khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Giáng Sinh Ở Một Làng Nhỏ Miền Đồng Tháp -- Tác giả: Duyên Anh



Nhà thờ Bến Siêu, xã Tân Huề, tỉnh Đồng Tháp


Năm 1958, áo cơm đưa đẩy tôi về miền Tây. Đói, đầu gối phải bò. Và tôi đã bắt đầu gối tôi phải bò mãi về làng Mỹ Lương, thánh địa Hòa Hảo, nơi ra đời của vĩ nhân Huỳnh Phú Sổ, dạy ở ngôi trường trung học bán công mà học trò, hầu hết đều bằng tuổi tôi. Mỹ Lương buồn lắm. Vào những ngày mười tư, mười rằm và ba mươi, mồng một chợ búa chỉ bán rau cỏ, tương chao, tầu vị yểu. Quán nước trần xì cà phê đen. Điểm tâm bằng dầu cháo quẩy. Không thịt cá những ngày đó. Là kẻ tội lỗi từ thuở lọt lòng, dẫu ăn chay trường cũng khó sạch tội, nên khi thánh địa ăn chay, đọc kinh, nghe lời giảng của Đức Thầy, tôi bèn làm những chuyến... sang sông.

Con sông nhỏ có thể đưa ghe, tầu sang tận Cao Miên nhưng chỉ đưa tôi qua Tân Huề bằng chiếc đò máy. Cách một dòng sông bên này là thánh địa Hòa Hảo, bên kia là... lung tung beng. Một xóm đạo nhỏ với ngôi nhà thờ bé và vị linh mục kéo vĩ cầm. Lại chỉ khoái chơi nhạc kháng chiến! Tôi có nhiều học trò bên Tân Huề. Và tôi thường mò sang ăn mặn vào dịp Mỹ Lương ăn chay. Tôi quen với linh mục khoái nói chuyện bưng biền hơn là nói chuyện Chúa, ở Tân Huề. Nhà thờ thiếu cái đàn "Harmonium", thiếu ban hát lễ, thiếu nhô con áo đỏ giúp lễ ố những chuyên viên quỳ ố thiếu luôn bánh thánh và... nước phép. Cha sở - tạm gọi thế - kéo vĩ cầm buồn cười vỡ bụng. Ngài lười "vibrer". Ngài cứ đưa cái "archet" lên xuống cả những nốt ngân. Nhưng con chiên của ngài xứng đáng được Chúa thương xót nhất nếu Chúa biết ngót mười lăm năm trời, họ đã sống trong nỗi hãi hùng, lép vế, buồi tủi. Mà vẫn phụng thờ Chúa, vẫn tin ngày nhắm mắt được gặp Chúa ở trên trời, vẫn làm sáng danh Chúa.

Giáng Sinh những năm trước, tôi không biết ở đây, ở cái xóm đạo nhỏ bé của làng Tân Huề thuộc miền Đồng Tháp, cái đám giáo dân tổ chức đón mừng Chúa Hài Đồng ra đời ra sao, nhưng năm nay, hang đá tại nhà cô Út lớn gấp ba hang đá của nhà thờ. Tôi thấy một điều lạ. Chúa ở thật xa, Cha ở thật gần, đám con chiên hèn mọn của Chúa chỉ theo Chúa. Có lẽ, cha sở mải lo chuyện bưng biền, quên phụng vụ Chúa, quên an ủi đám con chiên lạc lõng, bị kìm kẹp giữa miền hắt hủi như những tội đồ. Cô Út là chị thằng Lễ, học trò lớp đệ thất. Cô mở tiệm may bên Tân Châu. Mọi năm, cô không về Tân Huề mừng Chúa giáng sinh đâu. Ở Tân Châu vui hơn. Nhà thờ lớn hơn. Tiếng chuông ánh ỏi hơn. Lời ca vút cao hơn. Giáng sinh năm nay, cô Út mừng Chúa ra đời ở quê nhà. Chắc tại thằng Lễ nói có tôi dự tiệc nửa đêm ở nhà nó. Tôi không phải là công giáo. Gần Giáng Sinh, tôi dạy tới bài Christmas trong cuốn Anglais Vivant của Fialip Carpentier. Bài này và hai bài kế tiếp đều nói về Giáng Sinh, thời tiết trong ngày Giáng Sinh với ông Santa Claus. Thằng Lễ tưởng tôi khoái "đạo" của nó lắm nên năn nỉ mời tôi sang Tân Huề. Tôi nhận lời ngay. Buổi chiều hôm 24, nhà thằng Lễ rộn rã mà nếu Chúa biết. Ngài sẽ cảm động vô cùng. Cái cổng chào đã dựng xong ở ngõ từ sáng. Trên nền lá dừa chẻ nhỏ, cắt ngắn là hàng chữ cắt ráp tỉ mỉ của Lễ "Mừng Chúa Giáng Sinh". Chiếc đèn ông sao treo ở giữa. Rất đông bà con thân thuộc của gia đình Lễ tới tô điểm hang đá và trang hoàng nhà cửa. Cuối sân, cô Út đang sửa soạn bếp quay một cặp ngỗng. Mọi người hầu như quên nhà thờ, quên cha sở, quên cả nỗi cay đắng trải dài nhiều năm tháng. Họ ăn mặc chỉnh tề. Niềm hân hoan hiện rõ. Càng thắm đậm oan khiên, tủi cực họ càng tin rằng Chúa không bỏ họ như cha sở. Chúa sẽ đến với họ. Chúa đã quên họ từ bao nhiêu năm nay. Chúa phải đến đêm nay. Chỉ cần Chúa đến giây lát. Chỉ cần Chúa hiểu họ không bao giờ quên Chúa và lời dạy của Chúa.

Đêm xuống dần. Gió sông lùa lên tăng thêm cái lạnh dễ yêu. Tôi bảo Lễ chở xe gắn máy đưa tôi đến nhà thờ. Nhà thờ ở gần bến đò. Vắng như bến đò. Có một giáo đường nào im bóng hơn giáo đường này, vào đêm Chúa giáng sinh? Hai chúng tôi trở về. Những chiếc đèn ông sao thắp sáng một vùng quê hương u tối. Mọi người quỳ trước hang đá cầu nguyện và suy tôn Chúa cao cả. Mùi hoa Huệ thơm nhẹ. Hoa Huệ chỉ thơm khi gần khói hương hay gần ánh đèn cầy. Mùi thịt ngỗng quay thơm lừng. Nhưng tôi còn ngửi được một mùi thơm thần thánh toát ra từ những tâm hồn ngoan đạo của đám con chiên côi cút đang kính cẩn nguyện cầu trước Chúa của họ. Tôi tự hỏi ngoài nhà thằng Lễ, còn nơi nào đón mừng Chúa giáng sinh bằng nghi thức ở nhà thằng Lễ. Nghi thức! Không, không nghi thức đâu. Đó là sự tôn kính tuyệt đối. Đó là ý muốn của Chúa. Chúa cũng giản dị. Chúa ghét nghi thức. Chúa giáng sinh không phải vì nghi thức, cho nghi thức. Mà vì nỗi cùng khổ của loài người, cho loài người biết thương yêu nhaụ

Gần nửa đêm, tiếng cầu nguyện lớn thêm, lan tỏa. Và khi tiếng chuông buồn tẻ từ giáo đường vọng tới, mọi người mừng vui cuống quýt. Chúa đã ra đời. Chúa đã ra đời cách đây 1958 năm, ra đời ở một nơi thấp hèn hơn nhà thằng Lễ. Người ta bỗng thấy thiếu một cái gì. Ba thằng Lễ giục tôi:

- Thầy Long, thầy có biết hát thánh ca không ?

Phải thú thật là tôi xúc động ghê gớm. Tôi gật đầu. Và tôi run giọng hát

- Silent night, Holly night, all is calm, all is bright...

Tôi hát tới đó, dừng lại ngay và nói:

- Quý vị cần hát một bài mừng Chúa giáng sinh với tôi.

Và tôi dạy họ hát bài "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời..."

Như thể được hưởng ân điển của Chúa, họ thuộc rất nhanh. Lát sau, tiếng hát vút lên :

Chúa sinh ra đời
Nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bê Lem
Ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung
Tiếng hát thiên thần vang lừng
. . . . . . .

Ôi Chúa thiên tòa giáng sinh thấp hèn.

Tiếng hát lắng lại. Mọi người ngước nhìn bầu trời. Cả tôi nữa. Tôi thấy một vì sao lung linh. Và tôi còn mơ hồ thấy một vì sao rơi từ từ xuống thẳng nhà thằng Lễ. Chúa đấy. Ngài đã đoái hoài đám con chiên có cái hiện tại hẩm hiu như dĩ vãng của Ngài, ở Tân Huề năm ấy.

Mười ba năm đằng đằng, tôi không có dịp trở về thăm làng Tân Huề. Chiến tranh đã qua đấy chưa? Giáo đường đã sụp đổ chưa? Cha sở đã bỏ con chiên chưa? Đám con chiên ngoan đạo bây giờ ra sao? Dù chiến tranh đã qua Tân Huề, dù cha sở bận hạc nội mây ngàn, tôi vẫn tin Giáng Sinh năm nay nhà thằng Lễ còn hang đá, còn đèn ông sao, còn lời nguyện cầu, còn hát thánh ca. Có thể thằng Lễ đã chết trận. Không sao cả, miễn là, từ cái sân đất khô cằn của nhà nó, người ta còn dựng nổi cái hang đá. Cho niềm tin.

Duyên Anh

Giáng sinh 1971

(15-12-1971)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét