khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Đứng Vững Lên! Hát Vang Việt Nam





Những Anh Hùng Thầm Lặng  - Tác giả Chú Chín Cali
 
 
Những người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên nay tuổi đời đã cao, kinh nghiệm sống ở Mỹ đã nhiều, con cái hầu hết đều thành công trong xã hội Mỹ. Ngoại trừ một số nhỏ nhờ có trình độ học vấn cao nên hội nhập dễ dàng vào xã hội Mỹ, đa số còn lại phải khắc phục bao khó khăn gian khổ, hy sinh cuộc đời mình cho con cái đời sau. Nay ý nguyện đã thành, nhìn lại quá khứ có khác nào một giấc mơ!
 
Mới ngày nào nheo nhóc vượt biên, họ nhịn từ giọt nước, miếng ăn cho các con đang sống dở chết dở vì đói khát. Tương lai mịt mù. Nay họ đã tạo được đời sống ổn định, vững vàng, nhà cửa khang trang. Mới ngày nào họ còn nắm tay dẫn con đi học, nay chúng là Bác Sĩ Kỹ Sư. Mới ngày nào phải thức khuya dậy sớm làm việc đêm ngày không biết mệt, bây giờ lên xuống thang lầu đã ngồi thở dốc! Nói trước quên sau, tóc đã bạc màu còn lưa thưa mấy sợi, bụng to mông lép, mặt mày càn cổi nhăn nheo, họ thấy buồn cho tuổi về chiều! Thôi cũng xong rồi đời ta, một kiếp lưu vong.
 
Họ có được ngày hôm nay nhờ ơn xứ Mỹ. Họ xem nước Mỹ như vị cứu tinh, là ân nhân đã đón nhận, cưu mang và đã chia xẻ cùng gia đình họ sự phồn vinh của một quốc gia giàu sang, văn minh, và hùng mạnh nhứt thế giới.
 
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Để tỏ ra xứng đáng với những đặc ân nầy, họ đã trả ơn bằng cách chứng tỏ mình là những công dân tốt. Họ cố gắng học hỏi, sống hòa đồng để sớm hội nhập vào cộng đồng người Mỹ. Khắc phục bao nhiêu gian khổ, họ đã đạt được mục tiêu nầy và hãnh diện làm người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên.
 
Dù hiểu mình may mắn đến được xứ sở của tự do, nhưng họ không thấy niềm vui trọn vẹn. Họ thấy mình có nhiều khác biệt đối với người Mỹ khi ở Mỹ, cũng như đối với người Việt khi về Việt Nam. Họ cảm thấy cô đơn lạc loài!
 
Sống mấy chục năm ở Mỹ họ vẫn thấy miễn cưỡng phải tham dự các sinh hoạt chỉ có toàn người Mỹ. Họ vẫn thấy ngần ngại khi nhận được giấy mời làm Juror và tìm mọi cách tránh né. Họ thèm ăn tô phở nóng có đủ vị tương ớt hành trần, ăn cơm canh chua với cá kho tộ, tô bún riêu phải có mắm tôm. Họ thích nói tiếng Việt với nhau và dạy dỗ con cháu phong tục tập quán Việt Nam để bảo tồn nguồn gốc.
 
Thời gian không biến đổi được con người. Mấy mươi năm không biến đổi cái gốc Việt của họ thành gốc Mỹ. Trong cùng tận đáy lòng, chưa bao giờ họ nhận thấy ở mình thật sự là một nguời Mỹ tuy mang quốc tịch Mỹ. Họ vẫn thấy cô đơn, lạc loài trong cộng đồng Mỹ.
 
Ngược lại khi về Việt Nam họ thấy mình có gì khác lạ đối với người Việt bản xứ. Họ thấy khó chịu với thái độ và cách hành xử thù hằn của các quan chức Việt Nam. Họ không thấy thoải mái khi dạo phố Saigon. Họ có cảm giác e ngại khi đi du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, lúc nào cũng trong trạng thái phòng thủ vì sợ bị chôm chỉa lường gạt. Họ cảm thấy khó chịu với lối buôn bán chụp giựt, mời hàng lì lợm, lối chạy xe vô kỷ luật, chửi thề, chen lấn bất lịch sự của người Việt Nam. Họ có cảm giác mình là miếng mồi ngon cho bấy cá lòng tong xúm vào rút rỉa, xí phần.
 
Cũng vì trạng thái “nửa chừng” nầy những người Việt thuộc thế hệ đầu tiên tới Mỹ đã không thấy thoải mái khi sống trong khu toàn người Mỹ hoặc trở về sống hẳn ở xứ Việt Nam. Họ chọn được sống ở Mỹ, nhưng được sống chung với những đồng hương cùng cảnh ngộ. Đó là lý do tại sao người Việt tị nạn tập trung về các khu Little Saigon càng lúc càng đông.
 
Sống trong các khu Little Saigon họ không còn phải cố gắng để giống như những người Mỹ khác. Họ sống thật với bản chất Việt của mình, tự tại, thoải mái, không mặc cảm. Họ đã cảm nhận được quê hương nơi đây. Họ thấy yêu thương và gắn bó với nó như ngày xưa họ đã từng yêu thương và gắn bó với quê hương Việt Nam.
 
Những người Mỹ gốc Việt hội nhập dễ dàng hơn vào xã hội Mỹ thường là thành phần trí thức nên thành công hơn về phương diện tài chánh. Họ chọn chỗ ở sang trọng hơn, lui xa xa cái khu Little Saigon, nhưng vẫn đủ gần để không cảm thấy mình lẻ loi cách biệt.
 
Tuy xứ Mỹ được mệnh danh là cái “melting pot”, nhưng cái nồi nầy vẫn chưa đun chảy được những người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên. Hóa trình hội nhập còn kéo dài trong nhiều thế hệ. Lịch sử đã chứng minh rằng cái gốc Việt với 4000 năm văn hiến sẽ khó mà gột rửa trong nhiều thế kỷ, nói chi trong vài thập niên! Họ bị giằng co giữa hai nỗi ưu tư mâu thuẫn nhau, đó là làm sao để hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh và đồng thời bảo tồn truyền thống Việt Nam- cái gọi là “gốc Việt”.
 
Cái “gốc Việt” đã mở cửa cho người Việt tị nạn vào xứ Mỹ, nó giúp họ nổi bật, giữa những cộng đồng khác. Con cháu họ sinh trưởng ở Mỹ, nhưng vẫn còn cái rễ nối dài đến tận Việt Nam. Họ mong cái gốc Việt muôn đời sẽ gắn bó với chúng. Hiện nay có biết bao nhiêu nhân tài trong mọi lãnh vực ở Mỹ, đã hãnh diện nhận mình là người Mỹ gốc Việt!
 
Người Mỹ hãnh diện tổ tiên họ là những anh hùng lập quốc. Trước 1975, số người Việt tại Mỹ còn đếm trên đầu ngón tay. Khi cộng sản chiếm miền Nam, tổng số người Việt di tản đến được nước Mỹ cũng chỉ mới là trăm ngàn. Bốn mươi năm sau, với ý chí “tự do hay là chết” của thuyền nhân Việt Nam từng làm chấn động thế giới, tiếp theo là các chương trình H.O., ODP..., cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ngày nay đã là trên 2 triệu, và sẽ còn đông hơn, mạnh hơn. Tên gọi “Little Saigon” đã xuất hiện tại nhiều tiểu bang Mỹ.
 
Thưa quí vị người Mỹ gốc Việt của thế hệ đầu tiên, các hậu bối của chúng ta sẽ hãnh diện vì ông cha họ là những người tiền phong đã mở đường làm nên cộng đồng Việt, mang truyền thống Việt Nam vào văn hóa Mỹ, đã theo chân người xưa để tiếp tục hoàn chỉnh chương sử hiệp chủng lớn lao của nước Mỹ.
 
Sau 40 năm di tản, vượt biển, chia lìa, cực nhọc, một mùa xuân mới đang bắt đầu. Kính chúc những anh hùng thầm lặng của gốc Việt tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới một năm mới an bình, hạnh phúc.
 

 

Tù cải tạo trốn trại - Tác giả Nguyễn Hữu Chí



Lúc đó trời đã khuya, tôi phỏng đoán, phải một, hai giờ sáng. Nhưng không hiểu sao, cả hai cánh cửa nhà thờ đều mở rộng. Tôi kính cẩn làm dấu, rồi rón rén bước vô, vừa đi vừa nghe ngóng động tĩnh.

Bước qua hai cánh cửa nhà thờ, tôi giật mình thấy người nằm ngổn ngang khắp mọi chỗ. Cả một nhà thờ rộng mênh mông, nhưng toàn người là người, gồm đủ cả già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà. Đèn trong nhà thờ đủ sáng để tôi thấy, tất cả mọi người đều ngủ thành từng cụm, giống như mỗi gia đình ngủ một chỗ.

Bên cạnh họ là đủ thứ quang gánh, nồi niêu xoong chảo, túi bị ngổn ngang. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao trong nhà thờ lại chứa đủ hạng người nằm ngủ ngổn ngang như vậy. Tôi đang băn khoăn, không biết cách nào có thể gặp vị linh mục để nhờ vả thì bỗng thấy ở phía đầu nhà thờ, có người vẫy vẫy tay.

Tôi đi tới thì thấy đó là một vị linh mục, nét mặt khả kính, phúc hậu, mới thoáng nhìn đã thấy trong lòng mình tràn ngập niềm kính ngưỡng, tin yêu. Tôi vừa kính cẩn nói được mấy tiếng, “Con chào Cha”, thì vị linh mục đã đưa ngón tay trỏ lên miệng ra dấu cho tôi im lặng.

Lúc đó, tôi cứ ngỡ là Cha không muốn tôi to tiếng để giữ im lặng cho mọi người ngủ. Nhưng sau này, tôi mới biết ý tứ thâm sâu của Cha…

Cha ra dấu cho tôi đi theo rồi ngài quay lưng bước đi. Tôi im lặng đi theo. Dọc theo hành lang, tôi thấy vẫn có nhiều người nằm ngổn ngang, nhưng thưa hơn bên ngoài.

Qua hai căn phòng nhỏ, đến căn phòng thứ ba, Cha đẩy cửa bước vô. Tôi lặng lẽ bước vô theo Cha. Trong phòng cũng có khoảng chục người nằm ngay trên sàn. Chỉ tay vào một góc phòng còn trống, ở đó có sẵn một tấm mền và chiếc gối, Cha nói nhỏ với tôi: “Chúc con ngủ ngon!” Tôi chưa kịp nói gì, Cha đã lặng lẽ bước ra ngoài, khép cánh cửa lại.

Nhìn chung quanh, tôi thấy tất cả mọi người vẫn say ngủ. Yên tâm, tôi bước vào góc phòng, nằm xuống, và chìm ngay vào giấc ngủ.

Đang ngủ say, bỗng nhiên tôi giật mình vì có người lay vai tôi rất mạnh. Tội giật mình, vội mở mắt, thì thấy có một cụ già, khoảng sáu, bảy chục tuổi đang ngồi ngay cạnh.

Phải mất mấy giây sau, tôi mới bàng hoàng nhớ lại mọi chuyện và nhận ra mình đang ở đâu. Cụ già cũng ra dấu cho tôi im lặng, đi theo cụ. Tôi lồm cồm đứng dậy, đi theo, không nói một lời. Qua hai khúc quẹo, tôi bước vào một căn phòng nhỏ, có lẽ là phòng ăn. Trên bàn, có sẵn chén, đũa và một tô mì gói đã đổ nước sôi, được đậy kín bằng một chiếc đĩa sứ. Ở chiếc ghế bên cạnh có một bộ quần áo, một đôi giầy thể thao đã cũ. Cụ già nói với tôi, giọng ân cần:

– Cậu đi thay bộ đồ này ngay, cho khỏi lộ. Rồi ra đây ăn tô mì lót dạ.

Nghe cụ nói hai chữ “khỏi lộ”, tôi giật mình nhìn cụ, nhưng thấy cụ rất thản nhiên, nên tôi không dám hỏi han gì. Thì ra, ngay khi tôi bước vô nhà thờ, nhìn bộ dạng và quần áo tôi rách tươm, lấm bê bết đất cát, Cha đã biết rõ tôi là tù trốn trại, nhưng vì tai mắt của tụi cộng sản ở khắp nơi, nên Cha không muốn tôi dài dòng kể lể, nguy hiểm…

Ngồi xuống bàn, vừa ăn mì, tôi vừa trò chuyện với cụ và được cụ cho biết, tất cả những người nằm ngủ trong nhà thờ đều là dân ở Sàigòn và các tỉnh bị cộng sản lùa đi vùng kinh tế mới. Cộng sản cho xe chở người đến nhà thờ yêu cầu Cha phải cho họ tá túc qua đêm, sau đó, cộng sản lại xảo quyệt dùng chính sự giúp đỡ của Cha để tuyên truyền cho chiến dịch lùa người đi vùng kinh tế mới.

Sau khi tôi thay bộ đồ và ăn uống xong, cụ già đưa cho tôi một gói giấy nhỏ, rồi nói:

– Cậu cấm lấy chút tiền đi đường. Không nhiều lắm đâu, nhưng cậu tiêu pha tằn tiện thì đủ tiền ăn, tiền xe cho cậu về đến Sàigòn. Bây giờ, cậu phải đi sớm ra phía xóm Bàu Sen rồi đón xe đi Tây Ninh. Nhớ đừng vô bến xe, mà hãy đón xe dọc đường…

Tôi lặng lẽ chia tay cụ già, bước đi trên đường phố của thị trấn Dầu Tiếng vào một buổi sáng tinh mơ của tháng 4 năm 1977, mà thấy trong lòng rưng rưng như muốn khóc. Cuộc đời tôi, kể từ khi phải rời xa mái gia đình năm 15 tuổi, trôi giạt khắp mọi nơi, luôn luôn tiếp nối bằng những cuộc chia ly, và trong mỗi cuộc chia ly, lúc nào cũng có hình bóng của những ân nhân, của những tấm lòng vàng, trong đó có những vị ân nhân tôi vĩnh viễn không bao giờ biết tên tuổi, địa chỉ; và tôi biết vĩnh viễn trong suốt cả cuộc đời còn lại của mình, tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội được gặp lại, được trả ơn…

Cũng vì luôn luôn sống và thao thức trong tâm trạng của một người luôn luôn chịu ân nghĩa của không biết bao nhiêu người, nên ngay từ những ngày tháng đó, tôi đã thầm nguyện với lòng, tôi sẽ phải cố gắng sống sao cho xứng đáng phần nào với những ân tình sâu nặng mà tôi đã được lãnh nhận…



Vì không thông thuộc đường xá của thị trấn Dầu Tiếng, mà đường phố lúc đó còn rất vắng vẻ, chẳng có một ai để hỏi thăm, nên tôi cứ cắm cúi đi, miễn sao ra khỏi được thị trấn, rồi sẽ tìm đường đón xe về Bình Dương. (Đến đây tôi xin được đính chính, trong số báo trước, khi tường thuật lời dặn của cụ già trong nhà thờ Dầu Tiếng, cụ dặn tôi từ Dầu Tiếng đón xe về Bình Dương, rồi từ Bình Dương đón xe về Sàigòn. Nhưng vì đã ba chục năm trôi qua, không còn nhớ rõ lời của cụ, nên tôi đã tường thuật sai là đón xe về Tây Ninh). Đi được khoảng nửa tiếng, tôi thấy nhà cửa thưa thớt, ngay cạnh đường có một quán nhỏ, mái tranh, bốn phía trống trải, bàn ghế sơ sài. Tôi bước vô, tính uống ly cà phê, hút điếu thuốc, rồi lân la làm quen, hỏi thăm đường xá…

Trời lúc đó còn rất sớm, nên trong quán không có khách, chỉ có một bà lão, lưng còng, tóc bạc và một cô bé tuổi khoảng 16, 17, mà tôi đoán là hai bà cháu. Tôi cất tiếng chào bà cụ, nhưng bà cụ chỉ hấp háy mắt nhìn tôi, không nói, tay chân của cụ run lẩy bẩy. Có lẽ bà cụ quá già, nhưng vì cuộc sống vô cùng khó khăn, nên hai bà cháu phải dậy sớm, bán quán, đắp đỗi qua ngày.

Dưới chế độ cộng sản, tôi đã thấy nhan nhản những hình ảnh khốn khổ như vậy, hoặc hơn thế, trải dài trên khắp mọi miền của quê hương Miền Bắc suốt mấy chục năm. Từ sau tháng 4, 1975, cùng với gót giầy xâm lăng chiếm đóng Miền Nam, người cộng sản tiếp tục gieo rắc tang thương trên khắp quê hương Miền Nam.

Tôi gọi một ly cà phê đen. Cô bé bưng ly cà phê đặt trên bàn, rồi hỏi tôi:

– Chú dùng chi nữa không?

– Cảm ơn cháu, chú uống ly cà phê là đủ rồi.

Cô bé có cặp mắt đen lay láy, thông minh, nhìn tôi có vẻ tò mò khiến tôi băn khoăn, không biết hỏi thăm cô bé về đường xá như thế nào. Vẫn biết, hầu hết người dân Miền Nam không ưa gì cộng sản. Nhất là sau tháng 4 năm 1975, người dân Miền Nam càng hiểu rõ bộ mặt thật của cộng sản, nên sẵn sàng giúp đỡ những người tù cải tạo trốn trại. Hiểu điều đó, nhưng tôi vẫn đắn đo, không biết mở đầu ra làm sao.

Trong lúc đang uống cà phê, tôi thấy cô bé vừa nhìn tôi vừa ghé tai bà thì thầm chuyện gì không rõ, chỉ thấy bà cụ đập nhẹ vào vai cô. Cô bé cười khúc khích, rồi bưng ra một đĩa xôi có trộn lẫn hai, ba miếng khoai mì, và nói:

– Chú ăn xôi đi…

– Cảm ơn cháu, chú vừa ăn sáng xong…

– Chú ăn đi, cháo bao mà. Cháu không lấy tiền chú đâu mà chú ngại.

Tôi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi, cô bé lại tiếp:

– Có phải chú là tù mới trốn trại hông?

Tôi giật mình, nhìn vội chung quanh. Cô bé cười:

– Chú đừng ngại, ở đây hông có ai đâu…

Sau một thoáng ngần ngại, tôi gật đầu thú thật với cô bé:

– Chú mới trốn trại thật. Nhưng sau cháu biết hay vậy?

Cô bé lại cười, răng trắng đều như bắp:

– Nhìn quần áo chú mặc cháu đoán ra liền à. Rồi thấy bộ điệu lo lắng của chú, cháu đoán càng trúng… Với lại ở đây cháu thấy tù trốn trại hoài à, nên nhìn các chú trốn ra là cháu biết liền. Mà chú định về đâu, nói cháu cháu chỉ đường cho?

Tôi vừa lo lắng, vừa ngạc nhiên. Không hiểu sao, cô bé khi biết tôi là một tên tù vượt ngục, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, tươi cười như vậy. Tuy ngạc nhiên, nhưng tôi rất tin cậy ở cô bé. Tôi vội nói:

– Thú thực với cháu, chú định đón xe về Bình Dương.

Cô bé hóm hỉnh:

– Chú muốn đón xe về Bình Dương thì chú đừng có vô bến đón xe. Trong đó công an, bộ đội nhiều lắm. Vô đó là chú bị họ bắt liền đó.

– Như vậy thì chú phải đón xe ở đâu cho an toàn?

Cô bé giơ tay phải chỉ về phía con đường đất đỏ và nói:

– Chú cứ đi thẳng con đường này khoảng một cây số, đến ngã ba X (vì lâu ngày nên tôi không còn nhớ tên ngã ba này) có cây bằng lăng thật lớn, thì chú đứng đó chờ. Hễ thấy xe đò nào tới thì chú vẫy đón về Bình Dương….

Nghe cô bé nói, tôi mừng quá, nhưng vẫn hỏi thêm cho chắc ăn:

– Làm sao chú biết xe nào về Bình Dương?

– Chú đừng lo. Tất cả những xe từ Dầu Tiếng đi qua ngã ba X đều chạy về Bình Dương hết. Nhưng xe đò thì mỗi ngày chỉ có 3 chuyến. Chú đi nhanh đi, để đón kịp chuyến xe 8 giờ sáng…

Mừng quá, tôi vội đứng dậy, tính trả tiền ly cà phê, thì cô bé đã nhanh nhảu:

– Chú khỏi trả tiền đi. Chú tù mới trốn trại làm gì có tiền. Lấy tiền của chú kỳ quá hà…

Tôi còn đang bối rối và bâng khuâng, chưa kịp nói gì, cô bé đã lấy một gói thuốc lá, mấy chiếc kẹo mè trong tủ kính, gói vội trong túi nylon nhỏ rồi quýnh quáng dúi vào tay tôi:

– Chú cầm lấy gói thuốc hút cho ấm… Thôi chú đi lẹ lên cho kịp xe… Chúc chú may mắn!…

Cầm gói đồ của cô bé trao, tôi cảm động rưng rưng nước mắt. Bà cụ vẫn đứng đó, chân tay vẫn run lẩy bẩy, nhưng nhìn tôi mỉm cười, miệng móm mém, khiến tôi vừa xúc động vừa thương cảm.

Thì ra cụ tuy già, nhưng nghe chuyện, cụ hiểu hết và nụ cười của cụ là cả một nhắn gửi, cầu chúc cho tôi tai qua nạn khỏi… Mắt tôi nhoà đi. Tôi lắp bắp chào bà cụ, chào cô bé, rồi như một cái máy, tôi bước ra khỏi quán. Vừa bước đi tôi vừa cố đè nén niềm cảm xúc đang dâng lên trong lòng. Bước đi được một đoạn, ngoảnh đầu lại, tôi thấy cô bé vẫn đứng đó, đưa tay vẫy vẫy…

Từ ngày đó cho đến bây giờ, đã 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh quán nước siêu vẹo bên con đường đất đỏ dẫn vô thị trấn Dầu Tiếng và cô bé có cặp mắt đen láy cùng tấm lòng đôn hậu, hồn nhiên đã giúp tôi trên con đường tôi đào tẩu… Bây giờ, khi viết những dòng chữ này, những hình ảnh đó vẫn hiện lên lung linh, sống động và tươi mát như chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia…

Tôi đi được khoảng một cây số, quả nhiên thấy một ngã ba. Con đường tôi đang đi là đường đất đỏ, đụng phải con đường liên tỉnh lộ, trải đá răm. Cách ngã ba khoảng chục thước, có một cây bằng lăng thật lớn, ngay cạnh đường. Tôi yên tâm đứng cạnh gốc cây bằng lăng chờ đợi. Đường lúc đó rất vắng vẻ, nhưng để an toàn, tôi ngồi xuống, khuất phía đằng sau cây bằng lăng chời đợi…

Trong khi chờ đợi, điều tôi lo ngại nhất là một khi đón được xe, nếu chẳng may trên xe có bộ đội hay cán bộ cộng sản thì tôi không biết phải đối phó như thế nào. Tệ hại nhất, nếu những cán bộ, bộ đội đó lại là người ở trại tù, nơi tôi vừa trốn đi. Gặp trường hợp đó, chắc chắn chúng sẽ nhận ra tôi, và tôi sẽ vô phương tẩu thoát. Nhất là thời đó, hầu hết bộ đội, cán bộ cộng sản rời khỏi trại, đi bất cứ đâu, chúng đều mang theo vũ khí. Vì thế, việc tôi phải đối phó với chúng để tẩu thoát sẽ vô cùng khó khăn. Biết vậy, nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, tôi phải đón xe về Bình Dương, không chiếc xe này thì phải đón xe khác. Và làm sao tôi có thể biết được, trên chuyến xe đò từ Dầu Tiếng chạy tới, chiếc nào có bộ đội cán bộ cộng sản, chiếc nào không? Thôi thì chỉ biết liều, rồi đến đâu hay đến đó.

Tôi chờ khoảng hai mươi phút, thì nghe thấy có tiếng xe hơi từ phía Dầu Tiếng vọng tới. Bước ra khỏi bóng cây bằng lăng, nhìn về phía Dầu Tiếng, tôi thấy một chiếc xe đò đang ì ạch chạy tới. Đó là chiếc xe đò loại vừa, chở khoảng ba chục đến bốn chục người. Trên nóc xe chất đầy quang gánh, thúng mủng, ngay phía bên trái của tài xế có một chiếc ống khói phun ra từng lớp khói đen đặc lên trời.

Khi xe chạy tới gần, tôi dơ tay vẫy. Xe chạy chậm dần rồi dừng lại ngay cạnh chỗ tôi đứng. Anh lơ xe đứng ở phía sau vẫy vẫy tay ra hiệu cho tôi lên xe, mà không hề hỏi han gì. Mừng quá, tôi quýnh quáng chạy về phía sau xe. Anh lơ nhảy xuống mở tung cửa, dục tôi lên lẹ lẹ. Tôi vội vàng leo lên, chưa kịp đứng vững thì chiếc cửa xe đã đóng lại, ép chặt phía sau lưng, rồi chiếc xe giật mạnh, kêu lên khục khục mấy tiếng, và lăn bánh… Tôi loạng choạng, phải nắm vội lấy sợi giây lủng lẳng từ trần xe, cho khỏi té.

Anh lơ xe vừa đập tay vào trần xe vừa hét:

– Các ông các bà ngồi dịch vô, ngồi dịch vô cho chú này chú ngồi…

Mấy người khách ngồi hàng ghế giữa vội dồn vô, để trống một chỗ ngay phía sau cùng. Tôi vội ngồi xuống, thở phào, trút hết mọi sự mệt nhọc rồi kín đáo quan sát. Trong xe có ba hàng ghế, hai hàng hai bên, và một hàng ghế giữa. Những người ngồi ở hàng ghế giữa đều quay lưng vào nhau và quay mặt ra hai phía. Vậy là ba hàng ghế, nhưng có bốn hàng người ngồi. Đa số hành khách trong xe là phụ nữ, chỉ có hai, ba người đàn ông lớn tuổi, vài anh thanh niên và năm, sáu trẻ em, trong đó có cả hai, ba em bé được cha mẹ bồng trên tay.

Nhìn thoáng qua khoảng 40 hành khách trên xe, tôi mừng quá, vì không thấy bóng dáng một người bộ đội, hay cán bộ cộng sản nào. Hầu hết hành khách đều là người Miền Nam, nét mặt lam lũ, vất vả, chất phác và chân thật. Chỉ có bốn, năm cô ngồi ở hàng ghế bên phải, phía trong cùng là mặc áo dài trắng. Ngay cạnh mấy cô có hai anh thanh niên trẻ, tuổi mới ngoài hai mươi. Nhìn qua, tôi đoán họ là sinh viên hay thầy cô giáo của một trường học nào đó.

Ngay khi bước lên xe, tôi linh cảm có cái gì bất bình thường. Có lẽ sự bất bình thường đó là do sự xuất hiện của tôi. Trong một thoáng rất nhanh, tôi thấy vài ánh mắt tò mò nhìn tôi. Nhớ đến cô bé trong quán nước bên đường, tôi nghĩ ngay, nếu một cô bé bình thường có thể nhanh chóng nhận ra tôi là một người tù trốn trại, thì làm sao tôi có thể qua mắt được cả 40 người ngồi trong xe?

Không hiểu sao, lúc đó mọi người đều im lặng. Đây là chuyện lạ, vì thông thường, các ông các bà ngồi chật trội trong một chiếc xe đò như thế này, bao giờ cũng trò chuyện rôm rả đủ thứ trên đời… Người tôi như nổi gai và tôi thấy thật lúng túng, không biết mình nên phản ứng như thế nào. Chỉ cầu mong làm sao, trong 40 hành khách trên xe, không có cán bộ phường khóm, hay tên “cách mạng 30″ nào.

Người lơ xe đập tay vào vai tôi rồi hỏi:

– Chú về đâu?

Tội giật mình, vội trả lời, không kịp suy nghĩ:

– Về Bình Dương.

Người lơ xe nói số tiền, lâu ngày tôi không nhớ là bao nhiêu. Tôi vội lấy tiền trao cho anh lơ xe. Ngay lúc đó, một chị tuổi khoảng bốn mươi, ngồi ngay đối diện tôi, nói trổng:

– Từ đây về Bình Dương tui sợ nhất Bến Cát. Mấy thằng bộ đội ở đó chúng kiểm soát không sót thứ gì.

Tôi nhìn chị. Chị nói trổng, nhưng chị nhìn thẳng tôi, ánh mắt của chị như gói ghém, gửi gắm điều gì đó, khiến tôi có cảm giác như câu nói của chị dành riêng cho tôi. Chị nói tiếp, lần này rõ ràng hơn:

– Đến đó là tụi nó hỏi giấy tờ từng người một. Mấy chú tù cải tạo trốn trại mà đi qua đó là bị chúng bắt lại nhiều lắm đó.

Một ông trong xe cũng cất tiếng phụ hoạ:

– Qua đó, có giấy tờ đầy đủ cũng còn lôi thôi, chớ đừng nói không có giấy tờ… Ai mà không có giấy tờ là cầm chắc bị chúng bắt.

Nghe đến đó, tôi ù tai, kinh hoàng, không biết làm thế nào. Lúc ấy, trong xe ồn ào, mọi người thi nhau kể đủ thứ chuyện xấu xa, ngu ngốc của bộ đội. Tất cả đều kể lể và cười bò ra một cách thoải mái.

Ngay cả anh tài xế và anh lơ xe cũng góp chuyện. Trong khoảnh khắc không đầy 10 phút đồng hồ, tôi có cảm giác, tất cả hành khách trong chiếc xe đều là những người cùng chung một chiến tuyến, coi cộng sản là những kẻ côn đồ, ác quỷ, thủ phạm của mọi tội ác. Và tôi có cảm giác, tất cả mọi người trong xe đều cố ý làm như vậy, để cho tôi hiểu và tin tưởng họ là những người không ưa gì cộng sản.
Ngồi cạnh người đàn bà bốn mươi tuổi, có một bà cụ, tóc bạc như cước, nhưng vóc dáng vẫn khoẻ mạnh, ánh mắt tinh anh. Mọi người cười đùa, trò chuyện ầm ĩ, nhưng cụ không nói, không cười, cụ chỉ nhìn tôi, khiến tôi rất lúng túng. Được một lúc, cụ nhoài người sang phía bên tôi, ghé sát mặt tôi thì thầm hỏi:

– Cậu tù cải tạo phải không?

Tôi giật mình. Nhưng nhìn nét mặt phúc hậu và ánh mắt tinh anh của cụ, tôi biết, tôi không thể nói dối được. Tôi chỉ biết “Dạ” một tiếng, rồi im lặng.

Cụ hỏi tiếp:

– Cậu được tụi nó thả phải không?

– Dạ…

– Thế đồ đoàn của cậu đâu?

Tôi giật mình lúng túng không biết nói làm sao. Một người tù được ra trại mà lại không có đồ đoàn, chỉ đi tay không, thì quả là điều vô lý. Chưa biết trả lời thế nào, cụ già lại thì thầm:

– Cậu là tù trốn trại phải không?

Tôi ngần ngừ. Cụ lại nói tiếp, giọng ân cần:

– Cậu cứ nói thiệt đi, già bảo tụi nó giúp. Trong xe này, tụi nó đều là con cháu của già. Cậu yên tâm đi, chẳng có đứa nào nó ưa tụi cộng sản cả…

Nhìn gương mặt phúc hậu của cụ, nghe lời cụ nói, tôi yên tâm tin tưởng ở cụ và mọi người khách trong xe, nhưng tôi không biết người tài xế và lơ xe như thế nào. Vì vậy tôi nói nhỏ với cụ:

– Cháu tin lời cụ… Cháu hẳng dám giấu gì cụ, cháu là tù trốn trại… Nhưng cụ đừng cho anh tài xế và lơ xe biết… lỡ có chuyện gì…

Cụ già cười móm mém, tay phẩy phẩy:

– Tài xế với lơ xe cũng là người nhà cả…

Nói đến đó, cụ quay ra, cất tiếng nói lớn với mọi người:

– Tụi bây lặng im nghe tao nói nè…

Tiếng nói của cụ có một uy quyền tuyệt đối. Mọi người trong xe đột nhiên im bặt, cùng hướng về phía cụ chờ đợi. Tôi lúng túng vì biết, cụ sắp nói rõ cho mọi người biết tôi là ai. Nhưng tôi không biết làm thế nào. Thôi thì đành trao cuộc đời tôi cho mọi sự may rủi… Quả nhiên đúng như tôi đoán, cụ nói:

– Cậu này vừa nói, cậu là tù cải tạo trốn trại, nay cậu muốn về Bình Dương. Tụi bây xem tính cách nào giúp được cậu…

Mọi người trong xe cùng ồ lên ngạc nhiên. Rồi nhiều người cùng nói, ồn ào, tôi nghe không rõ. Bỗng nhiên, tiếng người tài xế thiệt lớn, át hẳn mọi người:

– Từ đây về Bình Dương chỉ sợ trạm gác của tụi nó ở Bến Cát thôi má.

Cụ già chép miệng:

– Mày nói cái đó ai mà chả biết…

Người tài xế lại tiếp:

– Con thấy đến đó mình chỉ cần cho chú lơ chạy xuống dúi cho chúng ít tiền là xong.

Chị ngồi cạnh bà cụ cất tiếng:

– Dúi tiền cho chúng là chuyện dĩ nhiên phải dúi vì xưa nay mình vẫn làm vậy mà. Nhưng mình cũng còn phải chuẩn bị cho ảnh nữa. Chớ để ảnh ngồi chình ình ngay ngoài này, tụi nó mở cửa ra, nói hỏi giấy tờ ảnh thì làm sao mà trả lời.

Một chị ngồi ở góc trong chen vô:

– Tốt nhất là để cho ảnh vô ngồi tận góc trong cùng này nè.

Mọi người ồn ào vỗ tay hưởng ứng. Đợi tiếng vỗ tay ngớt, anh tài xế nói:

– Thì các ông các bà ngồi ngoài đó lè lẹ nhường chỗ để ảnh vô trong này ngồi.

Mấy người ngồi cạnh tôi vội vã đứng dậy, một số người ngồi đối diện vội co chân nhường chỗ cho tôi đi. Cụ già bảo tôi:

– Bây giờ cậu vô trong đó ngồi…

Tôi vội vã đứng dậy bước đi nghiêng ngửa trong khi xe vẫn chạy… Trước mặt  tôi, khi tôi bước đi, tôi thấy những cánh tay vươn ra cho tôi nắm, những ánh mắt nhìn tôi đầy thân thương, trìu mến. Tôi xúc động, lúng túng, mặt đỏ bừng, không biết nói gì. Rồi một bàn tay to lớn, rắn chắc vươn ra cho tôi nắm. Tôi vừa nắm, thì bàn tay đó đã kéo tôi ngồi xuống một chỗ ở hàng ghế giữa, ngay phía sau người tài xế. Ngồi chưa xong, người đàn ông có cánh tay lực lưỡng đã quẳng cho tôi chiếc áo, rồi bảo:

– Chú em, cởi chiếc áo ra rồi mặc tạm chiếc áo này vô. Mà khỏi cài cúc à nghe…

Tôi cầm chiếc áo, ngần ngại đưa mắt nhìn cụ già. Cụ mỉm cười gật đầu. Tôi lặng lẽ nghe lời, thay áo. Mặc áo xong, tôi nhớ lời dặn của người đàn ông, để phanh ngực. Cũng may, sau mấy tháng trời phải lao động dưới trời nắng, nên gương mặt, nước da của tôi cũng cháy nắng, đen nhẻm.

Người đàn ông nhìn tôi gật gù ưng ý. Sau đó, ông quay sang phía người đàn bà đang ẵm con và cho con bú sữa bình:

– Lát nữa, gần đến Bến Cát, chị cho anh này ẵm thằng nhỏ để ảnh cho nó bú… Có vậy, cha tụi nó cũng không đoán được anh là tù trốn trại.

Mọi người trong xe cười ồ, tiếng nói tíu tít, tiếng cười rôm rả. Ai cũng vui vẻ trước sáng kiến độc đáo và ngộ nghĩnh của anh. Một chị ngay cạnh tôi nói lớn:

– Để ảnh ẵm ngay bây giờ cho quen…

Mọi người reo lên tán thành. Thế là người đàn ông vội vàng bế thằng bé, trao cho tôi. Tôi ngượng nghịu ôm thằng bé trong tay. Tôi không biết và cũng không nhớ thằng bé được mấy tháng. Chỉ biết nó khá nặng, mặt bụ bẫm, da trắng hồng, hai mắt đen láy, thao láo nhìn tôi, và không hề khóc một tiếng. Tôi cúi xuống nhìn nó, định cầm bình sữa cho nó bú, thì người đàn bà nói:

– Lát nữa khi đến Bến Cát chú hãy cho cháu bú. Bú bây giờ nó no, lát cho nó bú, nó không chịu nó khóc, là tụi công an chúng để ý…

Tôi nhìn người đàn bà với ánh mắt biết ơn và vâng lời. Cúi xuống nhìn thằng bé, tôi mỉm cười ầu ơ mấy câu, rồi thọc lét nó. Thằng bé cười như nắc nẻ… Trong phút chốc, tôi quên tất cả mọi chuyện hiểm nguy, để thấy lòng mình thật khao khát có được một mái nhà, một gia đình. Ước mơ sống một cuộc sống hiền lạnh, hạnh phúc của tôi, cũng như của không bao nhiêu người Việt sao thật bình thường mà mãi mãi ngoài tầm tay với?…

Từ đó trở đi, ngồi trên xe, tôi thoải mái kể chuyện trốn tù của mình, chuyện cuộc đời của tôi, và thành thực trả lời tất cả những câu hỏi của mọi người trong xe. Trên chuyến xe đầy tình người đó, tôi cảm động và vui mừng nhận chân một sự thực, cộng sản tuy chiếm được Miền Nam, nhưng chúng không chiếm được lòng người. Không những vậy, chúng còn làm mất đi tất cả niềm tin của những người đã từng một thời tin vào chúng.

Trước 30 tháng 4 năm 1975, khi chưa được dịp tiếp xúc với người cộng sản từ phương bắc, ở Miền Nam vẫn còn có người ảo tưởng về cộng sản. Họ tưởng người cộng sản cũng là người cùng chung nguồn cội, cùng nòi giống máu đỏ da vàng, cùng có lòng yêu nước thương dân. Thậm chí, tại Miền Nam trước 1975, có những người chỉ vì những bất mãn cá nhân với người này người khác trong guồng máy công quyền VNCH, hay vì những thiệt thòi riêng tư ở phường khóm, quận huyện mà rồi dại dột quay ra theo cộng sản. Nhưng kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975, khi người cộng sản Việt Nam xuất hiện bằng xương bằng thịt trên mọi nẻo đường của Miền Nam tự do, gây nên không biết bao nhiêu tội ác, người dân Miền Nam mới thực sự hiểu được bản chất xấu xa của người cộng sản, nên ai ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người tù cải tạo, và tìm mọi cách bêu riếu, chống đối người cộng sản. Trong suốt thời gian gần một năm trời kể từ khi trốn khỏi trại tù tới khi vượt biên thành công, tôi càng hiểu được lòng người dân Miền Nam không ưa cộng sản như thế nào.

Có điều, ở ngoài Miền Bắc, hầu hết người dân cũng không ưa gì cộng sản. Nhưng trong lịch sử mấy chục năm sống dưới sự đô hộ của cộng sản ở Miền Bắc, tôi chắc chắn không có một người tù vượt ngục nào dám bô bô kể chuyện vượt ngục của mình cho nhiều người nghe, cho dù đó là những người quen biết. Chính bản thân tôi sau này phải ngược xuôi ở cả hai miền Nam Bắc để kiếm đường vượt biên, tôi cũng thấy rất rõ, lòng người dân Miền Nam lúc nào cũng độ lượng, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ tôi, nếu tôi nói rõ mình là tù cải tạo vượt ngục.

Còn ở Miền Bắc, tôi lúc nào cũng giống như con cá mắc cạn, sợ hãi mọi người, kể cả người thân của mình. Tôi biết, nếu ở Miền Bắc, trên một chuyến xe đò, tôi có hành vi hay ngôn ngữ chống đối chế độ, khiến họ khả nghi, lập tức họ sẽ báo cho công an bắt tôi ngay.

Quả thực, tại Miền Bắc, sau mấy chục năm đô hộ, chế độ cộng sản đã thành công tạo nên một mạng lưới “công an nhân dân” dầy đặc, mang “bục công an đặt giữa tim người” khiến “mỗi người dân là một người công an”.

Viết đến đây tôi băn khoăn tự hỏi, không biết sau thời gian hơn 30 năm đô hộ Miền Nam, liệu cộng sản có biến Miền Nam trở thành xã hội công an trị giống như Miền Bắc? Liệu bây giờ, phải trốn chạy cộng sản trên một chuyến xe đò ở Miền Nam, tôi có còn đủ can đảm nói thực hoàn cảnh của mình cho mọi người trong xe biết hay không? Và nếu tôi nói thiệt, liệu những người của quê hương tôi hôm nay có còn tận tình giúp đỡ tôi như những người của 30 năm về trước?…

Sau thời gian trò chuyện rôm rả, vui vẻ, tôi nghe người tài xế hô lớn:

– Tới Bến Cát rồi đó bà con…

Kế đó, tôi nghe người tài xế nhắc anh lơ xe chuẩn bị sẵn tiền đút lót cho công an. Anh lơ xe mở cửa phía sau, đứng sẵn ở bậc lên xuống… chờ đợi.

Mọi người trong xe nhộn nhịp chuẩn bị… Ẵm thằng bé trong tay và cho nó bú, tôi bồn chồn lo lắng, không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Tôi tin tưởng, với sự giúp đỡ chí tình của tất cả mọi người trong xe, và tôi trong vai một “người cha” đang cho “con bú”, mọi chuyện chắc sẽ chót lọt. Nhưng nếu có điều gì bất chắc xảy ra, không những tôi gặp hoạ, mà nhiều người trong xe cũng sẽ bị liên luỵ. Rõ ràng, nếu tụi công an VC bắt được tôi, thì chiếc áo tôi mặc không phải của tôi, đứa bé tôi đang ẵm không phải con của tôi, rồi vị trí tôi ngồi được nhiều người bao bọc chung quanh,… đều là những bằng cớ chứng tỏ, mọi người trong xe đã đồng loã, bao che cho tôi…

Chiếc xe đò vừa dừng lại là lập tức có tiếng đập cửa xe ầm ầm ở cả hai bên hông xe lẫn cả phía sau. Tiếng la hét cộc cằn, ầm ĩ từ bên ngoài. Rồi cửa sau xe bị mở tung. Các bà, các cô trong xe đứng ngồi lố nhố, nhưng tôi vẫn nhìn rõ một tên công an áo vàng và hai tên bộ đội đứng ngay phía sau. Tên áo vàng đeo súng ngắn, đưa cặp mắt cú vọ nhìn vô trong xe. Còn hai tên bộ đội đứng sau đeo súng AK-47, ánh mắt lơ đễnh…

Tên công an quát to, giọng nạt nộ:

– Mấy bà này xuống ngay trình giấy tờ…

Tên công an vừa dứt lời, chị ngồi cạnh bà già, đã đon đả:

– Kìa mấy chị không nghe chú công an nói hả? Xuống lấy giấy tờ cho ảnh coi lẹ lẹ đi? Người ta làm việc dưới trời nắng, cực lắm, mình phải giúp cho các ảnh hoàn thành nhiệm vụ chớ…

Vừa nói, chị vừa nhảy cái ào xuống đất, tay cầm một túi trái cây. Trao túi trái cây cho tên công an, chị vồn vã:

– Chú cầm gói trái cây (tôi không nhớ là trái cây gì) này ăn cho đỡ khát nghe…

Tên công an đỡ túi trái cây khá nặng, ánh mắt của y vừa lúng túng, vừa ngạc nhiên. Chắc từ hồi vô Nam đến giờ, y chưa gặp người Miền Nam nào vui vẻ như vậy bao giờ. Nhưng giống như cái máy, miệng hắn vẫn hỏi:

– Chị có đầy đủ giấy tờ không đó?

Chị cười tự nhiên:

– Có đầy đủ chứ chú. Mình là dân thì mình phải làm đúng luật của đảng và nhà nước chớ chú…

Vừa nói, chị vừa lấy giấy tờ đưa cho tên công an coi. Mấy chị khác ngồi phía sau xe, cũng lần lượt nhảy xuống lấy giấy tờ cầm sẵn, chờ đưa cho tên công an. Tên công an lúng túng, một tay cầm túi trái cây, tay kia cầm giấy tờ của từng người coi… qua loa. Nét mặt của y dịu lại thấy rõ. Sau đó, thấy những người trên xe đang tiếp tục bước về phía sau xe, định nhảy xuống trình giấy tờ, tên công an dơ tay cản lại, nói giọng biết điều:

– Thôi thôi, khỏi xuống mất công. Tất cả mọi người trong xe có đầy đủ giấy tờ hết phải không?

Cụ già ngồi ngay cuối xe, trả lời ngay:

– Ai cũng có đầy đủ giấy tờ hết. Chú muốn coi cho hết thì leo lên xe mà coi. Thời buổi này không có giấy tờ thì ai dám đi lại làm gì cho uổng tiền, uổng công… mà mất thì giờ.

Tên công an liếc cặp mắt cú vọ nhìn vô trong xe. Tôi thấy ánh mắt của hắn quét qua từng người, rồi đến tôi, ánh mắt của y ngưng lại một chút, khiến tôi đứng tim, nhưng vẫn giữ nét mặt tỉnh bơ. Sau đó, y nhìn sang những người khác, rồi không nói một tiếng, y quay sang phía người lơ xe, chìa tay. Tôi không nghe thấy y nói gì, nhưng lập tức viên lơ xe trao vào tay tên công an một gói giấy, trong đó là tiền.

Tên công an cầm gói giấy thản nhiên bỏ vô túi áo ngực, rồi vẫy tay ra hiệu cho mọi người lên xe.
Xong, y quay lưng lại, rồi bước đến chiếc xe đò kế tiếp, vừa dừng bánh ngay phía sau xe của chúng tôi. Hai tên bộ đội cũng lại lặng lẽ lẽo đẽo đi theo tên công an.

Những người đàn bà, đàn ông phía sau xe lục đục leo lên xe. Xe nổ máy, từ từ lăn bánh. Người lơ xe chạy theo, đu mình nhảy lên xe, đóng mạnh cửa sau. Tất cả mọi người cùng thở phào, nhìn về phía tôi… Tôi vui mừng, muốn thét lên vì sung sướng, nhưng miệng tôi thì méo sệch, chỉ bập bẹ được mấy tiếng, “Cháu… cảm ơn”, trong khi hai mắt của tôi thì rưng rưng, và trong lòng của tôi lúc đó thì như muốn khóc…

Vẫn Chỉ Là Một Lời Hứa Suông- Tác giả Phan Hạnh



Mỗi năm cứ vào dịp cận Tết ta, tôi hay vương vấn một nỗi buồn thầm kín khi một số người thân quen quanh tôi chộn rộn sửa soạn lên đường về quê nhà Việt Nam để đón chào năm mới và vui xuân với họ hàng thân thuộc. Và như thông lệ, tôi nhờ họ mang về cho thân nhân chúng tôi một món tiền lì xì nho nhỏ. Kèm những lời cám ơn của thân nhân sau đó là thắc mắc bao giờ tôi về thăm. Và đã bốn mươi năm qua, câu trả lời của tôi vẫn chỉ là một lời hứa suông. Tâm hồn tôi vương vấn mãi một nỗi buồn là vì lẽ đó.

Năm 1991, đầu niên học mới vào Tháng Chín, tôi bỏ tiền túi ghi danh theo học hai khóa Anh ngữ Dự Bị Ðại Học và viết văn sáng tác (Creative Writing) tại Trường Cao Ðẳng Centennial College, trụ sở Warden Woods (Warden Woods campus). Tôi học part-time lớp đêm mỗi tuần hai buổi tối Thứ Ba và Thứ Năm từ 7 giờ đến 10 giờ vì ban ngày còn phải đi cày kiếm cơm.

Năm ấy tôi đã trên 47 tuổi, đầu óc nhụt cùn với lo toan bận bịu, không còn bén nhạy như thời còn trai trẻ, vậy mà tôi cũng liều cắp sách đến trường. Hơn nữa, công việc làm kiếm cơm của tôi, một người thợ trưởng cho một nhà in, không đòi hỏi khả năng viết lách chi nhiều ngoài những báo cáo công tác và báo cáo bảo trì định kỳ. Như vậy, tôi học những khóa học này để làm gì? Lý do sâu xa là tôi muốn chuộc lại lỗi lầm của tuổi thơ ham chơi và lười học. Tôi muốn tự bắt mình phải đi học lại như là để trả một món nợ tôi còn thiếu chính mình.

Bài tập giáo sư đưa ra cho sinh viên thường là những đề tài chỉ định sẵn sau khi đã học qua trong lớp một truyện ngắn hoặc một tùy bút của một tác giả Anh Mỹ nào đó. Sinh viên phải viết phần giải thích, phân tích, nhận định và phê bình tác phẩm vừa học. Dĩ nhiên tôi rất sợ những bài tập kiểu nầy. Nhiều khi tôi chỉ bình loạn vì không nắm vững đề tài.

Nhưng cũng có những bài tập với đề tài do thí sinh tự chọn. Và đối với tôi, không gì thoải mái bằng viết những gì mình biết, nhất là điều mình viết ra chính là những kinh nghiệm của bản thân. Tôi viết và nạp bài đúng hạn. Thuở ấy, giá tiền một máy điện toán còn đắt lắm. Tôi mua một cái máy Apple MacIntosh II với bộ nhớ chỉ có 8 megabites đã dùng rồi mà cũng mất toi ba ngàn đồng.

Các bài tập với đề tài tự chọn của tôi đều được điểm cao và được giáo sư phụ trách đích thân khen ngợi, không phải vì văn của tôi viết hay, nếu không muốn nói là còn dở lắm, nhưng vì những câu chuyện tôi kể đó rất xa lạ và thương tâm, dĩ nhiên chỉ đối với vị giáo sư người Canada chưa hề sống ở Việt Nam bao giờ đó. Bà ngỏ ý đề nghị hãy cho đăng một số bài viết của tôi lên hai tờ báo nội san của trường là tờ “The Oracle” và tờ “The Siren”. Tôi sợ quá, lắc đầu. Hai hôm sau, một cô chủ bút đến lớp xin gặp tôi. Chẳng biết nghe cô nói êm tai thế nào mà tôi ưng thuận đưa các bài viết cho cô.

Tôi xin dịch lại một bài có tựa đề “One Day I Shall Return: My Naked Lie” đăng trên báo “The Siren” ngày Thứ Ba 12 Tháng Mười Một, 1991 như sau:

“Một Ngày Kia Con Sẽ Về”, Lời Nói Dối Trân Tráo Của Tôi…”

Khi tôi rời quê mẹ ra đi mười sáu năm trước đây, tôi không nghĩ là sẽ gặp lại cha tôi bao giờ nữa. Cách nửa vòng trái đất, tại một trong những nước nghèo nhất thế giới, cha tôi đang hấp hối vì một chứng bệnh ngặt nghèo với một nỗi muộn phiền day dứt và ông đang thầm thì trăn trối lời nguyện ước cuối cùng được nhìn tận mặt lại đứa con trai đầu lòng trước khi từ giã kiếp sống khốn cùng hiện tại.

Còn tôi ở Canada, lòng hối hận đau xé vì đã hứa với cha một lời mà tôi biết tôi không bao giờ có thể thực hiện. “Một ngày kia con sẽ về”, tôi lập đi lập lại trong những bức thư tôi viết cho cha tôi. Nhưng làm sao tôi có thể trở về Việt Nam khi mà chính quyền Cộng sản ở đấy vẫn còn áp bức người dân bằng sự cai trị khắc nghiệt của họ.

Hiện giờ cha tôi có thể đang chờ chết, nhưng một nửa hồn tôi đã chết kể từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975, ngày mà quân đội Cộng sản từ phương Bắc rầm rộ bước vào Saigon, thủ đô của một quốc gia độc lập ở miền Nam với tên gọi là Việt Nam Cộng Hòa. Sự kiện này đã kết thúc cuộc chiến được tranh cãi gay gắt nhất, cay đắng nhất đã kéo dài hơn hai mươi năm và giết đi hàng nhiều triệu người từ cả hai bên chiến tuyến.

Tôi còn sống sau chiến tranh. Tôi thoát khỏi hỏa ngục đỏ của “Ngày Tận Thế”, cách gọi của tôi ngày định mệnh đó theo tựa đề một cuốn phim nói về khía cạnh tàn nhẫn và xấu xa của cuộc chiến Việt Nam.

Phải, tôi là một trong những kẻ may mắn trong khi cha mẹ tôi, những thân nhân trong gia đình tôi và bạn bè đồng đội tôi không được may mắn như thế. Họ đã trở thành nạn nhân của một chế độ bất nhân man rợ và một chủ thuyết cuồng tín điên rồ.

Tôi đã từng nghe kể nhiều mẫu chuyện quặn lòng về những người tôi thương mến. Có người tự kết liễu đời mình. Họ cảm thấy thà chết còn hơn là sống chung với Cộng sản. Có người cố tìm cách trốn đi bằng những con thuyền mong manh. Có người trong số họ đến được bến bờ tự do. Có người bỏ thây nơi biển cả. Hành trình di cư của những người tìm tự do chưa hề dứt trong mười sáu năm qua. Bức màn sắt không giam hãm được ý chí của con người.

Tôi là một người di tản được Canada chấp nhận cho tị nạn chính trị. Tôi không muốn phản bội lý tưởng chính đáng của những người tị nạn khác bằng hành động về thăm Việt Nam Cộng sản, một chế độ mà tôi e ngại có thể sẽ hành hạ ngược đãi tôi như là một kẻ cựu thù.

Ngày kỷ niệm Tháng Tư Ðen năm nay rơi vào ngày Thứ Ba, một ngày mà tôi phải làm việc. Ðối với phần lớn người dân Canada, ngày đó cũng như bất cứ ngày nào khác. Ngày hôm đó tôi đi làm với một huy hiệu gắn trên ngực áo nơi tim. Biểu tượng đó rất đơn giản là ba sọc đỏ trên nền vàng. Ðó là màu quốc kỳ của quê hương đánh mất của chúng tôi; và chúng tôi sẽ không bao giờ quên màu cờ đó. Cũng giống như hoa poppy người Canada mang trong ngày tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong, nó nhắc nhở cho tôi tưởng niệm những anh hùng gục ngã đã chết cho quê hương tôi.

Khi nghĩ đến những gì đã xảy ra cho Việt Nam, tôi cảm thấy như có một vết thương cắt sâu trong tim tôi không bao giờ lành. Tôi luôn để tang trong ngày tưởng niệm ấy với những ý nghĩ thương tiếc và buồn đau chờn vờn trong tâm trí. Năm nay tôi nằm thức trong đêm đen tĩnh lặng như một sự kinh cầu cho cố quốc.

Năm nay nỗi đau buồn của tôi dường như có phần quặn thắt hơn vì một bức thư đặc biệt. Trở về nhà hôm đó sau một ngày làm việc và nhận được một bức thư dài của em gái tôi tiết lộ cho tôi biết lý do tại sao cha tôi không viết thư cho tôi trong thời gian gần đây. Cô ấy nói mắt của cha tôi đã mờ, bệnh viêm khớp của ông tệ hại hơn và ông rất xuống tinh thần vì làm gánh nặng của thân nhân.

Tôi có thể nhớ nét chữ viết của cha tôi rất uốn nắn đẹp đẽ; điều đó chứng tỏ ông rất cẩn trọng với những gì ông viết cho tôi, gián tiếp cho thấy ông quan tâm đến tôi biết chừng nào. Ông đối xử với tôi như một người ngang hàng, một người bạn trao đổi thư tín với nhau. Ông kèm theo thư các bài thơ của ông sáng tác, và ít khi ông đòi hỏi ở tôi một điều ân huệ gì. Ông cũng chẳng bao giờ nói trắng ra là ông thương tôi.

Phần nhiều những bức thư của ông chuyên chở thông điệp của những giá trị luân lý, đức hạnh đáng quí trọng, những bài học của trí khôn ngoan, lòng từ bi và bác ái. Tôi để ý càng về già ông càng thuận theo giáo lý của nhà Phật. Ông đơn giản hóa nhu cầu vật chất, đồng thời trau giồi các hoạt động tâm linh. Tôi biết đó là dấu hiệu của sự chuẩn bị sẵn sàng để từ giã cõi thế gian này.

Em gái tôi giải thích thêm là cha tôi đã phản ứng như thế nào về cuốn băng thu hình mà tôi đã gởi về tháng trước đó. Tôi và con trai tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để làm ra một cuốn video nói về gia đình tôi ở Toronto. Em gái tôi nói cha tôi khóc nức nở khi ông nghe giọng nói của tôi. Cô ấy viết, “Trông thấy hình ảnh anh di động trên màn ảnh và tiếng nói của anh là một trải nghiệm khốn khổ cho một người già yếu như Ba. Và ngay sau đó thì mọi người khóc theo…”. Bức thư kết thúc bằng giòng chữ là, “Ba sợ là sẽ không bao giờ thấy lại anh bằng xương bằng thịt nữa trước khi Ba nhắm mắt; và điều đó thật quá đau lòng cho Ba lắm đó anh….”

Ðối với tôi thì nào có khác gì. Lời hứa thối thác của tôi là sẽ về cứ lập đi lập lại mãi nên nó đã trở thành đồng nghĩa với một lời nói dối trắng trợn làm tan nát lòng tôi.

Tôi hy vọng có một ngày tôi trở về quê nhà dù chỉ để chết giống như loài cá hồi lội ngược suối nguồn để về nơi sinh ra trong ngày cuối Tháng Tư. Trong khi chờ đến ngày ấy, trả lời thư em gái, tôi viết,”Một ngày kia anh sễ về”, mặc dù tôi biết đó vẫn chỉ là một lời hứa suông thôi.”

Bài báo chấm dứt ở đấy. Ðáng lẽ tôi cũng có thể chấm dứt câu chuyện ở đây vì thật tình ngồi gõ lại những dòng chữ này, tôi không khỏi cảm thấy rung động trong lòng. Nhưng tôi lại muốn viết thêm về vài biến cố quan trọng xảy ra từ năm ấy cho đến nay. Thêm ba mươi năm nữa đã trôi qua rồi còn gì. Khoảng thời gian dài đó mang theo biết bao thăng trầm đổi thay với một lần đổi việc làm, hai lần dọn nhà và ba lần mua máy điện toán khác.

Cha tôi kéo dài thêm cuộc sống trong đau bệnh được hơn một năm mới vĩnh viễn ra đi. Mấy năm sau nữa, em gái tôi được gia đình bên chồng bảo lãnh sang Mỹ. Những tưởng đâu cô ấy được ấm êm với cuộc đời mới nơi xứ người, nào ngờ lễ tuyên thệ vào công dân phải được đặc biệt tổ chức trang nghiêm trong phòng bệnh của em tôi trong bệnh viện. Tôi không bao giờ có thể quên hình ảnh em tôi với cái đầu cạo trọc vẫn ngồi trên giường bệnh gắng gượng đưa cánh tay mặt lên tuyên thệ trung thành với đất nước mới đã cưu mang em. Chỉ vài ngày sau, em tôi đầu hàng định mệnh và ra đi vì chứng bệnh ung thư quái ác.

Có lẽ nỗi khổ đau đớn nhất của tôi là phải giấu tin em mất với mẹ tôi trong mấy năm liền. Mỗi lần phải gọi điện thoại về Saigon thăm mẹ, tôi chỉ nói qua loa vắn tắt được mấy câu rồi chuyền máy cho vợ tôi. Tôi sợ rằng tôi không thể nói dối được nữa. Mẹ tôi hỏi sau lâu quá mà không thấy em tôi gọi về. Mọi người giấu quanh, cố tìm đủ mọi lý do để dối gạt mẹ tôi vì sức khoẻ của bà cũng đã suy yếu vì tuổi già lại thêm bệnh tật. Vợ tôi và em rể tôi đều là những người bình tĩnh hơn tôi nên đã giữ được bí mật khá lâu.

Thế rồi một lần tôi gọi về, mẹ tôi hỏi, “Em con nó chết lâu rồi phải hôn?”. Chúng tôi ngẩn ngơ. Bà tiếp lời, “Bấy lâu nay Má cứ nằm chiêm bao thấy nó hoài…”

Cha tôi mất, em gái tôi mất, rồi Má tôi cũng đã từ giã cuộc đời. Về gặp lại cha mẹ và quê cũ mãi mãi vẫn chỉ là một lời hứa suông cho đến ngày tôi nhắm mắt. Và ngày ấy chắc cũng không xa…


Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, tác giả bài hát Tháng Sáu Trời Mưa phổ thơ Nguyên Sa, tại Úc







Nghe nhạc cổ điển với Xuân Ánh: Bach's Toccata and Fugue in D minor







Nhạc xuân đêm Giao thừa







Ai giữ Tết cho con ở hải ngọai?







Thảo Vy, em gái của dân oan nhỏ tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn, năm nay có lẽ là một trong những cái Tết đìu hiu nhất trong cuộc đời cô bé, khi ba mẹ và anh Hai đều bị giam cầm







LS. Lê Công Định và những cái Tết trong tù!







Lưu Bích hát Mẹ, nhạc sĩ Nguyễn Linh Diệu phổ thơ Nguyễn Đình Toàn







Người "chết" trở về !




Balenga Kalala thú nhận thuê ba người giết mướn với giá bảy ngàn đô la Úc để giết vợ Noela Rukundo (trong hình trên) nhưng không thành.

Bà Noela Rukundo ngồi trong xe đậu trước nhà mình, chờ cho đến khi những người đi đưa đám cuối cùng bước ra khỏi đám tang.

Sau cùng bà trông thấy người đàn ông mà bà chờ đợi.

Bà bước ra khỏi xe, và chồng bà đặt cả hai tay lên đầu với vẻ kinh hoàng.

Bà nhớ lại lời người chống thốt lên: “Tôi có nhìn thấy thật không đây? Chắc là ma hiện hình?”

Bấy giờ bà mới lên tiếng: “Kinh ngạc quá há! Tôi vẫn còn sống đây!”

Năm ngày trước đó, người chống thuê một nhóm tay anh chị giết bà Rukundo, người ông sống chung trong 10 năm.

Tuy nhiên mấy tay anh chị tha chết cho bà nhưng nói với ông rằng họ đã thanh toán xong và vẫn nhận từ ông vài ngàn dollar tiền công.

Bà Rukundo kể lại với đài BBC, rằng, nhìn thấy bà vợ bằng xương bằng thịt đứng trước mặt mình, người chồng không dám tin là thật và đưa tay đụng vai bà. Sau đó ông hoảng sợ và bắt đầu la hoảng.

Ông than khóc: “Tôi xin lỗi bà tất cả mọi sự.”

Nhưng trễ quá rồi vì bà Rukundo đã gọi cảnh sát.

Theo đài phát thanh ABC của Úc, ông Balenga Kalala nhận hết mọi tội trạng và lãnh bản án chín năm tù về tội xúi giục giết người.