khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Nhà văn Kim Thúy và những khúc hát “ru” của người tị nạn





Kênh Funan Techo : Cam Bốt vuột khỏi Việt Nam, rơi vào tay Trung Quốc





Tương lai của đảng Cộng sản trước cuộc tranh đoạt quyền lực khốc liệt





Liệu pháp tinh thần: Ngắm hoa tulip giữa thời bom đạn





Cựu quan chức VNCH: Mỹ yêu cầu ‘đừng làm lớn chuyện’ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa





Bung vỏ động cơ trên không, máy bay Boeing lại hạ cánh khẩn cấp





Chùa Hội Sơn





Tháp Đôi Quy Nhơn





Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Bà Trương Mỹ Lan nên phải chết hay nên được sống? - Tác giả Ngô Nhân Dụng

 

Bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vì bị cáo buộc biển thủ $12.5 tỷ mỹ kim của Ngân hàng SCB qua các công ty bà kiểm soát. Giết một người không thu hồi được những món tiền đã mất mà cũng không chấm dứt được nạn tham nhũng, hối lộ là hậu quả đương nhiên của trong một chế độ độc tài toàn trị. Bà Lan không thể một mình lấy được nhiều tiền như vậy trong nhiều năm mà lọt qua mắt Đảng Cộng sản. Phải có nhiều người đã che chở và chia chác với bà Lan, nhưng chưa thấy một quan chức cao cấp nào trong đảng và nhà nước được gọi ra tòa.
Nói về con số thì $12.5 tỷ đô la không quá lớn trong thế giới tài chánh. Nhưng trong hoàn cảnh một nước nghèo như Việt Nam thì lớn ghê rợn; hơn ba phần trăm của Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP)! Cả nước Việt Nam trong năm 2023 chỉ sản xuất được số hàng hóa và dịch vụ trị giá tổng cộng $430 tỷ mỹ kim. Coi như cả 100 triệu người Việt, già trẻ lớn bé đều làm việc cả năm mới tạo được tổng số lợi tức $430 tỷ thì riêng bà Lan đã bỏ túi $12.5 tỷ! Nghĩa là một người kiếm được số tiền lớn bằng công ba triệu người làm việc!
Nhà văn Balzac để lại một câu nổi tiếng: “Đằng sau mỗi tài sản lớn đều có một tội lớn.” Lời đó đúng trong các xã hội “tư bản hoang dã” và trong các nước cộng sản sau này. Dưới các chế độ dân chủ tự do, đề cao pháp luật, thì những người giàu nhất vẫn phải làm ăn lương thiện.
Thử so sánh bà Trương Mỹ Lan với hai người giàu nhất nước Mỹ. Tài sản của Jeff Bezos, chủ nhân công ty Amazon, và Elon Musk, mỗi đại gia này chưa ai giàu bằng một phần trăm GDP của nước Mỹ, hơn $27,000 tỷ. Cho nên Michael Tatarski, một quan sát viên tài chánh đang hoạt động ở Sài Gòn, phải nhận xét rằng vụ $12 tỷ rưỡi này là “một vụ phạm pháp lớn hàng đầu trong lịch sử tài chánh thế giới,” theo bản tin Al Jazeera. Bà Trương Mỹ Lan đã đưa nước Việt Nam lên hàng một đại cường quốc về tham nhũng!
Chín năm trước, Malaysia chiếm địa vị quán quân trong vùng Đông Nam Á. Năm 2015, một cuộc điều tra khám phá ra trong vụ 1MDB các quan chức Mã Lai đả bỏ túi $4.5 tỷ mỹ kim; nhưng âm mưu đó dính đến cả ông thủ tướng, mấy bộ trưởng, và một công ty tài chánh ngoại quốc. Bà Lan chỉ là một tư nhân, một mình múa võ mà đạt thành tích lớn gấp ba lần. Ngoài $12.5 tỷ được bà Lan bỏ túi; số thiệt hại do bà gây ra cho cả nền kinh tế có thể lên tới $27 tỷ, theo tính toán của Business Insider, một mạng tin tức tài chánh quốc tế. Bản tin Reuters ngày 16 tháng 4 tiết lộ họ đã thấy ba tài liệu chứng tỏ chính quyền Việt Nam đã giải cứu Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB) với $24 tỷ mỹ kim “nếu không thì SCB sẽ sụp đổ.” Reuters cũng nhận xét nếu cứ tiếp tục “cho vay” như vậy thì công quỹ sẽ khô cạn.
Chỉ số Thị trường Chứng khoán VN-Index đã tụt mất 33% trong năm 2023, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào tháng 10 năm 2022. Năm nay chỉ số đã lên lại được 12% nhờ triển vọng các cuộc đầu tư vẫn tiếp tục, giúp kinh tế phát triển thêm được hơn 5% trong năm ngoái. Nhưng vụ biển thủ lớn đến 3% GDP sẽ khiến các công ty lớn ngoại quốc lo lắng trong ý định chuyển công việc làm ăn từ Trung Quốc qua Việt Nam để tránh đòn quan thuế khi bán hàng qua Mỹ. Họ sẽ dè dặt hơn trước khi quyết định.
Một điều khó hiểu, theo tuần báo TIME, là trên mặt pháp lý thì nhà nước cộng sản làm chủ sở hữu tất cả đất đai. Làm sao trong ba năm mà một cá nhân có thể đứng ra làm chủ nhiều tài sản như vậy? Hồ sơ tòa án cho thấy bà Lan làm chủ hơn 1,000 căn hộ và nhà cửa ở Sài Gòn trong mấy năm trời, sử dụng những tên ma! Chuyện chỉ có thể xảy ra nếu được cả guồng máy đảng và chính quyền bao che.
Bà Lan bị truy tố cùng một thanh tra cao cấp Ngân hàng Nhà Nước và 23 cấp thấp hơn bị kết tội che giấu các món nợ thất thoát và hồ sơ vay giả mạo của Ngân hàng SCB. Số tiền hối lộ lên đến $5.2 triệu mỹ kim. Nếu một ngân hàng có thể mua chuộc được cả nhóm 24 thanh tra như vậy, thì 40 ngân hàng lớn khác và những quan chức kiểm tra họ có thể chấp nhận sống ngây thơ lương thiện được không?
Mạng lưới công an chằng chịt không thể nào không biết những chiếc xe chuyển giao các thùng “foam” chứa hàng triệu mỹ kim tiền mặt chạy qua lại trong thành phố Sài Gòn. Vậy mà không một quan chức nào bị đưa ra tòa. Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales ở Australia, thú nhận: “Tôi không thể tin rằng bộ máy đảng và thành phố Hồ Chí Minh không có tội và không có liên quan.”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tấn công nạn tham nhũng với chiến dịch “Đốt Lò.” Theo kinh nghiệm ở các nước cộng sản thì không bao giờ ông có thể đốt hết được. Lâu lâu lại thấy một vài quan chức bị đốt, vì họ không thuộc phe đảng đang nắm quyền. Những người lên thay thế sẽ tiếp tục kiếm chác. Năm 2020, đảng Cộng sản đã “đốt” Lê Thanh Hải, nguyên bí thư thành ủy Sài Gòn, và Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố, kết tội “vi phạm nặng” kỷ luật nội bộ của đảng. Gần đây đến Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng bị cháy ghế ngồi – nhưng không chắc đã cháy túi. Những người đó vẫn không bị truy tố theo pháp luật. Họ có thể yên ổn hưởng thụ các đồng tiền đã kiếm được. Những người lên thay họ cũng không thể ngăn chặn những vụ biển thủ, vụ Trương Mỹ Lan còn lớn hơn tất cả các vụ trước.
Theo bản cáo trạng thì 93% số tiền mà ngân hàng SCB cho vay đều vào tay bà Trương Mỹ Lan, chỉ trong vòng ba năm. Bà có thói quen dùng tiền mặt vì nộp tiền hối lộ phải dùng tiền mặt, nên trong nhà hay trụ sở công ty còn cất giữ $4 tỷ mỹ kim tiền mặt. Con số đó chưa bằng một phần ba số tiền thất thoát. Nếu xử án tử hình thì bà Lan chết rồi làm cách nào thu hồi lại một phần số tiền biển thủ hơn $12 tỷ? Nhiều người muốn bà Lan chết càng sớm càng tốt, vì đó là cách tốt nhất để bịt miệng. Nói rằng giết bà Lan để làm gương, nhờ thế sẽ giảm bớt được tham nhũng, hối lộ, thì điều đó càng không đáng tin.
Vì cả guồng máy đảng và nhà nước cộng sản chạy bằng tham nhũng, như xe hơi chạy bằng xăng dầu. Trong cuốn hồi ký của ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa, ông kể lại cuộc gặp ông Võ Văn Kiệt sau năm 1975, người đang nắm quyền ở Sài Gòn. Ông Hanh khuyên ông Kiệt muốn kinh tế tiến bộ phải giải quyết nạn tham nhũng trước hết. Ông Kiệt đồng ý nhưng cho biết việc đó ông không thể làm được. Lý do là cần cho các cán bộ được hưởng thụ sau khi họ đã để cả cuộc đời tranh đấu giúp đảng giành được chính quyền. Chính sách của ông Võ Văn Kiệt là hậu quả của lối suy nghĩ bình thường trong các đảng cộng sản. Chế độ độc tài toàn trị dựa trên lòng trung thành của đảng viên mà không dựa trên pháp luật. Họ không đặt ra các quy chế, luật lệ để thưởng những cán bộ “có công với cách mạng” mà tưởng thưởng bằng các chức vụ, tức là các cơ hội ăn hối lộ.
Đường lối đó làm hại nền kinh tế; trước hết vì nhiều người không có khả năng vẫn được sử dụng. Tai hại hơn nữa là dung túng tham nhũng tự nhiên không còn tôn trọng luật pháp. Chế độ pháp trị, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, là căn bản giúp kinh tế phát triển. Ông Võ Văn Kiệt được tiếng là người “dám nói, dám làm” nhưng ông đã chọn “đảng trị,” thay vì “pháp trị.” Tình trạng đó vẫn tiếp diễn đến bây giờ.


Tương lai của đảng Cộng sản trước cuộc tranh đoạt quyền lực khốc liệt





Sài Gòn, Ngày Dài Nhất..., Lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú





Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Khóa Một Khoa Học Kỹ Thuật Minh Đức

 




Ngụy Văn Thà - Tác giả Cao Thoại Châu

 

Dạo ấy, vào khoảng giữa năm 1968 đang vui bình thường tôi bỗng trở nên buồn, chiều chiều không còn hứng thú thả rong xe jeep ra khu phố chợ xã ngắm cái lèo tèo của những căn nhà đang có vẻ vội vã chuẩn bị rút vào đêm, thời chiến tranh người ta đi ngủ sớm với suy nghĩ mong manh là giấc ngủ có thể làm quên lo âu gì đó.
Trở nên buồn vì lúc ấy tôi đã ở lính được hơn 2 năm, chỉ còn không đầy hai năm nữa là được giải ngũ trở về nghề dạy học mà tôi yêu thích thì quân đội VNCH có lệnh đình chỉ giải ngũ vì mới ban hành luật tổng động viên. Hai năm mặc áo lính, đêm đêm vẫn nhìn thấy vùng sáng ánh đèn của Sài Gòn vì chỉ cách nhau hơn chục cây số đường chim bay. Buồn khi không được gỉai ngũ về với ngôi trường tỉnh lẻ có những “viên thuốc an thần” áo trắng ăn hàng và quay cóp của riêng tôi.
Trong tâm trạng ấy, tôi được ông đơn vị trưởng kêu lên, bảo biết tôi không có ý tiến thân bằng con đường lính tráng, nhưng ông lại bảo ở lính lâu dài phải kiếm lấy một ám số chuyên nghiệp thay vì mang ám số bộ binh tác chiến có ngày sẽ khổ. Rồi ông nói như ra lệnh “Chuẩn bị, ta cho chú mày đi học khóa Sĩ quan tiếp liệu 6 tháng”. Ít ngày sau tôi đi học khóa ấy tại trường Tiếp vận, cùng với tôi có hơn 40 sĩ quan cấp úy thuộc nhiều quân binh chủng trong đó tôi mang cấp thấp nhất, thiếu úy.
Chương trình học thuần về chuyên môn kỹ thuật tiếp vận nên chỉ học tại phòng và thật nhanh chóng nhiều người nhận ra lớp có hai người học giỏi - tôi và anh, Hải quân đại úy Ngụy Văn Thà. Chúng tôi cũng nhanh chóng thành bạn của nhau vì anh tính cẩn thận, chăm chỉ, ít nói và thư sinh, dáng hơi thon thả như con gái. Chúng tôi không xưng hô nhau theo cấp bậc mà là “Toa, moa”, giờ giải lao cặp chúng tôi xuống căng tin cũng ngồi riêng một bàn, chuyện các môn học là chính.
Kết thúc khóa học, điểm số tôi cao hơn anh một chút, theo cô nữ quân nhân ở văn phòng trường thì đương nhiên tôi đậu thủ khoa nhưng vài ngày sau cô này bảo ông chỉ huy trưởng muốn thủ khoa phải có cấp bậc cao hơn! Cuối cùng cũng cô này lại cho tôi hay, Thà được chọn thủ khoa nhưng anh nhất định từ chối nói điểm ai cao người ấy được. Thật ra với tôi chuyện ấy chẳng có nghĩa gì bởi tôi là lính trừ bị, còn với lính hiện dịch chọn binh nghiệp như Thà thì điều đó cũng đáng nói. Nhưng anh đã nói không với nó và nín thinh không hề nói gì với tôi. Tôi hiểu thêm anh là người trí thức tự trọng, và mãn khóa chúng tôi chia tay về đơn vị, bặt tin nhau từ đó nhưng hình ảnh con người hiền lành, giỏi ấy còn mãi trong tôi.
Cho đến một ngày, tin báo chí Sài Gòn cho biết Hạm trưởng Ngụy Văn Thà trong bộ quân phục cấp tá quân đội VNCH đã tử trận trong khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của VN. Còn nhớ bài báo có chi tiết Thà có thể ra lệnh rút lui nhưng lệnh của anh là mọi người lần lượt xuống ca nô đào thoát còn anh thì ở lại chìm theo tàu đúng quy định (?) của hải quân VNCH lúc đó.
Nay thì đã 40 năm, đảo Hoàng Sa còn đó, nhưng nói theo như vẫn nói, là vùng tạm bị chiếm. Sau Ngụy Văn Thà ít năm có nhiều người lính VN dưới màu áo Quân đội Nhân dân VN hy sinh tại đó vì Tổ quốc mình, Tổ quốc chúng ta. Họ được nhắc nhớ, tôn vinh là hoàn toàn chính xác, bởi ai đã mang thân bảo vệ tổ quốc mình người ấy đều là người yêu nước, có công với nước nhất là công ấy đóng bằng xương máu của chính họ.
Không phải người có nhãn quan chính trị, chỉ là một công dân bình thường, một người VN thuần túy…sáng nay chợt nhớ đến người bạn dễ mến năm xưa, tôi nghĩ người VN Ngụy Văn Thà đã bảo vệ Tổ quốc và chọn biển Đông làm nấm mồ, thì những người VN hôm nay cũng phải chọn Hoàng Sa làm đài tưởng niệm cho những người như vậy. Vấn đề không thể cứ nhìn lâu dài ở màu cờ sắc áo mà là ở chỗ “bán nước” hay “giữ nước”! Chỉ là và...phải là một tấm lòng biết ơn một cách công bằng, truyền thống của dân tộc đối với những ai vị quốc vong thân, phi vật thể nhưng tình nghĩa đó là vô giá và rất cần thiết!


Tôi Đi Thăm Chồng "Cải Tạo" - Tác giả Minh Hòa

 

Vâng, chúng tôi nghiễm nhiên nhận chồng chúng tôi là "các ông cải tạo" như người miền Nam vẫn kêu với tấm tình trân quý, để phân biệt với những người tù hình sự. Vâng, những người đàn ông ở miền Nam mà đang đi tù Cộng Sản mới là những người xứng đáng với đàn bà con gái miền Nam ở lứa tuổi tôi. Chị em chúng tôi gọi đó là "tấm bằng tù cải tạo" của các ông để chọn gửi cuộc đời, dù là trao gửi vào một nơi bất định….
Tôi quen anh năm 17 tuổi, khi còn cắp sách đến trường. Lúc ấy anh là sinh viên sĩ quan năm thứ ba, hai mươi tuổi đời, nhưng dạo đó trong mắt tôi anh thật chững chạc, lại tài hoa, và cũng không thiếu… si mê.
Anh nhất định đòi cưới tôi ngay sau khi ra trường, nói rằng Thầy Mẹ anh sẽ ưng ý, không thể phản đối. Tôi hình như có hơi ngạc nhiên và hơi… sợ sợ, vì tuổi 18, 19 thời đó còn nhỏ lắm, chẳng biết gì, chỉ biết rằng tôi hình như cũng… yêu anh nhiều lắm. Tôi còn nhớ, tuy còn nhỏ và ngây thơ lắm, nhưng những ngày giữa năm thứ tư của anh, từng đêm tôi đã thổn thức một mình. Cảm giác lúc ấy là chỉ sợ mất anh vào nơi gió cát mịt mù mà biết bao người trai đã ra đi không hẹn ngày về. Và tôi nhất quyết lấy anh, tuy anh làm phiền lòng Ba Má tôi không ít, khi anh dứt khoát từ chối mọi công lao chạy chọt của song thân tôi ngay từ truớc ngày anh tốt nghiệp. Gia đình tôi ngần ngại, nhưng tôi là con gái út, được cưng nhất nhà, vả lại cả nhà ai cũng quý mến anh…
Thế là tôi rời ghế nhà trường năm 19 tuổi, lên xe hoa mà tưởng như đang trong giấc mộng tình yêu thời con gái. Rồi thì giã từ quê huơng Đà lạt yêu dấu, giã từ những kỷ niệm yêu đương trên từng con dốc, từng vạt nắng xuyên cành trong hơi lạnh thân quen, từng hơi thở thì thầm trong ngàn thông thương mến, tôi theo anh về làm dâu gia đình chồng ở Sài Gòn. Tôi chưa hề được chuẩn bị để làm dâu, làm vợ, đầy sợ hãi trong giang sơn nhà chồng, còn chưa biết ứng xử ra sao, nhưng được cha mẹ và các em chồng hết lòng thương mến.
Các chú em chồng nho nhã luôn luôn hoan hô những món ăn tôi nấu nướng.
Tuần trăng mật thật vội vã nhưng vô cùng hạnh phúc, chỉ vỏn vẹn trong thời gian anh nghỉ phép ra trường, rồi trình diện đơn vị mới. Mùng sáu tết Tân Hợi 1971, Sư đòan Dù của anh đi mặt trận Hạ Lào. Hôm ra đi anh vui tưng bừng như con sáo sổ lồng, trong khi tôi thẫn thờ… Anh siết tôi thật chặt, không cho tôi khóc, nói rằng ra đi trong giòng nước mắt vợ hiền là điều xui rủi.
Tôi vội vã gượng cười, để rồi từng đêm thổn thức một mình trong căn phòng lạnh vắng, run rẩy lắng nghe từng tin chiến sự miền xa. .. Thư anh từ mặt trận toàn những điều thương nhớ ngâp tràn, pha lẫn những lời như những tràng cười say sưa của người tráng sĩ đang tung mình trên lưng ngựa chiến. Mẹ chồng tôi chẳng vui gì hơn tôi. Hai mẹ con buôn bán xong thường đi lễ chùa, khấn nguyện. Bà cụ bảo tôi "phải khấn cho nó bị thương nhẹ để mà về, chứ vô sự thì lại không được về, vẫn còn bị nguy hiểm"… Tôi càng hoang mang, thảng thốt, quỳ mãi trong khói hương với đầy nước mắt, chẵng khấn được câu nào… Má tôi trên Đà lạt cũng vội lặn lội lên tận cốc xa, thỉnh cho được tượng ảnh Bồ Tát Quán thế Âm để chồng tôi về sẽ đeo vào cổ.
Sau trận đầu tiên ở Hạ Lào anh trở về với cánh tay trái treo trước ngực. Tôi run run dội nước tắm cho anh để nước khỏi vào vết thương, mà không giấu được nụ cười đầy sung sướng, pha lẫn… đắc thắng, cảm ơn Trời Phật linh thiêng…
Rồi anh lại ra đi. Tây Ninh, Cam Bốt, cùng những địa danh trong các dòng tin chiến sự mà tôi thuộc nằm lòng. Trảng Bàng, Trảng Lớn, Suông, Chúp, Krek, Đam Be… Anh đi toàn những trận ác liệt một mất một còn với quân thù quái ác. Vừa lành vết thương là lại ra đi. Tôi thành người chinh phụ, thao thức từng đêm, vùi đầu vào gối khóc mùi trong lời khấn nguyện Phật Trời che chở cho sinh mạng chồng tôi. Còn anh, anh cứ đi đi về về trong tiếng cười vui sang sảng, hệt như các bạn chiến đấu trong cùng đơn vị, mà nay tôi vẫn còn nhớ tên gần đủ: các anh Tường, Hương, Trung, Dũng, Sinh, Chiêu, anh Sĩ, anh Tâm, anh Quyền….
Mỗi lần trở về bình an là một lần cả nhà mở hội, và mỗi khi nhận lệnh đi hành quân là một lần tôi thờ thẫn u sầu trong lúc anh hăng hái huýt gió vang vang khúc hát lên đường. Con người ấy không biết sợ hãi là gì, không cần sống chết ra sao, và không hề muốn nghe lời than vãn, chỉ thích nụ cười và những lời thương yêu chiều chuộng. Anh nói không biết tại sao anh có niềm tin kỳ lạ là không có việc hiểm nguy nào hại đựơc thân anh. Tôi chỉ còn biết chiều theo ý chồng, không bao giờ dám hé môi làm anh buồn bực, vì thời gian gần nhau quá ngắn ngủi, tôi chỉ lo cho anh những phút giây hạnh phúc hiếm hoi của người lính chiến, không muốn để anh bận lòng vì những nỗi lo âu. Lấy chồng hơn hai năm sau mà tôi vẫn chưa có cháu, vì anh cứ đi, đi mãi đi hoài, những ngày gần nhau không có mấy.
Rồi mùa hè đỏ lửa nổ ra. Anh nhảy vào An Lộc, lăn lóc đánh dập đánh vùi với địch quân đông gấp bội trong gần ba tháng trời, mất cả liên lạc bưu chính, ở nhà không hề nhận một chữ một lời. Người hạ sĩ quan hậu cứ mỗi tháng ghé lại gia đình thăm hỏi đều phải vẫy tay tươi cười ngay từ đầu ngõ. Anh về được đúng một tuần, thì lại lên đường đi Quảng Trị. .. Rồi anh lại bị thương ở cửa ngõ Cổ thành, trở về trong phòng hồi sinh Tổng y viên Cộng Hòa. Trên đướng tới bệnh viện cùng với gia đình, tôi ngất xỉu trên xe của người anh chồng…
Nhưng rồi anh vẫn đứng dậy, lại khoan khoái cất bước hành quân. Ôi, không biết tôi mang nợ anh từ tận tiền kiếp xa xôi nào, mà tôi yêu thương cái con người chỉ biết miệt mài say mê chiến trận. Tôi chỉ biết ước nguyện của anh là trở thành một tướng Patton của Việt Nam, "Rồi nước mình sẽ phải tự chủ hơn lên, mấy năm nữa phải khác hẳn đi chứ. Nền nếp quân đội sẽ phải thay đổi. Anh sẽ làm Tư lệnh đại đơn vị, để anh điều động liên quân chủng, cả thiết giáp, máy bay, đánh giặc như Patton cho mà coi. Cam bốt, Hạ Lào Trung Thượng Lào ăn nhằm gì… Hà hà" Tôi chỉ ậm ừ vì chẳng hiểu gì, khi anh thì thầm bên tai tôi vào một đêm tôi dần thiếp đi trong đôi cánh của hạnh phúc, một lần anh về phép hành quân…
Sinh cháu gái đầu lòng năm 1973 ở Đà Lạt, anh về thăm mẹ con tôi và trường cũ, xong lại bay đi trấn thủ đường ranh giới ngưng chiến ở vùng Tây Nam Huế...
Tháng tư năm 1975, đơn vị anh đóng quân ở Thủ Đức, chuẩn bị tử chiến với quân thù. Chú em chồng là sĩ quan chuyển vận tàu HQ505. Tàu ghé Sài Gòn để chuẩn bị đi công tác Phú Quốc. Chồng tôi bảo cả gia đình, gồm Thầy Mẹ, các chú và cả mẹ con tôi, xuống tàu đi Phú Quốc lánh nạn chiến sự, rồi khi yên sẽ lại trở về. Tôi tưởng anh cũng định ra đi, nhưng anh quắc mắt nói tại sao anh lại phải bỏ đi lúc quân lính của anh vẫn còn chưa nao núng, "bọn nó làm gì thắng nổi khi cả Sư Đoàn Dù đầy đủ bung ra phản công, cho nó ăn một cái Mậu thân nữa thì mới hết chiến tranh, quân Dù đánh giặc một chấp bốn là thường, còn trận cuối này là xong." Anh hăng say như sắp xung trận, nhưng rồi anh quay lưng lại, run giọng bảo tôi hãy bế con theo xe của ông anh ra bến tàu. Đến nước đó tôi không còn gì sợ hãi, ôm con nhảy xuống, nhất định đòi ở lại. Vợ chồng sống chêt có nhau...
Ba lần toan vượt thoát từ đầu đến giữa tháng 5 đều thất bại não nề. Anh lên đường đi trại tập trung vào tháng 6, khi tôi đang mang bầu cháu thứ nhì… Bé Dung ưỡn người đòi theo bố. Anh quay lại, vẫy tay cười với mẹ con tôi. Vẫn nụ cười ấy, anh vẫn chẳng nệ âu lo sống chết là gì, nhưng còn mẹ con em, anh ơi??? …
Gia đình nhà chồng tôi thiệt có phước, hầu hết đã theo tàu HQ505 đi Phú Quốc rồi sang Mỹ, kể từ hôm tôi ôm con ở lại với chồng. Gia đình tôi từ Đà lạt chạy về Sài Gòn, sống chen chúc quây quần đùm bọc lẫn nhau. Hàng quán của gia đình chồng tôi bị tịch biên hết. Tôi nhất định giữ chặt ngôi nhà của cha mẹ chồng để lại, đuổi mấy cũng không đi. Chị ruột tôi bỏ dấn vốn ra mua được ngôi nhà khác, vì ông chồng ôm vợ bé chạy mất, nhà cửa xe cộ bị tịch biên hết. Tôi và các anh chị em tôi chạy vạy đủ điều để lo sinh kế, nuôi con thơ cha già mẹ yếu. Chồng tôi mịt mù tăm tích, chỉ có đôi ba lá thư viết về từ trại Long Giao. Lên Long Giao cũng không gặp. Anh bị đưa ra Bắc.
Năm đó tôi tròn 25 tuổi, dung nhan tuy tiều tụy nhưng vẫn khiến nhiều kẻ phải suýt soa dòm ngó. Biết bao người mai mối thì thầm bên tai tôi, thôi hãy lo cuộc đời mới, sĩ quan ngụy đi Bắc chẳng có ngày về... Bao nhiêu nỗi khổ đau dồn nén đôt nhiên bùng nổ. Tôi vùng lên như một con cọp cái: bác thử nghĩ coi cả bọn cả lũ tụi nó đó có đáng xách dép cho chồng tôi không!!! Rồi ba mẹ con tôi ôm nhau khóc vùi trong tủi hận.
Không, không, một ngàn vạn lần không. Quanh tôi chỉ còn toàn rác rưởi. Vâng, những người đàn ông ở miền Nam mà đang đi tù Cộng Sản mới là những người xứng đáng với đàn bà con gái miền Nam ở lứa tuổi tôi. Chị em chúng tôi gọi đó là "tấm bằng tù cải tạo" của các ông để chọn gửi cuộc đời, dù là trao gửi vào một nơi bất định…. Còn gì nữa mà chọn lựa! Thà vậy, đành thôi. Tôi đã là vợ anh, tôi vẫn tôn thờ anh trong tim óc, làm sao khỏi lợm giọng trước bọn người lường lọc, bướm ong, hèn hạ ... Chị em tôi buôn bán từ thuốc lá đến bánh cuốn, bánh ướt, bánh mì, thuốc tây, thuốc nam, kiêm luôn cắt chải gội uốn tóc, làm móng tay … nhưng luôn tránh chỗ công quyền và nơi phồn hoa nhan nhản những con mắt hau háu của bọn ăn cướp và bọn trở cờ. Mấy anh chị em tôi đồng lòng, đùm bọc lẫn nhau, nên áo rách nhưng một tấm lòng son tôi vẫn vẹn với câu thề…
Vượt qua được thời gian khó khăn cực khổ nhất lúc ban đầu, sau ba mẹ con tôi được gia đình chồng từ Mỹ chu cấp, tuy không dư dả nhưng cũng đủ gửi quà ba tháng một lần, rồi lại dành dụm cho môt chuyến thăm nuôi….
Anh từ miền cực bắc bị đưa về Thanh Hóa chừng một năm, thì tôi xin được giấy phép đi thăm nuôi. Tôi và chị tôi chạy đôn chạy đáo mua đủ một trăm năm chục ký quà để tôi đem ra Bắc cho chồng. Bà cụ buôn bán quen ngoài chợ lại nhờ đem thêm năm chục ký thăm dùm con trai, vì con dâu cụ đã vượt biên. Cháu Dung đã lên 6, em Long nó 4 tuổi và chưa lần nào thấy được mặt cha. Tôi đem cả hai con đi cho anh gặp đứa con trai.
Xuống ga Thanh Hóa, cả đoàn quân khuân vác vây quanh gọi mời giục giã. Tôi và mấy chị cùng thăm chồng chia nhau giữ chặt hàng hóa không cho ai khiêng vác, rồi tự mình kéo lê kéo lết đi thuê nhà trọ. Có người đã đi về kể rằng cứ sơ ý là bị vác hàng chạy mất. Chúng tôi cũng phải chia nhau ở lại nhà trọ coi chừng hàng và đi chợ. Tôi nhờ một chị mua thêm được ký mỡ, về rang tóp mỡ ngoài sân nhà trọ. Nghe con khóc, tôi vội vã chạy vô nhà. Chưa kịp dỗ con thì nghe tiếng ồn ào. Quay ra, hai kẻ cắp đã bưng chảo tóp mỡ ù té chạy, chị bạn rượt theo không kịp. Tôi khóc thầm tiếc hoài, cứ nghĩ những tóp mỡ kia đáng lẽ đã giúp chồng mình đỡ bao đói khát.
Xe đò đi Thanh Cẩm chật ních những bà thăm chồng. Chúng tôi năm người lớn và hai cháu xuống ngã ba Nam Phát để vô Trại 5. Tôi lê từng bao hàng rồi lại quay lui kéo lê bao khác, chừng hơn nửa cây số mới đến trạm xét giấy tờ vào trại, hai cháu còn quá nhỏ chẳng muốn chúng đụng tay . Cô Út thiệt giỏi, xong phần mình lại xông xáo giúp hết người nọ tới người kia.
Xong giấy tờ, chờ một lát thì một người tù hình sự đánh xe trâu đến. Hàng hóa và hai con tôi được lên xe trâu, tôi và chị Phước, chị Điệp cùng hai mẹ con cô Út lẽo đẽo theo sau. Đường đi xuyên trại xuyên rừng dài tám cây số. Chúng tôi chưa biết lúc trở ra mới càng thê thảm.
Chân tay rã rời, tới chiều tối mới thấy cổng trại 5 Lam Sơn. Đêm xuống bé Dung còn phải phụ tôi gom lá mía cho tôi vội nấu hết gạo thành cơm, nắm lại từng vắt, vì nghe nói công an không cho tù chính trị đem gạo sống vô, sợ các anh âm mưu trốn trại. Đêm chờ sáng để thăm chồng, nhìn hai con thơ ngây ngủ say sưa vì mỏi mệt, tôi rời rã vô cùng nhưng không sao ngủ được. Hằng trăm hình ảnh chồng tôi nhảy múa trong đầu… Chồng của tôi, người lính dù hăng hái húyt sáo mỗi khi nhận lệnh hành quân ấy, nay đã ra sao???
Sáng, đến lượt ra nhà thăm nuôi ngong ngóng chờ chồng, tôi không được phép ra khỏi cửa căn buồng nhỏ xíu, kê một bàn gỗ dài và hai ghế băng dọc hai bên. Đột nhiên một ông lạ hoắc đứng lù lù ngay cửa. Tôi ngỡ ngàng chưa biết điều gì. Cô nữ công an nhìn chòng chọc, hằn học, đợi chờ như con gà chọi sắp tung đòn. Tôi không thể hiểu người con gái Bắc cỡ cùng tuổi tôi kia thù hằn tôi điều gì. Tôi ngó lại, lát sau cô ta coi sổ xong, mới nói đây là anh Đức mà bà cụ nhờ tôi đi thăm dùm. Mất nửa tiếng giao quà và kể chuyện gia đình cho anh Đức nghe, tôi được biết chỉ còn một tiếng rưỡi gặp chồng. Thế là tôi bắt đầu ôm mặt khóc, càng lúc càng nức nở vì tủi cực, không thể nào cầm được. Trên thế giới này có ai phải lặn lội hằng ngàn cây số để chỉ được gặp chồng có một giờ ba mưới phút không hả Trời?!!
Hai cô công an lớn tiếng dọa dẫm, những là phải động viên học tập tốt, không lau sạch nước mắt thì không cho ra thăm… Nhưng kìa, ai như chồng tôi vừa bước ra khỏi cổng trại. Tôi không còn nhớ quy định luật lệ gì nữa, vùng đứng dậy chạy nhào ra như một tia chớp. Hai đứa nhỏ vừa khóc vừa chạy theo. Hai công an nữ bị bất ngờ không cản kịp, đứng nhìn.
Tôi chạy tới ôm anh, và càng khóc dữ, đôi chân khụyu xuống, không còn sức lực. Trời ơi, chồng tôi ốm yếu đến nỗi tôi ôm không trọn một vòng tay. Người anh nhỏ thó hẳn lại, chỉ có đôi mắt sáng với tia nhìn ngay thẳng là vẫn hệt như ngày nào, nhưng nay đượm nét u buồn khiên tôi đứt ruột. Anh vẫn không nói được lời nào, chỉ bặm môi nhìn tôi nhìn con thăm thẳm. Tôi biết anh đang cố trấn tĩnh, vì không muốn rơi nước mắt trước mặt công an. Anh dìu tôi và dắt con trở vào nhà thăm nuôi. Anh nắm chặt tay tôi, đưa vào chiếc ghế băng. Cô công an lạnh lùng chỉ anh bước sang chiếc ghế đối diện, rồi ngồi sừng sững ở đầu bàn, cứ chăm chăm nhìn vào sát tận mặt tôi. Anh khuyên tôi ở nhà ráng nuôi dạy con cho giỏi. Rồi thật nghiêm trang, anh bảo tôi phải đưa con đi vùng kinh tế mới, về tỉnh Mỹ Tho chỗ bác Chánh với chú Cương và cô Huyền đã tự nguyện đi khai hoang rồi, đang chờ vợ chồng mình lên lao động sản xuất. Tôi hơi sững sờ, rồi chợt hiểu, đang khóc lại suýt bật cười hân hoan, khi thấy nét khôi hài tinh anh của chồng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Bác Chánh là tên gọi của Thầy Mẹ chúng tôi, chú Cương và cô Huyền chính là chú Cường, chú em chồng đã đưa cả nhà xuống tàu HQ 505 đi lánh nạn. Cô công an có vẻ rất đắc ý, nhắc tôi:
- Chị phải nói gì động viên anh ý đi chứ.
Anh nhìn mắt tôi, cười thành tiếng. Tôi chợt cười, nhưng lại chợt giận hờn.
Tôi cúi mặt giận dỗi:
- Em không đi đâu hết, em chờ anh về đã rồi muốn đi đâu cũng được …
Tôi lại khóc, hai tay nắm chặt tay anh, chỉ sợ phải xa rời. Cô công an cứ quay nhìn hết người nọ đến người kia, lên tiếng:
- Chị này hay nhỉ! Phải đi kinh tế mới, lao đông tốt thì anh ấy mới chóng được khoan hồng chứ! Trại giáo dục anh ý tiến bộ thế đấy, còn chị thì cứ…. Chỉ được cái khóc là giỏi thôi!!
Anh không nhịn được, lại cười khanh khách và nói:
- Đó em thấy chưa, cán bộ ở đây ai cũng tiến bộ như vậy hết, em phải nghe anh mới được… Em cứ thấy anh bây giờ thì biết chính sách Nhà nước ra sao, cũng đừng lo gì hết, ráng nuôi dạy con cho nên người đàng hoàng đừng học theo cái xấu, nghe…
Tôi dở khóc dở cười, chỉ nắm chặt tay anh mà tấm tức, dỗi hờn. Anh gọi hai con chạy sang ngồi hai bên lòng. Cô nữ công an do dự, rồi để yên, lại tiếp tục nhìn sững vào mặt tôi. Anh ôm hôn hai cháu, nói chuyện với hai cháu. Đôi mắt chúng tôi chẳng nỡ rời nhau. Mắt tôi nhòa lệ mà vẫn đọc được trong mắt anh những lời buồn thương da diết. Tội nghiệp hai con tôi đâu biết chỉ được gần cha trong giây lát nữa thôi.
Tôi như một cái máy, vừa khóc vừa lay lay bàn tay anh, nhắc đi nhắc lại, em sẽ đợi anh về, anh đừng lo nghĩ gì nghe, em sẽ đợi anh về, em nhất định đợi anh mà.. anh về rồi mình cùng đi kinh tế mới… anh ráng giữ gìn sức khỏe cho em và con nghe… Em thề em sẽ đợi anh về…. Em không sao đâu… Anh đừng lo nghĩ, cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe nghe, em thề mà, anh nghe…
Tôi chợt thấy chồng tôi nhòa nuớc mắt. Cô công an lúng túng đứng dậy, bỏ ra ngoài nhưng lại trở vào ngay, gõ bàn ra hiệu cho người ở ngoài. Người nữ công an kia chẳng biết núp ở đâu, lập tức xuất hiện, báo hết giờ thăm… Vợ chồng tôi lại ôm chặt nhau ở đầu bàn bên kia ngay trước cửa phòng, bất chấp tiếng gõ bàn thúc giục. Anh nắm chặt hai bàn tay tôi, chỉ nói được một câu:
-Anh sẽ về đưa em và con đi, không thể quá lâu đâu, đừng lo nghe, cám ơn em … đã quyết đợi anh về… Rồi anh nghẹn ngào…
Tôi bị ngăn lại ngay cửa nhà thăm nuôi, cháu Dung chạy ù theo cha, cu Bi nhút nhát đứng ôm chân mẹ cùng khóc . Tôi ôm cây cột gỗ nhìn dáng anh chậm chạp buớc tới hai cánh cổng gỗ to sầm, mà không thể nào ngưng tiếng khóc.
Anh ngoái đầu nhìn lại hoài, bước chân lảo đảo, chiếc xe cút kít một bánh mấy lần chao nghiêng vì hàng quá nặng…
Sáng hôm sau tôi như người mất hồn. Các chị bạn cũng chẳng hơn gì . Mấy chị em và bà bác dắt díu nhau ra, mới biết không được về lối cũ, mà phải đi vòng bên ngoài trại cả gần hai chục cây số nữa để trở lại chỗ ngã ba Nam Phát.
Đường xuyên rừng, rồi lại ra đồng trống, nắng hanh chang chang như muốn quật ngã ba mẹ con tôi. Cu Bi mệt lắm, có lúc ngồi bệt xuống, áo quần mồ hôi ướt nhẹp. Tôi phải đứng giữa nắng đem thân mình che nắng cho hai con, dỗ dành chúng, rồi lại bế cu Bi, lầm lũi bước thấp bước cao. Bà bác và hai chị cùng cô Út cứ phải đi chậm lại chờ mẹ con tôi. Bao nhiêu cơm gạo đã giao cho chồng hết, chúng tôi không còn gì ăn uống. Dọc dường mua được mấy cây mía, tôi róc cho các con ăn cho đỡ đói. Hai đứa không khóc lóc một lời. Bé Dung thiệt ngoan, luôn miệng dỗ em cố gắng. Bụng đói, chân mỏi rã rời trong lúc chiều cứ xuống dần. Đám người lang thang trong những cánh rừng tre nứa âm u, trên miền đất không một chút tình thương. Ai cũng lo sợ, dớn dác nhìn trước ngó sau, tự nhiên túm tụm lại mà đi, càng mệt lại càng như muốn chạy. Tôi bế cu Bi, mỏi tay quá lại xoay ra cõng cháu, vừa mệt vừa đói vừa sợ, lếch thếch vừa đi vừa chạy, không biết sẽ ngã gục lúc nào. Cháu Bi nhìn thấy mẹ mệt quá, đòi tuột xuống, rồi lại hăng hái tiến bước. May sao, đến hơn 6 giờ chiều, trời gần tối hẳn, thì trở lại được ngã ba Nam Phát. Hai công an dắt xe ra đạp về nhà, dặn chúng tôi ở đó đón xe đò ra Thanh Hóa.
Đám người ngồi bệt xuống bên đường. Lâu lắm mới có một xe chất đầy người chạy qua, nhưng đều chạy thẳng, không ngừng. Đã hơn chín giờ đêm. Dáng cô Út cao mảnh rắn chắc đứng vẫy xe in lên nền trời đêm đầy sao như một pho tượng thần Vệ Nữ. Một xe lớn có hai bộ đội chở đầy tre nứa, từ xa chiếu đèn pha sáng lòa trên dáng người con gái đảm đang ấy, từ từ dừng lại. Chúng tôi xúm lại hứa trả thật nhiều tiền, rồi bà bác cùng hai con tôi được lên ngồi ca bin, còn tôi với hai chị và cô Út đẩy kéo nhau leo lên ngồi nghiêng ngả trên tre nứa, tay bám, chân đạp chặt vô thành xe, qua năm tiếng đồng hồ trên con đường đất dằn xóc kinh hồn, nhiều lần tưởng đã văng xuống đất. Hai bộ đội tử tế, không lấy tiền, chỉ ăn hai tô cháo lòng mà chúng tôi mời mãi. Ra đến Thanh hóa là hai giờ sáng. Các chị đi thăm chồng xuống tàu đêm thật đông, thăm hỏi tíu tít, trả lời không kịp. Khi ấy sao mà chị em chúng tôi thương nhau quá sức.
Vé về Nam không có, phải mua vé ra Hà Nội rồi mới đi ngược trở về. Đêm hôm sau mới đến ga Hàng Cỏ, mấy bà con ra đường đang ngơ ngác thì các chị đằng xa đã đôn đáo vẫy chào, kéo chúng tôi tới chỗ… lề đường, đầy những chiếu với tấm ni lông, nơi tạm trú mà các bà "vợ tù cải tạo" gọi là… Hotel California.
Vâng, chúng tôi nghiễm nhiên nhận chồng chúng tôi là "các ông cải tạo" như người miền Nam vẫn kêu với tấm tình trân quý, để phân biệt với những người tù hình sự. Cho nên danh từ thường đi theo với ý nghĩa nào mà người ta hiểu với nhau, không còn giữ được nguyên cái nghĩa mà nó được đặt cho vì mục đích chính trị sâu xa.
Ngủ lề đường nhưng chẳng ai thấy khổ, vì gần nhau thấy ấm hẳn tình người đồng cảnh. Các chị em thì thầm trò chuyện suốt đêm, kẻ thì khóc rấm rứt, người lại cười khúc khích. Tôi vừa ôm con ngủ gật vừa quạt muỗi cho hai cháu, hình ảnh chồng tôi quay cuồng mãi trong đầu, khi anh nói, khi anh cười, lúc anh đầy nước mắt… Sau những nguồn cơn cực nhọc và xúc động mạnh này, về nhà tôi bị thương hàn nhập lý, rụng hết mái tóc dài, gần trọc cả đầu, tôi đã trối trăn cho bà chị nuôi dạy hai cháu, tưởng không còn được thấy mặt chồng tôi lần nữa…
…Chín năm sau, đúng ngày giỗ đầu Ba tôi, anh đột ngột bước vô nhà. Tôi suýt té xỉu vì vui mừng, cứ ôm chặt anh mà.. khóc ngất. Anh cười sang sảng:
- Cái chị này chỉ được cái khóc là giỏi thôi, phải động viên cho chồng đi sang Mỹ đi chứ … Hà hà..
Các chị em tôi từ Đà Lạt tất bật xuống thăm. Vừa xong ngày đám giỗ thì cả nhà đã vui như hội. Tất nhiên tôi là người mừng vui nhất….
Hạnh phúc đã trở về trong vòng tay tôi. Tôi sẽ ôm thật chặt lấy nguồn hạnh phúc này, không bao giờ để cho đi đâu xa mất nữa…


Trăm Ngàn Nhánh Khổ - Tác giả Vũ Thế Thanh

 

Sau năm 1975, tôi học được một điều, mà đến nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Lịch sử thuộc về người chiến thắng. Chân lý cũng thuộc về người chiến thắng luôn. Đánh thắng cả 3 tên đế quốc đầu sỏ, sao lại không đúng? Cái gì không có nội dung, mới cần tới hình thức là thế. Người chiến thắng tự hào là đúng rồi, nhưng tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm đất nước ra nông nỗi thế này, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.
Các quán nhậu vỉa hè dọc kênh Nhiêu Lộc dạo này nhiều người hát rong, cũng ampli, loa, micro không dây, nhạc đệm,… Họ chỉ hát toàn nhạc xưa, nhạc sến, với điệu rumba, bolero nghe tưởng như đồng hồ đếm ngược. Lần trước về Sàigòn, tôi đã ngồi quán vỉa hè, nghe những bài ca vỉa hè như thế… Lặng cả người, “…Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người, mà yêu thương trót trao nhau trọn lời…”.
Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng tư 1975, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để “đối phó” với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại tưởng họ đã đến bến bờ thiên đường. Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ, không phải là chuyến xe Sàigòn – Đà Lạt. Có khi Hà bá mời xuống chơi, có khi tủi nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ người cũng chưa hết.
Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, “Xứ này không ăn dơ như thế”.
Cũng có người đi làm nail, tiền tươi thóc thật, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con, hiểu sát nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt. Tiền gửi về nhà, người thân trong nước tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng, không mua bảo hiểm y tế.
Nhưng cũng có người kiên nhẫn vừa làm vừa học, thành danh nơi xứ người. Nhưng cho dù thế nào nơi xứ người, vẫn còn ít nhiều cơ hội, có chịu nắm hay không mà thôi. Trong nước thì coi như bế tắc.
Hồi đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm 5- 7 học sinh. Có em học xuất sắc, bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy” còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ… bãi gửi xe. Em đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Đất nước này không dung những tiềm năng như em…
Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi chính trị. Sao lại có thể xây dựng đất nước bởi những con người bằng thiệt học giả? Những năm sau 1975, đói khổ và ê chề thấy rõ. Giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, người bơm mực bút bi, bán bún riêu, buôn hàng lạc xon,… Lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô la,…
Năm 1978, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam lũ, nhưng đẹp, quý phái, không quá 30, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê 2 bao than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: “Lát nữa gần đến ga Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi 2 bao than này xuống”. Chị buôn lậu than, đến ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của bà mẹ trong một tác phẩm của C. V. Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi nơi ẩn nấp của con bà. Gheorghiu đã mô tả đôi mắt của bà cũng buồn và nhẫn nhục như thế.
Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu – Trương Minh Giảng, ăn mặc chắp vá màu mè như phường tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, “Cho trẫm điếu thuốc”. Hoàng thượng đã chiếu cố xin thuốc dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc và cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, “Cho lui…”. Lui rồi, ngoái cổ lại, thấy hoàng thượng tiếp tục múa chổi đi quyền.
Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ trước rồi, sau 1975 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho khổ? Mà Sài Gòn lúc đó sao lắm người điên thế! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông ăn mặc lịch sự lắm, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre,…
Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng 1,5 kg kèm bức thư ngắn: “Gửi mày mấy hộp thuốc tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần đó”. Tâm thần phải chăng là lối thoát của con người với thực tại quá phũ phàng?
Ngẫm lại, một nhà chính trị tài giỏi là người có thể đưa đất nước tới mục tiêu mà ít đổ máu nhất, chứ đâu cần phải đốt cả dãy Trường Sơn, đánh tới người cuối cùng. Mạng người quá bèo. Bèo thì cũng đành, nhưng hệ lụy cho người còn sống, cha mẹ vợ con họ mới là nỗi đau gặm nhấm cả đời.
Cả đất nước sống bằng khẩu hiệu, đất nước ta dân chủ gấp vạn lần,… Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?
Người lẽ ra phải điên mà không chịu điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối chợ cả tiếng đồng hồ, có khi chẳng mua được thứ gì. Mà có tiền đi chợ là còn may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ,… quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.
Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ, mà lo. Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, “Tội nghiệp cho cả gia đình tôi! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con”. Não lòng đến thế là cùng! Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên, bà này chắc có căn phần phúc đức.
Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải phong… Thánh.
Tháng tư năm nay, Sàigòn nóng khủng khiếp. Sàigòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng tư năm nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ở Couvent des Oiseaux đối diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.
Đà Lạt 8 giờ tối đã như 12 giờ khuya ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về nhà như kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn yên tĩnh như đêm. Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan chập chờn trên mặt sân. Cuối tháng tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sàigòn để ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này của kẻ buồn, không nói cho thế hệ sau biết những buồn bã sau 1975 là như thế đó, lòng dạ nào yên?
Năm 1975 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người thành danh, đứa bầm dập, và cho dù có ở phương trời nào, tây hay ta, nỗi khổ vẫn theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn cuộc đời rồi?
Tháng tư, tôi thắp ngọn nến trong lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được ở quán rượu “…Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Cà Phê "Bệt" | 1 trong 1001 văn hóa Cà-Phê của Sài Gòn





Pin mặt trời trong không gian cung cấp năng lượng 24/7





Tết ‘té nước’ Songkran ở ngoại ô thủ đô Mỹ





Mùa thả diều ở Sài Gòn





Nhạc ngoại lời Việt : "Một thoáng chim bay" là của nhóm nào ?





Ca sĩ Họa Mi : 50 năm dâng tiếng hát cho đời





Nguồn gốc của nghi thức rước đuốc Olympic





5 vấn đề khẩn cấp cần giải quyết trước ngày Thế vận hội Paris khai mạc





Các 'án chính trị' sẽ ra sao sau khi hai luật sư nhân quyền bị đoàn luật sư ruồng bỏ?





Vụ Vạn Thịnh Phát: Liệu 'trùm cuối' có bị truy ra?





Con Đường Việt Nam | Hợp Ca | Nhạc: Trúc Hồ | Lời: Anh Bằng





Những ca khúc tâm tình lưu vong (1975 - 2024)





Một Ngày Việt Nam | Hợp Ca Asia | Nhạc: Trúc Hồ | Lời: Trầm Tử Thiêng |





Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

Căng thẳng Biển Đông: Dân Philippines biểu tình, giẫm hình nộm Tập Cận Bình





Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đông trong 'tầm nhìn biển' của TQ





Giới trẻ Việt ở hải ngoại và mối quan tâm về văn hóa truyền thống





Quán mì miễn phí ở Sài Gòn





Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước 2030





Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nỗ lực thúc đẩy giới trẻ Việt Nam đến với tiếng Pháp





Sylvie Vartan và Nicoletta : Những bản hoà âm tân thời của nhóm Bon Entendeur





Chính sách kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình chọc giận thế giới





Thể thao Nga bị loại khỏi Thế vận hội Paris 2024 hay thất bại của quyền lực mềm Putin





Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Á : Một lối thoát kinh tế cho Nga...





Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Á : Một lối thoát kinh tế cho Nga





Không đánh mà đối phương thua: Giải mã ‘‘chiến tranh tâm lý’’ của Trung Quốc chống phương Tây





"Chung sống với kẻ thù ": Công cuộc hòa giải sắc tộc ở Rwanda 30 năm sau nạn diệt chủng





Đồng bằng sông Cửu Long : Nông dân phải thích ứng với ngập mặn ngày càng trầm trọng...





Trung Quốc dùng đến công cụ tiền tệ cuối cùng để cứu vãn kinh tế ?





Miến Điện còn loạn, Thái Lan càng lo





Live: Hội Thoại và Buổi Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Tuấn Khanh, Lê Văn Khoa & Nghĩa Bùi (4/10/2024).





Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

1954 - 1975 ; Tác giả: Phạm Duy ; Ca sĩ: Uyên Phương





San Francisco: Người lớn đua xe thiếu nhi





Có thực VN khủng hoảng ghế Chủ tịch nước, Ngoại trưởng Vatican sắp thăm HN





Độc tài số và những nền độc tài hiện hữu ngày nay





Ngày lễ Phục sinh ở Mỹ





Bức tượng Hiroshima sống sót sau vụ nổ hạt nhân đứng vững ở Manhattan, New York





The Economist : Đảng cộng sản Việt Nam thuộc loại « bí mật nhất quả đất »





Il Volo và dòng nhạc bán cổ điển : 15 năm thành công sự nghiệp





« Hội chứng La Habana » : Màn bí mật đã được vén lên





Vùng Bắc Cực : Khu vực cạnh tranh mới giữa Nga và NATO





Tập đoàn Hà Lan ASML, điểm quyết đấu của cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung





Tại sao Trung Quốc tái hiện khu đầu não chính quyền của Đài Bắc tại khu Nội Mông?





Israel lần đầu tấn công cơ sở ngoại giao, Iran lâm vào thế bí





Tại Niger, Hoa Kỳ bị Nga phục kích





Nga, bệ phóng quân sự của Bắc Triều Tiên





Tranh cãi sôi nổi về nhập cư trước thềm bầu cử Nghị Viện Châu Âu





Hoàng Oanh - Tha La Xóm Đạo





Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Chào Little Saigon (Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Tuấn Minh, Nguyễn Trung Thành)





Dựng Cờ Tại Little Saigon, 24/3/2024

 



L.V.BEETHOVEN: piano concerto no°1 - Krystian ZIMERMAN;WIENER PHILHARMONIKER





Ông Võ Văn Thưởng ngã ngựa ảnh hưởng gì tới cuộc đua chức Tổng bí thư?





Người trẻ lo lắng vận mệnh đất nước hơn là sự thay đổi Chủ tịch nước!





Việc Trung Quốc phủ nhận mối đe dọa an ninh của TikTok là sai rõ ràng





Chính phủ Anh phát động tuyên truyền để ngăn chặn di cư bất hợp pháp từ Việt Nam





Người Việt hải ngoại ủng hộ hoạt động bảo tồn văn hoá Việt





Malawi thử nghiệm ngô biến đổi gen để chống nạn đói và sâu bệnh





Chúng tôi không khuất phục trước quân xâm lược Nga, nhưng cần sự chung tay tiếp sức!





Mô hình Trung Quốc: vấn đề hôm nay và bài học nào cho Việt Nam?





Thế Vận Hội Paris 2024 : Paris muốn "thanh lọc xã hội", che giấu những khốn khổ





Trung Quốc ngang nhiên « lấn biển, chiếm đất » các nước láng giềng





Tuần lễ Quốc tế Pháp ngữ : Đại học Albany ở Mỹ và nỗ lực bảo tồn tiếng Pháp





Việt Nam : Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền ?





Nông sản Ukraina trong tầm ngắm của nông dân châu Âu : Nga thắng lớn





Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Nvidia ra mắt 'siêu chip' để đi trước đối thủ





Bến Tre: Nông dân chật vật tìm nước ngọt





Cuba: Người dân vẫn thiếu điện và lương thực sau các cuộc biểu tình





Dọn rác ngoài vũ trụ bằng robot





Đào, Phở và Piano và tinh thần dân tộc cực đoan





Ông Võ Văn Thưởng ngã ngựa ảnh hưởng gì tới cuộc đua chức Tổng bí thư?





Camera tí hon đeo trên người giúp phòng chống tội phạm





Nắng nóng, du khách ‘kéo’ nhau ra Vũng Tàu tắm biển





Nga đẩy mạnh cuộc chiến gián điệp ở phương Tây





Vì sao chúng tôi kêu gọi 'Cùng suy tư về ngày 30/4'?





Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Đi tìm xác tàu Le Phénix ngoài khơi Việt Nam





Du học sinh Việt Nam 'biến mất" ở Úc





Tình trạng đưa phong bì bị than phiền lâu nay





Ông Võ Văn Thưởng ngã ngựa ảnh hưởng gì tới cuộc đua chức Tổng bí thư?





Thăm cù lao Rùa ở Tân Uyên





Giới thiệu các chuyên ngành đào tạo trong lĩnh vực chất bán dẫn





Nỗi niềm xe công nghệ





Camera tại cửa hàng bán hoa ở Kyiv ghi lại khoảnh khắc vụ tấn công phi đạn của Nga | VOA Tiếng Việt





Máy bay C919 của Trung Quốc và tham vọng ở thị trường Việt Nam





NGƯỜI VỀ ĐẦU NON. Tập 03 - Tác gia Võ Hồng.





NGƯỜI VỀ ĐẦU NON. Tập 02. Tác giả: Võ Hồng.





NGƯỜI VỀ ĐẦU NON. Tập 01. Tác giả: Võ Hồng.





Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Schubert Serenade





Bình Long Anh Dũng-Nhận Diện Anh Hùng (Disc 2)





Bình Long Anh Dũng ,Nhận Diện Anh Hùng (disc 1 )





Du học sinh Việt Nam 'biến mất" ở Úc





Độc đáo lễ hội đàn bà đánh đàn ông ở Ấn Độ





Hải đăng Vũng Tàu





Chủ tịch Thưởng thôi chức và bị thay thế, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh- hồi kết sẽ thế nào?





Người Việt hải ngoại tưởng niệm Hai Bà Trưng





Nghề tạo hình mỹ thuật từ mút xốp





Học sinh háo hức chờ đón kỳ nghỉ xuân ở Mỹ





Việt Nam thiệt hại mùa màng gần 3 tỷ đô/năm do hạn mặn





Robot ‘nhà nông’, giúp chăm sóc mùa màng hiệu quả





Tuần lễ Pháp ngữ ở Việt Nam : Gắn kết người yêu tiếng Pháp và văn hóa khối Pháp ngữ





Zaho de Sagazan và Nuit Incolore : Tia chớp tăm tối, bướm đêm sáng ngời





Không còn tầm vóc thời Liên Xô, nước Nga của Putin vẫn đe dọa cả thế giới





Vịnh Bắc Bộ: Trung Quốc muốn vẽ lại ranh giới khi công bố "đường cơ sở" mới?





Putin, tù nhân của điện Kremlin





Giải quyết nợ : Trung Quốc, thất bại được báo trước





Cuba vẫn mất điện, thiếu ăn





Đức : Khi đầu tầu kinh tế của châu Âu « mệt mỏi »





Từ điển Pháp-Việt 1884 với tiếng Việt: Đóng góp bị lãng quên của Trương Vĩnh Ký







Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Elton John - Imagine (Central Park 1980)





Giáo sư người Mỹ thảo luận về Nhân Văn Giai Phẩm tại Little Saigon





Bầu không khí chờ đón lễ Phục Sinh tại Mỹ





Thủ đô Mỹ háo hức chờ đợi mùa hoa anh đào





Nhà trọ mùa nắng nóng





Trung tâm văn hóa Việt ở khu vực thủ đô Mỹ: Giấc mơ sắp thành hiện thực ?





Il Divo và Natasha St Pier : Aimer, phiên bản nhạc kịch





Tiktok phải ‘‘cắt đứt với đảng Cộng Sản Trung Quốc hoặc rời khỏi Hoa Kỳ’’





Giới trẻ Trung Quốc mất niềm tin, giấc mộng Trung Hoa thành vô nghĩa





Tương lai của thế giới dân chủ trong tay cử tri Mỹ





Khi Pháp vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu vũ khí





New Delhi tái khởi động nỗ lực xây dựng trục Ấn-Nhật-Hàn để đối phó với Trung Quốc





Cảnh sát Trung Quốc tại Hungary : Quan hệ khăng khít giữa Bắc Kinh và Budapest





KẺ BẤT LƯƠNG





Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Tiếng nói của người tha hương





Giáo Dục Phân Biệt Người Bắc Và Người Nam





Quan hệ Ý - Trung sau khi Roma rời bỏ « Con Đường Tơ Lụa Mới »





Khi tội phạm mạng Bắc Triều Tiên được ChatGPT tiếp sức





Dưới bầu trời Paris : Phiên bản mới của Chimène Badi





'Võ Việt Nam có nhiều thế khó nhưng hay và đẹp'



Gác lại không khí Tết, công nhân trở lại Bình Dương làm việc





Thú vui sưu tầm cổ vật Việt Nam





Về Đồng Tháp viếng ‘Ông Bà Chủ chợ Cao Lãnh’





Tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam





Học sinh-sinh viên trở lại học đường sau kỳ nghỉ Tết





Tuổi thơ Ukraine giữa cuộc xâm lược của Nga





Chiến binh Ukraine gốc Việt hai lần bị thương không ngại quay lại chiến trường





Chiều Mưa Biên Giới | Tưởng Nhớ Cố Nhạc Sĩ - Đại Tá NGUYỄN VĂN ĐÔNG





Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

Phần 2 - Tâm tình cùng 4 nhạc sĩ hòa âm trong chương trình Ngô Thụy Miên





Trump Claims He Issued Shocking Warning To NATO Leaders If They Didn't Pay Their Full Commitments





Venetian Gondola song Op 19, No 6 (F. Mendelssohn)





Kinh tế sa sút, Trung Quốc cố lôi kéo nhưng các nhà đầu tư vẫn ra đi





Nước Pháp hưởng lợi gì khi tiếp nhận du học sinh quốc tế ?





Hình tượng mùa xuân trong nhạc ngoại lời Việt





Tìm hiểu tục đón Giao thừa, Năm mới ở một số nước





Nghề đánh bóng lư đồng ở Sài Gòn





Đại sứ Mỹ trả lại nhật ký thất lạc cho cựu chiến binh Việt Nam





Bốn người Việt bị bắt ở Nhật vì trộm quần áo tại cửa hàng Uniqlo





Độc đáo các kiểu tạo hình rồng ở Bình Dương





Tại sao người Mỹ rời California để chuyển sang Florida và Texas





Bốn người Việt bị bắt ở Nhật vì trộm quần áo tại cửa hàng Uniqlo





Dân Trung Quốc lợi dụng kẽ hở miễn thị thực để vào Mỹ





‘Nhìn Lại Sử Việt’





Cậu bé Gaza đem ánh điện về nhà giữa thời chiến





Vì sao chúng tôi nâng niu những viên ngọc văn hóa Việt Nam ở hải ngoại





Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Tran Thai Hoa & Phuong Thao, Em đến thăm anh đêm 30





Liệu AI có giết chết nền âm nhạc?





Chùa Việt hải ngoại bắt đầu các chương trình đón Tết





Tết trong đời sống ở ngoại ô thủ đô Mỹ





Lư đồng An Hội những ngày giáp Tết





Đi mua đào Tết ở Mỹ





Triển lãm Bonsai mùa Tết ở Little Saigon





Rộn ràng mùa bánh Tết





Ôm ấp thú cưng có lợi cho sức khỏe





Cuộc sống bế tắc, dân Mỹ bỏ thành phố về quê hái rong biển





Sống trong tự do dân chủ, giấc mơ của nhân loại





Alain Delon : Đằng sau “sát thủ đào hoa” là tâm hồn cô độc





Pháp : Giới nông dân đã nguôi cơn giận, nhưng « kẻ thua cuộc là môitrường và châu Âu »





Trầm Tử Thiêng IX - Lưu Vong Khúc





Tâm tình cùng 4 nhạc sĩ hòa âm trong chương trình Ngô Thụy Miên - Tác Gi...





Phương Tây không nên mừng khi kinh tế Trung Quốc yếu đi | VOA Tiếng Việt





Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Chopin - Nocturne op.9 No.2





Vì sao chế độ vẫn từ chối công nhận các tử sĩ Hoàng Sa?





Tết Việt năm 1950: Người dân chơi bầu cua tôm cá trong năm mới





Trung Quốc được nói đang đứng trước nguy cơ 'sụp đổ' thể chế, chế độ





Khai trương nhà hàng robot ở California





Đường phố Sài Gòn trang trí Tết





Ẩm thực Việt và chút tâm tình hải ngoại nghênh đón Xuân về





Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng vụ công dân Mỹ bị kết án chung thân ở Đắk Lắk





Lễ hội Tết Việt





Tết trong đời sống ở ngoại ô thủ đô Mỹ





Tết quê trong phố





Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ : Ba « cứu tinh » lớn cho nền kinh tế Nga





Nước Pháp đã sẵn sàng đón Thế vận hội Paris 2024 ?





Cải tổ chính trị để không bỏ lỡ cơ hội thành nước giàu, Việt Nam có dám ?





Trung Quốc đang tính toán những gì ở Miến Điện ?





Cải tổ chính trị để không bỏ lỡ cơ hội thành nước giàu, Việt Nam có dám ?





Nước Pháp đã sẵn sàng đón Thế vận hội Paris 2024 ?





Ecuador : ''Thiên đường của hòa bình'' trở thành một trong những nước bạo lực nhất thế giới





Bảy nhược điểm của Mỹ khi phải đối đầu với Trung Quốc





Kỷ Niệm Vui Và Đáng Nhớ Chấm Thi Tuyển Vào Lớp Đệ Thất - Tác giả Lâm Vĩnh Thế

 

Tôi tốt nghiệp Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Khóa 3 (1963), Ban Sử Địa và đã có thời gian dạy học tại hai trường trung học công lập.  Trường thứ nhứt là Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa (Bến Tre), 1963-1966, và trường thứ nhì là Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, 1966-1971.  Trong thời gian 8 năm này (1963-1971), tôi đã được tham gia vào việc chấm thi các kỳ thi tuyển học sinh vào lớp đệ thất.   Bài viết này cố gắng ghi lại một vài kỷ niệm vui và đáng nhớ trong các lần chấm thi đó.

Hình cổng chính của Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa

Kiến Hòa là một tỉnh thuộc khu Tiền Giang, nằm trên địa bàn của 3 cù lao: Cù lao An Hóa, Cù lao Minh và Cù lao Bảo, phía Bắc là tỉnh Định Tường (Mỹ Tho), và phía Nam là tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh).  Trong thời gian đầu thập niên 1960, tỉnh Kiến Hòa gồm có 7 quận: Trúc Giang (nơi đặt tỉnh lỵ), Hàm Long, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày, Bình Đại, và Thạnh Phú. [1]  Cũng như tất cả các tỉnh khác của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong thời gian này, Tỉnh Trưởng Kiến Hòa luôn luôn là một sĩ quan cấp tá của Quân Lực VNCH, trong đó về sau có 2 vị rất nổi tiếng là Phạm Ngọc Thảo và Trần Ngọc Châu. 

Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa là trường trung học lớn duy nhứt của tỉnh, chung cho cả nam và nữ sinh, có đầy đủ các lớp đệ nhứt và đệ nhị cấp, từ đệ thất cho tới đệ nhứt (tại các quận chỉ có các trường trung học đệ nhứt cấp thôi).  Hàng năm số học sinh dự kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất khá đông và, vì vậy, hội đồng thi luôn luôn gồm tất cả các cấp giáo chức của trường: các giáo sư trung học đệ nhị cấp, các giáo sư trung học đệ nhứt cấp, và ngay cả các anh chị giáo học bổ túc.

Lúc chấm thi tất cả tập trung trong một phòng học lớn của Trường dưới sự điều hành của ông Hiệu Trưởng hay ông Giám Học.  Khi đọc được cái gì vui trong các bài thi của thí sinh thì người chấm bài sẽ đọc lớn lên cho cả phòng nghe.  Không khí chấm thi, nhờ vậy, có được những giây phút vui vẻ, thoải mái cho mọi người. 

Bây giờ, năm 2024 này, sau hơn 60 năm, tôi chỉ còn nhớ được vài ba câu chuyện thôi, xin kể ra đây cho mọi người đọc cho vui.

Chuyện thứ nhứt

Môn thi là Quốc Văn, đề thi như sau: Em hãy bình giải câu “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.”

Bài trả lời được “chấm” là như sau:

“Ông bà ta xưa thường nói cái câu “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.”  Vậy là ông bà ta ngày xưa cũng đã có biết về Vệ Sinh Thường Thức.  Con ngựa là loài thú vật mà còn biết Vệ Sinh, sợ bị bịnh truyền nhiễm, nên không ăn cỏ chung với con ngựa bị bịnh.  Vậy chúng ta phải biết giữ Vệ Sinh cho thiệt tốt để tránh khỏi bị các bịnh truyền nhiễm nguy hiểm.”

Chuyện thứ nhì

Môn thi là Câu Hỏi Thường Thức, đề thi như sau: Khi bị chó cắn, em phải làm gì?

Bài trả lời được “chấm” là như sau:

“Bà Ngoại em có dạy là khi bị chó cắn thì phải mau mau kiếm mấy trái ớt sừng trâu có màu thiệt đỏ, rồi lấy con dao yếm dưới bếp bằm ớt cho thiệt nhuyễn, xong rồi dùng con dao yếm đó vít ớt đắp lên chỗ bị chó cắn, sau đó cũng dùng con dao yếm đó liếc qua liếc lại chỗ bị chó cắn, con trai 7 lần, con gái 9 lần.”

Chuyện thứ ba

Môn thi là Lịch sử, đề thi như sau: Ai là người đã nói câu: Ta Thà Làm Quỷ Nước Nam.

Bài trả lời được “chấm” là như sau:

“Vua Quang Trung bị quân Pháp bắt, quân Pháp dụ Vua Quang Trung về hàng.   Vua Quang Trung đã khẳng khái đáp lại rằng: Ta Thà Làm Quỷ Nước Nam Chớ Không Thèm Làm Vua Nước Pháp.”

Toàn cảnh Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (THKMTĐ) [2] khai giảng năm học đầu tiên vào đầu niên khóa 1965-1966, nam nữ sinh học chung, với 8 lớp học: 4 Lớp Đệ Thất và 4 Lớp Đệ Lục, mỗi lớp có 35 học sinh.  Sau đó, mỗi năm Trường mở kỳ thi tuyển, lấy vào thêm 4 lớp đệ thất, mỗi lớp cũng sẽ chỉ có 35 học sinh, tổng cộng con số học sinh được trúng tuyển sẽ là 140. 

Tại thời điểm này, Trường KMTĐ là trường trung học công lập có cơ sở bề thế, khang trang nhứt của VNCH và giảng dạy một chương trình giáo dục trung học mới gọi là Giáo Dục Tổng Hợp.  Các kỳ thi đều tổ chức theo lối trắc nghiệm, 1 câu hỏi với 4 câu trả lời a, c, c, d để học sinh chọn câu nào đúng thì khoanh tròn lại, do đó, bên ngoài dân chúng thường gọi nôm na cho vui là thi theo lối “a bê xê khoanh.”

Thi tuyển vào lớp đệ thất thì cũng vẫn sử dụng lối trắc nghiệm như vậy.  Do đó, khi giáo sư chúng tôi chấm thi tuyển đệ thất thì hoàn toàn không thể có những chuyện vui như ở Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa được.

Hè năm 1968, trong kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất, đã xảy ra một chuyện khá lý thú mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến ngày hôm nay.  Câu chuyện như sau:

Mùa hè năm 1968, trong kỳ thi tuyển vào lớp Ðệ Thất của trường, trong số thí sinh có một em là con của vị đương kim Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục.  Sau khi có kết quả, em này không đủ điểm để được chấm đậu.  Theo thông lệ, mỗi năm trường KMTÐ chỉ tuyển vào 4 lớp Ðệ Thất, mỗi lớp 35 học sinh, tổng công tối đa là 140 học sinh.  Trước khi kết thúc hội đồng thi, có ngườI nêu lên một vấn đề tế nhị như sau: có nên đặc biệt chiếu cố cho em học sinh này hay không để tránh làm mất mặt vị Thứ Trưởng cũng như để tránh những khó khăn trong quan hệ giữa trường và Bộ sau nầy.  Ban GS, sau khi thảo luận rất cặn kẽ, đã quyết định không dành cho em thí sinh này một sự chiếu cố đặc biệt nào cả.  Lý do: nếu lấy em này vào số đậu thì phải loại một em khác một cách bất công.  Ðiều đáng nói hơn nữa là thái độ rất đàng hoàng, đứng đắn của vị Thứ Trưởng kia: ông vui vẻ chấp nhận quyết định này của ban GS KMTÐ và còn nhắn lời khen ngợi của ông đến ban GS.” [3]

Thay Lời Kết

Các kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất tại các trường trung học công lập đều là những kỳ thi nhỏ, có tính cách địa phương, và thường bị ảnh hưởng bởi sự gởi gắm của các thân hào nhân sĩ cũng như áp lực của các cấp chính quyền tại địa phương.  Cũng may, trong thời gian tôi dạy học ở Kiến Hòa, có lẻ nhờ Kiến Hòa không ở quá xa thủ đô Sài Gòn (chỉ cách 80 km), nên trong các kỳ thi tuyển vào lớp,đệ thất, tôi đã không gặp những chuyện gởi gắm hay áp lực đáng buồn như vậy.  Về phần Trường KMTĐ thì có thể nói sự việc đã xảy ra trong kỳ thi tuyển đệ thất năm 1968 là một điểm son cho nền giáo dục của VNCH, và tôi thật sự vô cùng hãnh diện với việc làm quang minh chính đại và chí công vô tư của các bạn đồng nghiệp của tôi tại Trường, cũng như rất kính phục cách hành xử đàng hoàng và đúng mực như vậy của ông Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục..

GHI CHÚ:

1. Kiến Hòa, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Kiến Hòa – Wikipedia tiếng Việt

2. Lâm Vĩnh-Thế, Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức: Một Đường Lối và Phương Pháp Giáo Dục Tân Tiến của Việt Nam Cộng Hòa, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức: Một Đường Lối và Phương Pháp Giáo Dục Tân Tiến của Việt Nam Cộng Hòa – TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ (uoregon.edu)

3. Lâm Vĩnh-Thế, Chung một giấc mơ,  tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Chung Một Giấc Mơ (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)