Xóm nghèo, thường là nơi đầu hẻm bao giờ cũng có một tiệm tạp hóa, dĩ nhiên là bán đủ thứ nhu yếu phẩm cho dân nghèo.
Nhưng quan trọng phải có “đề-pô” nước đá, bán kèm luôn nước ngọt và không thể thiếu bia chai Sài Gòn ướp lạnh (bỏ chung trong thùng “mốp” đựng đá). Vài bộ bàn ghế cũ kỹ kê dọc ngoài hàng hiên trước quán, là nơi “anh hào” trong hẻm ngồi nhậu bia tán láo.
Nhậu quán vỉa hè luôn được những người bán dạo tiếp mồi
|
Bia “đầu hẻm” kiểu này, giá không đâu có thể rẻ hơn, chai Sài Gòn xanh ướp lạnh, giá chỉ có 7 ngàn đồng một chai. Mồi thì thường là dĩa đậu phọng, hay đôi khi chỉ là vài điếu thuốc nhả khói bâng quơ. Chủ yếu là người ta “nhậu” câu chuyện, chuyện đầu trên xóm dưới, chuyện bão lụt miền Trung, heo chết xác nổi lềnh bềnh... trên TV, chuyện thằng cha mất nết đi với con mẹ xi-cà-que, chuyện bà Tám nằm mơ “luận đề” cả xóm đánh theo... trớt quớt.
Bà chủ tiệm phốp pháp, xởi lởi, miệng bằng tay, tay bằng miệng, vừa la chồng đi giao bia, giao nước đá, vừa đi qua đi lại bán hàng. Lâu lâu, thay gì châm mồi hay châm nước đá (cái này khách tự phục vụ), bà chủ quán lại châm cho câu chuyện thêm xôm tụ, đế thêm những đoạn cần lên “cao trào”.
Ông xe ôm tranh thủ lúc vắng khách, “quất” hai chai xanh ướp lạnh, bụng chắc đã réo lọc xọc, kêu thêm tô mì gói. Tô mì châm nước sôi bốc khói, thêm vài cọng hành xanh, trái ớt hiểm đỏ chót, thêm miếng chanh. Thế là “khổ chủ” xì xụp, sau khi thỏa mãn cái bao tử, quẹt miệng kêu tính tiền. Cả bia, cả mì tổng cộng là 20 ngàn đồng.
Khách bước ra, bà chủ quán còn chống nạnh nói với theo: “Tôi cá mấy ông đi đâu, ngồi quán nào cả buổi mà hết có hai chục ngàn như quán tôi!”
***
Nhậu vỉa hè bình dân đúng nghĩa, ngoài bia, mồi rẻ, điểm “nhận diện” quan trọng nữa là những nơi này thường bán kèm thêm cả rượu đế, với giá từ 5 cho tới 6 ngàn đồng/1 xị.
Nếu như bia “đầu hẻm” thường không mấy nơi bán kèm mồi, thì nhậu vỉa hè thường bán kèm theo mồi giá rẻ, như cái hột vịt lộn 6 ngàn đồng/1 trứng, hay khô chỉ vàng 10 ngàn đồng 3 con (loại mình mỏng, giơ xương). Ðiểm đặc biệt của nhậu vỉa hè là ngoài việc nhìn thiên hạ xe cộ qua lại ồn ào, còn tha hồ ăn uống lặt vặt với những người bán hàng rong đi ngang qua. Bịch đậu phọng 5 ngàn đồng, trái xoài xanh chấm muối ớt 5 ngàn đồng, bắp xào tôm khô mỡ hành 10 ngàn đồng, bò bía 3 ngàn đồng/1 cuốn... Còn thêm vô số thứ khác được “cung ứng” cho quán nhậu vỉa hè như khô bò, trứng cút, tré, bánh giò và cả... kẹo kéo.
Quán bình dân ở Sài Gòn cũng như quán nhậu vỉa hè Sài Gòn là nơi có một đặc điểm mà các vùng miền khác khó có được là ngoài sự hòa đồng vui vẻ giữa những con người xa lạ, còn là nơi chấp nhận cho những người bán hàng rong tới chào mời bán hàng cho khách.
Quán ‘bia đối chứng’ với giá 15 ngàn đồng một lít bia hơi.
|
Dĩ nhiên sẽ làm giảm thu nhập của quán vì đồ bán hàng rong thường rẻ và lại là món khoái khẩu của mấy ông nhậu. Nhưng người buôn bán bình dân ở Sài Gòn thường có suy nghĩ đơn giản của nơi “đất Phật” là: “Mình sống được thì cũng nên để cho người khác kiếm sống”.
Nhậu vỉa hè Sài Gòn, trong ánh đèn đường mờ mờ không phải là dân có máu “bụi” thì nhiều khi cũng không dám ngồi vì không thiếu khi có mấy anh “vai năm thước rộng, thân mười thước cao” ở trần với những hình xăm, rượu vào lời ra, chửi thề rổn rảng như chốn không người.
Lại cũng không thiếu khi mấy cô thiếu nữ xinh đẹp chạy xe tay ga đắt tiền cũng tấp vô quán nhậu vỉa hè, kêu mấy con khô mực nướng, rồi thì cũng rót bia cụng ly côm cốp, miệng hét “Dzô!”, “Dzô!”...
Nhưng cánh đàn ông chỉ dám ngó sang bàn các cô với những ánh mắt “thèm thuồng” không mấy ai dại dột bước qua. Vì nếu chỉ vui đùa bâng quơ, hoặc mời mấy cô cụng ly xã giao dzui dzẻ thì không có vấn đề gì, các cô cũng vui vẻ hưởng ứng. Nhưng gã nào “lạng quạng” với mấy đóa hồng lửa này thì chỉ cần một động tác “rút” phone a-lô một cái, chưa đầy 3 phút sau đám bảo kê ào tới là kẻ lạng quạng kia tỉnh dậy thì đã thấy mình đang nằm trong nhà thương.
Nhậu gầm cầu Sài Gòn, thường là ở quận 4, quận 8 nơi đây xưa nay vẫn được mệnh danh là “miền đất dữ”. Khách thường là giới giang hồ, hoặc dân lao động ở gần đó, cũng đôi khi có dân nhập cư miền Trung (thường ở độ tuổi trung niên) và họ cũng thích uống rượu hơn bia.
Dưới chân cầu X (giáp ranh giữa quận 8 và khu Trung Sơn) bán mồi bình dân nhưng cực ngon, hai con khô chỉ vàng giá 10 ngàn đồng nhưng là loại khô mập, ngọt thịt chứ không ốm và ngọt đường như mấy nơi khác. Dĩa hột gà ốp-la hai trứng chiên vàng óng với cà-chua và rau xanh trình bày đẹp mắt bao quanh cũng giá chỉ có 10 ngàn đồng. Nhiêu đó mồi cũng đủ cho dân nhậu chuyên nghiệp “đã đời ông địa” rồi.
Những nơi gầm cầu này, dân nhậu thường không ồn ào như những quán “lộ thiên” khác. Ðôi khi hay gặp những người đàn ông lớn tuổi ngồi một mình lặng lẽ. Tìm hiểu, những “nhân vật” lặng lẽ này hoặc là giới anh chị có “số má” nay đã “rửa tay gác kiếm” với hy vọng “để đức lại cho con”.
***
Quán bia bình dân ở Sài Gòn rẻ nhất là loại bia hơi, những quán loại này là “tàn dư” của thời bao cấp xã hội chủ ngãi, thường được gọi là “bia đối chứng”. Trước kia giá chỉ có 2 ngàn rưỡi một lít, bây giờ đã là 15 ngàn đồng một lít, nên cũng không rẻ hơn bia chai Sài Gòn là mấy. (Thường quán bình dân bán chai bia Sài Gòn từ 8 ngàn tới 9 ngàn/1 chai, loại xanh 450ml.)
Tại những quán bia bình dân còn có một loại bia hơi khác do mấy nhà máy “mi-ni” cung cấp với giá chỉ có 6 ngàn đồng/1 lít. Thấy dân nhậu khen là bia này uống cũng... tốt. Còn uống nhiều thì bia nào mà chẳng nhức đầu?
Trước kia Sài Gòn có một số quán nhậu bình dân “nổi tiếng” với giá đồng hạng - một dĩa mồi là 10 ngàn đồng. Nhưng nay thì vật giá leo thang phi mã nên hầu hết đã lên giá hoặc dẹp tiệm. Riêng tại khu “chợ thuốc” Huỳnh Tịnh Của có một quán bán bia hơi 6 ngàn đồng/1 lít và bia chai Sài Gòn ướp lạnh, ngay mặt tiền đường mà giá mồi nhậu ở đây trung bình là 16 ngàn đồng một dĩa.
Tại quán nhậu “chợ thuốc” Huỳnh Tịnh Của này, một chiều mưa bão chúng tôi ngồi uống với mấy người công nhân của công ty cây xanh. Nghe họ than: “Mấy ông giám đốc bên công ích lãnh lương hàng tỉ đồng một năm, báo chí phanh phui bị ‘ngưng chức’ nhưng lương tụi tôi cũng rớt từ 6 triệu một tháng còn có 4 triệu”.
Ði nhậu bình dân ở Sài Gòn thường là vui, vì được nghe tiếng cười, lời tâm sự của giới lao động - từ hào sảng tới... chua cay. Nhưng dân lao động ngày nay ăn nhậu cũng rất chừng mực, không chỉ vì suy thoái kinh tế, tiền bạc thu nhập ít đi, mà quan trọng họ ý thức được sức khỏe là tài sản lớn nhất mà họ có, do đó người lao động cũng ít ai nhậu tới “lết-xà-bết” như ngày xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét