khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Bàn Sử Là Làm Một Việc Thừa: Một Lần Nữa Nói Đến Ông Trần Trọng Kim- Tác giả Phan Khôi



Có nhiều thứ sách trong các đồ thư quán người ta cũng ghép vào loại sử, nó đều do s...ử mà sanh ra, là phần phụ dung của sử, tức như sử chú, sử khảo dị, sử luận, v.v...

Sử chú là sách chuyên việc chú giải các sự tích của một pho sử nào, như Tam quốc chí chú của Bùi Tòng Chi người Tàu. Sử khảo dị chuyên cóp nhặt những điều truyền văn không giống với những sự tích trong một pho sử nào đã chép, như Việt sử khảo dị của Nguyễn Thông người Nam Kỳ ta. Sử luận chuyên làm những bài bàn về người hoặc việc hoặc cái khác của pho sử. Thứ sách này hình như ở xứ nào cũng có nhiều mà ít pho có giá trị. Bên Tàu có pho Độc Thông giám luận của Vương Phu Chi còn được người đời nay coi trọng mà thôi. Còn bên ta, như bộ Việt sử tiêu án của Nguyễn Đức Đạt, tựa hồ không có người đọc đến. Nhưng dù có đọc đến cũng sẽ thấy nó không hợp với đầu óc người bây giờ nữa.

Có nhiều nhà sử học đã nhận cho sử chú và sử khảo dị là sách cần có, nó giúp ích cho sử rất nhiều. Nhưng sử luận, thứ sách mà xưa nay có rất nhiều tác giả thì các nhà sử học đời nay lại không hoan nghinh mấy nỗi.

Loài người có một cái tánh chung là ưa bàn luận kẻ khác, làm ra ta đây là người biết chuyện. Người ta chê đàn bà hay ngồi lê đôi mách, hay bới việc hàng xóm, chớ kỳ thực, bọn học giả lại còn tọc mạch quá đàn bà. Chẳng vậy mà sao những sách sử luận từ xưa đến nay đã chiếm một phần lớn trong loại sử của các đồ thư quán, của các tủ sách gia đình?

Trong chúng ta, người nào có học chữ Hán theo lối cũ, ắt còn nhớ khi đọc pho sử Tàu, bản Quan hành của Bùi Huy Bích, thấy những bài bàn của Hồ Trí Đường mà phát chán: Luận, luận gì? Chẳng có chi khác hơn là họ bắt những người đời xưa, trong sách, phải làm mọi việc theo luân lý. Mà cái luân lý ấy nhiều khi chẳng là luân lý gì cả, chỉ là cái ý riêng của họ mà thôi.

Theo tôi thì chép sử cũng như chép tin tức báo hằng ngày, việc thế nào chép ra thế ấy, quý hồ cho có đầu có đuôi, làm thế nào cho kẻ đọc nhân đó mà tìm được nhân quả của mỗi việc là đủ rồi, không cần bàn luận nữa. Bàn luận là làm một việc thừa.

Người chép sử ở nước Tàu và nước ta từ trước đến giờ đều chịu ảnh hưởng của sách Xuân Thu là sách tự tay Khổng Tử chép. Theo hậu Nho, sách ấy lấy sự bao biếm làm trọng, và sự bao biếm có hiệu quả đến muôn đời. Bởi vậy, hơn ngàn năm nay ở cõi Đông này, hễ chép sử thì phải có khen có chê, không thế thì hầu như không gọi được là sử.

Thực ra thì chỉ là lắm lời mà vô ích. Vô ích cho đến sách Xuân Thu của đức Khổng nữa. Người ta bảo từ ngài làm sách ấy ra mà bọn loạn thần tặc tử biết sợ. Người ta nói dóc quá! Nếu quả vậy thì sau Trần Hằng, Thôi Trữ đã chẳng có Vương Mãng, Tào Tháo và giữa chúng ta cũng chẳng có Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung.

Không có làm gì, bàn sử là một việc thừa, sử luận là thứ sách không cần có.

Muốn tìm một cái lệ chứng, tôi phải nói đến ông Trần Trọng Kim, một nhà chép sử hiện thời. Tôi nói đi nói lại đến ông nhiều lần cũng vì sử gia ở nước ta, hiện nay còn là của hiếm, không nhắc đến ông thì không biết nhắc đến ai.

Trong bộ Việt Nam Sử lược của họ Trần, nhiều chỗ hay lấy chủ quan mà bàn tán. Những chỗ ấy mới nghe qua thì phải thế lắm, nhưng nếu nghiền ngẫm cho kỹ, nhất là hợp nhiều chỗ lại mà đối chứng với nhau, thì có điều đến phì cười vì nó chẳng thành sự lý gì cả.

Như chỗ bàn về Mặc Đăng Dung thoán nhà Lê, họ Trần nói:

“Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế thì ai mà kính phục? Cho nên, dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, một cái cơ nghiệp dựng nên bởi sự gian ác như thế thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy, cho nên con cháu họ Lê lại trung hưng lên được”.

Theo lý thuyết ấy thì chúng ta phải nhìn nhận điều nầy là công lệ trên lịch sử mà sử gia họ Trần đã lập ngấm ngầm: Hễ kẻ vô đạo thì dù có lấy được nước cũng không hưởng được dài lâu. Trái với cái công lệ ấy, người có nhân cách lấy được nước tất phải hưởng được dài lâu. Cái đó họ Trần tuy không nói ra chứ đã quyết định điều kia thì cũng phải mặc nhận điều nầy.

Nhưng Nguyễn Huệ, người mà nhà chép sử họ Trần sẵn lòng chiêu tuyết cho khỏi hai chữ “ngụy triều”, người mà nhà chép sử họ Trần cho là “mở nước không khác gì Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ”, nghĩa là một vị vua sáng nghiệp quang minh chính đại, thì cớ sao chỉ có được hai đời, 14 năm rồi mất? Đem so với nhà Mạc trị vì được 65 năm, còn chưa kể ba đời thoi thóp ở Cao Bình hơn 30 năm nữa, sao lại một dày một mỏng khác nhau đến thế, và cái kẻ mà số phận nó đáng mỏng lại trở nên dày hơn?

Hỏi như vậy, nhà sử luận hẳn không làm sao trả lời được. Không trả lời được thì cái lý thuyết trên kia phải đổ. Mà nó đổ là phải, cái lý thuyết ấy chính nó đã bất thành lý thuyết.

Theo sự kinh nghiệm chắc chắn trên lịch sử, không cứ ông vua sáng nghiệp hay dở thế nào, hễ con cháu biết giữ gìn thì được bền lâu. Rất đỗi như nhà Trần, hiếp dâm, giết người, cướp nước người ta, mà các vua kế nghiệp nên thân thì cũng giữ được hầu hai trăm năm mới mất. Thế cho biết sự hưởng quốc chóng hay chầy là không quan hệ gì với cái tư cách của ông vua dầu thiện hay ác vậy. Thế mà ông Trần Trọng Kim lập cái đó làm công lệ thì sao cho đứng vững được ư?

Chẳng qua, ông cũng chịu ảnh hưởng của sách Xuân Thu. Ông đã khép án Hồ Quý Ly như thế là để cho người đời sau sợ mà không dám làm việc thoán thí. Nhưng khổ lắm, không có được, tôi đã nói sự bao biếm chẳng hề có hiệu quả gì mà chỉ làm cho cái luận điệu của mình nhiều khi thành ra lầm lẫn, vì nó thường ra bởi chủ quan.

Quả thật, môn sử luận là không có ích. Mà cũng duy có con mắt các nhà sử học đời nay thì mới phát kiến ra được sự vô ích ấy mà thôi.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét