khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Miền Trung vọng tiếng... sông Hương




Tôi có 2 “thằng” em, một “thằng” đang làm “phó trùm lăng xăng” ở Nhật, một “thằng” đang làm “ông trùm một họ đạo” ở Việt Nam, lẽ dĩ nhiên cả 2 đều có nghề riêng kiếm sống, nhưng tôi thấy 2 tên này hình như cứ làm chuyện “ăn cơm nhà vác ngà voi”, rủ nhau họp bè, họp bạn, văn nghệ, văn gừng, rủ nhau đi giúp người hoạn nạn.... suốt bốn mùa lá đổ, hơn hẳn tôi cứ suốt ngày “lấy bóng mình trên tường làm bạn”.. Mà cũng nhờ thế lại biết được một tiếng hát ở Việt Nam, thú thật tiếng hát làm tôi “há hốc”, “não lòng”, người ta gọi cô này là ca sĩ, nhưng tôi thì nhất định không, vì ca sĩ là một nghề chuyên nghiệp kiếm tiền, cô này chỉ cất tiếng hát để giúp vui, để giúp cho những người không may trong cuộc sống, cô hát giọng Bắc rất chuẩn, tôi có hỏi và cô tâm sự qua FB: “hồi nhỏ em sống ở cạnh nhà người Bắc vì em là”:

*Con gái Huế, hương cố đô gửi lại
Một chút duyên, một chút nhớ mong manh
Giữa đất trời thêm một nét trong lành
Thêm man mác, hồn sông Hương núi Ngự
Và mời các bạn thưởng thức tiếng hát của cô:

Năm kia thì phải, khi còn “ở ẩn”, trong một trao đổi về “biển sạch, cá sạch cho dân” qua chung cư “Phây” (FB), tôi có vài ý kiến thì có một cô em viết cho tôi vài chữ. Tôi cũng chỉ ấm ớ trả lời cho qua chuyện, nhưng từ từ thì biết cô này là “thứ thiệt”, cô quan tâm đến chuyện đất nước đang bị hiểm nguy, cô gửi cho tôi những tin nóng hổi về việc đồng bào mình bị “tụi nó” đánh.... cô khích động tôi, khiến tôi cầm lòng không đậu. Cho đến một ngày, được nói chuyện trực tiếp với cô, mới biết cô là:

*Con gái Huế.... buồn buồn nói giọng Huế
Không khéo mà họ chạy thấu bên.... tê.
Rứa, răng, nói chi mà đến lạ
Họ nghe tròn mắt.... chộ chưa tề.


Tôi có một đàn anh, học trên mình 6 năm đang ở Úc, anh là một người hiểu rộng và phân tích mọi chuyện rất tới nơi tới chốn. Anh thấy tôi “sống” lại, anh viết cho tôi “lâu lắm mới thấy chàng xuất hiện với lối văn vẫn còn dí dỏm, dễ hiểu, mong tiếp tục”. Anh có cái tên bắt đầu từ hai chữ “Tôn Thất....”

Ở Nhật có cộng đoàn công giáo mà chủ chiên là cha Nguyễn Hữu Hiến, tôi “trốn” và không dám gặp cha khá lâu, dù là dân đạo gốc, ít khi đến nhà thờ vì sợ bị cha “mắng”, cũng không chịu “góp bài” cho tờ Phụng Vụ Lời Chúa mà cha là chủ biên như mấy năm trước. Nhưng qua những “khích tướng” của một cô gái gốc miền Tây từng là “xướng ngôn viên” đầu tiên của đài FM Cocolo Osaka人気 (nổi tiếng) nhất Kansai), của vài ông bạn vốn là độc giả trung thành của PVLC, trong đó có một ông gốc Huế chỉ nói một chữ: “Tiếc...”, còn một ông gốc Nha Trang vừa quen trên “chung cư Phây” nhắc khéo: “Tôi vừa gặp cha Hiến, tôi hỏi: dạo này sao không có bài của anh Khuê, cha... cười”.

Nhắc nhở này khiến tôi “nhột” và cố gắng gửi cho cha một vài cảm nghĩ. Cha nhận được, ngạc nhiên và nói “Cám ơn Chúa”, giống y hệt 15 năm trước khi tôi ỉ ôi xin cha bài viết cho tờ báo cộng đồng mà mình đang phụ trách. Cha sinh ở miền Trung và xuất thân từ giáo phận Huế.

Cách đây khoảng 1 tháng, trong diễn đàn của một nhóm cựu sinh viên du học tại Nhật, một ông bạn sống ở Canada gốc Bình Định, ông này là admin của nhóm, tính tình thẳng đuột, rất rành chuyện computer để chỉ dẫn cho những người “Hai Lúa”, có mail hỏi thăm “chung chung” về cách chữa trị một chứng bệnh nan y mà chỉ có thể chữa lành ở Nhật, nhớ lại mình đã có một bài viết về bệnh này và có biết chút chút thông tin. Tôi trả lời, trao qua đổi lại thì quen 2 người bạn.

Một bạn gốc Huế rặc, “tán” về Huế, mưa Huế đọc nghe rét run, thấm ơi là thấm.

Nhớ lại mùa mưa xứ Huế thật là chán "mưa dầm dề, mưa thúi đất thúi đai" thế mà hồi tưởng: những năm tháng còn đi học Khải Định hồi đó chưa có chiếc áo mưa, và chưa có xe đạp để đi, chỉ biết lội bộ mang cái "tơi cá", mưa tác phía nào thì xoay tơi qua phía ấy để khỏi lạnh và ướt, có lẽ nhiều bạn không biết cái áo mưa này, (gọi là cái tơi, có hai loại tơi cá và tơi đọt), tơi cá lá to dày mang vào mà đi bộ phía sau cọ vào chân đến chảy máu, tơi đọt thì lá nhỏ như lá tre nên sang hơn) ... Bạn này nghe nói cũng là hoa khôi Đồng Khánh năm xưa.

Còn một bạn tuy hơn mình đến...tuổi, nhưng tôi khoái vì bạn rất chân chất: Ngày xưa, phải “làm việc đồng áng” nhiều, không được đi học, mãi khi “lớn tồng ngồng” mới được ngồi ghế nhà trường, học cùng lớp với toàn là “muội” hay “đệ” nên cứ được gọi ... sư tỷ, đại tỷ. Bạn từng là học trò, là cô giáo ngay trường bạn học. Bạn làm thơ nghe quá đã.
Em hỏi ta sao không làm thơ nữa
Từ lâu rồi, ta quên chuyện văn chương
Từ lâu rồi, ta khép cửa thiên đường
Thơ lạc lối khi hồn ta vỡ mộng


Em hỏi ta sao cứ hoài da diết
Về một ngôi trường nay đã thay tên
Những học trò cũ, người còn, người mất
Tản mạn trong ta nỗi nhức nhối vô cùng.

Tuổi tác hơi chênh lệch nhưng tụi tôi vẫn mình mình tớ tớ. Bạn này quê mẹ ở Bình Định, và quê cha thì ở Huế.
     
Một ông bạn, chuyên tâm vào sinh hoạt của nhóm cựu sinh viên đã từng sống ở Nhật, ông bỏ thì giờ làm hẳn một trang web để cuối tuần có dịp tụi tôi tìm lại hương xưa. Lâu quá không thấy tôi, ông này “shimpai” (lo lắng): Khuê có sao không mà dạo này im tiếng?” Ông là dân xứ Quảng nhưng lại “sống chung và rất hòa mình” với.... dân shoyu (nước tương của Nhật) và dân.... Cà Ri Nị.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét