào những lúc chúng tôi đang say sưa trên mặt trận cờ, "mặt trận Miền Nam Cali" ở bên ngoài tiệm cà phê vẫn yên tĩnh! Nhưng chỉ cần một dấu hiệu nho nhỏ từ phía Hi-Tech lọt vô, là tất cả ùa ra hết bên ngoài. Đây cũng là nơi được cảnh sát "chiếu cố" nhiều nhất, để ghi giấy phạt: hút thuốc lá trong tiệm.

Trước 1975, Thảo Trường thuộc loại đàn anh của tôi. Anh có tên trong tờ Sáng Tạo, nhưng theo "một nghĩa nào đó", anh chẳng mắc mớ gì với chủ trương "đạp đổ", làm cách mạng văn học của nhóm này. Tôi vẫn không hiểu được tại sao anh có mặt "ở đó"?

Bởi vì truyện ngắn của Thảo Trường "hiền khô", lại không "mới". Cái cũ "nhất" ở anh, là kỹ thuật truyện ngắn. Thứ truyện ngắn không nhắm vào tiểu sảo, không mà mắt người đọc với những kỹ thuật mượn từ độc thoại nội tâm, điện ảnh... vốn rất được ưa chuộng hồi đó, kể luôn cả chuyện, cho nhân vật tuôn ra đủ thứ tư tưởng, hoặc ăn nói theo kiểu ba phải (nghĩa là lạm dụng nghịch lý, ra cái điều thông thái: Đời chẳng đáng gì nhưng đâu có gì đáng (như) đời, la vie ne vaut rien mais rien ne vaut la vie, André Malraux).

Ngay hồi đầu đọc anh, tôi đã ngạc nhiên, anh cứ một mình đi một đường, an nhiên tự tại, thong dong mà viết.

Bây giờ thì tôi hiểu. Với một chút tếu, với chút thong dong tự tại, vậy là có thể qua được địa ngục. Đá Mục, cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh, xuất bản ở hải ngoại (nhà xb Đồng Tháp 1998) cho thấy điều này. Như thể Sáng Tạo hô hào lật đổ, là để sửa soạn cho giai đoạn hậu-Sáng Tạo: giai đoạn Đá Mục.

Theo nghĩa đó, Thảo Trường là người "đại diện độc nhất", của dòng văn chương vốn nổi tiếng là "bí hiểm, hũ nút" này.

Câu chuyện hình như chỉ có hai nhân vật. Và ba đoạn đời. Người ta có thể dựng một cuốn phim chỉ với những tình tiết "đơn giản" như vậy: Tên của cuộc chiến: Đá Mục.

Đoạn đầu: Anh chuẩn uý mới ra trường, trấn một đồn biên. Đệ tử, một anh lính truyền tin, có vẻ khôn hơn thầy, và như mang dáng dấp anh nông dân Ivan của Solzhenitsyn.

Đoạn hai: Họ gặp lại nhau trong trại tù.

Đoạn ba: Anh sĩ quan, sau 17 năm tù, tái ngộ vợ con, và đệ tử tại xứ người.

Và đây là "thông điệp" của Thảo Trường: Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả (Đá Mục).

Và đây là quang cảnh trận đánh cuối thế kỷ, qua miêu tả của Thảo Trường:

Trận chiến diễn ra trên đường Bolsa, thành phố Westminster. Một bên là Việt Cộng rất thủ đoạn nhưng có lực lượng cảnh binh sắc phục đẹp và oai phong nhất thế giới, trang bị bằng những khí cụ hiện đại tối tân cũng nhất thế giới, hộ tống. Một bên là dân di cư chạy loạn, nạn nhân của Việt Cộng...
 

Mẹ cháu cũng bị bắt trong nhấp nháy.... Và cháu cũng bị bắt dẫn đi. Cháu vẫn nằm trong nôi.... Cháu trở thành tù binh... Một thứ tù binh của hòa bình... Trận đánh cuối thế kỷ.

(Người tù binh nằm trong nôi).

"Có một bản thảo đưa ông đem về mà cũng đánh mất, đòi gửi tờ khác thì tôi gửi đây (Người tù binh nằm trong nôi)... tôi kèm thêm một ít trang bản thảo tập truyện sắp in, ông đọc đỡ buồn!

Tôi không hiểu sao các ông lại không ở "Saigon" này mà đi tuốt luốt sang mãi "Tây Ninh, Đồng Tháp" xa xôi chi vậy để rồi thỉnh thoảng lại phải "về phép" tốn tiền tốn sức. Sang "Saigon" này mà ở cho nó tiện việc ra quán cà phê cà pháo mỗi ngày. Xin gửi lời kính thăm quí bằng hữu ở bên đó.

Nói vậy chứ ở đây cũng chán bỏ mẹ!"

(Thảo Trường, trích thư riêng).

Người giới thiệu tờ báo Sáng Tạo với tôi, là Nguyễn Hải Hà, bạn học trường Hồng Lạc, của thầy Đoàn Viết Lưu, khi thầy mở lớp tư đầu tiên, tại một căn phố ở đường Sương Nguyệt Anh, gần vườn Bờ-Rô, Sài-gòn. Chỉ là một lớp dậy hè, cho chương trình lớp Đệ Tam cho những học sinh đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp kỳ thứ nhất. Học xong hè nhẩy lên lớp Đệ Nhị, cuối năm thi Tú Tài I.
Tôi không có trong số này, vì thi rớt kỳ I.

(Tất cả những bạn bè còn lại của lớp học xa xưa đó, hiện nay đều ở Little Sài-gòn, nhờ chiến dịch H.O.

Tôi gặp lại Lãng, và anh cho biết đã qua những đêm biểu tình ở trước tiệm Hi-Tech. Đúng là số mệnh "kỳ cục": tôi cũng ở trong số đó. Như vậy là cả hai, sau lần biểu tình thứ nhất trong đời, tại khách sạn Majestic ở Sài-gòn, khi còn là con nít mới lớn, mấy chục năm sau, đã già, hai đứa lại đi biểu tình, ở nơi xứ người!)

Chú thích:
 

(1) Nghiêm là tên bịa, vì chưa được phép của tác giả.

(2) Ồ không được: Một cái tên như Little Vietnam, theo anh, không mang tính lịch sử, như là nguyên nhân sự ra đời của khu Little Saigon ở Mỹ, và sau này, ở nhiều nơi trên thế giới.

(3) Ông anh rể: ký giả Hiếu Chân, mất tại khám Chí Hòa, lúc đầu có tin tự tử, nhưng bạn tù sau này cho biết, anh mất vì cao áp.

(4) Thảo Trường trước 1975, là sĩ quan VNCH, nơi anh làm việc: cục số 8 An Ninh Quân Đội, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng không xa Sở Thú. "Thiên hạ" đồn: ở đó có hầm nhốt người.



Tình thân người Việt xa xứ







Bộ lọc không khí cá nhân







Thêm nhiều tuổi trẻ VN đứng lên đòi hỏi dân chủ cho đất nước







Giặc Cờ Đỏ nhắm đến các chức sắc Công giáo







Nghĩa Trang Bình Hưng Hòa bị giải tỏa trắng







Làng Trằm Mé







Khi Đồng Minh (ĐM) Nhảy Vào,.., và Khi ĐM Tháo Chạy










Nguyễn Xuân Nghĩa, Bùi Văn Phú, và Bùi Tín: hội luận về hai cái chết của TT Ngô Đình Diệm và TT Kennedy







Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Hai xác chết anh em ông Diệm đáng giá 3 triệu đồng VNCH, thời giá 1963





Phiếu đệ trình

 Ngày 14 tháng 8 năm 1971

 Trích yếu: Về số bạc ba triệu đồng của ông Lou Conein cho mượn để thù lao các đơn vị trong ngày Cách mạng 1/11/63.

 Kính thưa trung tướng,

 Số bạc 3 triệu đồng của ông Conein cho mượn thì đã được trung tướng chỉ thị cấp cho những người sau đây:

Ngày 1/11/63, T/T/TMT Trần thiện Khiêm nhận ………………. 500,000 $
(do đại tá Đặng văn Quang làm biên nhận)

Ngày 1/11/63, T/T Tôn Thất Đính tư lệnh Quân đoàn 3 nhận      500,000 $
(do đại úy Phạm viết Hùng nhận)

 Ngày 10/11/63, TT Tôn thất Đính có nhận thêm ………………… 100,000 $

Ngày 4/11/63, tặng Sư Đoàn 5 …………………………………… 50,000 $
(do đại tá Nguyễn văn Thiệu nhận)

Ngày 5/11/63, tặng liên đoàn TQLC của đ/tá Lê nguyên Khang 100,000$
(do đại úy Quế nhận)

Ngày 5/11/63, đại tá Trần ngọc Huyến thị trưởng Đàlạt nhận… 100,000$

Ngày 9/11/63, thiếu tá Phan hòa Hiệp trường thiết giáp nhận … 100,000$

 Ngày 19/11/63, đại úy Đào ngọc Diệp câu lạc bộ TTM nhận ..... 100,000$

 Tổng cộng ………………………………………………… 1, 550,000$

 Tất cả số tiền 1,550,000 $ trên đây đều có biên nhận (đính kèm).

 Như vậy còn lại 1,450,000 $, trung tướng cũng tặng cho anh em nhưng không có chữ ký biên nhận.

 Nếu tôi nhớ không lầm thì trung tướng đã tặng cho các ông sau đây:

 Trung tướng Dương văn Minh

Trung tướng Lê văn Kim

 Trung tướng Tôn thất Đính

 Thiếu tướng Nguyễn hữu Có

 Thiếu tướng Trần ngọc Tám

Trung tướng Nguyễn Khánh

Trung tướng Đỗ cao Trí

Ngày 14 tháng 8 năm 1971 

 Ký tên

 Phan Bá Hoa



QUẢ BÁO - Tác giả Người Lính Già Oregon




Hôm qua, tổng thống Trump cho phổ biến 2,800 tài liệu, đã được bảo mật trong bao năm qua, về vụ ám sát tổng thống John F Kennedy xảy ra ngày 22/11/1963 tại Dallas, TX. Tòa Bạch Ốc giữ lại một số tài liệu trong vòng sáu tháng, theo yêu cầu của FBI và CIA, bởi “lý do an ninh quốc gia”, TT Trump nói. Điều này khiến một số sử gia, nghiên cứu gia, học giả và giáo sư đại học thất vọng, và, dĩ nhiên, như thường lệ, lớn tiếng chỉ trích ông về đủ chuyện, lần này, vì những tài liệu được phổ biến không có gì mới mẻ, kích thích cho họ. Tiện nhân cũng đọc một bài, được đăng tải ngày 26/10, kể lại tỉ mỉ vụ đảo chánh và giết cụ Diệm, viết bởi một người An Nam ký tên Lữ Giang (có g), nhân việc ông Trump cho phổ biến tài liệu được giải mật, cũng nhảy vào đánh hôi, theo đóm ăn tàn, cùng với bọn nhà báo Mỹ bị bệnh Leftist-Anti-Trumpist-hết-thuốc-chữa, bày đặt chê bai ông “lấy le” [sic], một cách vô lý, kỳ cục.
 
Tuy nhiên, sáng nay, thứ sáu 27/10, tiện nhân đọc được một bài báo Mỹ (nhưng rất tiếc không thể post toàn bài lên email vì không biết cách làm và computer của tiện nhân được chế tạo vào cuối thế kỷ XIX). Bài báo, viết ngày hôm nay, do AP cung cấp và Fox News đăng tải, không ghi tên tác giả, có tựa đề: “JFK files: Documents reveal new information surrounding president’s death”. Theo đó, thì Giám đốc FBI, J. Edgar Hoover rất tức giận được tin Lee Oswald, thủ phạm giết JFK, bị Jack Ruby bắn chết trong khi hai tay bị còng, tại Ty Cảnh sát Dallas, mặc dù trước đó ông đã dặn họ phải bảo vệ an ninh cho Oswald. Ông nói: “Oswald having been killed today after our warnings to the Dallas Police Department was inexcusable.” Oswald chết, cuộc điều tra bị bế tắc. Và câu hỏi quan trọng được đặt ra: Y hành động một mình hay theo lệnh của một nhóm người âm mưu giết JFK?
 
Phần tổng thống Johnson thì tin có một âm mưu, theo The New York Post tường thuật. Richard Helms, Giám đốc CIA dưới thời Johnson nói cựu tổng thống [NLGO: tức Johnson] nói ông tin rằng Kennedy bị giết vì bị trả thù cho vụ ám sát tổng thống Nam VN Ngô Đinh Diệm [NLGO nhấn mạnh] (“Johnson also believes in conspiracy theories himself, The New York Post reported. Richard Helms, the CIA director under Johnson, said the former president said he believed Kennedy was killed in retaliation for the assassination of South Vietnamese President Ngo Dinh Diem”). Đó là tin rất sốt dẻo, và khá lạ lùng, đối với nhiều người và riêng cá nhân tiện nhân.
 
Đó cũng là tin làm tiện nhân rất thắc mắc: Tin vịt, fake news à la CNN, nghe qua rồi bỏ?, tiện nhân tự hỏi. Hay là tin có thật, nhưng các chi tiết chưa được tác giả bài báo phổ biến đầy đủ? Chưa nói đến tính cách phi lý của sự việc báo thù cho cụ Diệm, có vài nghi vấn cần được giải tỏa: (1) Ai là người cầm đầu âm mưu giết JFK: Liên Xô, Cuba, hay Tàu Cộng, theo vài dư luận đồn đãi [NLGO: làm sao bọn Cộng sản lại "thương" một người quốc gia -cụ Ngô- chống chúng nó “cực kỳ”]? (2) Hay người Mỹ “hoài Ngô” [đến độ có thể giết cả tổng thống mình để trả thù]? (3) Hay tay chân bộ hạ VN của cụ ở Mỹ [nếu thật, thì những kẻ này tài giỏi hơn mafia nhiều, qua mặt cả FBI, CIA]? (4) Hay Johnson [mà Liên Xô kết án, không có bằng cớ, chính là người đã nhúng tay vào máu của Kennedy] là kẻ đã phản chủ mình vì thương tiếc cụ Diệm đến thế [một cách vô lý, khó tưởng tượng]? V.v...
 
Cái chết của tổng thống Kennedy, xảy ra chưa đầy một tháng sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, gây bàng hoàng xúc động cho cả thế giới. Lúc ấy tiện nhân còn đi học, và báo chí VNCH, lấy tin theo báo chí Mỹ, chỉ tường thuật từng chi tiết vụ ám sát, mà không đặt ra giả thuyết nào cả.

Tiện nhân còn nhớ mẹ của tiện nhân, một phụ nữ nội trợ chất phác, suốt đời chỉ lo cho chồng con, không biết chính trị là gì, không phải Cần Lao, hay gốc Bắc di cư, nhưng rất thương tiếc cụ Ngô, trong bữa ăn tối, khi nghe tin Kennedy bị ám sát, đã đột ngột phát biểu, như theo trực giác tự nhiên, một câu đơn giản, bình dân: “Ác giả ác báo”.

Điều mà, bây giờ, tiện nhân và nhiều người gọi một cách văn hoa hơn là karma. Hoặc là sự báo thù, nhãn tiền hay không. Của Định Mệnh.