khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Thế hệ sinh sau 30/4/1975 ở Việt Nam - Tác giả Lê Thu Thủy



Tui sinh năm 1974 nhưng hồi trước mấy ông làm việc ở phòng hộ tịch lẩm cẩm, dốt nát thế nào mà ở xã thì ghi sinh năm 1979, ở huyện thì viết 1973. Hồi nhỏ đi học vô tư đến khi tốt nghiệp phổ thông và vào đại học cha mẹ tui phải chạy khắp cửa chỉnh sửa ngày tháng năm sinh cho tui đến rạc cẳng. Vấn đề là chốn công quyền không ai chấp nhận cái năm sinh 1974 của tôi, nhưng lấy năm 1979 làm khai sinh gốc thì tui phải chờ 5, 6 năm mới đủ tuổi vào đại học theo quy định của nhà nước. Cuối cùng tui, cha mẹ và phòng hộ tịch tỉnh cùng đồng ý để tôi lấy năm 1973 làm năm sinh (khai lớn 1 tuổi cũng không sao, coi như mình đi học muộn một vài năm và cái việc làm khai sinh và hộ khẩu của tui coi như nhà nước và nhân dân cùng làm).

Từ đây nảy sinh một nhận thức lịch sử về bản thân tui:

- Gia đình tui trước 1975 thuộc tầng lớp trung nông theo Phật giáo. Ngoài ngôi nhà trên nền đất của tổ tiên, cả nhà tui cũng từng sống trong khu định cư (khu dồn) nhưng vẫn tự do làm ruộng, canh tác đất đai trên phần ruộng đất, vườn tược của cha ông để lại thuộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Đất ruộng khá nhiều và cha mẹ tôi đều cần cù làm việc nên thuở đó anh chị tui không đến nỗi thiếu thốn.

Nhưng vào cái ngày 30 tháng 4 năm 1975 trọng đại, và những năm cuối thập niên 70 và cả thập niên 80 của thế kỷ trước về sau mọi thứ đã khác đi.

Tui chẳng thể nào nhớ nổi diện mạo gia đình, làng xóm, xã hội quanh tui trước 1975 như thế nào, mặc dù sau này lớn lên một chút tui luôn nghe các anh chị vẫn trầm trồ, tiếc rẻ, ôn lại những kỷ niệm hồi "trước giải phóng". Trong tình trạng đói rách phải nhịn ăn đi học, mấy ông anh cứ nhắc hoài "cái hồi Mỹ" sáng nào đi học cũng được phát bánh mì.

Bản thân tui vào thời điểm 30/4/1975 chưa được nửa tuổi nên sau giai đoạn đó vì đói quá mà suy dinh dưỡng, cơ thể suy nhược, còi cọc, chậm phát triển,... chậm phát triển đến mức độ sau này lớn khôn tui vẫn không thể nào đứng vào hàng ngũ thế hệ chào đời trước 30/4/1975. Mà thế hệ sinh sau 30/4/1975 đâu có biết đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Cha mẹ tui phải trải qua những tháng năm làm việc tàn khốc sau 1975. Mấy anh tui vì cực khổ quá mà sinh ra cộc cằn, cay độc... Thời kỳ ấy tui còn nhỏ và luôn sợ hãi: sợ cha mẹ khổ đau, cơ cực, vất vả, sợ mấy ông anh hành hạ bắt làm việc nặng nhọc nên tui cứ bé nhỏ lại, nhỏ bé đến nỗi chị tui có lần cười bảo: "cứ coi như mi (Thùy) sinh năm 1979 cũng không răng”. Tui như thể chỉ lớn hơn đứa cháu kêu tui dì ruột, con chị Hai sinh năm 1980 chừng 1 tuổi. Và suốt đời tui phải làm người lớn theo cách này: tui phải đứng vào thế hệ của cháu mình. Mà thực tế là tui ngang lứa anh chị, chào đời trước 1975 kia đấy.

Để tui xem thuộc về thế hệ sinh sau 30/4/1975 tui sẽ may mắn như thế nào?

- Thứ nhất: Tui sẽ không bao giờ biết đến những đau khổ, bi thương lẫn hãi hùng khi anh tui bị cưỡng bức đi nghĩa vụ quân sự ở Campuchia. Mặc dù sau hơn 6 năm anh trở về và là bộ đội mất sức và anh mất sức suốt đời, không đủ điều kiện sức khỏe để lập gia đình, sinh con. Nhưng anh vẫn là người may mắn còn sống sót.

- Thứ hai: Tui không bao giờ hiểu được tại sao một gia đình trung nông đất ruộng cá thể nhiều đến nỗi phải cho người khác làm rẻ, bỗng chốc hợp tác xã thu sạch ruộng đất và hóa giá (như thu không) toàn bộ trâu, bò, máy bơm nước, bình phun thuốc..., và bất cứ thứ gì phục vụ sản xuất nông nghiệp như mấy cái ao làng, mấy cái vườn hoang cũ mà chú tui mất để lại cho cha mẹ tui. Đến nỗi gia đình tui rơi vào tình trạng bần cùng, nghèo đói đến chỗ chị em tui thường nhịn đói đi học và đi ngủ đói. Đó là chưa nói chúng tôi từng phải mặc đồ rách, không có nón đội đầu, không có dép để mang.

- Giờ đây mẹ tui đã về cõi cực lạc nhưng mẹ đã sống đến cái lúc nhà nước quay sang áp dụng chương trình lao động khoán sản phẩm nông nghiệp: Mỗi người trong nhà tui (mỗi nhân khẩu) được khoán 1 sào ruộng. Cha tui già yếu lắm rùi, anh tui bỏ vào thành phố làm thuê, chị tui đi lấy chồng mưu sinh bằng những công việc khác, tui đang thất nghiệp nên có thể nai lưng ra làm hết đất ruộng cả nhà bỏ lại. Thú thật là năm nào cũng được mùa, thóc lúa tràn hê ra và tui tha hồ ăn bù lại những tháng năm thiếu đói. Tui biết mình sẽ béo phì vì lúa gạo ăn không hết chỉ có thể đem đi đổ hoặc nuôi heo gà thôi.

Tại sao ư? Tại vì không có gì rẻ hơn gạo nhà nông. Mỗi vụ canh tác trên đất đai của nhà mình tui ăn chán chê vẫn có thể thừa 5 tạ lúa (5 tạ=500kg lúa), một năm làm 2 vụ, tui thừa 1 tấn lúa = 1000kg. Lúa ở quê hiện nay 1kg=5,000đ (năm ngàn đồng). Một tấn lúa = 1000kg = 5,000,000đ (năm triệu đồng).

Bà con tính giùm tui nhé!

Toàn bộ chi phí cho 5 sào ruộng, tức nửa mẫu ruộng cần đầu tư toàn bộ: Phân, thuốc, giống, nước thủy lợi phí, thuế nông nghiệp, tiền sản lượng nộp cho hợp tác xã, phí nông thôn, phí nội đồng, tiền công gặt đập, làm đất, gieo sạ, tỉa, giặm, cấy cày, làm cỏ, phơi phóng... tốn kém ít nhất cũng mười triệu (mười triệu đồng/1năm cho 5 sào lúa). Vậy nông dân như tui phải làm gì bây giờ?

Khắp nơi trên xứ Việt Nam người nông dân bỏ ruộng hoang ra thành phố làm thuê kiếm tiền để đóng thuế nông nghiệp, nộp tiền sản lượng (thay thóc (lúa) cho hợp tác xã.

Còn vì sao lúa gạo rẻ như vậy?

Xin thưa có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do vui nhất là ở Trung Quốc một thanh niên thất nghiệp vẫn có thể sắm máy để sản xuất gạo nhựa (gạo giả) bán ra thị trường, bán sang Việt Nam hoặc bất cứ nơi nào có thể. Gạo nhựa Trung Quốc phá giá gạo nhà nông của tui.

Ai từng ăn gạo nhựa thì sẽ biết nó thế nào!

Riêng tui nếu muốn chữa bệnh béo phì thì đem hết gạo thừa trong nhà cho heo gà ăn mặc dù hiện nay thịt heo, thịt gà Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam và giá heo gà nhà quê đang rẻ như bèo nhưng có sao đâu. Cần thiết tui sẽ ăn hết thịt heo thịt gà nuôi trong chuồng. Thuộc về thế hệ sau 30/04/1975 không ai kết án một kẻ béo phì thuộc thành phần ăn bám xã hội.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét