khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Hoài niệm về NHỮNG KHÚC QUANH TRONG CUỘC ĐỜI - Tác giả Bs Nguyễn Lương Tuyền




Montréal ngày.. tháng.. năm

Quang thân mến,

Tôi đã nhận được thư và bưu thiệp (carte postale) của Quang gửi cách đây vài ngày. Thực không thể tả hết niềm vui khi biết Quang đã nhận được cuốn sách Một chút lịch sử Y Khoa Ðại Học Ðường Sàigòn của ông Thầy Trần Ngọc Ninh soạn và do Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada xuất bản. Tôi hy vọng cuốn sách còn nguyên vẹn, không có trang nào bị xóa hoặc xé đi. Trong carte postale, Quang cho hay sẽ có thư dài cho tôi khi sức khỏe khá hơn làm tôi lo canh cánh bên lòng. Không biết, lúc này, sức khoẻ của Quang ra sao? Quang có khỏe không?, bệnh tật thường đi đôi với tuổi đời Quang nhỉ ! Tôi cũng không còn trẻ gì, năm nay vừa đúng 70 tuổi. Có lẽ tôi kém Quang 2 tuổi. tôi tuổi Quí Mùi. Quả thực thời gian qua đi thực nhanh; tháng năm  trôi qua vùn vụt; thời gian không chờ ta, không đợi ta, phải không Quang ?

Quang ạ,

Nếu tôi còn trẻ như năm cũ
Tôi sẽ mơ hoài những giấc mơ
Về những chiều vàng phơn phớt lạnh
Ôm đàn ca hát níu xuân xanh


Chắc Quang đã có những ước mơ như tôi? Ðó là mấy câu thơ tôi phỏng theo mấy câu thơ của Hoàng Cầm - thi sĩ nổi tiếng thời tiền chiến. Thực sự mấy vần thơ đó như sau:


Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Rồi những chiều vàng phơn phớt lại
Anh đàn, em hát níu xuân xanh


Chắc Quang vẫn còn nhớ bài thơ nổi tiếng đó của Hoàng Cầm ?

Năm nay là năm tuổi của tôi, nhưng tôi tin rằng sẽ là một năm tốt cho tôi dù tôi không bao giờ tin dị đoan cả; bằng chứng là tôi đã nối lại liên lạc với Quang - người bạn từ thuở thiếu thời, từ bốn mươi hai năm  -  Bốn mươi hai năm quả là một thời gian khá dài trong đời người. Bây giờ dung mạo Quang ra sao? tôi tự hỏi. Tôi vẫn giữ mãi hình ảnh của Quang trong trí nhớ của tôi; hình ảnh của 43 năm về trước: năm 1975, năm của định mệnh.

Tháng 4 năm 1975, tôi vội vã rời quê hương sang xứ sở này để bắt đầu tạo dựng một cuộc đời mới. Chuyến đi thực vội vàng và bất ngờ. Cho tới giờ phút này tôi vẫn ân hận là đã quá vội vàng, hốt hoảng nên đã không có cơ hội từ giã bạn bè, từ giã những người bạn cùng làm việc chung trong suốt mấy năm trời tại Khu Giải Phẫu Trẻ Em của Bệnh Viện Nhi Ðồng Sàigòn.

Partir cest mourir dans l'âme. Nest-- ce --pas Quang ?

Những ngày đầu của tôi nơi xứ lạ quê người cũng đầy khó khăn, vất vả. Nhưng những vất vả của cuộc đời khiến tôi ít có thì giờ rảnh rỗi để buồn bã nhớ quê nhà. Tôi thương các bạn, những người bị kẹt lại, vô cùng nhứt là những năm đầu ở nơi đất trích Gia Nã Ðại.

Sau này, tôi biết Quang và gia đình đã trải qua nhiều khó khăn sau ngày đổi đời 30-4-1975.Tôi biết Quang đã can đảm vượt qua tất cả; trước nghịch cảnh Quang đã cang cường đứng thẳng như thách đố kẻ thù độc ác. Tôi rất mừng khi được biết cuộc sống tại quê nhà đã dễ thở hơn trước, cho dù chỉ dễ thở về phương diện vật chất. Cũng giống như các sắc dân tị nạn khác, lúc nào tâm tư tôi cũng bị gậm nhấm vì nỗi sầu xa xứ. Nhiều lúc tôi tự hỏi phải chăng chính chúng tôi, - những người tị nạn Cộng Sản hiện đang sống nơi xứ người - cũng đích thực là các nạn nhân trực tiếp đáng thương của những tang thương xẩy ra trên quê hương, cho dòng giống Lạc Hồng?

Phải chăng định mệnh khắc nghiệt đã khiến tôi phải xa quê hương, xa người thân? Quang có tin ở số mạng không? Càng ngày tôi càng tin là mỗi người có một số mạng. Ðịnh mệnh nghiệt ngã đã khiến cho người Việt luôn luôn phải gập nghịch cảnh; thử hỏi trong hơn 4.000 năm của lịch sử dân tộc người dân có được mấy năm thật sự hoà bình? Hết nội chiến tương tàn như hồi Trịnh Nguyễn phân tranh lại đến ngoại xâm. Nhưng trong suốt chiều dài của Lịch sử dân tộc, chưa có thời đại nào như trong thời đại của chúng ta, người dân lại phải gạt lệ, liều chết bỏ quê hương ra đi ngay khi tiếng súng vừa ngưng trên quê hương. Biết bao tan vỡ, biết bao đau khổ ! Chúng ta đã hết nước mắt khóc cho thân phận của mình, khóc cho những đổ vỡ đau khổ, khóc cho những mảnh khăn tang phủ trắng quê hương. Quang ơi ! đời chúng ta đã gắn liền với những nỗi thăng trầm của dân tộc, Quang nhỉ ! Chúng ta được sanh ra trong chiến tranh, trưởng thành trong những đau khổ của dân tộc. Ðó là cuộc chiến hoàn toàn không cần thiết, chỉ đưa đến nhiều chết chóc, tan vỡ từ thể xác đến tâm hồn, gây ra nhiều cảnh sanh ly, tử biệt nhứt trong suốt hơn 4.000 năm lịch sử của dân tộc.

Ðời tôi cũng dẫy đầy những nổi trôi như những thăng trầm của đất nước. Tôi sống vất vưởng, ngơ ngác nơi xứ người thấm thoát đã 43 năm, lòng không ngớt nghĩ đến quê hương. Nhiều đêm, nửa tỉnh nửa mê, tôi cứ ngỡ như mình đang sống tại quê nhà. Khi đã hoàn toàn tỉnh giấc, tôi lại âm thầm tiếc nuối giấc mơ.

Nhiều lúc ta mơ về quá khứ,
Tưởng như mình đang sống ở quê nhà
Khi tỉnh giấc lại âm tnầm tiếc nuối
Những tháng ngày mơ mộng của đời ta.
( thơ NLT )

Tôi hay thả hồn về quá khứ, đắm chìm trong các kỷ niệm của thời thơ ấu; những kỷ niệm này hay hiện về trong trí óc của tôi......

Quê hương tôi, làng Phù Tải, thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương- cách Hà nội khoảng 80km.Toàn quốc kháng chiến năm 1946, gia đình tôi tan tác, mỗi người đi về một ngả: anh lớn của tôi đã ở lại Hà Nội và gia nhập, chiến đấu trong đoàn quân Tự Vệ Thành; anh thứ của tôi đã bỏ học ở Trường Quốc Học ở Huế để đi theo kháng chiến. Tôi theo gia đình rời quê đi tản cư, xa quê theo đúng chánh sách tiêu thổ kháng chiến của người Bolchevick. Gia đình tôi đã lưu lạc ở vùng ''kháng chiến'', những vùng mà tôi chỉ nhớ tên như Nhân Lý, Ngọc Chi, Cầu Ràm .... Tôi hoàn toàn không biết những vùng này thuộc về tỉnh nào. Nhưng tôi còn nhớ nhiều kỷ niệm của thời kỳ tôi theo gia đình đi tản cư. Tại làng Nhân Lý gia đình tôi trú ngụ tạn nhà ông Trương Tuần Nhạc. Thằng Lẫm và em gái: cái Cấm, con ông Nhạc, cũng cỡ tuổi của tôi nên chúng tôi mau chóng trở thành bạn. Trong vườn nhà ông Nhạc có 1 cái hầm để vào núp khi quân Pháp bắn đại bác vào làng. Khi có máy bay của Pháp bay qua làng, bất kể là loại máy bay gì, Bà Nhạc hay thúc 2 con xuống hầm với Bà: ''Lẫm, Cấm ơi ! xuống lỗ đi con ''. Trong làng, các cô thiếu nữ chưa chồng được gọi là Cô Tý như cô Tý Hoa, cô Tý Nhiên.... chữ ''tý'' sẽ biến khỏi tên của các cô ngay sau khi lập gia đình.

Sau 2 năm xa quê, gia đình tôi hồi cư, trở lại sống tại quê nhà trong vài năm rồi tôi được lên Hà Nội để đi học. Chao ơi ! cuộc sống ở quê nhà vào lúc đó thực là thần tiên tuy rằng quê tôi là vùng xôi đậu, quân Pháp luôn luôn hành quân tảo thanh - gọi là quân Pháp đi càn -. Quang biết không? quê tôi là căn cứ điạ của Trung đoàn 42 tức Trung đoàn Hải dương, Trung Đoàn Ký Con mà người Pháp gọi là Trung đoàn ma vì Trung đoàn này ẩn hiện bất thường. Một trong những Chính ủy nổi tiếng sắt máu của Trung đoàn này là ông cựu thợ thiến heo Ðỗ Mười. Sau 1975, ông vào Nam chỉ đạo cac chiến dịch tịch thu tài sản của những người Miền Nam có ''máu mặt '' mà ông gọi là ''đánh Tư Sản Mại bản''rất tàn khốc, biến dân miền Nam thành những người vô sản - theo đúng nghĩa đen cũng như nghĩa bóng của 2 chữ này tức là mất hết không còn gì cả - trong một thời gian ngắn. Sau đó ông trở thành Tổng Bí Thư của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Quê tôi có dòng sông Sái bao quanh, sông này đổ vào sông Cái - một con sông rất lớn. Sau này, khi đã võ vẽ ít chữ nghĩa, tôi mới biết sông Cái chính là một phụ lưu của sông Thái Bình.

Tôi đã sống những ngày thần tiên ở quê nhà. Ngày nào cũng như ngày mở hội với lũ bạn hàng xóm. Tôi sống hồn nhiên, sung sướng vô bờ nhưng thất học. mù chữ không biết đọc, biết viết. Ngày ấy, tôi hay hát vang ca ngợi quê nhà, quê tôi là tất cả:

Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm
Chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca
Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm
Ðợi chờ con, mắt trông về phía trời xa             

Như một bản nhạc thời danh thời tiền chiến của Hoàng Quí đã tả. Tôi ra Hà Nội để đi học Năm đó tôi vừa tròn 8 tuổi. Mẹ tôi đưa tôi lên Hà Nội, sống với gia đình của người anh cả. Mẹ tôi ở lại Hà Nội vài ngày trước khi trở lại quê nhà. Tôi tiễn Mẹ ra bến xe đò (ở Hà Nội gọi đó là xe khách). Khi Mẹ xoa đầu tôi, từ giã tôi để lên xe trở lại quê nhà, tôi không cầm được nước mắt, òa khóc vì xa mẹ, chưa biết đến khi nào mới gặp lại Mẹ hiền. Anh tôi làm giấy Thế Vì Khai Sinh cho tôi, khai rút đi 2 tuổi để tôi được nhận vào lớp bét trường Hàng Than, trường tọa lạc tại ngay sát đê Yên Phụ và cầu Long Biên. Tôi học ở ở ngôi trường này từ năm lớp bét cho tới năm lớp 3. Thực ra tên của Trường là Trường Nguyễn Công Trứ, nhưng vì trường tọa lạc tại Khu Hàng Than nên được gọi là trường Hàng Than cho tiện. Đã hơn 60 năm xa Trường, nhưng tôi vẫn nhớ như in Bài Đoàn Ca của Trường như sau:
                                  
Nguyễn Công Trứ nhắc tới ngày xanh chúng ta
Sống bao năm vui trong học đường nguy nga,
lòng lưu luyến nhớ tới Thầy thương chúng ta
hết một lòng dìu dắt thiếu sinh.

Trước khi chính thức vào học ở Trường Hàng Than, tôi học vỡ lòng tại trường Hoàng Thanh, một trường tư ở ngay đầu phố.. Ngày đầu tiên tại Trường Hoàng Thanh, Thầy Gíao vắng mặt vì bị ốm, nên ông Hiệu Trưởng coi sóc thêm lớp học của tôi trong khi Thầy vẫn tiếp tục dậy học trò tại lớp học do Thầy phụ trách. Thầy Hiệu Trưởng chỉ định một cậu học trò ngồi ở bàn trên bàn của tôi, dậy tôi đọc vỡ lòng: '' i sắc í, i huyền ỉ... (Sau này tôi được biết tên của cậu ta là Lạng, Hoàng Văn Lạng). Đang ngồi mơ màng nhớ nhà, thốt nhiên Lạng bảo tôi: ''mày đi theo tao''. Tôi chả hiểu chuyện gì nên lẳng lặng đi theo Lạng. Lạng đưa tôi lên gặp Thầy Hiệu Trưởng và thưa với Thầy là tôi làm mất trật tự trong lớp. Thầy Hiệu Trưởg không nói không rằng, bắt tôi xòe ngửa bàn tay ra, đánh tôi 3 thước kẻ vào lòng bàn tay. Tôi chịu đau, không khóc. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi bị đòn. Quả là oan cho tôi, tôi có làm gì mất trật tự đâu. Lạng đã bịa ra chuyện tôi làm mất trật tự khiến tôi bị đòn oan. Tôi học vỡ lòng từ cuốn sách Vần Quốc ngữ Thực hành của tác giả Nguyễn Bình trong đó tôi rất thích môt bài Học thuộc lòng tả cảnh sống tại thôn quê. Tôi vẫn nhớ bài Học thuộc lòng đó dù sau hơ 60 năm vật đổi sao dời:

Kỳ nghỉ hè
Ta về quê
Nhà ta ở
Mé bờ đê
Ở nhà có
Mẹ cha ta
Cô và Bà
Quí ta quá
Khi thư thả
Ta ra đê
Ði thả bê
Nghĩ mà thú

Sau khoảng 2-3 tháng học tại trường Hoàng Thanh, tôi chính thức vào học Trường Hàng Than. Trời run rủi, Hoàng Văn Lạng cũng vào học trường Hàng Than, cùng lớp với tôi. Lúc này tôi đã trở thành một cậu bé tỉnh thành, tôi đã gột rửa sạch hết các vết tích của một cậu bé nhà quê. Nhớ lại trận đòn thước kẻ ở Trường Hoàng Thanh mấy tháng trước, tôi đánh Lạng một trận đau. Sau trận đòn, Lạng trở nên sợ tôi, gọi tôi là Anh, tự xưng là Em.

Tôi học ở Trường Hàng Than ba năm, từ lớp bét cho tới lớp Ba. Sau năm lớp Ba, tôi giã từ Hà Nội để theo gia đình vào Nam. Chiến tranh Việt- Pháp !946-1954 đã chấm dứt với trận Điện Biên Phủ. Hiệp Định đình chiến Genève, chia đôi đất nước ở Vỹ tuyến 17, được ký ngày 20/7/1954 ở Genève, Thụy Sĩ. Một nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, sẽ thuộc người Quốc Gia. Miền Bắc từ vỹ tuyến 17 lên tận Ải Nam Quan sẽ được giao cho Ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngày cuối cùng năm tôi học lớp Ba với Thầy Giáo là Thầy Đàp Phú Kiểm đã in đậm trong tâm trí của tôi.  Khi hết giờ học, tôi và bạn cùng lớp Nguyễn Gia Ngư giúp Thầy mang ra xe xích lô cho Thầy vài dụng cụ để dậy học của Thầy, cùng một mớ sách của Thầy để Thầy đem về nhà. Thầy cho chúng tôi biết Thầy sẽ ở lại Hà Nội nhưng không chắc những người của ''cách mạng'' có còn cho Thầy tiếp tục dậy học hay không. Tuy vậy, Thầy tin rằng ''người của Cách Mạng'' cũng là người Việt nên chắc cũng không ''đến nỗi nào ''. Vả lại, với tuổi của Thầy đã xế chiều, Thầy không muốn vào Nam để rồi lại phải bắt đầu lại từ đầu. Thầy đã gắn bó với nghề dậy học 4,5 thập niên, một nghề mà Thầy rất yêu thích. Nói tới đây, giọng của Thầy chùng lại, mắt của Thầy long lanh giọt lệ. Không giữ được cảm xúc, Ngư và tôi cùng bật khóc vì quá thương Thầy.

Trong khi tôi đi học ở Hà Nội, Mẹ tôi sống tại quê nhà, Bà đi đi về về Hà nội. Tôi sung sướng vô cùng mỗi lần Mẹ lên tỉnh chơi, ở lại ít ngày. Khi mẹ chia tay để trở về quê, tôi vẫn không cầm được nước mắt khi theo tiễn mẹ. Nỗi nhớ mẹ kéo dài vài ngày rồi, vì bận bịu học hành, tôi cũng nguôi đi. Tháng 5, năm 1954, Pháp thua trận Điện Biên Phủ, đưa đến Hiệp định Hòa Bình Genève chia đôi đất nước, ký ngày 20 tháng 7 năm 1954; gia đình tôi quyết định di cư vào Nam. Tôi có về quê nhà sống vài tháng trước khi vào Nam cùng gia đình người anh lớn. Anh sẽ vào Nam trước cùng Bố của tôi và tôi. Ông Bố tôi và người Anh là những người đã nếm mùi ''kháng chiến''nên đều có kinh nghiệm với người Bolchevik. Cả đại gia đình sẽ vào Nam sau.

Quê nhà đẵ đổi khác kể từ khi dứt tiếng súng, tuy vậy quân Pháp vẫn đóng ở làng tôi trước khi rút đi theo đúng Hiệp Định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954. Cán bộ Cộng Sản đã công khai xuất hiện để đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên. Các bài hát êm đềm đầy tình tự quê hương đã được thay thế bằng các bài hát cách mạng. Tôi đã làm quen với các bài hát đó trong suốt mấy tháng sống ở quê nhà:

Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta
Yêu ruộng vườn quê hương ngàn đời
Toàn dân..... đoàn kết ......
Bước chân dồn còn vang câu ca
Mí đồ đồ đồ phá mí rê.

Hay

Ðảng ra đời là ngôi sao chiếu tinh
Trời đen mờ đưa lối cho dân mình
Ðảng lao Ðộng Việt Nam yêu quí ơi
Ngồi bên Người tôi hát tôi vui bên trời
Thề theo Người đoàn ta luôn đấu tranh
Tung trên muôn phương thế gian niềm vui

hoặc:

Ðêm liên hoan mì son đố mì
Sol mì sol là vui lên đi
Nhờ Bác Hồ mà ta mê ly

Hay

Ta nông dân vai sát vai kề vai
Đi đi lên tranh đấu cho cuộc đời
......................................
Đấu tranh căm thù địa chủ bóc lột
Sẽ đem thanh bình tràn ngập non sông
(chữ Người được viết hoa để chỉ CT Hồ Chí Minh và chỉ được dùng khi nói về ông Hồ mà thôi)

Hay

Chúng em như đàn chim hòa bình
Tung cánh bay qua đến vùng chiến chinh
Cùng reo rắc muôn bông hồng
Một màu trắng màu hoa bình
Cả một vùng quê hương yêu dấu
Đôi cánh về tha thiết
Làm dịu hết thương đau.

Và nhiều nữa, toàn là các bài hát sặc mùi cách mạng được cất lên trong các buổi nhẩy múa được gọi là ''nhẩy hòa bình''. Theo đã dự trù, tôi theo gia đình người anh con ông Bác để vào Nam trước. Anh tôi đã ở trong Nam từ năm 1949, ngay sau khi du học ở Pháp về. Tôi lên máy bay Air Viet Nam, vào Nam ngày 28 tháng 8 năm 1954. Sau đó cả gia đình tôi vào Sàigòn ngoại trừ Mẹ tôi. Tôi đã khóc nức nở khi biết Mẹ không theo đại gia đình vào Nam như đã dự trù. Bà nhắn vào: ''sau 2 năm sẽ có Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Tao vào Nam làm gì? ''.  Bà đã ở lại miền Bắc, có lẽ để chờ một người anh tôi đi kháng chiến trở về. Tôi đã khóc nhiều lần; xa mẹ là xa tất cả phải không Quang? Cuộc chiến tranh tàn khốc đã đưa đến những hoàn cảnh chia ly, cách biệt cho mỗi gia đình không kể những đổ vỡ mất mát đau buồn khôn nguôi. Tôi sống với gia đình người anh họ cho đến khi trưởng thành. Anh chị của tôi rất tốt nhưng lúc nào tôi cũng khắc khỏai, tự lự, thiếu tình thương của người mẹ hiền. Thiếu vắng mẹ trong thời niên thiếu quả là một bất hạnh to lớn, Quang ơi !.Trong cuốn Luận Án tốt nghiệp, ra trường của tôi, trong những trang gọi là Dédicaces, hay gọi nôm na là Trang Để cảm ơn, tôi có chép lại vài câu thơ để tưởng nhớ đến mẹ hiền - Tôi quên tên tác giả của mấy câu thơ này, nhưng tôi nhớ làm lòng mấy câu thơ này từ hồi tôi còn thò lò mũi xanh. Vì Bắc Nam xa xôi cách trở, không liên lạc -dù bằng thư từ - nên lúc đó tôi hoàn toàn không hay biết mẹ vẫn còn hay Mẹ đã mất. Ðây là mấy câu thơ đề trên trang dành cho phần Dédicaces  của Luận án:

Những chiều dừng chân quán vắng
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Con thấy tường in bóng Mẹ
Ngoài hiên sương lạnh trăng mờ
Con đi vay tình thiên hạ
Ðau lòng đâu dám nói ra
Có khi con tạm quên mất Mẹ
Vì đời con lắm phong ba
Ðốt nến sáng đi tìm Mẹ
Thoát hồn lên đến hư không
Bãy giờ con yêu gặp Mẹ
Mẹ ơi Mẹ ở trong lòng

Con NLT

Tôi như con mồ côi suốt thời niên thiếu. Quang có cảm thương cho thân phận của tôi không, hở Quang? Tôi đã khắc khoải, đã mường tượng đến ngày gập lại Mẹ, mường tượng trong vô vọng. Tôi hoàn tàn bặt tin tức của Mẹ. Tôi cầu mong cho Mẹ được bình an trong những thời khắc bom đạn đổ xuống Miền Bắc. Sau năm 1975, từ Gia Nã Đại là nơi tôi định cư làm lại cuộc đời sau khi rời Việt Nam, tôi bắt liên lạc được với bên nhà. Lúc đó tôi mới hay Mẹ tôi vẫn còn sống. Mẹ tôi đã vộì vã vào Nam tìm tôi ngay sau ngày 30/4/1975. Mẹ đã khóc vùi khi không gập được tôi - đứa con lạc loài của Mẹ - vì tôi đã bỏ nước ra đi, sống xa quê, xa Mẹ một nửa vòng trái đất. Hoà bình đối với tôi là chua chát, là nỗi đau khôn tả, là xa gia đình, xa bạn bè.

Thực là:

Bao năm chinh chiến ta gần gũi
Nay đã thanh bình khóc biệt ly
(thơ khuyết danh )

phải không Quang?

Có lẽ số mệnh của tôi bắt tôi phải sống xa Mẹ. Tuy sống trong tình thương của mọi người, tình bằng hữu của bạn bè như Quang, tôi vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì. Quả thực:

Con đi vay tình thiên hạ
Ðau lòng đâu dám nói ra

Sống ở xứ sở Gia Nã Ðại này, nhiều khi tôi thấy lạc lõng, nhớ nhà vô cùng:

Những chiều êm nơi xứ người xa lạ
Mẹ hiền ơi ! con chợt nhớ quê mình
Khói lam chiều, dàn mướp, lá lên xanh
Con bướm nhỏ, mái đình xưa, ôi nhớ quá !
(thơ khuyết danh )

Tôi đã tìm đủ mọi cách để gập lại Mẹ. Năm 1994, mẹ tôi đã sang Gia nã Ðại với chúng tôi. Mẹ con gập lại nhau sau hơn 40 năm xa cách, mọi sự đã như một giấc mơ; tôi đã ôm lấy mẹ khóc ngất ở phi trường khi ra đón Mẹ. Mẹ đã sống với chúng tôi 11 tháng. Ôi 11 tháng trời hạnh phúc không bút nào tả xiết. Mẹ tôi đã về lại Việt Nam và đã từ trần cách đây vài năm như Mẹ hằng mong ước: Mẹ chỉ muốn chết ở quê nhà.  Mẹ tôi đã toại nguyện gập lại đứa con lạc loài sau hơn 40 năm xa cách. Quang thấy sao ? Ðời tôi quả như một chuyện tiểu thuyết thương tâm, Quang nhỉ !

Hãy tạo niềm vui cho mình trong cuộc sống, mong cuộc sống mang lại niềm vui cho mình sẽ chỉ mang lại thất vọng đó là lời khuyên của Mẹ tôi. Mẹ tôi đã chịu đựng hơn nửa đời người. Cuộc sống của Mẹ tôi là nhẫn nại, là chịu đựng và hy vọng. Cho đến nay, thỉnh thoảng, tôi vẫn nhủ thầm: Mẹ ơi ! Mẹ luôn luôn ngự trị trong tâm khảm của con.

Chiến tranh VN đã kéo dài quá lâu, đã để lại biết bao mất mát, chia lìa cho muôn ngàn gia đình trong đó có gia đình tôi. Tôi xa Mẹ hàng mấy chục năm, sống như một đứa sớm mồ côi Mẹ, cũng vì chiến tranh. Hỡi những người chủ động gây ra cuộc chiến để áp đặt một chủ nghĩa ngoại lai lên toàn thể dân tộc- một cuộc chiến không do Người Việt tạo ra, một cuộc chiến hòan toàn vô ích, một cuộc chiến hoàn toàn không cần thiết, đầy những ảo ảnh mê hoặc của Chủ Nghĩa Cộng Sản-  chính quí vị, những người Cộng Sản Việt Nam, đã làm cho cả quê hương tan nát, tràn đầy chết chóc, chia ly, hận thù. Cả quê hương biến thành những nghĩa địa ngút ngàn, chôn vùi xác biết bao con dân đất Việt. Lịch Sử của dân tộc sẽ '' lưu xú vạn niên '' những kẻ đã gây ra những chết chóc, tang thương cho dân tộc.

Hẹn Quang thư sau, Quang nhé ! !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét