khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Một kẻ lạ trên phố phường Hà Nội - Tác giả Trịnh Y Thư



Tôi đứng nhìn sững hai vết hõm sâu hoắm lở lói trên mặt cổng thành. Cổng Bắc thành Hà Nội. Hai vết hõm như vết thương con thú bị đâm rồi kẻ đâm cứ thế chọc ngoáy cho đến khi con thú gầm thét rũ ra chết thảm. Con thú đây là thành Hà Nội và hai vết thương là vết đạn đại bác quân Pháp bắn vào trong lần chiếm thành lần thứ hai năm 1882. Quân Pháp, với chừng hai trăm lính thuỷ và vài trăm lính bộ, dưới quyền chỉ huy của Trung tá hạm trưởng Henri Rivière, chiếm thành sau gần ba giờ đồng hồ nã súng. Đọc sử, tôi biết như thế và đấy là trang sử bi thảm, đau buồn của dân tộc, bắt đầu cho nhiều trang sử đau buồn khác tiếp theo sau.

*

Về Hà Nội lần này, tôi có có hai việc phải làm: thứ nhất, đến nhìn tận mắt nơi mình sinh ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ để xem nó ra sao, và thứ hai, đi thăm một số những di tích lịch sử của thành phố. Việc thứ nhất chẳng có gì đáng nói. Giấy khai sinh của tôi ghi tôi sinh ra tại 15 Phố Hàng Bông. Có lẽ đó là địa chỉ một bảo sanh viện hay bệnh xá nào đó, nhưng bây giờ nó là một cửa hàng bán quần áo thời trang, màu mè rực rỡ. Tôi đứng vẩn vơ trước cửa tiệm, mỉm cười như chữa thẹn với cô ma-nơ-canh trắng toát đứng sau khung kính rồi bỏ đi như thể tôi là kẻ lạc đường gõ lầm cửa một căn nhà lạ.

Nhưng việc thứ hai, đi thăm các di tích lịch sử, đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng mạnh. Tôi đứng nhìn lâu lắm hai vết đại bác trên mặt cổng thành Hà Nội. Người Hà Nội qua lại ngoài đường phố, nếu có kẻ nãy giờ theo dõi hành vi tôi chắc phải nghĩ tôi là thằng điên. Tôi bỏ cổng thành, đi men theo con đường nhỏ rồi chui vào trong thành bằng cửa hông. Bên trong không một bóng người, chẳng ai kiểm tra tôi, thế là tôi hì hụi trèo chừng trăm bậc cấp lên mặt thành. Mặt thành bằng phẳng, chỉ có một mình tôi trên đó, đi lang thang, dò dẫm, cái gì cũng nhìn cái gì cũng chăm chú quan sát như thể muốn ghi sâu vào kí ức từng góc tường, từng viên gạch của toà thành cổ. Nhìn từ đây, dù bị những tàn cây cao che tầm mắt, tôi vẫn thấy sự to rộng, kiên cố của thành. Tôi không biết chỗ nào là Võ Miếu nơi cụ Hoàng Diệu treo cổ tự vẫn chết theo thành, một cái chết trung liệt nhưng oan khiên bởi nó vẫn không làm thức tỉnh được đầu óc ngu muội, thiển cận của thành phần vua quan phong kiến thời đó (và ngay cả thời bây giờ). Tôi có cảm tưởng vong linh cụ Hoàng vẫn quanh quẩn đâu đây. Một cái chết oan khiên như thế, tôi tin vong linh người chết dẫu nghìn năm vẫn không thể tan biến về cõi khác được. Tôi đứng nghiêm, trong đầu lầm thầm khấn vái vong linh cụ, nhưng quả tình tôi chẳng biết cầu xin cụ cái gì.

Tôi bước xuống bậc cấp, lách mình giữa hai cánh cửa nặng nề, men trở lại con đường nhỏ rồi nhập vào đoàn người lũ lượt chạy ngược chạy xuôi tất bật ngoài kia. Tôi như người từ quá khứ trở về. Trong lúc đi như thế, đầu óc tôi như chưa trở lại với thực tại nên tôi không nghe tiếng người ăn nhậu cười nói la hét huyên náo trong một quán ăn lộ thiên nhếch nhác, giăng bạt xanh đỏ ngay bên tường thành, xe máy đậu dọc theo chân thành thành một hàng dài thậm thượt.

*

Hà Nội là lịch sử. Lịch sử là Hà Nội. Đi đến đâu tôi cũng thấy dấu vết của lịch sử. Và lịch sử của Hà Nội không hẳn chỉ là những biến cố trọng đại được ghi chép vào sử sách mà còn là những đền chùa miếu quán không biết xây dựng từ bao giờ. Hà Nội có bao nhiêu ngôi chùa cả thảy? Chắc là rất nhiều. Từ chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn nổi tiếng nằm ngay giữa lòng thành phố cho đến các ngôi chùa nằm phía tây Hồ Tây, như chùa Thiên Niên, chùa Vạn Niên, chùa Ức Niên, có lẽ con số lên đến cả trăm. Nhưng điểm đặc biệt là mỗi ngôi chùa đều có một lịch sử của riêng nó, chẳng hạn như chùa Vạn Niên là nơi tu hành của thiền sư Thảo Đường đời nhà Lí, người sáng lập thiền phái Thảo Đường. Tôi thích những ngôi chùa nằm rải rác chung quanh Hồ Tây. Ai đến Hà Nội cũng phải đi thăm chùa Trấn Quốc. Ngôi chùa là nguyên một quần thể có toà bảo tháp nằm gọn lỏn trên một hòn đảo nhỏ xinh xinh nối với ven hồ bằng đoạn đường đê ngắn, rẽ vào từ đường Cổ Ngư rợp bóng cây xanh. (Bạn chữa khéo, bảo đấy là đường Thanh Niên, tên Cổ Ngư là tên cũ, nhưng xin thưa ngay với bạn tôi thích cái tên Cổ Ngư hơn và nhất định không chịu gọi là đường Thanh Niên). Tuy thế tôi thích lang thang lên Nghi Tàm thăm chùa Kim Liên, uy nghi, sừng sững cổng tam quan, hoặc sang Thủ Lệ thăm đền Voi Phục, còn không thì về Yên Phụ thăm đình Yên Phụ. Mặc dù chỉ là ngôi đình thờ sắc thần của làng nhưng ngôi đình có một kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo đầy phong cách nghệ thuật. Hà Nội cũng là biểu hiệu cho sự đồng nguyên trong đức tin (một điều thế giới ngày nay nên học hỏi). Cách chùa Trấn Quốc một thôi đường ngắn là quán Trấn Vũ (hay Chân Vũ). Bà con quen miệng gọi “quán” là đền Quan Thánh, nhưng kì thực đấy là một ngôi quán của Đạo giáo thờ thánh Trấn Vũ (hay Chân Vũ) của Đạo giáo. Hình như trước đây bên trong khuôn viên quán có đền thờ Quan Vũ (tức tướng Quan Vân Trường nhà Thục Hán bên Tàu) nên mới có tên là đền Quan Thánh chăng? Chùa, quán nằm cạnh nhau. Phật giáo, Đạo giáo đề huề, không tranh chấp, không cãi vã, không kèn cựa, không đem bom đạn giết nhau.

Nhưng thích nhất là sang Phủ Tây Hồ.

Phủ Tây Hồ nằm trên doi đất ăn sâu vào tận giữa lòng Hồ Tây. Ở đó có rất nhiều hàng quán bán ốc và bánh tôm. Ôi thôi, đủ các thứ ốc! Ốc luộc, ốc hầm thuốc bắc, ốc xào khế, ốc nấu thả, ốc hấp, ốc nấu giả ba ba, và dĩ nhiên bún ốc. Món nào cũng ngon, cũng đậm đà hương vị Bắc. Ngoài ra có cả bánh tôm, mà theo tôi thì ngon hơn bánh tôm Cổ Ngư bên hồ Trúc Bạch nổi tiếng xưa nay. Nhưng đang nói về chùa chiền, bạn trách tôi sao lại xọ sang chuyện ăn uống phàm tục như thế? Không sợ phạm thánh à? Không đâu bạn ạ. Tôi vào đây với một mục đích. Đó là tận mắt nhìn ngôi phủ Mẫu Liễu Hạnh, tối linh từ của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ground zero của tín ngưỡng phồn thực. Vào thăm một nơi như thế mà không ăn uống thì phí lắm, như lên Cung Quảng mà không ghé thăm Hằng Nga. Ngồi ăn ốc và bánh tôm xong, gió mát từ ngoài hồ lùa vào hây hẩy, lòng thấy nhẹ nhàng, chưa bao giờ thấy thư thả như thế, tôi đứng lên lững thững đi về phía mỏm doi đất, nơi toạ lạc ngôi phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Tương truyền Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan một hôm trời đẹp bèn cùng hai người bạn thơ văn thả thuyền ngoạn cảnh Hồ Tây. Đang lênh đênh trên mặt gương hồ thì bỗng đâu xuất hiện một cô gái xinh đẹp. Hai bên đối đáp thơ văn tương đắc lắm. Sau một lúc đàm đạo chuyện văn chương thơ phú, Trạng Bùng ướm hỏi tính danh cô gái, nhưng cô chỉ mỉm cười đọc một bài thơ rồi biến mất. Chẳng biết cụ Trạng về nhà có tương tư cô gái hay không (nếu tôi là cụ thì chắc tôi tương tư đến chết mất thôi), cụ đọc kĩ bài thơ và nhất định bảo cô gái ấy chính là Mẫu Liễu Hạnh. Dân làng nhân thế lập miếu thờ. Người ta bảo tôi phủ Tây Hồ linh thiêng lắm, cầu gì được nấy.

Chao ơi, không biết người ở đâu ra mà đông như thế. Chưa thấy phủ đâu tôi đã chạm phải một đoàn người đông như kiến rồng rắn đi về phía phủ. A, hoá ra hôm này là ngày rằm. Toàn những cặp vợ chồng trẻ hoặc trai thanh gái lịch, ăn mặc chỉnh tề, tay bưng mâm ngũ quả nhang đèn, nối đuôi nhau vào phủ. Tôi đứng ngoài xa, sát bờ hồ, khuỳnh tay chống lên lan can kè đá nhìn ra mặt hồ. Phía bên này, một tín ngưỡng dân gian nghìn năm vẫn giữ nguyên như cũ. Phía bên kia, hình như là Nhật Tân, những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy nhấp nháy ánh đèn. Hà Nội là thế, như những đô thị cổ xưa khác trên thế giới, nó luôn luôn phải vật lộn, giằng co giữa cái cũ và cái mới. Bảo tồn cái đẹp truyền thống thâm thúy, sâu sắc cùng lúc thu nạp cái đẹp tân kì táo bạo, cao nhã là điều không dễ dàng chút nào, và luôn luôn xen vào đấy là những cái lố lăng, lố bịch, thậm chí xấu xa.

Chỉ có mặt gương Tây Hồ là không thay đổi.

*

Nhà văn Vũ Bằng thuở trước sống xa quê cũ, thương nhớ Hà Nội đến phát khóc. Ông nhớ Hà Nội là phải, vì Hà Nội có nhiều món ăn ngon mà ông là người thích ăn ngon. Tôi chẳng biết làm thế nào để tìm ăn những món ngon ông Vũ kể trong các tác phẩm của ông. Nào là cá anh vũ ăn với cháo ám; nào là gạo mới ăn với chim ngói; nào là cốm Vòng gói lá sen già, hương sen hương cốm hoà quyện vào nhau, đã đẹp mắt lại ngon miệng; nào là tháng tư thì phải lên Hưng Yên ăn nhãn. Ôi thôi, mỗi tháng mỗi mùa ông ăn một món khác nhau, món nào cũng cầu kì, lạ hiếm, biết đâu mà tìm. Tôi là kẻ dễ ăn, sáng trưa chiều, mỗi buổi một bát phở cũng xong. Phở Hà Nội thanh thanh, nhất là phở gà. Nem rán cũng không chê vào đâu được. Phở cuốn bên Ngũ Xã cũng ngon lạ, ăn xong đi thăm Nam Đồng Thư Xã, cái nôi của trí thức cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỉ XX. Hay ghé thăm chùa Thần Quang để mục kích pho tượng Phật A Di Đà to nhất Việt Nam, biểu hiệu cho kĩ thuật và nghệ thuật đúc đồng đen hiếm có. Nhưng ăn bánh cuốn, bún ốc thì tôi mò xuống Thanh Trì, tức quận Hoàng Mai bây giờ. Chưa hết, từ Hoàng Mai, tôi lấy xe máy vượt qua cầu Tranh Trì bắc ngang sông Hồng, vào làng Đông Dư, Bát Tràng (mua vài món đồ gốm làm kỉ niệm), thăm thú qua loa rồi tất tả chạy sang làng Phụng Công tìm bánh tẻ. Suốt thời thơ ấu tôi ăn bánh tẻ mẹ tôi làm, giữa nó và tôi là những kỉ niệm khó quên. Bánh tẻ, còn gọi là bánh răng bừa, là đặc sản của Phụng Công. Tôi nghe nói thế và tôi phải tìm đến tận nơi.

*

Bánh tẻ Phụng Công quả là đặc biệt, danh bất hư truyền. Tôi bỏ dép ngồi xếp bằng dưới sàn gạch hoa mát rượi, vừa ăn bánh vừa gợi chuyện với bà cụ già ngồi gói bánh với đứa cháu gái. Con bé tuổi chắc chưa quá mười lăm nhưng hai tay gói bánh đã nhuần nhuyễn, thiện nghệ lắm rồi. Bánh gói xong nằm xếp lớp gọn ghẽ bên nhau, lá chuối xanh buộc dây lạt trắng trông thật đẹp. Bánh có hình cái răng bừa nên người ta còn gọi nó là bánh răng bừa. Bà cụ già khoe tôi bánh của tiệm bà ngon nổi tiếng, nước ngoài cũng biết đến, “bên Hàn quốc, người ta còn gọi sang đặt lữa đấy.” Bà cụ bảo tôi. Có tiếng điện thoại di động phát ra từ túi áo cánh bà cụ, cụ ngưng tay làm rút ra nghe. “Anô... bánh tẻ Đức Phát tôi nghe đây... Vâng, vâng, ba chục bánh ạ... Chiều nay sáu giờ ông sang nấy.” Khách quen ở Hà Nội gọi sang đặt bánh. Cụ vừa nói vừa nhét điện thoại trở vào túi áo rồi hai tay lại thoăn thoắt gói bánh. Nhìn đôi bàn tay già nua, nhăn nheo của cụ tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến đôi bàn tay chai sạn của mẹ tôi.

Chia tay bà cụ miệng mồm mau mắn, trên đường về, bụng no như thế mà tôi vẫn tạt vào quán lá bên đường làng Đông Dư ăn ổi, ăn hồng xiêm và tán chuyện gẫu với mấy cô hàng. Chẳng biết nhân dạng, mặt mũi tôi kì dị như thế nào mà mấy cô cứ trố mắt nhìn tôi rồi rũ ra cười.

*

Một hôm, từ trong một cửa tiệm tạp hoá bước ra, tôi chạm trán một bà cụ già Hà Nội. Bà liếc nhìn tôi rồi kêu lên: "Khiếp! Cái ông Tây này sao mà béo thế!" Tôi mỉm cười khẽ bảo cụ: “Thưa cụ, cháu là người Việt mình đấy ạ.” Bà cụ lại kêu lên: “Ơ, chúng mày ơi! Ông Tây này biết nói tiếng Việt.”

Với Hà Nội, tôi là kẻ lạ. Tôi sinh ra ở đấy nhưng tôi chẳng biết gì về nó. Chưa kịp có chút ý thức nào thì tôi đã bị bứng gốc ném giạt về những miền đất xa lạ. Kẻ lạ cũng là kẻ bạc tình. Kẻ bạc tình vồn vã khi đến nhưng lạnh lùng lúc ra đi. Tôi chẳng bao giờ khóc vì nhớ thương Hà Nội như Vũ Bằng, nhưng một hôm có người bạn hỏi đùa, “Nếu có ngày về lại Việt Nam sinh sống thì cậu sẽ chọn ở nơi đâu.” Không kịp suy nghĩ, bất giác tôi buột miệng trả lời anh, “Hà Nội chứ còn đâu nữa.”


Sự thật - Tác giả Tuấn Khanh (Saigon)




Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel trình bày một sự thật về chuyện bà sẽ không tham dự lễ diễu binh tại Nga nhằm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát-xít Đức. Lý do không phải là một vấn đề mặc cảm từ kẻ thua cuộc, mà nước Đức muốn bày tỏ thái độ không ủng hộ hình thái Phát-xít mới đang xuất phát từ nước Nga, qua sự kiện Ucraina và Crimea. Thế nhưng sau lễ kỷ niệm một ngày, ngày 10 tháng 5, bà Angela Merkel sẽ đến đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở Nga.

Nước Đức cũng như nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Pháp, Ba Lan… đã từ chối không tham dự lễ diễu binh ở Nga, mặc dù chiến thắng Phát-xít Đức không riêng về nước Nga. Mỗi quốc gia đều kỷ niệm ngày lịch sử này bằng các cách khác nhau trong hòa bình và mơ ước đến tương lai, và không có diễu binh. Đối với họ, có thể dùng xe tăng và hình tượng chiến thắng, giải phóng… sẽ trở nên thô bỉ và kiêu ngạo khi nhắc về nỗi đau của đồng loại.

Lịch sử đã mở ra nhiều góc cạnh của sự thật, cho dù sự thật đó được rao giảng, bị cưỡng ép như thế nào đi nữa. Sự thật là lối đi mà số phận dân tộc nào may mắn mới qua suốt được trên con đường đó, để lớn khôn qua thời gian. Nếu không, dối trá sẽ làm mù lòa dân tộc và đẩy quốc gia vào tăm tối.

Sự thật, dẫu đến muộn, cũng giúp cho tôi và những người cùng thế hệ con người xã hội chủ nghĩa nhìn thấy nước Nga không quá vĩ đại như từng được nhồi nhét. Nước Nga có công lớn trong Đệ nhị Thế chiến, nhưng nước Nga cũng lạnh lùng thảm sát hàng chục ngàn sĩ quan Ba Lan ở Katyr. Nhà độc tài Stalin đã nuôi dưỡng đội quân của mình, trở thành một chế độ thực dân mới xã hội chủ nghĩa, bằng việc cho phép hãm hiếp, cướp bóc và áp đặt đời sống chính trị với nhiều quốc gia Châu Âu.

Nhờ sự thật, tôi cũng nhận ra rằng chung quanh mình vô số kẻ nói dối như một bản năng. Nói dối dù chỉ để làm tươi hồng thêm màu sắc giả tạo đã có. Ngày 9 tháng 5, kỷ niệm 70 chiến thắng Phát-xít Đức, trên trang của VOV có bài chính luận, khẳng định rằng chiến thắng của người Nga là “tiền đề vững chắc để làm nên một Điện Biên lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 và đang tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thành công như ngày nay”. Nhiều năm trước, nếu không có sự thật, có thể tôi và các bạn đã tin những dòng chữ đanh thép và kêu vang này là trí tuệ, là sự thật.

Nước Nhật, một trong những quốc gia phe Trục bị lên án, cũng đã nhìn lại Đệ nhị Thế Chiến bằng sự thật lịch sử. Phát biểu nhân dịp này, hoàng thái tử Naruhito nói rằng xin đất nước và dân tộc Nhật bản hãy cùng nhau “nhìn lại quá khứ một cách khiêm tốn nhất”. Nhìn lại khiêm tốn, để thấy rõ công và tội hiển hiện trong lịch sử.

Nếu được nhìn đủ công – tội như vậy, mới hiểu vì sao với hơn 20 triệu người đã chết trong Đệ nhị Thế chiến nhưng chính quyền Liên Xô vẫn bị căm ghét ở Châu Âu, khi lạm dụng chiến thắng và cai trị. Cũng như chúng ta cũng phải tự hỏi vì sao người dân Campuchia vẫn có nhiều người căm ghét Việt Nam, dù đã giải phóng cho họ năm 1979.

Sự thật lịch sử cho thấy Liên Xô đã dùng xe tăng nghiền nát người đòi tự do ở Hungary vào 1956, thảm sát ở Tiệp Khắc vào năm 1968. Sự thật cho thấy Cuba và Triều Tiên không phải là thiên đường, các lãnh tụ cộng sản ở Đông Âu hay Châu Mỹ chỉ là những tên độc tài hoang tưởng. Những sự thật đơn giản ấy, nhiều năm sau khi tôi và thế hệ mình lớn lên, vật vã và chấp nhận nhiều rủi ro, mới có thể tìm thấy. Thế hệ tôi, và trước nữa, chỉ biết tin tuyệt đối “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ, trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”, như bài thơ giễu nhại của Việt Phương từ năm 1969.
Sự thật không ăn được, nhưng ý thức về sự thật giúp con người ngay khi ăn, cũng khác các loài động vật khác. Sự thật giúp con người bừng tỉnh khi biết rằng 16 tấn vàng của chế độ VNCH không bị tẩu tán đi, mà được chế độ mới góp chung với gần 25 tấn vàng đánh tư sản miền Nam đợt 1, để đưa sang nước Cộng sản anh em. Sự thật cho biết ông điệp viên Phạm Xuân Ẩn được cài vào chính quyền của ông Ngô Đình Diệm, nhưng sau năm 1975 bị đưa đi Trung Cộng để tẩy não vì nghi ngờ đã có cảm tình với cách kiểm soát đất nước của chế độ VNCH.

Sự thật không dùng để báo thù, mà chỉ dùng để nhận biết và yêu thương tương lai của chính mình, của nhân loại. Nền văn minh thật què quặt nếu thiếu đi sự thật.

Cũng như bà Angela Merkel đến đặt hoa ở Mộ Chiến sĩ Vô Danh, bất kỳ ai biết đến Đệ nhị Thế Chiến sẽ không thể không kính trọng những người lính – bất kỳ của quốc gia nào – đã hy sinh để giành lại tự do cho tổ quốc, thế giới. Và nếu có đứng giữa một nghĩa trang đồ sộ qua chiến tranh, chắc chắn bạn sẽ dậy lên một lòng trắc ẩn về những số phận đã bị lạm dụng để phục vụ cho mưu đồ của kẻ khác. Dĩ nhiên, khi bạn là một người đã có diễm phúc để hiểu biết về sự thật.


TƯỞNG NIỆM NGÀY 30 THANG TƯ DO TUỔI TRẺ SAN JOSE TỔ CHỨC TAI CITY HALL THÀNH PHỐ SAN JOSE, CALIFORNIA, HOA KỲ







Tại sao Chữ Thập Đỏ Viet Nam lại vô cảm?







Bùi Kiến Thành: kinh tế và giáo dục miền Nam trước 75 - BBC Vietnamese



Học gì từ chính sách kinh tế của VNCH?

Việt Nam ngày nay nên học chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong cách nhìn về kinh tế thị trường cũng như cách đào tạo, trọng dụng nhân tài.

Nhận định trên được chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, một Việt kiều Mỹ nay đang sống ở Việt Nam, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 23/4.

Ông Thành cũng cho rằng "dư âm của nền kinh tế tập trung" đang hạn chế sự phát triển của Việt Nam trong thời điểm hiện tại, cũng như trong tương lai.

BBC: Ông có thể cho biết một số đặc trưng của nền kinh tế miền Nam trước năm 1975?

Ông Bùi Kiến Thành: Trước 1975 thì kinh tế miền Nam, dù có những khó khăn do chiến tranh, nhưng vẫn là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Vì trong bối cảnh chiến tranh nên chính sách thời đó là mở rộng tất cả những gì có thể. Nông nghiệp thì gặp khó khăn về chiến tranh, thương mại cũng chỉ trao đổi hàng hóa, chứ việc phát triển công nghiệp thì chưa được bao nhiêu.

Nhưng nó vẫn là nền kinh tế cho phép nhân dân tự do tham gia, để những người có ‎ý chí muốn làm kinh tế được tạo điều kiện tốt.

Trong những năm dưới Đệ nhị Cộng hòa thì có khó khăn do cơ chế quản lý nhà nước vẫn chưa có những kinh nghiệm trong vận hành kinh tế thị trường, quản lý‎ nhà nước vẫn chưa hoàn toàn trong sáng, vẫn có những nhũng nhiễu của các nhóm lợi ích.

Trước 75 thì kinh tế miền Nam sống nhờ viện trợ hoa kỳ. Mỹ cung cấp cho miền Nam một tài khoản lớn, mỗi năm mấy trăm triệu đôla, mỗi năm nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam rồi chi cho chính phủ, chi cho phát triển.

Với nền Đệ nhị Cộng hòa thì chiến tranh mở rộng và chi phí của bộ máy quân sự Mỹ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Nền kinh tế phát triển ảo, phát triển về hạ tầng chứ không phải phát triển doanh nghiêp để tạo ra công nghệ mới.

Nó có định hướng tốt là nền kinh tế thị trường nhưng không vững chắc, không dựa vào cơ sở kinh tế mà chỉ dựa vào chiến tranh là chính.

Cả Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa đều không có điều kiện để phát triển hết tiềm năng của một nền kinh tế thị trường, do chiến tranh và việc chuyển đổi qua nền kinh tế kế hoạch tập trung rất là khắc nghiệt.

Nếu so sánh với các nước khác thì Đại Hàn bắt đầu dưới thời Park Chung Hee mới bắt đầu phát triển tốt và đến 70 mới phát triển xa hơn Việt Nam Cộng Hòa.

Không thể so sánh với những nước như Nhật được. Nhật đến năm 70 đã phát triển thành nền kinh tế tiến bộ rồi.

Singapore thời đó cũng chỉ mới bắt đầu có tiến triển dưới thời L‎ý Quang Diệu và đến 70 thì phát triển xa hơn miền Nam nhiều, vì cả ba nước này không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Ở miền Nam trước 75 thì là một nền giáo dục rất mở, người sinh viên và các thầy giáo được quyền tiếp cận các nền giáo dục tư tưởng, dù là tư bản hay cộng sản, không hạn chế.


BBC: Xu hướng phát triển của Việt Nam Cộng Hòa sẽ như thế nào nếu được phát triển trong hòa bình, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Nói chung nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa là một nền kinh tế thị trường có nhiều tiềm năng, nếu được phát triển trong hòa bình thì sẽ có nhiều khả năng phát triển tốt hơn là chính sách phát triển tập trung sau 30/4/1975.

Nếu Việt Nam có hòa bình thì những chính sách phát triển kinh tế bắt đầu từ nền Đệ nhất Cộng hòa vẫn được duy trì, như khu công nghiệp Biên Hòa, các trung tâm phát triển công nghiệp. Khi đó chúng ta học dần dần thì bắt đầu tích lũy kinh nghiệm và bắt đầu đi lên.

Tuy nhiên, sau 30/4 thì tất cả những kinh nghiệm đó bị chặn đứng, áp dụng kế hoạch tập trung của miền Bắc vào miền Nam, bao nhiêu doanh nghiệp bị quốc hữu hóa, doanh nhân thì vào trại cải tạo hoặc bỏ xứ ra đi.

Nền kinh tế tan vỡ ra hết và nền kinh tế tập trung không phát triển được, việc ngăn sông cấm chợ khiến nền kinh tế đi vào ngõ cụt.

Đến khi đó nhà nước cộng sản mới áp dụng chinh sách Đổi Mới. Nhưng Đổi Mới không phải là kinh tế thị trường mà là nền kinh tế 'nhiều thành phần vận hành theo kinh tế thị trường dưới sự quản lý‎ của nhà nước".

Cho đến nay định nghĩa của nền kinh tế Việt Nam sau Đổi Mới vẫn chưa có gì mới hơn là định nghĩa năm 1986, là kinh tế nhiều thành phần có sự quản l‎ý của nhà nước.

Vì vậy nên đến 2015, chúng ta vẫn bị sự chi phối nặng nề của các doanh nghiệp nhà nước, không thoát ra được tư duy kế hoạch tập trung của một số lãnh đạo, và không thoát ra khỏi sự vận hành của kinh tế nhà nước, trì trệ và không có hiệu quả.

Từ năm 1985 đến giờ ta không bắt kịp các nền kinh tế khác vì tư duy không rõ ràng, không ai biết kinh tế xã hội chủ nghĩa là cái gì.

Một mặt thì nói là kinh tế thị trường, một mặt thì nói là có sự quản l‎ý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta đã mất hết 30 năm mà vẫn còn loay hoay trong những việc làm không rõ ràng.


BBC: Liệu chính phủ ngày nay có thể học được gì từ chính sách kinh tế miền nam trước 1975 thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Thứ nhất là kinh tế là việc của nhân dân chứ không phải của chính phủ, chính phủ không làm kinh tế. Đó là bài học lớn nhất.

Phải bỏ tập quán chính phủ đi làm kinh tế. Đã có định hướng như thế rồi nhưng chính phủ Việt Nam vẫn chưa ra khỏi vấn đề tư duy kinh tế nhà nước.

Thứ hai là các nhóm lợi ích của thành phần cầm quyền có ảnh hưởng rất lớn về vấn đề lợi ích trong nền kinh tế, khiến nền kinh tế bị khống chế bởi một nhóm lợi ích, khó mà phát triển được.

Kinh tế làm sao phải lan tỏa được để mọi người có thể tham gia, làm sao để tổ chức mà cả hệ thống chính trị, hệ thống hành chính tạo điều kiện cho người dân tham gia bình đẳng vào vấn đề kinh tế.

Ở miền Nam khi đó không có vấn đề là đảng viên thì hay ở trong hệ thống tổ chức nào mới được trọng dụng.

Đến bây giờ chúng ta thấy rằng về vấn đề quản lý nhà nước, toàn thể Việt Nam vẫn ở trong hệ thống Đảng Cộng sản, không phải đảng viên thì không được gì, mà chưa hẳn là 4 triệu đảng viên cộng sản đã là tinh túy nhất của toàn dân Việt Nam, nên nó hạn chế việc đào tạo lãnh đạo quản lý‎ nhà nước.

Chúng ta chưa thực sự mở cửa đào tạo, có hệ thống giáo dục tân tiến.

Đi vào đại học thì học những chuyện đã cũ rích rồi, từ những sách tiếng Anh dịch ra cho học sinh học mà thầy giáo đọc còn chưa hiểu, trong khi ở những nước khác, sinh viên học trên internet các dữ liệu, kiến thức mới.

Hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa thể đưa những kinh nghiệm hay kiến thức mới vào nền giáo dục kịp thời, nên chúng ta đào tạo ra các sinh viên không đủ năng lực đi vào thực tế, đi vào xã hội.

Các doanh nghiệp khi thuê từ đại học ra phải đào tạo lại cho phù hợp với doanh nghiệp mình, nên tốn gấp đôi thời gian và tiền.

Bên cạnh đó, Việt Nam bây giờ còn có cái đại nạn là phải đi mua việc. Điều đó tạo ra vấn đề là những cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước không phải do năng lực. Những chuyện đó hạn chế chất lượng quản lý nhà nước của Việt Nam.

Ở miền Nam trước 75 thì là một nền giáo dục rất mở, người sinh viên và các thầy giáo được quyền tiếp cận các nền giáo dục tư tưởng, dù là tư bản hay cộng sản, không hạn chế.

Giáo dục miền Bắc khi đó chỉ có Marxist thôi, không được đọc sách báo, không nghe về tư bản chủ nghĩa, không nghe BBC, radio thì bị khóa không được mở các tần số đấy.

Giờ thì trong trường đại học mở ra nhiều hướng để sinh viên tiếp cận, ví dụ như Internet. Nhưng giáo trình thì không bao nhiêu, vì các thầy cũng có được học đâu, các thầy cũng học trong cơ chế xã hội chủ nghĩa bao năm nay rồi, nên việc đào tạo các thầy trước rồi đào tạo sinh viên sau khiến nền giáo dục bị chậm trễ.

Dư âm của một nền văn hóa tập trung vẫn khiến Việt Nam bị hạn chế cho đến nay.

Tại sao Gs Châu Tâm Luân lại cần người đỡ đầu? - Tác giả Minh Đức7






Gs Châu Tâm Luân



Trong cuốn sách Bên Thắng Cuộc của nhà văn Huy Đức có đoạn nói về ông Châu Tâm Luân, một trí thức miền Nam, sau 1975 như sau:
 
Giáo sư Châu Tâm Luân kể: “Tại diễn đàn của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đề nghị phải áp dụng ‘kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước’. Ông Xuân Thủy nghe, nói với tôi: ‘Anh phải có người đỡ đầu, anh về nói với Sáu Dân đi’. Tôi trả lời ông Xuân Thủy: ‘Nếu tôi nói đúng thì các anh phải nghe chứ sao lại cần người đỡ đầu?’.
 
Ông Châu Tâm Luân trả lời như vậy vì ông suy nghĩ theo cách của dân miền Nam trước 1975, và cũng là cách suy nghĩ của nhiều nước không cai trị theo lối của Cộng Sản trên thế giới, trong đó có nhiều nước không nhất thiết là dân chủ như các nước Âu Mỹ.
 
Khi một người nghĩ là "nếu tôi nói đúng thì các anh phải nghe" thì người đó xem là trong xã hội mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau và ai nói có lý thì sẽ được những người khác công nhận.
 
Còn ông Xuân Thủy thì hiểu cách vận hành của chế độ Cộng Sản nên khuyên ông Châu Tâm Luân nên tìm người đỡ đầu. Cần phải có người đỡ đầu để người đỡ đầu nói hộ cái ý mà ông Châu Tâm Luân muốn nói. Người đó phải được chế độ tin tưởng đủ mạnh để ban lãnh đạo lắng nghe lời người đó nói.
 
Khi những người lãnh đạo một chế độ chỉ tin vào lời những người mà mình tin tưởng thì những người đó không thật sự dùng óc của mình suy nghĩ những điều đúng sai phải trái từ phía người nói mà chỉ xét xem kẻ nói có thuộc về phe mình hay không, nếu kẻ đó không phải là phe ta và không biết chắc họ thuộc về phe nào, hoặc biết rõ là họ không theo mình thì những người lãnh đạo đó không thèm nghe lời họ. Đó là óc bè phái, phe đảng nặng hơn là lý trí sáng suốt.
 
Còn ông Châu Tâm Luân thì quen sống trong môi trường mà mọi người có quyền lên tiếng. Khi có các ý kiến khác nhau, trái ngược nhau thì mỗi người cố đưa ra các lập luận, bằng chứng để thuyết phục người khác. Các người khác cũng xem xét vấn đề xem có lý hay không. Nếu ai nói có lý thì họ công nhận là người đó đúng và công nhận là lý lẽ của họ sai. Bằng cách đó mà chế độ miền Nam có nhiều đảng, nhiều báo chí tư nhân, nhiều nhà văn được tự do viết sách, có những người được tự do đưa ra học thuyết, giả thuyết của mình về các vấn đề lịch sử, văn hóa. Tất cả đều dựa trên nguyên tắc ai nói có lý thì nghe mà không phải là nguyên tắc ai thuộc phe mình thì nghe. Nếu ai cũng suy nghĩ theo kiểu ai thuộc phe mình thì nghe thì chế độ cho đa đảng, cho tự do ngôn luận sẽ chỉ đưa đến chỗ hỗn loạn, xung đột mà thôi vì không ai chịu ai là đúng cả. 
 
Ông Châu Tâm Luân đã bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giam trong một thời gian vì đó là thời chiến. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang phải chống đỡ với sự tấn công bằng quân sự của khối Cộng Sản . Những điều ông Châu Tâm Luân nói nếu nó đụng chạm đến sự sinh tử của chế độ thì chế độ đó phải bắt ông ta. Nhưng về nhiều mặt văn hóa, xã hội, chính trị người dân miền Nam vẫn có quyền phát biểu và mọi người đánh giá các ý kiến khác nhau trên tinh thần ai nói có lý thì nghe. Thí dụ, ông Châu Tâm Luân khi làm giáo sư kinh tế trước 1975 vẫn thường nói với sinh viên là kinh tế xã hội chủ nghĩa là tốt nhất mà chính quyền vẫn để cho ông dạy học.
 
Sau năm 1975, nhiều bác sĩ, giáo sư đại học đã bị đuổi khỏi nhà thương, trường đại học vì họ quen lối ở miền Nam trước đó là thấy cách làm việc nào dở, vô lý thì họ phản đối. Khi họ phản đối như vậy thì những người lãnh đạo hoặc là phải biện hộ về cách họ làm hoặc phải nghe lời phản đối nếu lời đó là phải. Còn sau 1975, cách thức hoạt động tại các nhà thương, trường đại học là do ở trên đặt ra, ở dưới bắt buộc phải làm y như vậy, dù có người phản đối thì những người có trách nhiệm trong nhà thương, trường học cũng không có quyền thay đổi đi. 
 
Nên làm theo vì thấy có lý hay nên làm theo vì thấy điều đó là do phe ta đưa ra? Nếu chỉ làm theo những gì mà phe ta đưa ra thì một nước rất khó tiến bộ vì trong nội bộ nước đó nhiều ý kiến đưa ra từ phía người dân sẽ bị bỏ qua vì họ không thuộc vào loại người mà lãnh đạo thực sự tin tưởng. Nước đó chỉ có thể thay đổi khi thấy nước khác cũng thuộc phe ta đã thay đổi. Nghĩa là Việt Nam chỉ thay đổi khi các nước cùng phe XHCN như Liên Xô, Trung Quốc đã thay đổi.
 
Thế còn Liên Xô, Trung Quốc thì lãnh đạo của họ chỉ thay đổi khi chế độ của họ đi đến chỗ bế tắc, nguy ngập chứ họ cũng không nghe lời ý kiến  của người dân nước họ. Trách sao trong thế kỷ 20 các nước này hô hào đuổi theo các nước Âu Mỹ rất dữ mà sau một thế kỷ họ vẫn còn phải đuổi theo. Chỉ vì các nước Âu Mỹ họ làm theo điều gì nói có lý chứ không làm theo điều gì do phe ta nói ra.

Chế độ làm theo những gì nói có lý là chế độ để mở để có thể thay đổi nhanh chóng khi có ý kiến mới đưa ra. Chế độ chỉ làm theo những gì do phe ta nói ra là chế độ được xây dựng cốt để tránh thay đổi với các ý kiến mới.




Nghề làm móng của người Việt ở Âu Châu




                                            


Số liệu thống kê lợi tức đầu người dân ( $US dollar) VN của hai miền Nam và Bắc trong thập niên 1960 từ Ngân Hàng Thế Giới







Có phải tôi ? - Tác giả Nguyễn thị Cỏ May



Trước đây, có quyển «Người Trung quốc xấu xí» của Bá Dương được Nguyễn Hồi Thủ ở Paris dịch ra tiếng Việt Nam. Nhiều người Việt Nam đọc qua, ai cũng ngạc nhiên sao người trung quốc lại có nhiều cái giống bà con người Việt Nam mình quá. Hay người Việt Nam mình giống người Trung Quốc. Ai giống ai? Điều đáng ngạc nhiên là cả «bà già trầu» đọc qua cũng la lên «Sao giống mình quá vậy! Ông này viết hay thiệt! Giống như đóng tuồng vậy!».

Chẳng lẽ người ta nói « Người Việt Nam và người Trung Quốc đồng văn, đồng chủng» lại đúng sao?

Nay đọc bài «Kẻ thù của người Trung Quốc» của Bá Dương, Cỏ May lại giựt mình vì quả thật người Việt Nam ta sao có nhiều cái giống người Trung Quốc của Bá Dương mô tả quá đi. Hay người Trung Quốc học ta đó!

Càng đọc, Cỏ May càng kinh ngạc. Và xin mạn phép chủ quan lược ghi vài nét giống nhau để bạn đọc thấy có đúng không? Điều ước mong thật lòng của Cỏ May là Ông Bá Dương chỉ mô tả đúng cho người Trung Quốc, đồng bào của ông ấy, chớ hoàn toàn không phải của người Việt Nam chúng ta.

Về văn hóa

Bá Dương so sánh văn hóa Trung Quốc với hai nền văn hóa cổ đại Ai Cập và Hy Lạp để thấy sự khác bìệc là văn hóa của hai nước đó đã một thời huy hoàng rực rỡ ảnh hưởng qua phương Tây nhưng lại sụp đổ, không để lại một sự nối tiếp nào ngoài những chứng tích có giá trị cho môn khảo cổ học. Người dân hai nước này ngày nay không liên quan gì với tìền nhân của họ hết cả. Trái lại, văn hóa trung hoa không bị số phận đó. Nhưng ông lại than phiền:

«Nhưng người Trung Quốc hôm nay thì đúng là hậu duệ của người Trung Quốc cổ đại. Tại sao ngày nay lại ra nông nỗi xấu xa ấy? Chẳng những bị người nước ngoài ức hiếp mà còn bị ngay dân mình ức hiếp. Nào là vua bạo ngược, quan bạo nguợc, mà cả nhân dân cũng bạo ngược.

Ở thế kỷ thứ XIX, có một chuyên viên Anh đóng ở Malaysia nói rằng: “Làm người Trung Quốc ở thế kỷ thứ XIX là một tai họa”. Bởi vì ông này đã thấy cộng đồng người Hoa sống ở quần đảo Nam Dương giống một lũ lợn, vô tri vô thức, tự sinh tự diệt, tùy thời còn có thể bị sát hại hàng loạt. Thế mà tôi thấy người Hoa ở thế kỷ XX so với người Hoa ở thế kỷ XIX tai họa của họ còn lớn hơn».

Phải chăng từ khi Mao Trạch-đông về Bắc kinh thì văn hóa, lịch sử và con người thật sự bắt đầu đoạn tuyệt với cái quá khứ dài liên tục cả ngàn năm của Trung hoa? Văn hóa trung hoa cổ thời mang giá trị nhân văn bao nhiêu thì cái văn hóa mác-xít do Mao Trạch-đông đem tới từ năm 1949 lại phi nhân, bạo ngược và dã man bấy nhiêu. Không phải đây là một hiện tượng gián đoạn lịch sử trung hoa?

Ta thử nhìn lại các cuộc cách mạng ở Trung quốc, từ cướp chánh quyền của Mao Trạch-đông, phản phong, bước nhảy vọt, cách mạng văn hóa long trời lở đất để thấy trong lịch sử nhân loại, có những biến cố nào ghê gớm như vậy do chính con người làm ra, gây tổn thất sanh mạng cả 80 triệu người? Nhưng cái tai họa đó thật sự nhằm thay đổi con người. Hủy diệt một lớp người thấy không cần thiết để thay thế vào đó một lớp người khác do họ đào tạo. Mà đào tạo một lớp người mới không gì khác hơn là hủy diệt nhơn tính, phẩm giá con người để thay thế bằng con người xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh, đệ tử của Mao, học được và áp dụng «vì lợi ích một trăm năm, trồng người» bằng đấu tố, tắm máu!

Bá Dương đã phải ngán ngẩm không hiểu cái văn hóa truyền thống kiểu nào mà sanh ra hiện tượng này? Nó đã khiến cho người Trung Quốc của ông mang trong người tử lúc nào không biết nhìều mầm ác rất đáng sợ vô cùng.

Khi viết điều này, Bá Dương chưa biết cách làm ăn lượm bạc cắc ngày nay của người Trung Quốc của ông là làm thịt đồng bào của họ lúc còn sống để lấy nội tạng bán cho bệnh nhân. Thầy thuốc, nhà thương hợp tác công khai. Nạn nhân là những hội viên pháp luân công hoặc người dân nghèo, du khách trẻ đi đơn độc bị bắt cóc. Trong số nạn nhân gần đây, có không ít gái Việt Nam bị băng đảng ở Việt nam dụ đưa đi qua Tàu lấy chồng, làm công nhân. Vừa mất tiền ở Vìệt Nam, vừa mất mạng ở Tàu. Tội ác bán nội tạng ở Trung quốc, vừa được Quốc Hội Mỹ đưa ra thảo luận.

Tập quán lâu đời

Ngoài những tâm tánh ác độc, theo Bá Dương, người Trung Quốc còn có những tập quán sanh hoạt gia đình và xã hội cho tới ngày nay vẫn chưa cải thiện được. Những tập quán này rất hiển nhiên, người ngoại quốc, ai cũng có thể nhận thấy dễ dàng: ăn ở dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Vẫn theo Bá Dương, có nhiều nơi hễ có người Trung Quốc tới ở thì những người khác phải dọn đi. Ông có một cô bạn trẻ tốt nghiệp chánh trị học, có chồng người Pháp nên về Paris ở với chồng. Nhiều bạn bè Trung Quốc của cô, mỗi khi đi Paris, đều ghé qua ở nhờ nhà cô. Chỉ trong thời gian ngắn, các gia đình người Pháp láng giềng đều dọn đi hết cả. Thế là người Trung Quốc lần lượt dọn tới.

Ông Bá Dương nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi, trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi ẩm mốc. Ông hỏi:

“Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao ?”.

Cô ta đáp:

“Làm sao nổi !”.

Còn một nét đặc thù lịch sử thứ hai là ồn ào. Ông Bá Dương phải thừa nhận «Cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này, người quảng đông phải chiếm giải quán quân. Ở bên Mỹ, có một câu chuyện tiếu lâm như sau: có hai người quảng đông lặng lẽ nói chuyện với nhau. Người Mỹ lại tưởng họ sắp đánh nhau, bèn điện thoại cảnh sát để kịp can thiệp. Khi cảnh sát Mỹ tới, hỏi họ đang làm gì, họ đáp:

«Chúng tôi đang thì thầm với nhau» !

Người Việt Nam, khi nghe ai nói chuyện lớn tiếng, thường bảo «Như chệt về Tàu».

Ông Bá Dương giải thích hiện tượng người tàu nói lớn tiếng như đang gây lộn với nhau vì nội tâm của họ không yên ổn. Họ cứ tưởng lên cao giọng, nói lớn tìếng, là lý lẽ của mình mạnh, mình có lẽ phải, thuyết phục được người khác.

Ảnh hưởng Xuân Thu Chiến quốc

Không biết có phải vì ảnh hưởng lâu dài nội chiến mà người Trung Quốc mang đặc tính nổi bật là thích xâu xé nhau đến chết bỏ.

Bá Dương so sánh: «Một người Nhậtt đơn độc, trông chẳng khác nào một con lợn. Nhưng ba người Nhật hợp lại thì thành một con rồng. Tinh thần đoàn kết của người Nhật làm cho họ trở thành vô địch».

Bởi vậy trong lảnh vực quân sự và thương mại, người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật.

Ở cùng phố, ba người Nhật buôn bán, thay vì cạnh tranh nhau, họ tổ chức luân phiên với nhau: nay phiên tôi, mai phiên anh,…Với người Trung Quốc buôn bán gần nhau thì anh bán 3 đồng món hàng, tôi sẽ bán 2, 50 món hàng đó. Nếu anh bán 2, 50, tôi sẽ hạ giá còn 2 đồng, …

Bá Dương mới cho rằng mỗi người Trung Quốc là một con rồng, nói năng không ai bằng. Cứ như chỉ cần thổi một cái là mặt trời rớt xuống, dậm cẳng nhẹ là đất sụp ngay .

Ai cũng thấy chỗ nào có người Trung Quốc là có đấu đá. Người trung quốc vĩnh viễn không đoàn kết được, tựa hồ thân thể họ được kết tinh bằng những tế bào chia rẽ. Vì vậy khi người nước ngoài phê phán người trung quốc không biết đoàn kết thì Ông Bá Dương chỉ xin thưa: “Anh có biết người Trung Quốc vì sao không đoàn kết không ? Vì Thượng đế muốn thế. Bởi vì nếu một tỷ người Hoa đoàn kết lại, vạn người một lòng, anh có chịu nổi không? Chính ra Thượng Đế thương các anh nên mới dạy cho người Hoa mất đoàn kết đó!”.

Người Trung Quốc không chỉ không đoàn kết, mà họ còn dư sức viết nhiều quyển sách hô hào đoàn kết nữa. Họ lấy túi khôn của Việt Nam để lập luận «Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao».

Bất cứ một cộng đồng người Hoa nào ở Mỹ, Âu châu, Úc châu, ít nhất cũng phải có 365 phe phái tìm đủ cách công kích nhau, hạ bệ nhau, thậm chí cả tiêu diệt lẫn nhau.

Ở Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Một hòa thượng gánh nước uống, hai hòa thượng khiêng nước uống, ba hòa thượng không có nước uống”.

Phá sản

Bá Dương tới thăm một người bạn Trung Quốc. Ông này là một Giáo sư Đại học ở Mỹ. Gặp bạn cũ, ông thao thao bất tuyệt những lý thuyết cứu nước Trung hoa thoát khỏi ách đô hộ cộng sản. Ông hô hào mọi người phải bìết dẹp cá tánh, tự ái của mình mà chỉ lấy mẫu số chung là giải thoát đất nước thoát khỏi chế độ cộng sản độc tài hiện nay.

Bá Dương nghe qua vui mừng, nhờ ông chở giùm tới nhà một người bạn chung, cũng là người tranh đấu chống cộng sản.

Ông bạn của Bá Dương tỏ vẻ khó chịu, bảo Bá Dương hãy đi một mình vì ông không muốn gặp người đó.

Nếu đem so sánh người Trung Quốc với người do thái thì sẽ thấy 2 đặc tính «cần cù và tự gíác» khác nhau. Đức cần cù ở người Trung Quốc ngày nay không còn nữa do nhiều cuộc cách mạng văn hớa, xã hội liên tiếp hủy dìệt tận gốc, để lại đặc tính mới là chỉ biết vận dụng mánh khóe chụp ngay cái gì trước mắt bỏ túi.

Đặc tính thứ hai, trong sinh hoạt cộng đồng, nếu có hội ý với nhau về một dự tính gì thì sau khi biểu quyết chấp thuận, mỗi ngưởi sẽ tự tiện hành động theo ý riêng của mình, không thắc mắc tới kết quả đã quyết nghị.

Nhưng người Trung Quốc vẫn thường tự hào là dân tộc Đại hán, có hơn 4 ngàn năm văn hiến!

Bá Dương lấy làm tiếc Trung Quốc, diện tích rộng lớn, văn hóa lâu đời. Thế mà, thay vì có một tấm lòng bao la, người Trung Quốc lại có một tâm địa thật hẹp hòi.

Người Tây phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Quốc đã đánh nhau rồi thì thù hận muôn đời.

Nhưng người Trung Quốc vẫn giữ một tâm tánh rất tai hại. Mọi người đều sợ sệt đến độ không còn biết quyền lợi mình là gì thì làm sao còn biết đấu tranh, bảo vệ nó được? Mỗi khi gặp một chuyện không hay xảy ra cho mình thì sẳn sàng “bỏ qua cho rồi !”.

Mấy chữ “bỏ qua cho rồi” này đã giết hại không biết bao nhiêu người trung quốc và đã biến dân tộc trung quốc thành một dân tộc hèn mọn.

Cái não trạng sợ hãi này đã nuôi dưỡng bao nhiêu bạo chúa, làm tổ ấm cho bao nhiêu bạo quan. Viết về truyền thống văn hóa Trung Quốc, Tư Mã Quang nhấn mạnh «bạo chúa, bạo quan cũng chỉ cần dân chúng cứ bo bo giữ cho riêng mình là được».

Mong những điều không tốt trên đây là của rìêng người Trung Quốc. Có người Việt Nam giống người Trung Quốc chỉ là cái nhìn chủ quan vội mà thôi. Bị đô hộ ngàn năm mà Việt Nam vẫn là Việt Nam kia mà!

Diễn văn của Đảng ta - Jonathan London



Chúng (Mỹ) đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta.” – Nguyễn Tấn Dũng (Tp.Hồ Chí Minh 30 tháng 4, năm 2015)

Tuần trước tôi có dịp sang Việt Nam vài ngày. Sang để dự một hội thảo về 40 năm thống nhất đất nước và vì đã muốn có mặt nhân dịp lễ kỉ niệm lịch sử này. Chuyến đi của tôi quả là thú vị. Thú vị không chỉ vì tôi đã ôm một cái cây rất to giữa thủ đô Hà Nội hay có cơ hội tranh luận bằng tiếng Việt với một giáo sư người Nga. Thú vị vì tôi đã có điều kiện quan sát người Việt Nam chào đón những ngày lễ đầy ý nghĩa này như thế nào. Đối với một nhà xã hội học chính trị, đó là một cơ hội hiếm có.
Tôi sẽ không nói về những gì tôi đã thấy. Viết một bài như thế phải có nhiều thời gian. Việc tôi muốn đề cập là bài diễn văn do Ủy Viên Bộ Chính Trị và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc ngoài Dinh Độc Lập.
 
Như chúng ta đều biết, ngay sau khi Ngài Nguyễn Tấn Dũng đã đọc bài diễn văn, một số người cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã bày sự mất hài lòng đối với một câu. Đó chính là tuyên bố nói rằng Mỹ:
“đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta.”
Xin nói ngay, về nội dung tôi thấy tuyên bố này gây nhiều tranh cãi. Chúng ta có thể tranh luận “nên hay không nên dùng những từ cụ thể nào đó vào thời điểm này,” khi quan hệ Mỹ-Việt đang hứa hẹn nhiều tiềm năng như hiện nay. Mặt khác, chiến tranh “chống Mỹ có yếu tố nội chiến” thực sự đã “gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta”.
Cái làm cho tôi thấy hơi lạ là mục đích không rõ của bài. Xin hỏi, khán, thính giả của nó là ai? Đọc lại, tôi thấy bài đã được Ông Nguyễn Tấn Dũng đọc với tư cách thứ nhất là Ủy Viện Bộ Chính Trị, và thứ hai là Thủ tướng Chính Phủ. Có phải là khán, tính giả của bài chủ yếu là “đảng ta”?
Nếu được xem là một diễn văn của một tổ chức chính trị, tức là Đảng Cộng Sản Việt Nam, thì bài này có thể được đánh giá cao: Bài đã nêu rõ những thành tích của Đảng cũng như những quan điểm của đảng. Đó chính là mục đích của một diễn văn viết do và vì một đảng, Song, nếu bài được viết cho “toàn dân” hoặc cho khán, thính giả quốc tế thì chưa chắc bài đã thành công.
 
Nếu muốn xem ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ‘thắng lợi vĩ đại’ của Đảng thì rất dễ hiểu tại sao trong toàn văn riêng từ ‘Đảng’ đã xuất hiện tổng cộng 41 lần trong khi đó từ Việt Nam chỉ xuất hiện 28 lần. Song, nếu muốn xem ngày 30 tháng 4 là một ngày để nhớ đến những hy sinh của người dân từ tất cả các phía và hướng tới một nước Việt Nam dân chủ, bao trùm, văn minh, hòa giải v.v. thì cách viết như thế chưa chắc đã thích hợp.
 
Tất nhiên chỉ người Việt Nam mới có quyền quyết định cách chào đón ngày lễ quan trọng như Ngày 30 tháng 4. Tôi chỉ lo vì trong thời điểm khi mà tất cả các chính khách chủ chốt trong đảng đang nói đến một nước “dân chủ, công bằng, văn minh” việc bắt toàn dân đứng dưới ngọc cờ của Lênin có khả năng giảm nghiêm trọng tính “đại đoàn kết” của bài. Tôi đang quá hoài nghi?
 
Chia sẻ những ý tưởng lại có thể gây tranh cãi một chút nhưng tôi chỉ có những ý định xây dựng mà thôi. Cụ thể, muốn gửi một thông điệp đầy hy vọng, đầy tình đoàn kết và đồng thời nâng cao thanh thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đề nghị các Ông Bà trong Bộ Chính Trị và những người viết bài cho họ tham khảo những diễn văn của những người vĩ đại như Lincoln, Gandhi, King, Mandela, Kim Dae-jung, Obama, Aung San Suu Kyi, v.v. Tất nhiên, họ không nên chỉ viết và nói mà làm những gì cần làm để ưu tiên “đại doàn kết”. Hy vọng toàn dân Việt Nam sẽ không cần chờ muôn năm để nghe một bài như thế và thấy những gì đó được làm.
 
Phải xin lỗi những người còn hâm mộ V.I. Lenin, vì tôi thấy trước năm 2017 là vừa.

16 tấn vàng bị kềm kẹp ở Ngân Hàng Quốc Gia VN, đã được giải phóng mang về Hà Nội sau ngày 30/4/1975







Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Hợp Ca Lời Cảm Ơn, nhạc Ngô Thụy Miên




                                                                    


Người đã cho tôi hơi ấm quê hương tình người
Vượt sóng ra khơi lòng tràn dâng nỗi nhớ một trời
Thành phố hôm xưa giờ đã mù khơi
Bật khóc trong tay buồn nào theo gió xa bay

Người đã cho tôi tiếng nói con tim hiền hòa
Đầy chứa thương yêu dù cho mưa gió cuốn nhạt nhòa
Gọi tiếng anh ơi cùng góp bàn tay
Gọi tiếng em ơi cùng chung lấp nỗi đau đọa đầy

Giọng hát bay cao, lời cám ơn sâu
Từng người đã góp phần cho nương náu
Từng người đã cùng nhau chung sức đắp xây tình thương
Một nhà Việt Nam dấu yêu

Tình vẫn trôi quanh theo nước long lanh về nguồn
Thả ánh trăng thanh về đây soi sáng giấc mộng lành
Nhìn cuối chân mây chợt thấy bình yên
Người đã cho tôi niềm tin mới yêu thương cuộc đời

Người đã cho tôi tia nắng yêu thương nồng nàn
Rọi sáng hôm nay vượt qua tăm tối dẫu muộn màng
Ngày tháng lưu vong dệt những mùa xuân
Cùng kết ân tình ngàn đời tô thắm nhân sinh

Người đã cho tôi hoa lá xinh tươi địa đàng
Bằng trái tim rung hòa nhịp chung cõi ấm tình người
Này những đôi tay gạch nối niềm tin
Dìu lối tôi qua bao nguy khốn chông gai cực hình

Giọng hát bay cao, lời cám ơn sâu
Từng người đã góp phần cho nương náu
Từng người đã cùng nhau chung sức đắp xây tình thương
Một nhà Việt Nam dấu yêu

Hạnh phúc trong tay xin mãi hiến dâng gọi mời
Ngồi xuống nơi đây cùng nhau vui hát khúc nhạc này
Và bước chân lên vùng đất tự do
Người đã cho tôi tương lai sáng chứa chan nụ cười

Người đã cho tôi tương lai sáng chứa chan nụ cười
Lời cám ơn anh. Lời cám ơn em. Lời cám ơn riêng dành cho người.



Saigon, nhắm mắt, níu lại - Tuấn Khanh (Saigon)




30 tháng 4, 1975, đánh dấu một Sài Gòn đã rất khác. Như một cô gái đẹp buộc phải thay đổi mọi thứ quen thuộc của mình, ly thân với quá khứ vì thời thế.

30 tháng 4, 2015, giờ có đứng giữa Sài Gòn, hãy nhắm mắt lại, im lặng lắng nghe. Có thể ký ức sẽ đưa lối bạn về những điều đã mất, nhưng sống động khôn cùng, đặc biệt nếu bạn đã đã từng đến nơi này, trước khi có những đổi thay, những đổi thay mà không phải ai cũng mong muốn.

Người Sài Gòn gần đây hay tự giới thiệu mình với địa danh của thành phố. Danh từ “Người Sài Gòn” giờ đây được thốt ra như một kiểu “đặc sản” hiếm hoi. Nhưng đôi khi, không phải là do sinh trưởng ở nơi đây, mà do họ đã sống qua, đã thương nhớ. Những đổi thay của Sài Gòn bây giờ đã tạo nên một lớp người Sài Gòn kiêu hãnh và buồn bã khi độc quyền trong trí nhớ về những con đường, hàng cây, về phố nhỏ, cà phê, vỉa hè và bánh, về rạp hát, thương xá… Trong ngày đường Lê Lợi hạ gục những hàng cây, tôi nhìn thấy một cụ già ngồi yên lặng nhìn, lấy máy chụp hình ra ghi lại những hính ảnh cuối cùng quen thuộc ra đi. Ai biết trong trái tim của người già đó nghĩ gì? Ký ức bị ép uổng xoá đi, có thể là một nỗi buồn không bút mực nào tả xiết.

Khi tôi còn bé, cha tôi đưa đi chơi ở Sài Gòn. Đứng trước Toà Đô Chính (nay gọi là Uỷ ban Nhân dân TP). Ông nhờ một người thợ chụp hình dạo lấy cảnh 2 cha con đứng ở đó. Sau lưng tấm ảnh polaroid, ông ghi “Nhiều năm nữa, khi lớn lên, quay lại nơi này, con sẽ nhớ hôm nay”. Nhưng giờ thì tôi quay lại cũng sẽ không còn nhận ra nơi chốn cũ, với quá nhiều điều lạ lẫm. Cũng như cụ già chụp ảnh tiếc nuối hàng cây, trong trí nhớ tôi chỉ hiện lại tất cả khi đứng im, nhắm mắt và nhớ về một Sài Gòn thanh cảnh không ồn ào xe máy, những hàng kiosk bán đủ loại hàng trên đường Nguyễn Huệ, những gánh hàng rong dẫn đường về bến Bạch Đằng, những tiếng nói miền Nam chân chất… như một nơi tụ hội quen thuộc của những ai là “dân Sài Gòn”.

Không hiểu sao, những ngày đi xa, nhìn những kiosk ở downtown hay trong các thương xá lớn, tôi hay nhớ về những hàng kiosk ở Sài gòn. Có những con phố cổ chỉ hơn nửa thế kỷ nhưng con đường và các kiosk của người nước ngoài ở đây được bảo tồn một các thận trọng. Ký ức được thế giới văn minh mọi nơi giữ gìn như một niềm thương nhớ và tự hào chứ không là một gánh nặng tinh thần, vì lý do nào đó, của người cầm quyền.

Tuổi trẻ của tôi, hay cũng rất nhiều người Sài Gòn đã từng đi qua những con đường cũ, ngồi chờ lấy một tấm ảnh vừa phóng xong, hoặc dò tìm những bài hát hay, thuê sang ra băng cassette. nhà báo Mạnh Kim, Nguyễn Dũng kể rằng họ cũng một thời lê la nơi đó, chờ mướn những cuốn băng video phim mới nhất để viết bài cho báo. Chắc họ cũng kiêu hãnh khi nhớ Sài Gòn như tôi. Một quảng trường mới đập phá thênh thang đủ làm người ta lạc lối và quên lãng, nhưng một khung trời cũ dù nhỏ nhoi thì đủ để giam nhốt sự thương yêu đến hơi thở cuối.

Những ngày học trung học, mỗi khi góp được ít tiền, lũ bạn thường hay rủ nhau đạp xe ra đó, thèm muốn những băng cassette nhạc nước ngoài, nhập từ Thái Lan vào. Những ngày nghe Beatles, Smokie bị coi là bất hợp pháp với kiểm duyệt văn hóa hát vang con đường Huỳnh Thúc Kháng. Những ngày nghe Abba và Boney M rộn rã suốt cả một con đường dài, mua một cây kem mát lạnh ở Brodard vừa đi vừa ăn. Để nắng hực trên đầu rồi ra Hồ con rùa thả chân xuống nước cho mát hết một buổi chiều. Ngày ấy đạp xe ra Sài Gòn, đường thật lớn và những hàng cây thật cao, đời dẫu sao cũng thật đẹp và người Sài Gòn cũng còn lại một niềm an ủi.

Ngày trước, tôi vẫn nghe người lớn dỗ dành trẻ phải ngoan thì mới chở đi đi Sài Gòn. Chơi, là một vòng chạy qua các kiosk, ngó nhìn người ta mua bán, ăn một cái gì đó, chạy ra bến Bạch Đằng nghe tàu chạy tu tu. Rồi thì đợi đến chiều để xem xịt nước ở vòng xoay trước khi về. Hôm nay, Sài gòn rực sáng hơn xưa rất nhiều, nhiều nơi vui chơi hơn, nhưng dường đi khái niệm “đi Sài Gòn chơi” đã biến mất. Người ta chỉ kéo về trong những dịp như Giáng Sinh hay năm mới, đi loanh quanh – không có gì để níu lại. “Phố đi bộ Hồ Chủ Tịch”, như trong công văn của thành ủy căn dặn báo chí phải học thuộc để mô tả lễ khánh thành, chắc sẽ loanh quanh hơn và ít điều níu lại hơn nữa.

Đi qua nhiều thành phố, tôi thấy mình trôi tuột qua những đô thị mới mẻ, không có điểm bám. Phải sống rất lâu, người ta mới nhận ra những điều rất cũ lại vô cùng quyến rũ. Phố cũ Hà Nội, Hội An, Sa Đéc… luôn được nhắc đến là vậy. Nhắm mắt lại giữa Sài Gòn, tôi luôn thấy mình bị níu lại ở những hình ảnh rất cũ. Những điều mới mẻ có thể lộng lẫy nhưng biến Sài Gòn thành nơi để đi qua, chứ không phải để đến, để dừng chân. Sài Gòn hôm nay như Cần Thơ, Cà Mau, Long Xuyên… đô thị vùn vụt đi qua, bê tông hiện đại, như thiếu một hơi thở của đời sống nhân hậu của người xưa.

Sài Gòn càng thay đổi, lại càng nghe nhiều câu chuyện vãn, kể về Sài Gòn hôm qua. Cuốn phim hồi ức cũ hơn, càng kiêu hãnh hơn, càng quý giá hơn. Mọi thứ đã đi qua nhưng như không đành lòng rời bỏ thế giới này, cũng như lòng người miền Nam vẫn cứ muốn níu lại. Hôm qua, tuổi trẻ, tình yêu, tự do… được níu lại cùng một hình ảnh thành phố ngọc ngà quá khứ. Và những điều vô giá đó, chỉ khi là một con người, khi nhắm mắt, im lặng, mới có thể cảm nhận được.

Chào 30 tháng 4, 2015, chào một chương ký ức kiêu hãnh nữa lại ra đời.


Dân Miền Tây Nam Kỳ bây giờ




                                             


Nhận định của dân biểu liên bang Mỹ về Nhân quyền Việt Nam




                                  


Mời nghe Guitarist Phạm Ngọc Lân nói về cuốn sách mới phát hành của ông :"De père inconnu", hành trình tìm người cha vô danh





                                                 


Những lợi điểm trong việc ăn Đậu Bắp



Tóm tắt :

Vài lợi điểm khi dùng Đậu Bắp :

* Ổn định lượng đường trong máu
* Làm giảm lượng cholesterol
* Tránh được chứng táo bón
* Giữ cho việc tiêu hóa được điều hòa.
* Nuôi dưỡng các vi khuẩn lành trong cơ thể


Một người rất đau khổ vì bệnh táo bón từ 20 năm nay, gần đây lại thêm bệnh ợ chua. Anh ta không biết có một cách trị bệnh thật đơn giản--đó là ĐẬU BẮP(OKRA). Anh ta bắt đầu ăn đậu bắp từ 2 tháng nay và từ đó không phải dùng thêm một thứ thuốc nào khác. Mỗi ngày, anh ta ăn 6 trái đậu bắp.
Anh ta trở lại bình thường với lượng đường trong máu giảm từ 135 xuống 98 , kiểm soát được cả độ cholesterol lẫn bệnh ợ chua. Sau đây là vài nghiên cứu về Đậu Bắp (theo nghiên cứu của Bà Sylvia Zook, Tiến Sĩ Dinh Dưỡng), Đại Học Illinois.

 
Đậu bắp và những lợi ích thiết thực

Khi dùng đậu bắp để chế biến, nhiều người chỉ quan tâm đến việc các món ăn của mình sẽ ngon hơn nếu có thêm đậu bắp, ít ai chú ý đến giá trị dinh dưỡng chứa trong thứ quả con con, rẻ tiền này.

Lợi ích của đậu bắp

Đậu bắp rất dồi dào chất xơ, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. 1/2 chén đậu bắp nấu chín có thể cung cấp khoảng 2g chất xơ, đậu bắp còn tươi nguyên cung cấp nhiều hơn, 1 chén khoảng 3,2 g. Chất xơ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc thúc đẩy giảm cân; kiểm soát lượng đường trong máu; ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, cải thiện tiêu hóa; giảm mức cholesterol nên giúp phòng bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim; giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

Chất nhầy chứa trong đậu bắp còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, giảm vết loét trong chứng viêm sưng. Nó còn được xem là loại thực phẩm “lý tưởng” nhất cho những người có dạ dày nhạy cảm.

Đậu bắp cũng chứa nhiều axit folic. 1/2 chén đậu bắp nấu chín tương đương với 36,5 mg axit folic. Một chén đậu bắp sống chứa đến 87,8 mg axit folic. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axit folic cực kỳ quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.

Bên cạnh đó, đậu bắp cũng thích hợp cho những người muốn giảm cân do cung cấp ít calo (khoảng 25 calo với 1/2 chén đậu bắp nấu chín và 33 calo cho mỗi chén đậu bắp sống), Ngoài ra, đậu bắp còn chứa nhiều vitamin A, vitamin C, canxi, kali, magiê giúp duy trì sự khỏe mạnh cho da, tóc và đôi mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

Lựa chọn và bảo quản đậu bắp

Khi mua đậu bắp tươi, nên chọn quả không quá mềm, không có vết thâm bên ngoài vỏ, và không dài quá 8cm.

Bảo quản đậu bắp trong tủ lạnh có thể giữ được độ tươi xanh từ 2-3 ngày. Lưu ý nên bọc ngoài bằng khăn giấy hoặc đựng đậu bắp trong bao nhựa rồi mới cho vào tủ lạnh. Nếu là đậu bắp nấu chín nên để vào hộp thức ăn đậy kín mới cho vào tủ lạnh, có thể bảo quản được 3-4 ngày.

Đậu bắp dễ ăn, có thể xào, luộc hoặc nấu chung để tăng hương vị cho các món canh chua, súp… Để nhận được lợi ích dinh dưỡng tốt nhất từ đậu bắp, khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải, không nấu, nướng đậu bắp ở nhiệt độ cao, tốt nhất là hấp chín.

Giá trị dinh dưỡng lớn trong quả đậu bắp nhỏ


Khi dùng đậu bắp để chế biến, nhiều người chỉ quan tâm đến việc các món ăn của mình sẽ ngon hơn nếu có thêm đậu bắp, ít ai chú ý đến giá trị dinh dưỡng chứa trong thứ quả con con, rẻ tiền này.

Lợi ích của đậu bắp

Đậu bắp rất dồi dào chất xơ, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan

Đậu bắp rất dồi dào chất xơ, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. 1/2 chén đậu bắp nấu chín có thể cung cấp khoảng 2g chất xơ, đậu bắp còn tươi nguyên cung cấp nhiều hơn, 1 chén khoảng 3,2g.

Chất xơ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc thúc đẩy giảm cân; kiểm soát lượng đường trong máu; ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, cải thiện tiêu hóa; giảm mức cholesterol nên giúp phòng bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim; giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

Chất nhầy chứa trong đậu bắp còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, giảm vết loét trong chứng viêm sưng. Nó còn được xem là loại thực phẩm “lý tưởng” nhất cho những người có dạ dày nhạy cảm.

Đậu bắp cũng chứa nhiều axit folic. 1/2 chén đậu bắp nấu chín tương đương với 36,5 mg axit folic. Một chén đậu bắp sống chứa đến 87,8 mg axit folic. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axit folic cực kỳ quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.

Bên cạnh đó, đậu bắp cũng thích hợp cho những người muốn giảm cân do cung cấp ít calo (khoảng 25 calo với 1/2 chén đậu bắp nấu chín và 33 calo cho mỗi chén đậu bắp sống), Ngoài ra, đậu bắp còn chứa nhiều vitamin A, vitamin C, canxi, kali, magiê giúp duy trì sự khỏe mạnh cho da, tóc và đôi mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

Lựa chọn và bảo quản đậu bắp

Đậu bắp dễ ăn, có thể xào, luộc hoặc nấu chung để tăng hương vị cho các món canh chua, súp…

Khi mua đậu bắp tươi, nên chọn quả không quá mềm, không có vết thâm bên ngoài vỏ, và không dài quá 8cm.

Bảo quản đậu bắp trong tủ lạnh có thể giữ được độ tươi xanh từ 2-3 ngày. Lưu ý nên bọc ngoài bằng khăn giấy hoặc đựng đậu bắp trong bao nhựa rồi mới cho vào tủ lạnh. Nếu là đậu bắp nấu chín nên để vào hộp thức ăn đậy kín mới cho vào tủ lạnh, có thể bảo quản được 3-4 ngày.

Đậu bắp dễ ăn, có thể xào, luộc hoặc nấu chung để tăng hương vị cho các món canh chua, súp… Để nhận được lợi ích dinh dưỡng tốt nhất từ đậu bắp, khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải, không nấu, nướng đậu bắp ở nhiệt độ cao, tốt nhất là hấp chín.

Đậu bắp xào tỏi - “Viagra thiên nhiên” cho các quý ông


Là loại rau thường dùng, từ đậu bắp các chị em có thể chế biến thêm món mới – xào với tỏi cháy cạnh. Không chỉ mát miệng, kích thích vị giác mà còn nâng cao “phong độ” cho đấng mày râu.


Nguyên liệu:


- Đậu bắp (số lượng tùy thích).
- Vài tép tỏi, gia vị, dầu ăn…

Cách làm:

- Đậu bắp rửa sạch, sau đó ngâm với nước muối loãng 10 phút, vớt ra để ráo.
- Cắt bỏ phần gốc, sau đó cắt nhỏ đậu bắp thành những miếng nhỏ vừa ăn. (Như nấu canh chua cá).
- Tỏi bóc vỏ, đập dập, bằm nhuyễn
- Cho chảo lên bếp để nóng rồi đổ khoảng 2 thìa dầu ăn vào, đợi dầu nóng, thả tỏi vào phi thơm và hơi vàng cháy cạnh.
- Cho đậu bắp vào xào. Lúc này nếu thích bạn có thể thêm 2 thìa rượu màu vào xào cùng để tăng hương vị món ăn.
- Không phải đậy nắp, dùng đũa đảo đều đậu bắp khoảng 3 phút rồi nêm nếm gia vị. Chờ thêm 2 phút nữa và tắt bếp. Không nên xào lâu, đậu bắp mềm quá mất ngon.
Mách nhỏ:
- Trong đậu bắp chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần cho nhu cầu cơ thể: canxi oxalate, pectin, chất xơ. Thường xuyên ăn đậu bắp có lợi cho tiêu hóa, tăng cường thể lực, bảo vệ gan, dạ dày và ruột.
- Đậu bắp còn chứa các thành phần đặc biệt như một loại thuốc bổ, là một loại rau dinh dưỡng giàu kẽm, selen và nguyên tố vi lượng khác được ví như viagra. Không chỉ ngăn ngừa được ung thư mà còn làm trắng da.
- Đậu bắp ngoài xào tỏi còn có thể dùng cho các món nướng, hầm, salad, súp…
- Tuy nhiên, vì đậu bắp cò tính hàn, nên với những ai đang đau bụng, rối loạn tiêu hóa nên hạn chế ăn loại rau này. Đậu bắp càng nhỏ càng ngon, càng giàu dinh dưỡng.

Đậu bắp: Giàu dinh dưỡng nhưng có thể giảm béo

Thuộc loại thực phẩm giàu protein, nhiều dinh dưỡng, không có cholesterol, đậu bắp luôn có mặt trong thực đơn giảm béo, giúp cơ thể bài trừ độc tố, bảo vệ sức khỏe, làm đẹp da.

Các thành phần dinh dưỡng trong đậu bắp đều cao hơn các loại rau quả củ nói chung, đặc biệt là các vi chất như: canxi, kali, vitamin B6, ma giê, folate và axit alpha - linolenic. Những vitamin này sẽ giúp “nâng cấp” sức khỏe khá toàn diện.

Ngay đến cành non của đậu bắp cũng có hương thơm và mùi vị đặc trưng, luộc ăn giúp tiêu hóa tốt, chữa trị loét dạ dày, bảo vệ gan.

Ăn đậu bắp thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và cả ung thư.

Đậu bắp rất dễ ăn, có thể luộc, xào, nướng hoặc sấy khô đều được. Uống nước đậu bắp luộc hàng ngày, trong nhiều tháng còn giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, có làn da đẹp, đặc biệt là rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh.

 
 

Béo



Việt Nam nghèo đói nên đa số người Việt thường là nhỏ gầy. Mấy cô mà người nhỏ nhắn và gầy thì được khen là mảnh mai liểu yếu đào tơ. Mấy anh mà đôi khi gầy quá chỉ có "da bọc xương" thì được an ủi là có bộ xương cách trí.
Người Việt mình bị bệnh còi tức thiếu ăn gây ra bởi các bệnh liên quan đến thiếu dinh dưỡng. Ngược lại, xứ Mỹ này là xứ dư thừa nên dân Mỹ không bị bệnh "đói" mà ngược lại bị tốt da dư thịt tức bệnh béo. Người Việt di cư qua Mỹ chúng ta sống rất hoà đồng với dân bản xứ theo đúng chủ nghĩa "bình đẳng cấm kỳ thị" (Equal Right Amendment) cho nên cơ thể cũng thay đổi trở thành phì nhiêu như dân bản xứ Hoa Kỳ theo năm tháng sống trên đất Mỹ này. Người Việt từ ngày qua đây hết khỏi hẳn bệnh đói thiếu ăn nhưng lại lây phải bệnh "phì lũ".

Thống kê Hoa Kỳ ước lượng khoảng hai phần ba dân số Hoa Kỳ là mập hay nặng ký hơn trọng lượng lý tưởng cho cơ thể và một phần ba dân số là bị bệnh "béo" làm nguy hại cho sức khoẻ. Ngay cả trẻ em cũng không tránh được bệnh này. Thống kê gần đây ước lượng khoảng 10% trẻ em tuổi từ hai tới năm tuổi nặng hơn trọng lượng cần thiết cho cơ thể. Y khoa Hoa Kỳ dù tiến bộ vượt bực nhưng vẫn chưa chữa được bệnh mập phì. Bệnh mập này hiện được bác sĩ coi là một bệnh kinh niên (chronic disease) như các bệnh khác như áp huyết, tiểu đường, mỡ cao cần phải chữa trị lâu dài và hiện đang được coi là mối đe dọa y tế ở Hoa Kỳ. Chính phủ ước lượng tốn phí khoảng 230 tỷ Mỹ kim mỗi năm, 20% phí tổn y tế, cho việc chữa bệnh béo và các bệnh liên hệ do bệnh béo gây ra. Hiện chính phủ Hoa Kỳ đang làm đủ mọi nổ lực để giảm căn bệnh phát triển "chiều ngang" không biên giới này.


Bệnh mập phì tai hại như thế nào?


Bệnh mập là đầu dây mối nhợ có thể đưa đến các bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim và nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Người mập còn dễ bị bệnh ngáy ngủ, và thiếu dưỡng khí lúc ngủ (sleep apnea). Ðàn bà mập có tỉ lệ cao bị ung thư vú, tử cung và ung thư túi mật. Ðàn ông mập có tỉ lệ cao bị ung thư tuyến tiết niệu. Mập làm tăng tỷ lệ ung thư ruột và bệnh sạn mật, ợ chua lở thực quản, sưng gan. Nghiên cứu mới nhất gần đây được đăng trong báo y khoa Annals of Internal Medicine tháng 1, 2003 cho thấy bệnh Mập làm giảm tuổi thọ. Phụ nữ hay đàn ông lứa tuổi 40 mà mập thì có thể mất đi ba năm tuổi thọ so với người không mập.

Mập làm cho cơ thể bị nặng nề ít muốn hoạt động. Hãy tưởng tượng cơ thể phải vác 10-20 kg thịt mỡ dư thừa mỗi giây phút ngày này qua tháng nọ thì cơ thể sẽ mệt mỏi như thế nào. Khối thịt mỡ đè nặng lên các khớp xương lớn như xương sống lưng, xương chân, và háng làm cho các khớp xương lớn này dễ bị mòn và hư cũng giống như ống nhún xe nếu chở đồ nặng quá nhiều và lâu ngày thì dễ bị hư và bị gãy. Cho nên người mập dễ bị đau phong thấp nhất là đau lưng, đầu gối và xương chậu.


Tại sao bị mập?


Mập là một bệnh tạo ra do sự thiếu quân bằng giữa sự dinh dưỡng (ăn uống và hấp thụ) và tiêu thụ năng lượng của cơ thể. Một cách giản dị mập là do mình ăn quá nhiều đồ bổ dưỡng năng lượng nhiều hơn là cơ thể cần dùng nên các chất bổ dưỡng, đường và mỡ tích tụ lại trong người. Hai yếu tố chính tạo ra bệnh mập là di truyền và hoàn cảnh sinh sống (environmental factors):

Bệnh mập do đặc tính di truyền: nghiên cứu các trẻ em sinh đôi cho thấy bệnh mập bị ảnh hưởng của di truyền tới 70%. Di thể (chromosome) của bệnh mập được tìm thấy ở chromosome số 2. Các di thể này ảnh hưởng và kiểm soát sự ham muốn ăn uống và sự tự đốt năng lượng của bộ phận cơ thể (body metabolic rate).

Môi trường sinh sống: Người có di thể mập chỉ sẽ phát triển tuỳ vào môi trường sinh sống. Chẳng hạn bệnh mập ít khi xảy ra ở những nước nghèo khổ thiếu ăn. Một người có di truyền mập sẽ bị mập nếu sinh sống trong môi trường ăn uống đầy đủ và thiếu sinh hoạt. Ngược lại, một người có di truyền bệnh mập nhưng ăn uống chừng mực, hoạt động hàng ngày và tập thể thao đều đặn thì sẽ không bị mập vì năng lượng tiêu thụ mất đi của cơ thể quân bằng với năng lượng hấp thụ. Ngược lại, người không có di thể mập nhưng ăn uống quá nhiều số năng lượng cần thiết thì cũng có thể bị mập "giàu rửng mỡ!". Ðây là trường hợp xảy ra cho Việt Nam ta. Xứ Hoa Kỳ giàu có tân tiến, đồ ăn dư thừa, cho nên người Việt di cư cũng được hưởng theo ơn mưa móc.

Ngày ăn ba bữa chưa kể ăn snack lặt vặt giữa các bữa; sáng phở điểm tâm, trưa cơm chiên, bánh xèo, bánh cuốn, tối thì cơm chiên nhậu với thịt bò bít tết. Còn lúc xưa ở Việt Nam thì cơm trắng ngày chỉ đủ hai bữa; đi bộ, đi xe đạp, nhảy xe lam rượt xe buýt. Ôi kéo cày lao động vinh quang làm sao! Qua Mỹ thì xe Hoa Kỳ 8 máy chạy êm ru, máy lạnh mát mẻ, xe chạy dzù dzù, sướng mé đìu hiu thành ra dù nhà hàng xóm có cách nửa block cũng không đi bộ mà phải lái xe qua. Ði shopping mua sắm thì phải lựa chỗ đậu xe gần cửa chính của shopping center để khỏi đi bộ sợ long thể bất an; lên lầu tại sở làm thì có thang máy không phải đi thang chân. Cuối tuần thì thay vì đi sở thú, đi chơi thể thao, thì vừa nằm nhà coi "TV thể thao" vừa nhậu nhẹt với bạn bè; vui nữa thì karaoke vừa vui vừa tiện lợi lại đỡ mệt; hoặc phải đi ăn đám cưới cơm tàu mười món. Chính vì tiện lợi và ăn nhiều hơn làm cho người Việt mình cũng to "bề ngang" và "bề dọc" giống như Mỹ đúng như câu "Nhàn cư vi tất Mập".Ợ Tuổi: khi mình lớn tuổi cơ thể đốt năng lượng chậm đi nên năng lượng cần thiết cho cơ thể giảm đi. Thêm vào đó lớn tuổi thường ít hoạt động hơn trẻ thanh thiếu niên. Cho nên người lớn tuổi thường dễ bị mập. Ợ Tâm lý ảnh hưởng tới thói quen ăn uống. Nhiều người ăn để "giải khuây hay giải sầu" khi bị buồn, lo âu hay tức giận.Ợ Bệnh - có một số bệnh gây ra bệnh béo như bệnh yếu bướu cổ; bệnh óc ...Ợ Thuốc - một số thuốc men có thể làm lên ký ...


Thế nào là Mập (overweight) và là Phì (obesity)?


Hoa Kỳ rất là thực tế và khoa học chứ không giống như người Việt mình "mập béo tuỳ người đối diện" hay "trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon". Bác sĩ dùng đơn vị gọi là Body Mass Index để định cho chính xác và khoa học thế nào là vừa cơ thể và sao là mập béo.Body Mass Index: Y Khoa định bệnh mập và phì theo thể trọng và chiều cao của cơ thể "Body Mass Index" gọi tắt là (BMI). Tỷ lệ này dựa theo sự tính toán tỷ lệ của trọng lượng cơ thể so với chiều cao. Tỷ lệ này tương quan với lượng mỡ trong cơ thể. Tỷ lệ trọng lượng cơ thể này chính xác hơn là chỉ đo trọng lượng cân không thôi.

Quý độc giả nên làm quen với phương cách tính tỷ lệ trọng lượng cơ thể body mass index này. Trọng lượng cơ thể kg chia đôi cho chiều cao cơ thể (meter).

Thí dụ: một người cao 5feet 6 tức 1,69meter và trọng lượng là 140lbs tức 63,6kg thì tỷ lệ trọng lượng cơ thể hay BMI là: 63,6/(1,69x2) = 22,6 Dựa theo bảng BMI mà bác sĩ cho biết cơ thể chúng ta thuộc vào hạng "kiến ròm", hay "kiến phì lũ".


Ðo vòng eo (waist circumference):


Vòng eo là một phương cách thông thường đo mỡ bụng. Nghiên cứu cho thấy người có bụng bự tức nhiều mỡ bụng có nguy cơ cho các bệnh tim và mạch máu dù là cơ thể tổng quát coi không mập. Người Việt mình thường khen người có bụng bự kiểu ông địa là phúc hậu. Tuy nhiên, về phương diện y khoa thì bụng bự có thể là "yểu tướng" vì dễ bị bệnh và chết sớm. Ðàn ông nếu vòng eo trên 40 inches (102cm) và đàn bà vòng eo trên 35,5 (88cm) thì có tỷ lệ nguy cơ dễ bị bệnh. Tuy nhiên nếu chiều cao thấp hơn 5 feet thì vòng eo giới hạn trên không áp dụng được.


Tỷ lệ vòng eo trên vòng mông (waist to hip ratio):


Tỷ lệ vòng eo chia cho vòng mông cũng là phương pháp đơn giản để đo bệnh mập. Mỡ tập trung ở vòng bụng tăng tỷ lệ nguy cơ bị bệnh hơn là mỡ tập trung ở mông hay đùi. Nếu người có tỷ lệ của vòng bụng so với vòng mông lớn hơn một thì dễ bị bệnh tim và các bệnh liên quan do bệnh béo. Phái nam tỷ lệ dưới 0,9 và cho phái nữ dưới 0,8 là tốt. Cho nên "bụng eo đít to" như mấy cô kiểu mẫu không những đẹp người mà còn tốt tướng nữa.Một vài phương cách khoa học khác để đo tỷ lệ mỡ cơ thể như đo độ dày của da mỡ (skin fold), đo điện cơ thể, đo tỷ trọng cơ thể trong nước (underwater immension).


Làm sao để tránh bị mập?


Căn bản rất đơn giản tránh bị mập là giữ cân bằng năng lượng hấp thụ vào trong cơ thể (qua ăn uống) với năng lượng tiêu thụ bởi cơ thể (qua hoạt động, thể thao và năng lượng cần thiết cơ bản nuôi cơ thể). Thí dụ với một người cao một thước năm và nặng 50 kí lô và làm công việc nhẹ ngồi bàn 8 tiếng mỗi ngày thì cơ thể cần 1500 calories mỗi ngày. Nếu người này ăn trên 2000 calories mỗi ngày thì cơ thể sẽ dư 500 calories mỗi ngày và năng lượng tích tụ lại làm cho bị mập. Ngược lại, nếu người này ăn bớt đi giới hạn năng lượng lại chỉ ăn 1000 calories mỗi ngày và thêm vào đó tập thể thao đốt 500 calories mỗi ngày thì cơ thể sẽ thiếu hụt 1000 calories mỗi ngày. Ðể có đủ năng lượng cần dùng cơ thể sẽ phải tiêu thụ các mỡ thặng dư trong cơ thể biến chế thành năng lượng để tiêu xài và như vậy cơ thể sẽ mất mỡ và người xuống cân.


Ăn uống


Thức ăn: Nên dùng nhiều rau, trái cây, thức ăn có chất sợi, cá, thịt nạc thay vì thịt ba rọi, thịt mỡ; sữa ít béo hay không béo (low fat hay nonfat milk); tránh ăn đồ ăn ngọt như bánh kem, cookies. Tránh ăn chè nhất là các chè với nước cốt dừa rất nhiều cholesterol và cao năng lượng. Tránh uống các loại nước ngọt soft drinks, nước trái cây (fruit juice); nên uống nhiều nước mỗi ngày; nếu thèm uống nước ngọt thì uống loại diet.

Cách sửa soạn nấu ăn: Hấp, nướng hay luộc tốt hơn là chiên xào. Ăn cá hấp hay cá nướng cuốn bánh tráng tốt hơn là cá tẩm bột chiên, chả giò hay tôm chiên.

Nghệ thuật ăn: Mỹ có câu "You are what you eat". Việt Nam ta có câu hơi tương tự "Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn". Cho nên để tránh bị mập nên thực hành câu "ăn lấy hương lấy hoa" chứ không ăn lấy, ăn để, ăn cố... vì dĩ nhiên ăn càng nhiều thì năng lượng hấp thụ càng cao thì người càng phì.

Tránh đừng ăn vặt : Ði ra một viên kẹo đi vô một miếng bánh. Những đồ ăn nầy làm rất nhiều mỡ và đường mà ngon miệng cho nên tay bốc miệng nhai quen miệng ăn hoài nhưng không làm no bụng. Nhiều bệnh nhân của tác giả bị mập nói với tác giả rằng chẳng ăn gì mà cứ lên cân hoài nhưng lúc hỏi kỹ lại thì các bữa ăn thì ăn không nhiều thật nhưng ăn lặt vặt giữa các bữa ăn tới chục bánh cookies và chục viên kẹo, đậu phọng.

Bỏ tật ăn đồ ăn thừa của con hay người khác để lại vì sợ đổ đi phải tội. Không biết ai bị tội khi phải bỏ đồ ăn thừa đi nhưng nếu ăn cố thì tội bụng mình và cơ thể mình vì ăn như vậy sẽõ ăn quá phần trong khi để bớt năng lượng mình cần ăn bớt phần ăn lại.

Ăn ba bữa đều đặn mỗi ngày nhưng ăn cho đủ no đừng quá ăn cố vì ngon miệng hay ăn tham. Tránh đừng nhịn đói bỏ các bữa ăn để diet rồi đói quá. Cách nhịn ăn như vậy không tốt vì cơ thể thiếu ăn sẽ làm mình mệt mỏi không sinh hoạt bình thường được. Thêm vào đó lúc bị đói quá thì ăn lấy ăn để ăn bù thành ra ăn hơn là không diet. Ba nữa là nếu nhịn đói cơ thể sẽ tự động đốt bớt năng lượng để tự bảo vệ cho nên không giúp giảm cân nhiều như ăn đều đặn nhưng ít phần.

Nếu đi ăn tiệm hay đám cưới mà sợ ngon miệng ăn quá độ thì có thể ăn ít trái cây và uống nhiều nước trước khi đi cho bụng hơi no.

Khi ăn nhai đồ ăn chậm và kỹ như vậy giúp để no ăn đủ phần chứ không ăn mau ăn mạnh ăn cho chóng lớn chóng phì và tránh "mắt to hơn bụng".

Ăn khi buồn bã hay tức giận làm cho người thêm năng lượng không cần thiết. Ăn như vậy làm thành thói quen xấu. Ăn khi không đói và không cần ăn và tránh trực diện vấn đề cần phải giải quyết. Hãy "uốn lưỡi bảy lần" trước khi cho đồ ăn vô miệng. Khi buồn hay tức giận hãy tập thể thao thay vì mở tủ lạnh kiếm đồ ăn. Tránh đừng để "cái miệng hại cái thân".


HOẠT ÐỘNG

 

-Năng hoạt động tập thể thao ít nhất 3 tới 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần khoảng 30-50 phút và cần phải tập cho chảy mồ hôi, tim đập nhanh. -Các thể dục tốt như đi bộ lẹ, đi bộ lên dốc, chạy bộ, nhảy dây, xe đạp, bơi lội ... Nên tập cho khoẻ cho dẻo dai chứ không phải thành đô lực sĩ loại kiến càng vai u thịt bắp.

-Ði bộ lên hay xuống cầu thang thay vì dùng thang máy." Ðậu xe ở xa để đi bộ vô các chỗ shopping hay sở làm.

-Cắt cỏ, làm vườn, rửa xe ...

-Chơi thể thao thay vì nằm coi thể thao vì coi thể thao chỉ tập được bắp thịt mắt mà thôi không tập được các bắp thịt khác của cơ thể và hoàn toàn không đốt được năng lượng nào cả.


Phương cách chữa bệnh phì:


Phương cách chữa bệnh béo là tránh đừng để bị béo, "tránh voi chẳng xấu mặt nào" và nếu đã bị mập rồi thì ráng giữ đừng để lên cân nữa. Một vài điểm chính trong việc chữa bệnh béo là tuỳ theo độ béo nhiều hay ít và người béo có các nguy cơ bị bệnh tim và các bệnh khác có thể bị trầm trọng hơn vì bệnh mập.

Ðối với bệnh nhân chỉ bị bệnh béo mập mà không bị bệnh khác thì chỉ cần tập thể thao đều đặn và tránh đừng để lên cân nữa cũng đủ hơn là phải ráng xuống cân. Bác sĩ nhận thức được rằng làm cho bệnh nhân xuống cân nhiều là một điều rất khó làm và thiếu thực tế. Khoảng phân nửa những người xuống cân sẽ lên ký trở lại trong vòng 5 năm. Ðiều khích lệ là nghiên cứu cũng cho thấy bệnh nhân bệnh mập phì chỉ cần làm giảm cân chút ít cũng có thể giúp cho sức khoẻ cơ thể bằng cách làm giảm nguy cơ bệnh tiểu đường, bệnh tim, cao áp huyết. Cho nên các bác sĩ khuyến cáo và giúp bệnh nhân bệnh mập xuống được 10% đến 30% trọng lượng cơ thể là cũng đủ rồi không cần xuống cân tới trọng lượng lý tưởng.

Dinh dưỡng và hoạt động: Ðiều căn bản giản dị để làm xuống cân là sự thay đổi dinh dưỡng, thói ăn uống và ăn ít năng lượng đi và thứ hai là phải năng động hoạt tập thể thao để đốt năng lượng của cơ thể. Rất khó mà xuống cân nếu không có tập thể thao. Nếu bạn chỉ mập tương đối với BMI dưới 30 thì có thể theo phương pháp giữ tránh đừng lên cân như trình bày ở trên. Nếu body mass index trên 30 thì có thể cần chữa bệnh và dinh dưỡng dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Thuốc: chỉ nên dùng chung với dinh dưỡng ăn khem và tập thể thao. Chứ uống thuốc mà vẫn ăn như điên lại hay đi "thiền hay nằm" không tập thể thao gì cả thì không có thuốc nào hiệu nghiệm cả. Hiện nay không có thuốc nào làm cho tan mỡ hay kích thích cơ thể tự đốt thêm năng lượng để làm cho người xuống kí. Các thuốc quảng cáo làm xuống cân trong vòng vài ngày sau khi uống thuốc thật ra chỉ có đặc tính lợi tiểu làm cho cơ thể mất nước qua đi tiểu chứ không có làm tan mỡ. Ða số các thuốc hiện nay làm cho cơ thể cảm thấy đầy không muốn ăn (bulking agent, appetite suppressant). Thuốc Ephedrine đang được xài phổ thông trong cả thuốc tây và thuốc bắc để làm xuống cân hiện đang bị chính phủ điều tra vì đã có bao nhiêu người chết vì xài thuốc này.

Thuốc làm thay đổi các chất tín hiệu (brain chemicals) trong óc khiến cho người dùng thuốc không thích ăn nhưng thuốc không có công dụng làm cho tan mỡ hay đốt năng lượng cơ thể cho nên rất khó mà xuống cân vì thói quen thích ăn thành tật cho nên dù không đói nhưng vẫn thèm và vẫn cứ ăn và cơ thể không đốt thêm năng lượng. Các thuốc này bán có tên như Sibutramine, Phentermine. Thuốc Orlistat với tên thương mãi là Xenical của hãng bào chế Roche làm tan các chất điều tố tiết từ tụy tạng có nhiệm vụ pha biến các chất mỡ trong đồ ăn giúp cho ruột non hấp thụ các phân tử mỡ này vô tế bào ruột và giữ lại trong cơ thể cho nên các đồ ăn mỡ sẽ không được hấp thụ vào cơ thể mà sẽ đi tiêu ra ngoài. Nếu bệnh nhân ăn nhiều thức ăn có mỡ béo họ sẽ đi cầu chảy ra mỡ dầu (oily stool). Toa thuốc này không công dụng lắm cho người Việt vì thức ăn Việt Nam nặng về đường, chất đạm như cơm, mì, chứ không nhiều chất béo mỡ như thức ăn Mỹ. Thuốc nầy không có làm tan chất đường hay chất đạm, cho nên năng lượng vẫn hấp thụ như thường.

Giải phẫu: Thường ít được dùng chữa bệnh mập và thường chỉ được khuyến cáo cho các bệnh nhân quá béo phì và có nguy cơ tạo ra các bệnh khác nguy hại cho sức khoẻ. Nếu tỷ lệ trọng lượng cơ thể BMI trên 35, bị béo phì trên 5 năm, bệnh nhân không bị bệnh tâm lý, không uống rượu và phải trên 18 tuổi. Mổ để chữa bệnh mập phì là phương cách "cực chẳng đã" bác sĩ phải dùng thường là sau khi bệnh nhân đã dùng đủ mọi phương pháp trên mà không thành công và thêm vào đó bệnh nhân bị mập tạo ra các bệnh nguy hiểm tới sức khoẻ. Có hai cách giải phẫu để chữa bệnh mập:

Cách khâu nhỏ bao tử: bác sĩ khâu bao tử lại để bệnh nhân sẽ không ăn được nhiều vì bao tử nhỏ, bệnh nhân sẽ xuống cân và ăn ít đi. Phản ứng phụ như ói mửa nếu ăn nhiều.

Cắt bỏ một phần bao tử và nối vô ruột non:
cách này tương tự như phương cách trên và làm bao tử nhỏ lại nên ăn ít đi. Thêm vào đó đồ ăn không đi qua một phần của ruột non cho nên đồ ăn bổ dưỡng hấp thụ ít đi. Với cách này bệnh nhân có thể bị phản ứng phụ như bị nhợn, toát mồ hôi, chóng mặt, nếu đồ ăn đi xuống ruột non quá lẹ; bệnh nhân có thể thiếu chất bổ sắt, calcium.Hy vọng các độc giả sẽ áp dụng và thực hành được ít nhất một vài điều trên để giúp chúng ta có được một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện không béo mập có hại cho sức khỏe để có thể sống vui, sống khỏe, sống mạnh nhưng không cần sống mãi. Sống ở Mỹ sướng quá có đầy đủ vật chất thuận tiện mà bị bệnh đau yếu hay chết sớm thì uổng quá.