khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

"Ông Bà ham vui nên mới đẻ lủ trẻ đông như thế này!"







Lm Vũ Thế Toàn đối thoại Sư Hằng Trường







Bài giảng đầu năm 2017 gây chấn động lòng người tại nhà thờ Thái Hà Hà Nội







Xem tướng Tập Cận Bình - GS Trần Quang Quyến







Thủ tướng Do Thái Netanyahu bị điều tra





VỢ MÌNH - VỢ NGƯỜI



VỢ MÌNH
 
Vợ mình rau cháo đơn sơ,
Thương chồng từ thuở ban sơ mới về.
Thương anh từng bước não nề,
Ươm tơ, đan áo, gởi về biên cương,
Thương người chiến sĩ sa trường,
Lằn tên, mũi đạn, đường trường chiến chinh.
Thương nàng đậm nghĩa, đậm tình,
Song đường chăm sóc, gia đình cưu mang,
Trong ngoài quán xuyến trăm đàng,
Để anh trọn vẹn ân ngàn nước non,
Dêm dài ru khẽ đàn con,
Dặn dò, an ủi, non mòn, nước xuôi,
Ngày quê hương dứt ngậm ngùi,
Lửa bom lịm tắt, ngày vui cha về.
Vợ chồng ân nghĩa mọi bề,
Nghiệp non, nợ nước, vẹn bề quốc, gia.
Anh đi giữ nước non nhà,
Lửa hương nồng ấm, tề gia ân nàng.
Một đời sương gió lầm than,
Ngày đời an lạc, thương nàng miên man.
Tóc em dù úa nắng vàng
Tình em như ngọn sao ngàn mắc giăng,
Soi đường ân phúc an bằng,
Tàu anh giông bão, hải đăng soi đường,
Đường tàu, gió thuận, buồm trương,
Đưa anh về chốn lửa hương ấm nồng,
Tay em êm ấm dịu nồng,
Tình em là cõi mây hồng trời trong.
 
Huỳnh Anh Trần-Schroeder:
 
VỢ MÌNH - VỢ NGƯỜI
 
Vợ người hở áo thấy mê
Vợ mình hở áo thấy...ghê cả người...!
Vợ người tươi rói miệng cười
Vợ mình cười phát: đất trời tối thui...!
Vợ người eo gọn, thon đùi
Vợ mình bụng xệ, xương cùi dô ra...!
Vợ người trắng mịn làn da
Vợ mình đen, nhám như là...lưng trâu...!
Vợ người: "anh mỏi ở đâu"...?
Vợ mình: "mỏi mỏi cái đầu nhà ông"...!
Vợ người căng đét bưởi, bòng
Vợ mình như...mướp lòng thòng sớm trưa...!
Vợ người gọi dạ, bảo thưa
Vợ mình hỏi mãi vẫn chưa trả lời...!
Vợ người dọn bữa gọi mời
Vợ mình hở cái lục nồi, vét niêu...!
Vợ người nhìn chỉ muốn...yêu
Vợ mình nhìn muốn...vỡ diều chết tươi...!
Vợ người trên cả tuyệt vời
Vợ mình như thế- chán đời tôi không?
Than ôi- cũng một kiếp chồng
Kẻ sung sướng hưởng, kẻ gồng chịu đau.
Buồn nên tâm sự đôi câu
Mong ai cùng cảnh với nhau hiểu giùm...!
 
Hân Ngọc
 
 

Việt Kiều Chạy Đi Đâu - Tác giả Cô Tư Saigon



Có chạy tới cùng trời cuôi đất, mình với ta cũng khó bỏ nhau? Đó là chuyện của Việt kiều, nhưng cũng là số phận của dân mình... Có lẽ, khi chưa dứt nghiệp.

Như vùng Chợ Lớn, nửa thế kỷ trước là bản doanh của tư bản Đài Loan... vậy mà khi sau 1975, nhà nước Hà Nội bố ráp Trung Hoa Quốc Dân Đảng, thế là một kiểu tiếp tay cho Bắc Kinh. Cho tới hồi xích mích, xảy ra vụ “nạn kiều”... thân phận người Việt gốc Hoa còn thê thảm hơn.

Chạy đi đâu bây giờ.

Việt kiều ở Mỹ, Pháp, Đức... rồi cũng thế. Đảng CSVN sẽ đi theo các bạn tới cùng trời cuối đất. Các bạn dù có nơi nào dung thân kiên cố như Chợ Lớn đối với người Hoa ngày xưa, tương lai cũng sẽ thấy các độc chiêu -- dĩ nhiên, nhân đạo hơn thời xưa nhiều, và cũng khó nhận biết hơn nhiều -- thí dụ, kiểu như luộc ếch, cho nước cứ ấm dần lên là tha hồ mà phê...

Bản tin VOV ghi lời ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, rằng:

“Trong tiến trình hội nhập quốc tế, bà con Việt kiều đóng vai trò quan trọng, họ là “tai mắt” của chúng ta ở bên ngoài.

“Vào những dịp cuối năm, bà con Việt kiều trên khắp 5 châu đều một lòng hướng về quê cha, đất Tổ. Dù bà con có điều kiện về quê đón Tết hay ăn Tết ở xứ người thì những tình cảm đó vẫn luôn hiện diện rõ trên từng khuôn mặt của những người con Lạc cháu Hồng...”

Hình như câu nói nào, năm nào Tết đến là nghe. Bởi vì, mùa Tết là kiều hối gửi về ào ạt.

Chính phủ CSVN nắm quyến lực rồi, không giấu cạm bẫy làm chi, nói rõ đó là Nghị quyết 36. Và cũng nói rõ kế hoạch hành động.

VOV viết:

“..Năm vừa qua, chúng ta tiến hành tổng kết Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Năm ngoái, Ban Bí thư cũng tiến hành tổng kết đồng thời Chính phủ có đưa ra chương trình hành động. “Tôi nghĩ rằng, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 36, không cách nào khác Hội đồng tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào phải tích cực hơn nữa, phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân là người Việt Nam ở nước ngoài nhiều hơn nữa để tập hợp, phản ánh, thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của họ”-ông Nguyễn Phú Bình nói...

...Hiện nay, bà con ở nước ngoài dù còn quốc tịch Việt Nam hay không còn quốc tịch Việt Nam nhưng luôn hướng về Tổ quốc. Bên cạnh đó, trong tiến trình hội nhập quốc tế, bà con Việt kiều đóng vai trò quan trọng, họ là “tai mắt” của chúng ta ở bên ngoài. Nhiều bà con Việt kiều còn là những người dày dặn kinh nghiệm thương trường, trở thành đầu mối quan trọng giúp chúng ta hội nhập thuận lợi hơn. “Ngược lại, bà con Việt kiều khi hội nhập với nước sở tại, hỗ trợ Việt kiều hồi hương về nước nhiều người gặp khó khăn cũng được chúng tôi hỗ trợ, giúp đỡ về mặt thủ tục. Qua sự trao đi đổi lại như thế, chúng tôi mới thực sự thấm thía câu nói “Bà con người Việt chính là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”.

Ông Nguyễn Phú Bình cho rằng, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài luôn là vấn đề lâu dài. Cách đây 10 năm chúng ta có gần 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài thì nay có khoảng 4,5 triệu người...”

Tai mắt cho chính phủ ở bên ngoài? Ai là tai mắt vậy kìa? Phải chăng là các nữ điệp viên bông hồng đỏ?

Bởi vì, trích lời ông Bình, “góp phần đưa mối quan hệ giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước xích lại gần nhau hơn” hẳn là không ai làm hay hơn các nữ đặc vụ tuyệt sắc giai nhân...

Coi chừng nhé, ông Bình nói rõ:

“...Tết nguyên đán của dân tộc đang đến gần, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng MTTQ Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, UBND TPHCM cũng như một số tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch gặp gỡ, đón tiếp kiều bào về quê ăn tết.”

Trong khi đó tuần qua, nhà nước đã trục xuất anh Đặng Xuân Diệu, tù nhân lương tâm, sang Pháp... Và cũng mới đây, nhà nước trục xuất 1 nhà văn nữ hải ngoại, khi chị về thăm nhà ăn Tết... Nghĩa là, chùm khế không phải lúc nào cũng ngọt?

Việt kiều, các bạn chạy đi đâu nhỉ...



Người bị trừng phạt không đau, người ra lệnh trừng phạt bị nhược !






Thần dược đây! Mại dô! Mại dô ! Tác giả Chín Cầu Tre



TV nhà tôi không bao giờ tắt. Người ta xem TV để mở rộng kiến thức, còn nhà tôi coi TV để sưởi ấm cái phòng khách và làm từ thiện cho công ty điện SCE. Dẫu muốn hay không tôi cũng phải nuốt cho trôi mấy cái quảng cáo rẻ tiền lè nhè suốt ngày, thét rồi thuộc làu làu lúc nào không biết. Nếu học ESL mà nhớ được như vậy, chắc tôi không dốt như ngày nay.

Nghe hoài sinh bực, tôi định viết bài vạch trần cái trò bịp bợm của mấy ông” Bác sĩ“ gõ leng keng, chuyên nghề đấm bóp thành  Bác Sĩ bào chế thần được để thành triệu phú. Nhưng tôi nghĩ lại, chắc không có đài TV hoặc một tờ báo nào nhận đăng bài của tôi đâu, vì nếu công chúng thức tỉnh, không mua thuốc dỏm nữa, các hãng thuốc sập tiệm, thì họ lấy đâu ra quảng cáo mà song?

Làm sao mà nuốt được khi nghe quảng cáo “thuốc” Đông Trùng Hạ Thảo thu hoạch trên vùng núi cao hiểm trở ở tận Tây Tạng, đem về bào chế theo tiêu chuẩn Mỹ để chỉ bán trong mấy tiệm thuốc Bắc Việt Nam, lại on sale mua một tặng một!!

Có nhiều ông bà nổi tiếng trong cộng đồng người Việt đã bán rẻ lương tâm và và danh dự của mình làm “cò mồi” cho bọn cá mập. Trong đó có một ông trí thức quảng cáo một sản phẩm tân tiến, kết quả của “sự hợp tác của 3 quốc gia Úc, Mỹ, Đại Hàn”, để chế ra ……“thuốc gội đầu”!!!

Tệ hơn,còn có cái ông bà gì đó, dám lấy cái danh dự của mình để chứng minh là “thuốc” đau khớp có hiệu quả tốt trên cá nhân mình. Họ đều là người có trình độ, nhận tiền để  xúi người làm bậy, chứ dại gì làm con chuột bạch, để thử nghiệm mấy cái đồ dổm này trên cá nhân mình.

Có cô Xướng Ngôn Viên, quảng cáo mỹ phẩm làm bằng “tinh chất hạt trai”, “bột kim cương”.  Tội nghiệp cho Cô, chắc cô học luật nhiều nên dốt đặc củ khoai về hóa học. Hạt trai và kim cương thuộc loại khoáng chất thì làm gì có tinh chất?!!  Kim cương là tinh thể của than ròng, không có phản ứng hóa học với các hóa chất (inert) thì làm làm sao có thể giúp cho sản phẩm làm đẹp của cô?!! Lần sau làm ơn nhớ đọc cho kỹ lời quảng cáo trước khi nhận lời.

Dùng tên tuổi mình để làm quảng cáo là chuyện thường tình. Michael Jordan lợi tức quảng cáo hàng năm lên tới $100 triệu. Tiger Wood kiếm $55 triệu. Nhưng họ dùng tên tuổi mình để  đem sự chú ý đến sản phẩm mà mình quảng cáo, chứ không ai dùng danh dự mình để bảo đảm món hàng dổm là thứ thiệt! Không biết mấy vị trí thức nhưng chậm hiểu VN bị chúng gạt, hay họ tình nguyện bán rẻ lương tâm và danh dự của mình, để hùa theo bọn con buôn, lường gạt người đồng hương nhẹ dạ?

Có vô số kể hàng dỏm loại này. Nào là “Đông trùng hạ thảo, “Rêu Hoàng Hậu”, “Bạch Liên Trà”, Nấm “Linh Chi”, …..Từ cổ chí kim , có ai nghe đến mấy cái tên lạ quắc này bao giờ, không biết họ lượm được ở đâu, đem về quảng cáo rần rộ, “hô biến” thành thần dược, bán như tôm tươi.

Với một chút “động não”, có ai tin một loại thuốc có thể trị bá bịnh, mà toàn là các bịnh nan y???Đố ai tìm được một loại thuốc Tây trị bịnh cao máu, cao mở, tiểu đường, đồng thời ngăn ngừa ung bứu, chống ung thư, tăng cường miễn nhiễm phòng ngừa bịnh tật…?!!! Chỉ cần một loại thuốc này thôi là  đủ để thay thế cho cả một hệ thống y khoa tân tiến ngày nay.

Nếu thật sự có ai khám phá ra cách ngừa hoặc chữa bịnh ung thư, làm mọc tóc vĩnh viễn, thì đã là một vĩ nhân của nhân loại, và đã là triệu phú qua đêm, khỏi chơi cái trò quảng cáo lường gạt này chi cho mệt.

Để cạnh tranh quảng cáo cho nổi hơn các đối thủ, các “tác giả” nghĩ ra các quảng cáo nghe nổ như sấm, nhưng ngây ngô như con nít . Thí dụ : sản phẩm được tinh chế từ “mầm tế bào gốc của nhau trứng cá hồi”. Chu choa ơi! Nhau chỉ có ở đông vật có vú, lúc có con. Cá Hồi làm gì có nhau, mà đây là  nhau của trứng cá!!! Hơn nữa, sản phẩm còn ghê gớm hơn nhiều, làm từ “mầm tế bào gốc”(stem cell)!!! Chỉ một câu thôi, nó hàm chứa tất cả (sự ngu xuẩn!) những chất liệu kỳ diệu của y khoa, thuốc tiên mà!!!. 

Đám lang băm nhắm vào nhu cầu của bịnh nhân để chế ra sản phẩm. Gia đình nào có thân nhân bị mắc bịnh nan y, Bác sĩ chạy, chuyện xí cô hồn vài trăm bạc mua “”thần dược” về xài thử cầu may là chuyện nhỏ. Tuổi già da nhăn, da xệ, không đủ tiền đi căng da mặt, xài sản phẩm Collagen vừa rẻ vừa dễ dàng. Mỗi nạn nhân cúng cho lang băm vài trăm, đủ cho họ làm giàu.
 
Phong trào thuốc tiên đang đánh mạnh vào các  thành phần “no cơm rửng mỡ”. 

Ngày xưa còn nghèo, không đủ cơm ăn cho no, thì lấy đâu ra mỡ mà  rửng? Bây các cụ có check “Obama” gởi tận nhà băng, các mệ giũa móng, tiền “bo” rủng rỉnh. Giàu sang sinh lễ....mễ, chuyện nọ kia cho vui vẻ cuộc đời! 

Các cụ tuy “ lực bất tòng tâm” nhưng tim còn rộn rả, lâu lâu mới được sổ lồng về Việt Nam để “ cứu đói giảm nghèo” cho mấy em chân dài, chém cha cũng  dấu dưới gầm giường một hai chai Đông trùng Hạ thảo để xài thử cầu may. Mấy mệ sồn sồn, điện nước bất thường, đầm khô cỏ cháy, đặt hy vọng vào sữa ong chúa sẽ làm mượt da, mát thịt, đầm ướt cỏ tươi.  Mỗi mệ đóng hụi chết mổi tháng vài chục thôi, cũng đủ giúp các “Bác sĩ” gõ  leng keng thành triệu phú. 

Ai có đi "Bác sĩ đông y dỏm"  khám bịnh, thế nào cũng lòi ra bịnh “yếu”: Yếu tim, yếu gan, yếu phổi, yếu phèo… cho nên sinh ra hằng trăm thứ thuốc bổ : bổ tim,  bổ gan,  bổ phổi, bổ phèo…! Với Tây Y, có bịnh thì chữa, không bịnh thì  đi về, không có chuyện “yếu”. Nếu ‘Yếu”cần uống thuốc “bổ” thì còn có lý, nhưng không “yếu” uống thêm thuốc cho ”bổ” thì bó tay, hết bàn!!

Chuyện thần dược xưa như trái đất. Sâm, nhung, mật gấu, sừng tê giác, ngọc dương hải cẩu đã xưa rồi. Gần đây có phong trào nhào Noni, sữa ong chúa, nấm Linh Chi, đang đi vào quên lãng. Hiện tại đang rần rộ phong trào mới đang hốt bạc:  Đông trùng hạ thảo, rong biển, collagen và tế bào gốc. Bà con lẹ tay mua đi vì giá còn cao, nếu chậm tay sẽ mất giá, quí vị mất đi cơ hội làm từ thiện đó.

Thần dược phải là hàng quí hiếm. Lên núi cao tìm Đông trùng hạ Thảo, hái Sâm, hái nấm Linh Chi,  lặn dưới bể sâu hái rong biển Rêu hoàng Hậu, leo vách núi cheo leo thu hoạch Yến sào…. (chỉ có vua chúa ngày xưa mới có mà xài), bây giờ bán đầy chợ Việt Nam, giá rẻ như bèo, lại đang on sale bao nhiêu cũng bán.  Đồ quí hiếm không bao lâu sẽ không quí hiếm nữa. Sâm Đại Hàn nay được trồng như củ cải. Đông trùng hạ thảo, nuôi cấy như làm giá. Nấm Linh Chi trồng như nấm mèo, nấm rơm. 

Theo thống kê, (Nếu không biết dùng thuốc quí hiếm) tuổi thọ bình quân toàn cầu năm 2010-2013 là 71.0 tuổi, Vua chúa ngày xưa được dùng thuốc quí hiếm nên tuổi thọ các ngài trên dưới 40!! Có cụ ngày nay có phương tiện sống như vua chúa ngày xưa, dùng các bí quyết gia truyền để mang tuổi thọ của mình xuống 40. OK. Nếu đó là nguyện vọng của các cụ. Không ai dám cản.

Ai quảng cáo thế nào thì mặc họ, nghe hay không là quyền của chúng ta, đừng để mình bị mắc lừa bởi bọn con buôn. Chúng ta phải biết rằng những sản phẩm đang được (bác sĩ đông y dổm) quảng cáo rầm rộ là “thuốc” để trị bịnh đều là “dinh dưỡng phụ trội” (Dietary supplement) được ghi chép rõ ràng trên nhãn hiệu của hộp. Quảng cáo “chất dinh dưỡng phụ” là “thuốc” để trị bịnh là hướng dẫn sai lầm, vi phạm tội lường gạt. 

Có ông chủ đài TV, chuyên bán thuốc dổm, tuyên bố thuốc là “thuốc“ của ngài  bán, được USDA và FDA  cho phép (approved). Đây là quảng cáo lường gạt. Theo luật, nhà sản xuất và nhà phân phối phải ghi danh (register) với cơ quan FDA (Food and Drug Administrator), nhưng không bắt buộc phải có giấy phép để sản xuất hoặc bán các sản phẩm này. Nhãn hiệu (label) cũng phải cầu chứng. 
Các ngài ma giáo dùng chữ cho phép (approved) thay vì ghi danh (registered).

Còn cơ quan USDA (United State Department of Agriculture) không có liên hệ gì đến mấy thứ dổm này, để tên vào cho nó xôm tụ mới gạt được người ta chứ!!!. 

Theo qui chế về dinh dưỡng phụ trội, nhà phân phối có quyền tùy ý  phát biểu thế nào cũng được, về sản phẩm của mình trên nhãn hiệu cầu chứng, thí dụ: trị bá bịnh, bảo đảm có kết quả 100%, không có phản ứng phụ (điều này đúng, vì nếu sản phẩm làm toàn bằng bột mì thì làm gì có phản ứng phụ), nhưng phải có đính kèm câu sau đây, thường được in bằng chữ rất nhỏ để khó đọc hoặc không ai để ý đến: "These statements have not been evaluated by the Food and Drug Administration. This product is not intended to diagnose, treat, cure or prevent any disease.” Xin tạm dịch: “Những phát biểu trên không được FDA kiểm nghiệm. Sản phẩm này không có ý định để chẩn đoán, điều trị, chữa lành, hoặc phòng chống bất cứ bịnh tật nào. 

Nếu có ai thưa kiện bị lường gạt, nhà sản xuất đưa nhãn hiệu có cầu chứng ra mà bảo: Nhãn hiệu ghi chú quá rõ ràng: Sản phẩm này không phải thuốc thang chữa trị gì cả. Làm ơn chống mắt lên đọc giùm. Ai ngu bỏ tiền mua thì ráng chịu, chớ có than van!!!. Ha, Ha, Ha. 


Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân , ca sĩ Sĩ Phú, nhạc Ngô Thụy Miên







KHÔNG CÓ MÙA XUÂN - Tác giả Hoàng Hải Thủy



Bánh xe tị nạn khấp khểnh và muộn màng đưa vợ chồng tôi đến Kỳ Hoa Tháng 12 năm 1994. Tới Tháng 12 năm nay – năm 2016 – vợ chồng tôi đã sống ở Kỳ Hoa 22 năm.

Đã 22 mùa thu lá phong bay qua đời chúng tôi, 22 mùa Virginia tuyết trắng, hôm nay nhớ lại, tôi thấy việc vợ chồng tôi đến Mỹ như mới diễn ra hôm qua.

Những ngày như lá, tháng như mây. Thơ Thanh Nam. Ngày như những cánh lá rơi, tháng như những làn mây bay ngang cuộc đời.

Với tôi, lời thơ Thanh Nam diễn tả thời gian hay tuyệt.

Trong những ngày gần Tết một năm cách những ngày gần Tết hôm nay hai năm, vợ tôi ngã, nằm liệt. Còn may là lần này vợ tôi bị ngã trong nhà chúng tôi. Ngã mà nàng chỉ bị rạn xương, vết rạn không chênh nhau. Đây không phải là lần thứ nhất vợ tôi bị ngã. Nhưng lần này vơ tôi yếu sức, ngã rồi nằm liệt. Nhiều ông bà bạn đến nhà thăm. Có thể các ông bà nghi rằng vợ tôi sắp ra đi, các ông bà đến gập vợ tôi lần cuối.

o O o

Có những  ông bạn hỏi tôi:

– Anh không phải là sĩ quan, không phải là công chức, vì sao anh được sang đây với tư cách là người tị nạn chính trị?
CTHĐ: Câu hỏi thường ngắn thôi, nhưng câu trả lời nhiều khi dài.

Chương Trình ODP của chính phủ Hoa Kỳ chỉ đưa sang Mỹ những sĩ quan Quân Đội Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, những công chức – từ cấp Trưởng Ty  – bị Cộng Sản Bắc Việt bắt đi tù. Thời hạn tù từ ba năm trở lên. Tôi – CTHĐ – không phải là sĩ quan, không phải là công chức, tôi được sang Mỹ vì:

Theo sắp xếp của ông Alan Carter, ông Giám Đốc USIS Saigon, tôi và một số ông Việt nhân viên USIS phải lo giúp những nhân viên USIS sang Mỹ. Ông Alan Carter bay đi khỏi Sài Gòn, từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, trong ngày 29 Tháng Tư, 1975. Nhân viên Việt USIS mới được đưa đi sang Mỹ từ ngày 25 Tháng Tư, 1975. Số nhân viên USIS đi thoát khoàng 1/3.

Anh Ung Văn Luông, chức vụ Trưởng Ban Nhân Viên USIS, cũng bị kẹt lại. Anh và gia đình anh đi thoát bằng thuyền trong Ngày 30 Tháng Tư 1975. Sang Mỹ, anh vào làm việc trong USIA – United States Information Agency – Không quên anh em, anh Luông nhắc những ông Mỹ trong USIA về trường hợp nhân viên USIS bị kẹt. Những ông Mỹ USIA nhờ những ông dân biểu Mỹ, những ông thượng nghị sĩ Mỹ, đưa tình trạng nhân viên Việt USIS Saigon ra thảo luận ở Quốc Hội. Cứu xét để cho sang Mỹ sống. Quốc Hội Hoa Kỳ làm những điều luật cho nhân viên USIS Saigon được chính phủ Mỹ cho sang Mỹ nhưng không được hưởng trợ cấp như những ông sĩ quan Việt đi HO. Nhân Viên USIS Saigon sang Mỹ như những người di dân thường, không phải với tư cách “tỵ nạn chính trị.”

Trong 20 năm tôi sống ở Sài Gòn, 2 lần tù tội, tôi không một lần mơ chuyện tôi sang Mỹ. Năm 1990, sau lần đi tù lần thứ hai – 6 năm – trở về, tôi được những ông bạn USIS chạy thoát sang Mỹ, trong số có anh Ung Văn Luông, liên lạc về cho biết tôi và vợ con tôi được USIA xin với Quốc Hội Hoa Kỳ cho sang sống ở Mỹ. Năm 1992 tôi bắt đầu làm hồ sơ xin đi. Cuộc Ra Đi của gia đình tôi không chật vật hay vất vả, khó khăn gì nhiều. Tháng 12 năm 1994 vợ chồng tôi đượa con chim sắt United Airlines đưa qua biển Thái Bình.

Khi ngồi trong phi cảng San Francisco đèn sáng trưng, không còn biết chắc đó là đêm hay ngày, tôi nhớ những đọan truyện tiểu thuyết Mỹ tôi phóng tác, trong số có những trang tả cảnh trong phi trường nước Mỹ, tôi nhớ một lời tôi đọc trong Kinh Thánh.

Lời Kinh tôi viết ở đây theo trí nhớ nên không đúng từng tiếng:

“Lúc này anh tưởng tượng ra cảnh Thiên Đường, cảnh đó mờ ảo thôi. Cho đến khi anh ở trong Thiên  Đường, anh mới thực biết cảnh Thiên Đường.”

Tôi từng đọc về cảnh sắc nước Mỹ, tôi từng thấy cảnh những phi cảng Mỹ trên màn ảnh xi-nê. Những lúc đó tôi là người đứng ngoài nhìn vào nước Mỹ, nay tôi đang ở trong nước Mỹ.

o O o
 
Chuyện cũ đã xưa đến 40 mùa lá rụng, tôi đã kể nhiều lần, quí vị đã đọc nhiều lần. Xin ngừng, tôi viết về cuộc sống của tôi hôm nay.

Tôi viết về tôi, nhưng cũng là viết về một số người Việt Nam sang nước Mỹ như tôi.

Khoảng 5 giờ chiều trong Văn Phòng ODP Sài Gòn, vợ chồng tôi và ba con chúng tôi nghe phán quyết của một ông nhân viên ODP. Ông này tất nhiên là một ông người ngoại quốc. Hồ sơ của gia đình tôi mở trên bàn trước mặt ông.

Ông nói:

– Hai ông bà này sẽ sang Hoa Kỳ – Ông đọc tên vợ chồng tôi – Ông bà sẽ được hưởng quy chế tị nạn chính trị. Những người kia không được xét đến.

Như lời tuyên án, nói xong ông nhân viên ODP gập ngay hồ sơ, đi ngay ra khỏi phòng.

Như vậy là chỉ có vợ chồng tôi được sang Mỹ, ba con tôi không được đi theo chúng tôi.

Vợ tôi thở ra một hơi thở nhẹ.

Ba mươi năm qua đi, hôm nay viết lại chuyện xưa, tôi lại nghe thấy tiếng thở dài của vợ tôi buổi trưa đầu năm 1994.
Ông bà Anh Ngọc, sang Mỹ năm 1993, bà là nhân viên Đài VOA, gửi thư về cho chúng tôi. Trong thư có tấm ảnh ông bà ngồi trên thảm cỏ xanh trong một công viên ở Virginia.. Thảm cỏ xanh đầy những lá vàng. Lúc đó chúng tôi đang làm hồ sơ để sang Mỹ, chúng tôi chưa biết nên đến nơi nào ở Mỹ.

Vợ chồng tôi trầm trồ:

– Lá vàng đẹp quá. Chúng mình đến Virginia.

Và chúng tôi đến Virginia is for Lovers – Virginia của những Người Yêu – Người làm sponsor cho chúng tôi đến Virginia là bà Khúc Minh Thơ, năm đó bà là Hội Trưởng Hội Bảo Vệ Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị – vợ chồng tôi và các con tôi được bà giúp rất nhiều.

o O o

Đến Mỹ, vợ chồng tôi hưởng ngay tiền SSI. Khoản tiền chúng tôi có một tháng là 1200 Mỹ Kim. Tiền nhà chúng tôi phải trả một tháng là 320 Mỹ Kim: một phần ba tiền SSI của chúng tôi. Căn phòng chúng tôi được cấp giá thuê khoảng 1.000 MK. Vì là Người Già Thu Nhập Thấp – Old Seniors Low Income – chúng tôi chỉ phải trả 320 đô, số sai biệt Sở Xã Hội Quận Fairfax trả. Chúng tôi được cấp Thẻ Medicaid, Medicare. Đau bệnh, chúng tôi được điều trị trong những bệnh viện Mỹ, mọi khoản chi về y tế của chúng tôi đều do Sở Xã Hội trả.

Kể qua vậy thôi. Những con số trong bài viết này không được chính xác lắm. Chuyện tôi muốn kể hôm nay là chuyện: Một ngày trong đời một lão niên người Việt sống ở Kỳ Hoa.

o O o

Hai mươi năm Sống và Viết ở Sài Gòn, tôi muốn được ngồi Viết trước một khung cửa sổ nhìn ra một khoảng trời xanh, một hàng cây có lá xanh mùa xuân, lá vàng mùa thu. Ước mơ ấy của tôi ít khi được toại.

Nay phòng tôi có cửa sổ lớn mở ra hướng đông nam. Đêm, trăng soi vào trước giường tôi, sáng nắng vàng vào đến tận bếp. Người già thường ngủ sớm, dậy sớm. Tôi ngủ khoảng 11 giờ đêm, dậy lúc 5 giờ sáng. Tôi vẫn có thói quen đọc sách. Tuổi Tám Mươi đến, đêm tôi không còn đọc sách được lâu nữa. Đọc hai, ba trang là tôi mỏi mắt. Tôi ngủ thiếp đi, Có những sáng tôi thức giấc lúc 4 giờ. Ngồi trước TiVi, tôi nhâm nhi ly cà phê. Tôi ắn sáng bằng 1 quả chuối tiêu, hai miếng phô mai, 1 hũ yaourt. Sáng nào cũng như thế. Vợ tôi thường dậy muộn hơn tôi. Tôi sọan sẵn  cà phê cho vợ tôi, chờ nàng dậy là tôi pha nước sôi.

Sang Mỹ năm 1975, nhờ bà Khúc Minh Thơ, năm 2003 vợ chồng tôi mang được hai con chúng tôi sang Mỹ. Các con tôi vì job – công việc làm – ở xa chúng tôi. Nên nhiều ngày  tôi cảm thấy  chúng tôi cô đơn.

Vợ chồng tôi gập nhau ở Vũng Tầu Mùa Thu 1954. Chúng tôi yêu nhau Ngày Đất Nước chúng tôi bị chia đôi – Tháng Bẩy 1954 –  Mới đây tôi nói:

– Chúng mình yêu nhau đã sáu mươi năm.

Vợ tôi sửa:

– Sáu mươi hai năm.

Hình ảnh Nàng năm nàng hai mươi hai tuổi thường trở lại với tôi, trở lại thấp thoáng khi tôi nhìn nàng là bà già tám mươi tuổi. Tôi thương nàng. Thời gian tàn phá nhan sắc con người. Tôi kinh sợ có ngày tôi đứng bên giường nàng, chờ nàng trở dậy…

Mười năm đầu khi chúng tôi là vợ chồng, chúng tôi ngủ chung giường. Khi chúng tôi có con, chúng tôi bắt đầu xa nhau. Rồi tôi nghiện thuốc lá. Tôi nghiện nặng, mỗi ngày tôi hút 50 điếu thuốc lá. Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, mỗi ngày tôi hút 50 điếu. Tôi hút thuốc Lá Mỹ: Lucky Strike, Pall Mall, Philip Morris. Toàn thuốc loại King Size: điếu thuốc dài hơn loại điếu thường. Tôi bắt đầu hút thuốc lá Mỹ khoảng năm 1960.

Những năm 1960 một bao thuốc Mỹ giá 30 đồng Việt Nam. Những năm 1970 cũng bao thuốc lá Mỹ ấy giá 400 đồng. Tiền thuốc lá của tôi nhiều hơn tiền gạo của vợ chồng tôi và ba con chúng tôi.

Sau Tháng Tư 1975, tôi hút thuốc lá Vĩnh Hảo, rồi hút thuốc Gò Vấp. Thuốc lá Việt Nam ít chất nicotine, chỉ có khói và chất keo nhựa đen. Những ngày trong tù gần như từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối, không lúc nào không có điếu thuốc lá trên môi tôi. Tôi hít quá nhiều khói vào phổi, cổ hòng tôi bị khói làm khô queo. Tôi ho. Những cơn ho kéo dài làm cho những người bạn tù của tôi mất ngủ khi tôi ở trong tù, làm người nhà bên cạnh trong cư xá tôi khó chịu khi tôi sống ở cư xá Tự Do, cư xá ở giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền. Nhà tôi là một nhà nhò trong dẫy nhà liền mái. Vì nhà liền mái, tiếng người nói trong nhà này, chỉ cần hơi lớn, là người nhà bên bị nghe tiếng.

Năm 1993 tôi than với Mục sư Đinh Thiên Tứ:

– Tôi muốn bỏ hút thuốc lá mà tôi không bỏ được.

Mục sư bảo tôi:

– Ông xin Chúa cho ông bỏ hút là ông bỏ được.

Một buổi sáng năm 1993, ngồi hút điếu thuốc thứ nhất trong ngày trước ly cà phê, tôi xin:

Xin Chúa cho con bỏ thuốc lá.

Tôi buông điếu thuốc xuống…

Và tôi bỏ được thuốc lá ngay lức đó.

Với tôi việc tôi bỏ hút thuốc lá khó hơn là việc Liên Xô tan rã. Vợ tôi không một lần ngỏ ý mong tôi bỏ thuốc lá, nàng chỉ muốn tôi hút ít đi.

Trước ngày tôi bị bắt lần thứ hai năm 1984, vợ tôi lo vàng cho tôi vượt biên. Nàng thủ thỉ:

– Em biết anh không thể sống thiếu người đàn bà. Sang được bên ấy, anh thương ai, anh thấy ai thương anh, anh cứ lấy người ta. Em chỉ mong anh chịu khó làm việc, để dành tiền, gửi về cho em nuôi con.

Tôi chưa kịp đi thì bọn Công An Thành Hồ nửa đêm đến nhà tôi, còng tay tôi đưa tôi đi, cho tôi nằm phơi rốn trong tù 6 niên.

Thì đi vượt biên, đi tù hay đi sang Mỹ cũng là Đi.

Trong 40 năm, từ năm 1954 đến năm 1994 – vợ chồng tôi cùng ở Sài Gòn mà phải xa nhau 8 năm.

Tôi bị tù hai lần. Lần tù thứ nhất 2 năm, lần tứ thứ hai 6 năm.


o O o
Mỗi năm khi Tết Nguyên Đán đến tôi viết một, hai bài gọi là bài Xuân, bài Tết để đăng báo Xuân, báo Tết.

Sang Mỹ tôi vẫn giữ cái lệ ấy.

Nhưng năm nay, năm 2017 đến – trong những ngày Tết Nguyên Đán đang tới, tôi không viết được bài Xuân nào.
Tôi đi vào cảnh được gọi là “ Lão lai Tài tận.” Tài đây là tài năng, mà cũng là tài tiền.

Tết năm 1976 tôi làm bài Thơ thứ nhất sau 20 năm tôi không làmhơ.

Căn Nhà Không Có Mùa Xuân
Ngày xưa tôi đọc Thơ người lạ
Bài Thơ sầu muộn một Tình buồn.
Tôi nhớ ý Thơ, không nhớ cả
Bài Thơ tôi đọc một mùa xuân.
Mùa xuân xưa lắm tôi còn trẻ
Chưa biết đau thương biết nợ nần.
Đời chỉ có Hoa và Mật ngọt,
Da thịt thơm mùi phấn ái ân.
Tôi đã buồn vương, đã cảm thương
Bài Thơ sầu mộng ý như sương.
Người yêu một tối rời nhân thế,
Thi sĩ đau mê chuyện đá vàng.
Đóng cửa nhà xưa, che gió nắng,
Đàn xưa để mặc nhện tơ dăng.
Năm mòn, tháng mỏi, thời gian vắng
Trong căn nhà không có mùa xuân.
Ở giữa căn nhà u tịch ấy
Đời sống buồn trôi với tối tăm.
Cho đến một chiều nghe pháo nổ
Người sống bừng cơn mộng cuối năm.
Tay gầy vén bức màn cô quạnh
Nhìn ra thiên hạ đón xuân sang.
Chơt biết từ đêm Tình tuyệt mệnh
Căn nhà mình không có mùa xuân.
Cửa đóng, màn che vội mở tung
Bình hoa cắm vội một đôi bông.
Rồi rượu mừng Xuân, rồi pháo đỏ
Sắp sẵn lòng vui để đợi mong.
Nhưng chờ đợi mãi Xuân không đến
Nhà vẫn buồn tênh, vẫn tối tăm.
Mới biết từ khi Tình tuyệt mệnh
Căn nhà mình không có mùa Xuân.
Từ đấy hoa tàn và khói lạnh,
Bóng tối trùm lên lưới nhận dăng.
Vĩnh viễn mùa Xuân không trở lại
Trong căn nhà không có mùa Xuân.
Năm nay mái tóc không xanh nữa,
Tôi đã đau thương, đã nợ nần.
Một tối rùng mình tôi cũng thấy:
Sao nhà mình không có mùa Xuân?
Sao nhà tôi không có mùa Xuân?
Bạn ơi, người bạn mới qua đường.
Xin dừng chân lại cho tôi hỏi:
– Sao nhà tôi không có mùa Xuân?
 
 



CHIẾN TRANH ĐÃ QUA LÂU RỒI - Tác giả Đỗ Trường



Sau lễ vọng đêm 24 Noel, tôi và Nam Võ lên xe đến thăm Bùi Lợi, Trần Nam Anh và bạn bè ở Dresden. Xe vừa ra khỏi thành phố, nhận được điện thoại của anh chị Châu Müller từ Bodensee, thông báo:
 
-Anh chị cùng vợ chồng người bạn đang trên đường đến Leipzig. Một cuộc đi ngẫu hứng, và đã đặt chỗ nghỉ ở Hotel Lindenau cạnh nhà Đỗ Trường.
 
Tôi buộc phải quay xe, và bảo:
 
 -Anh chị báo Hotel hủy đặt chỗ nghỉ, bởi nhà em còn đủ phòng cho hai gia đình.
 
Tôi quen chị Châu vào mùa thu 1988, khi chị vừa từ trong nước sang và cầm thư của Tô Vương (Vương Dứa) gửi cho tôi. Tô Vương là người anh lớn tuổi thân thiết, thường cùng nhau bù khú, rượu chè, khi tôi còn ở trong nước. Lúc đó, anh là phóng viên theo dõi, viết về nông nghiệp. Và nghe nói, hiện nay Tô Vương là Ủy viên bộ biên tập, chủ tịch Liên chi hội báo Nhân Dân (?). Chị Châu cùng quê Vĩnh Phú, và là bạn với vợ Tô Vương hồi còn học ở khoa sử Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Chị được bổ sung vào đội may Leipzig, và ở tầng trên, cùng ký túc xá đường tàu 8, quận Grünau với chúng tôi. Ngày đầu gặp, chị gày gò ốm yếu lắm. Cái già đi trước tuổi ba sáu của chị. Biết tôi làm ở lò mổ, thực phẩm, nên cuối tuần chị thường xuống nhờ mua thịt, và các loại wurst, bockwurst (xúc xích)…Thực ra, những người trực tiếp giết mổ và chế biến thịt, thực phẩm lâu ngày như chúng tôi đều ngán, sợ, có khi cả tháng không ăn thịt. Do vậy, tiêu chuẩn mua rẻ như tặng, hoặc hứng lên cứ tự động lấy về mỗi ngày vài, ba cân, thường cho hết bạn bè.
Mấy tháng sau, nhìn chị phốp pháp đẫy đà hẳn ra, nghe nói đã có bạn trai, cùng đơn vị bộ đội phòng không cũ, hiện đang nghiên cứu sinh ở Berlin. Thế cũng mừng cho chị. Bởi, chẳng cứ công nhân lao động, mà kể cả sinh viên, nghiên cứu sinh, dù ở Việt Nam đã có chồng, có vợ, không trước thì sau cũng phải tìm lứa cặp đôi, góp gạo thổi cơm chung với nhau thôi.
 
Mấy tuần trước tết Nguyên Đán 1989 không thấy chị xuống lấy thực phẩm. Tôi nghĩ, có lẽ chị đi chơi đâu đó. Đêm giao thừa, đang ngồi nhấc lên, nhấc xuống với ông bạn Nguyễn Hải Đăng phiên dịch ở đội dệt tầng 3, có người cùng phòng chị hốt hoảng chạy xuống, bảo:
 
-Chị Châu đau bụng dữ dội lắm, các anh lên xem, có khi phải gọi xe cấp cứu.
 
Nguyễn Hải Đăng khật khừ hỏi:
 
-Thế mấy thằng phiên dịch, đội trưởng may đâu?
 
-Tìm rồi, nhưng không biết các bố ấy say nằm ở xó xỉnh nào!
 
Tôi bảo Đăng:
 
-Ông xuống phòng trực bảo Betreuer, gọi xe cứu thương, tôi lên trước chỗ chị ấy xem sao.
 
Đêm ấy, tôi và Đăng phải ở bệnh viện cùng chị. Và bác sỹ cho biết, chị có thai, và thai nhi đã chết trong bụng mẹ, nên phải hút, nếu không được buộc phải mổ, bởi thai nhi khá lớn. Không có những người trách nhiệm thuộc đội may, buộc tôi và Đăng phải làm thủ tục mổ xẻ cho chị.
 
Và cũng may, đêm đó các bác sỹ đã hút được thai nhi cho chị. Khi tôi và Đăng ra về gặp người phiên dịch, cũng là đồng hương cùng làng của chị, lò dò đi vào. Chúng tôi báo cho hắn biết, mọi việc đã xong, chị ấy còn mệt, đang ngủ, chiều tối vào cũng được. Hắn cảm ơn, rồi kéo chúng tôi về phòng hắn cà phê và ăn sáng. Trong lúc cà phê, rỉ rả hắn kể:
 
Chị Châu là nữ quân nhân, tham gia trực tiếp ngoài mặt trận, và đã sống nơi rừng thiêng nước độc. Sau 1975 cuộc sống, sinh hoạt của chị càng khổ cực, nhất là tinh thần luôn bị ức chế. Thể xác, lẫn tinh thần hoàn toàn bị suy nhược như vậy, nên lập gia đình gần chục năm chị không hề một lần mang thai. Rồi điểm tựa, nơi an ủi cuối cùng là người chồng cũng bỏ chị ra đi. Trong cơn bĩ bực buồn chán, chị xin sang Đức cày thuê cuốc mướn. Ở Đức, dù đã chung sống với bạn trai, nhưng chưa khi nào chị nghĩ, mình còn có khả năng sinh đẻ. Và mọi biện pháp phòng tránh thai, với chị đều không cần thiết. Do vậy, trong một lần tình cờ khám bệnh, biết mình mang thai, nếu không phá bỏ ngay, sẽ phải về nước, nhưng chị vẫn mừng lắm. Bởi, dường như bản năng làm mẹ trỗi dậy trong chị. Nhưng về nước, nơi đường cùng không lối thoát ấy với hai bàn tay trắng, không nhà cửa, việc làm, chị và con sẽ sống như thế nào? Mâu thuẫn ấy cứ dằn vặt, vướng mắc trong nội tâm, làm cho chị khó quyết định.
Nhưng lo lắng hơn chị, có lẽ là tác giả của chiếc thai nhi, đồng chí thiếu tá, vị tiến sĩ vật lý tương lai, người đã có vợ con, trong một gia đình bề thế ở Hà Nội. Nhùng nhằng mãi, đến khi đồng chí thiếu tá thuyết phục được chị, thì bác sỹ khám bảo, không thể phá, bởi thai nhi quá lớn. Trước nguy cơ ấy, buộc đồng chí thiếu tá phải cạy cục, tìm kiếm tất tần tật các loại thuốc tây, ta ngoài luồng, miễn sao hủy đi được một mầm sống. Và cuối cùng, kết quả đã làm đồng chí thiếu tá toại nguyện.
 
Từ đó, chị lầm lũi, vật vờ như một chiếc bóng. Thời gian này, dường như chị chỉ làm độc hai việc, ở nhà máy, và hương khói, khấn bái ở nhà. Có kẻ độc mồm, độc miệng còn gọi chị là “ Trâu điên“. Cuối tuần, tôi mang thực phẩm lên và nhìn bóng chị, chỉ còn biết an ủi:
 
– Lỗi đó, đâu phải tại chị, mà do cái hiệp ước dã man một cách quái đản của hai nhà nước cộng sản đấy thôi: Cho yêu, được làm tình, cho kết hôn, nhưng cấm gieo mầm, tiệt đường sinh sản…
 
Ngay ngày đầu bức tường Berlin sụp đổ, chị mất tích, làm cho mọi người phải ngơ ngác. Có người bảo:
 
-Nói dại mồm chứ, có khi bà ấy bị trầm cảm đâm quẫn, nhảy bố nó xuống cái ao hồ nào rồi!
 
Thế là, thay nhau đi sục sạo, kiếm tìm… Và rất may, tuần sau, tôi nhận được thư của chị. Thở phào nhẹ nhõm, khi biết chị trốn sang Tây Berlin và đã đặt đơn tị nạn chính trị. Vậy là, chị không hề điên, mà tỉnh táo, nhận thức tư tưởng rõ ràng và rành mạch hơn chúng tôi nhiều lắm.
 
Rồi kể từ ngày đó, gần ba mươi năm, tôi vẫn chưa gặp lại chị…
 
——-

Noel năm nay tuyết không rơi, dường như có bớt đi một chút lãng mạn. Nhưng với không gian, thời tiết ấm áp ấy, tạo nên cảm hứng tuyệt vời cho những chuyến hành hương xa.

Thành phố về chiều, bất chợt đổ xuống cơn mưa mỏng, cho con người một cảm giác, như đang đi dưới những hạt mưa phùn nơi quê nhà.
 
Xuống xe, chị Châu đi như chạy về phía tôi. Gần ba mươi năm gặp lại, chị vẫn vậy, tình cảm và vồn vã. Úp tay vào lồng ngực, chờ cảm xúc lắng lại trong giây lát, chị giới thiệu tôi với Jens Müller chồng chị và Nhạn đồng đội cũ, cũng như anh Học chồng chị Nhạn, cựu lính thám báo quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
 
Bữa cơm tối, hình như chị rất ít đụng đũa, bởi những câu chuyện dài khó dứt. Khi hỏi, từ đâu chị tìm được địa chỉ của tôi. Chị không trả lời ngay, mà kể về những ngày đầu ở trại tị nạn Tây Berlin và Ingeheim, rồi đến nơi định cư Darmstadt. Nơi đây, chị đã học nghề và làm bánh mì từ ông chủ xưởng Jens Müller. Rồi tình yêu, hạnh phúc đến với chị ở cái tuổi gần bốn mươi. Khi con gái ra đời, chị và chủ xưởng làm đám cưới. Tuy rổ rá cạp lại, nhưng cái hạnh phúc đó nằm ngoài sức tưởng tượng của chị. Và đến lúc này, dù đã trở thành bà ngoại, nhưng đôi khi chị vẫn không thể tin, mình đã từng được làm mẹ. Với chị, điều đó chỉ có thể do sự sắp đặt của chúa, của trời, của phật mà thôi. Mấy năm trước con gái tốt nghiệp đại học, rồi làm việc, lấy chồng ở Bodensee. Anh chị bán nhà, bán xưởng ở Darmstadt chuyển xuống đó cho gần con cháu.
 
Thấy chị dài dòng, chị Nhạn đá chân, cắt ngang lời:
 
-Này, thằng em nó hỏi một đằng, bà lòng vòng một nẻo là thế nào?
 
– Thì cũng phải từ từ, có đầu có đuôi chứ. Vô tình thôi, gần nhà có cái quán ăn của người Việt mình, mở được hơn năm nay. Chiều tối, anh chị thường ra đó dùng cơm. Hôm rồi, quán vắng khách, biết chị là người Việt, nên chủ quán ra chào. Hỏi ra mới biết vợ chồng Lĩnh Ngọc chủ quán là con gái cô em Lương Thị Hợp cùng quê với chị, ở đội dệt do Nguyễn Hải Đăng làm phiên dịch. Lĩnh Ngọc cho chị địa chỉ, điện thoại, và bảo nhà cháu ở Leipzig cạnh nhà chú Đỗ Trường. Loanh quanh thế nào toàn người quen cả.
 
Có lẽ, lên cơn nghiền thuốc, anh Học và Jens đứng dậy, định ra ngoài. Tôi bảo, các anh hút ở đây, hoặc ra bếp cũng được, đêm ngoài trời trở lạnh rồi. Chị Nhạn lừ mắt, em đừng chiều các ông ấy, mặc áo ấm không sao đâu. Rồi chị quay sang hỏi:
 
– Đỗ Trường viết văn, thế có biết nhà văn Mai Thảo không?  
 
– Dạ có, Mai Thảo là nhà văn lớn tài hoa, không chỉ riêng cho nền văn học miền Nam. Ông cũng là người Chợ Cồn, Hải Hậu, Nam Định quê chị.
 
-Đúng rồi đó, chị là cháu họ của Mai Thảo. Sau 1975 ông trốn ra Hố Nai, chị có được gặp. Nhưng lúc đó, bọn nằm vùng lộ mặt chỉ điểm khá đông, nên ông lại quay về Sài Gòn. Cũng may, Mai Thảo vừa đi, thì họ đến bắt chị, can tội hồi chánh và không chịu trình diện.
 
-Câu chuyện nằm rừng, chui hang của các chị kể khi nãy, không chỉ là truyện ngắn, mà có thể viết được cả cuốn tiểu thuyết không chừng.
 
Chị Châu cười cười, thích thì em cứ viết đi, gửi cho chị đọc. Anh Học đã quay vào từ lúc nào, đứng ngay sau lưng tôi: Nếu viết, chú nhớ đổi cho cái tên, bởi những người lính thám kích luôn âm thầm, sống hay chết đều vô danh cả.
 
Vâng! Nhất định rồi, và câu chuyện được bắt đầu như vậy.
 
—–

Ì ạch mãi, Châu và Nhạn cũng kéo được xác Vui ra tới chân đồi trước mặt. Cả hai ngồi thở. Giờ này, chưa phải lúc lên cơn sốt, nhưng cái rét từ đâu đến, làm họ run lẩy bẩy, đầu gối đập vào nhau, không một cảm giác. Châu dựa vào gốc cây, hai mắt nhắm nghiền. Chiếc xẻng trên tay tuột rơi xuống, bùn bắn tóe vào mặt, vào tóc Nhạn. Định gọi Châu, nghĩ thế nào lại thôi, Nhạn đưa tay, nhưng chưa kịp vuốt sạch vết bùn trên đầu, thì một mảng tóc dính bùn đã rụng bụp xuống xác của Vui. Nhìn xuống, Nhạn lại khóc, nhưng không thấy một giọt nước nào lăn trên gò má. Cũng mới đây thôi Vui ơi! Mày đập nát chiếc gương cuối cùng, để ba đứa khỏi nhìn thấy khuôn mặt méo mó, bủng beo với cái đầu trọc nham nhở của mình. Rồi mày đốt lửa, hun khói cầu mong người đến cứu, dù là ta hay địch. Mày bảo, kho tàng súng ống đạn dược, địch ta, thắng thua cũng chẳng bằng sinh mạng con người. Mày khao khát sống, thèm được sống lại  những ngày bình dị của tuổi thơ. Và ngay đêm qua, mày còn giao hẹn, nếu đứa nào còn sống để trở về, sẽ phải có trách nhiệm mang xương cốt đứa chết về quê. Sau đó, mày bắt tao, bắt Châu kể về quê mình, và phải nhớ bằng được cái làng ven biển, với những đứa em nheo nhóc, quanh năm đói khát của mày ở vùng biển Nga Sơn, Thanh hóa, để sau này dễ tìm đến. Thế mà sáng nay, mày không dậy được nữa. Chúng mình mới bước vào cái tuổi hai mươi mà. Nhưng có lẽ, mày còn sướng hơn tao, hơn cái Châu đấy. Mày chết còn có chúng tao bó chăn, bó chiếu kéo mày đi chôn. Đến lượt, tao hay cái Châu, ai chết trước, chỉ còn một đứa không đủ sức kéo đi đâu. Rồi đứa cuối cùng, chắc chắn thú rừng sẽ kéo đi chôn thôi.
 
Nghe Nhạn lẩm bẩm, Châu nhặt cán xẻng, chống xuống đất, vịn tay đứng dậy. Lắc lư một lúc, Châu cắm xẻng xuống. Tuy trận mưa đêm qua đất đỏ bazan mềm dễ đào hơn, nhưng dẻo kẹo dính chặt vào lưỡi xẻng. Châu lại phải dùng chân gạt đất, mỗi lần là một lần ngã. Cứ như vậy, Châu và Nhạn, hai cái bóng dập dờ thay nhau đào, móc, bốc đến chiều đủ chỗ cho Vui nằm. Đến lúc này, cả hai không còn đủ sức kéo, buộc phải vần, lăn Vui xuống. Và họ cũng không còn khả năng nhìn, nhận biết Vui đang nằm ngửa hay sấp dưới hố. Lấp xong, không kịp nhặt mấy cành cây khô cắm lên mộ, cả hai đều quay đầu, sấp ngửa về hang. Không thể nói với nhau lời nào, nhưng họ đều biết, giờ này cơn sốt rét sắp ập đến.
 
—-

Sau bốn tháng hành quân, vào mùa khô đầu năm 1971, một trung đội, trong đó có ba nữ chiến sĩ Châu, Vui, Nhạn, thuộc Tổng cục hậu cần cũng đến được nơi đơn vị cần được bổ sung. Trước khi họ đến, đã có một đơn vị đóng quân ở đó. Chiếc hang được làm nơi ăn nghỉ. Nơi rừng sâu, đường ra vào vô cùng khó khăn, mịt mù này, có lẽ, cách bản làng người Thượng cũng mất đến một ngày đường của người giao liên địa phương. Nghỉ ngơi được ít ngày, đột nhiên trung đội trưởng gọi cả ba lại bảo:
 
-Đơn vị nhận được lệnh hành quân tiếp, theo đường dẫn của giao liên. Nơi đây đã và sẽ là điểm tập kết vũ khí đạn dược cho chiến trường Kontum. Do vậy, ba em tạm thời ở lại.

Trong thời gian ngắn nhất, đơn vị sẽ bổ sung thêm quân số. Lương thực, ở đây có thể đủ dùng trong một tháng. Nhiệm vụ này, hết sức quan trọng.
 
Giữa rừng sâu nước độc, chỉ còn lại ba cô gái trẻ, lần đầu tiên vào chiến trường, tuy sợ, nhưng họ buộc phải nhận nhiệm vụ. Trước khi đi các anh lính cũ còn dặn:
 
-Phải đề phòng, khi ghe tiếng chim Lệnh thường có beo, cọp mò về. Đốt lửa tuy tránh được thú, nhưng khói sẽ bị địch phát hiện…
 
Thế rồi, một tháng qua đi, lương thực đã cạn, rau rừng gần đã trụi, họ phải đi xa hơn tìm kiếm, vẫn không thấy đồng đội trở lại. Vui tuy là người khỏe mạnh nhất, nhưng lại bị sốt rét rừng quật ngã trước nhất, rồi mới đến Nhạn và Châu. Đói khát ăn lá rừng uống nước suối chưa phải cái đáng sợ, mà sốt rừng hết thuốc mới là điều làm họ sợ nhất.
 
Mưa đầu mùa, rừng như được uống thuốc hồi sinh. Tầng tầng, lớp lớp đan ken một màu xanh trải dài ngút tầm mắt. Từ trong hang nhìn ra, những chùm hoa dại như được ai đó vẽ lên chiếc khung tranh màu xanh vậy. Vừa dứt cơn sốt, Vui đã bảo, rừng đẹp và hùng vĩ, nhưng tính tình như con mụ phù thủy vô cùng độc ác. Vui nói vừa dứt câu, chợt có bước chân người đi đến, làm cả ba giật mình. Như một phản xạ, tất cả cầm súng, lùi sâu vào trong hang. Lúc sau, có tiếng hú gọi quen thuộc, cả ba rất vui, ùa ra đón người giao liên cũ người Thượng. Chưa kịp chào, bao câu hỏi dồn dập đã đến, làm ông bối rối:
 
-Có lẽ, đơn vị không quên các cô đâu, bởi họ đang phải dồn quân cho mặt trận Đường 9-Nam Lào đấy thôi. Ở đó đang đánh nhau to.
 
-Chú cho chúng cháu theo về đơn vị chiến đấu, ở đây không trước thì sau cũng chết vì đói khát, và bệnh tật.
 
-Tôi nghĩ, khu vực này quan trọng, bởi trước đây lúc nào cũng có đại đội, hoặc ít nhất một trung đội đóng giữ. Hơn nữa sức khỏe hiện các cô không thể đi xa. Tôi đang có nhiệm vụ xuống khu vực đồng bằng. Dọc đường gặp đơn vị nào gần nhất, tôi nói với họ cử người mang thuốc và thực phẩm vào. Tuy nhiên, nếu không có gì xảy ra, chắc chắn tôi sẽ báo cáo với đơn vị và quay trở lại. Bây giờ tôi phải đi, và để lại tất cả thực phẩm, thuốc men của tôi cho các cô.
Rồi từ hy vọng đến tuyệt vọng kéo dài cả mùa mưa. Sức lực, sự chịu đựng con người cũng chỉ có giới hạn. Và Vui phải ra đi trong cái đói khát, không một viên thuốc với những cơn sốt rét rừng vào cái tuổi đáng lý ra đẹp nhất của đời người…

oO0

…Tuy đã tiếp cận được cửa hang, nhưng với kinh nghiệm dạn dày của người lính thám báo, Học và đồng đội vẫn kiên nhẫn nằm quan sát. Gần đến nửa đêm các anh chia thành hai hướng kiểm tra vòng. Và quả thực, trong hang chỉ có hai nữ bộ đội trong tình trạng nằm bất động, bên cạnh những thư từ, sổ sách lộn xộn. Học nhặt một bì thư, rọi đèn đọc, nhưng anh thể không tin vào mắt mình, bởi địa chỉ, tên người gửi là Nguyễn Văn Hải Chợ Cồn, Hải Hậu, Nam Định, gửi cho con gái Nguyễn Thị Nhạn. Lẽ nào có sự trùng hợp vậy? Năm 1954, khi anh đi, Nhạn mới hai tuổi, vẫn thường đòi theo anh Học cõng đi chơi. Nếu năm đó vợ chú Hải không đang mang thai, thì chắc chắn đã cùng gia đình anh di cư vào Nam.
 
Thấy Học sững người, một đồng đội hỏi:
 
– Mày sao vậy?
 
Đưa bì thư cho bạn, Học bảo:
 
-Có thể, một trong hai cô gái này là Nhạn, em hàng xóm cùng quê của tao ở ngoài Nam Định…
 
Học cùng đồng đội điện báo gấp về đơn vị không hẳn vì các anh đã tìm ra nơi chôn giấu vũ khí của đối phương, mà sự cứu chữa Nhạn và một nữ bộ đội là điều cần kíp nhất.  
 
Hết đợt công cán, quay về hỏi thăm, biết Nhạn và Châu đang được điều trị Tổng y viện Qui Nhơn, Học đến thẳng đó. Là những tù binh nữ, bệnh nặng, và ở phòng điều trị riêng, nhưng với người lính thám báo xin vào thăm không có gì khó khăn cho lắm. Lúc này, Nhạn và Châu tuy có thể nói chuyện, nhưng còn rất yếu. Khi biết anh là người cùng đồng đội đưa cả hai từ cõi chết trở về, hai chị cảm ơn, nhưng bước đầu có một chút e dè, mặc cảm. Tuy nhiên, Học là hàng xóm cũ, đã từng chơi chung, hồi còn ở nhà hay được bố mẹ kể đi kể lại, ngay sau đó cho Nhạn cảm giác gần gũi, thân mật hơn. Khi biết cậu Lâm em ruột mẹ, đang làm ở Bộ chiêu hồi Sài Gòn, đã được Học điện báo, sắp ra thăm, Nhạn mừng lắm.
 
Dịp tết âm lịch 1972, sức khỏe Nhạn và Châu khá tốt, bệnh tật ổn định. Nếu cả hai chấp nhận chiêu hồi, Cậu Lâm của Nhạn bảo lãnh cùng về Sài Gòn. Tuy rất muốn, nhưng Châu lo sợ cho gia đình ngoài Bắc và tương lai người em trai kế đang ở Bungari. Bởi, Châu xung phong vào bộ đội, để cho em mình đủ tiêu chuẩn du học nước ngoài.
 
Và từ đó, Châu là tù nhân của chiến tranh. Năm 1974, Châu được trao trả tù binh, về Tổng cục hậu cần. Nhìn Châu béo tốt, hồng hào các đồng chí đơn vị lườm nguýt, và cũng là dấu hỏi cho mọi người. Mà có riêng gì Châu, các anh được trao đổi cùng đợt có ai được tin dùng? Châu luôn phải tự an ủi mình, bởi luôn luôn phải khai báo lặp đi lặp lại một câu hỏi. Mỗi lần như như vậy, Châu lại nhớ đến Vui, đến Nhạn. Và hình ảnh lần cuối cùng Nhạn và Học đến nhà tù thăm, trước khi họ làm đám cưới, lòng Châu dịu lại. Tuy Châu không thông báo, nhưng có lẽ họ cũng biết mình đã được trao trả tù binh và ra Bắc rồi.
 
Ngồi chơi xơi nước mãi cũng chán, Châu xin học bổ túc văn hóa, được đơn vị chấp nhận. Sau 30-4-1975 tình hình có vẻ khá hơn, vào Nam ra Bắc nhiều, nên các đồng chí nhìn Châu ánh mắt thiện cảm hơn. Năm 1976, Châu xin thi và đỗ vào khoa sử Trường Đại Học Tổng Hợp. Tốt nghiệp, Châu chuyển sang bộ đội phòng không không quân.
 
Năm 1981, trong một lần vào Sài Gòn công tác, Châu về Hố Nai tìm thăm vợ chồng Nhạn Học. Nhưng bố mẹ Học cho biết, họ đã cùng con cái vượt biên trước đây mấy tháng, khi Học vừa ra tù…      
 
Sáng nay, tưởng viết xong câu chuyện này, tôi gửi cho cả hai chị Châu và Nhạn đọc. Nhưng chợt nhớ ra, truyện vẫn còn thiếu phần kết. Lúc sau điện lại, nghe như có tiếng sụt sịt trong máy. Tôi hỏi, anh Học đứng từ xa, nói vọng vào, đang đọc truyện chú gửi cho mấy bà chị nghe, hơi xúc động chút xíu thôi. Dừng lại một chút, tôi mới dám nói tiếp:
 
-Còn thiếu phần kết, làm thế nào để các chị tìm gặp được nhau ạ?
 
Tiếng máy im bặt, rồi nghe tiếng chị Châu: Thì cũng vô tình như chị tìm ra em thôi. Bởi chị đâu có biết Nhạn cũng ở Đức. Mấy năm trước, tụ họp đồng hương vùng, trời xui đất khiến thế nào hai chị em ngồi cạnh nhau. Chuyện trò một lúc, nghe cái giọng nửa Nam, nửa Bắc của bà ấy, chị mới buột miệng hỏi:
 
-Bác chắc gốc Bắc, hỏi không phải, quê bác ở tỉnh nào ạ?
 
Bà ấy bảo:
 
– Chợ Cồn, Nam Định.
 
Nghe cái tên Chợ Cồn làm chị giật mình, nhớ lại người bạn thời nằm rừng, ôm nhau chờ chết, nên chị hỏi tiếp:
 
-Bác sinh đẻ ở đó?
 
-Vâng! Không những sinh đẻ, mà tôi lớn lên ở đó.
 
– Thế bác có biết, hoặc nghe cái tên Nguyễn Thị Nhạn, trạc tuổi chị em mình không?
 
Thấy mặt bà ấy biến sắc, đưa tay hất cằm chị lên, nhìn thẳng vào mặt, miệng lẩm bẩm…Châu…Châu Vĩnh Tường, Vĩnh Phú phải không… Chị giật mình, nhìn kỹ lại, miệng cũng lắp bắp: Nhạn… thôi đúng là Nhạn rồi. Cả hai ôm nhau khóc rống lên, làm mọi người ngơ ngác, tưởng hai con mẹ già này bị điên…
 
Và đầu năm vừa rồi, vợ chồng chị, vợ chồng Nhạn Học về Việt Nam, tìm đến gia đình Vui. Nhưng cha mẹ Vui đã mất từ lâu. Nghe hàng xóm nói, tuy được công nhận liệt sĩ, nhưng mộ của Vui vẫn chưa tìm thấy. Mấy người em của Vui đã bán nhà vào kinh tế mới ở Tây Nguyên, ngay sau khi cha mẹ qua đời.
 
Sau đó, bọn chị định quay vào Tây Nguyên tìm lại nơi chôn cất Vui, và chiếc hang ngày nào. Nhưng xem lại bản đồ hiện nay, và theo kinh nghiệm cách tính tọa độ của người biệt kích, anh Học bảo, cả khu vực đó người ta đã làm hồ thủy điện, xương cốt của Vui chắc chắn không còn, có thể họ súc đi, hoặc trôi theo dòng nước rồi. Ngừng lại dây lát… và tôi nghe được tiếng nấc của đầu dây bên kia…
 
Vâng! Và câu chuyện bây giờ mới thực viết xong, thế mà tôi cứ ngỡ, chiến tranh đã qua lâu rồi.