Thật ra tôi không đi Hà Nội, mà tôi đến Hà Nội từ một quán nhậu ở Vũng Tàu. Nó có tên là Bia Hơi Hà Nội.
Bạn tôi, Phương, là một người có kiến văn về những quán nhậu ở Vũng Tàu. Anh không nát rượu, không phải là dân nhậu lầy, ngược lại là khác. Anh làm ăn giỏi, chịu đọc chịu học, chân thành, thẳng thắn, và nồng nhiệt với bạn theo kiểu người Nam, kiểu “trượng nghĩa khinh tài”, biết thưởng thức đời sống một cách lịch lãm. Và rất sùng đạo. Trước khi nâng ly rượu đầu tiên lên thì anh làm dấu thánh và cám ơn Thượng đế đã khoan dung và đãi ngộ anh. Tôi quen Phương trên Facebook từ khi về Vũng Tàu. Dăm hôm anh lại đưa tôi đi lai rai, có khi mời dịch giả Phạm Nguyên Trường nếu ông không bận hay đang hứng thú.Chiều hôm qua Phương đề nghị ba nơi: quán cháo vịt, quán ăn của người Campuchia, và quán Bia hơi Hà Nội, và cho tôi được quyền chọn. Tôi chọn Hà Nội, nhiều phần vì tò mò, muốn thưởng thức cái phong vị thủ đô ở phương Nam xem nó như thế nào. Tôi từng ra Hà Nội dăm lần nhưng chưa từng được uống bia hơi ở đó bao giờ tuy được nghe nhiều về món này.
Bia hơi Hà Nội không phải là một cái quán bình dân ở vỉa hè như tôi nghĩ, mà nó là một nhà hàng hai tầng, khá lớn, và sang, nhưng không đông khách. Hai chúng tôi chọn bàn ở tầng trệt. Trên bàn bày sẵn gói đậu phộng húng lìu và đĩa nem. Phương gọi một bia hơi, món bia này được gọi là “bia bom” vì cái bình chứa có dạng như trái bom, dung tích chừng 3 lít. Loại bia này được chế biến ở Hà Nội, rồi được gởi theo đường hàng không vào Sài Gòn, rồi được đưa ra Vũng Tàu trong ngày. Vì công lao vận chuyển nhiêu khê như vậy nên rất quý, và hẳn nhiên rất đắt. Bình bia bom này có giá cao hơn 6 chai bia ngon. Phương gọi món của dân nhậu thủ đô đi kèm với bia bom, nó là một phần lòng lợn ăn với mắm tôm. Không biết có phải lòng lợn cũng từ thủ đô được mang vào Nam hay không nên cũng được tính giá khá cao, chừng hơn gấp đôi giá của các quán khác quanh đây. Phương bảo tôi thưởng thức hai món truyền thống phải có khi uống bia bom là lạc rang húng lìu và nem chua Thanh Hoá, đều cũng là quà ngoài ấy mang vào. Quả thật hai món này đều đặc biệt, và ngon. Lạc húng lìu được rang chín vừa tới, giòn, thơm, vị ngọt bùi, đi với bia thật đúng điệu. Tôi vẫn chưa biết húng lìu là gì, chắc lát nữa sẽ google hỏi. Nem Thanh Hoá khi lột ra thì bé bằng ngón tay, chấm với một loại tương ớt rất cay, ăn khá ngon và hạp với bia.
Bia bom. Cái tên và hình dạng gợi cho tôi hình ảnh và âm thanh của những trận chiến giữa không lực Hoa Kỳ với dân quân và lực lượng phòng không của Hà Nội trong năm chiến tranh Việt Nam leo thang 1972. Của phố Khâm Thiên và bệnh viện Bạch Mai đổ nát. Giữa tiếng cụng ly và mời uống của bạn nhậu ngồi quanh, tôi nghe ra tiếng rít xé gió, và tiếng nổ, và sức ép vỡ lồng ngực của bom từ các pháo đài bay B52. Tôi thấy phi công John McCain lóp ngóp bơi giữa hồ Trúc Bạch sau khi nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay bị rơi. Tôi thấy ông và đồng đội giặc lái gầy trơ xương trong nhà giam Hoả Lò. Tôi thấy Nguyễn Thị Bình và Lê Đức Thọ trong bàn hoà đàm của hiệp định Paris. Tôi thấy Phan Nhật Nam xả súng M16 và ném lựu đạn ở mặt trận Phước Long-An Lộc. Tôi thấy Bảo Ninh ngóc đầu khỏi hố cá nhân nhìn lên bầu trời xanh trên cao sau trận pháo ở đường mòn Hồ Chí Minh. Tôi thấy Cao Xuân Huy vừa khóc vừa chửi thề khi vuốt mắt thằng em chiến hữu bị đạn xé toang lồng ngực ở Cổ Thành Quảng Trị. Tôi thấy ba tôi về phép, áo trận bết bùn, lựu đạn đeo lủng lẳng, cầm chai Black & White nốc khan trong buổi chiều chạng vạng.
Tôi thấy chiến tranh. Tôi nốc một ngụm bia. Bia bom nhạt thếch và dở ẹt, dở và nhạt nhẽo nhất trong tất cả các loại bia mà tôi từng uống. Một người khách, là bạn của Phương, bước qua bàn của chúng tôi chào và cụng ly. Ông nói giọng Bắc. Tôi không phân biệt được có phải ông nói giọng Hà Nội hay không. Ông bảo thỉnh thoảng phải đến đây uống bia cho đỡ nhớ. Nỗi nhớ Hà Nội mà người Hà Nội phải mang theo trên đường ly hương. Tôi liên tưởng đến Mai Thảo, đến Mặc Đỗ, đến Vũ Khắc Khoan, đến Thanh Tâm Tuyền, đến Phạm Đình Chương, đến Thái Thanh, đến Vũ Hoàng Chương, đến Dương Nghiễm Mậu, đến Phạm Duy... những người di cư tị nạn Cộng Sản vào Nam cho một tương lai mới.
Bia bom không có hương vị. Bia bom chỉ mang lại những tưởng tượng về một Hà Nội mà tôi chưa từng có mặt. Tôi hiểu rồi. Tôi hiểu một điều. Bia bom là Hà Nội. Một Hà Nội trong hoài niệm. Của hoài niệm. Chỉ mơ hồ nhòa nhạt hoài niệm. Không chỉ trong vị bia nhạt nhẽo mà thôi. Mà cả trong mọi thứ. Cả trong tâm thức của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét