khktmd 2015
Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018
Lời khuyên của GS Trịnh Xuân Thuận dành cho sinh viên VN muốn trở thành nhà nghiên cứu khoa học
Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư có gặp những khó khăn mà một người Việt Nam có thể gặp phải khi bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và ngành vật lý thiên văn nói riêng? Xin giáo sư cho những lời khuyên mà theo giáo sư là quan trọng đối với người bắt đầu nghiên cứu khoa học.
TXT: Tốt nhất, sinh viên VN muốn theo ngành khoa học thì nên học giỏi ngoại ngữ để có thể đọc các bài tiểu luận khoa học, để đi dự hội nghị, bàn luận với đồng nghiệp, trình bày ý nghĩ của mình và công việc nghiên cứu của mình cho các đồng nghiệp. Cụ thể phải giỏi tiếng Anh là ngôn ngữ mà bất kỳ ai làm công việc nghiên cứu khoa học đều phải biết.
Người theo đuổi ngành vật lý thiên văn phải giỏi môn toán vì ngôn ngữ vũ trụ là ngôn ngữ toán học. Khi tôi học để lấy cử nhân vật lý ở Caltech, và sau đó lấy tiến sĩ môn vật lý thiên văn ở Princeton, tôi phải lấy song song các bài giáo khoa về toán.
Nên tìm trường thật tốt, có thật nhiều thầy giáo giỏi. Tôi đã chọn trường nổi tiếng nhất tại Mỹ là Đại học Princeton - nơi Einstein đã dạy, và Viện Kỹ thuật Caltech - nơi có những thầy giáo giỏi nhất thế giới và nhiều vị đã đoạt giải Nobel. Các nhà bác học tại Caltech đều là người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của họ và họ đã dạy tôi cách suy nghĩ để tìm ra những điều mới mẻ. Tôi may mắn được học các thầy giáo nổi tiếng như Richard Feynman, Murray Gell-Mann, William Fowler, Lyman Spitzer... và được các thầy trực tiếp dạy cho chúng tôi những kinh nghiệm của chính họ.
Hỏi: Theo giáo sư, làm thế nào để có thể truyền đạt sự hiểu biết hay thu nạp kiến thức nhiều hơn và nhanh hơn trong lĩnh vực khoa học?
TXT: Tôi không thích lối học thuộc lòng như con vẹt. Thầy cô giáo phải dạy cho sinh viên hiểu cách nào để gặp một vấn đề thì biết cách giải các vấn đề mới khác. Giáo dục cần nhất là phải hiểu và biết cách nghĩ để giải quyết bất cứ vấn đề nào. Điều đó cần nhất. Phải khuyến khích óc sáng tạo của học trò thay vì buộc các em học thuộc lòng.
Đừng nghĩ thầy giáo lúc nào cũng đúng. Tôi thích nhất là nếu có được những người học trò có thể giúp tôi hiểu biết thêm, vượt qua tôi càng tốt. Nếu thầy giáo nhầm, học trò, tuy vẫn tôn trọng thầy giáo, song phải nói ra điều đó với thầy giáo. Một nền giáo dục tốt khi đào tạo những người không bao giờ sợ. Đừng bao giờ sợ nói sai. Những suy nghĩ tốt cần phải được nói ra chứ đừng im lặng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét