khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Phim: BỤI ĐỜI CHỢ LỚN







Boat People. Phim sản xuất tại Hong Kong. Phụ đề tiếng Anh







Lưu thông tại Thành Hồ










"Hòa Hợp Hòa Giải giữa sư ông Thích Trí Quang và thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan"












Biểu tình mướn!







Giật Mình, Đầu Nọ Ngó Đầu Kia. Cốt tủy của độc tài nằm đầu nào? - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa



Sau khi nã đạn vào văn hóa Khổng Nho – chưa kể nhiều bài nhận định về kinh tế chính trị Trung Quốc đã xuất hiện từ cả chục năm nay ở nơi khác - người viết (được) mang tiếng là chống Tầu. Nói như một bà già trầu miền Nam thân yêu: "Oan ơi ông Địa!" Mà như tên gọi, ông Địa này cũng là một sản phẩm nhập cảng từ Trung Quốc.

Xin được giải oan, hay giải ảo tùy lối nhìn. Bằng cách... đọc sách dùm độc giả.
 
"Các học thuyết danh tiếng nhất trong đời là Nho và Mặc. Đạt tới mức cao nhất của Nho là Khổng Khâu, của Mặc là Mặc Địch.

"Sau khi Khổng tử mất, có phái Nho của Tử Trương, phái Nho của Tử Tư [hai môn đệ của Khổng tử], các phái Nho của họ Nhan, họ Mạnh, họ Tất Điêu, họ Trọng Lương, họ Tôn [có lẽ là Công tôn Khanh, tức Tuân Khanh, là Tuân tử], họ Nhạc Chính [một học trò khác của Khổng tử]. Sau khi Mặc tử mất, có các phái Mặc của họ Tương Lý, Tương Phu, họ Đằng Lăng.

"Như vậy là sau Khổng tử và Mặc tử, Nho chia làm tám phái, Mặc tách làm ba phái, chủ trương trái nhau, khác nhau, mà đều tự cho là chân truyền của Khổng, Mặc. Khổng tử mà Mặc tử đã không thể sống lại thì ai là người quyết định được học phái nào là chân chính cho đời sau?"

Ba đoạn trên đây là phần luận sử của một nhân vật có thật là Hàn Phi trong bộ sách "Hàn Phi Tử" do cụ Nguyễn Hiến Lê phiên dịch và chú giải rất kỹ lưỡng. Vị học giả có công và đáng kính của chúng ta chỉ có một nhược điểm là từng bị chủ nghĩa Mác mê hoặc. Nhưng đã tỉnh ngộ nhờ đụng vào "thực tế cách mạng" sau 1975.

Là môn đệ của Tuân Khanh, Hàn Phi sinh năm nào thì chưa ai rõ, có thể là 280 trước Tây lịch, và mất năm -234, cách nay 2250 năm tròn. Ông là nhà tư tưởng cự phách của phái Pháp gia với lý luận chính trị có ảnh hưởng nhất của Trung Hoa. Trong hơn hai ngàn năm, lãnh đạo xứ này đều dùng thuật cai trị lạnh lùng của ông để bảo vệ chế độ. Nhưng khéo tráng bên ngoài cái vỏ nhân trị đạo đức của Khổng tử.

Đấy là thuật "trong bá ngoài vương" của văn hóa chính trị Trung Hoa. Hiện đại vô cùng khi ta nhớ đến một trung tâm kiều vận, địch vận và tình báo của Bắc Kinh là Viện Khổng Tử.

Theo cách giải của Hàn Phi tử thì mới chỉ 250 năm sau khi Khổng tử tạ thế, Nho đã có tám phái cãi nhau chí choé, phái nào cũng cho là mình chính thống chân truyền của Thánh Khổng. Đời sau, đời nay, nếu muốn công kích hay oanh kích Khổng Nho thì ta nã đạn vào đầu nào?

Khách có kẻ - lạ lắm, mỗi khi người viết này nạp đạn lại có khách ghé thăm! – đăm chiêu ngó vào kho đạn. Và hỏi lung tung: "Cứ như vậy mà đời nay cũng có cả chục trường phái tự xưng là "Mác xít". Mác xít nào mới đúng là của Marx?"

Huống hồ, người viết không nhấc tay mà trả lời cho cuộc đời thêm rối rắm: Huống hồ, trước khi chết Marx lại tuyên bố, rằng tôi không phải là người Mác xít! Hãy tạm để cái ông rậm râu ở đó....

Lãnh đạo Hà Nội chỉ học Bắc Kinh và bày đặt làm dáng khi nói đến "Tư tưởng Hồ Chí Minh" rồi còn nhấn mạnh rằng ông Hồ có phong cách của một nhà nho chân chính! Hà Nội cũng dùng Khổng Nho làm công cụ áp chế tư tưởng, vừa an toàn vì biện minh cho ách độc tài ngụy danh đạo đức xã hội, vửa phải đạo vì phù hợp với quan điểm hiện tại của Trung Quốc.

Bọn lãnh tụ độc tài thường có thói lợi dụng các tư tưởng phổ biến để biện minh cho quyền lực của họ. Hồ Chí Minh cũng học thói đó khi làm ra vẻ một ông đồ nho, một kẻ tiên phong đạo cốt, đôi khi bịp được dư luận Tây phương và một số trí thức Việt Nam khờ khạo. Bây giờ, cả Bắc Kinh và Hà Nội đều khai thác tư tưởng Khổng nho và trình bày như một giá trị tinh thần của Á châu - mà thực chất vẫn chỉ là một Á châu lạc hậu.

Nhìn từ thế kỷ 21 này, ta thấy tư tưởng Khổng nho như đã được độc quyền quảng bá tại nước ta từ thế kỷ 15 đến giờ thì có lẽ không còn thích hợp. Nhân danh trật tự xã hội, nó biện minh cho tinh thần trọng nam khinh nữ, ngu dân và bảo vệ ách độc tài. Nó không cho phép phát huy khả năng phê phán, óc hoài nghi, nó làm thui chột sự sáng tạo và không giúp cho xã hội tiến hoá.

Khách ngồi bên ra vẻ trầm ngâm, rồi đôi mắt sáng lên: - May quá, dân ta còn có tinh thần "tam giáo đồng nguyên"!
 
Nghe vậy, người viết này ca bài ngao ngán. Bố khỉ, chuyện "tam giáo" ấy cũng lại nhập cảng từ bên Tầu!

Những ai tin là dân ta có tinh thần "tam giáo đồng nguyên" thật ra vẫn đánh giá thấp khả năng lừa phỉnh cao độ của trí thức Khổng Nho. Đấy là một huyền thoại tai hại vì phả khói hồng lên tình trạng độc tôn văn hoá của Khổng Nho. Bảo rằng dân ta có khả năng tổng hợp cả ba tôn giáo này là cách tự ru ngủ rất tệ và trong hiện tại, nó chỉ có lợi cho chế độ cộng sản mà thôi.

Thấy khách hoài nghi, người viết thở hắt: Cụ ơi, chuyện "tam giáo" ấy cũng như "chính phủ ba thành phần" năm xưa vậy, với thành phần cộng sản nắm giữ phần chính chứ chẳng có đa nguyên hay liên hiệp gì hết.

Thấy khách ngẩn người ôm lấy chai rượu để tự an ủi, người viết ân cần giải thích tiếp.
 
Chuyện này hơi dài vì thực tế ban đầu của thời độc lập, người dân Nam có tin vào ba hệ thống tín ngưỡng Phật, Lão và Nho lồng lên trên các khái niệm tâm linh mình đã có từ trước.

Dân ta có theo Phật giáo, tiếp nhận trực tiếp từ Ấn Độ và khởi đầu còn nhiều ảnh hưởng Mật tông. Dân ta cũng theo Lão giáo, nhưng là hình thái bình dân gọi là Đạo giáo. Còn tầng lớp ưu tú thì nghiên cứu phép trường sinh hay thuật phong thủy. Quan trọng nhất, dân ta vẫn tiếp nhận hai tôn giáo ấy như triết lý sống. Thành phần có chức có quyền thì thiên dần về Khổng giáo vì đặc tính chính trị của nó: những chỉ dạy của đạo Khổng về kỷ cương xã hội có lợi cho kẻ có học hay có quyền. Và còn được bổng lộc để lo tròn chữ hiếu theo lời dạy của Mạnh tử!

Về lịch sử thì quả là đời Lý, thời vua Lý Cao Tông có mở khoa thi tam giáo đầu tiên vào năm 1195.

Việc thi cử ấy nối tiếp qua đời Trần nhưng đến đời Lê thì tam giáo gì cũng quy vào một là Khổng giáo. Thi tam giáo là nhằm tuyển chọn những người thông hiểu cả đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật để giúp vua trị nước. Nhưng rồi đạo Khổng lấn át hai tôn giáo kia để thành hệ thống tư tưởng độc tôn trong hơn năm thế kỷ. Phật giáo thì bị đánh văng khỏi triều đình và thu mình trong làng xã để giúp chúng sinh.

Phép "xuất" và "xử" của người xưa cứ chỉ lòng vòng trong hệ thống Khổng nho.

"Xuất" là khi đem cái học từ Lục kinh Lục nghệ để phò vua. "Xử" là khi lui về dạy học, mà dạy thì chỉ toàn dạy sách Thánh hiền của Khổng Nho. Khi về già, một số người đó có thể ưa thích tư tưởng Phật giáo hay Lão Trang để giải thoát hay hưởng nhàn chứ cũng không coi đó là tôn giáo.

Trong thế kỷ 21 mà còn được học về tam giáo như nền tảng văn hoá của mình thì có lẽ ta hiểu sai, hay gặp các ông thầy thiếu hiểu biết. Hoặc cố tình nói nhảm!

Thấy khách ngồi im như tự xoa lấy vết thương lòng, mình bèn tiếp tục đọc sách dùm bạn....
 
Người viết thành thật khai báo mình có hai thần tượng về tư tưởng chiến lược và văn tài thi ca, Nguyễn Trãi vào thời Lê Lợi và Ngô Thời Nhiệm thời Nguyễn Huệ.

Còn lại, về trình độ tư tưởng nói chung, ta thấy sự tự mãn nông cạn của Nho thần. Thân phụ của Ngô Thời Nhiệm là Ngô Thời Sĩ, một sử gia rất tiến bộ vào thời đại của ông ở cuối thế kỷ 18. Trong bộ Đại Việt Sử Ký Tiền Biên của ông, do chính Ngô Thời Nhiệm hiệu đính và cho ra mắt năm 1800, Ngô Thời Sĩ viết như sau về tôn giáo, thi cử và về tư tưởng ưu việt của đạo Khổng:

"Người thi tam giáo tức là phải thông hiểu ba giáo Nho, Đạo, Thích, ai đỗ thì cho xuất thân. Kể ra các bậc chân Nho xưa, cũng có người xét rộng đến trăm nhà, nghiên cứu về Lão Thích, cuối cùng họ cũng biết được Lão và Thích thì mờ mịt mông muội không thể nắm được, mới quay lại tìm ở Lục kinh. Lục kinh tức là truyền đạo của Khổng tử, có đạo nghĩa về vua tôi, cha con, có lời dạy về quy tắc của vạn vật và luân thường của nhân dân, bản lĩnh tôn chỉ của nó chỉ ở đâu "duy tính duy nhất" mà thôi, khiến cho người đã theo Nho lại thông cả Đạo và Thích".

Cả ba cái đầu đều quy vào một mối! Hai đầu kia là "mờ mịt mông muội"....

Đấy là một lý luận về xã hội và chính trị hơn là văn hóa hay tôn giáo và cho thấy sự độc tôn của Khổng Nho. Còn Lão giáo hay Phật giáo chỉ là vật trang trí cho cái ưu thế bất khả tư nghị - chẳng thể luận bàn - của Khổng Nho.

Ngẫm lại, chuyện "tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức" là một chuỗi dây chặt chẽ để cột đàn bà vào việc phục tòng đàn ông, dù là con trai do mình đẻ ra. Và để cột đàn ông vào việc phục tòng nhà vua mà họ coi là con của Trời, là Thiên tử. Đấy là sự áp chế con người mà chính Khổng tử cũng chẳng nghĩ ra khi còn sống, rồi được hệ thống hoá từ thời Hán Vũ Đế về sau.

Vì tinh thần ấy mà Khổng Nho triệt để bài xích Phật giáo, Lão giáo và cả Công giáo sau này vì các dòng tư tưởng ấy đe dọa sự độc tôn của họ. Nôm na là Chân Lý phải xuất phát từ Thiên tử, qua cách suy diễn của các Nho thần.

Thiên tử ngày nay là Đảng. Nho thần là bọn lý luận bảo vệ sự chính thống của đảng, cũng với thuật trong bá ngoài vương, ngoài thì nói chuyện vương đạo và dân chủ, trong dùng trò bá đạo. Trung Quốc và Việt Nam đang áp dụng thuật đó và muốn lừa Tây phương.

Tai hại hơn Khổng Nho ngày xưa, bọn Khổng Nho đỏ còn nhồi vào đầu thiên hạ ba chuyện: Quá khứ ra sao, cách lý giải theo sử quan của đảng mới là đúng. Tương lai thế nào thì đảng đã nói trước - và không thể sai: từ xã hội chủ nghĩa tất yếu tiến lên cộng sản chủ nghĩa.

Còn Hiện tại thì đảng nắm chắc trong tay, cả két bạc và tờ báo, cái còng và khẩu súng. Đốn mạt!

Thứ Trưởng nhà cầm quyền CSVN Nguyễn thanh Sơn vs Thượng Nghị Sĩ Canada Ngô thanh Hải. Ông Hải phát biểu :" Không có một sự đồng thuận nào hết ráo, sau cuộc gặp gở riêng của hai ông Hải và Sơn !"







Thành Hồ đón Tết 2015 trên đường Nguyễn văn Chổi. Ông phóng viên đọc là chổi (chổi chà) hay là trổi (trổi dậy), nhưng dù sau chổi chà đơm lên đầu nên mới trổi dậy đòi cái này cái kia. Bởi, trong trường này, trổi hay chổi tuy là hai nhưng là một?







Hủ Tiếu Mỹ Tho ở Thành Hồ







Vườn mai vàng của một người Việt ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ







Cơ giới hoá là đây







Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Nếu có một ngày



Nhìn cô cháu gái đều tay thoa bóp, đôi chân đang sưng như thấy hết đau, bà thấy trong lòng dào dạt thương yêu, tận trong lòng bà thấy biết ơn, nên tỏ bày cùng cô cháu gái: "Cám ơn con, đã cho cô những ngày vui vẻ, bỏ hết bên kia cô về đây sống, muốn gần mồ mả ông bà, cũng muốn được gần con."

Cô cháu cười tươi, khoe hàm răng trắng: "Có gì đâu, cô như người mẹ, mà con lo cho mẹ là chuyện phải làm. Cô đừng bận tâm chỉ nên lo cho sức khỏe. Lần trước cô xuống lầu, không kêu con nên trợt té, cái chân đau tới bây giờ còn chưa hết, sau lần nầy cô phải cẩn thận hơn, đi tới đi lui phải có cây gậy cho an toàn. Con không có việc làm, chỉ quanh quẩn trong nhà nấu cơm rồi rửa chén, nếu cô cần sai bảo điều chi, thì cứ lớn tiếng kêu, con sẽ chạy lên ngay lập tức."


Nghe những lời chân tình từ cô cháu gái, bà cười hiền, nheo nheo đôi mắt ướt:

- Cô muốn khóc khi nghe con nói. Tuổi trẻ bây giờ có mấy đứa được như con? Gia đình ta bao nhiêu đời nhân nghĩa, nên sanh ra được cây lành giống tốt là con. Cái chân đau cô ngồi hoài một chỗ, cứ lẩn quẩn trong phòng, thấy cuống cả chân tay. Sau lần nầy con nên thu xếp lại, để cho cô ở dưới lầu đi đứng được dễ hơn.

Cô cháu gái nhìn bà mỉm cười phân giải:

- Cô ở bên kia sạch sẽ quen rồi, nên con dành phòng trên lầu cho cô yên tịnh, vừa ngăn nắp, lại vừa có không gian riêng cho cô thoải mái, chứ ở dưới kia tụi con bày bừa bộn, nấu nướng cả ngày, cô khó nghỉ ngơi.

Nghe cô cháu giải thích bà thấy ấm lòng, vì trong từng lời nói, từng cử chỉ săn sóc nó làm bà hài lòng hơn cả ước mong. Cứ thế sáng chiều ba bữa nó nấu ăn, chăm chút từng món ngon cho bà vừa miệng. Biết bà thích cá lóc, nó lựa ngay con thật bự, để dành riêng đùm trứng rất ngon, còn cho thêm nhiều hành, tiêu để bà ăn vào cho ấm bụng. Ăn uống xong bao giờ nó cũng nhắc, cô phải uống thuốc ngay, đừng chần chờ, vì nếu lỡ quên, chân hành đau sẽ làm cô nhức nhối. Hay có bữa nó bưng mâm cơm lên mà tiếng nói reo vui:

- Con nấu canh chua cá bông lau mà cô ưa thích, cô ăn nhanh còn nóng mới  ngon.

Nhìn mâm cơm canh tươm tất, bà thấy rất thương, vì cảm được cái tình của cháu dành cho mình rất đậm. Bà dịu dàng căn dặn:

- Con nấu món gì cô cũng thích ăn, nhưng nhớ đừng nấu món riêng đặc biệt, cô già rồi ăn không còn nhiều được nữa, tụi con muốn ăn món nào, cô cũng thích ăn theo. Cô về đây ở luôn chứ phải đâu là khách, cứ nấu nướng bình thường đừng để cực cho con.

- Dạ, con biết rồi, cô đừng có ngại, chăm sóc người già, là phải lo cho kỹ, ăn uống sao cho bổ dưỡng mới kiện thân, tụi con còn trẻ ăn gì cũng được, chỉ cần ăn sơ sơ cũng qua xong một bữa.

Vừa ăn bà vừa thầm nghĩ: già như mình thì cũng nên... già, ở với cháu mà được nó thương, lo cho từng chút, thấy sao ấm lòng. Đã mấy mươi năm làm thân viễn xứ, nặng gánh đôi vai thay chồng đã khuất, ông đã làm tròn bổn phận với quê hương, còn tôi cũng lo xong một đời làm mẹ, dang rộng đôi tay bao bọc đàn con, nay các con đã khôn lớn nên người, thì cũng là lúc tôi muốn quay về sống lại với làng xưa, để sau nầy khi tới lúc phải ra đi, thân xác tôi sẽ được nằm kề bên ông.

Nay tôi đã được thỏa lòng, ôm mơ ước về quê dù ngơ ngác, cũng nơi đây chiếc cầu ngày xưa tôi và ông hò hẹn, nhưng bây giờ là cầu gạch bắc qua sông. Cũng không sao, đời vật đổi sao dời, huống chi chỉ có cây cầu năm xưa. Cầu có đổi thay nhưng lòng tôi không thay đổi, cũng vẫn như ngày nào thích nằm nghe tiếng gà gáy, thích nghe tiếng rao hàng thanh thoát trong sớm mai, thích nghe tiếng người cười nói lao xao bắt đầu cho một ngày mới. Chỉ ngần ấy đó thôi, những thứ rất bình thường nhưng sao thấy đậm đà sao tha thiết tình quê.

Nghĩ thế nên bà mới chọn con đường về Việt Nam sống luôn với cô cháu gái, tụi nó không có việc làm chỉ săn sóc bà thôi, thì như thế cũng rất công bằng cho cả đôi bên, bà có tiền, cô cháu có công, nên cũng vẹn toàn cho cả cô lẫn cháu. Quà cho cô cháu là xây lại căn nhà, trên nền nhà cũ của hai vợ chồng ngày họ mới cưới được vài năm. Chi phí việc chăm lo cho bà là 300 đô mỗi tháng, do các con ở bên Mỹ gởi về.

Quyết định về Việt Nam sống luôn làm mấy đứa con bà lo lắng không yên, nhưng chúng vẫn phải để mẹ đi theo con đường mẹ chọn. Riêng bản thân bà lại thấy mình... sáng suốt, tuy có nhớ con nhớ cháu, nhưng lòng thấy nhẹ nhàng vì mình không làm gánh nặng cho các con, mà lại được sống những năm cuối đời như mình mơ ước.

Ngày tiễn bà về Việt Nam ở luôn không qua nữa, đứa nào cũng bịn rịn khóc thương không muốn rời. Giấu nước mắt bà dặn dò: đừng về thăm mẹ vì đường xa con nhỏ, hãy coi như mẹ đi chơi xa một chuyến, nếu còn khỏe thì cứ vài năm mẹ sẽ về thăm...

Chỉ có cô em Út, lúc đầu là ồn ào phản đối không vui, rồi còn khuyên giải chị đừng về nơi chốn cũ, nơi mà chị em mình từng đánh đổi mạng sống để ra đi. Và đến khi thấy không còn lay chuyển được bà chị già bướng bỉnh, nó làm mặt giận hờn rồi không thèm nói nữa. Tưởng là con em Út giận luôn, ai dè giờ chót nó cũng ra tiễn bà. Nhét gói thuốc bổ cho bà, nó dặn dò đủ thứ rồi còn thì thầm: “lần nào đi đâu cũng có chị có em, chỉ có lần nầy chị muốn một mình ra đi không định ngày trở lại, chị có thể quên tất cả, nhưng phải nhớ đừng quên lời em dặn”. Nghe nói bà gật đầu cho nó được yên tâm, chứ thật ra thì bà đang nghĩ: con Út nầy lúc nào cũng lo xa, nhưng đôi khi cũng... không cần thiết lắm. Từ ngày đó đến nay con Út cũng an tâm khi nghe chị mình sống vui là có thật, nên đã bớt lo, còn hẹn năm sau nó sẽ về thăm.

Như thường lệ, sáng nay cô cháu bưng cho bà mâm cơm nóng. Hăm hở ăn bà xuýt xoa khen, rồi cao hứng vừa ăn vừa kể chuyện, cô cháu ngồi nghe cũng góp lời cho bà thêm hứng khởi, được một lúc, bà chợt thấy câu chuyện mình đang kể, cô cháu nghe hưởng ứng chỉ cầm chừng chứ không còn sôi động nữa, nên ngừng đũa bà dò hỏi:

- Có gì không con? Sao mà ngồi thừ ra đó?

Cô cháu nhìn bà, rồi nhìn xuống bàn tay, săm soi mấy cái móng, nó ngập ngừng: "Cô à, con cần... 5 ngàn."

Hơi ngạc nhiên bà hỏi lại cho rõ: "5 ngàn Việt hay 5 ngàn đô?"

Cô cháu cười phì: "5 ngàn đô, chứ 5 ngàn Việt thì con có rồi."

Bà nhìn cô cháu gái, ngần ngừ một chút rồi nói:

- Con có nhớ, cô đưa con 3 ngàn đô lần trước, là số tiền cuối cùng cô giữ để hộ thân, đưa hết cho con, vì con cần khẩn cấp, nên bây giờ cô chỉ còn có mấy trăm.

Cô cháu gái có vẻ không vui, ngồi yên không nói, một lúc sau nó ngập ngừng đề nghị:

- Hay là cô phone về bên đó, kêu gởi tiền qua để... cô xài. Con kẹt tiền nên mới nhờ cô lần nữa, chứ hỏi tiền hoài con thấy quá ngại ngùng. Cô cũng biết vật giá leo thang, cái gì cũng mắc, nếu đủ tiền rồi thì con đâu dám hỏi cô.

Thấy nó đổi giọng buồn buồn thì bà cũng thương, nhưng nó xúi xin thêm tiền thì bà thấy không vui, nhưng vẫn ôn tồn:

- Từ đầu con nói với cô, 25 ngàn đô là quá dư để cất một căn nhà, nên cô bằng lòng vì số tiền đó cô lo được, nhưng từ đó đến nay, tiền đã tăng lên gấp đôi, mà nhà cất vẫn chưa xong làm cô lo lắng, vì thật sự cô không còn tiền nữa.

Nghe tới đây, nó xụ mặt, lầm bầm trong miệng:

- Mỗi lần kêu cô đưa tiền, là mỗi lần cô nhắc chuyện... đời xưa. Cất một tầng, với cất ba tầng lầu thì giá tiền phải khác chứ!

Thấy đứa cháu mới mấy phút trước còn ngọt ngào vui vẻ, mấy phút sau đã trở giọng khi nghe không có tiền, bà thấy bực mình, nhưng vẫn giảng giải:

- Cô đã nói với con, phải “liệu cơm gắp mắm”, phải gói gọn trong số tiền mình có. Cô về đây là để dưỡng già, cốt chỉ gần mồ mả ông cha, chứ không cần nhà cao cửa rộng. Nhà cũ của con tuy đơn sơ nhưng ấm cúng gọn gàng. Cô thay nhà tranh, thành nhà tường như con mơ ước, vì muốn nhân đây làm quà tặng cho con. Dự định ban đầu là cất nhà tường, nay đã trở thành nhà lầu ba tầng, có cổng rào riêng biệt, cô cũng vui nếu con biết ngừng ở đó, còn nếu như con tiếp tục dài dài, hết đập bỏ nhà bếp xi măng vừa mới làm xong, thay vào đó là đá hoa cương cho giống nhà hàng xóm, rồi nhà tắm, giường nằm, bộ bàn ăn, con cũng muốn thay... Cô thật sự cạn kiệt không còn tiền cho con nữa.

Biết lần nầy khó lấy được tiền, nó hạ giọng, nhưng chầm dầm cái mặt:

- Thì cũng muốn cô ở cho sang, mang tiếng Việt kiều mà cất nhà tường lèo tèo dưới... nách nhà bên cạnh, nên con cũng... ráng cất cao thêm một chút, để cho thiên hạ khỏi chê cười.

Nghe con cháu có cái tánh đua đòi, bà thấy ngán ngẩm nên nói:

- Con đừng so sánh với người ta. Nhà ai nấy ở, mình nhìn người ta làm gì!?

Nghe bà nói cái kiểu... an phận đó, nó phát bực:

- Con... khổ với cô hết biết! Nói cách nào thì cô cũng không... thèm hiểu. Người ta Việt kiều, mình cũng Việt kiều, Việt kiều mình... bèo quá sẽ bị người ta khinh! Cái cổng nhà bên nó xây chồm ra phía trước, làm cho cái nhà mình coi lép vế kề bên, nên dễ gì con để nó... chơi ngông, nên tiền đợt trước con đã xây liền cái cổng. Con chỉ cần thêm 5 ngàn nầy nữa, là coi như xong hoàn tất được căn nhà.

Bà buông đũa, ngồi thừ ra, một lúc sau bà nói:

- Nói thật, cô không dám phone về xin tiền thêm lần nữa, anh chị bên kia còn nợ nhà, còn con nhỏ phải lo. Cũng đã nhiều lần cô kêu tụi nó gởi thêm tiền lần cuối, để cất cho xong căn nhà còn dang dở, nhưng bây giờ nhà đã xây xong, thì mỗi tháng con chỉ nên nhận 300 đô là đủ.

Vẻ cương quyết không đưa tiền thêm nữa lần nầy của bà làm cô cháu bất mãn. Nó thẳng thừng:

- Nhà đẹp thì cô cũng... nở mày nở mặt, chứ phải đâu chỉ một mình con? Nếu lòng cô không muốn giúp, thì thôi cứ để mặc con!

Nói xong cô cháu vùng vằng đứng dậy, tiện tay bưng luôn cái mâm, dù thấy rõ bà chưa ăn hết phần cơm trong chén. Bước ra khỏi phòng, tiện tay nó đóng ầm cánh cửa lại. Thái độ của nó làm bà chới với, bà lắc đầu ngao ngán rồi nghĩ thầm: con nhỏ nầy bình thường ngọt ngào hiếu thảo, hôm nay hỏi tiền không có, thì nó lộ ra là đứa chẳng ra gì! Bực mình quá bà cũng hết muốn ăn, nhưng thái độ đòi tiền của cô cháu gái, làm bà như nghẹt thở.

Sáng nay thức dậy sau giấc ngủ mệt nhoài. Bà ngồi yên nhìn cánh cửa, mà hôm qua cô cháu đã mạnh tay đóng ầm, bà thấy cuộc sống yên vui từ nay chắc không còn nữa... Suy nghĩ miên man cho tới khi thấy đói, bà mở cửa phòng nhìn quanh, rồi cất tiếng kêu to. Nhà không có tiếng động, im lặng như tờ. Ngồi chờ cho tới quá trưa, tay chân bắt đầu run vì đói, bà kéo mấy cái hộc tủ ở ngay đầu giường, kiếm xem có bánh kẹo gì để ăn, nhưng rồi lại nhớ ra ngày thường vì sợ kiến bu, nên đồ ăn vặt không để trong phòng bà.

Muốn từng bước xuống mấy bậc cầu thang tới nhà bếp để kiếm gì ăn, nhưng loay hoay một lúc, bà lại sợ sẽ nhào đầu xuống thang, nên đứng dựa lưng vào tường mà thở. Bụng đói cồn cào buồn nôn muốn ói... bà chợt nhớ ra trong hộp thuốc bổ có mấy cây kẹo ho, mà con em út đã nhét vội cho bà lúc tiễn đưa. Mừng quá, bà lần bước trở về phòng tìm cây kẹo. Chất kẹo the ngọt làm cho bà không còn muốn ói nữa.

Quá 3 giờ chiều, cô cháu về đem cho bà ổ bánh mì thịt, nó hấp tấp nói: "Con đi... chạy tiền, nên về không kịp, cô ăn đỡ bánh mì, khi nào trả được nợ con mới có... sức nấu nướng cho cô." Nói xong, nó bước nhanh ra cửa. Bà kêu vói theo, nó đi luôn không quay lại. Nhìn theo nó, bà muốn quăng trả lại ổ bánh mì cho đỡ tức, nhưng cùng lúc cũng dằn được cơn nóng giận. Nhìn ổ bánh mì rồi nhớ lời nó nói trước khi đi, bà thấy bất an. Bà thầm nghĩ: chẳng lẽ từ đây mỗi lần nó cần tiền là mỗi lần nó chơi cái trò bỏ đói mình?

Lần đầu tiên sau 6 tháng về đây, bà mới biết thế nào là lo lắng, vì cảm thấy cô cháu mà bà hết dạ tin yêu đã bắt đầu... trở mặt. Mà quả đúng như bà lo sợ, đêm đó nó đi đâu mất biệt không về. Nhà cửa tối đen, mình bà ngồi im trông ngóng... Đêm đó bà tiếp tục ngậm kẹo ho cho đở đói, rồi ngủ thiếp đi cho tới khi bà giựt mình thức dậy, trời chưa sáng lắm, bà chống gậy bước ra khỏi cửa phòng rồi cất tiếng kêu vang, không có tiếng trả lời, chỉ có âm thanh dội lại trong cái không khí thanh vắng của buổi sáng không người...

Ngoài kia có tiếng người qua lại, có tiếng rao hàng của chị bán xôi, bà mở tung cửa sổ định thẩy tiền xuống mua, nhưng bà chợt nghĩ: tiền thì xuống được chứ xôi thì... Nghĩ đến đây bà hốt hoảng kêu trời, vì chợt nhớ ra, khi đi thì chắc chắn nó đã khóa cửa trước, cửa sau, khóa luôn cổng rào. Đêm qua bà ở một mình, nếu nhà bị cháy, thì coi như đã xong đời bà. Ý nghĩ nầy làm bà hoảng hốt... Nước mắt tuôn dài, lần đâu tiên bà biết sợ, và biết thế nào là thế cô một mình. Bà bắt đầu hối hận. Cả đời bà không biết tận hưởng những giây phút an vui với con cháu bên kia, mà luôn hoài niệm về quá khứ, rồi tưởng tượng ra cái tương lai mơ hồ không có thật để mong an dưỡng tuổi già, nên bà đã hân hoan ôm tiền về đây xây nhà... tù nhốt mình.

Càng nghĩ bà càng thấy sợ, tự dưng người phát lạnh, tay chân run rẩy, bà choáng váng muốn té nhào, nhưng cố gượng lại, ráng quay về giường. Muốn phone cho con Út để khóc than với nó, nhưng ngày thường con cháu của bà nó chỉ xài điện thoại di động mà thôi, cho nên nếu như nó bỏ đi luôn cả tháng không về, thì cũng sẽ không ai biết có một bà già đang... chết khô. Tới trưa cô cháu về mang cho bà gói xôi, nó nói:

- Hôm qua con biết cô ở nhà một mình, con muốn về sớm hơn nhưng kẹt đò, đành phải ngủ lại đó qua đêm.

Thấy mặt nó, bà bừng bừng nổi giận, bà nhìn nó trân trân, muốn chửi cho nó một trận mới hả lòng, nhưng bà ở trong cái thế phải ráng dằn lòng, nên nhè nhẹ hít vào rồi lại thở ra trước khi trách nhẹ nhàng:

- Con làm gì, thì cũng phải nghĩ tới cô ở nhà một mình đói khát, cách đối xử của con mấy ngày nay rất tệ. Nên dành ra một chút thời gian suy nghĩ lại đi con!

Nghe cái giọng trách hờn đó, cô cháu bực mình trả đũa ngay:

- Con chạy đôn chạy đáo kiếm tiền làm gì mà có thời gian suy nghĩ. Tại cô không muốn giúp, thì con phải tự lo thôi!

Tưởng là nó còn... nể mặt nên bà mới lên tiếng trách, nào ngờ vừa mới dứt lời thì nó... đốp lại ngay, bà không sao nín được, nên lên giọng:

- Con nói vậy mà nghe được sao? Tiền đưa cho con bao nhiêu cũng hết, lần nào cần tiền, con cũng nói là đưa thêm lần cuối, nhưng con đã lấy bao nhiêu lần cuối rồi con có nhớ không?

Cô cháu cũng không vừa: "Tiền cô đưa ra, cũng đổ vô cái nhà cho cô ở, chứ mất đi đâu mà cô kể lể!" Nói xong nó dùng dằng bỏ đi. Bà lớn tiếng kêu to, nó vẫn không thèm nhìn lại. Còn lại một mình, bà ôm đầu nhìn lên trần nhà, bà nghĩ: thương nó như con, có bao nhiêu tiền thủ thân bà đã lần hồi... nhét hết cho nó, vậy mà khi hỏi tiền không có, nó dám bỏ bà đói để bà... lòi tiền ra. Nhìn gói xôi tự dưng bà... khóc ngất. Bà chợt nhớ con, nhớ cháu, nhớ những lời con em Út dặn dò trước khi đi... Đêm đó, nó cũng khóa cửa nhà, rồi đi đâu mất biệt. Bà biết muốn lấy tiền thì nó phải làm vậy thôi, nên lần nầy bà nằm im, ngậm kẹo ho chịu trận!

Sáng hôm sau, chưa tới 9 giờ, cô cháu mở cửa phòng bước vào, nó tươi vui như không có chuyện gì. Nhìn thấy mặt nó, bà giận dữ, muốn thét lên cho hả giận, nhưng kịp ngừng. Bà nín thinh dây mặt ra hướng khác. Cô cháu vừa cười vừa đưa cái điện thoại cho bà, nó nói:

- Cô phone về bển, nói mấy anh chị cho con mượn 5 ngàn đô, rồi từ từ con trả lại. Con đang nấu cháo gà. Nói chuyện xong là có cháo nóng ăn liền.

Nghe nó trắng trợn lấy tô cháo gà đổi lấy 5 ngàn đô, bà tức ứa gan, mặt bà đanh lại, ánh mắt long lên tia giận dữ. Cô cháu nhìn bà, thấy hết những căm hờn từ trong ánh mắt ấy, nó cũng đã chuẩn bị tinh thần để đối phó nếu cần, và tô cháo gà chỉ là phương tiện để điều khiển bà cô... cứng đầu nầy. Nó nghĩ: cháo gà thì có thể cô không ăn, nhưng 5 ngàn đô thì nhứt định nó phải lấy. Nghĩ thế, nó nghiêm sắc mặt tiến tới ấn cái điện thoại trong tay bà mà nói:

- Cô nên phone liền bây giờ, 9 giờ sáng bên nầy, khoảng 9 giờ tối bên kia, đừng để trễ quá 10 giờ, mấy anh chị bên kia còn phải ngủ. Cô nhớ: chỉ nói những chuyện cần nói, và chỉ trả lời trong phạm vi sức khỏe mà thôi.

Nhìn cái cách nó sấn tới ấn cái điện thoại vào tay bà, và nó đứng ở thế sẵn sàng đối phó nếu bà la lên cầu cứu bên kia. Thì bà biết con nhỏ nầy đã táng tận lắm rồi. Suy nghĩ thật nhanh, thay vì giận dữ, bà chuyển qua vẻ mặt chịu đựng, cho nó có cái cảm giác đã khuất phục được bà, để bà được an thân. Cầm cái điện thoại trên tay, trái tim bà đập mạnh, vì biết sau lần nầy, sẽ ít khi nào bà có dịp cầm tới. Bà bắt đầu bấm số. Phía bên kia đầu dây cô Út reo vui khi nhận ra tiếng bà, chỉ hỏi thăm sơ vài câu ngắn ngủi bà vô đề ngay, vì thấy con cháu nó đang nghiêm mặt nhìn bà không nháy mắt:

- Út à, em gởi ngay cho chị 5 ngàn.

- Ủa, sao cần nhiều tiền vậy chị?

Nghe hỏi như thế, bà bực mình nên hơi lên giọng: "A Di Đà Phật, kêu gởi thì gởi liền đi, gởi càng sớm càng tốt. A Di Đà Phật!"

Bên kia đầu dây, một thoáng yên lặng, rồi tiếng cô Út trả lời: "Hiểu rồi, chị yên tâm, em sẽ gởi ngay cho chị trong tuần nầy. Thôi chị nghỉ ngơi đi. Bye chị!"

Lấy lại cái phone, nó hỏi: "Ủa! Cô Hai vô đạo Phật hồi nào mà nói A Di Đà Phật liền miệng vậy?"

Bà nhếch môi nói: "Ừ, thì bên đó, nghe mấy người bạn nói hoài nên cũng quen miệng nói theo."

Nghe bà nói thế nó nín thinh, bỏ đi ra ngoài. Lát sau nó bưng lên cho bà tô cháo trắng với dĩa củ cải kho. Nhìn thấy tô cháo trắng thay vì tô cháo gà như lời nó nói, bà lặng im ăn không nói gì. Nhìn bà khoan thai ăn, thần sắc thư thái, nó nghĩ: Vậy cũng tốt! Mới bỏ đói có hai ngày mà đã biết... sợ rồi, ngoan ngoãn nghe lời như vậy thấy... dễ thương hơn! Sau đó, mọi thứ trở lại bình thường, ngày ba bữa nó bưng lên đầy đủ, chỉ là hai bên không có gì để nói với nhau.

Cuối tuần đó, bỗng dưng nhà có khách. Cô Út về thăm bất ngờ nầy làm cho con cháu ngỡ ngàng lo sợ, vì lát nữa đây cô Út sẽ gặp cô Hai trên lầu. Lần nầy cô Út về quê không báo trước. Bấm chuông, cửa mở, cô xông thẳng vào nhà như cơn gió lốc, mặt tươi vui cô nói cười luôn miệng, còn lăng xăng khen nhà đẹp, nhà sang, khen qua con cháu gái có nước da quá mịn, khen luôn thằng cháu rể có phước tướng, thế nào cũng phát tài, phát lộc, phát giàu sang... làm cho không khí xôn xao vui nhộn. Và khi mọi người còn chưa dứt tiếng cười vang, thì cô Út chủ động nắm tay con cháu, kéo nó cùng đi ngay lên lầu, miệng kêu ơi ới: "Chị hai ơi! Chị hai. Ra coi ai về thăm chị nè!"

Nhận ra tiếng cô Út, bà dằn lòng không khóc. Thấy hai cô cháu cùng bước vào, bà tươi cười hỏi: "Ủa, Út về mà sao không cho hay trước, để chị kêu em mua thêm vài thứ thuốc."

Cô Út cười lớn tiếng nói: "Em phải chạy về gấp, vì có người hỏi mua căn nhà của chị, em cần thêm giấy tờ để bán cho xong."

Trong lúc bà còn đang gật gù như hiểu chuyện, thì cô Út dây qua nói với cô cháu gái: "Con đi lấy toàn bộ giấy tờ của cô Hai ra đây, để cô Út coi cái nào cần xài."

Nghe thế, cô cháu thoáng liếc bà, tần ngần một chút, rồi dây qua nhìn anh chồng đang đứng xớ rớ ngoài cửa phòng, thấy thế cô Út cười lớn nói: "Bán xong căn nhà, thì có tiền cho tụi bây."

Khi cầm được cái passport trong tay, cô Út bỏ ngay vào bóp, rồi dây qua ân cần nói với bà chị: "Ngồi đây chi một mình, để em kè chị xuống nhà có đông người cho vui." Nói xong cô Út tự động ôm cánh tay chị mình, từng bước dìu xuống mấy bậc cầu thang. Khi xuống được tới dưới nhà thì cô Út dây qua nói với hai vợ chồng cô cháu gái:

- Hôm nay vui quá! Mình ra ngoài ăn mừng ngày đoàn tựu. Tài xế cô bao vẫn còn chờ ngoài kia.

Cô cháu gái nghe thế nên lên tiếng: "Cô về sao không cho hay, để tụi con đi đón đông người cho vui."

Cô Út nhìn nó cười giòn:

- Tánh cô tự lập quen rồi. Khi muốn đi thì mua vé, bay cái vèo qua đây. Bước ra một bước, thì có cả đoàn xe sắp hàng chờ, nên cô đâu muốn kêu con, để cho bất ngờ con sẽ thấy vui hơn...

Và khi xe ngừng lại trước cửa nhà hàng. Vỗ nhẹ vai chị, cô Út dịu dàng: "Cái chân đau, chị đi đứng khó khăn không thoải mái, cứ ngồi yên chờ, em sẽ mua đồ đem ra." Nói xong, cô Út dây qua nắm tay cô cháu gái kéo nhau cùng xuống xe. Chọn đại một cái bàn, vừa kéo ghế ngồi xuống, cô Út bật đứng lên, móc bóp lấy ra tờ 100 đô đưa cho cô cháu gái. "Nè, con cầm tiền nầy, hai đứa muốn ăn gì tùy thích, cô nhớ ra là có chuyện cần làm, cô đi trước, sẽ gặp tụi con sau."

Từ lúc gặp cô Út cho đến giờ, cô nói cười luôn miệng, phản ứng nhanh nhẹn, biến đổi không ngừng, làm cho hai vợ chồng cô cháu gái bị động theo từng chuyển biến của cô. Giờ cầm tờ 100 đô trên tay hai vợ chồng nó bối rối chưa biết phản ứng sao, thì cô Út đã đi nhanh ra xe, nói tài xế vọt thẳng về hướng Sài Gòn.

Nắm chặt tay cô Út, bà khóc ngất, cô Út nhẹ nhàng giải thích: "Sợ nó làm khó không trả lại giấy tờ cho chị, nên em làm bộ nói chuyện bán nhà cho nó ham mà đưa passport ra cho lẹ, rồi cũng phải tìm cách đưa chị ra khỏi chỗ đó cho nhanh. Sợ ở qua đêm, hai chị em mình sẽ bị nó... làm càng vì mưu đồ đã lộ. Nên rủ tụi nó đi ăn, để tiện bề kéo chị thoát thân."

- Chị sợ em không hiểu.

- Làm sao mà không hiểu! Cũng may là chị còn nhớ lời em căn dặn trước khi đi.

- Không nhờ câu... mật khẩu của em, thì chị sẽ chết mòn trong tay nó, và sẽ là món mồi ngon để tụi nó câu tiền... Em cũng khôn khi chọn câu: A Di Đà Phật, vì khi nói lên câu nầy, nghe như mình đang niệm Phật, tụi nó tinh ranh cỡ nào thì cũng khó mà đoán ra.

- Khi thấy chị quyết định về Việt Nam an dưỡng tuổi già, lòng em không yên, nên mới nghĩ ra câu mật khẩu nầy, để nếu có một ngày nhận được... tín hiệu nầy, em sẽ bay về... cứu chị.

Em à, chuyện như thế nầy chị có nghe nhiều người kể, nhưng không tin lắm và luôn nghĩ người bất hạnh đó sẽ không phải là mình. Bây giờ lâm cảnh nầy chị mới hiểu vì tiền thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra, gặp những đứa bất tài mà có lòng tham thì sẽ dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền, mà đi lường gạt người ngoài thì không đủ sức còn lo tù tội, chi bằng kiếm tiền vừa dễ vừa nhanh mà lại an toàn đó là lợi dụng vào cốt nhục tình thâm. Người lường gạt, sang đoạt được, thì nhởn nhơ vui hưởng vì không phải lo bị truy tố, còn người mất của thì lặng im trong nỗi đau không dứt vì vừa mất tiền vừa mất cả lòng tin.




Made in China (Tàu Cộng)







ĐỒNG HỒ QUẢ LẮC CỦA ÔNG NỘI







Đắt vô cùng cái giá của Tự Do




"Hai mươi năm, bầy trẻ thơ nay đã lớn và chàng trai nay đã già"

Tháng Tư 1995, tôi lặng người khi nghe câu hát đó. Rồi bùi ngùi nhận ra mình là một trong bầy trẻ đã lớn. Lớn, nhưng chưa làm được gì nhiều, chỉ đau đáu trong lòng những ước mơ cho một quê hương xa vời vợi.

Thoáng một cái, đã 2015. Trong email với những người bạn thân từ thưở học trò, tôi sửa lời của nhạc sĩ Phan Văn Hưng để đùa chơi

"Bốn mươi năm, bầy trẻ thơ nay đã xế và chàng trai nay quá già" Các anh chị, cô chú mà nghe "chàng trai nay quá già" chắc sẽ không vui.

Tôi cũng biết lẽ ra không nên diễu (dở) với sự thật... phũ phàng. Nhưng, thay vì thở dài hoặc chống trả thứ không thể chống trả, có lẽ cách hay nhất là làm theo câu thơ tiền chiến: Tôi nói lòng ra để tự cười.

*

Khi Bố tôi tự nhận là "tuyến đầu" - tiếng của Bố đặt cho những người đứng mũi, chịu sào cho cả ba thế hệ gồm có cha mẹ, chính mình, và con cái - thì tôi chỉ có vừa đủ trí khôn để gom góp vài ký ức về ông bà.

Ký ức đó gồm có nét thanh lịch của các bà vấn khăn nhung, mặc áo dài lụa, cổ đeo chuỗi cẩm thạch xanh rờn nước lý trong ngày Tết. Có sự ấm áp của hình dáng bà ngoại tôi ra vào, vun vén, trông nom. Có hình ảnh trang nghiêm của các ông, áo the khăn xếp, cầm bó hương cháy nghi ngút đứng khấn thật lâu trước bàn thờ trong những ngày giỗ kỵ. Có những "nụ cười đen nhánh sau tay áo" (3), có các bà luôn luôn mặc áo dài khi ra khỏi nhà và gọi con là "các anh, các chị". Và có cả sự kính cẩn trong cách tôi gọi nhiều người, không bằng tên mà bằng chức vị ở miền Bắc trước khi họ di cư vào Nam: bà Thông, bà Hộ, ông Chánh...

Ngày đó, đối với tôi, tuổi già là những ông bà hay nhắc tới những địa danh, những kỷ niệm ở miền Bắc xa xôi. Họ có cách ăn nói và hỏi chuyện con cháu giống nhau, rất gần gũi, quen thuộc trong gia đình nhưng khác với những ông bà cụ người Nam ở chung quanh. Chỉ như thế. Những điều khác như sự đau yếu, qua đời chỉ lờ mờ đằng sau sự hiện diện vững chãi của Bố Mẹ tôi. Chúng tôi nhởn nhơ trong bóng mát bình yên khi những gay gắt của cuộc đời đã được thế hệ cha mẹ lọc đi.

Bà ngoại tôi mất năm 1974, đem theo niềm mơ ước gặp lại hai người con trai đi kháng chiến chống Pháp từ thập niên 40 và ở lại ngoài Bắc. Tuy vậy, nhiều người vẫn nói là bà có phước vì không phải chứng kiến cảnh lạc đàn tan nghé, con tù cháu tội, nheo nhóc đói khổ sau cuộc đổi đời năm 1975. Các ông bà khác thì một số kẹt lại Việt Nam, một số ôm nỗi nhớ thương miền Bắc còn chưa ráo theo con cháu đi tứ tán. Sau đó, vì chia cắt, tôi không được gặp lại các ông bà. Tôi chỉ nghe nói thời gian đầu ở nước ngoài họ coi nhà, trông cháu cho các con lao ra ngoài kiếm sống. Những gia đình may mắn có ông bà thì các cháu bé không phải lang thang ở những nhà giữ trẻ, nơi mà mọi thứ đều xa lạ.

Ông bà giữ ngọn đèn trong nhà bật sáng, dọn mâm cơm để các cháu ngồi cùng ăn khi cha mẹ đi học lớp tối hay làm thêm giờ về trễ. Họ ru cháu ngủ khi cha mẹ làm ca đêm. Họ là bếp sưởi ấm áp, là hình ảnh đậm đà của quê hương vừa lìa xa...

Khoảng mười lăm năm sau, khi cộng đồng người Việt tạm cứng cáp thì hầu hết các cụ đã yên lặng ra đi. Thời đó bận rộn, xa xôi quá nên tin về các ông bà chỉ được biết qua những lá thư hay những cuộc điện đàm hiếm hoi. Tôi đã không nghĩ nhiều đến các cụ, không thắc mắc họ đã sống tuổi tám mươi, chín mươi như thế nào ở những thành phố của Mỹ, Canada, Pháp, Úc và ra đi trong hoàn cảnh ra sao. Một phần vì tôi còn "trẻ người, non dạ", nhưng lý do chính là vì Bố Mẹ tôi vẫn còn khỏe nên chúng tôi được núp bóng, vô tư trước quy luật đến và đi của đời người.

*

Sau khung kính vuông trên trần là một khoảng trời xanh dịu, hoe chút nắng nhẹ nhàng.

Đó là một buổi sáng mùa Đông ở Bắc California, ba ngày sau khi tôi đến Mỹ. Hôm đó là ngày thứ Hai, mọi người đều đi học, đi làm. Ở nhà chỉ có hai chị em tôi mới từ trại tị nạn sang, vừa được Dì đón về nhà.

Căn nhà vắng vẻ dường như rộng hơn bình thường. Tôi đi ra phòng khách, ngồi trên ghế sofa, nhìn lên tấm skylight trên trần trời, ghi vào óc hình ảnh đang thấy, và thầm nói "Tôi đã đến! Bầu trời nước Mỹ là như thế này đây."

Mới đó, mà hơn ba mươi năm!

Dì là em gái của Mẹ tôi, nhưng trong gia đình gốc Bắc tôi gọi bằng "Cô" và chồng của Dì thì gọi là "Chú". Bây giờ, tôi gọi là "Dì" (để nói rằng đó là người thân lắm, giống như trong câu tục ngữ "Xảy Cha còn Chú, mất Mẹ bú Dì".)

Trong gia đình, Dì qua Mỹ trước tiên, vào tháng Tư năm 1975. Dì kể, ra khỏi trại Pendleton gia đình Chú và Dì được một nhà thờ ở Hayward, Bắc California bảo trợ. Đó là một điều buồn vui lẫn lộn. Vui vì California là nơi khí hậu dịu dàng, không lạnh cóng như những vùng khác, nhưng lại buồn vì bạn bè trong quân đội của Chú phần lớn sang miền Đông Hoa Kỳ qua sự đỡ đầu của những người bạn cố vấn Mỹ ngày trước. Nhưng Dì nghĩ thân tị nạn trên đất nước xa lạ, biết đâu mà lựa chọn, cứ theo duyên phận, rồi "nước chảy tới đâu, bắc cầu tới đó".

Chú cất bộ quân phục có gắn bông mai vàng vào ký ức, ngày ngày mang bộ đồng phục của thợ lắp ráp trong hãng xe hơi. Ở thắt lưng chú đeo nguyên một bộ kềm vặn ốc lớn nhỏ đủ cỡ, sắp xếp theo đúng thứ tự đã thuộc lòng. Khi chiếc xe trên đường dây chuyền trờ tới, chú nhảy phóc lên, rút kềm, gồng tay vặn những con ốc ở những vị trí cũng nhớ nằm lòng. Xe đi khoảng bốn mét là hết khâu, chú phải nhảy xuống, chạy ngược lại đón chiếc xe mới tới. Cứ chạy nhảy liên tục như vậy. Một ngày tám tiếng.

Dì cũng thay áo luật sư bằng áo khoác trắng và lưới trùm tóc của hãng trái cây đóng hộp. Cũng ngày ngày đứng trước một bộ máy dây chuyền gồm những thùng sắt khổng lồ đi chầm chậm. Trái anh đào hay trái dâu từ trên đổ xuống ào ào, hai tay Dì phải lựa thật nhanh những trái xấu, bỏ ra ngoài. Lúc mới làm chưa nhanh tay, nhanh mắt, có đôi khi trái xấu xót lại, bà đốc công lượm ra đem dí vào mặt la xối xả. Dì không dám phân trần nửa lời, chỉ im lặng làm tiếp. Hai tay bốc lia, bốc lịa nên không thể gạt nước mắt chảy ròng ròng.

May mắn cho Chú, Dì và cả cộng đồng người Việt tị nạn ở Bắc California, kỹ nghệ điện tử được phôi thai từ những năm 1965, 1968 đến giữa thập niên bảy mươi bắt đầu cứng cáp. Các hãng bắt đầu cần rất nhiều chuyên viên điện tử và, nhờ ơn trời (như Dì nói), nghề này hợp với rất nhiều người Việt. Kiến thức khoa học: có đủ, vì hầu hết là sĩ quan, công chức ở Việt Nam; sự cẩn thận, chịu khó: có thừa; khả năng học hỏi và lòng cầu tiến: tràn trề. Bắt đầu là những người có sẵn bằng cấp từ Việt Nam lấy một vài lớp học về điên tử rất dễ so với khả năng của họ, rồi được tuyển vào các hãng làm chuyên viên kỹ thuật (technician). Từ đó họ chỉ đường cho gia đình và bạn bè.

Dì và Chú sau giờ đi làm đã ghi danh học lớp tối ở San Jose City College, lấy nhanh tấm bằng hai năm rồi đầu quân vào đội ngũ chuyên viên kỹ thuật đang tăng vọt. Từ các tiểu bang khác, sinh viên Việt Nam đi du học trước năm 1975 mới tốt nghiệp cũng đổ về San Jose tìm việc. Đã có nhiều cuộc gặp gỡ ngỡ ngàng khi những kỹ sư trẻ măng biết ra rằng những techinician tóc loáng thoáng sợi bạc, im lặng, chăm chỉ làm cùng phòng thí nghiệm chính là những nhân vật mà họ từng nghe tên tuổi lẫy lừng trong những trận đánh của Tết Mậu Thân 1968, của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Gia đình Chú Dì cũng như nhiều người Việt khác dần dà khá giả hơn. Nhiều gia đình chồng đi học có bằng làm technician, vợ chưa tốt nghiệp cũng hăng hái đi làm nhân viên khâu lắp ráp (assembler hay assembly line worker).

"Ở đây chồng Tách (technician), vợ Ly (assembly) Cùng làm một buổi, còn gì sướng hơn"

Hạnh phúc của người tị nạn thời đó đơn giản là vậy. Đầu óc, công sức và sự khéo léo của họ đã chăm chút, hoàn thiện biết bao sản phẩm của các hãng điện tử. Thành công đem lại thành công, các hãng mọc lên ngày càng nhiều, và người Việt tị nạn đã góp công rất lớn vào sự phát triển của Thung Lũng Điện Tử, nơi ra đời của những sản phẩm thay đổi đời sống con người trên toàn thế giới.

Trong guồng máy của thung lũng này, Dì và Chú vừa xây dựng lại cuộc đời trên đất mới, vừa dành dụm gởi về giúp đỡ hàng chục anh chị em trong họ hàng hai bên.

Rồi đại gia đình dần dần đoàn tụ, lúc đầu là những người trẻ đi bằng đường vượt biển, sau đó là người lớn tuổi đi theo diện bảo lãnh. Là con gái út nhưng vì quen gánh vác họ hàng từ sau cuộc đổi đời, Dì đã trở thành người đầu đàn của họ ngoại tôi trên đất Mỹ.

Có một lần tôi mỉm cười và nghĩ rằng Dì không giống với hình ảnh quen thuộc của những người đàn bà Việt Nam trong văn chương: đơn giản, đảm đang, hy sinh, và chịu đựng.

Dì không chỉ vậy, mà hơn vậy.

Dì hy sinh, chịu khó, nhân từ, và can đảm. Dì đẹp và cao. Dì ăn mặc lịch lãm. Hồi tôi mới sang, thỉnh thoảng cuối tuần Dì chở đám cháu đi mua sắm ở những tiệm quần áo clearance. Mấy Dì cháu hí hửng tìm kiếm trong đống quần áo giảm giá tới bảy mươi, tám mươi phần trăm. Phần lớn là mua gởi về Việt Nam, nhưng Dì cũng giữ lại vài thứ để mặc. Những chiếc áo có nơ ở cổ, có kiểu dáng điệu đà, thanh nhã rất hợp với Dì. Và điều đặc biệt nữa là hai bàn tay của Dì. Trải qua bao năm tháng nhặt trái cây, làm việc nhà, vật lộn với những máy móc điện tử, bàn tay Dì vẫn thon đẹp với những ngón búp măng dài muốt.

Ba mươi chín năm qua nhà Dì là nơi nhóm họ. Hàng trăm lần giỗ Tết đến, rồi đi, rồi trở lại. Họp mặt ở nhà Dì đã trở thành một điều tưởng như không bao giờ thay đổi...

Gần đây, có một lần tôi ghé thăm Dì. Khi bước xuống xe, ánh nắng vàng trên con đường, hai dãy nhà màu nâu nhạt dọc hai bên, những bụi hoa và bãi cỏ, chúng quen thuộc đến mức làm tôi ngỡ ngàng! Cánh cổng sắt vẫn sơn màu xám, đưa vào căn nhà nơi Chú và Dì đón hai chị em tôi về sau chuyến bay từ trại tị nạn Galang tới San Francisco. Thời đó bãi cỏ tươi hơn và giàn hoa giấy đỏ mới chập chững leo trên cái giàn tạm nhỏ xíu. Nhưng, nhìn chung căn nhà vẫn rất giống như xưa.

Vậy mà rất nhiều điều đã vô cùng khác.

Kể từ năm nay, ngày 29 Tết Dì không còn gọi điện thoại cho từng đứa cháu, nói "Giao thừa đến nhà Cô cúng ông bà, nghe!" Căn nhà này sẽ không còn là nơi mà mấy chục người trong ba thế hệ bên ngoại gặp gỡ nhau. Vì Chú đã qua đời, còn Dì thì liệt nửa người sau cơn tai biến mạch máu não.

Lần đó tôi vào bệnh viện thăm lúc Dì mới hồi tỉnh. Khi ra về, tôi nắm tay Dì và nói to "Cháu đi về nha. Cô bye cháu đi." Dì bập bẹ "Bye" rồi vẫy vẫy tay. Và, tôi bùi ngùi thấy rằng bệnh tật đã làm Dì thay đổi, nhưng vẫn không cướp được hai bàn tay đẹp của Dì. Chúng vẫn đẹp, như xưa. Nhưng vẻ đẹp ấy như đang dùng sự tương phản để đánh thức tôi, nhắc tôi là đời người ngắn ngủi, là đã đến lúc tôi phải đối diện với lẽ tử sinh.

*

Ở trung tâm thành phố (downtown) San Jose có một cửa tiệm nằm trong một căn phố nhỏ. Từ xa lộ 280 ra hầu như lần nào tôi cũng phải ngừng lại ở đèn đỏ góc đường Mười Một trước khi quẹo trái vào Santa Clara, con đường chính của downtown. Ở chỗ ngừng xe, nhìn xéo qua tay phải là tấm bảng có những ba dòng chữ đỏ bằng tiếng Anh, Hoa, và Việt. Dòng tiếng Việt đề "Vịt Quay Tôn Thọ Tường" nên tôi đoán chủ tiệm là người Việt gốc Hoa. Vẻ hơi tồi tàn, xập xệ của tiệm với cái tên Tôn Thọ Tường gợi nhớ những hàng quán ở Sài Gòn, Chợ Lớn ngày xưa. Tiệm này đã ở đó trên dưới ba mươi năm.

Trong thời gian cộng đồng Việt ngày càng ăn nên làm ra. Khu thương mại Lion được mở ra trên đường Tully. Tiếp theo là khu Grand Century sang đẹp cùng khu Vietnam Town lộng lẫy trên đường Story. Nhiều tiệm Việt Nam đã dời về phía Đông San Jose, và khu downtown không còn là nơi tụ họp chính của các dịch vụ cho người Việt. Trong suốt thời gian đó, tiệm vịt quay vẫn nằm ở góc đường. Cũ kỹ, cô đơn, nhưng kiên trì, tiệm đứng đó như một "chứng nhân" cho thời mở đầu của cộng đồng Việt tại San Jose.

Cho nên, cuối năm 2013, khi ngừng xe ở đường Mười Một, tôi hơi sững sờ khi thấy tiệm treo bảng đóng cửa. Tôi thấy nhớ cửa tiệm như tiếc một thời đã qua.

Nhưng rồi tôi lại "tự cười" và tự nhắc rằng nền tảng của sức mạnh Mỹ quốc là sự hiệu quả. Chủ tiệm vịt quay có lẽ cũng đã đến tuổi về hưu, và một tiệm mới đang trên đà đi lên sẽ làm ăn hữu hiệu hơn ở góc đường này. Bây giờ là 2015. Trong thời đại khi iPhone 6 vừa ra đời đã có người mơ mộng tới iPhone 7, khi mỗi phút có ba triệu người lướt mạng thì lòng hoài cổ của tôi không thể chen chân ở ngay Thung Lũng Điện Tử, cái nôi của máy vi tính và điện thoại di động, đất nhà của Google, Yahoo, Facebook, và mấy ngàn hãng xưởng lớn nhỏ khác.

"Sóng sau dồn sóng trước", không nơi đâu mà câu thành ngữ đó đúng hơn là ở vùng này. Mọi thứ đều tuân theo quy luật sóng, kể cả con người.

*

Tôi quen cô Hòa trong một lần ghé văn phòng Bác Sĩ. Hôm đó chúng tôi phải chờ khá lâu. Cô mệt mỏi dựa lưng vào tường, nhắm mắt lại, hai tay chắp trên bụng. Những móng tay của Cô sơn màu hồng cánh sen có ánh tím trang nhã. Khi Cô mở mắt nhìn tôi mỉm cười, tôi bắt chuyện và khen màu sơn móng tay của Cô. Cô trở nên linh hoạt hẳn lên "Màu sơn này do người đệ tử làm nail ở Hollywood gởi tặng cho cô đó. Mua ở tiệm thường không có đâu nghe! Cô làm Nail mấy chục năm mà, đệ tử của Cô bây giờ ở khắp nơi..."

Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại nói chuyện điện thoại và tôi được nghe cô Hoà kể nhiều chuyện về buổi đầu tị nạn.

"Cô qua Mỹ với Ba Má chồng và đứa con, thằng Tâm, mới hơn một tuổi. Năm 1975, Cô mới lấy chồng được chưa đầy ba năm, ở chung với ông bà nội thằng Tâm. Bữa đó, đang ở nhà thì chồng Cô về, kêu gom góp đồ đạc vô vali rồi chở lên phi trường Tân Sơn Nhất. Ổng biểu cả nhà ngồi chờ để ổng đi đón thêm vài anh em rồi trở lại liền. Cô chờ mỏi chờ mòn, hơn hai ngày ổng không trở lại. Ngày thứ ba, phi trường bị pháo kích, người ở chung quanh nói chuyến bay bữa đó là chuyến cuối cùng. Cô thì "bên dắt Mẹ già, bên nách con thơ", muốn ra cũng không được, ở lại thì sợ bom đạn, nên đành lên máy bay mà nước mắt chứa chan. Em tưởng tượng được không, Cô mới hai mươi hai tuổi đầu, tiếng Anh tiếng U không biết. Từ trong trại tị nạn ở California, Cô nhờ người ta kiếm ổng ở tất cả bốn trại tị nạn trên nước Mỹ. Văn phòng trại đọc loa kêu tên ổng mỗi ngày mà ổng vẫn bặt tăm. Cô khóc sưng mắt nhưng rồi nghĩ mình phải cố gắng lên vì bây giờ mình là người đứng lo cho gia đình. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cũng không biết phải làm sao. Cô không biết đường lối gì hết, không quen biết ai nên ở trại tị nạn lâu nhất. Mà Cô cũng muốn ở lâu, trong đầu cứ nghĩ là một ngày kia chồng mình sẽ xuất hiện trong trại, với lại cứ sợ là đi định cư rồi thì ổng biết đường đâu mà kiếm."

Thấy tôi chăm chú nghe và hỏi thăm chuyện tị nạn, Cô Hoà hào hứng kể chuyện cũ.

"Từ trại ở đảo Guam, gia đình Cô qua Camp Pendleton ở San Diego, rồi lên trại Hope Village ở Sacramento. Mùa hè năm 1975, trại này có tổ chức buổi lễ chào đón năm trăm gia đình Việt Nam đầu tiên đến định cư tại California. Buổi lễ đặc biệt này bắt đầu bằng một lễ chào cờ. Đây là lần đầu tiên Cô thấy lại lá cờ vàng của mình trên đất Mỹ. Khi lá cờ được kéo lên, nhiều ông mặc đồ dân sự mà đứng nghiêm dơ tay chào theo kiểu nhà binh. Sau đó Cô mới biết họ đều là tướng, tá của Việt Nam Cộng Hoà, có cả ông tướng Nguyễn Cao Kỳ nữa. Nhìn họ chào cờ Cô khóc như mưa vì nhớ ông chồng sĩ quan. Nhưng đâu phải mình Cô. Cả ngàn người tị nạn, nhiều người có đầy đủ gia đình bên nhau, vậy mà ai cũng khóc!"

Thình lình cô Hoà hỏi "Em biết cô tài tử Kiều Chinh không?"

Rồi không chờ tôi trả lời, Cô kể tiếp "Sau lễ chào cờ, ngoài mấy người Mỹ, cô Kiều Chinh được mời đọc diễn văn. Nhờ cổ nói thêm bằng tiếng Việt mà Cô hiểu là trại này có một bà tài tử lớn của Hollywood tên là Tippi Hedren làm trong ban quản trị. Trời, bà ta đẹp như thiên thần, tóc vàng óng, dáng người thon thả, sang trọng. Mọi người ai cũng thích bả, có nhiều chị cứ trầm trồ ngưỡng mộ hai bàn tay với móng dài, sơn màu san hô tuyệt đẹp của bả. Có lẽ nhờ bả mà nhiều nam, nữ tài tử từ Hollywood cũng tới thăm, giúp đỡ trại. Riêng cô Kiều Chinh, bạn thân của bà Tippi, thì sau khi đọc diễn văn còn tình nguyện ở lại trại cả tuần lễ để phụ giúp đồng bào. Hàng ngày cô Kiều Chinh cùng bà Tippi đi thăm mọi người. Hồi đó người mình chưa nói tiếng Anh giỏi, nhờ có cô Kiều Chinh mà đôi bên mới hiểu nhau. Theo cô Kiều Chinh nói, Bà Tippi để ý cách các cô, các chị làm tóc, chăm sóc con cái, và bả kết luận là đàn bà Việt rất khéo tay. Từ đó, bả nảy ra ý định dạy cho người Việt Nam làm nail vì bả tin rằng nghề này rất thích hợp mà lại kiếm khá. Vậy là bả đem bà Dusty, người làm nail cho bả, vào trại dạy những điều căn bản cho hai mươi người Việt. Sau đó, họ đi xe của trại tới trường để học những kỹ thuật mới nhất như làm móng tay giả bằng lụa. Cô có tới lớp coi họ làm. Mèn ơi, nhìn đố ai biết là móng giả! Nhưng mà hồi đó Cô còn lo đi kiếm ông chồng nên không có tâm trí ghi tên học..."

Cô Hòa còn kể cho tôi nhiều chuyện về những đội ngũ "hạt giống" thợ nail Việt Nam xuất phát từ Hope Village đã được sự giúp đỡ của bà Tippi để đi thi lấy bằng ở Sacaramento. Hai mươi người đầu tiên đã chỉ đường cho bạn bè khác và Cô đã vào nghề khoảng giữa năm 1976. Nghề nail đã giúp Cô trang trải cho gia đình và còn đem lại cho Cô sự tự tin "Em biết không, giá làm móng tay thời 1976 là sáu chục đồng một bộ. Mà lúc đó lương tối thiểu là hai đồng rưỡi một giờ! Em nghĩ coi, không có nhiều người Việt vô nghề, làm cách nào mà giá xuống thành vừa phải để cho những người bình thường cũng có thể làm nail? Bởi vậy, thợ Việt đúng là giúp làm đẹp cho đời đó em à!" Cô vừa nói vừa cười.

Rồi Cô kể về thời gian Cô đi làm nail từ sáng tới tối, ông bố chồng đi phụ bếp, cậu con trai ở nhà với bà nội. Rồi chuyện nghe tin chồng Cô bị kẹt lại, đi tù trong trại tập trung ở Việt Nam "Nghe tin ổng bị tù mà vừa khóc vừa mừng. Ít gì ổng cũng còn sống, còn hy vọng có ngày gặp lai." Gia đình Cô đoàn tụ giữa thập niên 80 khi chồng Cô ra khỏi tù và vượt biển thành công.

Bây giờ thì cậu bé Tâm một tuổi ngày mới tới đã là một kỹ sư điện toán, thêm người em sinh tại Mỹ sau này hiện làm cô giáo dạy Anh Văn ở trường trung học. Cả hai đã có gia đình riêng. Bố mẹ chồng và cả ông chồng đã qua đời. Còn một mình, cô Hòa sống trong nhà riêng khang trang nhưng không được khỏe. Cô bảo là mấy chục năm ngồi khom lưng và dùng tay quá nhiều đã làm cho Cô bị đau lưng và đau khớp thường xuyên. Các khớp ngón tay của Cô sưng lên, nhưng Cô vẫn giữ thói quen sơn móng, chỉ khác là bây giờ Cô phải ra tiệm.

Cô Hòa làm tôi nhớ đến Chú, Dì tôi. Ở trong hãng kỹ thuật phức tạp hay ngành nail tưởng như đơn giản nhưng không kém phần vất vả, họ đều là những hạt giống đầu tiên trong hai nghề chính đã chống đỡ và nuôi lớn cộng đồng Việt Nam tại Mỹ.

Người thợ nail hai mươi hai tuổi ngày xưa giờ đã sáu mươi hai. Đôi tay cô không còn đủ sức tự chăm sóc, phải trông cậy vào thế hệ tiếp nối. Nhưng cô vẫn có vẻ mãn nguyện vì đôi tay đó đã kiếm sống cho cả ba thế hệ, đã làm đẹp cho đời, đã cống hiến hết khả năng.

*

Có lần sau khi đọc một bài viết về Hội Chứng Rối Loạn Sau Ác Biến (Post-traumatic Stress Disorder) của những quân nhân sau khi tham chiến, tôi tự nhủ là mình nên cám ơn trời. Những cực khổ tôi trải qua ở Việt Nam chắc vẫn còn rất nhẹ so với nhiều người khác, không phải là traumatic experience. Ký ức ấy, sau chuyến vượt biển may mắn, có lẽ đã được xoa dịu bằng sự đùm bọc của bao người thân thiết. Nhờ vậy, tôi cảm thấy là tinh thần tôi khỏe mạnh, không có triệu chứng khác thường nào cả.

Mãi tới gần đây, tôi mới nhận thấy là có lẽ sự kiện trốn khỏi Việt Nam rồi sang định cư ở Hoa Kỳ đã làm ý niệm về thời gian của tôi hơi bị lệch lạc. Ba mươi năm sống ở Mỹ mà tôi cứ cảm thấy là rất ngắn. Nhiều kỷ niệm và hình ảnh cứ đứng nguyên như lúc tôi mới bắt đầu thu góp những ý niệm về cuộc đời, về người lớn ở chung quanh. Những nhà thơ, nhà văn. Những nhạc sĩ, ca sĩ. Những thầy, cô giáo. Những danh tướng một thời. Và những người thân. Trong đầu tôi, thời gian qua chưa bao lâu, những người ấy vẫn mạnh khỏe, vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày, là hình ảnh của xã hội chung quanh, như trong những thập niên bảy mươi, tám mươi.

Cho tới vài năm gần đây, tôi phải đối diện với sự ra đi và đau yếu của họ. Mỗi khi nghe tin, tôi cảm thấy bâng khuâng, trống trải. Như thể tấm khăn ấm áp, thân thiết bao năm che chở quanh vai tôi đang bị rút bớt, từng sợi, không ngừng. Rồi tôi nhận ra rằng ba mươi năm không ngắn như một giấc mơ. Đã tới lúc tôi nhìn lại và thấy đó là quãng thời gian dài, dài lắm.

*

Tôi đến Mỹ năm 1984. Khi mới đến chưa biết đường lối, lỡ dịp ghi tên khóa mùa Xuân ở trường đại học, nên phải học tiếng Anh gần chín tháng tại trường dạy người lớn (Adult Education Center). Thời đó, số người vượt biển đã giảm bớt so với những năm đỉnh 80, 81 nhưng vẫn còn rất nhiều. Hầu như tuần nào cũng có chuyến bay chở người từ các trại tị nạn Bataan và Galang đến định cư ở Mỹ. Cho nên, vào trường tôi gặp lại rất nhiều người quen ở đảo. Mới tới Mỹ gần một tháng mà ai cũng trắng trẻo và tươm tất hơn nhiều so với thời ở trại. Gặp nhau tít tít hỏi han, trao đổi tin tức về chỗ nào thuê nhà tốt, chỗ nào đang mướn người, cách xin trợ cấp xã hội, ngày giờ ghi danh ở trường đại học... Giờ ăn trưa giở hộp cơm, miếng bánh mì ra mời nhau, ăn xong ra vòi uống nước, chỉ có vài cậu thanh niên trẻ xài sang mới bỏ mười lăm xu vô mua lon nước ngọt trong máy của trường. Mừng rỡ, chia sẻ vậy nhưng người tị nạn mới sang thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi cảnh đời. Người phải đi làm nuôi gia đình, người thích kiếm tiền sớm, người chuyển đi vùng khác, người tiếp tục học lên... Vì thế, chẳng bao lâu là mỗi người mỗi ngả.

Mùa Thu năm đó, hai chị em tôi vào học ở trường College ở thành phố Fremont gần nhà. Ngôi trường nằm trên đồi, biệt lập, và thơ mộng dịu dàng. Lớp học nằm trong những tòa nhà trắng viền gỗ nâu đậm nhìn xuống những bãi cỏ thoai thoải và nhiều hàng cây cao vút. Thời đó người Việt tụ tập nhiều ở phía Đông thành phố, gần downtown San Jose. Vì thế, hai trường Evergreen College và San Jose City College ở vùng đó thu hút đông học sinh Việt nhất. Ngoài hai nơi này, những trường khác ở hạt Santa Clara cũng được nhiều người Việt chọn học. Hạt Santa Clara giàu có nhờ thu được nhiều thuế từ các hãng điện tử, do đó họ có thêm chương trình giúp đỡ sinh viên nghèo, và quỹ cho sinh viên vừa làm vừa học (Work Study) cũng rộng rãi. Ngôi trường tôi học thuộc quận Alameda, không được trù phú bằng Santa Clara nên chỉ có các phúc lợi của liên bang và tiểu bang. Đó là sau khi đã vào trường nghe các bạn học nói vậy chứ thật ra tôi không để ý. Đối với tôi ngày đó, được đi học đã là một hạnh phúc to lớn, được hưởng tiền trong khi xây đắp cho chính tương lai của mình thì là một điều kỳ diệu. Thời đó học sinh tị nạn gồm đủ mọi lứa tuổi và đặc biệt là có rất nhiều anh chị em cùng sang một lúc và cùng đi học với nhau. Năm đó, ngoài "cặp bài trùng" là chị em tôi còn có mấy nhóm ba, bốn anh chị em cùng học một lớp.

Lúc mới sang, tôi nghe nói thời đó sinh viên gốc Việt trong trường đại học chia làm hai nhóm: nhóm di tản năm 1975, đã học trung học ở Mỹ và nhóm mới sang. Nghe thì có vẻ "chia rẽ" nhưng khi vào trường tôi thấy đó chỉ là điều tự nhiên. Những sinh viên lên từ các trường trung học thường rất giỏi tiếng Anh, thường ăn mặc rất thời thượng, theo phong cách của thần tượng âm nhạc thời 80 là Madona và Micheal Jackson. Những chiếc mũ đội lệch, những lớp áo thun và váy ren xòe kết hợp khéo léo, quần jean mặc xệ, chuỗi hột đeo cổ, thánh giá lủng lẳng trên tai, giày cao cổ sành điệu, găng tay đen hở ngón... Cách ăn mặc rất-Mỹ của họ là một điều khác biệt rất dễ thấy và thú vị đối với tôi. Trong lớp họ thoải mái đặt câu hỏi và có khi còn đùa giỡn với thầy. Giờ nghỉ họ đi với nhau, nói tiếng Anh ríu rít rồi cười vang. Họ vui nhộn, rộn ràng. Rất khác với đám sinh viên tị nạn như chị em tôi.

Đám sinh viên thứ hai này ăn mặc đơn giản, thường ngồi im trong lớp. Ngoài giờ học, họ nói chuyện với nhau khẽ khàng, bằng tiếng Việt. Sự khiêm tốn gần như rụt rè đó lẽ ra sẽ làm họ chìm lỉm, nhưng sự thật thì không phải vậy. Người học sinh nổi tiếng, suốt hai năm đứng nhất trên "bảng vàng" với số điểm trung bình cao nhất trường là một trong ba anh em mới sang, đi học chung với nhau. Trong lớp, các sinh viên tị nạn hay đạt điểm tuyệt đối trong các bài thi. Tại Math Lab (Phòng Kèm Toán), những sinh viên tị nạn gốc Việt trong chương trình Work Study thường nổi tiếng là giảng bài dễ hiểu và "giải Toán như làm ảo thuật". Trong số đó, một vài người đã có trình độ cao từ Việt Nam, nhưng hầu hết thành tích của họ đến từ sự chăm chỉ và lòng quyết tâm.

Thời đó, ngoài giờ học, có một nơi tôi đến thường xuyên là tiệm Vinatrade, chuyên gởi đồ về Việt Nam. Lúc ấy việc chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam bị cấm tuyệt đối và những thùng quà này là để người thân đem ra chợ trời bán lấy tiền sinh sống. Mỗi cuối tuần tiệm này đông lắm. Những khách hàng ăn mặc sơ sài, nhiều người da còn chưa nhả hết sắc đen của nắng đảo tị nạn, hăng hái mua vải, dép nhựa, dầu gió xanh, viết Bic... rồi đóng thùng. Mọi người vừa mua sắm vừa chỉ vẽ cho nhau những mặt hàng đang có giá ở Việt Nam. Ở nơi đây tôi đã gặp nhiều bạn học, nhưng tất cả đều là người mới sang Mỹ. Và tôi đã khám phá ra sự khác nhau căn bản nhưng rất khó thấy giữa những sinh viên di tản và sinh viên vượt biên. Không phải là bề ngoài hay cách ăn nói, mà là sự vô tư của những người đến đã lâu bên cạnh sự đau đáu của người mới tới.

Người sang năm 1975 thường có gia đình đầy đủ, họ chỉ cần lo cho tương lai, việc giúp đỡ người thân còn ở lại là chuyện của cha mẹ, của người lớn trong nhà. Ngược lại, đa số sinh viên vượt biên là những thanh niên đến Mỹ một mình. Trách nhiệm, nỗi nhớ thương và lòng biết ơn gia đình đã làm cho họ chỉ chuyên chú vào hai việc: học giỏi để tiến thân và giúp gia đình còn ở lại. Họ im lặng học, cắm cúi học. Sau giờ học thì cần cù làm, chắt chiu gom góp gởi về Việt Nam.

Dù sao thì tuổi trẻ cũng hội nhập nhanh chóng và rất dễ gần nhau. Sau khi tôi từ giã ngôi trường College êm đềm, lên học ở Berkeley rồi ra đi làm, tôi không còn cảm thấy sự khác biệt giữa những người đến Mỹ vào những thời điểm khác nhau nữa. Lý do chính là khi đi làm, tiền bạc không còn là mối ưu tư, và, hơn nữa, gia đình cũng dần dần đoàn tụ.

*

Đã bốn mươi năm.

Thế hệ thứ ba của chúng tôi bây giờ đang vun xới cho thế hệ thứ tư. Cách đây không lâu, tôi dắt các con đi thăm đại học Berkeley.

Tới lúc đó tôi mới được nghe hướng dẫn viên kể về lịch sử của nhiều tòa nhà, và mới thấy rõ rằng ngày xưa tôi chỉ quanh quẩn ở một góc nhỏ trong trường. Ngày đó, Berkeley của tôi, cô sinh viên mới từ đảo tị nạn qua được hai năm, chỉ là những tòa nhà dạy các lớp kỹ thuật, thư viện, computer lab, và phòng thí nghiệm. Nhưng tôi vẫn không cảm thấy mất mát gì. Những tòa nhà cũ vẫn còn đây cho tôi thăm, dù đã hơn hai mươi năm. Và còn mọc lên những tòa nhà mới tinh, hừng hực kỹ thuật tân kỳ... Tất cả đều chào đón tôi trở lại và mở rộng cho bước chân những thế hệ sau khám phá và học hỏi. Tuổi trẻ bao giờ cũng đẹp. Ước mơ tương lai lúc nào cũng cao. Bởi vì chúng vươn lên từ trên vai của thế hệ cha ông.

Bốn mươi năm qua, hai thế hệ đầu tiên của người Việt tị nạn đã hoàn thành nhiệm vụ đặt những viên gạch làm nền cho gia đình và cộng đồng. Và tôi lại phải tự nhắc - bốn mươi năm là thời gian dài lắm. Như những cây lúa đã dâng hết gạo cho đời, thế hệ trước tôi đã tới lúc đi vào giai đoạn cuối của hành trình.

Chúng tôi đã trở thành "tuyến đầu". Ở trong vị trí này, tôi mới thấm thía hành trình của những người đầu tiên chèo chống con thuyền Việt Nam tị nạn. Họ đã bên dắt cha mẹ, bên nách con thơ đến quê hương mới. Họ đã khai đường mở lối cho hôm nay, cho ngày mai. Họ đã cống hiến tất cả tuổi trẻ và sức lực bằng đầu óc, chân tay.

Sự ra đi của họ, đối với tôi, là kết thúc của cả một thời đại. Thời đại của mấy mươi năm chiến tranh đằng đẵng, của hai lần lìa bỏ quê hương, hai lần làm lại từ đầu. Thời đại của những người đóng và gởi những thùng đồ cứu đói đầu tiên về Việt Nam, những người đã đắp đập be bờ giữ gìn nguồn cội Việt Nam cho tương lai gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới.

"Bầy trẻ thơ" chúng tôi đã lớn trong sự cưu mang và hy sinh của họ. Tôi, và con cháu tôi, mang ơn họ.

Đời sống ở quê hương mới êm đềm và đầy đủ. Nhưng trong tôi vẫn thường xuyên dậy lên nỗi "ruột đau chín chiều" khi nghĩ về quê cũ. Nhất là khi người thân yêu đã già. Nhìn họ và nghĩ đến lúc phải chia tay, tôi bâng khuâng như mất đi thêm một phần của quê hương

"Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi có chút gì nghe rất thốn đau"

Khôi An


*************************************************


Journey to Freedom Act, sponsored by Senator Ngo Thanh Hai, Canada


An obscure private member’s bill from a Conservative senator has sparked a diplomatic spat between Canada and Vietnam.

But despite Vietnam’s dark warnings that the bill will have an adverse impact on relations between the two countries, the Harper government appears determined to pass it.

The bill, sponsored by Sen. Thanh Hai Ngo, would recognize April 30 as a national day to commemorate the exodus of Vietnamese refugees and their acceptance in Canada after the fall of Saigon to North Vietnamese communist forces.

The bill was originally entitled the “Black April Day Act”, as April 30 is known among many, including Ngo, who fled South Vietnam at the end of the Vietnam war.

In a nod to the vociferous objections of the Vietnamese government, the title was changed to the “Journey to Freedom Act.”

But the intention remains unchanged.

“For Canadians of Vietnamese origin and the wide Vietnamese diaspora now living abroad, April 30 depicts a day when South Vietnam fell under the power of an authoritarian and oppressive communist regime that pays no heed to human rights,” Ngo told the Senate when he kicked off debate at second reading last spring.

“We remember April 30 as a black day because it represents the sad day we lost our country, our families, our friends, our homes, our freedom and our democratic rights. It commemorates a day of loss and grief.”

When the bill was sent to the Senate’s human rights committee for study in October, Vietnam’s ambassador to Canada wrote to the committee chair to express his government’s “serious concerns” about the bill, and asked to be a witness.

The Conservative majority on the committee refused to invite the ambassador, suggesting instead that he send a written submission. However, after hearing from only three witnesses, including Ngo, the committee wrapped up its study of the bill before the ambassador’s submission, which had to be translated into French, could be tabled.

In that submission, which the committee did not consider, the ambassador accused Ngo of dredging up the past, painting a distorted view of his country’s history and ignoring its positive bilateral relationship with Canada over the past 40 years.

“The government of Vietnam disagrees with this negative and selective portrayal and has expressed its concerns privately and publicly,” To Anh Dung wrote, adding that his government has made “many representations to the most senior levels of the government of Canada and leaders of Parliament expressing our serious concerns about the language and intent of this bill.”

“If passed, this bill will have an adverse impact on the growing bilateral relations between our two countries. Despite claims of being non-political, this bill clearly incites national hatred and division, not unity.”

Vietnam’s deputy prime minister and foreign affairs minister, Pham Binh Minh, wrote to his Canadian counterpart, John Baird, back in June to voice his concerns.

“While we understand that this is technically not Government of Canada policy, we believe that passage of this Senate Bill S-219 would send the wrong message to the international community and the people of Vietnam,” he wrote.

A spokesman for Baird emphasized that this is “not a government bill” and that senators and MPs are free to introduce private member’s bills.

“Vietnam is a strong and valued partner in the Trans-Pacific Partnership negotiations, a country of focus for Canadian development assistance, the International Education Strategy and the Global Markets Action Plan,” Adam Hodge told The Canadian Press in an email.

“Canada and Vietnam have strong mutual interests that guide our bilateral relations.”

Nevertheless, the government’s leadership in the Senate, not known for defying the wishes of Prime Minister Stephen Harper, seems determined to whisk the bill through.

It was to have been put to a final vote in the Senate on Thursday but Liberal Senate leader James Cowan questioned why the governing party is in such a rush.

“We were allowed to hear only one side of the story (at committee), from those who support the bill,” Cowan told the Senate.

In the absence of a “serious and balanced study” of the bill, Cowan said he doesn’t know whether it deserves support.

“This is not how legislation should be passed in this country. This is not the right path for any so-called ‘journey to freedom,“’ he said.

The Conservative majority thwarted Cowan’s attempts to adjourn debate on the bill or to refer it back to committee for further study. However, Liberal senators insisted on a recorded vote, which deferred the final vote on the bill until next week.

The bill appears to have divided Canada’s Vietnamese community. While the committee heard supportive testimony from the Vietnamese Canadian Federation and the Canadian Immigration Historical Society, the chair received letters from a number of others — including representatives of the Canada-Vietnam Friendship Association and the Canada-Vietnam Trade Council — who said it would create tension among Vietnamese Canadians, many of whom have put the past behind them and now want cordial relations with Vietnam.