khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Chuyện một người đàn bà Việt Nam sống ở New York đã trở thành nạn nhân đầu tiên chết ở Mỹ vì nhiễm độc Anthrax vào đầu thập niên 2000 trong vụ khủng bố gởi chất than bột Anthrax qua đường bưu điện đã làm dư luận Hoa kỳ xôn xao, lo âu và nghi ngại lúc bấy giờ



Kathy Nguyen


Mỗi năm khi gió Đông về, trong cái rét buốt tĩnh lặng tinh sương của buổi sáng tôi thầm hỏi những gì còn cô đọng trong óc đêm qua có đang nhỏ thấm xuống tâm thức mình những giọt sầu? Có phải một số người – quá bận rộn tìm hơi ấm cho thân thể trong giá lạnh đêm thâu – không có thời gian để suy tư về sự hiện hữu của cuộc sống lưu vong của mình?

Gần đây trong tâm tưởng, tôi hình dung đến các phụ nữ Việt Nam trẻ theo chồng lưu lạc đến các nẻo đường xa lạ trên thế giới, không quen thuộc với các ngôn ngữ và phong tục của chú rể mới của mình. Tôi muốn nói đến những nơi chốn mà họ đang sống trong sự cô lập, ví dụ như Hàn Quốc, Đài Loan hay miền Tây xa xôi của Trung Quốc, nơi hàng ngàn cô dâu trẻ Việt đang cố hội nhập vào cuộc sống xa nhà.

Thời gian gần đây, suy tư của tôi lại quay về một người phụ nữ Việt Nam đã đi theo chồng, một người lính Mỹ tham chiến xa quê nhà, và rốt cuộc đã về đến Hoa kỳ để cuối cùng dừng chân tại New York. Cô ấy đã qua đời vào ngày 31 tháng 10 năm 2001. Nhân cái chết bất đắc kỳ tử của một người bạn, một người đàn anh ở Sàigòn cách đây không lâu, các sự kiện xa xưa đó, nhưng có lẽ cũng không hiếm trong cuộc sống của người Việt tha hương – hay cái chết của một số người – đã quay về trĩu nặng trong tâm tư tôi.

Buổi sáng thứ Tư oan khiên đó, đang bước đến lớp từ bãi đậu xe, một cô bạn đồng nghiệp đi cùng hỏi: “Anh có biết cái chết vì chất độc Anthrax đầu tiên ở Mỹ là của một cư dân người Việt ở New York không?”

“Vậy sao?”

“Đúng thế, cô ấy có cùng họ với anh đó: N-G-U-Y-E-N,” cô đánh vần từng chữ như minh xác cho điều mình nói.

“Có phải người đó làm tại một bệnh viện ở Bronx mà tôi vừa nghe tin trên đài NPR?”

“Ừ-hứ. Hình như tên cô là Kathy Nguyễn,” người bạn đồng nghiệp dạy môn Khoa học cho biết.

Tôi chỉ lắc đầu, không ngờ chuyện khủng bố đã đi đúng một vòng oan nghiệt! Sau này khi xem “Good Morning America,” ​​tôi thấy hàng xóm của cô Kathy Nguyễn, bà Anna Rodriguez, kêu gọi thân nhân của cô Kathy hãy bước tới để giúp chuẩn bị tang lễ.

Vài ngày sau, trên truyền hình, tôi lại xem tthấy hàng xóm Bronx khiêng chiếc quan tài của cô, phía trên được phủ bằng một lá cờ của Việt Nam Cộng hoà cũ. Tôi thấy không có thân nhân người Việt nào. Không bóng dáng một người Việt nào trong tầm mắt. (Báo chí Mỹ toan tin rằng Kathy Nguyễn có một người anh ở Pháp và một người bà con ở Seattle.) Tôi nuốt nước mắt trước nghĩa cử đầy tình thương và tương trợ của người Mỹ địa phương, rồi bỗng thấy hoang mang tại sao gia đình cô đã không đến. Lời nói của người bạn Mỹ còn văng vẳng bên tai:

“Đừng lo, họ sẽ đến. Người Á đông có thể không ăn mừng ngày sinh nhật nhưng họ quan tâm đến ngày chết. Anh đã nói với tôi như thế, nhớ không? “

Cô trấn an khi tôi lo ngại rằng không có ai, đặc biệt là người Việt Nam, phải chịu một cái chết cô đơn, lẻ loi không người thân nào tụ tập chung quanh, tiễn đưa họ về bên kia thế giới.

Tôi biết rằng trong cái chết, khi chúng ta phải đối mặt với thử thách cuối cùng, người Việt cũng mong ước được người thân yêu thắp cho một nén nhang, đốt một ngọn nến, hoặc thì thầm một lời cầu nguyện. Chúng ta tin rằng vong linh của người lìa trần sẽ lang thang vô tận nếu người quá cố không được người thân chăm lo trong cái chết.

Hình ảnh những đám tang đầy nước mắt và các thầy tu tụng kinh miên man tràn ngập tâm trí tôi; gia đình giàu thậm chí còn thuê những người khóc mướn khóc trong đám tang để cho thấy họ thương xót người khuất bóng đến dường nào, có lẽ họ muốn bù đắp cho tình nghĩa cạn cợt của gia đình không màng đến người ra đi khi họ còn sống.

Nhưng đây cô Kathy Nguyễn, bị đẩy vào một cuộc sống rất Mỹ này, ập ngay vào lòng của New York, nửa vòng trái đất từ ​​quê hương cũ của mình, vì một động cơ nào mà không có ai ngoài bản thân cô ra có thể xác định được. Cô mất hầu hết những người thân trong chiến tranh Việt Nam. Kết hôn với một quân nhân Mỹ và đến Mỹ vào năm 1977 không có gì hơn ngoài bộ áo quần trên thân.

Có lẽ cuộc sống của cô sẽ không điển hình như vậy, nếu cô đã kết hôn và sống trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn như Little Saigon?

Nhưng rốt cuộc có bao nhiêu điều được xem là điển hình trong cuộc sống trốc rễ, xuyên-phong-tục Mỹ này, khi người ta không rõ lý do nào đã đưa đẩy cô chọn một cuộc sống xa rời cộng đồng của mình như thế?

Quãng đời cô không có gì thừa thải ngoại trừ những điều quan thiết nhất – một người chồng cũ, kỷ ức đau buồn của chiến tranh, và một người con trai đã bỏ mạng vì tai nạn ô tô – mà trong một cuộc sống bình thường khác sẽ không làm cho hoàn cảnh gia đình quá đỗi khác thường. Nhưng ngay trong ẩn dụ của một cuộc sống rất thường tình đó điều này đã trở nên thật thất thường trong cái chết.

“Chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ một người thân nào trong gia đình đến nhận xác cô, nhưng chúng tôi là gia đình của cô,” Mục sư Carlos Rodriguez nói tại tang lễ của cô ở thánh đường Công giáo St. John Chrysostom ở New York, được các quan chức thành phố và những người sống gần cô Kathy đến dự.

Một câu hỏi bất diệt hằng ám ảnh người sống đã tiễn chân cô đi nhưng vẫn chưa được trả lời: Cô Kathy có hạnh phúc không, cô có bằng lòng với cuộc sống giữa những người xa lạ không? Hoặc giả cô có chọn lựa nào trong một cuộc đời khiêm tốn như vậy, không có chuyện cao xa gì xảy ra – làm việc 20 năm trời mà không nghỉ một ngày – rằng trong cái chết, cô đang phải đối mặt với một tình huống, một phần số rất buồn, rất người: thiếu vắng một bàn tay ấm áp và thân yêu của gia đình?

“Tôi nghĩ rằng Chúa đã mang cô đi vì cô đã quá cô độc,” Jenny Espranal, người hàng xóm bên cạnh, biết Nguyễn đã 10 năm, nói thế.

Cho nên cuối cùng, các điều kiện xã hội đó đã định hình nỗi tang thương của một dân tộc, chẳng hạn như cộng đồng người Việt di cư 40 năm qua với 3,5 triệu người rải rác khắp nơi trên thế giới, buộc chúng ta phải đối mặt với tính phổ quát của thân phận con người.

Quê hương đâu khi quê hương – bị tàn phá bởi chiến tranh và những giáo điều – buộc người Việt phải tìm nơi nương náu ở một nơi xa lạ đến như vậy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét