Giang Lê – 30 tuổi, nhân viên marketing: "Nói thẳng sợ mất lòng"
Tôi sống trong ký túc xá sinh viên cùng với những bạn bè quốc tế khi mới sang Úc du học, và điều tôi học được từ họ là sự thẳng thắn trong giao tiếp. Lúc mới sang, tôi không bao giờ dám nói thẳng ra suy nghĩ của mình, có thể là do văn hoá của người Việt hay ngại, hoặc ‘di hoà vi quý’, nên luôn giữ lại những chuyện khó chịu mà sợ làm mất lòng người khác.
Những người bạn sống cùng nhà khi đó đôi khi rất ồn ào ảnh hưởng đến sự riêng tư của tôi, hoặc thường để chén đĩa dơ mà không rửa ngay. Thường khi đó tôi chỉ mặc kệ bỏ qua, nhưng thực ra cuộc sống của mình bị ảnh hưởng mà mình vẫn cố chịu.
Dần dần, tôi chứng kiến những người bạn khác lên tiếng khi thấy có chuyện không đúng, khi họ cảm thấy đã bị vượt qua giới hạn của sự tôn trọng khi sống chung. Và nhất là sau khi lên tiếng góp ý hoặc yêu cầu, mọi người vẫn không bực dọc hay thù ghét nhau. Tôi nghĩ đó là điều rất hay của văn hoá phương Tây khác biệt với văn hoá Á đông, nói thẳng nhưng không lấy đó làm tư thù cá nhân.
Mỹ Tiên – 37 tuổi, nhân viên bán hàng: "Cảm ơn là nhiệm vụ của người bán hàng"
Tôi thích cách người Úc hay nói ‘How are you?’ mỗi khi gặp nhau, hay nói ‘Sorry’, và ‘Thanh you’. Lúc ở Việt Nam, mỗi khi đi siêu thị tôi chẳng bao giờ chào hỏi hay cảm ơn người bán hàng, vì tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của họ phải chiều chuộng phục vụ khách hàng, và tôi cũng ít thấy ai chào hỏi hay cảm ơn. Thế nhưng khi sang Úc, trở thành nhân viên bán hàng, được khách hàng nói lời cảm ơn làm mình rất vui.
Giờ đây việc nói cảm ơn hay xin lỗi đã trở thành thói quen của tôi, mỗi lần về Việt Nam tôi cũng thường xuyên nói xin lỗi trước nếu như lỡ va chạm với ai đó ngoài đường. Thế nhưng đúng là ở Việt Nam mọi người ít nói lời Cảm ơn hay Xin lỗi, có thể do văn hoá, nhưng cũng có thể do mọi người ít quan tâm đến nhau, hoặc cũng có thể do không được nhà trường hay gia đình giáo dục về điều này.
Mai Phạm – 50 tuổi, nhân viên truyền thông: "Chẳng ai chỉ cho mình biết rằng đang ăn thì không được nói"
Hồi mới qua Úc, tôi học ở một trường học ở Manly, khu vực được mệnh danh là ‘nhà giàu’ ở Sydney. Và những sinh viên ở đó đa số xuất thân từ các gia đình khá giả. Chính họ đã dạy tôi thói quen mỗi khi đứng lên phải kéo ghế sát vào bàn. Ban đầu thật ra tôi cũng không chú ý lắm, thế nhưng có một lần khi hết giờ học, tôi đứng lên rời chỗ, và một bạn sinh viên ngồi cạnh tôi lúc đó đã đứng lên xếp ghế của mình và tiện tay xếp luôn ghế cho tôi. Lúc đó tôi mới nhận ra mình phải xếp ghế mỗi khi đứng lên, nó giúp cho đồ đạc được gọn gàng ngắn nắp.Thứ hai là thói quen phải ngậm chặt miệng khi ăn. Khi đang ăn, tuyệt đối không được vừa ăn vừa nói, nếu muốn nói thì phải chờ nhai xong, đặt hết đũa muỗng xuống bàn rồi mới nói. Và nếu thấy người khác đang ăn cũng nên chờ người đó nuốt xong mới hỏi chuyện để tránh cho người ta khó xử.
Tôi nghĩ hai thói quen xấu này chỉ là thói quen xấu của riêng tôi thôi, chứ không phải tật xấu của người Việt. Thế nhưng khi còn ở Việt Nam chẳng ai chỉ bảo tôi điều này, cũng chẳng ai nhắc nhở tôi, mà mãi đến khi sang Úc, chính con gái tôi dạy cho tôi cách ăn uống thế nào cho lịch sự.
Annie Nguyễn – 36 tuổi, nhân viên thẩm định địa ốc: "Người Việt ít dám tự khoe năng lực bản thân tại nơi làm việc"
Hồi mới sang Úc khi còn là sinh viên, những buổi làm việc nhóm luôn là cơn ác mộng đối với tôi. Lý do là vì tôi không biết cách nào để diễn đạt ý của mình cho dễ hiểu. Hạn chế tiếng Anh là một phần, nhưng tôi cho rằng phần lớn là do cách diễn đạt của người Việt thường lòng vòng, thường theo kiểu ‘mở bài, thân bài, kết luận’, trong khi ở đây mọi người thường đi thẳng vào vấn đề thay vì diễn giải vòng vo.
Tôi mất cả một học kỳ để nhận ra điều đó và sửa đổi mình cũng như cải thiện vốn tiếng Anh. Khi làm việc nhóm, nếu mình không nổi bật, không biết diễn đạt thì người khác sẽ không đủ kiên nhẫn để lắng nghe mình. Và nếu ý kiến của mình không được lắng nghe thì sẽ rất thiệt thòi, các thành viên khác sẽ đánh giá mình yếu kém, sẽ không có cơ hội lập nhóm với những người giỏi.
Càng ngày có cơ hội làm việc với người Úc, cũng như người phương Tây nói chung, tôi quen với việc nói ‘straight to the point’, nghĩa là đi thẳng vào vấn đề. Ngoài ra, người Việt mình còn có tính cách khiêm nhường, ít khi nào tự nói ra những năng lực của bản thân hoặc những thành quả đạt được, mà toàn chờ được đồng nghiệp hay cấp trên công nhận. Chính điều đó khiến cho người Việt mình thiệt thòi hơn các cộng đồng khác trong môi trường làm việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét