khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

GỎI MÍT NON - Tác giả Lê Đắc Hoàng Hựu







Tui móc túi lấy điện thoại ra nghe. Đầu dây… í da, làm gì có đầu dây, đầu… không gian bên kia hỏi:

– Hụ (Hựu) hả?

– Dạ, Hụ nè, nó nè. Khỏe hôn cưng… í da, (lại í da, cái tật hỏi mí cô gái vậy hoài) khỏe hông anh?

– Khỏe re như con bò kéo xe. Còn nhớ hứa gì hông đó? ngày này năm trước á, hai đứa nhỏ nhắc quá chừng.

– Dạ nhớ chứ. Định gọi cho anh báo chắc một tuần nữa lên, mấy rày bận quá. Lên đặng trả nợ món ăn từ trái mít cho hai cháu.

– OK Salem. Tưởng quên rồi. Hẹn tuần tới nghen.

– Dạ. OK Sa…lon – Salon bây giờ mới là thứ dữ chứ, đừng có OK xa… luôn là được, hì hì.

Hẳn, tới đây thì quý vị nghĩ tui sẽ trả nợ “quỷ thần” bằng món mít non rồi chứ gì nữa. Xin thưa, nghe vậy mà hổng phải vậy, mít non là món năm ngoái tui mần đãi hai cháu nó rồi, và hai nhóc nhỏ con anh bạn là học trò, học trò nào mà hông “quỷ”.  

Kể chuyện… năm ngoái nghe chơi, bà con cô bác hén (nói vậy đi cho nó thân tình, thưa quý vị một lần thôi).

Số là mùa này Sài Gòn nắng nóng, nắng chẳng thua gì “Tây Ninh nắng cháy da người”. Năm ngoái cũng nắng nóng như vậy, tui và một anh bạn trốn nắng bằng cách xách chiếc xe cà tàng… phơi nắng rong ruổi đó đây. Và ghé trạm ở Định Quán, là nhà anh bạn hồi nãy gọi điện thoại.

Ngặt nỗi, ghé sặc lờ nên chị xã anh bạn hổng có nhà. Thôi thì phải tự ra tay làm mồi mỡ lai rai.

Nhà anh bạn ôi thôi! nói gà có gà, nói vịt có vịt, nói cá nói tôm có cá có tôm, đừng nói con heo con bò thôi, bởi nó bự quá, đi một đoàn thì cũng dám nói lắm hà. Nhưng những thứ này cũng… thường thôi, để hai ông bạn mần gì đó mần, tui rảo một vòng coi cây nhà lá vườn có gì độc đáo hông.
Có à nha.

Trước hết là rau tập tàng, món này thứ nào luộc thì luộc, thứ nào để sống thì để sống, mần một rổ chấm với kho quẹt hoặc trứng lòng đào dằm nước mắm nhỉ thì khỏi chê. Gồm rau tàu bay, rau dền, khổ qua rừng, soi nhái, quế vị, đọt chùm bao (nhãn lòng), đọt cóc, đọt xoài, đọt bí, bông so đũa, bông bí, bầu bí, bí rợ (bí đỏ) còn non á, đậu bắp, đậu đũa… Ôi thôi! kể mỏi miệng quá.

À, còn loại này cũng là bí kíp “gia truyền của loài chim”, trái ớt chim ỉa, để dành cho nước chấm hoặc cắn rụp rụp thiệt là quá đã. Con chim nó nuốt trọng trái ớt rồi thải ra giống kiểu cà phê chồn chăng? Hổng phải vậy đâu. Thiệt tình, bao tử con chim nó xay nát như tương, vụ này nghĩa đen nghĩa bóng đúng ráo trọi, tương ớt có loại còn hột ớt nguyên xi, vậy là con chim thải ra hột ớt, hột ớt nảy mầm mọc lên cho trái á. Trái ớt chim ỉa nhỏ xíu mà ngon… thơm hết biết. Thiệt là, có nhiều chuyện kỳ lạ trên đời, hi hi…

Kế tiếp, nãy giờ bang bang ở nơi xa lắm, tuốt cuối vườn, hổng để ý, trở vô gần nhà đụng đầu vô trái mít mới bật ngửa, cây mít lủng lẳng trái là trái. Đúng ý tui rồi, xin một trái non hen.

Hai cháu nhỏ đi với tui hái rau trợn mắt:

– Dạ ủa, mít non ăn được sao chú? Người Sài Gòn ăn mít non sao chú?
 
– Chú người Sài Gòn… đi kinh tế mới á, hì hì…          

– Dạ, dạ, con có nghe ba má kể, người đi kinh tế mới thì ăn sạch sành sanh hết rồi.

Đúng chóc, nhưng thôi, đang vui, bỏ qua thời nhai bo bo trẹo bản họng. Tui hái thêm mớ khóm mít (dái mít) làm sắp nhỏ há hốc miệng thêm lần nữa, đừng tưởng bở với nó nghen mấy nhóc.
Tôi đem trái mít non vô nhà trổ nghề, nhờ “kinh tế mới”.

Xắt trái mít làm ba khúc, nhưng khúc nào cũng như nhau chứ chẳng phải như cá để: “Má ăn khúc cuối khúc đầu. Để lại khúc giữa để dành cho con” (ca dao). Mỗi khúc xắt tiếp làm bốn làm sáu. Rồi bắt lên luộc. Có người gọt vỏ bỏ cùi trước, lúc gọt vỏ phải ngâm mít trong nước để mít khỏi thâm đen, thấy xấu hoắc, bớt ngon… con mắt.

Trong lúc chờ mít chín cũng khá lâu, làm tiếp mấy việc nữa đây. Luộc tôm và bóc vỏ, xắt nhỏ cũng được mà để nguyên con cũng được. Tui thì xắt cho đỡ… hao mồi, hi hi. Thịt ba rọi cũng vậy. Rang đậu phộng và mè đen mè trắng gì cũng được, đâu phộng giã dập dập, mè giã cho tróc vỏ. Khử một ít tỏi, hành khô, hành tươi bằng mỡ hoặc dầu. Làm nước mắm chua cay, với chanh với tỏi với đường, và dĩ nhiên với ớt. Kiếm mớ rau gồm rau răm, rau húng lủi, ngò rí.

Lắc nhắc cũng mệt à, nhưng nhờ có “hai chiến hữu” và xen kẽ giữa công việc là  nhậu… trà đá với khóm mít.

Mới đầu kêu “chiến hữu” làm muối ớt, tui ước chi có mắm cá con, các nục, cá cơm thì hay quá, nào ngờ: “Mắm cá cơm, có luôn á chú”. Vậy là khóm chấm mắm cá cơm nó bắt gì đâu. Ban đầu hai “quỷ thần” chê gì chát ngúm, thử lại miếng nữa thì có gì đó… quyến rũ, sau đó là quyến rũ… rượi làm ghiền, ghiền hơn nữa là xắt lát mỏng trộn vô mắm, chát chát, cay cay, mặn mặn, nồng nồng, hít hít hà hà phải “chữa lửa” bằng trà đá. Cây mít từ đây dễ trọc lóc trái khóm chớ giỡn chơi.

Mít luộc chín. Muốn biết dễ khô hà, lấy cây đũa xọt vô xuyên vỏ dễ dàng là chín. Vớt ra gọt vỏ, khỏi cần gọt cùi, xắt xuống rứt ra khỏi cùi thôi, sau đó xắt xé nhỏ như gà xé phay.
Rồi hén, lấy mít trộn chung với các thứ chuẩn bị trên, trộn đều thì có món mít non trộn hoặc gỏi mít non.

Vô “tiệc”, xin bưng “hầu” món lạ này. Xúc một muỗng, ai nấy tấm tắc, chà chà, mít dai dai, mùi thơm thơm, vị chua chua nhè nhẹ, là lạ quá đã, lại có cả giòn giòn của đậu, của mè… A, hầu vậy chưa được, nhớ lại lời má: “Bây phải ăn bằng cách lấy bánh tráng xúc mới đúng điệu”, phải phải, chạy đi kiếm cái bánh tráng nướng thôi, có bánh tráng giòn giòn hơn nữa, hợp với dai dai mới đúng điệu dân Cầu Kiệu, kẹt quá, hổng có bánh tráng thì lấy bánh phồng tôm. Đúng kiểu nữa thì phải khử dầu ép từ đậu phụng (phộng) kêu là dầu phụng.

Vậy đó, tui người Sài Gòn ăn món mít non trộn đúng kiểu… Quảng Nam của má tui vậy đó. Cầu Kiệu… khỉ mốc chi, chẳng qua vần vè mà thôi, hì hì.

Má tui gốc Quảng Nam, món này gốc gác Quảng Nam. Còn tui là người Sài Gòn gốc Quảng và người- Sài- Gòn- kinh- tế- mới nghen. Phải nhắc lại cho rõ chứ cuộc sống cuồn cuộn cuốn phăng phăng dễ quên nhiều thứ lắm, kể cả gốc gác luôn, như vậy không được à nha, tệ lắm đó Hụ à.    
Dạo dạo chợ búa thì, hiện tại chợ búa Sài gòn cũng có bán mít non, có luộc sẵn luôn. Biết đặng lâu lâu ra rinh về để nhớ xứ sở cha ông. Hàng quán thì hiếm bán món này lắm, có chăng là các quán chuyên món Quảng.

Ở xứ Định Quán cũng nhiều người gốc xứ Quảng, anh bạn cũng có dây mơ rễ má ở ngoải mà lại chẳng chịu truyền “bí kíp” cho con cháu. Tui giận và trách anh bạn liền.  Người Sài Gòn có tánh… xí xọn nữa, xí xọn… bao đồng, và có sao nói vậy người ơi, biết gì nói hết người ơi, thấy sao nói thẳng người ơi. Anh bạn đưa tay lên… hổng phải tức tối dộng tui cái đùng đâu, ảnh đưa lên gãi đầu, tỏ vẻ hối hận lắm, vậy cũng được hén. Và hứa sẽ truyền đạt những gì cần truyền. Mít còn mần được mấy món ngon, lạ lạ của xứ Quảng nữa, tui cũng hứa sẽ lại trổ tay nghề cho hai “quỷ thần” lé mắt. Hẹn có dịp lên sẽ mần.

Nhớ về cội nguồn, ơn đức Ông Bà Tổ Tiên, có thêm một “kinh ăn uống” coi cũng được chứ bộ bà con cô bác hén. Đâu phải ăn uống chỉ là ăn chơi và sanh tồn đâu nà.

Tuần tới nếu có đi nhà bạn, có làm món, thì… sang năm kể hầu bà con cô bác nghe chơi tiếp hen.
Ui, cái thằng khỉ, tới sang năm lâu lắc, kể liền mới hấp dẫn. Vậy đi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét