khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Phố Trịnh Công Say ở Hà Nội - Tác giả Trần Công Nhung





Ngày nay hầu hết những con đường quê đã được bê tông hóa, đường thành phố thì liên tục được sửa đổi chỉnh trang. Một thành phố lớn như Sài Gòn còn phải sang tên HCM cho đúng với “tầm vóc mới” thì có gì phải bận tâm chuyện đường phố thêm bớt đổi thay. Việt Nam nay đã có ba nơi đặt tên đường Trịnh Công Sơn, theo thứ tự thời gian: Huế, Đà Nẵng, Hà Nội.

Tin báo chí: “Ngày 2/12/14, ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa 14 sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10/12/14. HĐND TP Hà Nội quyết định việc đặt, đổi tên đường phố và xem xét tờ trình về một số phí, lệ phí, sẽ có 46 đường phố đặt tên mới (mang tên danh nhân, địa danh, di tích lịch sử văn hóa...). Riêng con đường mới mở ven hồ Tây - được coi là con đường đẹp, lãng mạn nhất thủ đô sẽ mang tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.”

Báo VietNamNet có bài phỏng vấn của nhà báo Ngân Phương với ông Hồ Quang Lợi, ủy viên ban thường vụ thành ủy, trưởng ban tuyên giáo, xin trích một đoạn:

“Nhà báo Ngân Phương: Thưa ông, quyết định của Hà Nội về việc đặt tên phố theo tên Nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ tạo ra một hiệu ứng như thế nào?

“Ông Hồ Quang Lợi: Trước hết tôi muốn nói là Hà Nội thân yêu của chúng ta là trái tim của cả nước. Hà Nội là thủ đô văn hóa, văn học nghệ thuật, Hà Nội là nơi hội tụ kết tinh những giá trị cao quý của chúng ta. Tôi nghĩ, một thủ đô văn học nghệ thuật tôn vinh hai văn nghệ sỹ nổi tiếng Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn là lẽ đương nhiên, một điều tất yếu. Đó là sự tôn vinh những đóng góp quý báu của giới văn nghệ sỹ nói chung, nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói riêng.

“Đây là những con người đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, trong những trái tim yêu thủ đô Hà Nội và yêu đất nước Việt Nam. Quyết định tôn vinh những người đáng được tôn vinh chắc chắn sẽ tạo nên một hiệu ứng tích cực. Đối với Trịnh Công Sơn, trong cuộc đời nghệ thuật của mình, ông viết cả mấy trăm bài hát nhưng ông viết về Hà Nội không nhiều. Người Hà Nội cũng như người yêu Hà Nội trên đất nước này nghĩ đến Trịnh Công Sơn qua bài Nhớ Mùa Thu Hà Nội, chỉ bằng một bài hát đó thôi, ông đã ở trong trái tim người Hà Nội rồi. Những câu hát thật là tuyệt vời. Nếu không phải là một người yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội, thì không thể viết lên những câu hát như vậy. Một người như thế xứng đáng có vị trí ở thủ đô này.

“Nhà báo Ngân Phương: Việc nhà văn Nguyễn Đình Thi là rất dễ hiểu và có thể tôn vinh thậm chí sớm hơn, nhưng với Trịnh Công Sơn, ông là nhạc sĩ chưa từng đạt những giải thưởng được coi là quan trọng như giải thưởng Nhà nước, giải thưởng HCM, vậy vì sao Hà Nội lại có quyết định mang tính đột phá như vậy?

“Ông Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ rằng một người yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội và yêu quý đất nước này như vậy là xứng đáng được có vị trí ở Hà Nội. Cuộc đời nghệ thuật của Trịnh Công Sơn khác với Nguyễn Đình Thi.

“Trịnh Công Sơn bắt đầu cuộc đời nghệ thuật của mình từ khi đất nước chia hai miền. Tiếng lòng của Trịnh Công Sơn cất lên trong một chế độ khác nhưng tư tưởng và tính nhân văn của ông thì xuyên suốt cả dòng nghệ thuật. Nhiều người Việt Nam sẽ rất là cảm phục về tính triết lý, về nhân sinh và đặc biệt đầy tình người từ những lời ca rung động từ con tim, luôn hướng tới sự hòa đồng xã hội, vượt qua hận thù, vượt qua khổ đau để hướng tới ánh sáng. Ánh sáng của niềm tin và hy vọng, của tình thương con người. Trịnh Công Sơn là như vậy. Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ vượt ra ngoài quốc gia vươn tới tầm nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà những từ điển nổi tiếng của thế giới đưa tên Trịnh Công Sơn vào. Đối với một con người như vậy, chúng ta tôn vinh là rất đúng, chúng ta tự hào đã tôn vinh những người như vậy.

“Có người hỏi tôi là có cái gì đột phá trong chuyện tôn vinh này không? Vì Trịnh Công Sơn không được hưởng huân chương, huy chương, không được trao danh hiệu gì? Tôi trả lời tôi chẳng thấy có gì đột phá cả. Tôi nghĩ rằng nhiều giá trị trong cuộc đời này không phải đo bằng những tấm huy chương hay danh hiệu.

“Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn có một phần thưởng cao quý sâu sắc đầy ý nghĩa đó và họ mãi mãi ở trong tim của chúng ta, trong trái tim những người yêu văn học nghệ thuật, trái tim của những người yêu đất nước, yêu dân tộc này.

“Nhà báo Ngân Phương: Theo ông, chúng ta nên có những hành động phù hợp gì để tôn vinh những nghệ sĩ khác như Trịnh Công Sơn tới đây?

“Ông Hồ Quang Lợi: Chúng ta đi nhiều đô thị cũng như nhiều thành phố khác, những người được đặt tên phố, tên đường, tên trường, đâu phải là những người đã được thưởng huy chương, huân chương, qua các thời kỳ. Những người được đặt tên đường tên phố đó là những người đã ở trong trái tim của nhân dân. Cho nên tôi cảm thấy cái mà chúng ta cần làm là chúng ta thẩm định cho đúng đóng góp các cá nhân ở các thời kỳ khác nhau cho chính xác. Tôi tin rằng nếu chúng ta đánh giá chính xác các giá trị mà họ cống hiến cho chúng ta thì chúng ta tôn vinh đúng.

“Tôn vinh có nhiều cách không hẳn chỉ là trao huân chương, huy chương hay chuyện đặt tên đường, tên phố. Cho dù là cách gì thì việc tôn vinh đó cũng phải dựa trên nền tàng, trên cơ sở của những gì họ đã tạo ra giá trị đích thực của cuộc sống, họ đã đóng góp cho dân tộc, cho đất nước.(1) Và đó chính là ánh sáng của văn hóa mà chúng ta hướng tới.”(2)

Ngày 11/9/2015 tôi đến Hà Nội, việc đầu tiên là đi tìm con đường mà báo chí ca ngợi “…con đường mới mở ven hồ Tây - được coi là con đường đẹp, lãng mạn nhất thủ đô sẽ mang tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.” Trong trí tôi đinh ninh “con đường ven hồ Tây” là con đường lớn và chạy quanh hồ. Lúc ngang qua hồ Gươm phía lên đê Yên Phụ, thấy có mấy bác ngồi uống trà bên đường, tôi ghé vào làm quen để hỏi thêm tin tức. Các bác vui vẻ gọi cho tôi cốc trà, một ông nhìn chiếc xe máy tôi treo lung lẳng mấy túi ni lông, ba lô ràng sau yên ngạc nhiên hỏi:

- Ông ở đâu đến à?

- Vâng tôi từ Huế ra, tôi đang định hỏi các bác đường Trịnh Công Sơn ở đâu để xem.

- Cũng gần đây thôi, ông lên đê Yên Phụ chạy hướng Nghi Tàm, gặp Âu Cơ rẽ xuống là đường TCS, sau lưng Công Viên Nước.

- Nghe báo ca tụng con đường mới, thơ mộng đẹp nhất thủ đô.

Một bác đáp ngay, có vẻ không hào hứng mấy:

- Tôi đã đến xem, chỉ một đoạn 900m của đường Âu Cơ chứ đường nào chạy quanh hồ Tây?
Cạn cốc trà, tôi lên xe đi ngay, hôm nay còn những hai nơi: thành cổ Sơn Tây, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Đường cái ven hồ là Nhật Chiêu, đến chỗ hai hồ nước có một ngã ba rẽ vào con đường nhỏ, nhiều nhà đang xây. Con đường vắng, yên tĩnh không thấy sinh hoạt gì. Một bà già đang đi bộ, tôi hỏi, “Thưa bà, đây là đường Trịnh Công Sơn?”

“Không, đường Âu Cơ.”

“Tôi thấy đằng kia có bảng đường TCS.”

“Thế thì mới đổi đấy.”

Đúng là con đường ngắn ngủn, một nửa xóm tôn lụp xụp, một nữa có mấy nhà cao tầng.

- Thưa bà hai hồ nước có từ lâu?

- Đấy là hai đầm sen, nhân dịp nghìn năm Thăng Long (2010), nhà nước cho kè bờ, làm đường. Trước kia chỗ này tối tăm chẳng ai ở, bây giờ thì đắt lên rồi.

Một đoạn đường không có gì đặc biệt, ngoại trừ hai đầm sen sửa sang thành hồ, bờ hồ phía đường TCS được lát gạch sạch đẹp. Thế thôi mà báo chí “đánh chuông” nghe vang dữ!

Đường ven hồ Tây (Nhật Chiêu và Vệ Hồ) đúng là đẹp, có nhiều đoạn đang chỉnh trang trồng cây. Có một bến “Song Long” (tôi tự gọi) chẳng biết để làm gì, chắc là bến xuất phát lễ hội đua thuyền? Hai rồng xanh khá đẹp; Một ngôi chùa nhìn ra hồ, cổng tam quan dạng phương đình bệ vệ uy nghi, cao ba tầng mái. Trong tương lai đừng có những dự án xây dựng phá nát không gian hồ Tây, không thương mại hóa ven hồ thì hồ Tây sẽ là điểm thu hút du khách. Hà Nội có một gia tài lớn về hồ và công viên, nhưng do xu thế thời đại chạy theo tuyên truyền, kinh doanh, nên đã để mất đi bao vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có. Đáng tiếc thay!


-------------------


(1) Trường hợp “lê văn tám” chuyện tưởng tượng của Trần Huy Liệu thì sao?! Trong một cuộc họp báo vào tháng 2, 2005 tại Hà Nội, nhà sử học Phan Huy Lê nhớ lại:

“Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Đó là lúc anh Liệu làm bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền (sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, Trần Huy Liệu làm bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền và Cổ Động), anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè. Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng: "Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.” Thế nhưng “nhà nước ta” không nói và hầu như toàn dân VN tin LVT có thật.

(2) Đoạn báo trích nguyên trên Net, độc giả hải ngoại có thể khó chịu khi gặp những chữ “đột phá”, “xử lý”, v.v. đây là ngôn ngữ báo chí trong nước ngày nay. Theo tôi “đột phá” ý tác giả nói bất ngờ, khác thường chứ không có nghĩa “phá thình lình” như khi nói “đột quị”, “đột biến”, “đột nhập”, đột tử”, nhưng các nhà văn hóa quốc nội rất ưa dùng “đột phá” trong mọi trương hợp y như chữ “khả năng”, rất buồn cười nếu không nghe quen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét