khktmd 2015
Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013
Quà Giáng Sinh -- Chuyện ngắn của tác giả Nguyễn thị Hải Hà
Còn mười hai giờ nữa là Giáng sinh.
Dung đóng cửa tiệm sớm để các cô thợ chuẩn bị ăn lễ. Bao nhiêu ngày rộn rã chờ đón Giáng sinh, buổi chiều áp lễ không khí dường như lắng lại. Các cô đã dọn dẹp bàn làm việc sạch sẽ ngăn nắp. Người lao công sẽ đến lau nền nhà và cửa kính sau. Đảo mắt một vòng Dung nhìn chùm mistletoe lấm tấm trái đỏ trên trên khung cửa ra vào và tự hỏi ai đã treo chùm lá này. Tất cả những trang trí Giáng sinh trong tiệm là do nàng làm và các cô thợ giúp và nàng không nhớ đã nhìn thấy nó.
-Tôi đã treo chùm mistletoe đấy.
Dung quay lại. Người đàn ông da trắng, cao, mặc cái áo khoác màu xám, cổ quàng khăn ấm màu xanh dương. Trông ông có nét hao hao Robert Redford. Nhìn vẻ ngỡ ngàng của Dung ông ta giải thích.
- Tôi là người quét dọn toàn thể khu thương xá này. Thường thường tôi đến lau dọn buổi tối sau giờ làm việc, nhưng hôm nay tôi đến sớm để chúc bà một mùa Giáng sinh vui vẻ.
- Cám ơn ông. Tôi cũng chúc ông như thế.
Nghiêm đứng đắn và lễ độ. Tính tình hòa nhã, chàng có giọng nói cũng dịu dàng như tính của chàng. Nghiêm sống có qui củ, thứ tự, đơn giản. Nghiêm lúc nào cũng nghiêm trang, như cái tên của chàng. Tuy đằm tính nhưng cứ sau lễ Tạ ơn là Nghiêm thấy bức rức vì biết là mùa Giáng sinh sắp đến. Cái bức rức này không rõ rệt lắm nhưng mỗi khi Nghiêm thấy một cái nơ đỏ, một vòng nguyệt quế, hay những bóng đèn trắng nhỏ li ti như những vì sao rụng trên cây, là nó (cái bức rức) lẩn quẩn bao quanh chàng như mùi thông tươi thoát ra từ cây Giáng sinh năm nào Dung cũng mua choán chỗ trong phòng khách. Nghiêm không ghét lễ Giáng sinh nhưng chàng ghét thậm tệ chuyện quà cáp. Và những bài hát lập đi lập lại trên radio hay Tivi làm chàng bực mình. Đêm thánh vô cùng. Deck the hall. Ghét nhất là chỗ nó cứ là la lá là la, la là là la. Còn bài gì mà có con trĩ trên cây lê, hai con rùa, ba con gà mái đó? Twelve days of Christmas. Những âm thanh rỉ rả lê thê đó xoáy vào tai chàng. Nghiêm mong cho ngày lễ chóng qua để cuộc sống trở lại bình thường.
Nghiêm cương quyết không tặng quà cho ai cả, kể cả vợ con của chàng. Ở Hoa Kỳ, Giáng sinh là một mùa của lãng phí. Người ta lãng phí thức ăn, nhà nào cũng bánh trái tú hụ, thảo nào dân Mỹ càng ngày càng phì nộn. Quà cáp biếu xén là một lãng phí lớn hơn cả lãng phí thức ăn. Cứ xem cửa hàng bán thiệp là đoán được mức độ số thiệp sẽ tuôn ra thùng recycle. Chỉ riêng thiệp Giáng sinh, người Mỹ tốn chừng một tỉ sáu đô la tiền mua thiệp, tính đổ đồng vừa thiệp lẻ, vừa cả thiệp hộp. Thiệp trong hộp chừng mười cái mỗi hộp. Giá của mỗi thiệp lẻ từ hai đến bốn đô la. Mỗi hộp thiệp từ năm đến mười đô la. Người ta treo thiệp lủng lẳng trên cây Giáng sinh, hay gắn lên tường chung quanh bàn làm việc; cứ ra Giêng lại phải gỡ xuống ném vào thùng rác. Người nhận được nhiều thiệp là người có nhiều bạn bè và nhiều người thân nhớ đến mình. Nói thật, Nghiêm không phải là người duy nhất không tán thành chuyện tặng thiệp hay tặng quà. Một đồng nghiệp của chàng đã dặn dò chàng từ lâu, “không bao giờ tặng quà vào bất cứ ngày lễ hay sinh nhật nào cả. Ông chỉ cần làm một lần là đã tạo ra một thông lệ và như thế người ta sẽ chờ đợi quà của ông hằng năm đúng vào dịp tặng quà.”
Không phải Santa cho quà, chính bố mẹ mới là người bỏ tiền túi ra mua quà cho con của họ. Nghiêm ôn tồn giải thích với đứa con gái đầu lòng mới lên năm. Chàng không muốn con mình lớn lên trong một niềm tin không có thật. Anna nói với Tracy, bạn cùng lớp, “Santa không có thật. Tất cả quà của bạn có đều là của bố mẹ cho đấy. Tớ chẳng bao giờ tin vào Santa.” Mẹ Tracy đã phàn nàn với Dung: “Tại sao lại phá vỡ niềm tin Santa như thế. Chẳng khác nào chúng ta phá vỡ sự ngây thơ của trẻ con. ”
Nghiêm lớn lên trong một gia đình công chức, con đông. Sau năm bảy mươi lăm gia đình chàng càng thiếu hụt hơn. Sống gói ghém là bài học các anh em chàng thấm nhuần từ trong bụng mẹ. Người nào trong nhà cũng biết chuyện ông Hàn, bác của bố Nghiêm, một nhà thầu khoán rất giàu giữa thập niên bốn mươi đến đầu thập niên năm mươi ở ngoài Bắc. Bà Hàn phung phí phá tán sự nghiệp đến mức về sau con ông Hàn phải đi ăn mày. Nghiêm yêu vợ nhưng nhất định không bao giờ giao phó chuyện tiền bạc cho vợ phí phạm, như ông Hàn.
Nghiêm lập gia đình khá trễ. Học hành xong, xây dựng sự nghiệp đáng kể chàng mới về Việt Nam cưới vợ. Chàng muốn có một người vợ ngoan hiền đúng kiểu phụ nữ Việt Nam. Đàn bà Việt ở Mỹ ngày nay họ hư hỏng lắm. Họ có học, có tiền, có tự do, họ chẳng còn biết quí trọng chồng và gia đình của chồng. Nghiêm muốn vợ chàng biết sống hòa thuận với anh em chàng. Chàng tự hào là anh chị em của chàng rất thương yêu biết đùm bọc lẫn nhau. Họ sống gần nhau trong vòng bán kính chừng mười phút lái xe. Ghét việc trao đổi quà cáp Giáng sinh, nhưng năm nay thấy hàng hóa hạ giá quá rẻ, chàng mua một số dụng cụ làm vườn, máy hút bụi, đồ làm bếp cho anh em của chàng. Không phải quà Giáng sinh, thấy anh em có thể dùng được thì mua, một cách để thắt chặt tình gia đình.
Dung trẻ hơn chồng hơn con giáp. Chẳng những thông minh xinh đẹp, Dung còn đảm đang ngoan hiền. Nghiêm đã quan sát thăm dò rất nhiều người nhiều nơi, mất mấy năm liền mới chọn được Dung. Dung cũng hãnh diện vì Nghiêm đã chú ý đến nàng giữa bao nhiêu cô gái đẹp và đảm đang ở Việt Nam. Nghiêm bảo bọc nàng chu toàn, cuộc sống tuy giản dị nhưng đầy đủ tiện nghi. Chỉ có điều Dung không thoải mái là Nghiêm không bao giờ đưa tiền cho nàng giữ. Nàng có credit card do chồng đứng tên, muốn tiêu gì cũng được, nhưng nàng không dám tiêu tiền của chồng. Tiền chợ chàng đưa hằng tuần, hoặc là chàng đi chợ một mình, mua đầy đủ những thứ nàng ghi ra trên giấy. Nhiều lúc Dung thấy buồn, có cảm giác mình chỉ là cô giúp việc không được chủ tin trọn vẹn. Vợ, như mẹ Dung, là người tay hòm chìa khóa quyết định việc chi tiêu trong nhà. Ngỏ ý với chồng, Nghiêm nhẹ nhàng giải thích, “em còn trẻ, mới qua Mỹ, tiếng Anh còn yếu nên việc giao tiếp tiền bạc cứ để anh lo. Em cần gì cứ nói với anh.” Dung tự ái không muốn phải ngửa tay xin chồng mỗi khi muốn mua cái áo hay đôi giày.
Ngày còn ở Việt Nam Dung muốn được theo học ngành mỹ dung vì nó hợp với năng khiếu của nàng. Dung sung sướng khi một người phụ nữ bước vào tiệm của nàng và trở nên xinh đẹp tự tin hơn khi ra khỏi tiệm. Sau nhiều lần năn nỉ, than ở nhà mãi rảnh rang quá đâm ra buồn chán, Nghiêm đồng ý để nàng đi học. Tốt nghiệp xong Nghiêm giúp nàng mở tiệm uốn tóc và làm móng tay. Ngoài ra Dung còn bán thêm đồ mỹ nghệ và mỹ phẩm. Tiệm của Dung ngày càng phát đạt. Sau khi thanh toán chi phí thuê cửa tiệm và trả tiền công cho thợ, Dung, cất giữ số tiền nàng làm ra. Nghiêm khá công bằng, chàng không đưa tiền của chàng cho vợ giữ cũng không đòi giữ tiền vợ làm ra. Việc chi tiêu trong nhà nàng không phải dùng tiền của chồng nữa.
Khác với Nghiêm, xem việc tặng quà là một hành động hoang phí, Dung xem việc tặng quà là một cách bày tỏ lòng thương yêu. Ngày còn bé quà Tết là hai bộ quần áo mới mẹ may cho. Hồi năm sáu tuổi đi với mẹ trên đường Phạm Ngũ Lão thấy người ta bán xe đạp ba bánh cho trẻ em nàng xin mẹ mua cho. Mẹ nàng ngần ngừ mãi, rồi chìu ý nàng khi thấy mắt nàng ngấn nước. Chiếc xe đạp con ấy là món quà Giáng sinh đầu tiên của nàng, dù gia đình nàng ngoại đạo. Dung biết mẹ nàng rất yêu thương nàng.
Xem việc tặng quà là một cách bày tỏ lòng yêu thương nên cứ gần Giáng sinh là Dung hớn hở đi mua quà. Tuy nhiên quà của nàng thường bị Nghiêm và anh chị em tiếp đón lạnh nhạt. Có lẽ nàng chọn quà không đúng ý hoặc những món quà của nàng không đắt giá. Nghiêm nói thẳng, “Em chỉ phí tiền. Mình là người Việt Nam, lại không có đạo, chỉ nên mừng Tết thôi. Anh không thích ai tặng quà cho anh mà cũng không muốn tặng quà cho ai.” Nghe chồng nói thế nhưng Dung vẫn hy vọng là nếu nàng cứ tặng quà cho chồng thì thế nào có ngày chồng nàng cũng đáp lại.
Dung cho rằng đàn ông cất tiền vào chỗ họ đặt trái tim, thế nên khi lòng yêu càng nhiều, món quà đem tặng người yêu càng đắt tiền. Ai cũng biết, đã tặng quà thì không nên đòi được đền đáp dù thật ra ai cũng thích cái kiểu “bánh ích đi bánh qui lại.” Người Mỹ cũng như người Việt cuối năm trao đổi quà với nhau có khi bày tỏ sự tương kính, hoặc biểu lộ sự biết ơn vì người kia đã giúp mình trong năm. Ai cũng thích quà đắt tiền và thích cả người tặng quà, tuy nhiên, có người quan niệm không nên tặng quà đắt tiền vì e rằng người nhận quà cố gắng đáp lại một cách tương xứng.
Điều đáng buồn cho một phụ nữ giàu có là không còn được ai tặng quà nữa. Nói không ai tặng quà cho Dung thì cũng hơi quá đáng. Nàng nhận được rất nhiều quà từ khách hàng. Cứ đến Giáng sinh thì nào là bánh, kẹo, chocolat, nến hương, v.v… và Dung cũng tặng lại khách hàng những món quà nho nhỏ. Nàng cảm thấy bị bỏ quên vì Nghiêm không bao giờ tìm hiểu xem Dung thích gì, mơ ước gì. Những chăm sóc tỉ mỉ nàng cho là biểu lộ tình yêu, thì chàng gạt phắt đi bảo đó là kiểu lãng mạn của trẻ con. Nhiều khi Dung có cảm tưởng lòng yêu mến của nàng bị lợi dụng. Một số người thân của Dung còn ở Việt Nam cứ chờ đợi tiền nàng gửi về mỗi Giáng sinh như một thông lệ. Dù Việt Nam đã ăn nên làm ra, dù người ở Việt Nam cuộc sống đã khấm khá, quà tặng cứ đi đường một chiều, từ Mỹ về Việt Nam. Mỗi cú điện thoại ở Việt Nam gọi sang là một cuộc hỏi tiền, ít thì vài trăm nhiều thì vài ngàn. Xin không được thì mượn. Lần vừa qua con của người chị đánh đề cá độ sao đó đem cầm căn nhà. Chị nức nở kêu khóc nhờ Dung giúp. Những lần như vậy Dung rất buồn nhưng chẳng lẽ ngồi nhìn chuyện chị mất nhà. Dung cũng ngờ chuyện có thể không thật sự xảy ra nhưng xua đuổi ý nghĩ ấy đi tự cho là mình không tốt bụng.
Dung ở vị trí tặng quà; không ai nghĩ đến việc tặng quà cho Dung vì ai cũng nghĩ nàng chẳng thiếu thốn gì. Quần áo, nữ trang, không cần phải mất thì giờ ra mall, chỉ cần mở catalog là nàng có thể mua tất cả những gì nàng muốn. Nhưng cái Dung muốn không phải là vật chất. Nàng muốn được chú ý, được tâng tiu, cưng chìu, như mọi người đàn bà chung quanh nàng. Cứ nhìn vẻ mặt rạng rỡ của Suny, cô thợ trẻ tuổi nhất trong tiệm, mỗi khi khoe với Dung món quà người yêu cô tặng bất ngờ, thường làm Dung bắt thèm. Không có gì đắt giá cho lắm nhưng David để ý biết Suny thích gì vào những dịp như Giáng sinh, sinh nhật, hay Valentines tặng cho nàng những thứ nàng thích. Đó không còn là quà, đó là biểu tượng của tình yêu. Thỉnh thoảng Dung thầm ước phải chi chồng nàng chịu khó đi tìm mua cho nàng một món quà trong lễ Giáng sinh. Nếu như Nghiêm tặng nàng những thứ nàng đã có, nhưng quà từ Nghiêm vẫn có ý nghĩa đặc biệt với nàng. Một xâu chuỗi hay lọ nước hoa loại nàng thường dùng đâu có khó khăn gì. Dung nghĩ thầm, có đem lọ nước hoa đưa qua đưa lại trước mũi chàng cũng chẳng nhận ra vợ mình dùng loại nước hoa nào. Nhìn thấy chồng bỏ ra cả mấy ngày để đi mua đồ dùng cho các em của chàng, Dung đã thầm hy vọng thế nào cũng có một cái gì đó cho nàng. Nàng không muốn lên tiếng xin hay đòi hỏi, dù đòi hỏi một cách nũng nịu. Nàng mơ ước một sự tự nguyện chọn quà, mua quà cho nàng, chỉ để làm nàng vui vì ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên ấy không bao giờ đến, thay thế vào đó là nỗi thất vọng tràn ngập trái tim nhỏ bé của nàng. Nghiêm đúng là một người suy nghĩ theo đúng khuôn mẫu văn hóa cổ truyền Việt Nam. “Huynh đệ như thủ túc. Phu thê như y phục.” Có lẽ ngày nay, cuộc sống Việt Nam đã khác, nhưng Nghiêm muốn giữ cái truyền thống văn hóa in sâu trong trí nhớ của chàng.
Dung thỉnh thoảng nhìn thấy người lao công quét dọn từ đằng xa, hoặc phía sau. Đây là lần đầu tiên nàng gặp ông tận mặt. Nàng ngạc nhiên vì khi ăn mặc tươm tất, trông ông khá trẻ và rất đẹp trai. Có lẽ cái lưng hơi còng của ông khi nhìn từ phía sau làm nàng tưởng ông phải là một người lớn tuổi.
Dung chìa tay.
- Chào ông. Rất vui được biết ông. Tôi tên Dung, chủ tiệm này. Cám ơn ông đã săn sóc tiệm của tôi rất sạch sẽ.
Ông bắt tay nàng.
- Tôi tên Dan. Nhân mùa Giáng sinh, và bà đang đứng dưới mistletoe tôi xin phép được hôn bà.
Ông hôn nhẹ lên má Dung.
- Tôi ở căn phòng cuối hành lang. Gần tiệm Dunkin Donut. Hôm nay tôi đến chào bà lần cuối vì sang năm mới tôi dọn đi ở chỗ khác. Tôi có một món quà nhỏ muốn tặng bà nhưng tôi để quên. Nếu bà không vội lắm xin chờ vài phút tôi trở về phòng lấy món quà.
- Tôi đậu xe ở hướng ấy, tôi có thể cùng đi với ông.
Dan đi có vẻ hơi khập khiễng. Như đoán được sự tò mò của Dung, Dan giải thích.
- Tôi bị mất một chân khi đi lính ở Việt Nam. Tôi đóng quân ở miền Trung, bên ngoài Đà Nẵng, năm 67 tôi bị thương nên được đưa trở lại Hoa Kỳ.
- Năm 67 tôi chỉ là một đứa bé lên hai. Tôi không biết nhiều về chiến tranh Việt Nam. Xin chia buồn với ông. Tôi hy vọng ông không ghét tôi, vì tôi là người Việt Nam. Dung nói.
- Chuyện đã qua rồi. Vả lại đâu có phải là lỗi của bà. Chúng ta đều là nạn nhân của guồng máy chiến tranh.
Đây là khu thương xá khá sang. Khách hàng của Dung là những người phụ nữ giàu có Dung đoán biết qua cách chi tiêu, và những cuộc du lịch ngoại quốc một năm hai lần, mùa hè và mùa đông, của họ. Dung biết chìu ý khách hàng, luôn giữ cho tiệm của nàng sạch sẽ, trang trí đẹp mắt, âm nhạc, trà, cà phê, bánh ngọt đúng khẩu vị của khách hàng.
Dung đứng chờ ở hành lang trong khi Dan mở cửa căn phòng của ông. Ông bước ra đưa cho Dung một gói nhỏ có gắn nơ trắng bạc.
- Cám ơn ông. Tôi có thể mở quà bây giờ chứ? Dung hỏi.
- Ồ! Dĩ nhiên. Quà của nàng là một con búp bê bằng gỗ có hình dáng của một cô bé Việt Nam mặc áo dài hoa mai. Con búp bê khá lạ mắt, không giống loại búp bê gỗ thường bán ở Việt Nam.
- Cám ơn ông. Làm sao ông có được con búp bê xinh xắn này?
- Tôi tự làm lấy đấy. Tạc búp bê gỗ là sở thích của tôi.
Dung thấy tò mò về người đàn ông đã từng đi lính ở Việt Nam này. Nàng nói:
- Nếu ông không phiền tôi muốn được nghe ông nói về khoảng thời gian ông ở Việt Nam.
- Trời khá lạnh và chuyện của tôi khá dài. Nếu bà cho phép tôi xin mời bà một ly cà phê ở tiệm Dunkin Donut kia.
Dan sang Việt Nam được một năm thì quen với một cô gái chuyên giặt quần áo cho quân đội Mỹ. Dan rất yêu cô gái này nhưng khi bị thương phải trở lại Hoa Kỳ ông không thể mang cô gái theo.
- Tôi và cô ấy khóc quá chừng nhưng tôi mới có mười tám tuổi, chưa có sự nghiệp gì trong tay. Khi tôi có thể mang cô ấy sang Mỹ thì tôi mất liên lạc. Nhiều người bảo rằng người như cô ấy chỉ muốn tiền nhưng tôi tin là cô ấy thật sự quí mến tôi. Thỉnh thoảng cô mang cho tôi chả giò. Cô ấy là người bạn gái đầu tiên của tôi. Vả lại, tôi nghĩ khi còn trẻ tôi khá đẹp trai. Dan cười.
Dung nghĩ thầm. Bây giờ ông vẫn còn đẹp trai đó chứ.
- Vì sao mà ông lại có thể ở trong cái building này. Tôi nghĩ đây chỉ là nơi cho thuê làm cửa tiệm không có chỗ cho người ở.
- Tôi làm việc cho một hãng điện thoại lớn. Hãng điện thoại phá sản vì người ta chuyển sang làm phone di động. Tôi bị mất việc vì lớn tuổi nên khó tìm việc làm. Tôi cần một chỗ ở không đắt tiền miễn sạch sẽ và an toàn. Tôi muốn dùng số tiền dành dụm sống dè xẻn để có thể viết lại hồi ký của tôi về chiến tranh ở Việt Nam và mối tình với người đàn bà ngày xưa. Một người quen giới thiệu tôi với ông chủ của thương xá này. Ông ấy là người Việt Nam. Thay vì trả tiền thuê phòng tôi lau dọn các cửa tiệm, trông chừng để kẻ gian không cạy cửa tiệm hay người không nhà ngủ lê la. Căn phòng tôi ở tuy nhỏ nhưng có đầy đủ tiện nghi tối thiểu cho một người độc thân. Ông chủ thương xá này ngày xưa ở căn phòng đó. Nhưng bây giờ ông ấy giàu lắm rồi.
- Thế có nghĩa là ông đã viết xong quyển sách và vì thế ông không ở đây nữa?
- Quyển sách xong rồi tôi nhận được một số tiền đủ để tôi sống thoải mái hơn trong khi viết quyển kế tiếp.
- Xin chúc mừng ông. Tôi rất buồn phải chia tay ông.
Dung thấy mến người đàn ông đã để lại một phần thân thể ở xứ nàng. Có thể nói, lần đầu tiên được một người đàn ông ngoại quốc hôn, mấy sợi râu mép làm nàng nhột nhạt, Dung thấy vui. Dung thích cách ông ta trò chuyện với nàng, dù tiếng Anh của nàng không giỏi lắm. Khác với Nghiêm, ông ta không đặt những câu hỏi khó để nhìn nàng lúng túng, không dùng những chữ khó hiểu để chứng tỏ ông hiểu biết hơn Dung. Ở ông có một vẻ cởi mở thân thiện và tôn trọng nàng. Ông kéo ghế cho Dung ngồi và kéo ghế cho Dung đứng dậy khi chia tay. Chưa bao giờ Dung được tiếp đãi một cách ân cần chỉ vì nàng là phụ nữ như thế này. Có người chồng như thế này rất tuyệt, nàng nghĩ.
- Ông có biết tên và địa chỉ của ông chủ thương xá này không? Tôi không ngờ chủ thương xá này lại là một người Việt. Dung nói.
- Vâng. Ông móc trong túi một quyển sổ tay nhỏ và ghi con số lại cho Dung. Dung gấp mảnh giấy cho vào ví.
Dung thấy vui nghĩ rằng nàng được những món quà Giáng sinh độc đáo. Con búp bê bằng gỗ, một phần ký ức của người cựu quân nhân, cái hôn trên má, ly cà phê và khoảng thời gian ông ta kể chuyện cho nàng nghe ở quán donut. Dung thích nghe kể chuyện và từ khi làm người lớn đến giờ không có ai có thì giờ kể chuyện cho nàng nghe. Trong khoảng thời gian Dan kể chuyện Dung thấy mình như trở lại thời ngày xưa còn bé.
Nghiêm không chối chàng là chủ của cái thương xá, và giải thích vì vẫn còn nợ nhà băng nên chàng dùng tiền Dung đưa trả tiền thuê tiệm, trả vào chỗ nợ. Dung không gặn hỏi thêm vì không muốn mối bất hòa giữa hai vợ chồng sâu rộng hơn. Nàng cũng biết là khó thay đổi được gì trước sự tính toán thâm trầm của Nghiêm. Nàng tự hỏi Nghiêm còn dối trá với nàng điều gì nữa. Tiền bạc của Nghiêm có chia ra để các anh em cất giữ dùm không. Nghiêm quả quyết là không có cho ông Dan nào ở căn phòng chàng ở trước khi lập gia đình và người lao công quét dọn trong thương xá không có ai tên Dan.
Sau lễ Giáng Sinh Dung trở lại chỗ cũ tìm Dan, nhưng dĩ nhiên không còn ai ở đó. Dung tự hỏi với tất cả những điều Dan giúp nàng khám phá trước ngày Giáng sinh, Dan là ai? Một vị thiên thần mang tặng nàng một món quà vì biết nàng đang thèm được tặng quà, trong tinh thần Giáng sinh? Nhưng Dan cũng mang đến cho nàng một sự hoài nghi, một vết rạn nứt lớn trong tình vợ chồng của Dung. Từ trước đến nay nàng vẫn ngỡ mình được chồng yêu thương, mình đang sống trong hạnh phúc. Dung không tìm thấy dấu vết gì chứng tỏ Dan hiện diện và từng sống trong khu thương xá có cửa tiệm của nàng. Nếu không có con búp bê gỗ làm bằng chứng, Dung có thể ngờ là mình đã trải qua một giấc chiêm bao.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét