khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

Đêm Đông - Tác giả Đinh Phụng Tiến




“… Một tháng trước đây, chúng tôi với sự chấp thuận của trên, đã gửi một toán tiền phương mười người do anh Nguyễn Hữu Có làm trưởng toán vào Thanh Hóa để xem xét tình hình. Và anh Có đã trở về. Bản báo cáo của anh Có đã được gởi lên cho tôi đọc. Vậy bản báo cáo ấy đã nói gì? Anh Có đã trình rất rõ và rất chi tiết. Rằng, ở đó các anh có thể sống được. Lịch sử của đất Thanh Hóa, kể từ ngày dựng nước cho đến nay, là lịch sử của một miền đất thiếu ăn. Bởi vì khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô khốc, rừng và núi đều đã già nua… nên Thanh Hóa vẫn là một vùng đất đói nghèo.

“Vì cái đói, cái nghèo ấy mà khu Năm đã sớm trở thành cái nôi của cách mạng. Cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người đến ngày thành công trên toàn thế giới, sẽ phải nhớ đến nơi mà nó đã được nuôi dưỡng trong buổi đầu"

Tôi nói thêm về Thanh Hóa. Đã từ bao lâu rồi, người dân ở Thanh Hóa vẫn sống giữa dẫy núi trùng điệp phía tây và biển Đông. Đất hẹp, nghèo nàn và lạc hậu là ở đó. Nơi đó không phải là chỗ dừng chân của những người muốn có một cuộc sống vật chất an nhàn.

Nhưng chúng ta phải chứng minh rằng, mọi người có thể sống được, ở Thanh Hóa. Mọi người có thể sống được, ngay tại vùng đất già cỗi nhất, hoang vu nhất, với hai bàn tay không trong một vùng đất già cỗi và hoang vu ấy

Sống bằng cách nào? Đồng chí Tổng Bí Thư Lê Duẩn, một cán bộ kiệt xuất, một lý thuyết gia lỗi lạc, trong một nghiên cứu mới đây đã dạy nhân dân Thanh Hóa rằng, đất Thanh Hóa không những có thể nuôi sống con người mà vẫn còn có tiềm năng lớn để phát triển.

Phát triển bằng cách nào? Đồng chí Lê Duẩn dạy rằng, phải vượt lên rừng, phải lấn ra biển. Vượt lên rừng, lấn ra biển, mở rộng không gian để làm cho Thanh Hóa nở ra. Chiếm lĩnh những gì thiên nhiên đã có, để phát huy và phát triển… Các anh thấy không? Ưu việt là ở chỗ ấy.”

o O o
 
Người đàn ông trong bộ quân phục đại cán mùa đông mầu ô liu chợt ngừng lại, khi một cán bộ cấp dưới rụt rè tiến đến gần ông ta để nhắc một điều gì đó. Người đàn ông ấy mỉm cười và nói:
 
– Các anh nghỉ giải lao ít phút.
 
Đoạn, ông ta cùng với những người ngồi trên ghế của chủ tọa đoàn đứng dậy, và khuất sau cánh cửa hẹp của phòng hội, sang phòng bên.
 
Hôm ấy là một ngày giữa mùa đông. Một mùa đông rét cắt da, những vết bầm trên những cánh tay khẳng khiu và cánh mũi đỏ của mọi người. Tôi trở lại miền trung du trong mùa hè năm trước đó. Cho đến những ngày bắt đầu trở lạnh, chúng tôi mới hiểu được vì sao đã có những cuộc di chuyển như thế, khi những người lính Trung Quốc tràn qua sáu tỉnh biên giới phía bắc.
 
Tôi để lại ở Lào Kay những người bạn đã chết từ năm trước. Tôi đã để lại nơi ấy những ngọn đồi cao mà tôi đã đi qua. Những thân cây đốn ngã. Những dẫy bạch đàn buông tóc xõa trong những cánh rừng gió thổi. Chuyến xe bít bùng chạy về xuôi âm thầm không tiếng nói. Chiếc còng trên tay. Một nắm cơm vắt cho những bữa ăn đường và một “lon gô” đựng đầy nước lạnh trong một túi vải đã rách, với vài bộ quần áo không đủ cho mùa đông, là hành lý tôi đã đem theo từ Nam ra Bắc. Phòng hội đông, nhưng tôi vẫn có cảm giác như không một bóng người. Quanh tôi, là những khuôn mặt với những nét hằn sâu như tượng đá. Không có tiếng cười. Tôi nhìn thấy Lộc ở một góc tối. Anh ta gật đầu chào tôi. Sau đó, chúng tôi gặp nhau và trao đổi với nhau một vài câu thăm hỏi.
 
Tôi nhớ là trước khi quân đội Trung Quốc đánh vào biên giới, chúng tôi được điều động ra khỏi khu vực trại giam để đào hầm hố phòng thủ cho bộ đội. Không ai cho chúng tôi biết điều ấy. Đội trưởng chỉ thông báo cho mọi người biết rằng ban chỉ huy trại bố trí cho chúng tôi đi đào những đường thoát nước quanh sườn núi. Đó là những giao thông hào mà ai cũng hiểu nhưng không nói ra. Và tình cờ, tôi đã quen Lộc trong dịp ấy. Sau này, lại do một tình cờ khác, chúng tôi trở nên thân với nhau hơn khi Lộc được chuyển về ở cùng một đội với tôi.
 
Ngày ấy, chúng tôi cùng làm việc chung trong một đội xúc cát dưới suối. Trời lạnh suốt mùa đông. Nước suối trong cuốn đi những hạt cát trên kè đá. Phải lội ra giữa dòng. Chiếc xẻng lùa xuống đáy dòng suối, khi nhấc lên khỏi mặt nước thì cát đã bị cuốn trôi đi gần hết. Công việc ấy gần giống như việc của một con dã tràng. Lộc không hút thuốc lào, nhưng thỉnh thoảng, không biết từ đâu mà có, Lộc vẫn dúi vào tay tôi một vài “bi”. Khói thuốc hút qua ống tre già làm cho tôi ấm áp. Tình thân ấy trở nên gần như ruột thịt khi Lộc có ý định theo đạo Thiên Chúa, mà tôi là người đỡ đầu. Cuối cùng, Lộc đã toại nguyện khi đội tôi lại được bổ xung thêm một lao động nữa là một linh mục.
 
Ngày lễ rửa tội của Lộc được chuẩn bị chu đáo. Phải chờ đến một hôm chúng tôi đi xúc cát trên đầu ngọn suối vắng vẻ. Hôm ấy trời mưa nhẹ hạt. Lính gác chán nản bỏ chúng tôi, vào trong nhà “lô” để sưởi ấm. “Bố” Trình đã cử hành bí tích rửa tội cho người đàn ông giữa dòng suối, có cây phủ kín hai bên bờ kín đáo. Việc ấy, vậy mà đã đến tai cán bộ. Cả “bố” Trình và Lộc đều đã bị “kỷ luật”, giam riêng.
 
Sau đó, mỗi người trong chúng tôi lại tản mát mỗi nơi khác nhau. Và tình cờ, tôi lại gặp Lộc ở trong phòng hội hôm ấy. Lộc hỏi tôi có còn hút thuốc lào không. Tôi đáp còn, và anh ta lại dúi vào tay tôi một gói nhỏ. Tôi chạy đi kiếm ngay một người có chiếc ống tre già gọi là điếu cày, để “bắn một bi” cho ấm phổi. Lộc hỏi tôi rằng, người trưởng toán tiền phương đi Thanh Hóa nói tới hồi nãy bây giờ làm gì. Tôi đáp, chắc cũng như tụi mình thôi. Có thể ông ta đang là một đội trưởng của một đội nào đó. Có thể ông ta đang ngồi ở một chỗ nào đó, bằm thân chuối già để nuôi vài ba con heo cải thiện. Lộc nói, trước đây ông ta là một người mưu lược và độc đoán, nhưng giờ đây ông ta đã thay đổi. Tôi nói, tôi không biết gì nhiều về ông ta. Tôi là một người lính, và tôi chỉ tiếp xúc với cấp chỉ huy gần nhất. Tôi không biết gì cả. Và tôi đã tuân hành mệnh lệnh cho đến giờ phút cuối cùng. “Chúng tôi đã có kế hoạch cho các anh. Chúng ta sẽ sống ở đấy. Chúng ta sẽ làm cho Thanh Hóa nở ra, để phát triển mặt mạnh của Thanh Hóa. Nhân dân Thanh Hóa sẽ chiếm lĩnh biển đông. Các anh sẽ lấn lấy rừng, bắt rừng phải phục vụ con người. Các anh sẽ về đó ở. Rồi, các chị và các cháu sẽ cùng đến ở với các anh. Anh nào chưa có gia đình, sẽ được bố trí để yên tâm trong sinh hoạt… chủ nghĩa cộng sản sẽ có khả năng làm cho các anh trở thành một con người khác. Hoàn toàn mới. Mới tinh, trong một xã hội mới…”
 
Hôm ấy là ngày 24 tháng 12 năm 80. Người đàn ông mặc bộ quân phục đại cán mầu ô liu, mà chúng tôi được giới thiệu là Thiếu Tướng Lê Hữu Qua, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ đã đến “tham quan” và nói chuyện với một số “trại viên” khoảng trên một trăm người. Người cán bộ của trung ương ấy tiếp rằng:
 
“Lẽ ra ngày hôm nay tôi nói chuyện với tất cả trại viên trong trại. Nhưng vì điều kiện hội trường hẹp không đủ chỗ. Nên theo lời yêu cầu của đồng chí Trung Tá trưởng trại, chúng tôi chỉ để những đội nông nghiệp ở nhà và chúng ta cùng ngồi đây. Đề nghị các anh sau khi nghe, hãy truyền đạt những điều đã thâu hoạch cho các anh em khác cùng nắm vững.”
 
Chúng tôi được ra về, lãnh phần cơm trưa của mình như thường lệ: Ba củ khoai mì nhỏ luộc chín và một ít muối đã hòa tan trong nước. Trời lạnh và mưa bay trên đầu. Mắt tôi cay cay. Lời nói nhẹ nhàng của người đàn ông mặc quân phục đại cán mầu ô-liu cho tôi hiểu rằng, chúng tôi đã được chỉ định cư trú suốt đời và vĩnh viễn ở nơi ấy. Con cháu chúng tôi sẽ lớn lên trong những khu rừng mà cha ông đã khai quang. Và những cuộc đời tiếp nối an phận trên những miếng đất cằn cỗi. Một cách chôn vùi vĩnh viễn những cuộc đời. Đây là lần đầu tiên tôi nghe một cán bộ cấp tướng nói
 
Những phút gọi là giải lao đã hết. Chúng tôi trở về chỗ ngồi, sau khi đã đứng dậy nghiêm chỉnh báo cáo. Người đàn ông với bộ quân phục đại cán mầu ô liu trở ra với nụ cười cởi mở. Tôi không có ác cảm gì với ông ta. Dáng đi khoan thai, lời nói nhỏ nhẹ dễ làm cho tôi chú ý, và người đàn ông ấy nói tiếp:”…Đất đai Thanh Hóa là như thế. …”
 
Tôi là một người lính ngoài mặt trận. Người mà tôi tiếp xúc, vẫn chỉ là cấp chỉ huy trực tiếp. Ông Nguyễn Hữu Có, kể từ khi ông là Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật đến lúc ông là Tổng Trưởng An Ninh rồi Phó Thủ Tướng, tôi cũng chưa hề được gặp ông. Và ngay cả khi ông làm trưởng toán điều nghiên Thanh Hóa, tôi cũng không hề gặp ông. Đối với tôi, ông hoàn toàn xa lạ nhưng những quyết định của ông vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của một người lính ngoài mặt trận. Bản báo cáo của ông đã mau chóng trở thành một miếng nhung bọc ngoài lưỡi dao bén.
 
Ngay sau buổi trưa ấy, đội tôi tiếp nhận một đội viên mới. “Bố” Trình, người đã cử hành phép bí tích cho Lộc giữa lòng suối vắng ở Lào kay hôm nào bây giờ trở lại với chúng tôi. Một thoáng vui, cũng như một thoáng buồn đã đến với chúng tôi, những tâm hồn lặng lẽ. Tiếc một điều là Lộc không cùng ở chung một đội…cho vui. Lộc đang ở một phòng giam khác gần đó. Tôi vẫn nghe giọng Lộc hát như từ ở trên cao… Mẹ hãy đưa con về trời. Tôi nói với “bố” Trình rằng, như thế là xong rồi, bố nhé. Tôi sẽ mang vợ con về Thanh Hóa đốt nương làm rẫy. Còn bố, bố sẽ được đảng bố trí cho bố một nữ phạm nhân, một con bé có án tù chung thân vì tội giết chồng đấy nhé. Thế là xong. Chủ nghĩa tư bản hoàn toàn bị chôn vùi vĩnh viễn. Chủ nghĩa cộng sản có khả năng làm cho bố trở thành một con người khác. Hoàn toàn mới. Mới tinh, trong một xã hội mới…
 
Đêm đông này cũng như những đêm đông trước đó. Trời rét cắt da. Không khí lạnh ẩm của núi rừng làm buốt ngực, buốt tim. Qua chấn song sắt ngoài khung cửa, trăng đã lên cao, sáng trong tợ hồ như bạc. Tiếng côn trùng kêu râm ran, và phía ngoài cổng trại, có con chó nào đó đang sủa trăng đêm. Giọng hát của Lộc từ một phòng giam gần đó lại cất lên… Mẹ hãy đưa con về trời… nhưng người lính gác đêm đã quát lên tới hai lần, cùng với tiếng cơ bẩm lên đạn của khẩu AK, Lộc mới chịu im tiếng hát.
 
Có lẽ đã rất khuya, dường như tôi đã ngủ được một giấc thì phải, tôi thức giấc và để cho hồn mình bay bổng trên những đám mây chiều quê hương. Và tuổi thơ trên những cánh diều mộng mị. Cánh diều ấy đã đứt dây, tôi lang thang trở về trên những hè phố cũ, sân trường năm xưa, những tầu lá khô lăn trên hè phố không biết sẽ dừng lại ở một chốn nào. Những tầu lá ấy đã bị xé rách trong một buổi chiều giông bão. Những hạt mưa đầu mùa trong vắt như những giọt nước mắt của những lần chia tay. Tôi sẽ đi Thanh Hóa trong một ngày không xa. Chặng đường cuối cùng sẽ tới. Vài chục năm sau, những vết tích xưa đã hoàn toàn xóa sạch. Như những người dân Hà Nội năm xưa được gởi đến Yên Báy hoặc Lào Kay từ 54. Tôi đã gặp gia đình một người dân sinh hoạt như người thiểu số ở Ba Khe. Hỏi ra, cụ già gần tám mươi tuổi ấy trước 54 là một nhà giáo của trường Albert Sarraut. Thế hệ thứ hai phết là những đứa cháu đang chăn những con trâu gầy trên sườn núi. Người đàn ông ấy sẽ không bao giờ muốn nói về qúa khứ của mình, nếu như không gặp được người đồng cảnh. Những người con lớn của ông, có thể cũng còn nhớ được chút ít về thành phố ấy hay chút ít những sinh hoạt của một thời đã qua. Nhưng những đứa cháu thì không. Hoàn toàn không. Chúng sẽ lớn lên giữa sỏi đá cùng những luống cầy trên thửa ruộng khô. Con tôi, cháu tôi rồi sẽ lớn lên và chết đi ở những triền núi trên dẫy Trường Sơn ấy, như những đứa trẻ mà tôi đã gặp ở Ba Khe. Hà Nội chìm khuất ở cuối chân trời. Saigon chìm khuất trong bóng núi.
 
Nhớ lại, là tôi có đọc một bài viết của ông Trường Chinh. Dường như đó là bài “Kinh nghiệm Công Xã Paris và cách mạng tháng Tám”. Ông Trường Chinh đã phân tích ra một nguyên nhân cơ bản khiến cho hai cuộc cách mạng ấy đã không thành công. Theo ông, thì cả hai cuộc cách mạng ấy đã vấp phải một sai lầm hết sức nghiêm trọng, là ngay sau khi nắm được chính quyền, cách mạng đã không triệt để loại bỏ phe bảo hoàng và những thành phần trong chế độ cũ. Đáng lẽ ngay ngày đầu, phải trấn áp ngay. Phải bắt giữ và triệt hạ không thương xót những thành phần đó. Nhưng cách mạng đã ngủ quên trên chiến thắng, nên sau này những thành phần ấy, có thời cơ ngóc đầu dậy. Tôi hiểu, mọi người sẽ đi Thanh Hóa. Lần này thì cách mạng sẽ không quên những bài học trong qúa khứ. Trường Sơn đã chôn vùi những người lính mở đường đi đánh Mỹ. Trường Sơn sẽ chôn vùi nhiều thế hệ mai sau.
 
Tiếng chó ngoài cổng trại sủa trong đêm trăng khuya khoắt, làm cho không gian chợt lung lay ngoài song cửa. Tôi cảm thấy buốt lạnh toàn thân. Người lính gác đêm di chuyển chậm chạp, cái bóng in lên bức tường mầu trắng đục lặng lẽ trong một không gian loãng.
 
Bố Trình lay tôi ngồi dậy, cùng với vài người bạn nữa, chúng tôi cử hành thánh lễ Giáng Sinh. Ông có để dành một miếng sắn để làm bánh lễ. Sau lời cầu nguyện, tôi nghe tiếng vang vọng như từ rất cao… Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà phán, các con hãy cầm lấy mà ăn. Vì này là mình ta, sẽ bị nộp vì các con… Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ mà phán, các con hãy cầm lấy mà uống. Vì này là chén máu ta, máu tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội…
 
Và thình lình ở phòng giam cách đó không xa, chúng tôi cùng nghe có tiếng la thất thanh:
 
Báo cáo cán bộ, có người tự tử…
 
Tiếng la ấy mỗi lúc càng thêm khẩn thiết và dồn dập:
 
– Báo cáo cán bộ, buồng số Tám có người tự tử…
 
– Buồng số Tám có người tự tử…
 
Người lính gác có cái bóng in lên tường vôi hồi nãy di chuyển chậm chạp về phía buồng số Tám. Qua khe cửa sổ, tôi thấy anh ta đang cúi người xuống để hỏi vào bên trong căn buồng giam số Tám. Chiếc nón cối của người lính rớt trên vai, khẩu súng AK chúc mũi xuống đất. Một giây lâu, anh ta quay lưng và nói lớn:
 
– Để tôi gọi cán bộ trực trại. Các anh giữ trật tự, không được gây ồn ào.
 
Nửa giờ sau, cán bộ trực trại, ban thường trực thi đua và vệ binh vào tới trước buồng số Tám. Những ánh đèn pin quét ngang dọc trong sân. Trong buồng chúng tôi ở cũng đã có vài người thức giấc vì tiếng la thất thanh hồi nãy. Bố Trình và một vài anh em dự lễ Giáng Sinh đã trở về chỗ của mình.
 
Sau đó, khóa cửa buồng giam số Tám được mở. Thường trực thi đua khiêng đi một xác chết. Họ khuất sau dẫy buồng giam kế đó. Không gian vẫn rộng bao la và yên tĩnh. Bóng người lính gác di chuyển chậm chạp lại in lên bức tường vôi mầu trắng đục. Phía ngoài cổng trại, tiếng chó sủa trăng lại rú lên từng hồi. Trăng sáng mầu bạc, khẩu AK in lên bức tường chợt lung lay. Và sau đó, tôi ngủ thiếp.
 
Sáng hôm sau, hồi kẻng thường lệ gọi chúng tôi dậy sớm để ra bãi tập, chuẩn bị điểm danh và điểm số để ra đồng nhổ mạ. Trời rét và gió lùa trong tai. Chúng tôi ngồi xổm trên cỏ chờ đếm số và báo cáo. Đội trưởng một đội nào đó đứng nghiêm:
 
– Báo cáo cán bộ trực trại, đội 29 tổng số 32. Trực buồng 1, bệnh xá 2… thường trực thi đua mang đi hồi đêm 1. Hiện diện tại hàng 28. Đủ.
 
Người cán bộ trực trại ra hiệu cho đội trưởng đội 29 ngồi xuống đất.
 
Sau đó, người cán bộ ấy nói một cách nghiêm trang:
 
– Vụ việc này các anh đã biết cả rồi. Đội trưởng 29 vừa báo cáo thường trực thi đua đã mang đi một lao động hồi đêm, ý là muốn tránh những xúc động không cần thiết đối với các anh. Nhưng sáng nay tôi đã được trên cho phép, phổ biến để các anh nắm và suy nghĩ.
 
Ngừng lại giây lâu, ông ta nói tiếp:
 
– Trại viên Trần Văn Lộc đã tự tử hồi đêm qua. Đây là một thái độ cực kỳ ngoan cố và rất đáng phê phán. Trần Văn Lộc 32 tuổi, nguyên là một Trung Úy an ninh tình báo đã phạm nhiều tội ác và có nợ máu với nhân dân. Cách mạng đã tha tội chết cho Lộc, tạo điều kiện để Lộc học tâp cải tạo, tự rèn luyện bản thân. Nhưng do chưa tự giác và ngoan cố nên Lộc đã khước từ cải tạo bằng cách treo cổ tự tử vào lúc một giờ đêm hôm qua.
 
Bất chợt, ông ta nghiêm nét mặt:
 
– Do vậy, trong một tuần lễ, bắt đầu từ tối nay các tổ, đội tổ chức thảo luận để tìm cho được những yếu tố ngoan cố của Lộc. Hành vi khước từ cải tạo của Lộc là một hành vi rất đáng phê phán. Tôi chỉ phổ biến như thế. Những điều khác không đáng nói. Bây giờ, các đội chuẩn bị báo cáo để đi lao động. Nhưng trước khi đi lao động, những người có tên sau đây ngồi sang hàng bìa bên tay trái tôi và ở lại trại để chờ lệnh.
 
Sau câu nói ấy, thường trực thi đua khiêng ra sân cỏ một chiếc bàn dài, phủ chiếc khăn mầu đỏ. Có nhiều tiếng xầm xì sau lưng tôi, biên chế… biên chế… lại biên chế… với tôi, như thế là Lộc không còn nữa. Ngay đêm qua, thường trực thi đua đã chôn Lộc trong một manh chiếu ở một góc nào rồi, trên sườn núi dốc. Tiếp đó, cán bộ khung và nhiều vệ binh với đầy đủ vũ khí đến, và việc gọi tên chuẩn bị bắt đầu. Lại có tiếng xầm xì quanh tôi đâu đó, chuyển trại… chuyển trại. Một thường trực thi đua đi ngang qua chỗ tôi ngồi, nói nhỏ bâng quơ… đi Thanh Hóa. Tôi nói với bố Trình đang ngồi xổm trước mặt tôi ở trong hàng, nếu tôi đi thì nhờ bố tìm cách báo cho vợ con tôi biết, và nhắn rằng không cần lặn lội vô Thanh Hóa tìm tôi nữa. Còn nếu bố đi trước, tôi sẽ tìm cách báo cho nhà xứ, nhưng ông nói, tớ không còn xứ nào để mà báo. Yên tâm, ở đâu cũng vậy thôi.
 
Bố Trình được gọi đầu tiên, và ông ra khỏi hàng. Tôi nắm lấy tay ông, mình sẽ gặp nhau nhưng không còn thấy Lộc nữa. Tôi thấy mắt ông đỏ. Dường như ông bị xúc động mạnh vì cái chết của Lộc, một tín hữu tân tòng.
 
Ông đi Thanh Hóa ngay trong ngày hôm ấy. Từ đó không bao giờ tôi gặp lại ông. Và tôi vĩnh viễn không gặp lại người bạn trẻ tên là Trần Văn Lộc, nhưng tiếng hát… mẹ hãy đưa con về trời... vẫn theo tôi như một người bạn đồng hành là Lộc ở bên. Cho đến khi tôi đi vào Thanh Hóa, tôi vẫn không gặp lại người linh mục ấy. Tôi không biết người linh mục ấy lúc bấy giờ ở đâu. Tôi không biết Lộc đã được chôn ở một nơi nào. Tôi không biết ông Nguyễn Hữu Có vào thời gian ấy đang ở đâu. Có thể ông lại trở về một trại giam nào đó, mà tôi hình dung một con người gầy và cao, với quần xà lỏn, chân đất đang ngồi bên một chuồng heo cải thiện, thái những thân cây chuối già vỗ cho bầy heo ấy mau lớn. Tôi cũng không biết người cán bộ cấp cao là Thiếu Tướng Lê Hữu Qua, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở đâu, sau buổi nói chuyện nhẹ nhàng hôm ấy. Có thể ông ta đã trở lại bàn giấy, để vạch ra một kế hoạch rõ ràng hơn hầu tránh những kinh nghiệm của Công Xã Paris và Cách Mạng Tháng Tám. Tôi cũng không biết Lê Hữu Qua có phải là tên thực của ông hay không. Hay đó chỉ là một bí danh, được thay đổi tùy mỗi nơi, mỗi lúc. Nhưng có điều mà tôi biết chắc chắn rằng, nếu không có những thay đổi gì hết sức lớn lao trên thế giới thì, chúng tôi và con cháu chúng tôi sẽ mãi mãi ở trên một rẻo Trường Sơn.
 
Tôi cứ tin rằng Lộc đã được về trời ngay trong đêm Giáng Sinh năm ấy, cho dù rằng Lộc đã có điều lầm lỗi. Tôi tin người linh mục ấy sẽ đi hết một chặng đường thánh thiện, mà thập giá đã được đặt lên vai. Những đau thương của một đời người được hòa tan với nguồn phúc lạc, như giọt nước trong rượu nho.
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét