Cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam ngày càng chuộng bằng cấp, học vị, học hàm. Trình độ học vấn, chuyên môn là một điều kiện để thăng tiến.
Là tốt nếu như 'danh' đi đôi với 'thực'. Tuy nhiên, cán bộ sử dụng bằng giả, 'đạo văn' được phát hiện ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Hiện tượng suy thoái đạo đức chỉ là bề nổi, mà sâu xa là vấn đề thể chế. Trong chiến tranh và thời kỳ đầu tồn tại cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu người ta ít nhấn mạnh về bằng cấp, song trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, ngoài trình độ chính trị, tiêu chí trình độ học vấn, chuyên môn càng ngày càng được coi trọng, dần trở thành điều kiện cần để đánh giá, bổ nhiệm cán bộ.
Sự kiện nổi bật có liên quan, tạo nên sự chú ý là tháng 1năm 2016 tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 12 Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất, được bầu, bao gồm 19 uỷ viên với học hàm, học vị cao, cụ thể có 5 người có chức danh giáo sư, 1 phó giáo sư, 2 tiến sĩ, 7 thạc sĩ…
Thông tin này được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho thấy Đảng Cộng sản rất chú trọng đến tiêu chí trình độ học vấn, chuyên môn đối với cán bộ lãnh đạo.
Song nếu gắn với bối cảnh kinh tế - chính trị của giai đoạn này, thì sự kiện trên gửi đi 'thông điệp' rằng 'Hãy tin chúng tôi!', rằng 'Đây là tập thể lãnh đạo đảng có năng lực, thông minh có trình độ cao, họ có thể chèo lái đất nước vượt qua sự giảm sút kinh tế và bất ổn thể chế trong hai nhiệm kỳ trước đó, khắc phục được tình trạng các chính trị gia 'quyết đoán'.
Thế nhưng thông điệp này lại tạo ra những quyết định tai hại liên quan đến việc Đảng Cộng sản thể hiện tính chính danh của mình trước nhân dân.
Vinh danh người đỗ đạt
Các đợt 'thi hương, thi hội, thi đình' được tổ chức thường kỳ và được giám sát nghiêm minh để tuyển chọn quan lại.
Thời kỳ đầu xây dựng chế độ, sau Cách mạng tháng 8/1945, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các trí thức việt kiều yêu nước về xây dựng đất nước. Người đã vận dụng tài tình truyền thống 'tôn sư trọng đạo'. Trí thức được sử dụng, các nhà trí thức được coi trọng. Họ thực sự đã tạo nên những tấm gương vì nước, vì dân.
Ngày nay, thực tế đã thay đổi, đặc biệt khi nền kinh tế nước nhà càng ngày càng chuyển mạnh hơn sang thị trường. Quan điểm rằng sự khác biệt về mục đích việc dạy và học: để 'làm việc' ở phương Tây và để 'làm quan' ở phương Đông ngày càng rõ ràng.
Thế nhưng thể chế nói chung và giáo dục, đào tạo nói riêng đã không theo kịp tình hình.
Gần đây, việc xét và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 phản ánh sự quan tâm của xã hội. Có không ít đơn tố cáo, khiếu nại 'đạo văn' gửi đến các cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến bàn luận về chất lượng xét duyệt và đặt vấn đề liệu các quan chức các bộ, ban, ngành có nên làm hồ sơ xét chức danh hay không.
Như đã biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, và kết quả là trong hơn một nghìn hồ sơ đủ điều kiện được công nhận chức danh GS, PGS, có trên một trăm hồ sơ phải xem xét lại, trong đó một số quan chức bị loại hoặc 'tự rút' khỏi danh sách.
Hiện tượng 'đạo văn', sử dụng 'bằng giả', trong đó có quan chức, đã trở nên khá phổ biến và được báo chí nhà nước phản ánh. Trước dư luận mạnh mẽ một số phải thanh minh, hội đồng xét duyệt phải lên tiếng. Thậm chí 'lề trái' lan truyền về lá đơn của một nhà khoa học hiện đang làm việc ở Pháp, nêu đích danh một lãnh đạo cấp cao 'đạo văn' với những 'minh chứng' cụ thể tới Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước và yêu cầu được phản hồi.
Phản ứng có thể khác nhau về lời giải thích của một thành viên Tiểu ban ngôn ngữ học rằng đặc tính 'trọng tình', 'nhân văn' của người Việt được tính đến khi xét duyệt chức danh GS, nhưng sẽ khó cảm thông, nghi ngờ về 'sự im lặng' của cả cá nhân và truyền thông nhà nước khi đơn tố cáo đưa ra bằng chứng và có địa chỉ rõ ràng.
Sự tha hóa chung trong cả một thể chế
Các trường hợp điển hình nêu trên của hiện tượng khá phổ biến phản ánh nguyên nhân sâu xa là sự thoái hóa của cán bộ trong một chế độ toàn trị.
Phục vụ trong một nhà nước chuyên chế, quyền lực tập trung, mang tính thứ bậc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, nơi thứ duy nhất quan trọng là địa vị của quan chức, bằng cấp là thứ tô điểm, khiến các cán bộ đánh mất phẩm giá cá nhân, sa vào rủi ro đạo đức.
Trong các hội nghị, hội thảo, hội diễn… hoặc trên danh thiếp, các lãnh đạo thường hay được giới thiệu chi tiết về chức vụ và địa vị, kể cả học hàm, học vị. Thực tế này tạo vỏ bọc cho các quan chức tầm thường giả dạng các nhà kỹ trị và chi phối hệ thống từ trên xuống dưới.
Về mặt đạo đức, người xưa đã từng khuyên răn những kẻ 'chuộng bằng cấp'.
Trong một tấm bia đá ở Văn miếu Quốc tử giám còn khắc ghi: "Danh là khách của thực, thực là chủ của danh. Có danh, mà lại có thực, thì danh vì thế được coi trọng. Có danh, mà không có thực, thì danh vì thế bị coi khinh"
Thời nay, suy thoái đạo đức của cán bộ rất nặng nề, các hiện tượng 'sính bằng cấp', 'mua bằng' và 'sử dụng bằng giả' không là đơn lẻ.
Công khai, minh bạch bằng cấp của các cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược là cần thiết, là việc phải làm theo yêu cầu của tổ chức đảng.
Tuy nhiên, bản chất 'căn bệnh chuộng bằng cấp' mang tính thể chế, trong đó quyền lực tuyệt đối đang bị tha hoá nghiêm trọng và không thể tự giám sát hữu hiệu.
Hội nghị trung ương 7 khoá 12 (7-12/05/2018) vừa thông qua 'Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ'.
Liệu các nhà hoạch định chính sách cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam có đề ra được giải pháp đột phá cho 'căn bệnh thể chế' này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét