khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam – Hồi ký của giáo sư Nguyễn Xuân Thu

 
 
 
 

Lời giới thiệu: Nguyễn Xuân Thu và tầm của cái tâm

Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, ở một làng quê nghèo khổ thuộc một địa phương nổi tiếng nghèo khổ nhất nước (Vĩnh Linh, Quảng Trị), lớn lên trong một giai đoạn khó khăn và cùng khổ nhất thời hiện đại: hết Pháp thuộc đến Nhật thuộc với cả triệu người chết đói và, sau đó, chiến tranh Việt Pháp kéo dài và đầy khốc liệt, Nguyễn Xuân Thu rõ ràng không phải là người may mắn. Chưa hết.  Mồ côi bố từ năm năm tuổi, mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi; không có bà con nội ngoại gì cả, phải bỏ nhà ra đi lang thang kiếm sống bằng vô số các nghề lặt vặt và bần cùng từ năm 14 tuổi, có thể nói Nguyễn Xuân Thu thuộc loại kém may mắn nhất trong những người kém may mắn. Vậy mà, bằng nghị lực, chỉ thuần bằng nghị lực, không có gì khác, Nguyễn Xuân Thu đã học hành đến nơi đến chốn, không những xong trung học và đại học mà còn tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ, sau đó, trở thành giám đốc Nha Sưu tầm và Nghiên cứu thuộc Bộ giáo dục ở miền Nam và là một trong những người Việt khá hiếm hoi được phong hàm giáo sư thực thụ tại một đại học lớn ở Úc.

Chỉ với riêng cái nghị lực phi thường của ông thôi, đã đáng phục. Nhưng tôi phục Nguyễn Xuân Thu hơn là ở cái tâm của ông. Bình thường, sau khi vượt biên và định cư ở nước ngoài, sau khi đã có một công việc thích hợp và đời sống kinh tế ổn định, sau khi con cái đã thành đạt và có gia đình êm ấm hết, mọi người có thể, nói theo Nguyễn Công Trứ, “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, an hưởng tuổi già bằng cách dung dăng dung dẻ đi du lịch đây đó, hết nước này sang nước khác, thử hết món ăn lạ này đến món ăn lạ khác. Nhưng Nguyễn Xuân Thu thì không. Dường như lúc nào ông cũng đau đáu muốn làm một cái gì đó cho đất nước. Đang là giáo sư ở một đại học lớn tại Úc (trường RMIT), ông bỗng quyết định từ chức, rút tiền hưu trí ra sớm để trả hết tiền nhà, và mang số còn lại về Việt Nam sống và làm tư vấn không lương cho Bộ giáo dục và nhiều trường đại học ở Hà Nội, nơi ông phải chịu đựng rất nhiều sự nghi ngờ và kỳ thị từ chính quyền. Gia đình ông bất ngờ. Bạn bè ông càng bất ngờ. Cuối cùng, mấy năm sau, người ta nhìn thấy kết quả của những việc ông làm: trường đại học RMIT, một trường đại học quốc tế, với chất lượng và văn bằng quốc tế, đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, trở thành một cơ sở giáo dục có uy tín nhất trong cả nước.

Nhưng, oái oăm thay, ngay sau khi các thủ tục thành lập chi nhánh trường đại học RMIT tại Việt Nam vừa hoàn tất, Nguyễn Xuân Thu lại bị trục xuất khỏi Việt Nam và bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng bốn năm vì bị nghi ngờ là… CIA. Khi cái hạn bốn năm ấy trôi qua, đã đến tuổi về hưu, đáng lẽ nghỉ ngơi, Nguyễn Xuân Thu lại quay về Việt Nam. Không một chút thù hận, ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ nhiều trường đại học ở Việt Nam trong việc liên kết với thế giới bên ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Với những việc làm như thế, không ít người ở hải ngoại cho là ông… thân Cộng.
Đứng giữa hai làn đạn, bị hiểu lầm từ nhiều phía, Nguyễn Xuân Thu vẫn không nguôi tha thiết làm một cái gì đó cho đất nước và cho người khác. Bây giờ, về già, gần 80 tuổi, vì đã rút hết tiền hưu trí trước khi về làm việc thiện nguyện ở Việt Nam năm 1994, ông chỉ sống bằng tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người già. Nghèo, nhưng ông vẫn vui. Mỗi khi có ai cần gì, ông cũng lại nhiệt tình giúp đỡ. Quen thân với ông đã trên 20 năm, nhưng những lúc nhìn ông tận tụy giúp hết người này đến người khác, bày hết dự án này đến dự án khác cho người khác, tôi vẫn cứ ngạc nhiên về tầm của cái tâm của ông.
Ở đời, rất nhiều người có tâm. Nhưng tâm lớn như Nguyễn Xuân Thu có lẽ là hiếm. Tôi viết lời giới thiệu này, cho cuốn hồi ký không-dính-dáng-gì-đến-văn-chương của ông, với tất cả sự ngưỡng mộ trước cái tâm của ông. Một cái tâm rất có tầm.

Nguyễn Hưng Quốc

 
 


Hồi ký Nguyễn Xuân Thu cho thấy một nghị lực sắt đá và những nỗ lực phấn đấu không ngừng của một đứa trẻ sinh ra ở một làng quê nghèo khổ tại Quảng Trị, bỏ nhà đi tha phương cầu thực sau khi cha mẹ qua đời. Sau bao vô vàn khốn khổ, đứa trẻ năm xưa trở thành một trong những người tạo lập ra Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam. Nhiều tình tiết ‘ly kỳ’ trong quyển hồi ký này có lẽ sẽ khiến độc giả phải thốt lên “Cuộc đời sao lắm nỗi truân chuyên”.

Hồi đầu tháng Sáu 2014 vừa qua, tại Đại học Victoria ở Melbourne, tiểu bang Victoria, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu vừa ra mắt cuốn hồi ký ‘Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam’.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của một số nhà khoa bảng và quan khách Úc Việt.

Sự hiện diện của các quan khách trong giới khoa bảng, đặc biệt của trường Đại học RMIT, là điều dễ hiểu vì tác giả hồi ký là một trong những người đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa tới sự ra đời của trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, như ông viết trong hồi ký “do sự khởi xướng đầu tiên của một cá nhân được sinh ra trên một vùng đất khô cằn ở miền Trung”.

Trong phần phát biểu, Giáo sư Danh dự David Beanland, AO, cựu Giám đốc/Viện trưởng Đại học RMIT ở Melbourne, đồng thời cũng là một trong những người giữ vai trò chính yếu trong sự hình thành RMIT Việt Nam cho hay: “Nếu không có sự đóng góp của Giáo sư Thu, chắc chắn đã không có trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam”.

Qua ‘Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam’, bao gồm Lời Giới thiệu, 10 chương và 4 phụ lục, người đọc nhận thấy được sức phấn đấu bền bỉ đáng nể của tác giả.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại một làng quê nghèo khổ thuộc tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Xuân Thu gặp vô vàn khó khăn ngay từ khi lọt lòng mẹ. Quê hương của tác giả luôn ngập chìm trong đói, khổ, giặc giã, chiến tranh . Chuyện giết chóc, người chết vì bị các phe đối nghịch nhau trong chiến tranh thanh toán là điều diễn ra thường xuyên và ngay từ thưở ấu thơ, tác giả đã chứng kiến những cảnh bắn người, trốn chạy, người bị thương, bị tra tấn…

Sau khi cha mất (năm tác giả lên 5 tuổi) và mẹ mất (năm tác giả 13 tuổi), cậu bé Nguyễn Xuân Thu bỏ làng đi tha phương cầu thực, và gặp vô vàn gian truân, khổ ải.

Tuy nhiên, với sức phấn đấu cộng với may mắn, Nguyễn Xuân Thu đã vươn lên, học hành nên người và dạy học tại nhiều trường khác nhau sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế.

Sau đó, ông làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ Bộ Xây dựng Nông thôn (phụ tá Giám đốc đặc trách khối Nghiên cứu Phát triển tại Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn Vũng Tàu) cho tới Bộ Giáo dục.

Vào tháng 8/1971 ông được học bổng du học tại Hoa Kỳ.

Về nước vào tháng 5/1974 với bằng tiến sĩ về giáo dục đại học ông được cử làm Giám đốc Nha Nghiên cứu Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa cho tới tháng Tư 1975, ông bị đi tù cải tạo tại một số trại ở miền Bắc tới tháng 5/1980.

Chỉ hơn một tháng sau khi được thả, ông vượt biên và tới được Thái Lan, để lại vợ và 5 con nơi quê nhà.

Tháng 2/1982 ông đặt chân tới Melbourne sau khi đã sống ở hai trại tỵ nạn Songkla và Panatnikhom, Thái Lan, gần 2 năm.

Tại Úc, Nguyễn Xuân Thu tham gia vào nhiều hoạt động giáo dục khác nhau, bao gồm việc soạn chương trình Việt ngữ và giảng dạy môn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại 3 trường: Học viện Công nghệ Philip (PIT), Học viện Công nghệ Footscray (FIT) và Học viện Công giáo Mercy (Mercy Institute of Catholic Education). 

Ông cũng tham gia soạn sách để dạy tiếng Việt cho trẻ ở các cấp lớp khác nhau, từ tiểu học cho đến trung học. Ông cũng là một trong những người giúp đưa chương trình Việt ngữ vào giảng dạy ở bậc Đại học tại tiểu bang Victoria.

Từ năm 1994, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu trở thành người đại diện cho Đại học RMIT ở Việt Nam. Qua hồi ký, ông mô tả khá nhiều chi tiết về tiến trình thai nghén cũng như hình thành trường học mà sau này trở thành Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam.

Trong thời gian hơn 20 năm qua, ở Việt Nam cũng như ở Úc, Nguyễn Xuân Thu còn làm tư vấn giáo dục và có thời gian làm Hiệu trưởng trường trung cấp nghề Hồng Lam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hồi ký cho thấy việc hình thành Đại học RMIT Việt Nam có lẽ là một trong những thành tựu lớn nhất và thành quả này được ông mô tả khá chi tiết và hình của ngôi trường này được dùng làm bìa cho hồi ký của ông.

Độc giả và cảm nghĩ

Đọc hồi ký ‘Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam’ người đọc có thể có những cảm nghĩ khác nhau về tác phẩm này hoặc về tác giả của nó.

Tùy theo cách nhìn và cảm nhận của mình, độc giả có thể cho rằng điểm nổi bật chính yếu trong cuộc đời tác giả là sự phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên. Từ thân phận một trẻ sớm mồ côi cha mẹ, sinh ra trong một vùng quê nghèo nàn của một tỉnh cực nghèo của Việt Nam, dù chịu vô vàn khó khăn, khổ ải, cậu bé Nguyễn Xuân Thu vẫn cắn răng vươn lên. Qua những thành tựu cũng như thất bại Nguyễn Xuân Thu cho thấy một nghị lực sắt đá tiềm ẩn đằng sau một người năm nay gần 80 tuổi.
Độc giả cũng có thể cho rằng điểm độc đáo nhất của hồi ký là khi tác giả nói về những nỗ lực của một người luôn luôn tha thiết với sự nghiệp giáo dục lớp người trẻ. Xuất thân từ một đứa trẻ bất hạnh, kém may mắn, Nguyễn Xuân Thu quyết tâm giúp những người trẻ nói chung, đặc biệt người trẻ xuất thân từ tầng lớp bần hàn, bất hạnh.

Độc giả cũng có thể cho rằng những chương nói về sự hình thành của Đại học RMIT ở Việt Nam là chương ‘đáng chú ý’ nhất vì nó mang tính thời sự và giáo dục. Đây cũng là điểm được các Giáo sư Bronwyn Cran,  Hiệu trưởng trường Văn khoa Đại học Victoria và Giáo sư Danh dư David Beanland, cựu Giám đốc/Viện trưởng RMIT Melbourne đề cập tới trong phần phát biểu của mình.

Độc giả cũng có thể chú trọng đến khía cạnh nghiệt ngã của một người ‘đi giữa hai lằn đạn’: một chuyên viên cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy bằng tiến sĩ giáo dục tại đại học ở Hoa Kỳ nhưng cuối cùng lại không được phái đoàn Mỹ ở trại tỵ nạn nhận cho định cư ở Hoa Kỳ vì có lẽ phía Mỹ cho rằng ông thân cộng.  Khi qua tới đảo cũng như sau này định cư ở Úc, Nguyễn Xuân Thu còn bị một số đồng hương cho rằng ông thân cộng. Trong phần nói chuyện với ban tiếng Việt Radio Australia Giáo sư Thu cũng cho hay số người trong cộng đồng người Việt ở Úc hiểu cho ông “không nhiều” trong khi số người tẩy chay ông vì cho rằng ông theo Cộng sản “khá nhiều”. Số phận nghiệt ngã của ông đến đây vẫn chưa chấm dứt: sau gần 6 năm tận lực trong việc đưa đến sự ra đời của Đại học RMIT Việt Nam, vào năm 2000 ông quay trở lại Úc. Sau đó ông bị chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cấm không cho nhập cảnh vì họ nghi ngờ ông làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). Cũng trong năm 2000 này, trường Đại học RMIT ở Melbourne “nhận được Giấy phép Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp chính thức mở đường cho sự ra đời của Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam”. Năm 2001, Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam chào đời trong khi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu, một trong những người thai nghén ra nó, bị cấm vào Việt Nam.

Lệnh cấm Nguyễn Xuân Thu kéo dài gần 5 năm và đến cuối năm 2004 ông trở về lại Việt Nam sau khi lệnh này được gỡ bỏ.

Độc giả cũng có thể nhìn cuốn hồi ký và tác giả của nó qua cái “tâm” và “tầm của cái tâm” như lời của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, tức Giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Ban Việt Ngữ và Việt học, Đại học Victoria. Trong Lời giới thiệu cuốn hồi ký, Nguyễn Hưng Quốc viết: “Chỉ với riêng cái nghị lực phi thường của ông (Thu) thôi, đã đáng phục. Nhưng tôi phục Nguyễn Xuân Thu hơn là ở cái tâm của ông”. Nguyễn Hưng Quốc cho biết tiếp ông “ngưỡng mộ trước cái tâm của ông (Thu). Một cái tâm rất có tầm”. Cái tâm của ông Thu là “dường như lúc nào ông cũng đau đáu muốn làm một cái gì đó cho đất nước”.

Trong khi đó Giáo sư David Beanland cho rằng: “Những mục tiêu và ưu tiên của Giáo sư Thu luôn gồm các hoạt động mang lại những lợi ích làm thay đổi cuộc sống của người khác”.

Thiết tưởng những cái nhìn khác nhau vừa kể, nếu có, của độc giả đều đúng với Giáo sư Nguyễn Xuân Thu. Điều này cũng giống như những hình ảnh khác nhau một cách ‘kỳ lạ’ đều là những mảnh ghép đắp thành chân dung con người Nguyễn Xuân Thu. Từ hình ảnh cậu bé mồ côi cha mẹ, 14 tuổi, rời quê làng nghèo khổ đi kiếm ăn tới hình ảnh vị tân tiến sĩ từ Hoa Kỳ về ‘vinh quy bái tổ’ ở Việt Nam. Từ hình ảnh người tù cải tạo quay quắt với “nạn đói triền miên trong tù … đói ban ngày, đói ban đêm, đói mọi lúc” tới hình ảnh vị giáo sư gần 80 tuổi đứng trên bục của giảng đường trường Đại học Victoria nói về sự hình thành của Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, nói lời cảm tạ quan khách, trong đó nhiều người thuộc giới khoa bảng.

Cũng giống như nhiều hình ảnh không giống nhau, những nhận định, những cái nhìn khác nhau đều góp phần làm nên con người Nguyễn Xuân Thu, một người có sức phấn đấu và nghị lực đáng nể.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét