Khá nhiều lần, ở những năm cuối đời, trong những cuộc rượu tàn, nhà văn Mai Thảo (1927-1998) hay đọc thơ. Ông không ngâm. Ông đọc. Tôi nhớ. Ông thường đọc thơ của bạn bè ông thời trước 1975. Trân trọng lạ lùng. Tôi không nhớ những chữ, những câu, những đoạn, những ý, những bài, những tác giả. Thi thoảng, ông cũng đọc thơ mình, vài bài trong tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền. Nhưng, những lúc ấy, nửa đêm đến về sáng, ngôn ngữ không quan trọng. Thế giới chung quanh ông im bặt. Chỉ là những âm vang. Ùn ùn. Dội lên. Từ tiếng chuông đã chôn sâu. Từ tiếng hú ngầm của nước mắt đã hoá đá. Tôi nhớ. Chung quanh là nến thắp. Là chai lọ ngổn ngang. Nhưng đó là những phút giây ông tỉnh, sống động bất ngờ.
Một Mai Thảo thật. Một Mai Thảo thi sĩ. Làm tôi phải viết hoa.
Ai say? Ai điên? Ai tỉnh? Ai quên và ai nhớ? Ai biết và ai không? Thế hệ của ông, văn chương của ông đã bám cùng những thăng trầm của đất nước. Những ra đi. Những đổi đời. Những mất mát. Trái cấm không còn. Và chúng ta đã rời bỏ vườn địa đàng từ lâu lắm. Không bao giờ quay lại. Đã bao lần trở về Việt Nam, tôi chỉ biết tự nói với mình, tôi không thấy Việt Nam. Quê hương vẫn là cái khác. Quê hương là tưởng tượng. Thay vì “Lịch sử loài người là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp không ngừng” của Marx, thì tôi nghĩ, lịch sử con người là lịch sử của những cuộc lưu vong. Chúng ta luôn luôn lưu vong và. “Chúng ta mất hết chỉ còn nhau” (thơ Vũ Hoàng Chương). Một lúc nào đó, tình cờ. Ngồi xuống. Bờ hiu quạnh. Chỗ nối của mặt đất và thời gian. Chúng tôi nghe. Như một ngàn tiếng chuông chụm lại. 1945. 1954. 1975. Rồi lúc ấy. Rồi bây giờ. Những tức tưởi bỗng nhiên hoá thành bông sen. Tự nở.
Tôi tỉnh dậy. Tôi nhớ tôi không khóc.
Tôi nhớ. Với thơ, ông kiêu hãnh và công bằng hiếm có. Một vài nhà thơ miền Nam ông quen biết, coi thường về con người, nhưng có thơ hay, ông vẫn đọc. Ông vây hàng rào quanh chữ, yêu, nâng niu và bảo vệ. Như hoa. Như trăng sao. Ông đứng cao hơn. Bên dưới, là thời gian, là cuộc đời, là lằn ranh, là tranh chấp. Có lần hỏi ông về thơ và cái điên của Bùi Giáng (1926-1998), ông buột miệng “Hỏng”. Tại sao? Ông thốt, thơ cần phải tỉnh. Thời thế này tỉnh còn không làm gì được huống chi điên. Tôi không quen và không biết Bùi Giáng, chỉ đọc được một số thơ và nghe những huyền thoại điên về ông. Nhưng điều tôi cứ thắc mắc là không biết Bùi Giáng điên hay tỉnh? Những huyền thoại đó không thể bảo là tỉnh. Những thơ đó không thể bảo là điên. Ai không có lúc tỉnh lúc điên. Cứ hoà trộn. Đó cũng là một câu hỏi mà tôi nghĩ, không bao giờ có câu trả lời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét