khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Du Mục- nhạc Trinh công Sơn- ca sĩ Khánh Ly

Đàn Bò vào thành phố

Đêm buồn vắng buồn hơn

Đàn Bò vào thành phố

Không còn ai hỏi thăm

Đàn Bò tìm dòng sông

Nhưng dòng nước cạn khô

Đàn Bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn

Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn


Một người vào thành phố

Đếm từng bước buồn tênh

Một người vào thành phố

Không còn ai người quen

Người tìm về đồng xanh

Nhưng đồng đã bỏ không

Rồi người bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn

Người chợt nghe xót xa đất mình


Điệp khúc:

Ôi quê hương đã lầm than

Sao còn, còn chiến tranh

Mẹ già hết chờ mong

Đã ngủ yên

Mẹ già mãi ngủ yên


Buông lời ru cho muôn năm

Buông vòng nôi cho hư không

Cho hư không buông bàn tay

Con đi hoang

Con đi hoang một đời

Con đi hoang phận này


Đàn bò vào thành phố

Reo buồn tiếng hạt chuông

Một người vào thành phố

Nghe hồn giá lạnh băng

Người tìm về đầu non

Nhưng rừng đã bỏ hoang

Rồi người bỗng hết buồn đã hết buồn

Người lặng nghe đá lên trong mình 



Họp mặt Tân Niên năm 2013 tại nhà bạn Vũ Đăng Khoa, và đón bạn Võ Triết Hùng từ Canada về VN thăm nhà




Võ Triết Hùng từ Canada về VN, anh em đã có mấy buổi gặp mặt đầu năm 2013 tại nhà bạn Vũ Đăng Khoa vào mồng 8 Tết năm 2013.
Từ trên xuống dưới:
Hình 1: 

Hàng đầu: (từ trái sang phải) Nguyễn văn Hoàng, Trần văn Lâm, vợ Phùng văn Tráng và cháu nội, vợ Nguyễn quang Minh, vợ Đăng hồng Thạnh, Thạnh.
Hàng sau: (từ trái sang phải) Đỗ lê Tiên, Võ triết Hùng, Phạm ngọc Tuấn, Minh, Khoa, Trần văn Tốt, Hồ văn Liệu, Tráng.
Hình 2: 

Hàng trước: (từ trái sang phải) Lâm xuân Khương, Lâm, vợ Khương, vợ Thạnh, vợ Tráng và cháu nôi.
Hàng sau: (từ trái sang phải) Tốt, Khoa, vợ Minh, vợ Khoa.

Hội Ngộ 40 Năm Truyền Thống Viện Đại Học Minh Đức (1970 – 2010) - Bài tường thuật và hình ảnh từ Bàng Trung (YKMD1)

Khai Mạc Ngày Hội Ngộ 40 Năm Truyền Thống
Viện Đại Học Minh Đức
(1970 – 2010)


Sáng Chủ nhật 17-10-2010 là một ngày thật đặc biệt đối với các cựu sinh viên Minh Đức, ngày Khai mạc Hội Ngộ 40 Năm Truyền Thống Viện Đại Học Minh Đức với chủ đề “Thầy Cũ Trường Xưa”.

Đúng 7g30 tại nhà nguyện nhỏ bài trí trang nhã đơn sơ trong khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, linh mục Thành Tâm cữ hành Thánh lễ để tưởng nhớ đến những cha sáng lập Viện Đại Học, các thầy cô và tất cả thân hữu đồng môn nay đã qua đời. Không khí buổi lễ thật trang nghiêm ấm cúng với sự tham dự của các giáo sư, các cựu sinh viên gồm nhiều thế hệ từ khắp nơi tụ về. Những bài Thánh ca được ca đoàn hát vang lên hòa nhịp trong buổi lễ thiêng liêng này. Trong bài giảng Cha Thành Tâm có tâm sự một điều mà các sinh viên Minh Đức cũng ít có người biết. Đó là Cha cũng là một đồng môn đã theo học ngành Tâm lý Ứng dụng của khoa Nhân Văn Nghệ Thuật vì môn học đó rất cần thiết cho con đường phụng sự tâm linh của ngài. Thật là một bất ngờ lý thú! Cho nên sau đó Cha nói Thánh lễ hôm nay là một Thánh lễ đồng tế của người Minh Đức cầu nguyện cho những người đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Cuối Thánh lễ anh Trần Chân Chính (Khoa Nhân Văn) đại diện cộng đoàn cám ơn cha và ca đoàn. Anh cũng đã mạo muội xin phép được gọi Cha bằng danh xưng “Anh” Thành Tâm vì cũng từng là đồng môn huynh đệ. Anh nói: “Hôm nay chúng em xin kính mời “Anh” Thành Tâm đến dự ngày hội lớn 40 năm truyền thống của Viện Đại Học Minh Đức…”. Đáp lời “Anh” Thành Tâm cho biết rất muốn tham dự những không thể, vì sau Thánh lễ này “Anh” phải chuẩn bị cho các em thiếu nhi để đón nhận một nghi thức tôn giáo rất quan trọng là bí tích “Thêm Sức” do Đức Tổng Giám Mục đến làm lễ vào buổi chiều. Nhưng trong trái tim của “Anh” luôn luôn ấp ủ một tình cảm thân mật đối với Minh Đức và gởi gấm trong lời cầu nguyện của mình.

Sau khi chụp hình lưu niệm với “Anh” Thành Tâm mọi người vội vã đổ về Nhạc Viện Thành Phố nơi có Ngày Hội Lớn sắp diễn ra.

Gần 9g mọi người lục tục kéo đến, từng người ghi tên, lớp và góp phí tổ chức ở mỗi bàn thuộc phân khoa mình, các sinh viên điền vào một phiếu nhỏ thông tin cá nhân để tiện việc liên lạc sau này. Anh Vũ Hùng Anh (YK5) từ Lâm Đồng về mang theo một đội ngũ phục vụ trà Trâm Anh, cà phê sữa nóng và bánh ngọt cho hội nghị. Rồi mọi người kéo vào hội trường sân khấu để vừa thưởng thức ca nhạc, vừa xem trình chiếu những sinh hoạt của 5 phân khoa qua một màn ảnh lớn đặt ở góc sân khấu.
Đúng 10g anh Nguyễn Thái Lai ( Khoa Y) bước lên bục đọc lời phát biểu lý do buổi hội ngộ. Anh đề cập đến chủ đề “Thầy Cũ Trường Xưa” các sinh viên của 5 phân khoa Canh Nông, Khoa Học Kỹ Thuật, Kinh Thương, Nhân Văn Nghệ Thuật và Y Khoa gặp gỡ ngày hôm nay để tri ân các thầy cô đã đổ nhiều tâm huyết dạy dỗ chúng ta, để nhớ đến ngôi trường đã đào tạo và trang bị cho mình những kiến thức cùng tri thức theo tôn chỉ Minh Minh Đức phụng sự xã hội, và cũng để ôn lại những kỷ niệm êm đẹp của thời niên thiếu. Và buổi gặp mặt cũng là dịp tưởng nhớ đến những vị sáng lập trường, những giáo sư và những bạn đồng môn đã không còn hiện diện trên cõi đời này nữa. Anh chấm dứt phần phát biểu với lời: “Cuộc Hội ngộ sau 40 năm thành lập Viện Đại Học Minh Đức chúng ta, là một bản giao hưởng TRI ÂM được tấu vang lên trong ngày hôm nay, và ngay tại Nhạc Viện này”.
Sau đó là phần giới thiệu các giáo sư và quý khách tham dự,
1.    Thầy Nguyễn Hải Bình  (cựu Khoa Trưởng Khoa Kinh Thương)
2.    Thầy Bùi Duy Tâm  (cựu Khoa Trưởng Khoa Y)
3.    Thầy Lê Dân  (cựu Giáo sư Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật)
4.    Thầy Lê Mộng Hoàng  (cựu Giáo sư Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật)
5.    Cô Bùi Thị Lạng  (cựu Giáo sư Khoa Y)
6.    Thầy Tiến Lộc  (cựu Giáo sư Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật)
7.    Thầy Nguyễn Hữu Phương  (cựu Giáo sư Khoa Khoa Học Kỹ Thuật và Khoa Y)
8.    Thầy Trương Thìn  (cựu Giáo sư Khoa Y)
9.    Thầy Lê Viết Tòa  (cựu Giáo sư Khoa Khoa Học Kỹ Thuật)
10. Thầy Nguyễn Kim Trang  (cựu Giáo sư Khoa Canh Nông)
11. Thầy Nguyễn Minh Triết  (cựu Giáo sư Khoa Y)

Kế tiếp anh giới thiệu thành viên Ban Liên Lạc cựu sinh viên Viện Đại Học Minh Đức gồm các anh Đào Tý Tách (khoa Y) trưởng ban và các phó ban, anh Thắng (khoa Canh Nông), anh Minh (khoa Khoa Học Kỹ Thuật, anh Thế Anh (khoa Kinh Thương), anh Chính (khoa Nhân Văn Nghệ Thuật), anh Lai (khoa Y) và Thầy Lê Viết Tòa – cựu GS. Khoa KHKT – làm cố vấn. Ngoài ra Ban Liên Lạc ngỏ lời cám ơn các anh chị em của các khoa đã giúp đỡ tận tình cho Ban Liên Lạc với tinh thần bất vụ lợi.
Kết thúc phần giới thiệu Ban Tổ Chức kính mời các thầy cô, các bạn sinh viên và mọi người đứng lên để cử hành nghi thức mặc niệm tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Bản nhạc Vangelis – Conquest Of Paradise vang lên một tiết tấu man mác, u buồn, nhớ nhung nhưng không kém phần bi tráng dẫn đưa tâm tư của mỗi người về miền xa vắng. Tiếp theo là một phút mặc niệm dành cho những đồng bào đã tử vong trong cơn bão lũ khốc liệt đã và đang hoành hành tại Miền Trung đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Sau nghi lễ tưởng niệm anh Đào Tý Tách (YK) đại diện Ban Tổ Chức đọc diễn văn khai mạc Lễ Họp Mặt Kỷ Niệm 40 Năm Truyền Thống của Viện Đại Học Minh Đức. Anh lược sử quá trình thành lập Viện do cố linh mục Viện Trưởng Bửu Dưỡng sáng lập, và hai vị cố linh mục Viện Trưởng điều hành Bạch Văn Lộc và cố linh mục Phó Viện Trưởng Nguyễn Văn Thính. Anh giải thích về ý nghĩa huy hiệu của Viện Đại Học bao gồm 5 phân khoa và những hoạt động từ thiện xã hội của các cựu sinh viên Minh Đức trong thời gian qua… Phát biểu của anh được minh họa qua các hình ảnh chiếu trên màn hình.
Kế tiếp Thầy Nguyễn Hải Bình – cựu Khoa Trưởng Khoa Kinh Thương - có đôi lời tâm sự với các đồng nghiệp và học trò sau nhiều năm tháng sinh sống ở phương xa mà hôm nay mới có dịp trùng phùng trong giờ phút đặc biệt này.
Phần trao giải quần vợt do anh Minh (KHKT) điều khiển chương trình. Anh kính mời các vị giáo sư thuộc các phân khoa đoạt giải lên trao cúp cho các vận động viên:

Giải Ba: Anh Minh (KHKT), anh Huy (KHKT), anh Thanh (KHKT) và anh Kính (KT)
Giải Nhì: Anh Cao (YK5) và anh Quang (YK1)
Giải Nhất: Chị Nga (KT) và anh Liêm (NV)
Chương trình quan trọng và chính yếu nhất của lễ Kỷ Niệm 40 Năm Hội Ngộ Truyền Thống Viện Đại Học Minh Đức là nghi lễ tặng hoa cho các thầy cô. Ban Tổ Chức kính mời các giáo sư bước lên sân khấu để nhận những bó hoa tươi thắm từ tay những học trò ngày xưa trao tặng. Ngày hội hôm nay là buổi hội tụ đông đảo nhất các thầy cô đã từng gắn bó và dạy dỗ cho chúng em thành người. Trải qua một quảng thời gian dài non nửa thế kỷ các vị cũng đã yếu đi nhiều theo năm tháng. Có thầy bước đi phải có người dìu từng bước một, có mái tóc đã hoàn toàn bạc trắng. Có thầy cố gắng đến dự một khoảng thời gian ngắn rồi phải ra về trước vì bị mệt (Thầy Trương Thìn). Nhưng ngày hôm nay các thầy cô đã không quãng đường xa hay sức khỏe suy yếu, hiện diện nơi đây cho chúng em được tặng hoa cho Người, được nói lên lòng biết ơn sâu nặng mà suốt cuộc đời này chúng em không bao giờ trả được.


Tất cả các cựu sinh viên có máy hình mang theo đều dồn lên, tiến đến gần sân khấu để cố chụp lấy khoảnh khắc vô cùng quý giá này. Họ muốn ghi thật nhiều những hình ảnh đầy cảm xúc và hiếm hoi đó, vì thời gian vẫn không ngừng trôi.
Thay mặt cho các giáo sư, Thầy Bùi Duy Tâm – cựu Khoa Trưởng Khoa Y -  ngỏ lời cùng các sinh viên. Thầy nhắc đến những khó khăn gặp phải khi thành lập Viện Đại Học Minh Đức của cố linh mục Bửu Dưỡng. Thầy giải thích những ý nghĩ thường ngộ nhận Minh Đức là trường của Công giáo khi người ta nhìn vào các vị đứng đầu là linh mục. Thầy nói Viện Đại Học Minh Đức là của người Việt Nam thành lập nên, và dựa trên nền tảng Đại Học Chi Đạo Tại Minh Minh Đức làm sáng cái Đức Sáng cái Lương Tâm của mình, làm mới mình mỗi ngày để đi đến cái Thiện cái Đúng. Mục đích của vị sáng lập Viện Đại Học Minh Đức là xây dựng một nền giáo dục của người Việt và mong muốn đào tạo nên một tầng lớp Sĩ Phu Việt Nam với đầy đủ 3 yếu tố Đức – Trí – Dũng. Thầy cũng bày tỏ sự mong muốn Minh Đức chúng ta làm sao xây dựng được một lăng tẩm cho các vị sáng lập trường, để hằng năm các cựu sinh viên tổ chức ngày lễ tưởng niệm thì ý nguyện cao cả mang tính dân tộc của các ngài sẽ trường tồn theo thời gian. Trong một phút xúc động Thầy nhớ lại những tháng năm lòng nặng trĩu ưu tư khi nhà trường phải đóng cửa, các học trò của thầy bị dang dở việc học hành vì hành trình y khoa dài đến 7 năm; trong khi những phân khoa bạn đã có khóa tốt nghiệp. Nhưng giờ đây những cựu sinh viên y khoa Minh Đức ngày ấy cũng đã tự thân vươn lên và hiện tại đang nắm giữ những vị trí nhất định trong nước cũng như ở ngoại quốc.
Mặc dầu tuổi tác cũng đã cao nhưng Thầy Bùi Duy Tâm vẫn còn nỗ lực làm việc rất nhiều trong khả năng chuyên môn ngành Y của mình. Thầy muốn truyền đạt cho các học trò cùng ngành công việc mình đang làm về mối hiểm họa tiềm ẩn có tác hại gấp trăm lần căn bệnh thế kỷ AIDS. Đó là bệnh GAN, một căn bệnh mà con người coi thường, trong khi thống kê của các nhà nghiên cứu là có đến 80% dân số mắc phải và 30% là không thoát khỏi. Thầy đã và đang vận động các bệnh viện trong cũng như ngoài nước để thực hiện những cuộc hội thảo tầm mức quốc gia, nhằm đưa ra những phương sách khả thi trong giáo dục tuyên truyền và chữa trị cho người dân. Thầy mong các học trò lưu ý việc này để cùng nỗ lực và với sự quan tâm của các phân khoa khác.
Xen kẽ giữa các chương trình là phần phụ diễn văn nghệ của các phân khoa với phần hỗ trợ dàn hợp tấu của Nhạc Viện Thành Phố do anh Hải Vũ (KT) điều khiển chương trình. Các cựu sinh viên cùng với thầy Nguyễn Kim Trang – cựu GS. Khoa Canh Nông - đồng ca bản “Trường Cũ” của nhạc sĩ Hoàng Quý. Rồi các anh chị trong Khoa Canh Nông hợp ca bản “Trường Làng Tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Các anh Thế Vượng (Nhân Văn), anh Hải Vũ (Kinh Thương), chị Bích Hoa (Canh Nông) trình diễn đơn ca góp phần làm phong phú cho buổi lễ. Dàn nhạc của Nhạc Viện cũng hợp tấu những bản nhạc cổ điển và các ca sĩ trình diễn một số bài hát tươi trẻ.
Gần 12g các thầy cô cùng các sinh viên bước ra tiền sảnh để dự tiệc buffet. Từng nhóm từng người vừa dùng bữa vừa cười nói rôm rả. Một không khí thân thiện cởi mở chan hòa khi cùng chung một mái trường, như chung một gia đình. Những con người chưa từng biết nhau, chưa từng gặp nhau, nhưng tại nơi đây họ hỏi thăm nhau, cười với nhau, bắt tay nhau cho dù không cùng một ngành học, không cùng một thế hệ và không cùng một tuổi đời. Phải, đó là Gia Đình Minh Đức, đó là tình Đồng Môn Huynh Đệ, họ gặp nhau trong ngày hội lớn, Ngày Kỷ Niệm 40 Năm Truyền Thống Của Viện Đại Học Minh Đức.
Ngày giờ rồi cũng trôi qua, buổi hội ngộ nào rồi cũng kết thúc nhưng trong lòng của mỗi người còn đó một vương vấn, một niềm bâng khuâng, một cảm xúc mà âm hưởng vẫn còn rung động mãi của những trái tim thắm đỏ nghĩa tình “Thầy Cũ Trường Xưa”.

Một số hình ảnh trong ngày Hội Ngộ 40 Năm Truyền Thống Viện Đại Học Minh Đức










Từ trên xuống dưới:

Hình 1: Linh mục Thành Tâm đang cử hành Thánh Lễ tưởng nhớ đến các cha, các thầy cô và thân hữu đã mất tại Nhà Nguyện Dòng Chúa Cứu Thế.

Hình 2: Cộng đoàn đang dự Thánh Lễ (GS. Lê Dân-hàng đầu, GS. Nguyễn Hải Bình-cà vạt đen).

Hình 3: Cộng đoàn chụp hình lưu niệm với “Anh” Thành Tâm.

Hình 4: Bàn ghi tên của Khoa Khoa Học Kỹ Thuật.

Hình 5: Cựu sinh viên Khoa Khoa Học Kỹ Thuật đang ghi tên (bàn gần nhất) và cựu sinh viên Khoa Kinh Thương đang ghi tên (anh Thế Anh – bàn xa nhất).

Hình 6: Anh Minh (KHKT) đang công bố giải Tennis.

Hình 7: Các thầy cô đang ôm những bó hoa tươi thắm do các học trò trao tặng (từ trái qua phải: Cánh trái là anh Minh (KHKT), cánh phải là anh Tách (YK); sau đó là,
1.Thầy Tiến Lộc, 2.Thầy Nguyễn Minh Triết, 3.Thầy Nguyễn Hải Bình, 4.Thầy Bùi Duy Tâm, 5.Cô Bùi Thị Lạng, 6.Thầy Lê Viết Tòa, 7.Thầy Nguyễn Kim Trang, 8.Thầy Nguyễn Hữu Phương, 9.Thầy Lê Dân, 10.Thầy Lê Mộng Hoàng.

Hình 8: Các cựu sinh viên Minh Đức đang dự tiệc buffet (từ trái qua phải: Chị Phương Dung (KHKT K4), anh Kính, anh Hùng Anh, anh Cao và anh Trí).




Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Lễ vu quy ái nử cũa bạn Vũ Đăng Khoa vào ngày 4 tháng 8 năm 2013 tại Saigon, Viet Nam


Tấm Phiếu Định Mệnh Của Giáo Sư Nguyễn Văn Hoa

Lời giới thiệu tác giả Nguyễn Ngọc Hoa từ nhật báo Việt Báo, Westminster, Orange County, CA, US
 

Tác giả tên thật Nguyễn văn Hoa, sinh năm 1947 tại Quảng Bình, Việt Nam. Tốt nghiệp kỹ sư điện, học cao học và soạn luận án tiến sĩ kỹ sư (1970-75). Từ 1970 đến 1975 dạy đại học kỹ thuật tại Sài gòn. Năm 1975 định cư tại Hoa Kỳ, làm việc cho công ty tiện ích ở North Dakota cho đến năm 2012 thì về hưu. Bài viết về nước Mỹ thứ hai của ông là chuyện định cư tại Mỹ sau 30 Tháng Tư 1975.
***

Ngày 27 tháng Tám năm 1975.  Từ Trại Pendleton, xe buýt chở vợ chồng và bốn em tôi đến phi trường Los Angeles và đỗ ngay trước phi trạm.  Tôi mang tập vé máy bay trình ở quầy vé để lấy thẻ lên tàu, nhân viên quầy vé không nhìn lên hỏi trống lổng,
“Smoking or non?”
Tôi bối rối, “hút thuốc hay không” là làm sao?  Yêu cầu anh ta lập lại câu hỏi – vẫn là,
“Smoking or non?”
Hay anh ta bảo không được hút thuốc? Vô lý, không thấy bảng cấm và nhiều người đang hút tỉnh bơ có sao đâu.  Tuy vậy tôi dụi điếu thuốc lá mới hút một phần ba vào chiếc gạt tàn trên quầy vé.   Đó là điếu thuốc lá đầu tiên được thưởng thức trong gần một trăm ngày, mới khui ra từ bao thuốc mấy người bạn trong trại tặng làm quà chia tay hồi sáng.  Anh quầy vé bấy giờ mới ngẩng đầu lên, trả lại tập vé cùng với xấp thẻ lên tàu,
“Cám ơn ông, chúc ông thượng lộ bình an.”
Hơn một tiếng đồng hồ sau, khi lên tàu tôi mới hiểu ra.  Khác với máy bay hãng Air Con Rồng ở bên nhà, chỗ ngồi hành khách trên phi cơ ở đây chia làm hai khu – khu hút thuốc và khu không hút thuốc.  Anh quầy vé hỏi chúng tôi muốn ngồi ở khu nào.
Máy bay lên tới độ cao bình phi; hân hoan phấn khởi với viễn ảnh tươi sáng của cuộc sống mới trên miền đất tự do, thưởng cho mình điếu thuốc lá thứ hai và gọi hai lon Budweiser uống với Sang, người em trai kế.  Nhấm nháp những ngụm bia đầu tiên trong hơn ba tháng và cảm thấy hơi men lâng lâng ngấm dần trong cơ thể, tôi không quên đấy là hai lon bia cao giá nhất trong đời:  mỗi lon hai đồng, bằng một phần mười tài sản hiện tại. Khi xuất trại đi định cư, Cơ quan Xã hội Lutheran cấp cho mỗi người hai mươi đồng làm lộ phí, và giờ đây tôi còn mười tám đồng làm của cải lập nghiệp nơi vùng đất lạnh.

 *
Hơn hai tháng trước, chiếc DC-10 chở chúng tôi từ trại tạm trú Orote Point trên đảo Guam cũng đã đáp xuống phi trường Los Angeles này.  Cô tiếp viên hàng không từ giã hành khách bằng câu nói thiết tha,
“Chào mừng quý vị đến tiểu bang California chan hòa ánh nắng.  Chúc quý vị may mắn trong những ngày sắp tới.”
Thực ra, đó là câu mà tôi dịch ra và nói với cả chính mình vì trong chuyến hành trình mười hai tiếng đồng hồ tôi được chỉ định làm thông dịch viên cho phi hành đoàn.
Trước khi rời Orote Point, mọi người được phép lựa chọn một trong bốn trại tỵ nạn:  Trại Pendleton sắp đến do thủy quân lục chiến đảm trách, Đồn Chaffee ở tiểu bang Arkansas do lục quân điều hành, Đồn Indianan Gap ở Pennsylvania do hải quân quản trị, và Căn Cứ Elgin ở Florida do không quân trông coi. Có nhiều bạn đồng nghiệp đã du học tại Đại học California Long Beach, tôi chọn California với hy vọng sẽ móc nối kiếm một chân dạy học tại trường này.
Nhân viên giảng huấn chính thức của hai trường kỹ sư và cố vấn kỹ thuật cho ba công ty kỹ nghệ, tôi là chuyên gia trong lãnh vực điện, điện tử, và viễn thông.  Thông thạo Anh và Pháp ngữ, giao thiệp rộng, và có bạn bè khắp thế giới, đã có lần tự hào, “Cứ thẩy vào bất cứ nơi nào trên địa cầu, miễn là có điện thoại là tôi có thể sống còn.”
Sau sáu tuần ở lều vải nhà binh, ngủ giường bố, và dăng nắng trên đảo Guam, nỗi buồn xa quê hương và niềm đau mất nước không hề nguôi ngoai, nhưng lòng tự tin giảm bớt đi nhiều.  Sau khi làm thủ tục giấy tờ và di trú, lại thêm thất vọng với thực tế phũ phàng.
Trong Chương trình Định cư Người Tỵ nạn Đông dương, để giúp mọi người an sinh và ổn định, chính phủ Hoa Kỳ chỉ cho phép ra khỏi trại đi định cư khi có người bảo trợ, và cá nhân hay tư gia chỉ có thể bảo trợ gia đình tỵ nạn bốn người trở xuống.  Gia đình tôi gồm sáu mạng, các bạn ở Hoa Kỳ – cả Việt lẫn Mỹ – đều bó tay.
Mọi gia đình phải đăng bộ với một trong mười ba cơ quan thiện nguyện có nhiệm vụ giúp tìm người bảo trợ.  Phần lớn dồn vào ghi danh với Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ, và một số khác nhảy sang Cơ quan Xã hội Lutheran nhờ giúp đỡ.  Riêng chàng giáo sư “mất dạy” bướng bỉnh là người duy nhất chọn Hội nghị Do thái Thế giới mang số 13 nằm ở cuối danh sách thiện nguyện.
Một số chính phủ như Gia Nã Đại, Pháp, và Colombia cũng lập văn phòng tuyển mộ di dân.  Thấy cựu Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh Phạm Quan làm đại diện cho chính phủ Colombia, tôi vào hỏi thăm và thử nộp đơn xin đi Colombia.  Hai tuần sau ông cho biết Đại học Quốc gia ở thủ đô Bogotá đã chấp thuận mời tôi sang làm giáo sư, nhưng ông cũng như tôi đều biết là không ai có cơ hội định cư ở Hoa Kỳ mà lại dại dột di cư sang một nước Nam Mỹ chậm tiến.
Ngày ba bữa đứng sắp hàng ăn cơm nhà bàn lính thủy quân lục chiến nấu, dĩ nhiên không thể so sánh với cơm nhà hàng Thanh Thế quen thuộc trên đường Lê Lợi Sài gòn nhưng giúp sống qua ngày.  Ngoài giờ dạy Châu và các em học Anh văn, tôi giải trí bằng cách “làm toán thầm” – nhớ lại và chứng minh trong đầu các công thức toán trong cuốn Công thức và Bảng kê Toán học Căn bản, cuốn sách tham khảo chủ yếu của kỹ sư và khoa học gia.
Sau bữa ăn chiều, tôi thường sắp hàng trước phòng điện thoại công cộng để gọi bạn bè ở Hoa kỳ và Gia Nã Đại.  Hệ thống Điện thoại Bell có lối gọi collect thật giản tiện: chỉ cần quay số “không” tới tổng đài và nói tên người và số điện thoại muốn gọi.  Nhân viên tổng đài gọi bên kia và khi khổ chủ nhận cú điện thoại (đồng ý trả tiền) sẽ nối vào cho người gọi tha hồ than thở và kể khổ.
Khi đường dây bận hay người nhận chưa kịp trả lời, tổng đài thường nói,
“Please hang on...”
Tôi băn khoăn, “làm ơn bám chắc vào...” là sao?  Một hôm đánh bạo hỏi,
“Trong phòng này không có giây nhợ hay tay vịn gì cả, cô bảo bám chắc vào chỗ nào?”
Cô tổng đài cười xòa giải thích, trong lối nói thường ngày của người Mỹ, “hang on” nghĩa là “chịu khó chờ.”  Điều này Tự điển Anh-Việt của Nguyễn văn Khôn không hề nói.

*
Trại Pendleton chứa hơn 120,000 người tỵ nạn và chia làm năm trại khác nhau.  Ở Trại 3 xa văn phòng trung ương nhất, và không muốn bon chen dành chỗ “tốt” như những người khác, tôi chọn căn lều xa nhất nằm trên đồi ít người lai vãng.
Nhờ rảnh rỗi và hệ thống “vô tuyến truyền miệng” hữu hiệu, tôi tìm được nhiều bạn bè và người quen.  Người xưa có bài thơ “tha hương ngộ cố tri” (đi xa gặp người quen trước kia ở quê nhà) là một niềm vui lớn trong đời.  Điều này lại càng thấm thía hơn đối với dân tỵ nạn không những “tha hương” mà còn bỏ lại sau lưng tổ quốc đất nước, nhà cửa của cải, và thân nhân bạn bè.
Mừng rớt nước mắt khi gặp lại anh Hán, người anh đỡ đầu đã giới thiệu, hướng dẫn, và nâng đỡ thời tôi là sinh viên tập tễnh đi dạy trung học tư.  Anh và người yêu dự định cùng nhau di tản, nhưng đến giờ chót chị kẹt lại và anh ra đi một mình, đơn thương độc mã. Sang ở chung lều với chúng tôi, anh buồn tênh, suốt ngày hát nghêu ngao mỗi một câu,
“Em ơi! Chờ anh về...”
Anh Hán chỉ giáo sư Trần Bách, nhà thi sĩ lãng mạn "nắng Sài gòn,” hàng ngày mặc áo len trắng dày cộm, đội mũ phớt đen che sụp nửa mặt, và mang kính đen ngồi phơi nắng trên băng ghế sắt trước văn phòng Trại 3.  Ông không thèm giao thiệp với ai, chỉ hơi gật đầu nhận người quen với anh Hán là bạn đồng nghiệp.
Vui mừng biết bao khi thấy Tú Què và Phụng nhập trại; Khác với chúng tôi, đôi bạn này không qua đảo Guam mà đến trại tạm trú nhỏ hơn trên đảo Wake.  Đám bạn thân gọi tên “Tú Què” với cả tấm lòng yêu thương và mến phục: trung úy Tú đại đội trưởng bộ binh đánh giặc ở miền Tây bị thương phải cưa chân quá đầu gối, và cô sinh viên văn khoa Phụng bỏ học về Cần Thơ vào quân y viện nuôi người yêu cả năm trời.
Mặc dù “bồ” với nhau gần mười năm và gia đình Phụng khuyến khích hai người thành hôn, Tú lưỡng lự không tính tới và do đó nàng bạn bị gọi đùa là “người yêu muôn thuở,” hay vợ không bao giờ cưới.  Vẫn cái giọng nói ngang tàng ngày nào, Tú khoe,
“Lúc chân què này trèo thang lưới lên tàu, túi xách đựng giấy tờ lọt mẹ nó xuống biển. Hôm qua làm thủ tục tụi tao khai là vợ chồng, đỡ mất công làm đám cưới!  Phụng nó khoái tỉ lắm.”
Được tin tôi đến Trại Pendleton, anh bạn Leon quê miền bắc California đang dạy học bên Nhật vội vàng bay về Mỹ vào trại thăm.  Ngày trước sang Việt nam phục vụ trong đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế, anh học tiếng Việt hai năm với tôi, lúc “ông thầy” còn là cậu học sinh trung học.  Anh lớn hơn bảy tuổi và xem tôi như em ruột.  Về nước, anh đi học lại lấy bằng tiến sĩ ở Đại học California Berkeley và sang dạy học ở Đại học Sapporo ở miền bắc nước Nhật, nhưng chúng tôi liên lạc thường xuyên và thư từ qua lại hầu như hàng tuần.  Leon nằm trong lều nguyên buổi chiều nghe kể lại những ngày cuối cùng ở Sài gòn và cuộc hành trình xuyên qua Thái bình Dương; trước khi chia tay anh hỏi,
“Tôi có thể làm được gì cho em?”
Đã soạn sẵn bản tóm lược (bối cảnh học hành và làm việc) của mình, tôi đưa cho anh bản thảo viết tay.  Một tuần sau, tôi nhận được bản tóm lược in trên giấy quý bởi nhà in chuyên nghiệp do anh biên soạn. Anh Hán xem xong hỏi đùa,
“Cậu không định nộp đơn xin làm bộ trưởng cho Tổng thống Ford đấy chứ?”
Bản tóm lược thật hoàn hảo; chỉ có một điều không được ổn là địa chỉ của đương sự – Lều 68 Trại 3, Trại Pendleton, California 92055.

*

Những ngày chờ đợi bảo trợ dài lê thê, tôi không còn hăng hái đi bộ sáu cây số đến văn phòng Hội nghị Do thái Thế giới thăm dò tin tức.  Anh Hán đi Toronto bên Gia Nã Đại để gần bà con, và thi sĩ Trần Bách bạn anh nghe nói đã đi Pháp. Tôi dần dần cảm thấy giải pháp định cư ở Colombia không còn là điều khờ khạo.
Một buổi chiều đầu tháng Tám, tôi đang làm toán thầm thì Phụng dắt tay Tú Què bước vào lều.  Tú nói oang oang,
“Sư mày, sáng đến giờ loa phóng thanh gọi tên ơi ới, sao còn nằm đây?”
Hệ thống truyền thanh chỗ đông là phương tiện truyền tin duy nhất trong trại.  Tôi uể oải hỏi lại,
“Vậy sao?  Tao có biết gì đâu.”
“Nó bảo mày đến văn phòng Lutheran chứ không phải hội Do thái Do thiếc đâu.” Tú nhắc nhở.
Sáng hôm sau tôi lên văn phòng Lutheran và được đưa tới gặp bà giám đốc; bà nhất định bảo gọi bằng tên Diane thay vì cái họ dài ngoằng khó đọc.  Bà hân hoan cho biết Nhà thờ Ba ngôi Lutheran ở Bismarck là thủ phủ tiểu bang North Dakota sẵn lòng bảo trợ gia đình tôi.  Tôi thắc mắc,
“Tôi không ghi danh với Lutheran, tại sao cơ quan bà lại lo và làm sao nhà thờ đó biết tôi?”
“Tôi không rõ; điện văn Cơ quan Xã hội Lutheran gửi đi khắp bốn trại tỵ nạn ghi đích danh anh,” bà lắc đầu trả lời.
Những trang sau cùng của cuốn lịch bỏ túi 1975 do hãng General Electric in và gửi tặng mà tôi mang theo trong mình liệt kê các dữ kiện kỹ thuật thông dụng và gồm cả bản đồ năm châu và thông tin sơ lược về các thành phố chính trên thế giới. Theo cuốn lịch nhỏ vừa là nhật ký vừa là dụng cụ hoạch định tương lai này, lấy trung bình nhiệt độ thấp nhất hàng đêm ở Bismarck trong tháng Giêng là 20 độ Celsius dưới số không, lạnh kinh hồn khi so sánh với khí hậu nhiệt đới ở quê nhà.
Khi họp gia đình thảo luận đề nghị của Nhà thờ Ba ngôi, Châu và các em nói tùy tôi quyết định nhưng ánh mắt mang nhiều mệt mỏi và chán nản.  Sau một đêm trằn trọc nằm mở mắt nhìn nóc lều, tôi đi tới kết luận: Việt Cộng là những con vật hung dữ và tàn ác nhất hành tinh mà mình còn xem thường thì cái gíá lạnh miền Bắc nước Mỹ có nghĩa gì đâu – nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ.
Cầm trên tay một xấp bản tóm lược, tôi trở lại văn phòng Lutheran chấp nhận sự bảo trợ nếu Nhà thờ bảo đảm việc làm thích hợp với khả năng.  Bà Diane hăng hái,
“Việc đó thì dễ quá, tôi dàn xếp ngay.”
Hai tuần sau, tôi được mời lên phỏng vấn bằng điện thoại với bốn công ty điện và điện tử tại Bismarck trong phòng hội trụ sở trung ương Trại Pendleton dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan thiện nguyện vả trung tướng Jones, chỉ huy trưởng toàn trại.
Bà Diane bồn chồn thấy rõ,
“Có chắc là anh không cần thông dịch?”
“Bà đừng lo, tiếng Anh của tôi cứng lắm,” tôi trấn an bà.
Không nói thêm tôi thường bị đùn cho cái nhiệm vụ đón tiếp và thuyết trình cho các phái đoàn ngoại quốc đến thăm trường đại học.  Bà lại lo lắng hỏi,
“Nhiều người quá có khiến anh khớp không? Ta có thể không cho phép họ ngồi đây.”
“Không sao, tôi dạy học quen nói chuyện trước đám đông; càng đông càng vui,” tôi mỉm cười cho bà yên lòng.
Xem ra đây là một dịp trình diễn trước dư luận và chính phủ Hoa kỳ về khả năng và thiện chí của các cơ quan thiện nguyện trong Chương trình Định cư.  Bà Diane và những người trong phòng hội cần tôi để thăng tiến nghề nghiệp giống như tôi cần họ để tìm việc làm tự lực cánh sinh nơi xứ lạ. Hiểu được điều này, tôi bình thản và tự tin như khi đứng trên bục gỗ giảng bài cho đám sinh viên thông minh và hiếu học thân yêu.
Những vị giám đốc kỹ thuật trong cuộc phỏng vấn rất thân thiện và niềm nở.  Họ đã nghiên cứu trước kinh nghiệm nghề nghiệp và căn bản học vấn nên không hề chất vấn về kỹ năng mà, thay vào đó, trình bày những chương trình tinh vi hay thiết bị tối tân công ty hiện có hầu khuyến dụ tôi.  Họ chỉ thắc mắc một điều,
“Ông lấy đâu ra thì giờ để làm việc và học hành ngần ấy thứ?”
“Mỗi ngày có đến hăm bốn tiếng đồng hồ; tôi suy nghĩ nhanh nên thường thừa thì giờ làm nhiều việc khác nữa,” tôi khiêm tốn trả lời.
Hôm đó tướng Jones mời tôi ăn trưa trong câu lạc bộ sĩ quan Trại Pendleton. Khen tôi nói tiếng Anh hay và trả lời phỏng vấn tuyệt vời, ông trợn tròn mắt ngạc nhiên khi tôi nhận ra ông là trưởng Đoàn Cố vấn Viện trợ Quân sự hay MAAGV cạnh tiểu khu Phú Yên, nơi cha tôi làm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng trong thập niên 1960; tôi đã có lần gặp ông tại tư dinh chính thức của cha.  Ông đưa hai tay lên trời,
“Quả thật trái đất tròn; làm sao tôi có thể ngờ...”
“Hồi đó có bao giờ cháu nghĩ sẽ đặt chân lên xứ này và gặp lại bác đâu,” tôi biểu đồng tình.
Một tuần sau, bà Diane đến tận lều làm thủ tục xuất trại và giao vé máy bay; sáng hôm sau chúng tôi rời Trại Pendleton.

*

Mục sư Peterson cùng họ đạo ra đón chúng tôi ở phi trường Bismarck; phi trạm nhỏ không đủ chỗ cho mọi người nên nhiều thành viên phải đứng dôi ra ngoài trời.  Họ đưa về nhà thuê trang bị đầy đủ bàn ghế tủ giường cho sáu người, và chiếc tủ lạnh lớn trong nhà bếp xếp đầy thức ăn.  Mục sư cho biết trong tuần lễ vừa qua mấy chục thành viên đã làm việc thâu đêm để thu xếp nhà cửa sẵn sàng cho chúng tôi đến ở.  Trước khi về, ông hẹn mười giờ sáng hôm sau đưa đi làm giấy tờ bảo trợ cha mẹ đang chờ trong trại tỵ nạn Đồn Chaffee.
Sáng hôm sau dậy sớm, tôi nấn ná pha tách cà phê và mở Ti-vi xem tin tức đợi đến giờ.  Tám giờ thiếu mười lăm, mục sư bấm chuông; tôi mời ông vào và hỏi ông dùng cà phê cà phê sáng chưa.  Ông cám ơn và nói,
“Chắc mình không đủ thì giờ; anh sẵn sàng chưa?”
“Mình hẹn mười giờ, còn sớm mà!”  tôi ngạc nhiên nói.
“Bây giờ là chín giờ bốn mươi lăm,” ông dang tay đưa đồng hồ ra.
Thì ra Bismarck đi trước California hai tiếng đồng hồ.  Quê một cục, cứ nghĩ là mình giỏi cái gì cũng biết!
Thứ Hai mồng 1 tháng Chín là Lễ Lao động (mới học được là ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Chín), sáng thứ Ba tôi trình diện nhận việc tại Công ty Tiện ích Montana-Dakota.  Tuần lễ đầu tiên là tuần hướng dẫn (nhân viên mới cần học đường đi nước bước) chỉ có bốn ngày nhưng dài lê thê như thể bốn năm.
Quen dạy học với thời khóa biểu ít giờ và nhất là quen thói ngủ trưa, tuần đầu làm việc theo giờ mới – tám giờ sáng đến năm giờ chiều – là cả một cực hình.  Đọc các tài liệu chỉ dẫn phương cách kế toán và hành chánh chán ngắt, tôi rán mở chong mắt chống lại cơn buồn ngủ và thỉnh thoảng bịt miệng che cái ngáp dài muốn sái quai hàm.  Mỗi ngày tôi uống hàng tá ly cà phê mà mắt vẫn ríu lại, có lẽ cà phê Mỹ loãng không công hiệu.
Đến chiều thứ Sáu thì hết cưỡng nổi, tôi ngủ ngồi ngon lành trên ghế và chợt té lăn xuống sàn nhà.  Anh bạn đồng nghiệp vui tính ngồi cạnh tên Charles, gọi tắt là Chuck, đỡ dậy và cố nín cười nói khôi hài,
“Anh tập công phu Việt nam đấy hả?”
Một buổi sáng thứ Hai cuối tháng Mười, tôi đến sở tám giờ sáng như thường lệ; lạ thay, tòa nhà năm tầng vắng như chùa Bà Đanh.  Một tiếng đồng hồ sau thiên hạ mới lục tục đến.  Thấy tôi ngồi ngơ ngác ở bàn giấy, Chuck vừa cười vừa nói,
“Tôi dám cá là ông Nguyễn nhà ta cuối tuần rồi quên đổi giờ.”
Có biết đâu mà quên!  Hầu hết mọi nơi trên lục địa Hoa Kỳ, vào hai giờ sáng ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng Mười (năm 1975) người ta vặn đồng hồ lui một tiếng đồng hồ, đổi từ Giờ Mùa Hè sang Giờ Tiêu chuẩn.

*
Năm 1986 tôi đi họp ở Toronto và tình cờ gặp Thủy, người học trò cũ đang làm kỹ sư cho Thủy Điện Ontario.  Thủy mời tôi về nhà ăn cơm tối và hai thầy trò hàn huyên cho đến nửa đêm, nhắc lại trường xưa lớp cũ, nhớ lại những ngày di tản định cư, và bùi ngùi thương xót cảnh khổ của “thuyền nhân” và những người ở lại.  Kết hợp những điều đã biết và vài mẩu chuyện Thủy thuật lại, cuối cùng tôi tìm ra cái nhân do đưa đẩy tôi về thành phố Bismarck nhỏ bé hiền hòa, quê hương của các con.
Mười một năm trước, đáp ứng lời kêu gọi của Cơ quan Xã hội Lutheran, Nhà thờ Ba ngôi quyết định bảo trợ một gia đình tỵ nạn Việt nam.  Với tinh thần thực tế của người Mỹ, nhà thờ tiếp xúc với Nha Chức nghiệp North Dakota hỏi xem nghề nào dễ kiếm việc nhất tại địa phương và được cho biết, với nhiều mỏ dầu hỏa mới khám phá ở vùng tây bắc, nền kinh tế tiểu bang đang phát triển mạnh mẽ và cần nhiều kỹ sư điện.  Nhà thờ viết văn thư tỏ ý muốn bảo trợ gia đình một kỹ sư điện và, theo cách làm việc thông thường của người Mỹ, gửi tới văn phòng Lutheran ở trại tỵ nạn gần nhất – Đồn Chaffee.
Tương tự như tôi, gia đình Thủy di tản bằng chiến hạm HQ-401, ghé Phi Luật Tân rồi tạm trú trên đảo Guam.  Anh nghe phong phanh ông thầy cũ có mặt trong trại Orote Point nhưng chưa kịp tìm gặp thì gia đình chuyển sang Đồn Chaffee. Trong trại tỵ nạn này, Thủy gặp lại Thiết, người bạn học thân thiết ở trường kỹ sư.  Khá Anh văn, Thiết xin làm thông dịch viên cho Cơ quan Xã hội Lutheran, vừa kiếm tiền vừa giúp đỡ đồng bào.
Thiết được phân công thi hành và theo dõi yêu cầu của Nhà thờ Ba ngôi. Sau mấy tuần lễ phổ biến đề nghị của nhà thờ mà không ai nhận, anh bàn với Thủy rồi điền tên tôi vào dù không biết tôi đang trôi giạt nơi nào.  Thế là văn phòng Lutheran gửi điện văn đi tìm...
Mãi đến năm 1996 tôi mới gặp người học trò cũ và ân nhân từ hăm mốt năm trước.  Anh sinh viên ngày xưa giỏi về thực hành hơn là lý thuyết nay là chủ hãng sửa chữa thang máy ở Montréal, vùng nói tiếng Pháp của Gia Nã Đại. Sau bữa cơm tối đãi thầy học cũ, Thiết xuống tầng hầm lục trong thùng hồ sơ cũ lấy lên một mảnh giấy cứng có chữ viết tay trên cả hai mặt – tấm phiếu ghi chép về “trường hợp” Nhà thờ Ba ngôi Lutheran.
Nhìn tấm phiếu định mệnh có ghi tên mình, tôi tự hỏi nếu không có nó đời tôi sẽ ra sao...
Nguyễn Ngọc Hoa

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Hình chụp ở ngoài sân nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 39 Kỳ Đồng Saigon, trước khi ra liên hoan ở trường Quốc Gia Âm Nhạc SaiGon nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Đại Học Minh Đức.






Hình 1 (từ trên xuống dưới)

Trong nhà nguyện sau khi cử hành Thánh Lễ, từ trái sang phải: Nguyên, Khoa, Thu vợ của Quang Minh, con gái một người bạn của Khoa, người mặc áo xanh là Linh Mục Thành Tâm (cựu SV khoa Nhân Văn Nghệ Thuật Minh Đức)...


Hình 2 (từ trên xuống dưới)

Tại nhà thờ DMHCG, từ trái sang phải: con gái của Nguyên,
Thu vợ của Quang Minh, bà xã cũa Khoa, vợ của Nguyên.

Gia đình bạn Trần thanh Nguyên (K1) đón tiếp một số bạn K1 từ Saigon nhân dịp thu hoạch mỹ mãn mùa trái thanh long vào mùa hè năm 2010 tại tỉnh Tiền Giang



Hình 1 (từ trên xuống dưới)
Từ trái sang phải: Vũ đăng Khoa, Con trai thứ của Nguyên, Nguyên, Chính (cựu SV Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật Minh Đức), Con trai lớn của Nguyên, Vợ Nguyên.



Hình 2 (từ trên xuống dưới)

Hàng trước (từ trái sang phải): Vũ đăng Khoa, Trần thanh Nguyên, con trai lớn của Nguyên, vợ Nguyên, con gái của Nguyên

Hàng sau (từ trái sang phải): nấp sau lưng Nguyên là con trai thứ của Nguyên, Chính(cựu SV Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật Minh Đức)