khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

"Old Soldiers Never Die They Just Fade Away" . These words were said by General MacArthur in his farewell speech to the US Senate when he retired from 50 plus years of military service







                                          

Ơn Em, nhạc sĩ Từ công Phụng phổ nhạc từ thơ Du Tử Lê. Nhạc sĩ TCP hát live trong bữa trình diễn với chủ đề Tình Ca Muôn Thưở năm 2010, ở thành phố Houston, TX, Hoa Kỳ



Nhạc sĩ Từ công Phụng


                                           

Hoa đào năm trước -- Nguyễn Hiến Lê





Thử đọc xem:

“... ở sau một bức tường thấp (...) ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng. Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiên mà tuyệt diệu.”

Có phải chỉ nghe Nguyễn Hiến Lê kể lại mà ta cũng thấy... tuyệt diệu!

“Hoa đào năm trước” hiện ra bất quá trong chừng vài mươi giây, nhưng “dư hưởng bất tuyệt”. Cái chuyện “phù du, mà lại thọ”, Thôi Hộ bên Tàu biết, Alfred de Vigny bên Tây biết, Xuân Diệu ở Việt Nam cũng biết:

“Mãi mãi là trong những phút giây”!(1)
(Thu Tứ)

(1) Trong bài Mãi Mãi của XD.

Hoa đào năm trước


Hồi đó tôi học năm thứ ba hay thứ tư trường Bưởi (sau đổi tên là Chu Văn An), ăn tết ở Phương Khê xong, trở về Hà Nội.

Chiếc xe đò Mĩ Lâm từ Trung Hà xuống, đậu ở bến gần chợ Sơn Tây một hồi lâu rồi mới lại khởi hành, chạy một vòng chậm chậm trong thành phố để đón thêm khách. Trời lạnh, dân chúng còn ăn Tết, các cửa ngõ còn nửa khép nửa mở, vỉa hè còn vắng người và rải rác xác pháo.

Xe quẹo vào một con đường nhỏ nhưng sạch sẽ, trong một khu công chức, và ở sau một bức tường thấp, tôi thấy ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng.

Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiên mà tuyệt diệu. Chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh xuân đẹp như vậy.

Chiếc xe đã ra khỏi thành phố, bon bon trên con đường Sơn Tây - Hà Nội, tôi ngâm thầm bài Ðề Tích Sở Kiến Xứ.

“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”.


Và tôi có cảm tưởng ngông ngông rằng thi sĩ như đã tặng riêng tôi bài đó, vì hiểu thơ thì ai cũng có thể hiểu được, mà muốn cảm xúc mãnh liệt thì phải thấy cái cảnh tả trong thơ, có cái tâm sự của người làm thơ. Cả một trời xuân và một tình xuân bàng bạc trong bốn câu của Thôi Hộ.

Từ đó, mặc dầu biết rằng cũng sẽ thất vọng như Thôi Hộ thôi,

“Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong”
(1)


mà Tết nào, đi ngang qua tỉnh lị Sơn Tây, tôi cũng để ý tìm lại cảnh hoa đào năm trước.

Cảnh cũ, người cũ đã không sao cùng gặp lại được, thì thử kiếm cảnh khác, miễn là cũng đủ đào hoa nhân diện? Ở Hà Nội việc đó rất dễ. Từ hai mươi lăm tháng chạp, suốt phố Hàng Ðường tới cửa chợ Ðồng Xuân như một rừng đào, cái cảnh “hoa chi tự kiểm, kiểm như hoa”(2).

Ðâu phải là hiếm, mà sao tôi vẫn không tìm lại được cảm giác cũ. Tôi nghĩ có lẽ tại đường phố náo nhiệt, mà hoa không còn trên gốc, thiếu vẻ thiên nhiên chăng?

Có lần tôi lên tận làng Yên Phụ, thơ thẩn cả buổi trong các ngõ hẹp, lát gạch bên bờ Hồ Tây. Nơi đây còn vài ngôi đình chùa cổ, trong tiếng gió tiếng sóng như văng vẳng giọng ngâm thơ của Hồ Xuân Hương. Nhà nào cũng có vườn, tuy không rộng nhưng cũng trồng đủ giống hoa như làng Ngọc Hà, nhiều nhất là đào, đỏ ối mỗi khi xuân sang. Các thiếu nữ nửa quê nửa tỉnh, vừa tỉa cành vừa niềm nở chào khách, miệng tươi như hoa, nhưng lòng tôi chỉ vui vui chứ không xúc động; vẫn không phải cảnh sắc năm xưa. Thế thì thiếu cái gì đây? Tôi nghĩ không ra.

Kế đó, tôi vô Nam và năm nào Tết đến cũng ngắm hoàng mai mà bâng khuâng nhớ đào.

*

Rồi một hôm cách đây mười tám năm, vào đầu mùa mưa, đi ngang qua vườn một ẩn sĩ, thấy đẹp, tôi ghé vào thăm. Vườn nằm trên bờ một con kinh, ở vòng ngoài thành phố Long Xuyên, nổi tiếng vì có nhiều loại hồng quí từ Pháp gởi về.

Tôi vào tới giữa sân thì một thiếu nữ tươi cười bước ra chắp tay: “Thưa thầy”. Thiếu nữ vẻ thanh tú, ngừng lại bên một bụi hồng leo màu phơn phớt đỏ. Ánh nắng ban mai chiếu vào chùm hoa và phản ánh làm cho má thiếu nữ cũng ưng ửng. Tôi còn đương cố nhận mặt thì thiếu nữ đã nhắc giùm. Tôi hỏi thăm mấy câu rồi trầm ngâm dạo vườn một lát. Vườn trồng cả chục loài hoa, nhiều nhất là hồng, và hồng có cả chục giống; sương mai lấp lánh mà hương thơm ngào ngạt.

Thật thú vị, khi không cố ý tìm thì ngẫu nhiên gần như gặp lại cảnh cũ. Trong vài giây, lòng tôi lại xúc động như hồi trẻ ở Sơn Tây. Xúc động nhẹ thôi: trời hôm đó dịu nhưng không phải là trời xuân ngoài Bắc, mà hồng cũng không thể sánh với đào được. Có lẽ còn tại cái tuổi, cái tâm trạng của tôi nữa chăng? Nhưng cũng là một phút đẹp trong đời, và ở vườn hồng ra, tôi lại ngâm thầm bài thơ của Thôi Hộ, nhớ lại tuổi xuân, cảm xúc triền miên, dịu dịu.

Hôm sau vào lớp học, thiếu nữ cùng với các bạn, đứng dậy chào tôi, nhưng lạ quá, tôi gần như không nhận ra nữa: cũng chỉ như mọi nữ sinh khác, lễ phép, nhu mì, thế thôi; như bé lại vài tuổi, còn cái duyên hôm trước thì đã biến đâu mất. Tôi bước lên bục mà phân vân tự hỏi tại sao. Tại không khí trong lớp học chăng? Hay tại thiếu bụi hồng dưới ánh dịu ban mai bên bờ nước? A, giá đừng gặp lại!

*

Tôi nhớ đâu như Alfred de Vigny có câu:

“Aimez ce que jamais on ne verra deux fois”.

Trước kia tôi vẫn cho Vigny là quá bi quan, hơi ngược đời nữa. Nay bóng chiều đã xế, tôi nghiệm rằng những cảnh đẹp nhất mà ta được thấy, luôn luôn chỉ thoáng hiện rồi biến mất, không sao gặp lại được lần thứ hai.

Phải, cái buổi sáng ở Sơn Tây kia, cũng như cái đêm tôi qua Ðèo Cả, cách đây non ba chục năm, chỉ ngẫu nhiên xuất hiện một lần trong một đời người. Ðêm đó, tôi đương ngắm cảnh biển mênh mông nhấp nhô dưới ánh trăng thì xe lửa lượn vào một khúc quẹo và những lớp sóng bạc bỗng biến đâu mất mà trước mặt tôi hiện lên một dãy núi đen tím với một cái vũng lốm đốm mươi ngọn đèn chài đỏ như than hồng trên một làn nước phẳng lặng: cảnh biến đổi thật huyền ảo và trong một phút tôi có cảm giác là mọc cánh mà lên tiên. Có thể rằng sau này tôi được gặp một cảnh trăng trên biển tương tự cảnh đó, nhưng có may lắm thì cũng chỉ phảng phất vài phần như cảnh vườn hồng so với cảnh vườn đào thôi. Vì phải có một sự giao hội kì diệu mà hữu tình của biết bao cái ngẫu nhiên, từ người và vật tới mây nước, ánh sáng, hương thơm, tâm trạng cùng nhau tấu lên một hòa khúc thì mới gây cho ta được một cảm giác hoàn toàn thỏa mãn về tinh thần, một cảm giác phơi phới nửa hư nửa thực, đột ngột mà bâng khuâng. Ta thấy lòng ta nở ra, ngũ quan mẫn tuệ, tinh thần thanh thoát như chơi vơi. Một đời người hưởng được vài ba phút mà dư hưởng bất tuyệt đó, tôi tưởng đã là phước lớn. Nó quí ở chỗ không bao giờ tái hiện và rất ngắn ngủi. Ðừng kiếm lại nó, vô ích, mà cũng đừng mong cho nó kéo dài: nếu chiếc xe Mĩ Lâm sáng xuân đó và chuyến xe lửa đêm trăng kia, vì một lẽ gì ngừng lại, thì cái mĩ cảm của tôi tất phải giảm mà dư hưởng tất không bền.

Vigny khỏi phải nhắc: Chúng ta chỉ “yêu cái gì không thấy tới hai lần” mà xuất hiện chỉ trong một nháy mắt. Cái tuyệt mĩ bao giờ cũng phù du, mà lại thọ nhất.

Sài Gòn
Xuân Tân Hợi

“Tự bạch” về nhân sinh cũa nhà văn Nguyễn Hiến Lê

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê

  1. Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải tạo cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy khả năng mỗi người.
  2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết bàn hay Thiên đàng
  3. Quan niệm thiện ác thay đổi tùy nơi, tùy thời. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện, cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội thời nông nghiệp; tới thời kỹ nghệ không còn lợi cho gia đình, xã hội nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thãi quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, từ hồi loài người bắt đầu văn minh, dân tộc nào cũng trọng, như đức nhân, khoan hồng, công bằng, tự do, tự chủ,…
  4. Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.
  5. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, trị gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng, luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.
  6. Nên trọng dư luận nhưng cũng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.
  7. Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách mà được hàng vạn người hoan hô, mà còn có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bạn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận một chức tước gì của chính quyền.
  8. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.
  9. Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.
  10. Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.
  11. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập, cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của một người.
  12. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do thì không gọi là xã hội tự do được.
  13. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.
  14. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang họa vào thân.
  15. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hợp ý mình; phải chung sống năm ba năm mới rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cả cá nhân ông bà lẫn xã hội. Hiện nay ở Mỹ có phong trang kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà có thể gây nhiều xáo trộn cho xã hội.
  16. Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.
  17. Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.
  18. Cơ hồ không thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích. Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có quy củ, kỷ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm; và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.
  19. Thay đổi bản tính con người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn là chuyện không dễ một sớm một chiều. Thế giới còn những nước nhược tiểu nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển, Họ còn sống lâu. Tuy nhiên cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.
  20. Xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời sau khi giải quyết xong việc này thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.
  21. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu quá. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

TÌNH YÊU VÀ ĐÔI CÁNH




Ngày xưa, trong ngôi nhà gỗ cạnh cánh rừng có một cô gái sống cô đơn. Hôm nọ, trong lúc dạo chơi cô thấy hai chú chim non mất mẹ đang thoi thóp trong tổ trên một chạc cây. Cô đem chúng về và nuôi trong một cái lồng rất đẹp.Với sự săn sóc chan chứa tình thương của cô, hai chú chim ngày càng trở nên vừa khỏe vừa xinh. Mỗi sáng chúng cất tiếng líu lo để chào cô. Đôi chim chính là... Tình yêu của cô!
 
Ngày kia, cô quên cài cửa lồng, thế là ,một con vọt ra, nhưng nó chưa bay đi hẳn mà lại lượn vài vòng quanh cô như muốn chào cô lần cuối. Cô gái buồn bả nhìn theo, cô không muốn phải xa rời nó, cô không muốn tình yêu của cô mất đi. Chính vì vậy, khi con chim bay đến thật gần, cô với tay tóm lấy nó, sung sướng giữ chặt nó trong tay. Nhưng một lúc sau, cô cảm thấy con vật yêu quý bỗng trở nên mềm nhũn, hốt hoảng xòe tay ra, cô bàng hoàng nhận thấy con chim đã chết, nó đã chết bởi chính tình yêu mà cô dành cho nó.

 
Thẫn thờ nhìn con chim lẻ bạn còn lại trong lồng và mường tượng rằng nó cần được tự do bay trên bầu trời, cô tiến đến mở cửa lồng và nhẹ nhàng tung chú chim vào không trung. Nó lượn quanh cô một vòng, hai vòng, rồi ba vòng, cô đón nhận niềm vui của nó bằng ánh nhìn rạng rỡ và trìu mến, những muộn phiền trước đó không còn nữa. 



Bỗng nhiên chú chim dịu dàng đáp xuống đậu trên vai cô và hót vang những giai điệu mượt mà, chưa bao giờ cô được thưởng thức.

Qua tiếng hót dịu kỳ kia, cô chợt hiểu rằng cách nhanh nhất để đánh mất tình yêu là khi ta nắm giữ nó thật chặt. Trái lại, để giữ mãi sự yêu thương thì ta phải ân cần trao cho cuộc tình một đôi cánh tự do.

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Tiệc tất niên tại nhà Đặng Hồng Thạnh








Mến chúc các bạn: Tốt+Phượng, Hoàng, Thạnh và toàn thể gia đình một năm Giáp Ngọ 2014 vạn sự cát tường 
Thân,

Hòa










Cải chính của bạn Phùng Văn Tráng



"Nhân tiện cũng xin cải chính là chức danh truởng ban liên lạc khoá 1 (ghi trong ký sự KPC) là do BP Hoà "phịa ra", chứ không phải T. tự phong đâu!"



Xin mượn hai câu thơ cũa thi hào Bùi Bàng Giúi:
 

"Hỏi rằng : người ở quê đâu ?
Thưa rằng : tôi ở rất lâu quê nhà." 


đễ bác Tráng xí xóa cho cái tội "phịa" chỉ để "vui thôi mà"



Sự hài hước của toán học




Cách định nghĩa cuộc sống theo công thức toán học.


Đồng hồ bá đạo.

Em suýt phát điên vì không giải được!

Lẽ nào bố 16 tuổi, mẹ 12 tuổi!

Chứng minh Học = Rớt!!!

Bài toán hại não

Tâm thư gửi môn Toán.


Logic của toán học.


Tiến hóa của loài người: Khỉ - Người - Lợn 

 

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Chuyện đùa mà như thật.

SEX GIÚP BẠN THÔNG MINH HƠN !!!

Quan hệ tình dục điều độ, lành mạnh sẽ tốt cho não bộ và giúp con người thông minh hơn, kết quả một nghiên cứu vừa tiết lộ.


Thực hiện nghiên cứu lâm sàng trên loài chuột, các nhà khoa học nhận thấy hoạt động tình dục giúp tế bào não của loài gặm nhấm này phát triển. Và tác động này cũng tương tự ở con người. Tình dục có thể giúp bạn thông minh hơn, nó thúc đẩy sự sinh sản và phát triển của tế bào não.
Sex giúp bạn thông minh hơn 1
Cái gì nhúc nhích và cục cựa dưới tấm chăn?
Các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ và Hàn Quốc đã cho nhiều đôi chuột phối ngẫu với nhau 30 phút mỗi ngày, đồng thời theo dõi và ghi hình bằng thiết bị điện tử. Kết quả ghi nhận, hoạt động tình dục giúp cải thiện chức năng nhận thức ở não chuột, thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào thần kinh ở vùng đồi hải, nơi lưu trữ những ký ức lâu dài.
Thử nghiệm trên những con chuột già, nhóm nhà khoa học cũng ghi nhận quan hệ tình dục giúp phục hồi chức năng của não do những suy giảm liên quan đến tuổi tác. Họ kết luận rằng sự lặp đi lặp lại của quan hệ tình dục có thể kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh ở chuột trưởng thành và phục hồi chức năng nhận thức ở chuột già. Quan sát lâm sàng còn cho thấy nếu hoạt động tình dục bị ngừng lại thì sự cải thiện chức năng nhận thức cũng biến mất.
Nhóm nghiên cứu từ ĐH Kontuk Hàn Quốc giải thích, quan hệ tình dục làm mất tác dụng của các hiệu ứng tiêu cực do căng thẳng đến sự phát triển não bộ. Tình trạng căng thẳng kéo dài là một trong những ức chế lớn nhất của các tế bào thần kinh, song việc "yêu" lại giúp khôi phục các chức năng đó. Các tương tác tình dục có ích cho vùng đồi thị và chức năng ghi nhớ của người trưởng thành, đồng thời giúp chống lại các tác động gây ức chế do căng thẳng triền miên.
Ân ái một cách điều độ và lành mạnh thì tốt cho não bộ. Song từ góc độ khác, báo The Atlantic khuyến cáo việc xem sách báo khiêu dâm có thể làm hại đến não. Việc thường xuyên theo dõi những hình ảnh khiêu dâm có thể gây trở ngại cho trí nhớ của con người.



Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Phụ nữ và quyền lực -- Đặng Đình Túy




article_Gayet


Khi đã nắm trong tay quyền lực rồi thì tình yêu sẽ tự tìm đến bằng cách này hoặc bằng cách khác. Không biết trong lịch sử loài người có nhân vật nào cần tình yêu đến nỗi phải giành quyền lực để kiếm nó vì thực ra hễ có được cái này ta tất có cái kia. Tình yêu tự tìm đến một khi ta đã nắm được quyền lực trong tay, kể cả những quyền lực tí ti: ông xếp của một cơ quan hay một guồng máy cỡ thấp.


Con người thèm được ngưỡng mộ, có quyền lực tức sẽ đạt được ngưỡng mộ cho dù sự ngưỡng mộ đó bắt nguồn từ động cơ nào. Đối với người đàn ông, sự ngưỡng mộ thường được nhận rõ hơn nếu nó đến từ một phụ nữ.

Trong lịch sử, mỉa mai thay, mọi xáo trộn thường bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ mang giống cái. Không thiếu những anh chàng thân bại danh liệt chỉ bởi sự ngưỡng mộ vô bờ bến ấy. Cũng có những kẻ thoát khỏi nhưng cái giá phải trả khá nặng. Gương thân bại danh liệt gần chúng ta nhất là vụ ông cựu giám đốc quỹ Tiền tệ Quốc tế, Dominique Strauss-Kahn (gọi tắt là DSK). Năm 2012, vào thời gian chuẩn bị bầu cử tổng thống sau khi nhiệm kỳ Sarkozy mãn, Strauss-Kahn được coi như ứng cử viên sáng giá nhất của phe Xã hội Pháp. Ông là giáo sư dạy môn kinh tế. Đương kim tổng thống Pháp, François Hollande chính là một trong những môn sinh của ông. Là một kinh tế gia lỗi lạc, DSK từng giữ chức bộ trưởng kinh tế khi phe Xã hội còn nắm chính quyền cuối đời tổng thống Mitterand. Sau hai nhiệm kỳ của Jacques Chirac, một chính trị gia trẻ tuổi, xông xáo, đã đắc cử tổng thống, nối tiếp truyền thống phe hữu là Nicolas Sarkozy. Lên cầm quyền được hai năm, Sarkozy tiến cử  Strauss-Kahn vào chức giám đốc quỹ Tiền tệ Quốc tế mặc dù người sau này là của phe tả. Cũng có thể việc này là một hành động có tính toán ngầm cố ý đẩy một đối thủ đáng gờm đi xa (giữ IMF tất phải sang Mỹ làm việc, không xây dựng được lực lượng tự cơ sở tại Pháp) tránh việc tranh giành trong cuộc vận động bầu cử kỳ sau. Nhưng mọi tính toán (của Sarkozy, nếu có) đều hỏng, không phải hỏng do trời mà hỏng tại người. Hỏng tại chính cá nhân ấy : Strauss- Kahn đã tự làm hỏng đời mình một cách vô duyên hết sức. Ở địa vị của ông, quyền lực của ông, tại sao ông không ấm ớ với những người cộng sự (cỡ bà giám đốc phụ tá nọ, chuyện xảy ra từ hai năm trước) lại nhè một bà bồi phòng  khách sạn mà thò cò thẹt quẹt để đến nỗi bà ấy la lên ? Hư bột hư đường hết trơn, giờ này kinh tế gia ta đành kiếm sống bằng những cuộc mách kế, diễn thuyết, thay vì là đứng địa vị tổng thống quốc gia, –một nhà nước dù đang nghèo lần, thụt lùi lần nhưng hào quang chưa thực sự tắt–  đành phải nhường chỗ cho ông học trò yếu kém ngoi lên. Và chính hôm nay ông học trò  ấy lại mắc phải lỗi lầm của gia sư ngày trước, lại ăn vụng quên chùi mép để lộ tẩy !

Xã hội Pháp không phải là nơi người ta quen làm rùm beng những câu chuyện phòng the, miễn rằng các tác nhân khéo biết che đậy mọi sự thì ổn thôi. Lịch sử nền đệ ngũ cộng hòa kể từ Charles de Gaulle không hề có lộn xộn. Phải chờ đến ông tổng thống hào hoa François Mitterand người ta mới nghe những xầm xì. Từ những ca sĩ, những nhà văn (ông này bay bướm mà lại sính văn chương). Mitterand, nhà chính trị lỗi lạc nên với đời riêng ông cũng có những ngón làm rúng động dư luận, khi che dấu, lúc công khai nếu thấy cần. Vào cuối nhiệm kỳ hai (hiến pháp không cho phép một người giữ chức tổng thống quá hai nhiệm kỳ) ông tự ý tiết lộ việc mình có con riêng. Jacques Chirac cũng có những vụ ăn vụng lặt vặt mà báo chí chẳng hề đề cập. Sau Chirac là Sarkozy. Ông này chịu tổn thất ngay những ngày đầu tiên nhậm chức : ly dị vợ (bà vợ chủ động) và tán tỉnh kẻ thay thế nhưng để bịt miệng dư luận ông xác nhận, trấn an : việc ông làm không phải là chuyện trăng hoa mà là chuyện đứng đắn (c’est du sérieux!). Bây giờ đến phiên François Hollande. Lần đầu tiên một vị tổng thống không có vợ chính thức. Trước, bà Segolène Royal là người bạn đường cùng học chung trường (ENA, Quốc gia Hành chánh) cùng vào chung đảng (Parti Socialiste, đảng Xã hội) và cùng là cộng sự của nhau. Bà có bốn con với Hollande nhưng họ đã chia tay nhau, bây giờ Hollande ở với Valérie Trierweiler một phụ nữ ly dị đang đóng vai first lady chính thức bên cạnh Hollande trong các buổi thăm viếng, tiếp tân các chính khách quốc tế cho tới khi một vụ trăng hoa khác nổ ra tuần vừa qua (xem bài “Chuyện chim chuột của một tổng thống” cũng trên trang này). Thái độ các mệnh phụ này trước tình thế thường là nhượng bộ tìm cách  xóa lỗi ông chồng và để thêm phần … oanh liệt, các bà tuyên bố còn thương ông bằng năm bằng mười hồi trước. Bà Clinton nói vậy sau vụ Lewinsky. Bà Anne Sinclair vợ DSK cũng nói vậy sau khi đổ bể chuyện  phòng ngủ Novotel, New York. Còn bà Kennedy thì không nói gì hết sau khi không phải chỉ một vụ mà nhiều vụ léng phéng của John Fitzgerald. Cuối cùng thì ông bị ám sát và bà ôm cầm sang thuyền khác.

Đàn ông say mê quyền lực. Bản chất trời sinh đã khiến ông như vậy. Người có khả năng lớn thì nhằm quyền lực lớn, người khả năng nhỏ thì chỉ dám nhằm cái nhỏ nhỏ thôi. Nhưng tại sao một khi chinh phục được quyền lực thì lúc ấy mới thấy bóng dáng phụ nữ hiện ra bên cạnh? Không chừng nàng cũng sính quyền lực nhưng có cách chinh phục gián tiếp –nhờ qua tay chàng chăng? Vả lại, tuy “cùng nhìn về một hướng” nói như Saint Exupéry, nhưng dụng tâm mỗi kẻ khác nhau. Không có sự đụng độ bởi họ ở trong hai “nhóm lợi ích” riêng biệt. Mặc dù đã  nắm được nội dung câu chuyện, nhưng phải chờ đến  ngày tờ báo lá cải nọ ra mắt mới là lúc bà Trierweiler nhận ra ảnh hưởng to lớn của câu chuyện. Bị cú đập tâm lý ấy, đệ nhất phu nhân phải vào nhà thương nằm tỉnh dưỡng. Câu hỏi đặt ra sau đó là liệu đám cháy có hoàn toàn bị dập tắt hay không. Tất nhiên là phải có sự can thiệp trong nội bộ từ những nhân vật thân cận nhất của hai người, thậm chí ba người : chung quanh Hollande, chung quanh Trierweiler và chung quanh cô đào Gayet. Vì quyền lợi và danh dự quốc gia sẽ có kẻ phải hy sinh. Giữa hai phụ nữ ấy, ai sẽ là kẻ phải buông tay? Chắc là Gayet. Nhưng chuyện còn dài tùy vào “mối tình” Hollande-Gayet khăng khít đến đâu và áp lực đối với Hollande nặng nhẹ thế nào.

Nên biết thêm là tình hình nước Pháp hiện nay từ mặt kinh tế đến mặt chính trị đều xấu, có thể bảo là cực xấu. Nhân vụ này, có những ý kiến phê bình nặng nề rằng tổng thống  đã không coi trọng trách nhiệm mình trước tình hình đất nước lại lo chuyện theo gái ; thế nhưng có những trường hợp người đàn ông vì chịu đựng quá nhiều áp lực đã tìm tới người yêu như cách “giải nhiệt” phút chốc. Và …rất hiệu quả !

Nguồn: http://quangioloc.wordpress.com/2014/01/14/phu-nu-va-quyen-luc/

Phong tục tết của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam


Người Thái ở Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu người, chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc Như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.


Tết của người Thái
Người Thái ở Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu người, chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc Như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An. Đối với người Thái nhiều vùng, thường coi ngày 25 tháng Chạp (âm lịch) là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm. Mọi người xuống chợ mua sắm tết, sau đó là nghỉ ngơi chơi Tết. Sáng ngày 27 hoặc 28, già làng hoặc Trưởng thôn, Bản đôn đốc mọi nhà tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29, bắt đầu gói bánh chưng. 
Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro sạch lẫn gạo nếp rồi sàng sẩy sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân thịt hành, đỗ vào bánh vì người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong, và đó cũng là cái tinh tuý nhất của đất trời chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà).

Sáng 30 tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 tết là bữa cơm tất niên, với sự góp mặt của bà con, bạn bè, rồi cả đêm người ta thức uống rượu. Trong đêm 30 tết quy định của người Thái nhang không bao giờ tắt. Sau lễ cúng giao thừa bằng cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén..., nhà nào có chiêng hay cồng thì mang Chiêng cồng ra đánh và múa hát lăm vông. Người Thái thường có phong tục gọi hồn.
Vào tối 28, 29 hoặc 30 tết, họ thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, con cũn lại dựng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.
Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít! Các phụ nữ trong nhà hôm mùng 1 tết được đem xôi ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà (bình thường họ không được đến khu vực đó!). Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà lui vào, để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ duy nhất trong năm có mỗi ngày mùng 1 tết mà thôi. (hàng ngày, phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông). 
Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá với các món nướng, lạp, muối chua hay nước khô... Người Kinh mồng 1 kiêng đến nhà nhau sớm, nhưng người Thái thì sáng mồng 1 đó đi nườm nượp đến nhà nhau chúc Tết. Họ chỉ kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mồng 1 tết. Tối ngày mồng 1 họ làm lễ tạ ơn. Từ chiều mồng 1, thanh niên bắt đầu đi chơi, và muốn đi chơi đến bao giờ thì đi, đến làng nào ăn uống ở làng ấy, có khi đi đến qua cả mồng 10 tết hoặc ra rằm tháng giêng mới về. Các trò chơi khá náo nhiệt, gồm đánh cầu lông (cầu lông gà), ném còn; khắc luống, đánh trống, cồng chiêng và hát múa lăm vông...

Tết của Người Mông
Tộc Mông gồm nhiều nhóm: Mông Đơ (Mông trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Sí (Mông Đỏ), Mông Đú (Mông Đen), Mông Súa (Mông Mán). Hiện số dân của họ khoảng 558.000 người, cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An và Thanh Hóa.

Người Mông có một hệ lịch riêng, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, có lẽ họ tiếp thu cách tính lịch của dân tộc Di (Trung Quốc). Theo đó, Tết của họ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch của Âm Dương hợp lịch mà ngày nay chúng ta sử dụng. Tuy nhiên, ngày nay đa số các vùng người Mông đều ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ, chẳng hạn người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì song song Tết theo hệ lịch riêng của họ.
Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết. Khi đó, họ phong tất cả các công cụ sản xuất lại, ví dụ như các lũ rốn phải làm lễ đóng lũ, cối xay ngụ tháo ra, đưa một tờ giấy bản lớn rồi làm lễ với gà, bánh ngô, rượu...
Trước đây người Mông không gói bánh chưng. Bây giờ thì cứ gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong cỗ Tết của họ. Với họ, ba món không thể thiếu là thịt, rượu và bánh ngô.
Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.
Các nhóm Mông có phong tục hơi khác nhau nhưng về đại thể đều rất quan trọng lúc cúng ma nhà bằng lợn và gà sống vào tối 30. Từ mồng 1 trở đi họ mặc quần áo mới, đi hài đi chơi. Ném papao là một trong những trò chơi ngày Tết mà người Mông rất thích; ngoài ra còn múa khốn, múa ụ, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ...
Đặc biệt, nói đến Tết của người Mông không thể không nói đến một lễ hội gọi là hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc). Một gia đình trong làng, nếu hay đau ốm hay chậm có con thì mồng 2 đi dựng một cây nêu lớn ở bãi cỏ đầu làng. Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức (gia đình đó gọi là chủ nêu) nhưng thật ra đó là một lễ hội của cộng đồng, thậm chí khi làng này dựng nêu, làng khác cũng đến dự hội.
Hội Gầu Tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần. Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá Mông trong ngày Tết. Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên và các trò chơi yêu thích của người Mông như vừa kể trên.

Điên thư thầy Phạm Tiết: "VN Trip Feb 03 to March 08, 2014"



Mã Đáo Thành Công, thầy Tiết ơi !

Thân gửi anh chị em,
 
Tôi sẽ về Saigon ngày 3 tháng 2 và dự định trở về Mỹ ngày 8 tháng 3.
Nếu tiện anh em tổ chức một buổi họp mặt thì thật vui.
Đề nghị Tráng hoặc Khoa hoặc anh chị em nào rảnh thông báo cho anh chị em không có tên trong distribution list và lo liệu việc này được không? 

Xin cho biết.
 
Mong ngày hội ngộ.

Phạm Tiết




Tráng thân mời anh em cùng nghe và hát chung nhạc bản Xuân Họp Mặt với thầy Tiết
               
                                                                                   

                                                                            

Ý Nghĩa Tết Nguyên Đán và Tục Lệ Ngày Tết

I. Ý Nghĩa Tết Nguyên Đán
 
Đã từng có nhiều định nghĩa về Tết Nguyên Đán của Việt Nam, tìm hiểu từ nguyên nghĩa xem Tết là gì. Nguyên là gì, Đán là gì; thậm chí có người trở về bàn từ nguồn gốc để xác định xem dân tộc nào trước tiên trên thế giới, và đặc biệt là trong khối người da vàng, đã khởi xướng ra truyền thống tổ chức Tết trước nhất ở Châu Á để ngày nay chúng ta có ngày Tết Nguyên Đán.

Thiết tưởng không cần phải đi xa quá như thế để phức tạp hoá vấn đề. Chỉ cần biết một điều rất giản dị, nói lên mối giao cảm sâu xa giữa con người khắp nơi trên quả địa cầu từ thuở tạo thiên lập địa, đó là: Dân tộc nào trên thế giới đều cũng có Ngày Tết. Thật thế, dân tộc nào cũng đều có Ngày Tết, lấy ngày đầu tiên của năm mới làm cái mốc, và đó là ngày lễ lớn nhất trong năm của mỗi dân tộc.

Người Việt Nam cũng như người Trung Hoa và một số dân tộc khác chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa bắt đầu thực sự “ăn Tết” vào ngày mồng một của năm mới, và gọi những ngày lễ này là Tết Nguyên Đán. 
 
Tết Nguyên Đán Việt Nam năm nay nhằm vào ngày 17 tháng 2 năm 2007; trong khi người Nhật Bản xưa kia cũng ăn Tết cùng ngày với người Trung Hoa và người Việt Nam thì ngày nay, cùng với trào lưu “đổi mới tất cả theo Tây Phương”, cũng đã lấy ngày mồng 1 tháng Giêng dương lịch làm Ngày Tết, như người Âu người Mỹ vậy.

Vậy, dân tộc nào trên thế giới cũng đều có Tết, coi như ngày lễ trọng đại nhất của một năm, và Tết ở đâu - dù gọi là Nouvel An và New Year - thì thiết tưởng cũng mang ý nghĩa như nhau cả.
* Tết, đó là dịp để mọi người dẹp bỏ mọi lo toan thúc dục hằng ngày của đời sống sau một năm làm lụng vất vả, để mà vui chơi, an hưởng hạnh phúc được chừng nào hay chừng ấy.
* Tết, đó là dịp để nhắc nhở loài người ý thức về sự đổi mới của đất trời, về lẽ tuần hoàn của tạo vật: Đông qua Xuân tới, Thu đi Hạ về; ý thức như thế để mà phấn khởi hân hoan nuôi mầm hy vọng khi 365 ngày cũ chấm dứt, 365 ngày mới bắt đầu.
* Tết, đó là nghi thức do loài người khắp nơi trên trái đất không hẹn mà cùng tổ chức nên, để tạo cơ hội cho những khởi đầu đầy ý nghĩa của 365 ngày sống mới mà ngày mồng một là ngày khai nguyên: cơ hội để gia đình sum họp, tưởng nhớ tổ tiên, đền ơn trả nghĩa...
* Tết, đó là dịp trọng đại nhất trong năm mà trong đó mọi người đều cố gắng để tạo niềm vui cho mình và cho người, cùng cố gắng để nở nụ cười thân ái chào nhau, và, nếu có thể, sẵn sàng bắt tay nhau ngầm hứa hẹn xoá bỏ hận thù, giận hờn, nghi kỵ, để cho cuộc đời được tốt đẹp ý nghĩa hơn cùng với năm mới bắt đầu.

Tất cả được lặp đi lặp lại lâu đời làm nên những tập tục mà sau đây chúng ta cùng ôn lại để mọi người, đặc biệt là giới trẻ xa quê hương được hiểu rõ về Ngày Tết Cổ Truyền của Dân Tộc.
 
II. Tục Lệ Ngày Tết

Trên nguyên tắc, Tết bắt đầu từ ngày mồng một nhưng trên thực tế, Tết kể như đã chuẩn bị cả tháng trước. Thời thái bình xa xưa, người ta đón Tết bằng tất cả tâm hồn, một cách nồng nàn và trịnh trọng, theo những tục lệ như sau:
1. Trang hoàng nhà cửa là mục đầu tiên.
2. Sẵn sàng các thứ để gói bánh chưng, làm dưa hành, trồng cây nêu, dán câu đối và đốt pháo là mục thứ hai, đúng với câu : "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
3. Biếu Tết là dịp chứng tỏ lòng tôn kính và biết ơn, như con đối với cha mẹ, trò nhớ ơn thầy, người làm công biết ơn ông chủ, bạn bè cũng biết ơn nhau về những điều tốt đẹp trong cách cư xử với nhau.
4. Thăm mộ gia tiên còn gọi là chạp mộ, là đến thắp hương cúng vái trước mồ mả ông bà tổ tiên cùng những người thân đã qua đời, và điều quan trọng là quét dọn, làm cỏ, sửa sang lại ngôi mộ, để người chết cũng được ăn Tết như người sống.
5. Lễ cúng ông bà. Sau khi chạp mộ thường là vào ngày 30 tháng chạp, chiều đến là lễ cúng ông bà. Sau khi cúng đèn nhang phải được giữ cháy mãi suốt mấy ngày Tết.
6. Đòi nợ cuối năm. Mọi thứ nợ nần cần phải được thanh toán trước Tết, vì Tết mà còn mắc nợ người thì quanh năm sẽ túng bấn như thế, ngược lại, để cho người ta không trả nợ cũng là điều không hay, xui xẻo lắm!
7. Tiễn đưa Ông Táo, tức là ông vua bếp. Gọi là ông nhưng gồm có hai ông một bà, mặc áo nhưng không có quần. Ông Táo lên trời vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch với nhiệm vụ tấu trình Thượng Đế mọi việc xảy ra trong nhà để Trời soi xét mà thưởng hay phạt.
8. Chợ Tết thường được tổ chức trước ngày tiễn đưa Ông Táo chầu Trời, ngày xưa hết sức tưng bừng, mà cho đến nay ở hải ngoại vẫn còn được duy trì hằng năm. Chợ Tết là để mua bán những thứ không thể thiếu trong ngày Tết.
9. Cúng Giao Thừa vào đêm 30 còn gọi là đêm Trừ Tịch, thường bắt đầu vào lúc cuối giờ thứ 24 của ngày 30 tức là 12 giờ đêm, rạng sáng ngày một. Tết bắt đầu từ giờ này, gọi là giờ “tống cựu nghênh tân”.
10. Hết giai đoạn chuẩn bị, ngày Tết bắt đầu từ sáng mồng một. Kiêng cử là mục đầu tiên cha mẹ căn dặn con cái: Kiêng nghĩa là tránh không làm tất cả những điều không tốt, như: chưởi bớí, giận dữ, đánh lộn... Nếu Tết mà bị như thế thì sẽ bị cả năm, gọi là giông.
11. Xông nhà xông đất. Bắt đầu từ giờ Giao Thừa là bắt đầu năm mới, hễ người nào bước chân đến nhà mình trước tiên là người ấy xông nhà xông đất, nghĩa là mang sự may mắn hay xui xẻo đến cho mình, tuỳ theo cái vận của người ấy đang lên hay đang xuống. Thường, người ta tin cái vận của người đến xông đất nhà mình có thể đem lại phước hay hoạ. Ví dụ tên Phúc là tốt, tên Hoạ là xấu. Vậy, cũng nên cẩn thận khi đi đạp đất nhà người ta, tuy rằng thời bây giờ chẳng còn ai tin ở những chuyện hồ đồ ấy nữa.
12. Xuất hành. Cũng sau giờ Giao Thừa, người ta chọn giờ tốt, hướng tốt để đi ra khỏi nhà gọi là xuất hành, đi để tìm lấy cái may mắn, phúc lợi. Thường, xuất hành bao giờ cũng nhắm tới đền chùa hay nhà thờ.
13. Hái lộc. Ở nơi chọn để xuất hành tốt, còn có tục hái lộc, nghĩa là bẻ một cành cây, một nhánh lá để mang về nhà lấy hên, lấy may. Cành đa, cành đề, cành si, cây xương rồng quanh năm tươi tốt (ever green) được tin là nẩy lộc tốt lành.
14. Chúc Tết, mừng tuổi. Sáng ngày mồng một, con cái cháu chắt mặc áo mới, vòng tay cúi đầu trước ông bà cha mẹ và lạy mừng chúc tụng, dâng lên những món quà tượng trưng cho lòng tôn kính. Bậc bề trên mừng tuổi cho con cháu những món tiền đựng trong phong bao màu đỏ, gọi là lì xì. Tục lì xì đến nay ở hải ngoại vẫn còn rất được tán thưởng. Ngày xưa, còn có từng đoàn trẻ em nghèo kéo nhau đi đến các nhà giàu (phú hộ), bỏ những đồng tiền trong ống tre và lắc lên kêu “súc sắc súc sẻ” để chúc mừng và để xin tiền. “Súc sắc súc sẻ” là một tục lệ rất phổ biến ở thôn quê ta ngày xưa.
15. Khai bút đầu năm. Riêng giới văn nhân thi sĩ còn có mỹ tục khai bút tân xuân, nghĩa là viết lên vài hàng chữ nhân dịp xuân về, làm một bài thơ đón chào Xuân mới, thường là ngụ ý bày tỏ ý chí, nguyện vọng hay tâm tình. Bài khai bút thường được viết trên giấy màu đỏ (hồng điều) hay giấy có vẽ hoa (hoa tiên). Đến nay, trong kho tàng văn học Việt Nam còn truyền tụng nhiều bài thơ khai bút rất nổi tiếng, như bài sau đây của nhà thơ Nguyễn Khuyến, tức Tam Nguyên Yên Đỗ mà đến nay vẫn còn hợp thời:
Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi, có lẻ ba
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
Xuân về, ngày loạn càng lơ láo
Người gặp, khi cùng cũng ngẩn ngơ
Lẩn thẩn lấy chi đèn tắt bóng
Sao còn đàn hát vẫn say sưa?

Con Ngựa Trong Anh Ngữ - Phan Hạnh



Việt ngữ của chúng ta không có nhiều chữ khác nhau để gọi con ngựa, chỉ có chữ “ngựa” hoặc chữ “mã” gốc Hán Việt: ngựa con, ngựa già, ngựa đực, ngựa cái, ngựa rừng, ngựa rằn…  Trong khi đó, Anh ngữ có rất nhiều chữ phân biệt để gọi ngựa: horse (nói chung), pony (ngựa nhỏ, ngựa con nói chung, thấp dưới 58 phân Anh), pinto (ngựa có hai độ màu lông đậm lợt khác nhau), dun (ngựa có  sọc), mare (ngựa cái, bốn tuổi trở lên), stallion (ngựa đực, bốn tuổi trở lên), stud (ngựa nọc, chỉ để gieo giống), bronc hay bronco (ngựa chưa được huấn luyện), feral (ngựa trang trại thả về rừng hoặc tự bỏ trốn đi hoang), brumby (tên mà người Úc gọi một con ngựa feral), mustang (ngựa hoang Mỹ châu), foal (ngựa con còn bú sữa mẹ, nói chung), filly (ngựa cái con còn bú sữa mẹ), colt (ngựa đực con còn bú sữa mẹ), weanling (ngựa con mới dứt sữa và bắt đầu ăn cỏ), yearling (ngựa con từ một tới hai tuổi), zebra (ngựa rằn). Ngoài ra còn cả lô tên gọi khác cho ngựa tùy theo đặc tính màu sắc hay chủng loại.

Bị ngựa đá một lần nhớ đời sẽ dễ đưa đến bệnh sợ ngựa, một nỗi sợ về tâm lý, Anh ngữ gọi là hippophobia hoặc equinophobia, trái với sự và người yêu thích ngựa là hippophile hoặc equinophile. Con ngựa nào tỏ ra hung hăng dữ dằn bất trị (ngựa chứng) hay đá người, hay gây sự với ngựa khác thường bị chủ mang đi thiến và trở thành ngựa thiến (gelding). Trong các đơn vị kỵ binh trước thế chiến, ngoài trường hợp tử vong vì té ngựa còn có một số trường hợp bị chính con ngựa mình cỡi đá chết. Thuở nhỏ, tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ từng bị ngựa đá trúng mặt, nhưng người ta không thể quyết đoán có phải vì vậy mà nửa mặt bên trái của ông hơi bị lệch và biến dạng khiến cho ông bị mắt thấp mắt cao.

Từ lâu, tôi đã ngộ nhận chữ “equestrian” là người cỡi ngựa vì trong trí tôi đã quen nghĩ rằng “ian” là tiếp vĩ ngữ gốc La-tinh có nghĩa là người, giống như các chữ Canadian, musician, pedestrian, physician, technician, v.v.. Thật ra “equestrian” có nghĩa là sự cỡi ngựa (the horseback riding), do chữ “equine” (từ gốc La-tinh equus có nghĩa là con thú thuộc loài lừa ngựa nói chung), còn người cỡi ngựa đơn giản chỉ gọi là “horseman”. Từ đó có chữ “horsemanship” và chữ “equitation” là tài cỡi ngựa để phân biệt với chữ “equestrianism” là môn nghệ thuật cỡi ngựa.

Đúng, Equestria là tên của một vùng đất đai, một xứ sở, nhưng đó chỉ là tên của vương quốc giả tưởng của loài ngựa trong My Little Pony: Friendship Is Magic, một loạt phim hoạt hình truyền hình do Hasbro Studios ở Mỹ và studio DHX Media ở Canada sản xuất, ra mắt trình chiếu vào ngày 10 tháng 10 năm 2010. Trong vùng đất huyền diệu Equestria, nhân vật chính, công chúa Twinkle Sparkle, sống với nhóm bạn bè của cô là Applejack, Rainbow Dash, Pinkie Pie, Rarity, Fluttershy và Spike tại thị trấn Ponyville. Sống cùng nhau, họ, tất cả đều là ngựa được nhân cách hóa, tìm hiểu và khám phá về sự kỳ diệu của tình bạn. Hiểu theo kiểu của tôi Equestrian là người nước Equestria thì hỏng. Thế mới biết học tới chết cũng chưa đủ.

Bạn cũng biết, Binh Chủng Thiết Giáp gồm các đơn vị Kỵ Binh, mặc dù vai trò con ngựa đã được thay thế bằng những chiếc xe tăng tối tân, trong Anh ngữ vẫn gọi là Cavalry Corps. Chữ Cavalry xuất xứ từ chữ cavalerie của Pháp, với các chữ có cùng gốc gác như cavale, cavaler, cheval, chevalier, chevaleresque… Hèn gì dân đi vũ trường gọi các cô gái nhảy là ca ve. Hèn chi các bà vợ ghen gọi các cô gái nhảy là ngựa.

Bây giờ xin mời các bạn xem xét qua một số thành ngữ, tục ngữ Anh thông dụng liên quan đến ngựa nhé.

Don’t change horses in midstream. Nghĩa đen: Đừng thay ngựa giữa dòng.

Nghĩa bóng: Đừng thay đổi kế hoạch nửa chừng. Thành ngữ này ngày nay rất phổ biến, chắc tại vì nó được tổng thống Abraham Lincoln dùng trong một bài diễn văn vào năm 1864 với ý nói không nên thay đổi nhân sự hay vị trí khi dự án đang thực hiện nửa chừng. Nếu bạn đã tốn công khó điều khiển một con ngựa đi tới giữa dòng sông một cách suôn sẻ rồi thì tốt hơn bạn đừng tính chuyện đổi ngựa khác vì điều đó quá rủi ro. Có người xem kế hoạch Hoa Kỳ thay thế tổng thống Ngô Đình Diệm là một ví dụ tiêu biểu cho sự thay ngựa giữa dòng, dẫn đến kết quả tai hại hỗn loạn về chính trị và làm suy yếu tiềm lực chống cộng của đất nước non trẻ VNCH.

Don’t look a gift horse in the mouth. Nghĩa đen của câu này là đừng khám răng của con ngựa người ta tặng cho mình. Như bạn biết, răng ngựa mọc dài thêm và nhô ra thêm theo tuổi tác. Xem răng một con ngựa, người ta có thể đoán được tuổi của nó. Theo bản năng tự nhiên của con người (nhất là trẻ con chưa ý thức nhiều về phép lịch sự trong giao tế), mỗi khi nhận được một món quà, người nhận thường háo hức săm soi món quà đó ngay, đôi khi không giấu được sự thất vọng khi thấy món quà không đúng như ý muốn. Theo nghĩa bóng, câu châm ngôn này hàm ý rằng đừng nên quá chú trọng đến phẩm chất của một món quà tặng, nhất là trước mặt người tặng quà. Nên chấp nhận một món quà với lòng biết ơn hơn là chỉ trích món quà không hoàn hảo.

Tương tự với nghĩa trên, ta có thành ngữ Straight from the horse’s mouth, nghĩa đen là thẳng từ miệng con ngựa. Thành ngữ này có nghĩa bóng là tin tức rất đáng tin cậy vì phát xuất từ nguồn gốc nguyên thủy. Sở dĩ người Mỹ có câu nói này là vì ngày xưa khi ngựa còn là phương tiện chuyên chở chính, người ta mua sắm ngựa như ngày nay mua xe hơi. Muốn biết con ngựa được bao nhiêu tuổi, họ phải nhìn vào hàm răng của nó thì mới biết được. Sau này, thành ngữ Straight from the horse's mouth được giới đánh cá ngựa dùng để chỉ những tin tức sốt dẻo cho biết con ngựa nào có ưu thế hơn và sẽ thắng.

You can lead a horse to water but you can’t make him drink. Nghĩa đen: Bạn có thể dắt con ngựa tới chỗ để nước nhưng bạn không thể khiến cho nó uống. Nghĩa bóng: Câu tục ngữ này có từ thế kỷ thứ 16 ở Anh quốc, nghĩa tương đối đơn giản, với ý nói rằng bạn có thể tạo cơ hội cho ai đó nhưng bạn không thể buộc họ phải nắm lấy cơ hội đó. Nói một cách khác, bạn không thể bắt ai đó làm điều gì đó, trừ khi họ đã sẵn sàng muốn làm. Bạn có thể cho một người nào đó lời khuyên tốt nhưng bạn không thể làm cho họ tuân hành áp dụng. Câu tục ngữ này xuất phát từ sự kiện thực tế là ngựa thường ít khi chịu uống nước nơi chưa quen, ngay cả khi chúng đang khát và cần uống.

Charley horse. Tiếng lóng, có nghĩa là vọp bẻ, chuột rút.

A horse of different color. Nghĩa đen: Một con ngựa khác màu. Nghĩa bóng của thành ngữ này là một cái gì đó có thể hoàn toàn tách biệt với những gì mà người ta dự kiến ​​hay tiên liệu, một sự bất ngờ trái với sự mong đợi và gây thất vọng.
Một con ngựa khác màu cũng dùng để chỉ trường hợp một người hay một vật nào đó không phù hợp hay thích ứng với nguyên nhóm. Thành ngữ này bắt nguồn từ lời đối thoại trong màn hai của vở kịch Twelfth Night của William Shakespeare. 
 
Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ John Adams cũng dùng biểu tượng ngựa khác màu để nói về lòng trung thành và sự chia rẽ. Ông gọi một nhóm người chống đối là những con ngựa khác màu.

Every horse thinks its own pack heaviest. Nghĩa đen:Mỗi con ngựa đều nghĩ rằng trọng tải trên lưng mình là nặng nhất. Nghĩa bóng: Theo tâm lý và lẽ thường tình, người ta ai ai cũng chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến người khác, hay phàn nàn rằng mình là người phải lãnh phần việc nặng nhọc hơn, số phận của mình kém may mắn hơn mọi người khác. Thật ra ai ai cũng có nỗi khó khăn riêng, nỗi buồn riêng, khó có thể so sánh được. Người khác cũng phải chịu gánh nặng của công việc và nỗi lo nghĩ như nhau.

A one-horse race. Nghĩa đen: Cuộc đua một ngựa. Nghĩa bóng: Một cuộc thi mà trong đó, ngay từ lúc nhập cuộc, một phe ứng thí có khả năng vượt trội xa hơn nhiều so với các đối thủ khác, và rõ ràng có cơ may để giành chiến thắng.

Don’t back the wrong horse. Nghĩa đen: Đừng theo con ngựa dở. Nghĩa bóng: Đừng nhầm ủng hộ, hỗ trợ một ứng cử viên dở vì điều đó chắc chắn sẽ đưa đến thất bại.

Don’t beat a dead horse. Nghĩa đen: Đừng đánh một con ngựa đã chết. Khi một con ngựa chết rồi thì dù người chủ có đánh đập nó, nó cũng không thể đứng dậy đi được nữa. Nghĩa bóng: Đừng cố gắng vô ích trước một chuyện đã rồi.

Don’t put the cart before the horse. Nghĩ đen: Đừng đặt chiếc xe trước con ngựa. (Tiếng Việt có câu Đừng đặt cái cày trước con trâu). Nghĩa bóng: Đừng làm chuyện ngược đời vô lý. Theo lẽ tự nhiên, con ngựa kéo chiếc xe nên con ngựa phải ở trước chiếc xe. Thế giới này có trật tự riêng của nó. Tất cả mọi sự vật, sự việc cũng có trật tự trước sau. Ta không nên hấp tấp, vội vã đốt cháy giai đoạn mà đảo lộn các bước theo đúng trình tự vốn có theo quy luật. Trong tiếng Việt có câu tục ngữ  "Đừng cầm đèn chạy trước ô tô" mang ý nghĩa tương tự. Tốt nhất ta nên tuân thủ đúng các trật tự trong cuộc sống. Câu này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1589 trong quyển sách The Arte of English Poesie của George Puttenham. Có lẽ tác giả đã dịch ra từ một câu tục ngữ cổ Hy Lạp.

Don’t spare the horses. Nghĩa đen: Đừng dành thì giờ lo cho mấy con ngựa. Nghĩa bóng: Ý câu này muốn nói là đừng kể gì đến phương tiện mà hãy chú tâm vào mục đích chính (cứu cánh). 
 
Nguồn gốc câu này có từ thời Nữ hoàng Victoria trị vì nước Anh vào hậu bán thế kỷ thứ 19. Sự tích kể rằng Nữ hoàng Victoria có người phu xe ngựa tên James Darling. Theo truyền thống vương giả thượng lưu, đáng lẽ Nữ hoàng gọi thần dân bằng họ của người đó. Nhưng “Darling” , họ của “tài xế riêng” của bà, lại cũng có nghĩa là “cưng yêu quí”, nếu bà xưng hô như thế e có vẻ không phù hợp.
Vì thế, bất đắc dĩ Nữ hoàng Victoria đành phải gọi người mã phu bắng tên James, một cách xưng hô thân mật của dân giả.
Lần đó sau một chuyến du hành bằng xe lửa hoàng gia, bà trở về London. Vừa đến ga Paddington, bà nôn nóng muốn về “nhà” là cung điện Buckingham. Thấy “bác tài” cứ nhẩn nha cẩn thận xem xét lại mấy con ngựa, bà thốt câu ra lệnh: “Home James! And don’t spare the horses!” (Về nhà ngay James! Đừng màng tới mấy con ngựa!) Và câu nói đó đã “phi nước đại” đi vào lịch sử. 

To Be on Your High Horse. Nghĩa đen: Ngồi cao trên lưng ngựa. Thành ngữ này được dùng từ thời thế kỷ thứ 14 ở Âu Châu, khi giới thượng lưu quyền quý thường cỡi những con ngựa cao nhất mà họ có thể mua được để chứng tỏ là họ quan trọng hơn giới thường dân. Nghĩa bóng: Ngày nay, người Mỹ dùng thành ngữ To Be on Your High Horse để chỉ một người tự cho là mình quan trọng cho nên coi thường người chung quanh.

“Get off your high horse.” Nghĩa đen: “Hãy xuống ngựa đi.” Nghĩa bóng: “Đừng kiêu ngạo nữa.” Một khi đã xuống ngựa, chưa chắc người đó cao hơn về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thái độ của kẻ kiêu ngạo là luôn nghĩ rằng mình ở vị trí cao trọng hơn người khác, đối xử với người khác như thể họ thấp bé hơn mình. Thành ngữ này xuất phát từ thời xưa khi tầng lớp thượng lưu thường cỡi ngựa. Họ có khuynh hướng hành động ngạo mạn của cấp trên khi giao tiếp với một người bình thường. 

“Hold your horses!” Nghĩa đen: “Ngừng ngựa của bạn lại!” Nghĩa bóng: Hãy tạm giữ yên vị trí tại chỗ. Câu này có lẽ bắt nguồn từ chiến trận, khi vị chỉ huy ra lệnh cho binh sĩ của mình hãy bình tĩnh, kìm cương ngựa lại để đợi lệnh mới. Ngày nay, thành ngữ này trở nên thông dụng hơn và được dùng trong mọi trường hợp và có nghĩa là “đừng vội, hãy bình tĩnh, hãy kiên nhẫn chờ thời cơ thuận tiện rồi hãy hành động”.

A dark horse. Nghĩa đen: Một con ngựa đen. Nghĩa bóng: Một nhân vật mới lạ như từ trong bóng tối chui ra, chưa ai biết. Từ ngữ dark horse xuất xứ từ giới đua ngựa cách đây hơn 150 năm để chỉ một con ngựa đua mà không ai biết đến thành tích gì của nó cả. Ngày nay, nó được dùng để chỉ một ứng cử viên mà đa số cử tri chưa nghe nói tới bao giờ. Phần đông những ứng cử viên như vậy thường thua xa trong các cuộc tranh cử, nhưng đôi khi họ cũng làm cho các chuyên gia chính trị phải ngạc nhiên khi họ thắng cử, tạo nên trường hợp mà giới trường đua gọi là ngựa về ngược.

Horse sense. Nghĩa đen: Giác quan của ngựa. Nghĩa bóng: Khả năng tốt khi nhận xét, phán đoán và quyết định một chuyện gì.

Horses for courses. Nghĩa đen: Mỗi con ngựa quen đường đi nước bước của nó. Có con quen đường đất bằng phẳng, có con quen đường rừng hay đường núi hiểm trở. Nghĩa bóng: Mỗi người có một khả năng chuyên môn riêng, không ai giống ai, nên quan trọng là phải dùng đúng người đúng khả năng.

If two ride on a horse, one must ride behind. Nghĩa đen: Nếu hai người cỡi một con ngựa thì một người phải ngồi đàng sau. Nghĩa bóng: Khi hai người cùng chung với nhau làm một việc thì phải có một người chính (cầm đầu, chỉ huy) và một người phụ thì công việc mới êm xuôi.

If wishes were horses, then beggars would ride. Nghĩa đen: Nếu mọi điều ước là có được ngựa thì ngay cả ăn mày cũng sẽ có ngựa để cỡi. Nghĩa bóng: Ước muốn viễn vong mãi mãi cũng chỉ là ước muốn, vì nếu như mọi ước muốn đều trở thành sự thật thì ngay cả một người chẳng cần làm gì hết cũng sẽ có đủ mọi thứ để mà thụ hưởng. Nếu, giá như, ước gì… tất cả mọi giả định đều vô ích.

A nod is as good as a wink (to a blind horse). Nghĩa đen: Một cái gật đầu cũng tốt như một cái nháy mắt (đối với một con ngựa mù). Nghĩa bóng của A nod is as good as a wink: Ý nói chỉ cần một sự ra hiệu vắn tắt ngắn gọn cũng đủ cho người khác hiểu mà không cần phải giải thích cặn kẽ dài dòng. Khi câu này có thêm “to a blind horse” thì nó có nghĩa là: đối với một người kém hiểu biết chuyên môn, dùng từ ngữ đơn giản thường cũng đủ thay vì tốn công giảng giải vòng vo

This is a one-horse town. Nghĩa đen: Đây là thị trấn chỉ có một con ngựa. Nghĩa bóng muốn chỉ đây là một nơi chốn nhỏ ít ai biết đến, không quan trọng. 
 
Thành ngữ này, đầu tiên được ghi vào năm 1857, vì thuở đó có những thị trấn nhỏ chỉ cần một con ngựa duy nhất cũng đủ cho nhu cầu vận chuyển.

Play the ponies. Nghĩa đen: Chơi đùa với ngựa con. Nghĩa bóng: Đây là một câu tiếng lóng của dân đi đánh cá ngựa khi họ tránh dùng “Play the horses” vì không muốn cho người ngoài cuộc biết.

Put a horse out to pasture. Nghĩa đen: Đưa một con ngựa ra đồng cỏ. Khi một con ngựa yếu sức vì tuổi già hay bệnh tật mất khả năng làm việc, chủ thường không dùng nó nữa và thả nó ra đồng suốt ngày nhai cỏ. Nghĩa bóng: Đặt ai đó ra khỏi môi trường hoạt động, cho người đó ngồi chơi xơi nước, với lý do người đó không còn đủ khả năng hoặc không còn thích hợp.

Strong as a horse. Câu ví von dùng để chỉ một người có sức mạnh: mạnh như trâu, mạnh như cọp, mạnh như voi…

Get on one’s hobby horse. Nghĩa đen: Làm bộ như đang cỡi ngựa. Bạn có xem hát bộ bao giờ chưa? Đào kép hát bộ thường kẹp một cây chổi lông gà dưới háng rồi nhún nhẩy trên sàn sân khấu như là đang cỡi ngựa. Hobby horse là chữ để gọi bất cứ vật gì giả làm con ngựa. Theo nghĩa bóng, nếu một người nào đó cỡi hobby horse của họ tức là họ đang ba hoa chích chòe nói về một chủ đề mà họ cho là thú vị và quan trọng, và họ cứ thao thao bất cứ lúc nào mà họ có thể, ngay cả khi người khác không quan tâm để ý và không muốn nghe.

Work horse. Nghĩa đen: ngựa làm việc. Nghĩa bóng mô tả một cá nhân làm việc chăm chỉ, đặc biệt là khi so sánh với những người khác. Đôi khi chữ work horse cũng được dùng để mô tả một người chỉ cắm cúi làm việc hùng hục thật chăm chỉ  nhưng không có năng khiếu suy nghĩ phán đoán.
Trước đây chữ này được dùng để mô tả một con ngựa chủ yếu cho các việc nặng (chẳng hạn như một con ngựa kéo cày) chứ không phải được dùng trong các hoạt động đòi hỏi tay nghề cao hơn nhưng đỡ vất vả hơn, chẳng hạn như để cho chủ cỡi hoặc đua xe.


Dog and pony show. Nghĩa đen: Sô trình diễn chó và ngựa con. Nghĩa bóng: Quảng cáo rầm rộ nhưng thực chất nội dung không có gì quá đặc biệt. Ví dụ, 'Cuộc họp được cho là để mô tả một chiến lược bán hàng mới nhưng thực sự chỉ là cách tiếp thị cũ. Đúng là một màn trình diễn chó và ngựa con.’ Thuật ngữ này bắt đầu từ những năm 1800, khi những đoàn xiếc lưu diễn khá phổ biến. Một số đoàn xiếc nhỏ không thể có đủ khả năng sở hữu các động vật kỳ lạ hoặc thuê mướn các biểu diễn viên tài ba, vì vậy họ cung cấp các màn trình diễn chỉ có chó và ngựa con. Trường hợp như vậy thường gây thất vọng cho khán giả địa phương vốn mong đợi cái gì hào hứng thú vị hơn như quảng cáo.

Old war horse. Con chiến mã già. Nghĩa bóng thành ngữ này chỉ một người từng trải kinh nghiệm chiến tranh, một chiến binh về già, hay cũng có thể dùng để chỉ một người già dặn dạn dày kinh nghiệm trong bất cứ lãnh vực nào khác, như chính trị, tài chánh chẳng hạn.

Trojan Horse. Ngựa thành Troy. Nghĩa bóng chỉ một cái gì đó nguy hiểm được che đậy bên trong một cái gì đó trông an toàn hoặc có lợi. Nguồn gốc của thành ngữ này nói về cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và Troy giữa thế kỷ 13 trước Công nguyên, khi người Hy Lạp xây dựng một con ngựa gỗ lớn và để lại bên ngoài cổng thành người Troy như một món quà tặng. Tuy nhiên, người Hy Lạp đã giấu những người lính trong con ngựa gỗ, vì vậy khi người Troy (Trojan) kéo con ngựa  quà vào thành của họ, toán quân “biệt kích” núp trong thân ngựa rỗng đợi khi đêm xuống đã giết lính gác và mở cửa thành cho quân đội Hy Lạp tràn vào tấn công và chiếm được thành Troy.
Đối với người dùng Internet (cư dân mạng), Trojan là tên của một loại virus, mầm độc hại được ẩn giấu bên trong các nhu liệu ứng dụng hữu ích, vì vậy khi người nào tải nhu liệu này về máy tính của họ, virus Trojan sẽ xâm nhập và truy cập vào dữ liệu của máy tính.

Để kết thúc bài dông dài này, người viết xin liệt kê một số sự kiện về ngựa sau đây.

- Ngựa có ruột non bình thường dài khoảng 75 feet, ruột già bình thường dài khoảng 12 feet.
- Ngựa sản xuất trung bình 12 lít nước bọt mỗi ngày để giúp cho sự tiêu hoá cỏ khô được dễ dàng.
- Ngựa không thể thở bằng miệng và không thể nôn mửa.
- Ngựa chạy có thể đạt đến tốc độ tối đa là khoảng 45 mph (70 km/giờ), tốc độ đi trung bình vào khoảng ba, bốn dặm một giờ.
- Ngựa có đôi mắt lớn nhất so với bất kỳ động vật nào.
- Ngựa và người là hai loài động vật duy nhất có thể đổ mồ hôi qua da để làm mát.
- Ngựa tiêu thụ một lít (0.25 gallon) dưỡng khí một phút trong khi đi bộ. Nhưng khi phi nước đại trong một cuộc chạy đua, ngựa thở dồn dập mỗi hơi một bước chạy, tiêu thụ gần 60 lít (15 gallon) oxy mỗi phút.
- Ngựa có kích thước thân thể trung bình chứa khoảng 50 pint máu (28 lít) lưu thông qua hệ thống tuần hoàn ở chu kỳ 40 giây.
- Ngựa tốn hao nhiều năng lượng khi nằm hơn là khi đứng.
- Ngựa có bộ phận cơ thể đặc biệt ở chân cho phép chúng ngủ trong khi đứng mà không ngã.
- Ngựa tốn hao năng lượng khi bơi nhiều hơn khi chạy.
- Ngựa có lông có mô hình xoắn ốc độc đáo như vân tay của người, một đặc điểm để xác định giống loại.
- Ngựa Camargue (tên một vùng đất thấp và đầm lầy có sông Rhone chảy qua thuộc miền nam nước Pháp) có màu đen khi mới sinh nhưng lông đổi thành trắng khi ngựa trưởng thành.
- Ngựa có thể diễn đạt cảm xúc bằng tai, mũi, mắt để biểu lộ tâm trạng. Chẳng hạn khi ngựa phình mũi, dựng tai là lúc nó bực giận khó chịu đấy!


Cười chuyện ngựa:
1.
Một cô gái tóc vàng quyết định thử cỡi ngựa, mặc dù trước đó cô chưa bao giờ học cỡi ngựa và cũng chẳng có kinh nghiệm nào. Cô tự leo lên lưng ngựa mà chẳng cần ai giúp và con ngựa ngay lập tức chuyển động. Nó giữ tốc độ ổn định và nhịp nhàng, nhưng cô gái tóc vàng bắt đầu bị tuột từ từ khỏi yên ngựa.
Hoảng hốt, cô chụp lấy bờm ngựa, nhưng dường như không thể nắm vững. Cô cố gắng choàng tay quanh cổ của con ngựa, nhưng rồi cô cũng bị tuột xuống bên hông con ngựa. Con ngựa vẫn tiếp tục phi nước đại, dường như chẳng đoái hoài gì đến người cưỡi nó đang gặp trở ngại.
Sau cùng, cô buông tay ra và nhảy ra khỏi con ngựa để mong đáp xuống nơi an toàn. Thật không may, chân của cô đã bị vướng vào bàn đạp, thế là cô chỉ còn cách cầu may cho mình khỏi bị móng ngựa đạp trúng, trong khi cái đầu của cô chạm mặt đất liên tục. Cô sợ hãi và tuyệt vọng đến gần như bất tỉnh.
Nhưng may cho vận số của cô, người quản lý của tiệm Walmart đã nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra nên tắt điện. Và con ngựa máy tức khắc dừng lại.

2.
Một ngày nọ, một người đàn ông đi qua một trang trại và nhìn thấy một con ngựa đẹp. Muốn mua con ngựa đó, ông ta bèn nói với người nông dân:
- "Tôi thấy con ngựa của ông trông đẹp quá nên tôi thích và muốn mua. Vậy nếu tôi trả cho ông 500 đồng, ông có chịu bán không?"
Người nông dân đáp:
- “Con ngựa trông không tốt như ông nghĩ đâu. Vã lại nó không phải để bán.”
Người khách vẫn nài nĩ:
- "Tôi lại thấy nó trông đẹp đấy chứ. Tôi sẽ trả cho ông một ngàn đồng.”
- "Tôi đã bảo nó không nhìn tốt như ông nghĩ đâu. Nhưng nếu ông muốn mua nó quá thì tôi bán cho ông đó.”
Ngày hôm sau, người đàn ông quay trở lại với vẻ giận dữ. Ông đến trước mặt người nông dân và la lên:
- "Anh bán cho tôi một con ngựa mù. Anh lừa tôi!"
Người nông dân bình tĩnh trả lời:
- "Thì tôi đã nói với ông là nó không nhìn tốt như ông nghĩ đâu, đúng không?"